1. PHI NHUNG VÀ TUỔI THƠ CỦA TÔI
Tôi sinh ra giữa miền Trung nắng gió khô cằn, không biết tự lúc nào tôi rất thích hát, chắc tôi giống má, má tôi mê hát lắm. Tôi chỉ nhớ tôi có thể hát không ngừng nghỉ để đưa võng ru những đứa em cho đến khi chúng chìm vào giấc ngủ. Rồi khi đến trường, lớp nào, cấp nào tôi cũng được chọn là người hát mở màn khi bắt đầu một chương trình văn nghệ của cả lớp. Những bài hát khi đó của tôi đa phần là được má chỉ lại, má thích nhạc trữ tình, nhưng tôi chỉ được khuyến khích nên hát những bài cổ vũ kháng chiến, không nên hát nhạc trữ tình - thứ nhạc toàn nói về tình yêu nam nữ. Tôi hát được, không quá tệ, nhưng để cảm thụ và yêu mến say xưa, để tự hát 1 mình để thưởng thức thì có lẽ là chưa.
Sau đó tôi tiếp cận và có nghe một số bài mà người ta gọi là nhạc sến qua những băng cassette, những bài có âm điệu buồn, mà sau này mới biết đó là bolero, chủ yếu nói về tình yêu nam nữ, tôi thích những bài nhạc đó, vì có thể hát lại được khá tốt, nhưng lúc đó tôi vẫn chưa chú tâm hay để ý người hát, chưa chú ý để cảm động những mẫu chuyện mà bài hát kể. Có thể là bài hát vẫn chưa đủ cuốn hút cái hồn để tôi có thể tò mò tìm hiểu sâu hơn, hoặc có thể ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, tôi chưa cảm thụ được.
Một ngày đẹp trời năm 1999 khi tôi bắt đầu vào cấp 3, tôi nghe văng vẳng bên tai bài “bông điên điển” nhà hàng xóm mở. Nhịp điệu bài hát nhanh, dứt khoát, tiếng hát dày, ấm cao vút, và rất có hồn. Tôi rất thích và có cảm tình, sau đó tìm những bài hát của ca sĩ này để nghe. Hai bài tiếp theo tôi nghe là “Sông quê” và “Hoàng hôn màu tím”, đặc biệt sau khi nghe xong bài “Hoàng hôn màu tím”, tôi có cảm tình và phải lòng luôn với cô ca sĩ này, bởi sự tự nhiên trong cách hát như nước chảy mây trôi mà vẫn truyền tải trọn vẹn cảm xúc và tình cảm của bài hát.
Và cái tên Phi Nhung đến với tôi từ đó.
Tôi bắt đầu tìm nghe hết những bài hát của Phi Nhung. Gu âm nhạc của tôi, lúc đấy như tờ giấy trắng tinh, bắt đầu điểm tô những nốt nhạc đầu tiên. Tôi thích kiểu hát của Phi Nhung, thích sự luyến láy rất êm tai mà tự nhiên của cô ấy, thích sự thể hiện bài hát tự nhiên quá đỗi giống như bản thân cô ấy, thích cả những bài hát của cô ấy, tôi bắt đầu yêu mến Phi Nhung, tôi thường so sánh khi biết có người khác hát bài mà Phi Nhung đã hát, nhưng phiên bản mà Phi Nhung thể hiện luôn là số 1.
Nhà tôi có cái đài nhỏ nhỏ xinh xinh được ba mua khi ba làm thuê trong SG lúc tôi còn nhỏ. Lúc nhỏ má thường mở cải lương, nên tôi cũng nghe theo, tôi biết nhiều ca sĩ cải lương hồi đó như Minh Vương - Lệ Thủy, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, Vũ Linh - Tài Linh, …. Bẵng đi thời gian, má bận công việc mưu sinh nên không còn nghe nữa, cái đài cũng vứt trong kho, chắc là cất lâu lắm. Mãi đến khi tôi phát hiện và nghe nhạc Phi Nhung, sực nhớ ở nhà có cái đài, tôi lôi cái đài trong kho ra, mang đi sửa, và âm nhạc bắt đầu hình thành trong tôi từ đây. Ba đâu biết rằng, chính cái đài tuy nhỏ nhỏ ấy, nhưng nó chất chứa cả tuổi thơ của tôi trong đó, trong cái đài tuy nhỏ nhỏ ấy, có cô ca sĩ Phi Nhung, khi tôi vui hay buồn, muốn nghe là cô ấy hát vô điều kiện.
Tôi nhiều lần vặn volume hết cỡ để thằng bạn hàng xóm nghe được cái bài hát này, bài mà tôi cho rằng Phi Nhung hát hay hơn mấy ca sĩ khác, hay hơn phiên bản mà nhà nó hay mở. Tôi nhiều lần tủi thân sao cái đài nhà mình nhỏ quá, để tôi không thể cho cả xóm nghe được bài hát rất hay mà Phi Nhung hát. Nhưng tôi cũng chợt hiểu lại rằng, nếu không có cái đài này, chắc tôi không thể nào tiếp cận và thưởng thức được âm nhạc, cũng như biết được tiếng hát của Phi Nhung. Tôi thực sự luôn cảm ơn và trân quý cái đài nho nhỏ này.
Cũng nhờ có sự cảm thụ âm nhạc này, tuy ở lứa tuổi hơi trễ, nhưng đó là một thời điểm mà tôi nhớ mãi, bởi lẽ sau đó là bắt đầu quá trình tìm tòi những bài hát của Phi Nhung, bắt đầu nghe đi nghe lại rất nhiều những bài hát và tập hát theo, bắt đầu cảm thụ và soi từng lời, từng nốt trong bài nhạc. Nhờ có quá trình này mà cái tuổi thơ của tôi như kéo dài ra, mọi ký ức thời cấp 3 ở quê nhà cũng được lưu trữ nhiều hơn nhờ những bài nhạc được nghe. Tôi nhớ những buổi chiều vừa nấu cơm, vừa canh lửa, vừa chạy lên nhà nghe và xem bài “bông bí vàng” Phi Nhung hát. Nhớ buổi đi học, đi dọc đường nghe giọng Phi Nhung hát, tôi phải dừng lại nghe cho hết bài, mặc dù có thể trễ giờ vào lớp, rồi sau đó đạp vội vã đến trường cho kịp giờ. Nhớ những buổi sáng rảnh rỗi, bỏ cả thú vui chơi đá banh ở nhà mấy đứa hàng xóm để nằm ở nhà mở nghe Phi Nhung hát. Nhớ những buổi tối giải bài toán không ra, mở đài lên nghe chị hát rồi tập tành hát theo cho bằng được, cuối cùng hát cả buổi tối luôn, …. Những lúc vui, nằm ở nhà mở Phi Nhung hát nghe cả buổi trời, rồi những lúc buồn, bị ba má rầy, cũng mở Phi Nhung nghe, như được chia sẻ bớt nỗi buồn. Suốt ngày ở nhà, tôi đều mở Phi Nhung, đến nổi má tôi cũng phải thốt lên “cái thằng nó mê Phi Nhung thiệt”.
Những bài hát của Phi Nhung không giống bất kỳ những ca sĩ băng đĩa khác, không phải chỉ quanh quẩn hoàn toàn tình yêu lứa đôi, mà có nhiều bài nó giảm tình yêu lại 1 xíu, tăng hình ảnh quê nhà lên 1 xíu, kết hợp với điệu nhạc trữ tình hơn, sau này tôi mới biết đó là nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca. Cũng nhờ thể loại nhạc này, tôi biết khá nhiều về cuộc sống ở nơi cách tôi rất xa, gọi là Miền Tây. Tôi biết rất nhiều địa danh và các tỉnh ở miền Tây sông nước, như Bến Tre, Cà Mau, Hà Tiên, Hậu Giang, Cần Thơ, Gành Hào …. Mặc dù thời đó tôi chưa bao giờ đi ra khỏi tỉnh. Tôi biết những đặc thù ở miền sông nước mà quê tôi không có, như nước lớn nước ròng, miệt vườn, biết bông điên điển, tôi biết những điển tích như công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, chiếc chiếc áo bà ba, chuyện tình Lan và Điệp … biết nhiều thứ lắm, một miền Tây với cảnh sông nước tuyệt đẹp và con người chân chất thật thà được vẽ ra rất đẹp bằng thứ âm nhạc vô cùng lôi cuốn. Tôi còn biết những chân lý kiểu như “cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ sao tính tháng tính ngày”, hay “đốn cây ai nỡ chiết chồi, đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”, hay là “người giàu cũng khóc”. Ngoài ra tôi còn biết thân phận lam lũ, cơ cực nhưng một dạ son sắc thủy chung của phụ nữ ở xã hội Việt Nam, biết thân phận con gái lớn lên là phải theo chồng. Cũng nhờ thứ nhạc này, tôi bắt đầu biết về tình yêu nam nữ, một tình yêu mà có nói hoài cũng không bao giờ hết ý.
Người ta nói thời gian chỉ là tương đối, khi chúng ta tiếp nhận được nhiều sự việc trong cuộc sống, làm được nhiều thứ, chúng ta sẽ thấy thời gian trôi chậm, ngược lại ta sẽ thấy thời gian trôi rất nhanh. Tuổi thơ tôi cũng dài giống như ai, nhưng rất nhiều giai đoạn tôi không còn nhớ gì cả, giai đoạn âm nhạc đến với tôi, biết đến Phi Nhung tôi nhớ rất kỹ vì đó là kỉ niệm, là rung động đầu đời vì âm nhạc, là lúc biết những điều mới mẻ bên ngoài từ âm nhạc.
Tôi phải nói một sự thật rằng, nhạc của Phi Nhung đã là một phần tuổi thơ của tôi, đấy không chỉ là sự êm dịu trong từng giai điệu, mà đó là cả 1 bầu trời mới mẻ về cảnh vật quê hương, tôi đã nhìn mọi thứ ở góc quê bằng con mắt khác, đám bèo vô tri vô giác ở cái mương nước gần nhà chính là “những đời như lục bình trôi” trong mắt tôi, tôi biết nhiều về những giá trị văn hóa ở một số vùng miền, về con người, về tình mẫu tử, về tình yêu nam nữ, về những thứ hết sức bình dị trong cuộc sống …mọi thứ hình thành một cách yên bình và tuyệt đẹp trong tâm trí của một đứa bắt đầu vươn mình để tìm hiểu thế giới bên ngoài như tôi.
Quảng cáo
Lần đầu tiên tôi đi ra xa quê, vào Sài Gòn để thi Đại Học, nhưng giọng hát ấy vẫn chưa bao giờ rời xa tâm trí tôi. Sau 2 ngày thi xong Đại Học, tôi được ba chở đi dạo Sài Gòn, tôi đã vào nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở Quận 5, lần đầu tiên có cơ hội, tôi đã tất tay cả vào âm nhạc: vét hết sạch túi tiền lúc đó đếm được 49.900 VNĐ, đây là tiền bà con cho tôi bọc túi để đi thi, tôi vào ngay nơi bán băng cassette, đắn đo lắm, nâng lên hạ xuống mãi mới lựa được 5 cuốn băng (1 cuốn 10 ngàn chẵn), khi ra tính tiền tôi năn nỉ cô thu ngân, tôi còn thiếu 100 vnđ, làm ơn bán cho tôi, cô thu ngân chắc lần đầu gặp tình huống này, há miệng thốt lên 1 câu giọng miền tây mà tới giờ tôi còn nhớ “cái anh này kì cục ghê” rồi cũng cho tôi đi. Tôi biết rằng, sau khi thi xong thì mọi lỗi lầm gì cũng sẽ được bỏ qua, trước giờ tôi chưa bao giờ tự cầm 1 đồng tiền mua cho sở thích bản thân, chỉ được mua những cái phục vụ học tập, đó là lần đầu tiên tôi tự ý mua 1 món đồ không phải phục vụ học tập, mà không xin phép trước ba má.
Những năm đầu sống ở SG, tôi cũng giống như mọi bạn bè khác, bị kéo theo nhạc làn sóng xanh, tôi cũng biết nghe 1088, Ưng Hoàng Phúc, Đan Trường, Vũ Hà, Mỹ Tâm, … những hot nhất thời điểm đó, nhưng Phi Nhung mãi đóng một vị trí chắc chắn trong tim mà không ca sĩ nào có thể thay thế được, khi hát ở những buổi tiệc với những đứa em, tôi thường hát những bài nhạc trẻ hot ở thời điểm đó, nhưng khi nghe một mình, hoặc hát trong những cuộc nhậu với những anh chị, thì chỉ có Phi Nhung, và những bài tân cổ giao duyên của Phi Nhung với Mạnh Quỳnh thôi. Thời điểm đó là “đỉnh cao trí nhớ”, tôi thuộc lòng từng chữ tất cả những bài của Phi Nhung và những bài tân cổ giao duyên PNMQ. Năm tôi đi mùa hè xanh ở Bến Tre, trong tiệc tùng, tôi có thi thố vui vẻ với 1 anh cũng chuyên gia hát hò ở địa phương, mỗi người cứ hát 1 câu cải lương, xen kẽ nhau, tới khi nào ai không hát lên được nữa thì người đó thua. Tôi cứ hát những bài PNMQ và cuối cùng khi tôi còn rất nhiều câu muốn hát nữa, thì anh ấy đã không còn gì để hát.
Hơn 20 năm trước, giọng ca của chị đã đến với tôi, đã thay đổi ít nhiều tôi, lúc đó tôi chưa thể định hình rõ những gì tôi bị ảnh hưởng. Hơn 20 năm nghe chị hát, nghiền ngẫm từng bài hát, và khoảng thời gian sau này tìm hiểu về cuộc đời của chị, tôi thấy rằng những giá trị mà chị để lại đã ảnh hưởng đến tôi rất rất nhiều hơn những gì tôi nghĩ. Nói đến Phi Nhung, có nói 1 lời cũng là thừa, có nói vạn lời cũng bằng thiếu, thôi thì tôi xin nói ra những suy nghĩ và cảm nhận của tôi về chị. Thực ra tôi đã cảm nhận những bài hát của chị rất lâu rồi, nhưng chưa thể giải thích được, sau này khi tiếp cận internet biết được thêm nhiều về chị, tôi xâu chuỗi lại và thấy những gì mình cảm nhận là hoàn toàn đúng.
2. CUỘC ĐỜI CHỊ QUA NHỮNG BÀI HÁT
Nói đến ca sĩ, trước tiên là phải kể đến giọng hát. Tôi nghĩ những người nghe dòng nhạc này đều đồng tình với tôi rằng: hầu như những bài nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca mà Phi Nhung chạm đến, nó đều trở nên bất hủ và rất nhiều bài hát đã trở thành những tuyệt tác để đời cho hậu thế. Những bài mà Phi Nhung hát lúc mới vào nghề, như “Bông Điên Điển”, “Hoàng Hôn Màu Tím”, “Lý Con sáo Bạc Liêu”, “Phải lòng con gái Bến Tre” ….đều trở thành kinh điển, mà trước đấy, lẫn sau này cho tới tận ngày nay vẫn chưa tìm được một phiên bản nào tiệm cận được.
Giọng của Phi Nhung không quá độc lạ một màu kiểu như Khánh Ly, mà là một chất giọng phổ thông mà ai cũng có thể hát theo gần giống được. Giọng chị không hoàn hảo như trong sách giáo khoa, không có những kỹ thuật đặc biệt vì chị không được đào tạo thanh nhạc bài bản, mà chị hát một cách tự nhiên, theo bản năng và theo cảm xúc.
Quảng cáo
Giọng hát Phi Nhung có nội lực rất cao, có thể “xé gió” lên thẳng những nốt cao mà không cần chuyển sang giọng gió, thể hiện nội lực cao ngút trong trong con người của chị; cách hát nỉ non mộc mạc phản chiếu tính chân chất của chị; còn sự da diết, xé lòng lại chất chứa đầy rẫy những nỗi niềm mà chị đã trải qua và muốn truyền tải - đây là sự khác biệt với phần còn lại, cái sự da diết này nó chạm vào trái tim của người nghe, làm cho người nghe như hòa mình vào bài hát, thấm thía từng nốt nhạc, từng câu chữ và ray rứt khôn nguôi.
Khó có thể kỳ vọng sẽ xuất hiện một ca sĩ nào khác truyền cảm như chị, bởi lẽ sự truyền cảm này không đơn giản có được nhờ sự tập luyện hay học tập, mà nó bộc phát ra một cách tự nhiên bằng sự từng trải, sự dấn mình trong đó. Cái sự từng trải này của chị không dễ dàng có được ở người thứ 2, đó là cả 1 câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà tôi sắp kể sau đây.
‘Cuộc đời sinh ra mấy ai chọn nơi bắt đầu’, chị được sinh ra đời ở bối cảnh lịch sử không thể tàn khốc hơn, với một hoàn cảnh tréo ngoe nhất ở thời điểm đó: là con của người lính Mỹ và 1 phụ nữ Việt Nam, với cuộc sống cơ cực lầm than không cha không mẹ, và một đàn em. Sự cơ cực của chị ở mức mà thế hệ giữa 8X như tôi khó cũng khó hình dung được. Lúc nhỏ chị khổ đến mức từng tự tử nhưng bất thành. Làm gì có sự cơ cực nào hơn. Chị lại từng một mình sống ở xứ người, xa quê hương đất nước, không có người thân thiết bên cạnh, sinh con một mình không ai phụ giúp. Chị cũng đã từng yêu, từng dám tự tử vì người yêu (nhưng được người khác cứu). Làm gì có sự từng trải nào hơn.
Quả thật, thời thế và tạo hóa đã sắp đặt để đưa một phụ nữ miền Trung có hoàn cảnh đặc biệt như chị đến với dòng nhạc trữ tình quê hương miền Nam bộ - một thứ nhạc cần phải diễn tả được nỗi buồn, phải làm cho người nghe day dứt theo thì mới thành công. Để làm được điều này, cần phải có chất giọng của người miền Trung - cứng cáp mạnh mẽ, chứ không phải nhẹ nhàng lánh lót như giọng của người Nam Bộ, và cũng cần những điệu nhạc đi vào lòng người ở vùng sông nước Nam Bộ. Quả là một sự kết hợp của ông trời.
Những bài hát của chị đa phần về những chủ đề: tình yêu quê hương, tình mẹ con, thân phận người phụ nữ ở xã hội, tình cảm lứa đôi, những bài về phật và cải lương. Phải nói là rất đa dạng, trong khi hầu hết những ca sĩ khác hát chủ yếu về tình cảm lứa đôi. Chủ đề nào nó cũng phản chiếu chính xác cuộc đời của chị, những bài hát như được tô vẽ và truyền cảm xúc hơn bằng chính cuộc đời của chị.
1. Tình yêu quê hương cháy bỏng
Năm 19 tuổi hai tay dắt hai đứa em thơ dại, chị bắt đầu rời xa quê hương, tạm gác bao cơ hàn đã bủa vây tuổi thơ để mong kiếm tìm cơ hội lo cho các em ở quê nhà. Xứ cờ hoa đã dang tay chào đón chị, và đối đãi với chị thật tử tế, biến 2 trong 3 điều ước của chị thời thơ ấu thành hiện thực chỉ sau một thời gian ngắn: trở thành thợ may giỏi và trở thành ca sĩ nổi tiếng. Thật vậy, chị đã trở thành thợ may giỏi nhất ở 1 xưởng may công nghiệp ở Florida, và sau đó chỉ 10 năm, chị đã trở thành ca sĩ rất nổi tiếng, được nhiều trung tâm ca nhạc chào đón, bán được số đĩa kỷ lục, là nữ hoàng băng đĩa lúc bấy giờ.
Mặc dù nước Mỹ đã cho chị tất cả mọi thứ, tiền tài, danh vọng, nhưng cuộc sống của những người em, những bà con ở quê hương, và những nét đẹp bình dị ở làng quê Việt Nam lại chưa từng bao giờ rời xa trong tâm trí người con gái nhỏ bé này. Năm 2002 khi đang trên đỉnh cao ở Hải ngoại, chị quyết định tìm mọi cách để trở về quê hương. Tôi nói “tìm mọi cách” vì thời bấy giờ những người đã đi như chị, hát ở những trung tâm hải ngoại như chị khó được cấp phép để hát tại Việt Nam lắm.
Mới đầu có thể bạn hơi khó hiểu vì sao cô bé này lại mong mỏi về quê hương đến thế, nhưng chút nữa đây thôi bạn sẽ hiểu, ở trong cô bé ấy chưa bao giờ ngừng thôi thúc phải tìm về một nơi có hình bóng mẹ, ở trong cô bé ấy luôn có một khao khát cháy bỏng mà có thể là mục tiêu của cuộc đời cô ấy, là phải tìm về những thứ đã từng gần gũi với mẹ, để có cảm giác như bên mẹ. Những cái ‘rào cao bất động’ ở xứ cờ hoa chưa bao giờ cho được hình bóng về mẹ, mà những cảnh vật bình dị ở quê nhà là những thứ sẽ cho cô ấy cảm giác gần gũi với mẹ nhất.
Chị nói tâm nguyện thật sự với má Dung rằng vì chị hát dân ca, hát về những điều bình dị ở quê hương, nên rất muốn về Việt Nam, về với khán giả và cảnh vật ở quê nhà, về để hát về quê hương trên chính quê hương của mình là hạnh phúc nhất. Ca sĩ Thanh Lan có kể rằng “Có lần tôi đi hát chung với Phi Nhung ở New Jersey, Phi Nhung hát bài Anh cho em mùa xuân. Phi Nhung lúc đó tươi tắn, trẻ trung lắm. Sau này, Phi Nhung chuyển hướng sang hát hẳn nhạc quê hương trữ tình. Đó là quyết định khá đúng đắn vì tôi biết Phi Nhung yêu quê hương mãnh liệt lắm”. Có thầy sư - một người đam mê ca nhạc từng nhận xét rằng: ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn không ít, nhưng tuyệt đại đa số, đó là các ca sĩ hát dòng nhạc xưa, nhạc bolero, một số ít ca sĩ hát nhạc hiện đại Pháp, Mỹ… một người “trở về từ nước ngoài” lại hầu như chỉ hát dòng nhạc quê hương như Phi Nhung là cực kỳ hiếm. Hát nhạc về tình yêu quê hương thì phải về quê hương như chị, chứ ở đâu đâu tận bên bển thì tôi không thể nào “phải lòng” được.
