GeForce RTX 4050 sẽ là mẫu card thuộc phân khúc mainstream dựa trên nền tảng kiến trúc đồ họa Ada Lovelace của NVIDIA. Ra mắt với nhiệm vụ thay thế RTX 3050 hiện tại cùng tầm giá dưới 300 USD, nhưng với những gì hứa hẹn về hiệu năng mà chúng ta đang mong chờ trên RTX 4000 Series, đây có lẽ là GPU đáng mua nhất trong năm sau.
Đầu tiên, anh em lưu ý rằng những nội dung trong bài viết này được thu thập, gom góp từ rất nhiều nguồn, có những thứ mới là tin đồn, có những thứ tuy là đồn nhưng 99% sẽ xảy ra, trong khi số khác lại chắc chắn 100%.
Theo dự đoán thì NVIDIA GeForce RTX 4050 có thể sẽ sử dụng cả GPU AD107 lẫn AD106, và vì RTX 3050 hiện tại không có bản Ti, nên nhiều khả năng RTX 4050 cũng vậy, dĩ nhiên không loại trừ trường hợp NVIDIA thay đổi chiến lược sản phẩm. Lý do vì sao dự đoán AD107 và AD106 đều được dùng để tạo ra RTX 4050 là do RTX 3050 từng được sản xuất với GPU GA106, sau đó các mẫu card RTX 3050 mới sử dụng GA107 GPU rộng rãi hơn, kể từ khi phiên bản cho thiết bị di động xuất hiện. Về cơ bản thì RTX 3050 theo kế hoạch sẽ dùng GA107 GPU, nhưng những con chip GA106 không đủ tiêu chuẩn để trở thành RTX 3060 đã được tận dụng cho card thấp hơn. RTX 4050 sẽ ra mắt sau RTX 4060, hoàn toàn không có lý do gì để NVIDIA không sử dụng tiếp chiến thuật hiện tại. GA106 hay AD106 là những GPU phân khúc trên, nhưng chưa đủ mức để thành RTX 3060 hay RTX 4060, vì vậy nếu sở hữu được những card “tận dụng” này, chúng sẽ có chất lượng cao hơn về lý thuyết.
Đầu tiên, anh em lưu ý rằng những nội dung trong bài viết này được thu thập, gom góp từ rất nhiều nguồn, có những thứ mới là tin đồn, có những thứ tuy là đồn nhưng 99% sẽ xảy ra, trong khi số khác lại chắc chắn 100%.
NVIDIA AD107 Ada Lovelace GPU
Theo dự đoán thì NVIDIA GeForce RTX 4050 có thể sẽ sử dụng cả GPU AD107 lẫn AD106, và vì RTX 3050 hiện tại không có bản Ti, nên nhiều khả năng RTX 4050 cũng vậy, dĩ nhiên không loại trừ trường hợp NVIDIA thay đổi chiến lược sản phẩm. Lý do vì sao dự đoán AD107 và AD106 đều được dùng để tạo ra RTX 4050 là do RTX 3050 từng được sản xuất với GPU GA106, sau đó các mẫu card RTX 3050 mới sử dụng GA107 GPU rộng rãi hơn, kể từ khi phiên bản cho thiết bị di động xuất hiện. Về cơ bản thì RTX 3050 theo kế hoạch sẽ dùng GA107 GPU, nhưng những con chip GA106 không đủ tiêu chuẩn để trở thành RTX 3060 đã được tận dụng cho card thấp hơn. RTX 4050 sẽ ra mắt sau RTX 4060, hoàn toàn không có lý do gì để NVIDIA không sử dụng tiếp chiến thuật hiện tại. GA106 hay AD106 là những GPU phân khúc trên, nhưng chưa đủ mức để thành RTX 3060 hay RTX 4060, vì vậy nếu sở hữu được những card “tận dụng” này, chúng sẽ có chất lượng cao hơn về lý thuyết.