Các bạn thử ngẫm có mấy ai từng ra đi ở hoàn cảnh như chị, lên đỉnh cao rồi lại muốn về quê hương? Hay họ chỉ về khi đã già? Chúng ta thường thấy báo chí và cộng đồng thường vinh danh ca ngợi những nhà khoa học nào đó rất thành công ở xứ người rồi quay về Việt Nam dù điều kiện, thu nhập thiếu thốn. Tôi thường không tin những trường hợp này, chắc hẵn họ có lý do gì đó, như có gia đình bố mẹ ở quê nhà. Nhưng với chị, chị chấp nhận sự nghiệp có thể đi xuống, thu nhập thì chắc chắn đi xuống, và chấp nhận luôn phải rời xa gia đình - tình yêu duy nhất của chị, chỉ với mong mỏi và khát khao được hát nhạc quê hương ngay trên chính quê hương của mình cho bà con đất nước mình. Chúng ta có thể thấy khao khát về lại quê hương của chị mãnh liệt đến nhường nào.
Khao khát quê hương cháy bỏng này như bong bóng khí càng ngày càng chất ngất, để rồi khi có cơ hội, khi được nói lên nỗi niềm bằng chính giọng hát của mình, nó bộc phát ra dữ dội. Vào thời điểm mới bắt đầu đi hát, chị cũng theo dòng chảy âm nhạc thời đó, là hòa mình vào dòng chảy nhạc “bolero” - thứ nhạc rất thịnh hành thời đó hầu như chỉ nói về tình yêu đôi lứa, nhưng tình yêu quê hương quá đỗi đã ngăn dòng dẫn lối chị đến dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca - cũng chính là thứ nhạc làm nên tên tuổi của chị.
Bolero đã là bước đệm để tên tuổi Phi Nhung đến nhanh hơn với mọi người. Trước năm 2000 chị “càn quét” hầu hết các bài bolero, với chất luyến láy mượt mà và có phần tươi trẻ đã biến chị trở thành thành nữ hoàng băng đĩa, chị nổi tiếng một cách tốc hành, nhưng có lẽ bolero chưa bao giờ làm chị thỏa mãn. Hát những bài bolero đơn giản chỉ là hát, nhưng với những bài dân ca, chị như hòa mình vào trong đó. Rất nhiều bản trữ tình mang âm hưởng dân ca, như những bài Lý về miền Tây theo cái tên Phi Nhung đến với khán giả thời điểm này.
Ngày xưa tôi còn nhỏ thích hát, nhưng rất khó khăn tìm những bài hát trữ tình, không phải nhạc cách mạng, mà cũng đừng hát về tình cảm nam nữ. Sau này khi nghe nhạc Phi Nhung, biết bao thứ tôi muốn ngân nga, khi đi xa quê muốn kể cho bạn bè thì ‘quê em hai mùa mưa nắng, hai thôn nghèo nối liền bờ đê, từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè’, khi về lại quê thì lại véo von ‘về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát vang rộn ràng’ hay ‘hôm nay về quê hương, nhớ lại chuỗi ngày mến thương, sau nhiều năm cách xa ruộng vườn’, những lúc trời mưa thì lại khắc khoải ‘dẫu mà trời còn ngàn năm cứ mưa hoài, để thèm thuồng giọt nắng rớt sau hè, con vẫn ngồi nhen bếp lửa hồng nuôi ngọn đèn chong’, khi gió bão đến thì lại trông ngóng ‘gió bấc về xác xơ những bụi chuối sau nhà, má nó ngồi mắt đăm chiêu nhìn trời xa’, khi ba má đi làm thì lại tưởng tượng ‘trên đất giồng mình trồng khoai lang, trên đất giồng mình trồng dưa gang’, có hôm trời mưa thấy mấy con gà con đang kêu núp dưới cánh mẹ, tôi cũng xuất khẩu thành ca ‘tiếng con gà con chim chíp, lạc bầy gọi mẹ không nguôi’, … nhiều lắm à, làm sao kể sao hết cho được.
Tôi thích những âm điệu trữ tình ngọt vào và lời ca đẹp, nên tôi thích bolero, bolero có những âm điệu dễ hát, và ca từ của những bài bolero đa số là về tình yêu nam nữ, và tô vẽ thứ tình yêu đó rất là vi diệu, như đi tán tỉnh người khác thì có thể gọi là “gõ cửa trái tim van em được vào” cơ mà, và thường là buồn não kiểu thất tình. Nhưng những bài hát về quê hương của chị nó ở cung bậc hoàn toàn khác, khiến tôi không thể nào “thích” được nữa, mà yêu say đắm. Âm điệu nó nhẹ nhàng mà da diết, có thể gọi là không quá buồn não như bolero, ca từ không chỉ tập trung vào tình yêu nam nữ mà lồng ghép “quê hương” vào trong đó.
Nếu chưa từng biết thể loại nhạc này, bạn hãy thử nghe “Phải lòng con gái Bến Tre”, một âm điệu độc lạ mang âm hưởng dân ca, một tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng, kèm với biết bao hình ảnh bình dị ở quê nhà và nhiều địa danh ở Bến Tre.
Hoặc những bài như “Hương tóc nàng dâu”, hay “Chuyến đò Hậu Giang”. Đây sẽ là những tuyệt phẩm nếu như hát bởi người khác, nhưng với chị nó cũng như vô vàng tuyệt phẩm khác. Tất cả những bài hát kiểu này nó vẽ ra cả một nền văn hóa miền sông nước, rất nhiều thứ mà tôi không thể kể ra hết, như địa danh, cảnh vật, tình người, …
NSƯT Vũ Thành Vinh kể về kỉ niệm với chị, khi được chị hỏi “em có giọng màu gì”, anh đã không ngần ngại cho rằng đó là “giọng phù sa”, “Phi Nhung cười rất tươi và nói là em rất thích cái giọng này, với tôi, đó là giọng hát ngọt lành, thấm đẫm tình quê hương, đã trải lòng ra với biết bao ca khúc để dâng tặng cho khán giả về quê hương đất nước của mình”, ông bộc bạch. Trong những ngày buồn và nhớ chị, ông không biết nói và chia sẻ điều gì cho hết nỗi lòng của mình, lần đầu tiên ông đã sáng tác ca khúc “Nhớ Nhung”.
“Sông quê” - một bài hát thần thánh về quê hương đã chảy tràn trong ký ức của biết bao thế hệ, chỉ là một hệ quả tất yếu phải đến khi chị đặt quá nhiều tâm huyết vào quê hương đến thế. Không có “sông quê” thì cũng sẽ có những bài khác thay thế để làm nên tên tuổi chị. Thiệt tình, ai trong chúng ta cũng có một thứ gì đó chảy tràn trong ký ức, người miền Tây thì có dòng sông, còn quê nhà tôi thì có làng quê, để khi xa quê nghe lại những câu như vậy, có ai mà không thổn thức?
Người ta đặt cho chị là "nữ hoàng" của nhạc tình quê hương, thật đúng với mỹ từ này. Bởi lời ca tiếng hát của chị vọng lại một âm hưởng quê hương, có mặt khắp mọi nẻo đường của đất nước, từ thành phố đến thôn quê, trên những dòng sông Cửu Long, sông Hương, sông Hồng. Người ta tặng cho chị 2 câu thơ “Phi Nhung tiếng hát gợi tình, giọng ca ôm trọn bóng hình quê hương” thiệt là quá đúng, những bài hát thông qua giọng ca chị đã ôm trọn mọi thứ bình dị của góc quê, của tuổi thơ ở quê nhà.
Quê hương trong những bài hát của chị không phải là thứ gì to tát, không phải là những điều quá cao siêu, mà là những cây cầu tre, lũy tre xanh, những góc bếp, bờ sông, bến đò, những con cò, con sáo … những thứ rất bình dị mà tuổi thơ của mỗi chúng ta đều đã từng chạm đến.
Những điều bình dị nhưng đẹp tuyệt vời trong những bài hát của chị đã lấp đầy tuổi thơ của tôi, tôi cứ ngân nga miết vậy khi rãnh rỗi, gặp cảnh vật nào ở quê nhà tôi cũng có thể thốt thành lời ca được, để rồi theo năm tháng giai điệu ấy đã ngấm vào làn da thớ thịt của tôi lúc nào không hay. Bây giờ mỗi lần nghe những giai điệu ấy, lòng tôi lại thổn thức, tuy xa quê nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê nhà. Với tôi, chị là biểu tượng của quê hương.
Nói về quê hương đất nước, có thể có 1 số thành phần rất nhỏ nói chị Nhung chưa bao giờ phát biểu về vấn đề chính trị, hay gần nhất cũng không lên tiếng về chính sách tiêm vaccine, những thành phần này muốn ca sĩ cũng phải có tiếng nói chính trị. Theo tôi, những ca sĩ mà liên quan đến chính trị thì toàn là những ca sĩ hát cho có hát, vì họ còn phải san sẻ thời gian để tìm hiểu vấn đề chính trị xã hội nữa chứ. Ngay cả như tôi đây suốt ngày đọc đủ chỗ, từng đưa ra nhận định 1 cách chắc nịch tự tin về chính sách (như tiêm vaccine), nhưng sau đó cũng bị lật kèo, cũng cảm thấy sai hoàn toàn. Nói như vậy chính trị nó là vấn đề tương đối, nó là vấn đề ồn ào và rồi nó cũng sẽ qua đi, chỉ có những giá trị văn hóa mới tồn lâu dài. Chị Nhung tâm hồn chỉ đã để hết vào những điệu lý câu hò rồi, làm sao còn thời gian để tìm hiểu vấn đề khác. Vả lại có phát biểu cái gì đi nữa, thì cũng sẽ có 1 bên bị tổn thương, dù là bên nào, bên bà con nói cùng thứ tiếng với chỉ, hay bên kia nơi giang tay chào đón chỉ, có gia đình của chỉ thì cũng không thể được. Và có nói gì đi nữa thì cũng có một mục đích là hướng đến quê hương đất nước. Với tôi, chị đã thổi vào hồn rất nhiều thế hệ những miền quê tuyệt đẹp đầy hoa lá và rộn tiếng chim, những tình người ấm áp, … những điều chỉ có ở cái đất nước tôi đã được sinh ra, điều đó là quá đủ, và hơn gấp vạn lần 1 câu phát biểu nào đó.
2. Tình mẫu tử - một người mẹ trăm năm có một
Sau quê hương, tình mẹ con là chủ đề yêu thích của chị trong những bài hát. Chị từng tâm sự rằng chị thích hát về quê hương nhất, tiếp theo là hát về tình mẹ con. Tôi cũng chọn quê hương là chủ đề khởi đầu của chị, để rồi từ đây nó mở ra bao giá trị khác, từ tình yêu quê hương mãnh liệt này, năm 2005 chị đã chọn quê nhà cho phần đời còn lại, để rồi từ đó biết bao ý nguyện của chị được mở ra, sự thiếu thốn tình thương thời thơ ấu của chị dồn nén chất chứa bao lâu nay, thì bây giờ được khỏa lấp bằng chính những tình cảm mà chị đã trao gửi bảo bọc cho những bé mồ côi.
Những điều tôi kể sau đây là từ nhận định của bản thân khi xem clip này.
Phi Nhung tâm sự chị là kết quả một mối tình lầm lỡ của mẹ và ba - một người lính Mỹ, thời điểm đó có thai khi chưa có đám cưới đã là 1 việc khó có thể chấp nhận chứ đừng nói là có con với lính Mỹ. Mẹ cô bị bắt phải phá thai, nhưng bà trốn vào chùa sinh con, quyết giữ lại giọt máu của mình.
Chùa đã cưu mang chị từ khi lọt lòng, sau đó một tuần bà ngoại lén vào chùa thăm, thấy đứa cháu gái kháu khỉnh quá bà ẵm về nhà, ông ngoại vốn dĩ đã cự tuyệt, nhưng có dịp nhìn lại cháu gái bé bỏng không có tội tình gì, ông đã quyết định: để cháu ở nhà.
Đây là một quyết định xuất phát từ tình thương vô hạn của cha mẹ đối với con cái, dù con cái có lỗi lầm gì, cha mẹ cũng gánh vác hết. Nhưng để cháu ở nhà, có vẽ như phải đồng nghĩa với việc mẹ cháu phải ra đi qua vùng đất khác, để có thể xóa sạch cái quá khứ kia và làm lại cuộc đời, mẹ chị đã chuyển đến Cam Ranh sinh sống, và ông bà ngoại đóng vai trò “ba mẹ” của chị.
Đứa trẻ lớn lên trong tình thương của ông bà, nhưng có lẽ chị chỉ được gọi “ông bà”, chị đã mường tượng ra sự việc, vì không được gọi tiếng “ba má” như những đứa trẻ hàng xóm. Chị khao khát cháy bỏng được gọi “má” từ thuở bắt đầu hình thành ý thức, tất cả những nỗi thống khổ trong cuộc sống của một đứa trẻ lai Mỹ, như bị mọi người dèm pha dị nghị, bị bạn bè trên trường trêu chọc, … chị chỉ biết khóc và mơ ước về một người có thể giúp chị xua tan những cơ cực này, đấy là má. Mơ ước và khao khát đấy chất chồng theo năm tháng, khiến từ “má” trong chị càng trở nên thiêng liêng, “má” là một sự ngưỡng mộ, một sự thần thánh trong chị.
Mỗi năm vài lần, má chị cũng về ngoại để thăm chị, nhưng 2 mẹ con có vẽ không thể “quang minh chính đại” để yêu thương nhau, có vẽ má chị chỉ cần về để nhìn xem đứa con bé bỏng của mình sống như thế nào, cái ăn cái mặt đã đủ chưa, chứ đâu biết rằng, bên trong đứa bé đó đang nuôi dưỡng cả một tâm hồn chứa chan tình cảm, một khao khát cháy bỏng, là được gọi “má”, được má yêu thương. Chị đã đứng vào 1 góc để lén nhìn má, và chỉ biết khóc, chữ “má” nó thiêng liêng và to tát quá, nó nghẹn trong cổ họng khiến chị không thể thốt ra thành lời được. Chị khao khát, nhớ thương má, mọi tâm sự cực nhọc trong cuộc sống chị gởi hết vào những trang giấy với ý định sẽ đưa cho má, nhưng chưa bao giờ chị làm được, vì chị rất sợ má.
Ông bà có vẽ thấu hiểu suy nghĩ của đứa cháu gái bé bỏng, nên đã căn dặn, người lớn làm gì là chuyện của người lớn, con đừng trách má, lớn lên con sẽ thấu hiểu. Một đứa trẻ bình thường khi bị bỏ rơi, bị người đời châm chọc, bị bạn bè trêu ghẹo sẽ phát triển lệch lạc và sinh ra lòng oán giận một ai đó, nhưng đứa trẻ đó với một trái tim nhân hậu bẩm sinh, đã tự mách bảo rằng: nó - một đứa con lai chính là nguồn cơn gây ra mọi sóng gió trong cuộc đời má, để rồi từ đó nuôi dưỡng một khát khao mãnh liệt, là phải làm mọi thứ để trả ơn, để đền đáp cho má.
Hoàn cảnh trớ trêu đã tạo nên một tiếng “má” vô cùng vĩ đại trong tâm trí của đứa trẻ kia - một đứa trẻ rất ngộ tính với tình thương mẫu tử. Nếu một đứa trẻ bị mồ côi và chưa từng gặp má, tôi tin rằng đứa trẻ đó cũng không khao khát cháy bỏng đến như vậy. Đằng này, chữ “má” trong chị cứ dập dìu trước mắt nhưng không thể chạm tới một cách trọn vẹn, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa, nên càng ngày nó càng chất chồng cao ngất.
Tình thương của người mẹ với chị là kiểu tình thương của người lớn đối với trẻ con ngày đó, ngày nay đã được chứng minh là không phù hợp, nhưng vào thời điểm đó, đó là tất cả những gì một người mẹ có thể làm cho con. Tôi tin rằng tình thương này nó cũng day dứt, mãnh liệt và chưa hề suy giảm, bằng chứng là sau khi các con cái của người mẹ đủ lớn, bằng cách nào đó, mẹ đã “được phép” đón chị về ở cùng, ở Cam Ranh.
Niềm vui có mẹ chẳng tày gang, 2 năm sau mẹ chị chết (Phi Nhung luôn dùng từ “chết” khi nói về sự ra đi của mẹ) vì tai nạn giao thông, người chị Hai chỉ mới 8-10 tuổi trở thành “người mẹ” của đàn em thơ. Có mẹ có mọi thứ, khi không còn mẹ, mọi thứ cũng tan biến theo mẹ. Ba đi lấy vợ khác, dẫn theo vài đứa em, còn vài đứa còn lại được chị dắt quay trở về nhà ngoại.
Trên con đường ấy, 2 năm trước, đứa bé 8 tuổi hồ hởi phấn chấn bước đi thật nhanh để đến với tình yêu thương của người mẹ, để được gọi một tiếng “má”, để được làm “con”, nhưng chỉ cái chớp mắt, còn chưa kịp hết sợ má, còn chưa kịp cảm nhận trọn vẹn tình yêu mẫu tử, bây giờ cũng trên con đường ấy, đứa bé ngày nào phải bước đi với đôi vai nặng trĩu vì những đứa em thơ dại, phía trước không những không còn của người mẹ nữa, mà đứa bé đó buộc phải làm “một người mẹ” kể từ đây.
Có lẽ những ai mồ côi mẹ rồi làm người mẹ cho những đứa em mới hiểu được hết cái cảm xúc này. Má tôi cũng mồ côi mẹ từ nhỏ, sau đó cũng lo cho một đứa em nhỏ cùng mẹ khác cha, sau này mỗi khi nhớ kể lại quá khứ, má cứ tủi thân khóc nức nở. Tính má tôi rất tủi thân dễ khóc, khi bị ai ức hiếp gì đó lại nghĩ cảnh không có cha mẹ lại khóc, tôi không biết đây là tính bẩm sinh hay là do má buồn quá khóc nhiều quá nên sinh ra cái tính dễ tủi thân, dễ rơi nước mắt như vậy. Tôi làm sao có thể hiểu được nỗi lòng này, chỉ nghe kể thôi nhưng cũng khóc theo má. Má tôi vẫn thường nói, không có gì khổ cực bằng mồ côi. Có lẽ hiểu 1 phần nỗi khổ từ má, nên tôi đồng cảm với chị hơn.
Sau khi má mất, vì thương má, chị quyết tâm thay má để làm mọi thứ, để trả ơn cho má. Chị đã trở thành “người mẹ” thứ 2 của 5 người em cùng mẹ khác cha, đứa em nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi. Người mẹ bất đắc dĩ mới 10 tuổi đầu đã phải bươn chải làm lụng đủ thứ để kiếm tiền lo cho các em, chị lo cho các em mãi cho đến sau này khi các em ổn định cuộc sống. Chị làm đủ mọi việc, đi bán thuốc lá dạo kiếm tiền để cho các em ăn học, sau này khi có tiền chị quay lại giúp hết 5 người em, mua cho mỗi em 1 căn nhà, lo cho đến khi các em có công việc gia đình ổn định rồi nói với tụi nó là tới đây chị không lo nữa.
Tôi thấy đây là một điều rất tiến bộ và đúng đắn, trước kia tôi từng nghĩ nếu mình là tỷ phú chắc mình san sẻ bớt cho mấy đứa em để nó ít gì cũng là triệu phú, ba tôi cũng thế, ba nói tao mà giàu thì anh em tao giàu hết, nhưng sau này tôi đã thay đổi quan điểm: dẫu tôi có giàu kếch xù cỡ nào đi nữa, thì cũng không thể nào cho các em nhiều được, vì điều đó làm hại các em, làm các em ỷ lại, mất động lực làm việc, và lòng tham con người thì vô đáy, cho bao nhiêu cho đủ, chỉ cần không khó khăn, không nghẹt nghèo, có sức lao động để đi làm kiếm tiền là hạnh phúc rồi.
Khi đi hát ngay khi có tiền, chị gửi về Việt Nam để mua đất và xây một cái nhà to để các em về sống chung một nhà, để má ở dưới chín suối vui lòng. Chắc là nỗi lòng về những sự dị nghị mà má chị đã nhận khiến chị chưa bao giờ nguôi ngoai, nên việc đầu tiên mà chị làm trong lần đầu tiên được về quê là xây cái nhà từ thiện ở quê thiệt to (hội chữ thập đỏ Pleiku) hết 8 ngàn đô cho khoảng 50 người lớn tuổi cư ngụ. Chị nói chị phải làm điều đó trước nhất, để trả ơn cho má, để cho mấy dì không trách má (vì đã sinh ra đứa con lai như con), để má ở dưới suối vàng hãnh diện vì con.
Thiệt là một đứa con hiếu kính.
Với đứa con ruột duy nhất, có lẽ bạn phải chuẩn bị cái khăn giấy và xem phỏng vấn Phi Nhung và Wendy mà Paris by Night thực hiện mới hiểu rõ thêm, tôi tin rằng những giá trị nhận được sau khi xem là rất đáng giá, nhất là với những ông bố bà mẹ.
Ở Phi Nhung dung hòa sự nghiêm khắc giống như những người mẹ ở Miền Trung, và sự tiến bộ mà chỉ có ở các bà mẹ ở Phương Tây. Chị nghiêm khắc với con từng li từng tý, bắt con phải tự làm việc nhà, tập tính cách tự lập nhất có thể như ăn xong thì con phải rửa chén, không đứng đến bồn rửa thì bắt ghế đứng. Nhìn thấy cách Wendy dạ dạ thưa thưa nhỏ nhẹ với MC là hiểu đã được mẹ dạy dỗ một cách tử tế như thế nào. Sự tự lập và bản lĩnh của Wendy tôi nghĩ không có nhiều đứa trẻ có được: khi mẹ hỏi con học ngành gì, trường gì thì con trả lời: mẹ cho con 6 năm, để con chọn, đừng hỏi con học cái gì, 6 năm sau đến ngày sinh nhật của mẹ con sẽ cho mẹ hay. Sáu năm sau, nhân dịp sinh nhật chị, Wendy livestream cho mẹ xem buổi lễ tốt nghiệp, thì ra 6 năm qua con học ngành y tá, và tốt nghiệp thủ hoa, chị hạnh phúc đến mức đơ ra (theo như lời chị là “đứng hình”) khi ông hiệu trưởng cách đó nửa vòng trái đất đọc 2 tiếng “Wendy Phạm” bước lên nhận bằng.
Tôi không nghĩ rằng có nhiều đứa trẻ Việt Nam có được bản lĩnh này. Ở xã hội coi trọng sự tự do, riêng tư và nhiều cám dỗ như Mỹ, với tiền bạc không thiếu và không có mẹ bên cạnh, rất rất hiếm những đứa con có thể tự lên kế hoạch dài hơi cùng sự quyết tâm và thành quả như vậy. Thành quả này không phải tự nhiên đến, mà là do sự dạy dỗ tử tế của người mẹ từ lúc lọt lòng
Chị đã không công bố có con gái ruột, là vì để con có sự riêng tư như chính con muốn, con không muốn bạn bè biết con là con của ca sĩ Phi Nhung, cho đến khi con trưởng thành, tốt nghiệp thủ khoa đại học và có được sự đồng ý của con, chị mới công bố cho mọi người. Mọi người lúc đó ngạc nhiên, khi thấy con chị là một người rất bình thường, không ăn diện khoe khoang, không đua đòi nhà cao cửa rộng, hàng hiệu như là con của ca sĩ nổi tiếng, không gia nhập nhóm rich-kids, … nhưng lại rất thành công, có nhiều người nghĩ rằng “nó vầy mà sao con nó vậy được”, ý là con của ca sĩ - kiếp cầm ca, nay đây mai đó, mà sao con lại thể nuôi nấng được 1 đứa con tử tế như vầy được. Chị nói, những người đó làm sao biết chị nghiêm khắc và khó với con cái như thế nào.
Có những người dựa vào điểm này cứ lên án chị “con ruột còn không lo mà huống gì con nuôi”. Tôi chỉ muốn nói cho mấy bạn biết rằng, trong tất cả các loại tình cảm trên đời này, chỉ có tình cảm mẹ dành cho con là bất diệt, là không có điều kiện, là thứ mà tự nhiên đã sản sinh, là thứ mà sinh ra đã có không cần học tập, là thứ tình cảm mà mọi sinh vật dù vô tri vô giác cũng có được duy trì sự tiến hóa, nhờ thứ tình cảm này mà sự sống trên trái đất tồn tại cho đến ngày nay. Nói như vậy để các bạn hiểu, đây là thứ tình cảm không cần phải chứng minh, nó là “tiên đề”, là điều hiển nhiên nhen mấy bạn. Bạn có yêu những đứa con của bạn không? Ủa, bạn yêu thương con của bạn thì người khác cũng thương vậy đó. Tình yêu mà Phi Nhung dành cho con gái duy nhất nó lớn lắm, có lẽ bạn và kể cả tôi muôn đời cũng không hiểu nổi đâu, Wendy vừa là người con, vừa là người bạn, vừa là chỗ dựa, là niềm hi vọng, là mục đích sống của người mẹ đơn thân Phi Nhung. Chắc những người mẹ đơn thân nào có con gái sẽ hiểu được.
Còn với những người con khác thì sao. Chúng ta ai cũng nghĩ những đứa nhỏ khác là “con nuôi” của Phi Nhung giống như bao đứa “con nuôi” khác, nhưng không, cách chị nuôi những đứa nhỏ chắc nằm ngoài tầm hiểu biết của các bạn.
Chị bỏ tiền cải tạo cái chùa, thành lập “vòng tay dưỡng tử” vào năm 2005 để nhận những trẻ bị bỏ rơi ở những bệnh viện mang về nuôi dưỡng. Chị cùng sư cô làm mọi thứ để nuôi dưỡng mấy đứa nhỏ. Chị đóng vai người mẹ đi làm xa, kiếm tiền về nuôi các con, còn sư cô đóng vai người ba ở nhà chăm sóc. Mấy đứa trẻ vẫn nghĩ y như vậy cho tới khi lớn lên có ý thức mới biết sư cô không phải là ba.
Nhìn cách chị đối xử với mấy đứa nhỏ, cách ôm hun những đứa nhỏ quá đỗi triều mến và ngọt ngào. Chị dạy cho các bé lẽ phải, những điều đáng phải làm từ khi còn nhỏ. Mình tìm hiểu thấy nhưng chỉ 1,2 bé, mà bé nào cũng yêu mến mẹ từ lúc nhỏ xíu, từ lúc chưa có ý thức đến lúc lớn. Thấy cử chỉ của chị với các con, thấy cách ôm trìu mến các bé, thấy cảnh các bé khóc thút thít tủi thân khi chị chia tay đi lưu diễn ở xa, thấy cảnh các bé mừng vui hớn hở khi chị về, …Những điều mà mình chỉ thấy ở những tình mẫu tử ruột thịt và dành nhiều tình cảm cho nhau. Cảm xúc của trẻ con không thể diễn được, đấy là những cảm xúc thật, nó là minh chứng cho tình cảm chị dành cho bé trong suốt một thời gian dài. Những người đi diễn cùng với chị ở Hải ngoại kể mỗi lần đi lưu diễn xa về chị mua rất nhiều đồ chơi, quần áo cho mấy đứa nhỏ, có lần nguyên 1 vali xe đồ chơi cho mấy đứa nhỏ luôn, bỡi vậy mấy đứa rất hớn hở và mong chờ mẹ về. Anh Đỗ Quang Chí cho biết "đã nhiều lần chứng kiến Phi Nhung lăn lộn trong các shop thời trang chọn quần áo cho con nuôi. Đồ Zara không phải rẻ nhưng chị ấy mua rất nhiều về cho con nuôi của mình”.
Hãy xem Đức Hiếu - một cậu bé mồ côi cha, mẹ ruột mắc bệnh tâm thần nên bỏ rơi ở cậu ở bãi biển khi còn nhỏ, phải đi lang thang ai cho gì ăn đó - và được Phi Nhung nhận làm con nuôi khi vô tình gặp trong một lần đi thiện nguyện - đã viết nhật ký khi mẹ nằm viện “Đối với con mẹ luôn là số 1 là người mẹ tuyệt vời. Mẹ biết con là đứa con trai rất dễ sợ mà hay khóc .con lại sợ đủ thứ. Nhưng lúc nào mẹ cũng dạy con là con trai là phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ chứ. Mẹ nhớ lời hứa của con lúc trước không con bảo con sẽ mua xe để trở mẹ Đi chơi á mẹ nhớ ko ( nên mẹ phải mau khỏe lại để cho con chở mẹ Đi chơi) .mẹ còn nhớ câu nói ko ( không có mẹ ai nuôi con ) con thành thật xin lỗi mẹ nhiều ( khi mẹ bệnh con lại không thoàn thăm mẹ thế nào ) mấy nay con cảm thấy lo lắng.gọi cho mẹ không bắt máy. Nhiều lúc con bật khóc ..đối với con mẹ là tri thức là sức sống của con những lúc bị la. Con lại khóc mẹ lại bênh vực con..mẹ luôn la con không đeo khẩu trang vô Sao không lo cho sức khỏe của mình .những ngày con nghỉ học mẹ la Sao ko Đi học lo cho tương lai của mình. Vậy mà con lại….. Con Xin lỗi mẹ những tháng ngày nông nổi. Mẹ hãy tha thứ cho thằng con trai này. Con hứa sẽ sửa đổi bản thân .mẹ hay tha thứ cho thằng con trai này ……. Mẹ hãy khỏe mạnh để con mua xe chở mẹ Đi chơi. Để sau này làm đám cười cho con nữa chứ. Con xin mẹ hiền quan thế âm linh ứng phu hộ cho người mẹ thân yêu của con được tai qua nạn khỏi. Con thương mẹ nhiều lắm”. Sau đó mẹ Nhung không qua khỏi, cậu con trai 19 tuổi này đã cạo đầu như cách để báo hiếu với mẹ. Phạm Đức Hiếu, đúng với cái tên mẹ Nhung đặt cho con, rất có Đức và Hiếu.
Đây chỉ là 1 trong 23 cảnh ngộ thương cảm mà chị đã cứu vớt, cảnh ngộ nào cũng thương cảm như nhau, bi thương thì làm sao so sánh được cái nào bi thương hơn. Tôi thiệt chứ, tình yêu thương mẹ với con cái thì người mẹ nào cũng có, không so sánh được, nhưng cái cách mà mẹ Nhung chăm mấy đứa con nó ngọt ngào và ấm áp quá đỗi, làm tôi muốn ganh tỵ.
Chính vì khao khát cháy bỏng có được tình thương của má dồn nén từ thuở ấu thơ, chính cái hoàn cảnh đầy tréo ngoe khiến cho chữ “má” trong chị vô cùng thiêng liêng và cao quý, đã khiến chị dành hết tâm huyết mình để bù đắp cho những đứa trẻ thiếu tình thương của má, bù đắp cho những mất mát như chính của chị ngày xưa. Và sau này, chị đã dành hết cả cuộc đời để bù đắp cho những mảnh đời mồ côi.
Chị không chỉ cho tụi nhỏ cái danh phận mẹ - con, mà chị còn cho chúng thứ tình yêu mẫu tử ngọt ngào nhất có thể - thứ tình yêu mà chị luôn khao khát ao ước từ nhỏ đến giờ, thứ tình yêu mà tụi nhỏ đã bị thiếu - cũng giống như chị. Có biết bao clip về chị và tụi nhỏ, mấy bạn thử coi clip này, bài hát mình cover, cũng là một bài hát của chị về tình mẹ con, trong này cũng có hình ảnh chị ôm Đức Hiếu trên sân khấu rất là ngọt ngào.
Chị không muốn gọi những đứa nhỏ là con nuôi, chị không muốn nhận tiền người khác để lo cho tụi nó, chị bảo là con của mình mà, mình phải lo chứ, làm được bao nhiêu, có bao nhiêu lo bấy nhiêu, không nhận tiền người khác để lo cho con mình. Chị gồng gánh, làm mọi thứ để có tiền sang sẻ, thậm chí vừa hát vừa đứng bán đĩa trên sân khấu, một việc làm mà chỉ duy nhất có Phi Nhung là dám làm. Chị bảo, cũng xấu hổ lắm chứ, ca sĩ nổi tiếng mà phải bán từng cái đĩa vậy, nhưng nghĩ đến những đứa con, chị làm hết, cái gì làm được thì làm.
Có lần Duy Mạnh bị fan cà khịa đã trả lời rằng, đại ý rằng coi thử ai kế thừa cái nhà thì biết con ruột con nuôi, nhưng chị đâu có nhiều nhà cho đủ, ngay cả ở nhà mấy bạn đây đâu phải ai cũng thừa kế như nhau đâu. Việc thừa kế nhà đất ra sao chúng ta không rõ, nhưng có việc chúng ta đã rõ, chị đã mở tài khoản tiết kiệm cho cả 15 người con, cũng là một hình thức thừa kế, bằng chính tiền túi của chị, các con sẽ được sử dụng khi lớn lên, chính các con cũng chưa biết điều này.
Thiệt sự, tình yêu thương vầy mà gọi là “con nuôi” thì chưa chính xác, có mấy ai đối xử với con nuôi như vậy. Đừng so sánh với việc Phi Nhung nhận làm con nuôi với bất kỳ 1 ca sĩ nào khác nhận con nuôi, kệch cỡm lắm, nước giếng không thể so với đại dương được. Phi Nhung là nhận làm con, còn người khác nhận chỉ để nâng đỡ kiểu bầu show thôi.
Phi Nhung là một người mẹ vĩ đại, một người mẹ trăm năm có một. Tôi thật thầm biết ơn dùm cho những bé được chị nhận nuôi, đó là một diễm phúc to lớn của cuộc đời mà không biết phúc đức bao nhiêu đời mới có được.
Một người con hiếu kính, một người mẹ vĩ đại, đã trải qua hết các cung bậc cảm xúc, chị hiểu được hết cảm xúc của một đứa con thiếu mẹ như thế nào, và cũng hiểu được tình thương của người mẹ cho con, nên khi chị hát những bài hát về mẹ con, về tình mẫu tử, bài nào nghe cũng nhức nhối và đứt ruột. Một trong những bài hát về tình mẹ con đầu tiên mà chị thể hiện là bài “Rồi 20 năm sau”. Cảm động về tuổi thơ mồ côi của chị, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn đã viết bài “Nhớ mẹ lý mồ côi” - bài hát được viết với cảm xúc trên chính cuộc đời của chị.
Chúng ta có thể cảm nhận được chị khao khát tình thương của người mẹ đến nhường nào, gặp những nghệ sĩ lớn tuổi chị đều tận tụy muốn họ làm mẹ, muốn được làm 1 đứa con, khao khát được gọi một tiếng mẹ, dù chỉ là một cảm giác ngắn ngủi mẹ - con trên sân khấu. Vậy nên chị có rất nhiều mẹ, mẹ của Trizzie, mẹ Linh, mẹ Dung, mẹ Lệ Thủy nữa. Chúng ta có thể thấy chị ấy hạnh phúc cỡ nào khi làm “con” chỉ một phút ngắn ngủi trên sân khấu với mẹ Lệ Thủy nè, hay mếu máo tủi thân với mẹ Giao Linh như vầy.
Xuyên suốt cuộc đời đi hát, chị lúc nào cũng đau đáu và cố gắng truyền tải thông điệp về tình mẫu tử, về chữ hiếu mỗi khi có cơ hội. Khi được giao lưu với khán giả, chị cứ dặn dò mọi người về tầm quan trọng của mẹ, những ai còn mẹ hãy trân trọng, đừng làm mẹ buồn, nhớ về thăm mẹ thường xuyên, … rất nhiều lần chị dặn dò như thế. Nhận được mấy đứa con đi hát cùng, chị cũng cùng với tụi nhỏ ra mắt Album Hiểu & Thường, gồm 10 bài hát nói về mẹ và ba, toàn những bài hát có giá trị giáo dục rất cao, như 1 đoạn trong “Hiểu & Thương”, ‘Thương người như thể thương ta, Quý ơn mẹ cha mới là đạo con, Giữ trọn hai chữ sắt son, Non là chữ Hiếu biển là chữ Thương, Hai từ vốn chỉ bình thường, Nhưng đầy chân lý soi đường ta đi, Xoá đi hai chữ Chia Ly, Xoá đi bốn chữ Nghi Ngờ Ghét Ganh’.
Chọn bài hát để hát cho hay được còn khó, mà chọn trong cái chủ đề mong muốn truyền tải còn khó hơn. Tôi cũng không thấy một ai hát nhạc về tình mẫu tử, về chữ hiếu như chị. Chị đã dùng cuộc đời của mình, tiếng hát của mình để truyền tải chữ “Hiếu” trong suốt mấy chục năm qua, cho đến những bài hát cuối đời. Những ai nghe nhạc chị miết không nhiều thì ít cũng thuộc lòng cái chữ này. Những bài chị hát, những gì chị làm, những gì chị từng trải đã đồng điệu với nhau như thể là một, là chính con người chị, để rồi mỗi khi nghe giọng chi vang lên những bài hát về tình mẹ - con, về chữ hiếu, người ta như thấy cả cuộc đời của Phi Nhung trong đó, có ai mà không cảm động rơi nước mắt.
3. Thân phận người phụ nữ trong xã hội
Chúng ta không cổ súy cho việc phụ nữ phải chịu đựng, nhưng thực sự nó đã xảy ra trong một thời gian rất dài trong xã hội chúng ta, những bài hát này nhắc cho chúng ta nhớ rằng, ba mẹ, ông bà của chúng ta từng sống và chịu đựng như vậy, nó là giá trị lịch sử, với tôi dễ nhớ và hiểu hơn trăm lần đọc một đoạn văn.
Tôi đã từng chứng kiến một chị công nhân gần phòng trọ khóc nức nở khi nghe bài “Hạnh phúc quanh đây”, cũng là bài đầu tiên nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội của chị. Bài này chị hát từ năm 1998, và cũng dĩ nhiên là chưa thể có bất cứ 1 người nào hát lại có cảm xúc và hay đến thế. Hay như bài, “Hạnh phúc đơn sơ 2”, Những chị em nào đang trắc trở mà nghe chắc nước mắt đầm đìa quá.
‘Từ ngày mình bỏ em đi, Từng đêm con trẻ nhớ anh ngắm hình anh, Lòng càng quặn đau khi con thơ mắt vương lệ tuôn, Hỏi em cha đâu sao không về dắt con đến trường’.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam gánh quang gánh có đứa bé ngồi trong gánh ở trong “Mong em còn ngày mai” tôi cũng không thể nào quên được.
Thể loại này có rất ít ca sĩ hát, vì kén ca sĩ, phải là ca sĩ nữ, và phải nức nở, phải làm cho người khác khóc thì mới được, phải vừa hát vừa rơi nước mắt thì mới có cảm xúc được, và cũng không ai làm tốt hơn Phi Nhung. Chính những bài hát thể loại này, cùng với những thể loại tình yêu quê hương, tình mẹ con mới đưa tên tuổi Phi Nhung nổi tiếng từ những ngày đầu vào nghề.
Sau này, lúc nào cũng có những bài ở thể loại này, như bài “Thanh Xuân Em Đợi” phát hành năm 2019
Chị đã khắc họa cảnh người con gái ở tuổi ‘trăng thắm son’, cái tuổi ‘thanh xuân’ đẹp nhất cuộc đời, nhưng phải tiễn chàng trai ra chiến tuyến và chờ đợi. Chờ cho ‘mấу cơn mưa qua hết mùa’, chờ cả cái thanh xuân, chờ đến mức ‘nắng lỡ chiều phai’ luôn, để rồi cuối cùng khi ‘ngoảnh nhìn lại tuổi xuân phai’ thì ‘ươm mắt caу một thời con gái’. Cuối cùng chỉ còn lại những ‘ưu tư dâng đầу, thắm cả góc quê nàу’. Thiệt là hay không thể tả, lột tả trần trụi một góc quê buồn man mác và sự tàn khốc vì chiến tranh ở một giai đoạn lịch sử, đúng như những gì mà ông bà ta đã trải qua. Vài bài học lịch sử này đã được mọi người “tự động” (không phải ép buộc để lấy con số nha) học đến gần 4 triệu lượt, và mọi người vẫn cứ tiếp tục học. Tôi nghĩ rằng hiện tại không có bất kỳ 1 ca sĩ nào ở tầm tuổi chị, mà cho ra đời bài nhạc về trữ tình quê hương mà có sức lan tỏa như vậy. Tác giả Ngô Minh Tài cũng thừa nhận, chỉ có chị Phi Nhung mới hát có cảm xúc và thành công bài hát của anh đến như vậy.
Chị cũng từng tâm sự, chị không lấy chồng cũng vì sợ không đảm nhiệm vai trò người phụ nữ trong gia đình. Nếu chị lấy chồng, chỉ phải chăm sóc gia đình, lo cho gia đình 2 bên, thì không thể tiếp tục đi hát được. Chị mê hát nhất trên đời mà 😃 Như tôi đây hát được bì bõm vài câu, nhưng đã thấy cuộc sống không thể thiếu âm nhạc được rồi 😃
4. Tình yêu đôi lứa
Chủ đề này là chủ đề mà hầu hết những ca sĩ hát, thì với Phi Nhung nó chỉ xếp ở phía sau. Chúng ta thường thấy tình yêu đôi lứa trong những bài bolero đa số là sầu bi. Sự sầu bi mà phần lớn những bài bolero khắc họa lại không đại diện cho thứ tình cảm mà chị trình diễn. Nói đến tình yêu nam nữ trong nhạc của Phi Nhung, đa số người ta nghĩ đến những hình ảnh nhí nhảnh, dễ thương, mộc mạc và chân thành. Chứ không có cảnh não nề. Đúng là có những thứ người ta mặc định nó buồn nhưng chị đã thay đổi.
Chúng ta hãy xem bài hát song ca lần đầu tiên, và lần cuối cùng với Mạnh Quỳnh ở Paris By Night “Dù anh nghèo” và LK Căn nhà màu tím - Bài ca của nàng.
Bài đầu tiên là 1 bài buồn, nhưng vẽ đẹp thôn quê chân chất, thật thà của cô gái và chàng trai, với bộ quần áo thư sinh mang đậm chất nghèo, cộng với khung cảnh lãng mạng, cùng với âm nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, .. đã khiến người nghe quên đi cái buồn, mà chỉ thưởng thức cái thứ tình cảm chân chất của cặp đôi nghèo này. Bài cuối cùng ai nói là bài vui, nhưng xem chị đã diễn tả cảm giác rất hạnh phúc để kể lại chuyện tình một thời lãng mạng. Nhìn ai mặt ai lúc thưởng thức cũng phấn khởi và vui như chị.