NVIDIA Ada Lovelace AD107 GPU được cho là sẽ sở hữu đến 3 GPC (Graphics Processing Cluster - cụm xử lý đồ họa), tương đương với GA106 GPU. Mỗi GPC chứa 4 TPC (Texture Processing Cluster) và 8 SM (Streaming Multiprocessor), trong từng SM có 4 nhân phụ (sub-core), hoàn toàn giống với GA106. Những điểm thay đổi nằm trong cách thiết lập nhân tính toán FP32 và INT32. Vì các đơn vị FP32 không chia sẻ chung sub-core với đơn vị INT32, do đó mỗi sub-core khi kết hợp cả đơn vị FP32 + INT32 sẽ có 48 nhân tính toán, nhưng trong số này gồm 32 đơn vị FP32 và 16 đơn vị INT32, chúng tách biệt với nhau. Tổng quát, mỗi SM chứa 128 đơn vị FP32 + 64 đơn vị INT32 (do có 4 sub-core), tổng 192 nhân. Trong khi mỗi GPC chứa 8 SM, vì vậy AD107 GPU sẽ có 24 SM, gồm 3072 đơn vị FP32 và 1536 đơn vị INT32, tổng cộng 4608 nhân.
Bộ đệm của Ada Lovelace là phần được NVIDIA nâng cấp khá nhiều so với Ampere. Theo đó Ada Lovelace sẽ trang bị dung lượng L1 cache là 192 KB cho mỗi SM, tăng thêm 50% so với thế hệ hiện tại. L2 cache theo những tin đồn sẽ có 16 MB, nếu điều này là đúng thì mức tăng là gấp 8 lần (Ampere chỉ có 2 MB bộ đệm L2), chia sẻ chung trên toàn GPU. Về các đơn vị dựng hình ROP (Render Output Unit), AD107 GPU sẽ có 16 ROP trên mỗi GPC, tổng 48 ROP, tương tự như GA106 GPU. Ngoài ra, AD107 GPU cũng sẽ trang bị Tensor Core thế hệ 4 và RT Core thế hệ 3, tăng cường hiệu năng của tính năng DLSS và ray tracing.
Thông số kỹ thuật GeForce RTX 4050
GeForce RTX 4050 sẽ sử dụng GPU nào còn phụ thuộc vào việc nguồn cung chip của NVIDIA và tỉ lệ lỗi ở node 5 nm cải tiến (4N) của TSMC. Sẽ có sự khác biệt đôi chút về diện tích đế, điện năng tiêu thụ hay số transistor, tùy thuộc vào GPU AD106 hay AD107, nhưng gần như chắc chắc RTX 4050 sẽ có đến 3072 nhân CUDA, 16 MB bộ đệm L2 và 48 ROP. Mức xung hoạt động chưa được xác nhận nhưng dựa trên TSMC 4N thì khả năng sẽ nằm trong khoảng 2000 MHz đến 3000 MHz.
Vì sao lại có mức xung dự đoán cao đến như vậy? Ampere được sản xuất dựa trên tiến trình 8 nm của Samsung, nhưng thực chất nó không phải là 8 nm thực thụ mà là 10 nm với 1 số cải tiến, tối ưu hóa. Với Ada Lovelace, NVIDIA quyết định “nhảy cóc”, bỏ qua node 7 nm và sử dụng luôn node 5 nm, đặc biệt hơn nữa là node 5 nm cải tiến (TSMC 4N) thay vì 5 nm thông thường. Trước đây khi mà kiến trúc Pascal ra mắt trên tiến trình công nghệ 16 nm, chúng ta đã từng thấy những mẫu card có mức xung cao vượt trội, và hi vọng là Ada Lovelace cũng sẽ tương tự.
Về bộ nhớ đồ họa, dự kiến GeForce RTX 4050 sẽ trang bị 8 GB dung lượng với chuẩn GDDR6X, độ rộng 128 bit, tốc độ hơn 20 Gbps mang lại băng thông tối đa đến hơn 320 GBps. Trường hợp NVIDIA “chơi đẹp”, card có thể sở hữu đến 12 GB VRAM, ngược lại họ cũng hoàn toàn có thể cắt xuống còn 6 GB với độ rộng còn 96 bit chẳng hạn. Những quyết định này sẽ phụ thuộc vào chiến lược sản phẩm và giá bán đề xuất, phần còn lại sẽ bị ảnh hưởng bởi đối thủ AMD và Intel. RTX 4050 được cho là có mức TGP (Total Graphics Power) vào khoảng 150 W, mức tăng 30% so với RTX 3050 sử dụng GA107 và khoảng 15% so với GA106. Ở 150 W, về lý thuyết thì cần cấp thêm nguồn bằng 1 đầu PCIe 6 pin (75 W + 75 W khe PCIe), nhưng do RTX 3050 sử dụng nguồn phụ PCIe 8 pin (để đảm bảo an toàn và đủ năng lượng), RTX 4050 có lẽ cũng sẽ giống như vậy. Những tin đồn cần được khớp với nhau nếu thành sự thật, và nếu TGP của RTX 4050 là 150 W, card cần có hiệu năng tương ứng (8 GB GDDR6X 128 bit chẳng hạn) để đủ sức thuyết phục người dùng.