Tình yêu lứa đôi trong nhạc của Phi Nhung là sự nhí nhảnh, hồn nhiên, dễ thương, quậy phá, từ “Tơ Duyên”, đến “Về Quê Em”, rồi “Lý Đất Giồng”.
Trước những bản nhạc này, không có cái tình yêu đôi lứa nào hát ở cái thể loại này mà vui nhộn đến như vậy. Trước và cùng thời với chị có Hương Lan, Như Quỳnh, Tâm Đoan, Hương Thủy, … và sau này cũng có nhiều ca sĩ nữ trẻ khác, nhưng không có một ai nhí nha nhí nhảnh như chị, ai cũng “thùy mị nhẹ nhàng nết na” hết, nên cũng không có những bài nhạc kiểu này, còn mấy bác lớn như Hoàng Oanh, Phương Dung, Giao Linh, … càng không thể có. Còn mấy bài tân cổ thì thôi rồi, đáng yêu vô cùng, bạn thử nghe lại bài tân cổ giao duyên Duyên Nghèo coi, ‘thiệt là dễ thương hết sức vậy đó’, tôi thiệt là đã cạn vốn từ tiếng việt để mô tả sự dễ thương này.
Nhiều người mê mẩn cặp Phi Nhung Mạnh Quỳnh vì thứ tình yêu tinh khiết mà họ trình diễn, Phi Nhung khiến người đời phải tạc tượng và phác họa để lưu truyền cặp đôi PNMQ này, biết bao họa sĩ đã vẽ lại anh chị, biết bao nhóm về PNMQ ra đời để lưu truyền lại những ký ức, những màn trình diễn đẹp đẽ của anh chị. Thành thực, tôi cũng cảm nhận PNMQ là 1 thứ tình yêu lứa đôi đẹp đẽ nhất trên sân khấu. Nhưng tôi cũng phải nói rằng PNMQ chỉ là một phần nhỏ trong những thứ mà Phi Nhung làm người nghe mê mẩn.
Cuộc gặp gỡ giữa Phi Nhung và Mạnh Quỳnh đúng là là một cuộc gặp định mệnh đã sắp đặt. Trước khi gặp MQ chị đã hát chung với nhiều người, hát nhiều với Thái Châu, nhưng chỉ đến khi gặp MQ, tài năng về ca cổ trong tiếng hát lẫn sáng tác của Mạnh Quỳnh như những làn nước mát làm mầm móng phải gìn giữ và truyền tải cải lương trong chị đâm chồi nảy lộc. Tính cách nhẹ nhàng, ga lăng, chịu đựng và có phần tươi trẻ của MQ lại bù trừ cho sự nhí nhảnh, quậy phá, cá tính con trai của Phi Nhung khi trình diễn trên sân khấu. Việc không quá lớn tuổi hơn chị, không cần phải gọi anh - em và tính cách nhường nhịn của MQ dẫn đến những cuộc tranh luận về việc hát hò giữa 2 người cũng không cần phải diễn ra 1 chiều, mà đa phần phần thắng thuộc về Phi Nhung, để những sáng tạo và mong muốn của chị được trình diễn trên sân khấu. Tất cả những điều đó khiến Mạnh Quỳnh là một đối tác trên sân khấu về tình yêu lứa đôi không thể nào tốt hơn, và Phi Nhung đã chọn Mạnh Quỳnh, duy nhất Mạnh Quỳnh là người tình sân khấu. Chị đã trình diễn những tình cảm ngất ngây lãng mạn của tình yêu lứa đôi chỉ duy nhất với Mạnh Quỳnh. Đây cũng là 1 điều vô cùng đặc biệt của Phi Nhung, với hầu hết các ca sĩ khác, khi diễn là họ điều diễn như nhau với mọi người, chúng ta cũng thấy MQ hát với Hương Thủy, Như Quỳnh cũng với cái cách như vậy, nhưng chỉ có Phi Nhung là sự khác biệt.
Tôi cảm nhận chị đã giành tình yêu cho Mạnh Quỳnh trên sân khấu, chỉ có tình yêu mới trình diễn được như thế, nhưng cái hay ở chỗ là tình yêu chỉ trên sân khấu. Điều này được lý giải là chị đã dốc mọi tâm huyết vào những màn trình diễn. Tôi cảm nhận Phi Nhung dành tình yêu cho MQ trên sân khấu lớn hơn chiều ngược lại, nhưng tôi lại cảm nhận ngoài đời thực, MQ lại yêu Phi Nhung nhiều hơn. Vậy mới lạ.
Tôi đã nghiên cứu mọi cặp song ca nam nữ ở thể loại nhạc này, trẻ có, già có, và hầu hết họ diễn chỉ gò bó trong 1 khuôn khổ nhất định, theo những khuôn thước mẫu, không có sự thỏa mái cởi mở, không có sự tự nhiên và tùy hứng như cặp PNMQ, không có những cái hun, cái ôm bất ngờ làm nức lòng người xem ở dưới, không có những hành động bất ngờ khiến khán phòng phải ồ lên. Những thứ đó hầu hết đều được khởi xướng từ Phi Nhung. Và tôi kết luận, chỉ có tình yêu thì chị mới làm được như vậy.
Tôi có đưa những bài tân cổ cho đứa bạn để nó xem và nhận xét, thì nó khẳng định chắc là Phi Nhung yêu Mạnh Quỳnh nên mới trình diễn được như vậy. Đúng thế, Phi Nhung dốc tâm huyết vào những bài hát này rất nhiều lần, khiến những màn trình diễn trở thành tình yêu lứa đôi thật sự. Vậy nên chúng ta mới có những bản nhạc tình PNMQ bất hủ chạm đến trái tim như thế, vậy nên cặp song ca PNMQ trở nên bất hủ và khó để mà lặp lại được. Hãy xem 2 anh chị trình diễn một thứ cảm xúc mà phải xem mới tận hưởng được, chứ tôi không thể mô tải lại được, ở bài LK Lại nhớ người yêu và Ước mộng đôi ta
Thậm chí chỉ có đứng nhìn chằm chằm vào mắt thôi cũng duyên dáng nữa.
Cái thứ tình yêu chị trình diễn nó nhẹ nhàng, trong trắng, lãng mạng từ những bài đầu tiên Dù anh nghèo lúc chị 30 tuổi, và giữ sự đáng yêu đó trong suốt mấy chục năm, cho đến bài cuối cùng Bài ca của nàng lúc chị gần 50 tuổi, nó khác với cái tình yêu chộp giật mạnh bạo như nhạc trẻ, cũng không có cái sầu não của bolero trong đó. Bởi vậy mới có việc cô ca sĩ đã 50 tuổi trình diễn tình yêu lứa đôi trên sân khấu mà mấy bạn trẻ đôi mươi ở dưới cứ há miệng cười và chực chờ những điều lãng mạn xảy ra, thiệt chứ nó lãng mạn và êm đềm còn hơn thực tế ở lứa tuổi của các bạn. Điều này lý giải tại sao cặp song ca PNMQ có sức hút đến như vậy bất chấp tuổi tác.
Ở thời đại mọi thứ đều phát triển nhanh, tình cảm lứa đôi cũng cuốn theo dòng chảy đó, không có cảnh e dè mắc cỡ như hồi xưa, mọi thứ thực dụng và ít lãng mạn hơn, thì thứ tình yêu mà PNMQ trình diễn nó như níu kéo lại một tí gì đó, làm người xem nao lòng để tận hưởng vẻ đẹp ngọt ngào, lãng mạn của tình yêu.
Phi Nhung hát cái gì, truyền tải cái gì thì tâm huyết chị y như vậy, Phi Nhung đã trình diễn một thứ tình yêu lãng mạn và đẹp đẽ như thế với Mạnh Quỳnh, và cũng chỉ duy nhất với Mạnh Quỳnh mà thôi. Sau này về nước ít còn được hát chung với MQ, chị cũng không hát những bài từng hát với MQ với ai, chị cũng không diễn như từng diễn với MQ với bất kỳ ai. Chị muốn bảo tồn và gìn giữ cái tình cảm này để truyền thông điệp về sự thủy chung trong tình yêu. Chị từng tâm sự, nếu mà làm vợ của MQ thì sẽ chung thủy lắm đó, ‘bởi vì yêu anh vô cùng, trời cho Nhung mang nét thủy chung’, tôi hoàn toàn tin tưởng điều này, chị sẽ chung thủy, giống như cách mà chị chung thủy với 1 người tình trên sân khấu.
5. Phi Nhung & Mạnh Quỳnh
Trong làng nhạc Việt, nếu hỏi bất kỳ một người nào từng nghe nhạc về đôi song ca rất ăn ý với nhau và nổi tiếng trong thời gian lâu nhất, họ sẽ trả lời “tôi không biết đôi nào cả” hoặc là “Phi Nhung và Mạnh Quỳnh” mà thôi. Trong quá khứ từng có rất nhiều cặp song ca đã từng làm sóng gió, như những cặp song ca làn sóng xanh hầu như thế hệ tôi ai cũng biết: Đan Trường Cẩm Ly, Quang Dũng Thanh Thảo, … nhưng hầu hết họ chỉ nổi lên một thời gian ngắn kèm với những bản hit nhất định. Ngoài Phi Nhung - Mạnh Quỳnh, không có bất cứ cặp song ca nam nữ nào trong làng nhạc Việt diễn với nhau ăn ý và có sức hút liên tục hơn 2 thập kỷ, từ những bài hát đầu tiên lúc 30 tuổi cho đến những bài cuối cùng lúc đã 50 tuổi.
Những bạn chưa từng nghe PNMQ song ca có lẽ đang nghĩ tôi đang quan trọng hóa vấn đề, nhưng không đâu, cặp song ca PNMQ có sức hút rất khó lý giải mà không một cặp song ca nào có được, một khi ai đó đã nghe thì rất dễ phải lòng, mà phải lòng rồi thì không thể nào quên được. Tôi có anh bạn @linh Nguyễn chỉ nghe nhạc nước ngoài và song ca PNMQ, mỗi ngày mới đều phải nghe PNMQ thì mới có thể bắt tay nghiên cứu được, mới nảy ra idea được, mặc dù “nóc nhà” không tiêu hóa được những âm điệu này nên phàn nàn liên tục, khiến anh ấy “không dám” mở nghe thỏa mái, nhưng anh ấy đã tích cực “làm việc nhà” hơn để có được những “phần thưởng” là những phút giây vừa làm việc nhà vừa được nghe PNMQ 😁
Để làm những điều mà không cặp đôi song ca nào làm được, dĩ nhiên họ cũng có những thứ mà không cặp đôi song ca nào có được. Chúng ta hãy tìm hiểu thử điều gì khiến cặp đôi này trở nên bất hủ như thế.
- Bén duyên với ca cổ
Để ........, con người luôn mong muốn khai phá những điều mới mẻ, nhưng chỉ một số rất nhỏ trong họ, là những người đặc biệt, có những sứ mạng đặc biệt, sẽ là những người đầu tiên khai phá, để cho số đông đi theo. Mảnh đất “tân cổ giao duyên” này cũng thế, phải có những người đầu tiên mang sứ mệnh khai phá, để rồi ngày nay biết bao nhiêu bản tình ca mọc lên trên mảnh đất này.
Cặp đôi Phi Nhung Mạnh Quỳnh đã được người đời nhắc đến không những trước kia, mà còn mãi sau này khi là cặp đôi đầu tiên khai phá mảnh đất “tân cổ giao duyên” này. Bài đầu tiên Phi Nhung Mạnh Quỳnh song ca trên sân khấu, “Dù anh nghèo” đã thành công ngoài sức mong đợi, khiến cho cặp đôi này có cơ hội được trình diễn bài hát tiếp theo của Paris By Night. Thừa thắng xông lên, cao thủ không bằng tranh thủ, Phi Nhung đã đề xuất hát “tân cổ” cho bài hát thứ 2. Đề xuất này nhanh chóng được CEO gật đầu ủng hộ, bởi tiền thân của Paris By Night khi còn ở Sài Gòn cũng là về những bản cải lương, mà đến hiện tại lại không còn giữ được.
Không những thời đó, mà ngay cả thời nay, hát tân cổ là một thứ gì đó rất quê mùa, hát nhạc quê hương đã quê rồi, tân cổ thì quê một cục luôn, không ai dám hó hé. Tôi vẫn nhớ cái lúc tôi được lớp gọi đứng lên hát một bài, để kích động phong trào âm nhạc cho cả lớp. Tôi đứng lên, chần chừ, bảo để tìm bài, thực ra lúc đó trong đầu tôi đang chạy vòng vòng, nên làm một bài trữ tình hay 1 bài “sang” đây, chứ tân cổ thì không dám rồi. So với cả lớp, thì vị trí của tôi chắc là hơn Phi Nhung hay Mạnh Quỳnh ấy chứ, vì tôi hát đầu tiên, sau đó là những bạn khác. Thế nhưng, những âm điệu trữ tình chưa bao giờ thoát được ra khỏi cái thanh quản của một đứa từng nghĩ về “sến” và “sang” trong âm nhạc như tôi, trong một lần đứng lên lớp để hát, “về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát vang rộn ràng” nó chạy từ trong tim ra, nhưng khi thoát ra ngoài nó lại biến thành “khung cửa sổ, hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ (Hương Thầm - Bảo Yến). Tôi nghĩ lớp tôi miền Tây cũng nhiều, chắc cũng có nhiều bạn hát được tân cổ, nhưng sẽ mãi mãi không thể nào biết, chắc tụi bạn cũng không bao giờ biết tôi tuy dân miền Trung nhưng cũng hát được cải lương :D
Thời đó, cũng có khá nhiều ca sĩ hát được cải lương, nhưng không ai dám lộ diện, cũng có khá nhiều mê những điệu cải lương, nhưng chẳng ai yêu cầu. Phi Nhung, với trái tim yêu quê hương và những thứ thuộc về quê hương mãnh liệt, không bao giờ “mắc cỡ” về những thứ “quê mùa” mà chị xuất thân, chị chưa bao giờ ngần ngại để cho người khác biết rằng chị ấy “hát được” cải lương. Cứ có cơ hội là chị ấy tranh thủ làm 1 đoạn cải lương. Chị ấy thực sự muốn truyền tải và quảng bá loại hình nghệ thuật này rộng rãi, và làm mọi thứ để truyền tải khi có cơ hội.
Khi Phi Nhung đề xuất hát tân cổ, và bắt đầu tập với Mạnh Quỳnh, chị mới “tá hỏa” ra, thì ra Mạnh Quỳnh là một cây tân cổ “hạng nặng”, được học hành bài bản hồi xưa, nhưng đang “núp lùm”, anh ấy chỉ toàn hát bolero chứ chưa bao giờ dám xuất ra một chiêu tân cổ bao giờ. Thế này thì tốt quá, cả 2 cùng với nhạc sĩ tập bài “Căn nhà màu tím”, nhưng lúc này họ mới “tá hỏa tam tinh” rằng Phi Nhung chẳng biết cái gì về tân cổ cả @_@, vậy mà chị nằng nặc và chọn hát tân cổ cho 1 bài hát trên sân khấu danh giá Paris By Night, một sân khấu mà ngay cả cái nút áo cũng cần phải lựa chọn cho chỉnh chu. Hóa ra chị ấy làm việc bằng trái tim, cứ lựa chọn những gì trái tim mách bảo.
Cả 2 vừa tập, vừa dạy cho Phi Nhung cách đếm nhịp từng câu từng chữ, anh ấy nhiều lần nổi đóa, đã không có kiến thức cải lương mà cũng đòi hát cải lương, thôi dẹp, nhưng càng cãi vã làm chị ấy càng thêm quyết tâm, tui phải tập phải hát cho bằng được, tui không bao giờ bỏ cuộc. Chỉ tầm hơn 5 phút ngân nga trong căn nhà màu tím, anh Mạnh Quỳnh chỉ cần 15 phút vào phòng thu là có thể hoàn thành, nhưng chị ấy đã cần hơn 1 tuần ròng rã. Chị nói, dù có thế nào chị cũng phải hát cho bằng được, chị đã quyết tâm thì phải làm cho bằng được. Hicc, nhìn người mà ngẫm ta, tôi cũng có những quyết tâm, nhưng một khi tôi đã quyết tâm thì chỉ có nản mới cản được tôi.
Mặc dù với tư cách là “thầy” ở mảng tân cổ, anh ấy có thể bắt buộc mọi thứ phải theo anh ấy, nhưng không, với tính cách nhường nhịn, ga lăng, nhẹ nhàng và có phần cũng trẻ con của anh chàng này, chàng và nàng đã “choảng” nhau liên tục như 2 đứa trẻ con ở quê. Nhưng có lẽ anh ấy đã không thể đấu lại “cô nàng ngổ ngáo” kia trong phần lớn công việc, và đã nhượng bộ rất nhiều thứ, không biết có phải vì lý do này khiến anh ấy “ấm ức” hay không, mà ở việc cuối cùng, anh ấy đã “tự ý” mặc cái áo màu trắng, thay vì cái áo màu tím như lời “chỉ bảo” của chị ấy, khi chị ấy nhận ra thì đã chuẩn bị lên sân khấu không thể thay đổi được nữa. Có lẽ anh ấy muốn “phải một lần là chính mình” chăng?
Sự lựa chọn xuất phát từ “trái tim” của Phi Nhung đã được đền đáp không thể nào xứng đáng hơn được nữa, “Căn nhà màu tím” nó cuốn hết mọi sự chú ý, khiến mọi người ngất ngây như con gà tây khi lần đầu được nghe một âm điệu dân ca đến từ quê nhà ngay trên đất Mỹ, được trình diễn bởi chàng trai và cô gái hết sức tự nhiên và mộc mạc, đây chính là thứ mà hầu như các khán giả hải ngoại đã thiếu và mong mỏi sau một thời gian dài “ngăn sông cấm chợ” giữa Mỹ và Việt Nam. Những chiếc đĩa có “Căn nhà màu tím” sản xuất bao nhiêu cũng được bán hết ngay, có ngày bán đến gần cả ngàn đĩa. Và quả tên lửa màu tím này cũng chính thức đưa anh chị lên top đầu cặp song được mến mộ nhất hải ngoại, và ngự trị trên đó mãi cho đến ngày nay.
Mới chỉ hát 1 đoạn cải lương ngắn chủn, chị ấy vẫn chưa là cao thủ ở mảng này nhưng rất biết tranh thủ, sau sự thành công không thể ngờ của “Căn nhà màu tím”, chị ấy quyết tâm thực hiện một vở cải lương nguyên tuồng “Lan và Điệp” nhằm để truyền bá cải lương đến với nhiều người, thứ mà chị luôn ấp ủ trong lòng, dĩ nhiên chị ấy đã nhắm Mạnh Quỳnh cho vai Điệp. Mạnh Quỳnh đã bị Phi Nhung lôi vào “Căn nhà màu tím”, mặc dù cả 2 cùng nổi tiếng, nhiều người đã biết đến anh ấy hơn, nhưng có lẽ, anh ấy cũng cần có thời gian để định hình lại thể loại âm nhạc theo đuổi chứ không thể rẹt một phát toàn tâm toàn ý cho cải lương được. Hát nhạc bolero vẫn đa dạng, tồn tại được lâu và có phạm vi khán giả rộng hơn rất nhiều, có lẽ vậy nên anh ấy ngần ngại và “chưa chịu” tham gia vở cái lương nguyên tuồng này.
Quyết tâm phải làm được vở cái lương này, Phi Nhung chạy về Việt Nam, với thành ý rất lớn chị đã tìm đến “anh cả” cải lương lúc bấy giờ cho vai Điệp, nhưng câu trả lời, vai Lan là một người Việt Nam nghèo khó ở quê, còn cô tây không ra tây, ta không ra ta sao có thể đóng vai Lan được, đã khiến chị có cảm giác bị xúc phạm và không còn tôn trọng người đàn anh đó nữa. Có lẽ chúng ta không bao giờ được biết tên vị “đàn anh” này, vì Phi Nhung sẽ không bao giờ nói những điều tiêu cực về người khác, chị ấy cũng chưa từng giận ai bao giờ, chị ấy đã rời đi với khí thế hừng hực quyết tâm hơn, tôi hình dung chị ấy đã nổi đóa “há, nói cho biết nha, tôi được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam, tôi sẽ làm được”.
Đúng là định mệnh, có muốn thoát cũng không được, chị ấy buộc phải quay về Mỹ và năn nỉ Mạnh Quỳnh cùng đóng Lan và Điệp. Có lẽ chị ấy cũng hiểu không ai phù hợp hơn Mạnh Quỳnh lúc bấy giờ, những “cao thủ” về cải lương làm sao có thể chịu đóng với 1 người chỉ vừa hát được 5 phút cải lương trên sân khấu. Cả 2 anh chị cùng là những lính mới trong cải lương, cá tính, kiến thức không giống nhau sẽ bù trừ cho nhau và cùng nhau học hỏi cách diễn cải lương.
Vở cải lương nguyên tuồng Lan và Điệp ra mắt, dài gần 3 tiếng, đã gây tiếng vang và bán chạy như tôm tươi, mặc dù đã được đầu tư bằng số tiền khổng lồ lúc bấy giờ, hơn 100 ngàn đô, nhưng anh chị đã thu lại được hơn rất nhiều số tiền đầu tư. Xem vở này khiến tôi tốn cả cuộn giấy để lau nước mắt. Không thể tin được, với người mới chỉ hát vài câu trên sân khấu có thể đóng nguyên cả tuồng cải lương đủ hết các cảm xúc thế kia. Sau sự thành công vở cải lương này, anh chị còn ra thêm vài vở nguyên tuồng khác, như “Hải âu phi xứ”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”.
Trở lại sân khấu, sau sự thành công của “Căn nhà màu tím”, khá giả liên tục yêu cầu, anh chị cũng cho ra rất nhiều những bản tân cổ giao duyên trên sân khấu Paris By Night, với tài năng trong ca cổ về hát lẫn sáng tác của Mạnh Quỳnh, và sự “chỉ đạo” của Phi Nhung, anh chị đã cho ra rất nhiều những bản tân cổ giao duyên để đời, rất đa dạng cảm xúc, bản thì nhí nha nhí nhảnh dễ thương hết sức dzậy đó, bản thì khóc sướt mướt thấy mà thương, bản thì vui vẻ phấn khởi vì mùa xuân đến,… mỗi bài mỗi vẻ mười phân vẹn mười, bài nào cũng là một kiệt tác cả về nghe lẫn nhìn, khiến những người xem qua đều phải rung động và không thể nào quên.
- Sự nhập vai của Phi Nhung trên sân khấu
Chân thật, cảm xúc chân thật, đây chính là 1 điểm làm nên sự khác biệt của cặp song ca PNMQ và những cặp song ca khác, mà tôi tin ai cũng phải đồng ý ở điểm này. Tôi đã xem và nghiên cứu rất nhiều cặp song ca, nhưng ở họ chỉ có những cái diễn theo “bài” đã được định sẵn, không có sự “chân thật” như cách diễn của Phi Nhung. Tôi tạm gọi là sự “nhập vai”.
Với những bài hát về tình cảm lứa đôi của PNMQ, tôi tin thứ mà đọng lại rất nhiều nhất trong tâm trí của mỗi người khi xem xong, đó là sự hồn nhiên, chân chất mộc mạc, rất đỗi dễ thương của nhân vật nữ. Chị đã tái hiện lại sự mộc mạc đáng yêu của chính chị trong cuộc sống vào những màn biểu diễn trên sân khấu. Nói như nhạc sĩ Văn Hoàng, Phi Nhung trên sân khấu sao thì ngoài đời y chang vậy đó, đáng yêu vô cùng. Tin tôi đi, mặc dù có cuộc sống cơ cực không ai bằng, nhưng trái lại, không nhiều người luôn luôn nở nụ cười trên khuôn mặt, nụ cười rất hạnh phúc, nụ cười tràn đầy năng lượng, và luôn khiến tất cả mọi người đều vui vẻ khi tiếp xúc với chị.
Tôi đã lần lại xem những video chị trình diễn trước đó, ngay cả bài Sông Quê song ca với Thái Châu, khi xong bài thì chạy cái vèo vô cánh gà, chứng tỏ chị rất run khi lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn như vậy, như lời nhận xét của NS Đynh Trầm Ca, Phi Nhung lúc này là ca sĩ chưa có tên tuổi, lại không có kỹ thuật gì trong hát hò, nhưng chính cái cách chân thành mộc mạc của chị ấy, hay nói cách khác là chị ấy đã hóa thân, đã “nhập vai” vào cô gái trong bài “Sông quê” đấy để kể lại câu chuyện cho khán giản, đây cũng chính là điểm mấu chốt làm nên sự nổi tiếng của Sông quê, đã làm cho “Sông quê” chảy tràn trong ký ức của rất nhiều người.
Chữ “nhập vai” theo đúng nghĩa của nó, nghe thì đơn giản vậy, nhưng không hề đơn giản, các diễn viên chuyên nghiệp nổi tiếng khi đóng film họ cũng có 2 sự lựa chọn, chỉ diễn xuất tạm thời hoặc là “nhập vai”. Không nhiều người dám lựa chọn cách thứ 2, mặc dù sẽ cho cách diễn xuất xuất thần khỏi phải bàn cãi, nhưng sau đó lại “xuất vai” không được. Với những vai diễn giống cá tính của họ thì không sao, nhưng với những vai không giống họ, họ sẽ không thể trở lại được với chính họ, thậm chí lao vào rựu chè, ám ảnh, dằn vặt vì đã trở thành một người khác. Phi Nhung đã nhập vai trong những bản nhạc tầm 10 phút trên sân khấu không khác gì những diễn viên chuyên nghiệp nhất. Đó chính là lý do tại sao màn trình diễn cặp đôi của cô ấy trên sân khấu lại lôi cuốn như thế.
Chính cái sự “nhập vai” này, mà một khi nghe Phi Nhung thể hiện một bài hát nào đó, sẽ không thể nào quên được, không ai có thể thay thế được, bởi vì những bài hát cô ấy thể hiện đa phần là về tình yêu quê hương, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ, … những thứ mà chị đã có quá thừa “cảm xúc” vì đã trải qua rất nhiều trong cuộc đời.
Chúng ta có thể thấy chị ấy “nhập vai” như thế nào trong một lần phỏng vấn bên lề sau khi hát xong một bài tân cổ giao duyên trên sân khấu Paris By Night, khi được yêu cầu diễn lại một đoạn ấn tượng nhất trong vở “Hải âu phi xứ”, đó là một đoạn chị ấy tát anh ấy, mặc dù chỉ là diễn thử lại cho vui với khán giả, nhưng khi chị bấy bật qua chế độ “nhập vai”, một cú tát trời giáng vào mặt anh ấy, khiến cả khán đài há hốc bịt miệng vì hoảng hồn, kết quả anh ấy bị rớt cái răng (chắc cái răng này đang lung lay). Đây là một ký ức có lẽ đã theo anh ấy cả đời này, bây giờ mỗi lần nhắc lại anh ấy vẫn hay chỉ chỏ vào cái răng cửa khuyết 1 chỗ do Phi Nhung tát ngày nào.
Sự “nhập vai” là một kỹ thuật cao nhất cho màn trình diễn, Phi Nhung rõ ràng chưa bao giờ được đào tạo bài bản về thanh nhạc cũng như diễn xuất, chắc có lẽ chị cũng chưa từng bao giờ được “chỉ bảo” về những kỹ thuật như vậy. Nhưng thực tế, chị đã làm rất tốt, tốt hơn hết mọi người khác ở khoản này, chúng ta có thể kiểm chứng, chính vì sự “nhập vai” một cách thần thánh vầy, mà chị có thể đóng kịch, đóng phim, đóng cải lương … như những nghệ sĩ chuyên nghiệp, mặc dù chị ấy chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào ở những lĩnh vực đó. Phi Nhung rất đa năng, không một người nào hát đỉnh cao mà lại đa năng như chị. Các bạn có thể xem trích đoạn cải lương “Duyên kiếp” để thấy Phi Nhung đa tài và nhập vai kinh khủng cỡ nào. Một vai phải diễn tả rất nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp, mà trước giờ chỉ toàn những bậc gạo cội về cải lương đảm nhiệm, nhưng Phi Nhung lần đầu tiên, lại có màn trình diễn không kém bất cứ ai. Vì muốn đánh giá màn trình diễn này, tôi đã xem rất nhiều lần trích đoạn “Duyên Kiếp” do các nghệ sĩ khác đóng, đặc biệt là Thoại Mỹ, với cách lăn lê và nằm lọt dưới sân khấu.
Vậy điều gì đã làm cho chị trở nên như vậy? Theo tôi, đấy là tính cách của chị: đã làm thì phải làm hết mình, phải quyết để làm cho thành công, phải dấn thân, phải hết mình vào bài hát. Chị đã rất nhiều lần nói về điều này. Đành rằng đã là nghệ sĩ trên sân khấu thì ai cũng bảo “phải hết mình” nhưng cái cách hết mình của chị nó vẫn ở 1 đẳng cấp khác biệt. Tôi chưa từng nhập vai nên tôi không hiểu, nhưng tôi cảm nhận được, mỗi một bài hát là chị chính là người trong cuộc.
- Tình yêu trên sân khấu của Phi Nhung và Mạnh Quỳnh.
Chính vì buộc “phải làm người tình trên sân khấu” khi hát những bài về tình yêu lứa đôi, dẫn đến những trận cãi vả liên tục giữa hai anh chị, không phải những bài hát đầu tiên mà xuyên suốt những bài song ca của cặp đôi. Chị ấy muốn mọi thứ phải tình tứ đúng chất một cặp yêu nhau, khi lên sân khấu phải bật sang chế độ yêu nhau, không những đến từ chị ấy mà phải đến từ cả hai, thì anh ấy, một anh chàng có phần nhút nhát dè dặt, vì rất khó để thể hiện những cử chỉ như vậy nên diễn chưa được “đạt” cho lắm. Vì không thể làm hài lòng chị ấy nên rất cặp đôi cãi vả miết, nhưng cũng vì nhường nhịn và chiều lòng đối tác, anh ấy cũng tập dần để diễn xuất, và chúng ta có những bản song ca “để đời”, mặc dù vậy nếu lắng đọng để nghe và xem chúng ta vẫn có thể nhận thấy, anh ấy vẫn chưa thể diễn một cách chân thành như cách của chị ấy. Tôi có đưa cho đứa bạn chưa bao giờ xem thể loại này, nhờ xem và nhận xét, thì bạn tôi khẳng định chắc nịch là do Phi Nhung yêu Mạnh Quỳnh nên mới diễn được thế kia.
Một trong những thứ tôi nhận ra khi diễn tình yêu lứa đôi trên sân khấu của chị, là phải “nhìn vào mắt của nhau”. Phi Nhung có lần hát một bài với Hoài Linh, trong quá trình hát anh ấy có nhìn vào mặt, nhưng không có nhìn vào mắt, sau đó Phi Nhung cứ bắt bẻ hoài, sao anh không dám nhìn thẳng vào mắt của em. Thực sự nhìn thẳng vào mắt rất là khó khăn, không phải ai cũng làm được, hầu như những cặp đôi song ca hiện nay cũng không thể làm được điều này, nên không thể hiện được tình cảm như trong bài hát.
Mặc dù phía sau cánh gà, chị ấy có thể “hò hét”, “chỉ đạo”, có thể nóng nảy đến mức tung cước làm lủng 1 mảng tường (chắc bằng gỗ) khiến cảnh sát nghe tiếng động vào hỏi thăm, nhưng “trước cánh gà” hoặc phỏng vấn chị ấy lại là một người phụ nữ rất là truyền thống đến mức “phong kiến”, chị ấy bảo làm gì làm chứ không thể vượt mặt đàn ông, dù gì thì nam vẫn hơn nữ chứ, nữ sao qua mặt nam được.
Thứ tình yêu mà anh chị trình diễn trên sân khấu là tình yêu trong sáng, thuần khiết, rất lãng mạn, và quá đẹp đẽ đến mức nó phải luôn luôn ở tình trạng “dang dở”, chưa thể có cái kết, dù cho một cái kết có hậu đi nữa. Những cái ôm nhẹ nhàng ấm áp, những nụ hôn bất ngờ, mặc dù là thứ gì đó khá bình thường với tình yêu thời nay, cũng như là thứ không mang lại cảm xúc khi các bạn trẻ thể hiện trên sân khấu, nhưng lại luôn luôn được tiết kiệm hết mức có thể trong màn trình diễn của PNMQ, và dần dần được nhen nhóm trong phần lớn bài hát, để rồi mỗi khi tung ra ở cuối bài hát, sẽ làm những người theo dõi ngất ngây và mãn nhãn. Thế mới có việc cặp đôi “già” U50 trình diễn tình yêu lứa đôi trên sân khấu, mà các bạn tuổi teen ở dưới cứ hò reo và chực chờ những điều lãng mạn sắp xảy ra.
Đây cũng chính là điểm khác biệt thứ 2 của cặp song ca PNMQ. Để thể hiện những cảm xúc đó, rất cần những bài hát hơi dài dài 1 xíu, và những bài tân cổ dài hơi có nội dung, ca từ cũng có thể được viết lại chính là mảnh đất màu mỡ để anh chị thể hiện chỉnh chu những cảm xúc này.
Nhưng làm sao để có thể giữ độ cuốn hút của màn trình diễn này trong suốt 2 thập kỷ. Đều này nhờ vào mối quan hệ giữa anh chị. Anh chị đã trình diễn thứ tình yêu tình khiến đầy lãng mạn và nhẹ nhàng trên sân khấu, khiến khán giả say đắm và càng “đẩy thuyền” thêm cho cặp đôi này, nhưng con thuyền tình yêu, mặc dù đã ra khơi xuôi dòng nhưng mãi mãi đã không thể cập bến được, bởi vì Phi Nhung chỉ trình diễn thứ tình yêu này trên sân khấu mà thôi. Cả hai đã lựa chọn cách mãi làm “tình nhân” trên sân khấu thay vì đến với nhau ở ngoài đời. Mối tình này “phải” ở trạng thái “dang dở” để nó luôn luôn đẹp, nếu cặp đôi này về chung một nhà, ván đã đóng thuyền, gạo đã nấu thành cơm, thì những cử chỉ nhẹ nhàng trên sân khấu sẽ trở thành gượng gạo, không còn thành thật nữa, anh chị cũng sẽ diễn không được, và cặp đôi song ca PNMQ cũng không thể nào thành huyền thoại được.
Năm 2004 Mạnh Quỳnh bất ngờ có một đám cưới, nhưng cô dâu không phải là Phi Nhung, mà là một người do Phi Nhung mai mối. Trong đám cưới, Phi Nhung đã nói rằng MQ là bạn rất thân, MQ vui là chị vui, MQ buồn là chị buồn, 2 anh chị còn song ca tình tứ bài “Tình đời”, Mạnh Quỳnh sau đó cũng đã khẳng định thêm một lần nữa mối quan hệ giữa họ trước quan viên hai họ rằng, Phi Nhung mãi mãi sẽ là một người tình trên sân khấu, mãi mãi là một người bạn thân thiết nhất như đã từng, không có gì thay đổi sau khi anh ấy kết hôn.
Sự ăn ý giữa anh và chị trên mức tuyệt vời, đã khiến khán giả tự “ngầm khẳng định” cả 2 sinh ra là để cho nhau, sự tin tưởng quá lớn vào tình yêu đẹp đẽ này đã khiến rất nhiều người trong họ trở nên thô lỗ khi cáu gắt với tất cả mọi nữ ca sĩ hát chung với Mạnh Quỳnh. Khán giả còn gọi Mạnh Quỳnh là anh Hai, mặc dù anh ấy chưa từng làm một “anh Hai” bao giờ.
Thương nhau lắm mới cắn nhau đau, anh chị cũng đã có rất nhiều lần giận dỗi, bao nhiêu lần cặp đôi giận dỗi thì bấy nhiêu lần những người yêu mến anh chị chia ra 2 bên, bên thì lúc nào cũng ủng hộ, còn bên thì vì tình yêu quá đỗi, đã chỉ trích anh ấy mỗi lần 2 người giận nhau. Những sự chỉ trích như thế chưa từng bao giờ nhắm vào Phi Nhung.
- Mảnh ghép hoàn hảo mang tên Mạnh Quỳnh
Thời đó vào những năm 90, Phi Nhung và Mạnh Quỳnh đều là những ca sĩ bolero mới đi hát ở Hải ngoại, họ có cơ hội hát cùng nhau và biết nhau trong những chương trình biểu diễn âm nhạc cho người Việt ở Mỹ. Bản nhạc đầu tiên mà 2 người cùng thu âm là vào năm 95-96, khi cả 2 cùng thu âm cho album Giận hờn. Bài hát đầu tiên mà 2 anh chị cùng thu âm cũng nói lên được phần nào xu hướng âm nhạc và cá tính của mỗi người, bài “Sa mưa giông”, một bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca, đây là bài chị ấy rất thích và muốn hát cùng, nhưng anh ấy không chịu hát vì cho rằng mình hát không hay những bài dân ca. Nhưng sau khi thuyết phục, anh ấy cũng chịu hát cùng. Tôi cũng thấy rằng, mặc dù Mạnh Quỳnh hát cải lương rất tốt, nhưng anh ấy lại hát tốt những bài bolero thuần túy hơn là dân ca nam bộ.
Quen biết nhau, anh chị có cơ hội đi diễn chung. Anh Mạnh Quỳnh, một anh chàng thư sinh gầy còm, hoàn toàn không phải gu của chị ấy, chị ấy chỉ thích những anh mập mạp, mạnh khỏe cơ, nhưng lại được cái rất nhẹ nhàng, chu đáo, hiền từ và rất ga lăng. Anh ấy luôn nhường nhịn chị, theo ý của chị, và thể hiện sự ga lăng ở chỗ liên tục nhắc lời một cách không điều kiện cho chị khi hát chung, đã khiến Phi Nhung tin rằng, đây là anh chàng có thể hát chung lâu dài được.
Để trình diễn xuất sắc và truyền tải tốt cảm xúc của một ca khúc, cần phải tập hát nhiều lần, và vấn đề “thuộc kĩ từng lời” sẽ là một lý do mà những người “anh cả” trong nghề sẽ vịn vào đó để nhắc nhở đàn em về những vấn đề liên quan đến truyền tải cảm xúc, nếu họ không thuộc lời, mặc dù không cần biết họ đã truyền tải tốt hay chưa. Tôi đây cũng thế, tuy chả phải ca sĩ ca lẽ gì, nhưng ngày xưa nếu thấy ca sĩ nào hát mà nhìn lời, tôi cũng đều cho rằng họ chưa trình diễn tốt nhất ca khúc đó. Trước khi gặp Mạnh Quỳnh, Phi Nhung đã từng hát với rất nhiều người, nhiều nhất với Thái Châu, nhưng tôi tin những “người anh” khác sẽ không nhắc lời hoài cho Phi Nhung được, và sẽ gây áp lực buộc chị phải thuộc lời bài hát.
Sau này tôi cũng đã hiểu tại sao Phi Nhung lại mau quên lời đến thế, chị ấy không những mau quên lời, mà mau quên những nốt nhạc, nhạc lý, có thể giải thích là chị ấy đã hát bằng trái tim nhiều hơn là lý trí. Sự mau quên này cũng là một tính cách khá thú vị, nó khiến chị ấy nhanh chóng quên đi những muộn phiền trong cuộc sống, quên hết những gì làm cô ấy phật lòng, chỉ để lại những nụ cười sảng khoái, khiến mọi căn phòng đều tràn ngập tiếng cười khi có Phi Nhung ở đó.
Trong lòng đã có sẵn đối tác để hát chung, khi có cơ hội được vào hát cho Paris By Night cho bài hát đầu tiên, chỉ ½ bài hát thôi, chị ấy đã chọn Mạnh Quỳnh, cả 2 song ca bài hát do trung tâm đề xuất, bài “Dù anh nghèo”.
Lần đầu tiên được lên sóng 1 chương trình ca nhạc lớn nhất Hải ngoại, chị đã trăn trở làm sao để bài hát của mình phải có gì đó đặc biệt, phải gây chú ý nhất, nhất định phải thành công, không thể để khán giả coi xong rồi tuột được. Việc này khó như thiết kế lại cái bánh xe, nhưng cuối cùng chúng ta đã thấy, chị ấy đã nghĩ ra cần phải có đoạn “nói lối” trong lúc nghỉ chính giữa 2 đoạn hát, nhằm để cho mạch bài hát được tiếp tục mà không gián đoạn. Anh Mạnh Quỳnh, không những nhẹ nhàng, ga lăng mà văn rất hay và chữ rất tốt. Anh ấy đã chịu làm theo ý của chị, soạn một đoạn “nói lối” thiệt dài, sau khi “duyệt” chị ấy không chịu, phải sửa đi sửa lại theo ý chị, và cuối cùng là 1 đoạn nói lối ngắn ngắn, không để khán giả phải chờ đợi nhiều, chúng ta có thể thấy đây là 1 điểm nhấn của bài hát, khiến nó khác biệt hơn hết mọi phiên bản “Dù anh nghèo” khác.
“Dù anh nghèo” đã thành công vang dội, một bài hát mà trước kia nghe chỉ thấy buồn, thì ở phần trình diễn này, khung cảnh âm nhạc nhẹ nhàng, vẽ đẹp chân chất của cô nàng và anh chàng, kèm tình yêu nhẹ nhàng và lãng mạn của cặp đôi thời áo trắng, đặc biệt nhấn nhá ở phần “nói lối” giữa 2 đoạn càng nổi bậc thêm sự chân chất mộc mạc, khiến cho bài hát đẹp đến nao lòng. Ngày xưa nếu bạn nào đã từng nghe qua, chắc chắn sẽ là những ký ức không bao giờ quên được.
Phi Nhung đi hát trước Mạnh Quỳnh, chị ấy đã từng song ca với rất nhiều người trước Mạnh Quỳnh, nhưng có lẽ chị ấy vẫn chưa chọn được ai tâm đầu ý hợp trên sân khấu, chị ấy vẫn chờ một người, nói theo cách nói của chị ấy thì không thể diễn tả được đó là người như thế nào, chỉ biết là chờ. Và rồi anh ấy xuất hiện, anh mang tên Mạnh Quỳnh, và hội tụ tất cả những thứ mà chị ấy đang chờ.