Chúng ta cũng kỳ vọng GeForce RTX 4050 sẽ được NVIDIA trang bị những tính năng mới nhất, như Tensor Core thế hệ 4, RT Core thế hệ 3, NVENC Encoder và NVDEC Decoder mới nhất, cũng như hỗ trợ các giao diện lập trình ứng dụng (API) hiện đại. Các tính năng hỗ trợ khác của card đồ họa RTX Series như DLSS, Reflex, Broadcast, Resizable-BAR, Freestyle, Ansel, Highlights, Shadowplay, G-SYNC cũng sẽ góp mặt đầy đủ.
Khả năng tính toán của GeForce RTX 4050
Quảng cáo
Khi mà GPU Ada Lovelace đầu bảng - RTX 4090 Ti (AD102) - sắp ra mắt, người ta đã đồn rằng nó sẽ là mẫu card đồ họa chơi game đầu tiên chạm mốc khả năng tính toán đến 100 TFLOP (FP32). Mức xung của RTX 4090 Ti được cho là khoảng 2.8 GHz, chúng ta có thể dự đoán xung của nhân vật chính trong bài viết rơi vào khoảng 2.2 GHz, tương ứng với khoảng 14 TFLOP. Dĩ nhiên khả năng xử lý FP32 cao không đồng nghĩa với hiệu năng chơi game tốt hơn về tổng thể, nhưng ít nhất thì nó mạnh. Nếu so với thế hệ trước (và giả sử những dự đoán là đúng) thì khả năng tính toán FP32 của RTX 4050 tăng thêm hơn 55%, chưa kể đến việc card sẽ trang bị Tensor Core thế hệ 4 và RT Core thế hệ 3.
Đối với dòng card xx50 của NVIDIA, người dùng hay game thủ thường chỉ nhắm đến khả năng chơi tốt các game ở độ phân giải Full HD mà thôi. RTX 3050 hiện tại có thể hoàn thành được nhiệm vụ 1080p nhưng nó chưa đủ tốt và chưa đủ hấp dẫn, 1 phần vì giá thành và 1 phần vì hiệu năng khi so sánh với RTX 2060 trước đó. Lẽ thường thì dòng card xx50 đời sau sẽ mạnh ngang ngửa dòng card xx60 đời trước, kèm theo tính năng mới để thuyết phục người dùng bỏ thêm chi phí nâng cấp, RTX 3050 thất bại ở điểm này. Dù TDP thấp hơn và chỉ cần 1 đầu PCIe 6 pin cũng đủ nhưng NVIDA quyết định dùng nguồn phụ 8 pin, tương tự như RTX 2060 nhưng hiệu năng còn kém nhiều. Với những thông tin tính đến hiện tại, hi vọng RTX 4050 sẽ thực sự khác biệt, tránh đi vào vết xe đổ của thế hệ trước.
Giá đề xuất và ngày ra mắt dự kiến
Mức giá đề xuất (MSRP) của GeForce RTX 3050 được NVIDIA xác định là 249 USD, vì vậy dự đoán RTX 4050 cũng sẽ có cùng mức giá, với chênh lệch loanh quanh khoảng 10 USD đến 20 USD. Phân khúc 200 - 300 USD thực sự rất quan trọng do hầu hết game thủ chọn mua card đồ họa ở khoảng giá này, nếu không có sự ảnh hưởng của tiền kỹ thuật số như thời gian vừa qua, đây gần như là nguồn khách hàng chính. Điều cốt yếu là NVIDIA phải cho họ thấy được sự hấp dẫn của RTX 4000 Series hay cụ thể là RTX 4050 để thuyết phục họ móc hầu bao. Phần lớn người tiêu dùng chân chính đã bị quay lưng trong 1 thời gian dài, có thể do NVIDIA quan tâm đến việc tạo thu nhập từ lượng “trâu cày” nhanh và nhiều hơn trong cơn khát card toàn cầu; cũng có thể họ không tìm ra được giải pháp tối ưu. Ai biết đâu đấy nhưng lòng tin ít nhiều đã sứt mẻ rồi, và nếu từ trước đến nay họ chỉ phải quan sát mỗi 1 đối thủ là AMD thì nay, Intel đã nhảy vào chia phần miếng bánh với Arc Alchemist. Intel Arc chưa tạo ra nguy cơ lớn ở thời điểm hiện tại, nhưng không gì đảm bảo rằng mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, vì họ đang đi những bước đi chắc chắn và nghiêm túc.