Chị ấy chân chất mộc mạc, anh ấy lịch lãm nhẹ nhàng; chị ấy ăn nói “nhà quê” cộc lốc muốn gì nói đó, anh ấy có vẽ kiệm lời, ăn nói chỉnh chu; chị ấy nóng nảy làm mình làm mẩy thì anh ấy điềm đạm và ga lăng; khi chị ấy thiếu kim chỉ, trang thiết bị gì đó, anh ấy với sự chu đáo cực kỳ đã đáp ứng đầy đủ; chị ấy có nhiều ý tưởng trên sân khấu, thì anh ấy cũng có đủ “văn hay chữ tốt” để có thể hiện thực hóa những ý tưởng đó làm hài lòng chị; chị ấy rất muốn hát cải lương mặc dù “không biết gì” về cải lương, ok hô biến có liền, anh ấy xuất hiện, cũng là một lính mới tầm tuổi, là anh chàng duy nhất trong thời đó là “bậc thầy” về cải lương. Đặc biệt, chị ấy như bước ra từ một thế giới khác với chúng ta, khi đã sống một lộ trình không giống cách mà hầu như chúng ta phải sống, là lập gia đình, vun vén cho gia đình, … thì anh ấy lại là một người bình thường, như bao chúng ta. Cá tính anh chị trái ngược nhau, nhưng khi kết hợp lại thì bù trừ lẫn nhau, bổ sung những thiếu sót của nhau. Dĩ nhiên, để kết hợp được với nhau trong thời gian dài như thế, anh chị bắt buộc phải có những thứ nhìn về cùng một hướng, như sự tử tế, sự chân thành, hết mình, đạo đức nghề nghiệp, …
--------------------------------------------------------------
Phi Nhung - Mạnh Quỳnh gặp nhau, kết hợp được với nhau trở thành cặp uyên ương hiếm hoi của làng nhạc Việt, chỉ có 1 từ giải thích được, đó là nhờ chữ “duyên”. Trên sân khấu họ là cặp đôi “vàng”, tình tứ đến mức làm say đắm lòng người, còn dưới sân khấu họ là những người bạn tri kỷ. Thời gian Phi Nhung ở Việt Nam, Mạnh Quỳnh cũng vài lần về để song ca cùng, họ đón nhau ở sân bay, tặng những bó hoa tươi thắm, nhưng trong cuộc nói chuyện của họ, Phi Nhung luôn luôn hối thúc anh ấy phải về Mỹ sớm hơn, không nên ở Việt Nam lâu, vì anh ấy còn vợ con, còn gia đình bên ấy.
Nói về Phi Nhung, Mạnh Quỳnh đã dành cho cô những lời trân trọng và yêu thương nhất: tôi thấy mình may mắn khi gặp được Phi Nhung, chính cô ấy đã đưa tôi đến đỉnh cao nghề nghiệp (sau bản “Căn nhà màu tím” là cả 2 cùng dắt nhau trở thành cặp đôi nổi tiếng nhất hải ngoại), việc hát cùng với Phi Nhung được khán giả ủng hộ rất cuồng nhiệt, thiệt tình không thể nói hết tình cảm của tôi dành cho Phi Nhung, cô ấy không chỉ là một người bạn, mà là một người tôi rất yêu thương và nể trọng.
Khi được hỏi điều gì ở Phi Nhung khiến anh tâm đắc nhất, anh ấy không ngần ngại: đó là tài và đức, muốn làm cái gì là phải làm cho bằng được, Mạnh Quỳnh là một tài năng về ca cổ, là điều không thể chối cãi, nhưng anh ấy còn ngưỡng mộ cái tài và tấm lòng đức độ của chị ấy. Khi được hỏi điều gì ở Mạnh Quỳnh khiến chị khâm phục nhất, chị ấy trả lời một cách dân dã, có thể không bao quát được thứ nhưng cũng nói lên được tình cảm của anh và chị: Mạnh Quỳnh rất hiền, hát hay, và đặc biệt Phi Nhung rất thích cái cách Mạnh Quỳnh đối xử với gia đình, rất quý trọng vợ, và dạy dỗ con cái rất tốt, Phi Nhung rất thích một mái ấm gia đình như thế.
Mạnh Quỳnh cũng đã có kế hoạch dừng đi hát để lo cho gia đình, nhưng Phi Nhung đã cản rằng, tổ nghiệp đã cho chúng mình cái tên, mình phải phục vụ khán giả đến khi nào không phục vụ được mới thôi, về già nếu Quỳnh không đi được, Nhung sẽ đẩy xe lăn để Quỳnh đi hát phục vụ khán giả.
Tình cảm của họ thật đẹp, bảo sao những bài hát của họ không trở nên tuyệt hảo. Họ là một đôi “uyên ương” trong âm nhạc, một đôi song ca đẹp và “tình” nhất của nền âm nhạc Việt Nam, là một đôi song ca bất hủ, bạn chỉ có thể không biết cặp nào cả, hoặc chỉ có thể là PNMQ thôi chứ không có cặp đôi song ca nào xứng đáng để ghi nhớ hơn.
Tất cả những màn trình diễn của cặp đôi PNMQ luôn là tuyệt tác khó có thể được lặp lại bởi bất cứ cặp đôi nào, nó luôn là những bản trình diễn mẫu mực để các cặp đôi khác bắt chước theo. Với những người thích những giá trị âm nhạc quê hương, thì những bài tân cổ giao duyên của PNMQ là những báu vật của nền âm nhạc Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận để những thế hệ đi sau cảm nhận và phát triển loại hình nghệ thuật này. Chúng ta có thể thấy ngày nay rất nhiều người trẻ hát tân cổ giao duyên và được ủng hộ rất lớn từ khán giả, cải lương chưa gọi là “sống lại” nhưng nó được quan tâm nhiều hơn rất nhiều cái giai đoạn nó thoái trào. Tất cả những thay đổi này, đều đến từ nguồn cảm hứng mang tên PNMQ.
Hai mươi năm sau bản song ca đầu tiên trên Paris By Night, anh chị vẫn giữ nguyên vẹn vẽ đẹp như vậy, để khán giả luôn luôn khát khao và mong chờ những bản song ca PNMQ. Để đền đáp lại tấm chân tình của khán giả, Mạnh Quỳnh đã lên kế hoạch chi tiết show diễn khắp thế giới kỷ niệm 20 năm song ca PNMQ, một show diễn hoành tráng nhất từ trước đến giờ mà anh ấp ủ, dự kiến còn hơn show kỷ niệm 20 năm đi hát của anh.
Đại dịch Covid ập đến năm 2020 đã khiến kế hoạch của anh bị lùi lại, và dự kiến sẽ bùng nổ to hơn khi đại dịch qua đi, khi anh có nhiều thời gian để lên kế hoạch chỉnh chu hơn. Những khán giả của anh chị phải chờ, nỗi chờ mong cũng càng ngày càng lớn dần, để rồi cho đến một ngày tất cả đều bàng hoàng không dám tin vào sự thật rằng, show diễn này sẽ không bao giờ thành hiện thực được nữa.
Ngày chị ấy ra đi, tôi cảm nhận anh ấy đau như thể một nửa hồn đã mất, một nửa còn lại thì hóa dại khờ. Cũng phải mà, người bình thường như tôi lòng dạ còn đau hơn chín chiều, huống hồ gì là một nửa kia trên sân khấu của anh ấy. Anh ấy tâm sự rằng nếu không có vợ con, anh ấy có lẽ không vượt qua được nỗi đau này. Trong thời gian ngắn ngủi anh ấy đã dốc tâm sự vào gần 10 bài hát để tưởng nhớ chị. Những chuỗi ngày sau đó, anh ấy luôn xuất hiện bộ vest cùng cà vạt màu đen, áo trắng nơi đông người để tưởng nhớ chị.
Anh ấy cũng phải trở lại cuộc sống của một ca sĩ, cũng phải đi lưu diễn khắp nơi, nhưng nơi nào cũng có bóng hình của chị ấy, khiến anh ấy biết bao lần nghẹn ngào, để rồi những ca từ không thể thoát ra ngoài được, mà thay vào đó là những tiếng nấc và những dòng nước mắt. Những lần lưu diễn sau, để đỡ nhớ và có sự ủng hộ từ chị ấy, anh ấy đã đặt bức hình rất to của chị ấy ở cánh gà nhìn ra sân khấu, nhìn vào đấy như được song ca với chị, anh ấy đã bắt đầu cất tiếng được để phục vụ khán giả.
Show diễn nhớ Nhung ngày 10/04/2021 vừa qua cho thấy đã có một thế hệ khán giả vàng của PNMQ, có bà con ở tận cùng của miền sông nước chưa từng bao giờ bước ra khỏi con rạch ở quê nhưng cũng đón xe đò lên Sài Gòn từ sáng sớm để rồi về lại sáng sớm hôm sau, có bà con bay vào từ miền Bắc xa xôi, tất cả họ chỉ mong gặp cho được 1 nửa của cặp đôi, có lẽ họ đã tưởng tượng hoặc là gặp 1 nửa cặp, hoặc là mai mốt có thể không còn được 1 nửa. Đêm nhạc bị cúp điện hơn 1 tiếng đồng hồ, hơn 12h đêm mới kết thúc nhưng những hàng ghế vẫn chật kín người ở lại. Họ đã không thể cầm được nước mắt, người thì làm thơ, người thì kể chuyện với mong mỏi được nói lên được nỗi lòng của mình.
Sau khi chị ra đi, những khán giả của chị ấy trở nên chơi vơi, hụt hẫng, không có gì bám víu trong đại dương âm nhạc rộng lớn, không có bất cứ điểm tựa nào có thể thay thế được Phi Nhung, nên đã bám víu vào cái phao mang tên Mạnh Quỳnh hòng vớt vát lại chút gì đó hình bóng của Phi Nhung. Tôi cũng là một trong những người như thế, nói thật là tôi chỉ thần tượng Phi Nhung, tôi có nghe Mạnh Quỳnh những bài hát chung với Phi Nhung chứ không theo dõi anh, tôi biết anh ấy, biết Paris By Night cũng từ Phi Nhung, giờ đây tôi đã bắt đầu follow Mạnh Quỳnh, không những để nghe anh ấy hát mà còn anh ấy nói hay kể gì đó về Phi Nhung. Mạnh Quỳnh cũng thừa nhận, sự ra đi của người bạn diễn lâu năm khiến mọi khán giả đồ dồn hết tình thương vào anh ấy, mặc dù cũng đã từng nổi tiếng trước kia, nhưng anh ấy chưa từng bao giờ nhận được sự quan tâm nhiều như vầy như lúc này, sự quan tâm lớn đến mức khiến anh ấy như muốn ngạt thở.
Sự đau xót quá đỗi vì Phi Nhung ra đi, đã khiến rất nhiều người không kiềm chế được cảm xúc, khi lên tiếng chỉ trích anh ấy bất kể mọi thứ mà họ cho rằng anh ấy chưa “đối xử tốt” với hình bóng Phi Nhung, cũng khiến anh ấy xất bất xơ bơ, vừa phải kìm nén nỗi đau của trái tim, vừa phải “đối phó” với những người này. Tôi tin đây chỉ là những “bức xúc thái quá” khi người ta quá đau xót, rồi sau khi thời gian qua đi, họ sẽ trở lại, sẽ là những fan rất trung thành của Mạnh Quỳnh thôi.
Với tôi, tôi cảm nhận được nỗi đau và tình cảm chân thành của Mạnh Quỳnh dành cho Phi Nhung. Một tình cảm quá đẹp, đến mức quá đau khi kết thúc. Đó sẽ là một nỗi đau dai dẳng và không thể nào dứt ít nhất là cho đến khi anh ấy ngừng hát. Hi vọng thời gian sẽ giúp anh ấy chuyển hóa những nỗi đau ấy thành động lực để tiếp tục hát cho mọi người nghe.
Mạnh Quỳnh là một ca sĩ rất tài năng, là người rất hiếm hoi trong làng nhạc Việt vừa hát đẳng cấp mà sáng tác cũng rất tuyệt. Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ anh ấy, không những về tài năng trên sân khấu, mà vì tính cách cũng như cách anh ấy bảo vệ và giữ vững gia đình.
Chúc anh Mạnh Quỳnh ngày càng sức khỏe, để cho ra đời những bản nhạc hay phục vụ những người yêu nhạc trữ tình, đặc biệt, theo lời chị ấy, anh hãy hát nhiều cải lương và tân cổ hơn nữa. Những thứ gì xuất phát từ quê hương, từ gốc gác sẽ được đối đãi ở một vị trí khác biệt hơn hết. “Căn nhà màu tím” ngày nay có lẽ bắt đầu hiu quạnh vì không còn ai lui tới nữa, nhưng tôi tin đấy là một căn nhà mộng mơ, lãng mạn nhất trên thế giới này, mà hầu như ai ai cũng đã từng biết, nó sẽ còn làm niềm cảm hứng cho rất nhiều thế hệ mai sau.
6. Phi Nhung và cải lương
Tôi không phải chuyên gia về mảng này, nên tạm dùng từ “cải lương” chung cho các thể loại: cải lương, hồ quảng, đờn ca tài tử, tân cổ giao duyên, … Phi Nhung không xuất phát từ cải lương, không phải là nghệ sĩ cải lương có tuổi nghề cao, nhưng nhắc đến cải lương ở thế hệ trẻ thì đa phần người ta nghĩ đến Phi Nhung. Theo tôi Phi Nhung chính là nhân tố làm sống lại cải lương trong thế hệ trẻ.
Để tôi chia sẽ theo những hiểu biết và trí nhớ của tôi: cải lương phát triển mạnh mẽ vào năm tôi học cấp 2, lúc đấy nhà tôi có bằng cassette, má mở cải lương miết, nên tôi nghe theo và biết khá nhiều vỡ, tôi đã nghe qua Minh Cảnh - Thanh Kim Huệ, Minh Vương - Lệ Thủy, rồi những thế hệ sau Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, … Tôi thích giọng Thanh Kim Huệ sắt như dao cạo, tôi thích giọng Minh Vương rất phong trần, giọng Vũ Linh thì nhẹ nhàng, giọng Ngọc Huyền thì sắc sảo, … tuy không mê lắm nhưng nghe miết nên tôi nhớ. Một vở cải lương nghe phải 90p hoặc hơn. Khi làn sóng nhạc mưa bụi đến, rồi đến làn sóng xanh, cải lương bắt đầu ít người nghe dần, có lẽ vì nó quá dài, đa số là hội thoại và hát ngắn ngắn, lâu lâu mới có 1 vài câu lên cao làm nức lòng. Tầm năm 1999 tôi nghĩ cải lương đã thoái trào vì thế hệ trẻ không thể bỏ một thời gian quá dài để nghe một vở cải lương.
Những tưởng cải lương sẽ tụt dần không có lối thoát, nhưng ở cách cái nôi của cải lương nửa vòng trái đất, có 1 cô ca sĩ gốc Việt luôn đau đáu với cải lương, rất mê cải lương, lúc nào cũng muốn hát cải lương để gìn giữ và truyền tải nghệ thuật này đến với thế hệ sau. Cô không xuất phát từ cải lương, không có kiến thức gì về cải lương, cô chỉ nghe cải lương hồi nhỏ ở quê rồi ngân nga hát theo, nhưng cô làm mọi cách để hát cải lương cho khán giả, làm mọi cách để lồng bài hát cải lương vô chương trình.
Lần đầu tiên được phỏng vấn và có thể hát tùy thích ở 1 chương trình lớn, năm 1998, Phi Nhung đã “tranh thủ” làm 1 đoạn ngắn Lan và Điệp và đã đốn tim toàn bộ khán giả sân khấu. Tôi nghĩ fan Phi Nhung nên xem cái đoạn này, chắc là lần đầu tiên chị hát cải lương trên sân khấu.
Được khán giả ủng hộ dữ dội, chị làm việc liên tục để phát hành liên tiếp những vở cải lương nguyên tuồng mà chị đảm nhiệm vai chính Lan và Điệp 2000, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài 2001, Hải Âu Phi Xứ 2002. Tôi không biết năng lượng đâu mà chị có thể làm được như vầy. Một vở cải lương nguyên tuồng dài đến 90-120 phút, tôi thấy người ta đóng cải lương thiệt vất vả, vừa phải diễn trước, quay đi quay lại, rồi sau đó thu lại mọi thứ ở phòng thu cho khớp với hội thoại, nôm na là như mấy chục cái MV ghép lại, nhưng khó hơn MV vì đủ thể loại hỉ nộ ái ái ố, vừa hát vừa nói vừa la làng đủ kiểu. Vậy mà chị - một lính mới trong nghề cải lương, một người chưa từng biết về cải lương, mà lại đóng vai chính nguyên 1 tuồng rất dài, mà làm liên tiếp mấy năm như vậy, đều đảm nhiệm vai chính với mật độ lên sóng cao nhất, và phải diễn tả những cung bậc cảm xúc phức tạp nhất, mà trước kia, chắc chắn người ta chỉ chọn những nghệ sĩ cải lương đã nổi tiếng cho những vai chính này, ấy vậy mà, những tuồng cải lương này lại được bán đắt còn hơn “tôm tươi”. Đúng là thiên tài và nỗ lực không thể tin nổi.
Tôi đã coi hết 3 vở này, sau đó tôi coi thêm khá nhiều vở Lan & Điệp của những người khác đóng để so sánh, tôi cũng có coi trích đoạn do Phương Hồng Thủy và Vũ Linh đóng, nhưng thú thật là, cung bậc cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc buồn mà Phi Nhung trình diễn trong Lan & Điệp nó là số 1. Bạn phải chuẩn bị khăn giấy khi coi Lan & Điệp của Phi Nhung đóng. Nếu bạn muốn xem vẽ đẹp tươi tắn của Phi Nhung thì nên coi Hải Âu Phi Xứ.
Nhưng đấy chưa phải là phát súng lớn nhất. Năm 1999 chị được hát lần đầu tiên trên sân khấu danh giá Paris by Night, thì ở ngay lần thứ 2 lên sân khấu, chị đã quyết tâm phải hát cải lương, lúc đó chị chưa rành lắm nên MQ vừa tập vừa dạy cho chị rất vất vả và rất nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng Phi Nhung đã quyết tâm thì phải làm được. Cuối cùng “Căn nhà màu tím” ra đời. Đây là phát súng đại bác lớn nhất, nó cuốn hết mọi sự chú ý của khán giả năm đó, với nhiều khán giả khi coi xong ra về họ chỉ còn nhớ “Căn nhà màu tím”, nó lấn át hết tất cả mọi thứ. Căn nhà màu tím cũng đánh dấu lần đầu tiên 1 thể loại cải lương (tân cổ giao duyên) được hát ở sân khấu danh giá nhất hải ngoại.
Căn nhà màu tím đã làm khán giả chìm đắm, ngất ngây, lần đầu tiên được nghe hương vị quê hương ngọt ngào quá đỗi, nó nổi tiếng đến mức, không in kịp đĩa để bán, khán giả mê mẩn đến mức gần 1 thập kỷ sau đó, 1 năm đi tầm 52 shows khắp thế giới, khá giả toàn yêu cầu bài Căn nhà màu tím (theo như lời chia sẻ của NS Văn Hoàng, người trực tiếp đánh đàn)
Nói gì nói chứ các bạn phải nghe lại siêu phẩm có 1 không 2 này. Một tuyệt phẩm để đời cho hậu thế về loại hình nghệ thuật, về phong cách trình diễn, về tiếng hát, về sự tự nhiên mộc mạc, …. Đến hiện giờ vẫn có rất nhiều cặp cover lại Căn nhà màu tím, nhưng tôi nghĩ ngàn năm nữa người ta cũng không thể nào cover vượt được cảm xúc của phiên bản Phi Nhung - Mạnh Quỳnh
Căn nhà màu tím đã tạo tiền đề, để hình thành nên một loại hình nghệ thuật mới, gọi tân cổ giao duyên, và cũng chính loại hình nghệ thuật mới này đã tạo nên 1 cặp song ca nam nữ bất hủ trong làng nhạc Việt: Phi Nhung - Mạnh Quỳnh, mà cho tới tận ngày nay vẫn chưa có cặp nào cho được cảm xúc như vậy.
Tôi không rành về loại hình nghệ thuật này, nhưng cảm nhận với tư cách người nghe, tôi thấy nó có gì đó rất mới mẻ và hiện đại hơn so với cải lương truyền thống. Một người không thích cải lương, thậm chí ghét cái lương, nhưng có thể mê mệt với loại hình tân cổ giao duyên này. Nó như chắt lọc những tinh túy hay nhất của 1 vở tuồng dài 90 phút gói gọn trong 9 phút. Tôi có anh bạn chỉ nghe nhạc nước ngoài và tân cổ giao duyên của PNMQ. Những bài tân cổ giao duyên của Phi Nhung, không những tuyệt vời về phần nghe, mà còn khiến biết bao nhiêu người cười tủm tỉm theo vì sự duyên dáng, vì sự chân thành mộc mạc hết sức chị.
Sau Căn nhà màu tím, khán giả ủng hộ cuồng nhiệt, anh chị đã làm việc cật lực để cho ra mắt rất nhiều bài tân cổ giao duyên khác, nhưng phải nói 1 sự thật là so với nhu cầu “tân cổ giao duyên PNMQ” của khán giả thì số lượng bài anh chị cho ra mắt chưa bao giờ là đủ, nó như hạt muối bỏ bể. Để cho ra bài tân cổ giao duyên rất lâu, vừa phải chọn bài, vừa viết lời tân cổ, vừa tập hát, vừa dạy hát cho Phi Nhung, rồi anh chị còn phải làm việc khác, hát nhạc khác, rồi chị còn bận về VN làm từ thiện nữa. Tổng cộng có tầm 30 bài, cho gần 20 năm làm việc, cũng là một con số rất lớn. Tôi đôi lúc không dám nghe lại luôn đó, vì ít quá, để dành mà nghe.
Người ta chưa bao giờ nghĩ Phi Nhung là cây đại thụ cải lương, bởi một lý do tuổi đời cải lương của chị quá ngắn và chị không dành nhiều thời gian để cho ra đời nhiều tác phẩm hơn nữa. Nhưng những bài trình diễn của Phi Nhung với các “cây đại thụ cải lương” khác, chị thể hiện một cách “ngang cơ” chứ không thua kém bất kỳ ai. So sánh với người quá lớn tuổi cũng hơi bất kính, thôi tôi đưa bài hát “Lấy chồng xứ lạ” chị hát chung với Kim Tử Long - được xem là “cây đại thụ” nhưng có tuổi đời chưa già lắm, và còn hát được hiện nay.
Có Phi Nhung vào là lên đến 21 triệu lượt xem, các bạn hãy xem qua thử có cảm xúc và ấn tượng với ai hơn, sau đó đọc thêm comment để nghe mọi người nhận xét 😃
Nếu bàn về chất giọng cải lương của Phi Nhung chúng ta sẽ không thấy gì đặc biệt, không sắc sảo, không vút cao, không dài hơn, không quá đỗi ngọt lịm, thậm chí tôi cảm giác những từ luyến láy sau cùng nó không giống với cải lương ở miền Tây, giọng chị giống với Lệ Thủy nhất, cũng khàn khàn, lên hơi ngắn, và kết câu hơi gấp, không có được hoàn hảo trọn vẹn cho lắm. Nhưng tại sao chị hát cải lương lại khiến người ta mê mệt đến thế. Câu trả lời là cảm xúc, là sự hóa thân. Chỉ 1 câu rất ngắn thôi, không cần cao, không cần dài, nhưng tôi cảm nhận được sự nức nở trong đó. Cải lương đa số là bi thương, mà diễn những thứ bi thương lại là sở trường của chị, chị có đầy đủ trải nghiệm để diễn tả được cảm xúc. Đến với cải lương chị như cá gặp nước, nên rất nhanh chóng và dễ dàng để cho ra những tác phẩm để đời.
Cải lương truyền thống tuy không sống lại, nhưng những biến thể của nó bắt đầu được ươm mầm từ đây, để rồi nở rộ cho đến ngày nay. Ngày nay bạn sẽ thấy rất nhiều bài tân cổ giao duyên kiểu này được hát rất nhiều từ những ca sĩ rất trẻ (trẻ hơn tôi nhiều) và có rất nhiều view, tất cả đều từ nguồn cảm hứng mang tên PNMQ. Tôi đã nhận thấy mình già khi xem những clip triệu view của những bạn chỉ bằng ½ tuổi của tôi thôi, và lại xinh như hoa hậu. Các bạn thử nghe Như Huỳnh và Xuân Hòa trình diễn “Hoàng hôn màu tím” nè.
7. Những bài hát về phật
Không thể tưởng tượng chị có thể bao quát một mảng rộng lớn như vậy. Tôi trước giờ không biết thể loại này, càng chưa từng biết hát trữ tình về phật. Nhưng nhờ có chị, tôi cũng nghe được nhưng bài rất hay, bạn thử nghe bài “Chú tiểu ngây thơ” đi: vừa có chùa, vừa có những chú tiểu mồ côi, vừa có sự trang nghiêm, vừa có những nụ cười rất nhân hậu và được trình diễn bằng thứ âm điệu rất là Phi Nhung ở trên sân ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
Bài hát được cấu thành từ âm điệu và ca từ những thứ toàn thuộc về tác giả. Nhưng tác giả chỉ là điều kiện cần, còn người thể hiện được cảm xúc bài hát đó, chạm được vào trái tim của nhiều người mới là điều kiện đủ để làm nên 1 nhạc phẩm tuyệt vời. Những bài hát với ca từ và âm điệu hay tôi nghĩ còn trong dân gian rất nhiều, và chúng ta chỉ biết đến nó khi có 1 người đủ sức mang nó đến với chúng ta. Bài này hay bài “Bông điên điển” là một trong những bài như thế.
Nghe bài này, với nụ cười ấm áp thiện lành và nhân hậu của chị, tôi đã thấy một bầu trời tươi sáng trước mắt, mọi mệt nhọc đều tan biến. Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì một ý nghĩ bỗng hiện về: biết kiếm đâu ra nụ cười như thế này, một tấm lòng bồ tát và một giọng ca truyền cảm như thế này, sẽ không thể có nữa, chúng ta đã mất mát quá nhiều so với chúng ta nghĩ, nước mắt tôi bỗng rơi lộp độp không thể kìm hãm, không có ai ở nhà, tôi phải òa khóc 1 trận cho đã thì mới viết tiếp được 😔(((((( Nghe nhạc buồn đã khóc, thử nghe nhạc vui còn khóc dữ hơn.
3. CẢM NHẬN VỀ CHỊ
Đây là cảm nhận cá nhân của tôi sau một thời gian rất dài theo dõi chị, tôi xem nhiều video, để ý tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, từng ánh mắt, cử chỉ, giọng nói, kết hợp với sự cảm thụ âm nhạc, cảm thụ những gì chị truyền tải và kiến thức thực tế để đưa ra những cảm nhận về chị. Để đánh giá một vấn đề nào đó, tôi thường tìm xem nhiều nguồn để so sánh.
1. Một tấm lòng nhân ái, một trái tim nhân hậu.
Tấm lòng nhân ái là bẩm sinh, nhưng nó cũng cần môi trường để nuôi dưỡng. Nhà Ngoại chị theo đạo Phật, ông bà hay giúp đỡ người khác xung quanh. Mẹ chị sống ở Cam Ranh, mỗi khi có tiền đều mua thực phẩm cho bà con hàng xóm xung quanh. Sống trong gia đình như thế, và chứng kiến biết bao cảnh cơ hàn, trong trái tim bé nhỏ chị không chỉ có hình bóng mẹ, mà biết bao thân phận lam lũ khác, cũng giống như hình ảnh người mẹ lam lũ vậy. Có lẽ cuộc đời quá cơ cực đã dồn nén và thôi thúc chị phải làm mọi thứ để giúp những mảnh đời như chị hồi xưa.
Lần đầu tiên về Việt Nam vào năm 1997 sau gần 10 năm xa quê hương, chị sửa sang lại nhà cửa cho mấy em ở, xây dựng một nhà tình thương để những người gia cư trú ở quê chị, cho má vui lòng, cho các dì nở mày nở mặt không trách má. Trong những lần về Việt Nam đầu tiên, chị chứng kiến người dân gặp khó khăn khi đang gặp thiên tai bão lụt, chị chỉ biết đứng nhìn và khóc, đâu ngờ bà con mình khổ cực quá vậy. Lần đó chị chưa chuẩn bị để đi làm từ thiện, nên dùng hết số tiền mình có được lúc đó - 3 ngàn đô mình dành dụm để giúp đỡ người dân vùng lũ lụt, đó là lần đầu tiên chị làm từ thiện, bắt đầu cho chuỗi từ thiện cho đến cuối cuộc đời sau này.
Để làm từ thiện được thì phải cố hết sức kiếm tiền thêm. Và chị đã kiếm tiền thêm bằng cách “bán đĩa hát trực tiếp trên sân khấu” - một cách mà tôi chưa thấy ai làm. NS Văn Hoàng là người theo sát Phi Nhung ở hải ngoại, cũng đã từng góp và từng theo chị về tận Pleiku để làm từ thiện kể lại: mỗi lần đi show với chị là mang theo mấy vali đĩa nhạc, Phi Nhung bán đĩa rất chạy vì bà con rất thương, vừa hát và vừa bán trực tiếp luôn, mỗi lần bán được cả 4-5 ngàn đô. Không có bất kỳ 1 ca sĩ nào làm được như vầy, chị đang ở trên đỉnh cao, nhưng dân mình thì khổ trăm bề, chị phải tìm mọi cách để kiếm thêm tiền, để về giúp những mảnh đời neo đơn, và chị chọn cách mang theo đĩa trong lúc đi show để bán trực tiếp trên sân khấu. Mãi cho đến những năm gần đây chị đi lưu diễn vẫn bán đĩa, chị than thở vui vẻ với mọi người khi đang đi lưu diễn, thấy vậy chứ mà Phi Nhung khổ lắm, tuổi này mà vẫn ráng show nào cũng tham gia, mệt lắm nhưng cũng ráng để kiếm tiền lo cho các con, khi nào các con lớn có vây có cánh thì chị mới an tâm để nghỉ ngơi. Chị cũng còn mang đĩa theo để bán kiếm thêm tiền, chị nói cũng xấu hổ lắm nhưng vì con chị có thể làm mọi thứ.
Chị làm việc thiện từ những 2000 trong những lần về Việt Nam, mà thời đó không có phương tiện gì để lưu giữ lại. Trong những lần phỏng vấn chị có kể sơ sơ nhưng tôi không tin, tôi không tin là chị kể hết những gì chị làm, vì tính cách chị nói năng không suy nghĩ kĩ càng, không chọn lọc, nghĩ gì nói đó, nhớ gì nói đó, nói rất giống “nhà quê”. Đúng như vậy, NS kể với giọng rất chất phát: có những khu y tế là tiền của Phi Nhung trả cho y tá để chăm sóc người già, có những khu nhà là tiền của Phi Nhung không đó (những thứ này chị chưa từng kể)
Cuộc đời tuổi thơ quá cơ cực, nên chị không cầm lòng khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, chị kể, cứ chứng kiến những cảnh ấy lại khóc, trong lòng không thể diễn tả được, và từ đó bắt đầu có tiền là đi từ thiện. Chị đã giúp người giúp đời bằng cả cuộc đời của chị, thì những cái chuyện nhỏ nhặt như giúp đỡ cá nhân, em bé đang bị bệnh nặng, hoặc ai đó khi thấy họ quá khổ, giúp đỡ chi phí chữa bệnh cho nhạc sĩ, cho lại fan tiền bị mất (10 triệu) khi chen lấn xem chị hát, … là có sá gì, đối với chị thì kể không hết.
Chị thật sự thương những mảnh đời bất hạnh, chị sẵn sàng dang tay ôm một cách ấm áp với những cụ già, những người khuyết tật, những người bán hàng rong … khi gặp gỡ họ. Chị rơi nước mắt, đồng cảm với những sự cơ cực đó. Thấy cảnh chị ôm những người khuyết tật ở bệnh viện tâm thần mà nức nở, tôi cảm nhận được tình thương to lớn với những mảnh đời đó, tôi cũng không cầm lòng được. Quả thật, tôi không nổi tiếng, không giàu có nhưng tôi lại không có làm được như chị, chưa đồng cảm với họ như chị, tôi không sẵn lòng để ôm họ được như vậy, vì tình thương không đủ lớn. Thiệt là khó để tìm lại clip đó, vì bây giờ cứ gõ “Phi Nhung, Bệnh Viện” thì ra toàn những tin nằm viện của chị, và những tin tức về ngày giỗ đầu của chị.
Sau khi vè nước, chị thành lập mái ấm “Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử” và cải tạo lại chùa Pháp Lạc - nơi mà “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lượn tựa bánh canh” để nuôi dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và gặp bất hạnh trong cuộc sống (tổng kinh phí xây dựng 800tr đồng, tiền túi chị bỏ ra là 35.000 USD, còn từ ngân sách địa phương và Phật tử đóng góp. Ban đầu Phi Nhung cùng sư cô đi tìm những đứa trẻ bị bỏ rơi ở các bệnh viện địa phương và mang về chùa nuôi dưỡng. Để thực hiện được tâm nguyện này, chị đã mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Chị từng nghĩ rằng khả năng của chị chỉ nuôi được 7-8 đứa trẻ, nhưng quá trình tìm kiếm thấy các em nhỏ mồ côi, chị không nỡ lướt qua những mảnh đời bất hạnh vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi, hoặc bỏ rơi ngay trước nhà chị, khiến chị thương cảm không thể kìm lòng và tiếp tục nhận nuôi, xem như "nghiệp" của mình.
Rồi trong quá trình tham gia hát hò, game show, chị lại bắt gặp những mảnh đời cơ cực hết mức, nghe qua ai cũng ứa nước mắt, chị lại tiếp tục nhận nuôi mấy đứa nhỏ. Nếu không phải chị thì là ai, ai trong những người chứng kiến đó, giúp đỡ những mảnh đời này? Không ai cả, ai cũng có gia đình có con cái, không ai trong những người chứng kiến có trái tim đủ bao dung, rộng lượng và nhân hậu để mang sức mình ra giúp đời như thế cả.
Và đến cuối đời thì chị có đến 23 người con, có 4 người con theo nghiệp ca hát, 3 trong số này ở cùng chị để thuận tiện cho việc trau dồi ca hát. 15 con có giấy tờ công nhận, mang họ Phạm - họ của Phi Nhung. Phần lớn các con đang đi học và tu tập ở chùa Pháp Lạc, được Phi Nhung cùng các sư cô nuôi đến năm 18 tuổi, sau đó đi hay ở là quyền quyết định của các bé.
Không nói riêng trong giới showbiz, thử hỏi có được bao nhiêu cá nhân đơn lẻ ở Việt Nam mà nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi bằng tiền của bản thân như chị?
Trong những buổi tưởng nhớ chị, người ta làm một dòng chữ thật to tướng “Tưởng nhớ một ngôi sao giàu lòng nhân ái xuất hiện ở Trần gian”, với những người chưa hiểu về chị thì nghe có hơi ảo, nhưng thực sự chị xứng đáng chính xác với câu nói đó. Tôi cũng khâm phục cho ai đã nghĩ ra được câu slogan để tưởng nhớ này, vừa chính xác đầy đủ mà ngắn gọn.
2. Chân chất mộc mạc
Từ lời ăn tiếng nói
Đây là thứ mà ai cũng có thể kiểm chứng được khi xem những clip nói chuyện hoặc phỏng vấn Phi Nhung. Nghe chị nói chuyện với những người lớn tuổi hơn chị, những người ở vị trí cao như thầy sư, nhạc sĩ, … đều cảm nhận chị rất là lễ phép và nhỏ nhẹ, không giống như cách 1 ca sĩ hạng A thành danh ở hải ngoại nói chuyện, cách nói chuyện như con cháu ở trong nhà vậy đó, luôn luôn dạ dạ thưa thưa, vừa thể hiện sự kính trọng, sự chân thành, nhưng lại có sự thân thuộc thân thương trong đó, kiểu con cháu trong nhà chứ không phải người xa lạ. Tôi cam đoan không ai có thể bắt chước và diễn được như thế này. Nội dung có thể bắt chước, nhưng tình cảm, khuôn mặt, cử chỉ, ánh mắt, từng lời nói, … như thế này thì chỉ có xuất phát từ tấm lòng. Các bác hãy nghe thử chị nói chuyện với MC và nhạc sĩ sẽ cảm nhận được, một sự chân thành, kính trọng, tử tế, thân thương, … thiệt khó mà diễn tả bằng lời được.
Tôi tìm hiểu xem chị như vậy từ lúc nào, thì biết là chị đã như vậy tức lúc nhỏ xíu ở quê nhà, nhà văn, thi sĩ Đỗ Vẫn Trọn một lần đến thăm dì của Phi Nhung ở Pleiku đã linh cảm cô bé này có sự khác thường, khi Phi Nhung đến vòng tay chào “thưa chú ….” khi có khách đến nhà.
Những năm đầu đi hát, chị còn mắc cỡ lắm, không có biết nói gì hết, không biết nói chuyện, khi được phỏng vấn bất ngờ thì bẽn lẽn không biết nói gì, chỉ xin hát 1 đoạn thôi à 😃
Còn khi phỏng vấn chuẩn bị trước thì cũng toàn dạ dạ và nói chuyện cưng lắm luôn.
Sau này chị nói nhiều, dạn dĩ hơn, nói được nhiều hơn, nhưng nghĩ gì nói đó, nói không có suy nghĩ trau chuốt gì cả, y như mấy “người nhà quê” vậy, chị y như vậy cho đến sau này. Đố bạn tìm được người nào đã nổi tiếng mà nói chuyện kiểu như vầy. Ngay cả đến năm 2015 chị vẫn nói chuyện rất là chân chất như vầy.
Về sự chân chất thiệt thà, Phi Nhung lại có cái nét rất giống với con người miền Tây, rất ngọt ngào, dễ thương, thỏa mái, vô tư, hào phóng, …. Người miền Trung như tôi tuy thật thà chất phát, nhưng vẫn còn cái gì đó ôm riêng cho bản thân, có lẽ do cuộc sống khó khăn, ở vùng đất chỉ có đá và sỏi, thiên nhiên không ban tặng nhiều thứ nên con người có xu hướng giữ lại ít của cải để phòng thân. Khi tôi đến miền Tây, tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy họ rất ngọt vào, tự nhiên và hào phóng, tôi mới thấm thía câu hát “người phương Nam chân chất thiệt thà, mộc mạc như một khúc dân ca”. Tôi đã từng vài lần đến miền Tây cho công việc, và ‘mỗi khi qua miền Tây tôi lại nhìn những con sông dài’, không có chỗ ở tôi xin người dân ở nhờ, dù gặp người lạ nhưng họ vô cùng thân thiện, rủ vô nhà, có thể bắt con gà cuối cùng trong chuồng làm thịt nhậu mà không nề nà gì. Phi Nhung tuy ở miền Trung nhưng có cái chất hào sảng như vậy, vì tôi biết chị nhiều lần rủ rê giúp đỡ những người qua Mỹ lưu diễn, rủ rê về nhà nấu ăn, … cái kiểu cũng giống như người miền Tây đối đãi khách vậy.
Rất nhiều người đã được Phi Nhung giúp đỡ, NS Tấn Hoàng xúc động kể lại “Hai anh em tôi ở Mỹ diễn tới 4 tháng trời mới về nước và cứ thế ở nhờ nhà Phi Nhung, không phải lo ăn uống, đi lại, có gì Phi Nhung lo hết”; hay Trấn Thành cũng kể đã từng được chị giúp đỡ khi qua Mỹ.
Đến cách ăn mặc
Một ca sĩ hạng A trong suốt 20 năm, không có ngôi sao nào ở Việt Nam nổi tiếng lâu như vậy, thì biết thù lao của chị rất cao trong thời gian rất dài, nhưng chị không có nhà cao cửa rộng, không biệt phủ, không xe sang. Ngày xưa chị đi hát lúc nhiều tiền rồi cũng chỉ dám mua cái xe bình thường, chị bảo em đi hát nhạc dân ca, nhạc quê mùa mà đi cái xe xịn rồi ai coi, chị cũng chỉ dám mua cái nhà nhỏ nhỏ vừa đủ 2 mẹ con ở để hằng tháng trả ít tiền, còn tiền lo cho mấy đứa em, rồi lo đủ thứ chuyện khác, mua cái lớn lỡ không đi hát được thì lấy gì trả tiền. Sau này về SG chị cũng chẳng có nhà cao cửa rộng biệt thự gì cả. Tôi vừa ghé thắp nhang cho chị ở tư gia, cái nhà phố ở 1 đường nhỏ giống như mọi nhà ở xung quanh. Tôi nghĩ cũng đúng, chị kiếm tuy nhiều tiền nhưng cứ có tiền là chị tìm cách cho đi, và đầu tư vào mấy đứa con.
Xem những thước phim khi chị mới bắt đầu vào nghề, mới vừa đi hát ở sân khấu Hollywood Night để thấy phong cách khởi điểm của chị. Thời điểm đó tôi xem, thấy hầu như những ca sĩ trẻ đều ăn mặc rất sành điệu, rất mô đên, rất sexy. Cũng phải thôi, thời điểm Việt Nam đang bị cấm cửa, đang bị cô lập, thì các ca sĩ ở bên ngoài được giao du với phương tây, nên ai cũng rất tích cực “phổ biến” những mốt mới, những mốt thời thượng, cùng những điệu nhảy rất chi là Tây. Chỉ có duy nhất 1 cô ca sĩ trẻ, nhan sắc thuộc dạng rất mặn mà, tuy có nét lai Tây lại không Tây tí nào, cô ấy chỉ bẽn lẽn đừng khép nép với chiếc áo dài kín cổng cao tường, không nhảy nhót, không mang đến những điều mới mẻ của Tây Phương, mà chỉ hát những bài nhạc quê rất dân dã, cùng với trang phục truyền thống. Các bạn có thể tìm xem những bài hợp ca của Hollywood Night hoặc ở đây và đây.
Bài hát đầu tiên trên Paris by Night “Dù anh nghèo”, chị đã từ chối trang phục của chương trình, từ chối make-up của chương trình, vì chị muốn chị phải tự làm tự chọn những thứ đó để đúng với hoàn cảnh và con người của chị. Chị chọn loại vải rẻ tiền, may cũng bình thường nên không được đẹp cho lắm, tóc tai cũng thả đơn giản bùi sùi không có tươm tất gì hết, không có chỉnh chu như những ca sĩ khác, …. Nhưng chính những thứ này, những thứ bình dị này cộng với nụ cười chân chất và giọng hát thiên tài, đã đưa màn Debut này trở thành Tuyệt phẩm. Người hát cùng với chị, Mạnh Quỳnh, bắt đầu từ đây bị đóng đinh luôn là chàng thư sinh nghèo, sau này toàn hát bài nghèo.
Sau này khi đã nổi tiếng có tiền, chị vẫn giữ cách ăn mặc như vậy, những bộ đồ chị mắc toàn là những đồ bình thường,, chị bảo chị vừa xấu, vừa lùn, có mặc mấy đồ mắc tiền cũng không đẹp lên được, nên mua mấy đồ rẻ nhất thôi. Chúng ta có thể kiểm chứng thấy chị không có cái gì là hàng hiệu hết.
Điều đặc biệt tiếp theo mà khiến ai cũng phải kinh ngạc, là một ngôi sao như Phi Nhung lại không mang bất cứ nữ trang nào cả, không nhẫn không vòng tay, không dây chuyền, không bông tai, không đồng hồ, …. Phi Nhung vẫn y chang thời còn “dính phèn”. Cái này ai cũng có thể kiểm chứng. Chị bảo ngày xưa nghèo khổ không có gì quen rồi, bây giờ tự dưng mang lên người không có quen. Điều này không một nghệ sĩ nổi tiếng nào có được.
Chị cũng hoàn toàn không can thiệp sắc đẹp, không phẫu thuật thẩm mỹ, không xăm (chân mày) không trổ. Có nhiều người đến giai đoạn này, có tiền, rồi trùng tu đến mức nhìn không ra luôn. Nhưng Phi Nhung vẫn là Phi Nhung của ngày xưa.