Theo các tin đồn thì khoảng thời gian cuối năm 2022, người dùng sẽ gặp gỡ RTX 4000 Series Ada Lovelace, với các đại diện đầu bảng gồm RTX 4090, RTX 4080 và RTX 4070. Mẫu RTX 4060 có thể sẽ xuất hiện vào đầu năm 2023, trong khi RTX 4050 là thành viên góp mặt cuối cùng, dự đoán khoảng Q2/2023.
Quảng cáo
NVIDIA GeForce RTX 4050 là card đồ họa đáng để mua nhất?
Theo truyền thống, RTX 4000 Series sẽ được giới thiệu từ cao xuống thấp, khởi đầu là RTX 4090 thuộc phân khúc cao nhất - Titan Tier, tiếp đó là Ultra Enthusiast Tier với RTX 4080 Ti rồi đến RTX 4080 nằm trong Enthusiast Tier và mẫu RTX 4070 thuộc High-End Tier. Với Mainstream Tier chúng ta có RTX 4060 và thấp nhất - Entry Tier - là RTX 4050. Nhân vật chính trong bài có tầm giá trung bình khoảng 250 USD, nhắm đến các game thủ không quá nhiều tiền (nhưng số lượng người dùng này rất lớn), thích trải nghiệm tính năng, công nghệ mới và chấp nhận hiệu năng thấp hơn, đi cùng mức giá dễ chịu.
Đối tượng khách hàng của RTX 4090 Series là những người cực kỳ đam mê công nghệ, muốn sở hữu mọi thứ mới nhất, tốt nhất mà không quan tâm giá thành. Trong khi đó RTX 4080 Series hướng đến game thủ muốn có hiệu năng tốt nhất nhưng giá cũng phải hợp lý, còn RTX 4070 dành cho những ai xây dựng cấu hình high-end, có nhu cầu chơi game ở độ phân giải khoảng 4K với hiệu ứng thiết lập phù hợp. RTX 4060 Series thuộc dạng không ngán độ phân giải 2K, và RTX 4050 thì sẵn sàng đáp ứng mọi game ở 1080p - những game thủ ít tiền hoặc chỉ chơi game trực tuyến và cần tính năng RTX mới.
RTX 3050 đáng lẽ ra đã trở thành 1 mẫu card đồ họa tốt nếu như không có tiền số. Với hiệu năng gần bằng RTX 2060 và bộ tính năng RTX thế hệ mới nhưng gặp phải lúc thị trường “rối ren”, gần như rất ít người dùng cảm thấy RTX 3050 đủ hấp dẫn để mua. Thay vào đó, họ sẽ chọn RTX 2060, tuy cũ hơn 1 thế hệ nhưng khả năng chơi game tốt hơn, tính năng RTX cũng không thiếu. Xét ở giá MSRP, RTX 3050 mạnh hơn, nhiều điểm hay ho hơn RX 6500 XT, nhưng để sở hữu được ở MSRP là chuyện không thể.
Giờ đây khi tiền số đã sụp đổ, nguồn cung card đồ họa trên thị trường (cả cũ và mới) quá dồi dào đến dư thừa, người dùng lại mang tâm trạng chờ thủ mới. Họ chờ giá giảm thêm, người khác thì chờ thế hệ mới, vì vậy cầu sẽ thấp và NVIDIA biết điều đó. Giả sử như không có gì thay đổi, NVIDIA sẽ phải quyết định mức MSRP cho RTX 4050 thật hợp lý, biến nó trở nên đáng mua với hiệu năng trang bị đủ tốt (mạnh hơn RTX 3060 hiện tại) nhằm lấy lòng lại phân khúc khách hàng chính yếu. Từ đây đến khi RTX 4050 ra mắt thực sự cho là khoảng hơn 6 tháng, không nhiều, nhưng biết đâu vẫn đủ cho Intel hoàn thiện và tối ưu driver cho Arc. Khi đó, trận chiến ở phân khúc 200 - 300 USD sẽ rất nóng và mang tính quyết định cho doanh thu của các hãng trong năm sau.