Chị không bao giờ ăn mặc hở hang dù chỉ 1 chút xíu. Có nhiều người (trong giới showbiz, nhiều lắm) đến khi già sồn sồn rồi tự dưng lại chọn phong cách “gợi cảm” quá đà, nhưng Phi Nhung thì vẫn kiên quyết kín cổng cao tường.
Chị không biết ........ đánh bạc lô đề, tuy ngắn nhưng cũng cần kể vô vì đây khá quan trọng. Những người có tiền nhiều trong tay mà rảnh rỗi thường sa ngã vào vấn đề này lắm. Biết bao nghệ sĩ tới lúc ra đi không có tài sản gì hết chỉ vì bài bạc.
Điều làm tôi hết sức thán phục là chị vẫn giữ những tính cách trên từ lúc mới vào nghề cho đến lúc ở đỉnh cao và đến cuối đời, cho đến cuối đời chị vẫn chưa thoát khỏi cái “quê mùa”. Hầu như con người ai rồi cũng thay đổi, khi có tiền bạc, danh vọng rồi thì không còn sự chân chất như ngày xưa nữa, người ta sẽ uốn lưỡi, cẩn trọng hơn khi nói chuyện, ăn mặc cũng sành điệu hơn, cũng thiếu vải hơn, đồ đạc cũng sắm sửa nhiều hơn. Nhưng Phi Nhung vẫn y chang cái thời dính phèn hồi xưa, vẫn kiểu cách nói đấy, vẫn cách ăn mặc đấy, vẫn tính cách đấy, vẫn sự chân thành đấy, mọi thứ như những ngày đầu mới vào nghề. Sự chân chất mộc mạc của chị như một 1 cung đàn hoàn hảo không bị lỗi ở bất kỳ nhịp nào. Từ trên sân khấu, trong những bài hát lẫn ngoài đời, từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói, từ lúc nghèo rớt trái mồng tơi cho đến khi thành ngôi sao đỉnh nhất làng nhạc. Chắc chắn chúng ta sẽ không thể thấy có người thứ 2 như vậy. Có lẽ tìm hết thế gian này cũng không thể có cô ca sĩ nào hạng A mà mộc mạc và chân chất giản dị như chị.
3. Tâm hồn trẻ thơ luôn vui vẻ, tính cách bộc trực thẳng thắng.
Trên sân khấu chị buồn là thế, nhưng ngoài đời chị luôn cười, người ta nói thấy Phi Nhung luôn tràn đầy năng lượng mà, lúc nào cũng cười đùa, chọc giỡn.
Các bạn xem thử cưng hông nè
Chính cái tính cách với tâm hồn này mới có những clip nhạc đùa giỡn rất là vui vẻ.
Chị rất thánh thiện lắm, khi được hỏi liệu trong cuộc sống gặp người xấu thì sao, chị cũng không biết trả lời, bảo là không bao giờ nghĩ xấu một ai, không bao giờ nói xấu một ai, cứ chơi nếu họ không tốt thì mình không chơi nữa vậy thôi. Các bạn xem hết mấy clip ở trên sẽ có. Cái tính cách này giống hệt như ba tôi, ba tôi sống một đời thanh bạch, không màng danh lợi, không cần tiền bạc, cả đời chưa bao giờ gây hại ai, tôi chưa bao giờ nghe ba nói xấu về một người khác.
Cũng vì cái tính này mà chị cả tin người khác, bị lừa biết bao nhiêu lần, từ thời trẻ đã bị lừa cả tình lẫn tiền tới mức tự tử, cho tới già còn bị lừa, nhưng không có rút kinh nghiệm gì hết, vẫn giữ cái tính cách này.
Tính chị nóng nảy lắm, nghĩ gì nói đó, thấy ai sai là la liền, nhưng không giữ trong bụng, Mạnh Quỳnh bảo Phi Nhung cứ nghĩ gì nói đó, nhiều khi bụm miệng không kịp mà.
Có lần xem cảnh quay ngẫu nhiên chị tập bài hát cho Tuyết Nhung, bé hát không đúng ý chị quát to tiếng, mà la những thứ tôi nghĩ bé khó thể sửa được như “mẹ nói con hát là phải mở cái miệng to ra ….”, vì đâu phải ai cũng hát được lên cao vút như chị. Nghe chị la mà tôi cũng thầm lo sợ, vì sợ cô bé đã mồ côi rồi, mà mẹ la vậy sợ cô bé tủi thân, nhỡ mấy fan của bé bên ngoài bênh vực rồi lại quan trọng hóa vấn đề thì mệt. Tôi nhỏ học không làm bài tập được cũng bị mẹ quát y như vậy, cũng tủi thân lắm. Nhưng rồi xem nhiều video về chị, có video tiếp cảnh sau đoạn tập hát đó, thấy Tuyết Nhung ôm chị thân mật, còn “ghẹo” lại mẹ vì mẹ nghiêm khắc quá, mẹ và con lại ôm nhau cười hả hả như chưa có chuyện gì.
4. PHI NHUNG VÀ ÂM NHẠC
Sau khi phác họa vài nét để các bạn hiểu sơ về chị, tôi xin bàn về nhạc của chị cũng như cách chị truyền tải âm nhạc đến với mọi người. Tôi không thể nói phần này ngay đầu tiên vì sẽ rất khó hiểu cũng như khó cảm nhận cho những bạn chưa biết nhiều về chị ấy và cũng không say mê những âm điệu trữ tình. Nên để dễ cảm nhận, bạn phải biết trước 1 ít về Phi Nhung.
1. Hành trình âm nhạc.
Nói đến Phi Nhung người ta nghĩ là dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, nhưng trước khi nổi tiếng với dòng nhạc này, chị đã là nữ hoàng băng đĩa thể loại nhạc bolero, “cái ao” bolero có lẽ quá bé nhỏ để chị có thể vùng vẫy, nên sau đó chị “vươn ra biển lớn” bằng thể loại nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, rồi tân cổ giao duyên. Phi Nhung đã từng thu rất nhiều bài bolero trước năm 2000, trong một thời gian rất ngắn chị có thể ra được rất nhiều bài, thời đó tôi thấy cứ bài nào mà có ca sĩ khác hát, thì Phi Nhung cũng hát. Đây là kết quả của sự dốc sức làm việc sau khi bắt đầu chuyển hướng từ thợ may qua ca sĩ, nhưng thành thật mà nói, những bài bolero của chị khi đó chỉ tập trung về lượng chứ chưa tập trung nhiều về chất, có những bài rất hay nhưng cũng có nhiều bài chưa xứng tầm với Phi Nhung. Những bài bolero của Phi Nhung không ở mức “vô địch thiên hạ” như những bài dân ca, bởi bolero đôi lúc cần màu sắc lạ, kiểu rặng rặng từng chữ như Trường Vũ, hoặc hát mà như nói như Chế Linh
Phi Nhung có lẽ không đọc nhiều sách triết lý về cuộc sống nhiều như chúng ta, nhưng chị đã rất thông minh để hiểu rằng, muốn vươn lên, vươn lên đỉnh cao nhất chỉ cần phải trình diễn những thứ khác lạ, những thứ người ta chưa từng làm, những thứ thuộc về sở trường của bản thân: đó là chuyển hướng sang dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca.
Thiệt là khó tin nếu như nghĩ đây là quyết định của một cô bé “quê mùa”, nhưng rất dễ hiểu vì cô bé đó là Phi Nhung, một người không chỉ có trái tim nhân hậu, mà còn có khối óc sắc bén. Việc chuyển hướng sang hát dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca sẽ tận dụng được chất giọng của chị, một chất giọng da diết nỉ non; những ca từ trong những bài dân ca cũng phù hợp với những thứ mà chị muốn hướng tới đó là quê hương đất nước; âm điệu trong những bài dân ca có cái chất vọng cổ trong đó, cũng là thứ chị rất yêu thích; và đặc biệt, khi chuyển hướng sang dòng nhạc dân ca, chị sẽ “né” được Như Quỳnh - một cây đại thụ bolero ở thời điểm đó.
Tôi tin, nếu chị cứ đâm đầu vào thể loại nhạc mà Như Quỳnh đang hát, có lẽ chị không vượt được cái bóng của Như Quỳnh, chị sẽ không thể vươn đến đỉnh cao. Như Quỳnh có một chất giọng đặc biệt, khiến người nghe cô ấy hát những bài sến bolero mà nghe không “sến” tí nào, một chất giọng rất sang, có chiều sâu, mức độ luyến láy vừa phải không quá đà để chúng ta không cảm thấy bi thảm, kèm với khẩu hình đẹp, rung rung cuối câu, khiến cho những bài hát của Như Quỳnh rất được lòng những người nghe trung lập.
Trước khi vào Paris by Night, Phi Nhung đã hát rất nhiều bài hát mang âm hưởng dân ca vì sự mách bảo của con tim, như rất nhiều bài Lý ở miền Tây, đó là những bài hát nói về vẽ đẹp tuyệt diệu của quê hương, và ẩn dụ vào đó chút tình yêu, tôi ví dụ một bài để những bạn nào chưa nghe thể loại này, bài “Chín dòng sông hò hẹn”
‘Em về đó biển xanh đất rộng, Nên phù sa đổ chín cửa sông, Nơi em qua đất nở lời yêu, Lúa nhớ em thật nhiều, Từ say ngất giọng hò chiều, …” Lời ca phải nói là tuyệt diệu khiến tôi mê mẩn.
Nhưng để bước chân vào Paris By Night - nơi đã có Như Quỳnh - một ngôi sao đã tỏa sáng tầm bằng tuổi chị ngự trị trong đó, chị “buộc” phải chuyển hướng sang thể loại dân ca. Đây không chỉ là mách bảo của trái tim nữa, mà đó là “mệnh lệnh”, khi chị Thủy CEO giao cho Phi Nhung bài “Lý con sáo Bạc Liêu”, một bài khó khăn và lạ lẫm nhất thời điểm đó, mà không thể tìm thấy người nào phù hợp để hát.
Lý con sáo Bạc Liêu không phải bolero, cũng không phải là bài cải lương, khi tác giả đi ngang qua Bạc Liêu - cái nôi của dân ca miền Nam, quê hương của câu vọng cổ đầu tiên (bản Dạ cổ Hoài Lang), tác giả nhớ đến ông Cao Văn Lầu, nhớ Công Tử Bạc Liêu, cùng với con sáo, khúc sông, … để cho ra đời điệu Lý mang một chút cái vọng cổ vào trong đó. Đừng nói là với một người mới chập chững vào nghề như chị, mà đào hết cả hải ngoại lẫn hải nội thời đó cũng không có ai hát được bài Lý con sáo Bạc Liêu nghe cho được.
Phi Nhung kiên trì tập hát trong vòng 6 năm, cuối cùng cũng được chấp nhận để được lên hình, bài hát “Lý con sáo Bạc Liêu” thành công vang dội, đã đánh dấu kỷ nguyên chuyển hướng hẳn sang dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, sau năm 2000 có rất ít những bài bolero của Phi Nhung được thu. Những bài hát thể dân ca trữ tình này được Paris By Night đầu tư chăm chút hơn, ra bài nào thành bất hủ bài đó. Những tuyệt phẩm này hiện nay, và kể cả sau này, sẽ không một ai có thể lặp lại được.
Các bạn xem những bài hát của Phi Nhung ở Paris By Night ở đây và đây.
Đang ở đỉnh cao nổi tiếng bậc nhất hải ngoại, chị gác hết mọi thứ để về quê, để thỏa niềm mong ước luôn đau đáu trong lòng: là được hát nhạc quê hương trên chính quê hương của mình. Năm 2005 Phi Nhung chính thức về quê và mang theo cái âm hưởng quê hương này để rồi những âm hưởng này được cộng hưởng với vẽ đẹp của quê hương, đã tỏa sáng và thay đổi cả xu hướng âm nhạc Việt Nam.
Những năm đầu trong nước, chị kết hợp với ca sĩ làn sóng xanh đang rất hot ở thời điểm đó, Đan Trường, để cho ra mắt những bài mang âm hưởng dân ca, như “Tiếng quốc gọi đêm”, “Giữa dòng mưu sinh”, … đã phần nào gây chú ý đến một lượng lớn khán thính giả. Vừa ra mắt những album trữ tình, như “Thương lắm mình ơi”, vừa kết hợp với nhiều ca sĩ trẻ nổi tiếng như Đan Trường, Nguyên Vũ, Quách Tuấn Du, … Cũng phải nói thời điểm đó có rất nhiều ca sĩ trẻ chuyển sang thể loại nhạc này và bolero, như Đan Trường, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, … khiến những giai điệu trữ tình này dần dần nhen nhóm trong lòng khán giả yêu âm nhạc trong nước.
Năm 2014, gameshow Solo cùng bolero ra đời - gameshow có tâm huyết rất lớn của Phi Nhung để truyền tải thể loại nhạc này, cũng là gameshow đầu tiên hát về những bài nhạc trữ tình, đã khiến nhu cầu hát thể loại nhạc này trong khán giả cả nước bùng nổ dữ dội. Sau đó chúng ta đã chứng kiến hệ quả của nó, người người hát bolero, nhà nhà bolero, đài đài bolero, gameshow bolero mọc lên như nấm sau mưa. Có thời điểm cách đây 3-4 năm mở đài lên hầu như đài nào cũng hát thể loại nhạc này. Chị đã đồng hành với chương trình này, là giám khảo duy nhất xuyên suốt 7 mùa, chỉ không làm nữa khi ra đi. Cũng vì những đóng góp của Phi Nhung mà ở sân khấu Solo cùng bolero đã lập bàn thờ chị, bên cạnh bàn thờ tổ nghiệp để tưởng nhớ những đóng góp của chị.
Ngày nay thể loại nhạc này không vội vã dồn dập như 4 năm trước, nhưng có chỗ đứng rất vững vàng trong lòng những người yêu âm nhạc. Nền âm nhạc trong nước đã có cú chuyển mình rất rõ rệt, hiện này rất nhiều những ca sĩ trẻ hát thể loại nhạc này, những bài hát triệu view là bình thường, như những bài hát của Dương Hồng Loan, Ngọc Hân, Tố My, Thúy Huyền, Phương Mỹ Chi, Phương Anh, Quỳnh Trang, Thiên Quang, Xuân Hòa, Văn Hương, … Tất cả chắc âm ỉ từ lâu, và chính thức vươn mình lên từ phát súng Solo cùng bolero năm 2014.
Chị cũng đã góp phần làm sống lại cải lương trong thế hệ trẻ. Ngày nay rất nhiều bài về tân cổ giao duyên của thế hệ trẻ thu hút được lượng người xem rất lớn. Tôi có xem nhiều vở cải lương trên kênh “Kiếp tằm”, và cũng vài lần nghe những người nghệ sĩ tâm sự rằng nguồn cảm hứng của họ đến từ những bài tân cổ giao duyên PNMQ.
Con người tuy càng ngày càng hiện đại, nhưng luôn mong muốn giữ lại những thứ hoài cổ, những bản sắc, những thứ làm nên gốc gác của mình. Cha mẹ luôn muốn con cái học những cái tiên tiến bên ngoài, nhưng phải giữ nề nếp gia đình, kính trên nhường dưới. Muốn ở Cali, nhưng cũng muốn đón cái Tết âm lịch. Dòng chảy âm nhạc cũng thế, nó phải tiếp tục chảy theo xu hướng của thị trường, phải có những Sơn Tùng, Đen Vâu,... nhưng phải có cái gì đó để giữ lại những giá trị truyền thống, níu giữ lại những giá trị mang tính gốc gác, bản chất của quê hương. Thập kỷ trước kiếm người tuổi teen hát nhạc bolero hầu như không có, nhưng hiện nay có rất nhiều ca sĩ trẻ, rất xinh đẹp như hotgirl, rất nhiều thiên thần, ngọc nữ bolero, mặc áo dài và hát dòng nhạc bolero, quê hương và tân cổ giao duyên. Tôi cứ nghĩ mình là thế hệ trẻ và mình yêu nhạc trữ tình, nhưng bây giờ tôi nhìn lại, oái, tôi đã thành thế hệ già tự lúc nào vì mình lớn hơn cả chục tuổi những thiên thần bolero đó. Hầu như tất cả họ đều có ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp từ nhạc Phi Nhung.
2. Cách truyền tải âm nhạc
Một khi những bài hát của Phi Nhung chạm vào trái tim, thì không cách nào, không một ai có thể thay thế được, giọng hát đó sẽ ở mãi trong tim đến suốt cuộc đời. Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết những người đã nghe nhạc của Phi Nhung đều đồng tình như vậy, tôi đã thắc mắc tại sao như thế, nhưng mãi sau này khi hiểu được cuộc đời của chị, tôi mới có sự lý giải thỏa đáng. Đó là sự đồng điệu trong những bài hát và tính cách, cũng như cuộc đời của chị.
Khi hát những bài hát quê hương, chị hát một cách nỉ non da diết, những nốt thấp ngọt ngào như dòng sữa mẹ, những nốt cao thì cao vút xé gió. Người miền Tây thường dùng để khen những ai hát rất hay rất mượt, giọng chị không ngọt như mía lùi, không ngọt như chim kiểu Dương Hồng Loan, không ngọt ở chót lưỡi đầu môi, mà là vị ngọt trong tâm hồn, ngọt tới tận tâm can, bởi nó không chỉ ngọt ở âm điệu luyến láy, mà ngọt ở trong tâm hồn của người hát, mà người nghe có thể cảm nhận được. Cái tính cách nhí nhảnh, chân chất và hết sức mộc mạc, một tính cách rất độc đáo của chị nó cộng hưởng thêm vào, nâng những bài trữ tình về quê hương đến cung bậc mà không người nào có thể làm được. Sự mộc mạc này tôi nhắc lại, là không thể tìm thấy ở bất cứ ca sĩ nào cả.
Có thể thấy ngay bài hát cực kỳ nổi tiếng về quê hương là “Sông Quê”, trước chị đã rất nhiều ca sĩ hát, đặc biệt là Hương Lan cũng đã hát, tôi đã nghe Hương Lan hát, đúng là một sự luyến láy bậc thầy, đúng là một ca sĩ chuyên nghiệp thực sự trên sân khấu để trình diễn, nhưng thực sự Hương Lan chưa phải là “cô gái” trong cái bài Sông quê đó. Vậy nên, khi Phi Nhung - một cô gái “quê mùa” đóng vai hoàn hảo người con gái trong “Sông quê” cất tiếng, thì lúc đó “Sông quê” này mới thực sự “chảy tràn trong trí nhớ” của nhiều người. Chính nhạc sĩ Đynh Trầm Ca viết bài này cũng thừa nhận, ông rất bất ngờ khi nghe Sông quê được Phi Nhung - một ca sĩ chưa có tên tuổi gì, một ca sĩ chưa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp mà hát cảm xúc như thế, ông nói tiếp, chính vì cái sự không chuyên nghiệp nên khi thể hiện, Phi Nhung hát mộc mạc, chân chất mang dáng dấp của một cô gái quê ngây thơ và hồn nhiên, chính sự ngây thơ đáng yêu này mà khán giả biết tới Sông quê. Sau này khi về nước, Phi Nhung cũng đến gặp nhạc sĩ vài lần để cám ơn người nhạc sĩ vì có ca khúc hay này, phù hợp với giọng của cô để giúp cô có bước đi đầu tiên trong sự nghiệp, nhạc sĩ cho biết ở ngoài đời, Phi Nhung cũng mộc mạc dễ thương y như khi thể hiện ca khúc Sông quê.
Quê hương và mẹ, tuy hai mà lại là một, vì trong quê hương có mẹ, trong mẹ có hình ảnh quê hương. Tôi nghĩ chị yêu quê hương da diết cũng bởi vì yêu mẹ mãnh liệt đến như vậy. Thế nên, Phi Nhung đã hát nhiều hơn ai hết những bài vừa có quê hương, vừa có mẹ trong đó, rất nhẹ nhàng sâu lắng, đủ để cho chúng ta cảm nhận được sợi dây ràng buộc giữa mẹ và quê hương.
Các bạn có thể nghe bài “Mẹ là quê hương” với những ca từ tuyệt diệu ‘Không ai yêu Mẹ bằng con, Không ai thương con bằng Mẹ, Mẹ là quê hương của con, Quê hương với chuối bá hương, Với xôi nếp một, với đường mía lau’. Hoặc những bạn nào ở nước ngoài mà dẫn mẹ qua sống cùng, thì cũng nên nghe bài “Nỗi buồn của mẹ”. Tiếng hát sâu lắng, khắc khoải, sẽ khiến ta luôn thổn thức, nghe qua chúng ta sẽ biết mẹ nhớ cái gì, mẹ nhớ những cành sim, những cái ao, những ngọn gió và tiếng võng kẽo kẹt ‘Mẹ nhớ những cành sim tím, Ngủ mê trên mặt ao hồ, Gió trưa hè hiu hiu thổi, Kẽo kẹt tiếng võng ru đưa’; để biết mẹ thèm cái gì, mẹ thèm nghe tiếng kêu con nghé, con gà, con nhái, … ‘Mẹ thèm tiếng kêu nghé ngõ, Đầu sương sưởi khói u buồn, Tiếng con gà con chim chíp, Lạc bầy gọi mẹ sau mương, Mẹ thèm nghe con nhái bén, Nó kêu ngắt ngang ngắt ngang’; và để biết khi mùa thu xứ người đến, mẹ ra vườn ‘tựa bên rào cao bất động’ cứ đau đáu về quê hương, cứ tự hỏi ‘nơi nào là đất quê hương’.
Đó là những bài nhạc nhẹ nhàng về tình yêu thương của mẹ cũng như quê hương, tiếng hát chị cũng nhẹ nhàng, sâu lắng, nỉ non nhưng phải khiến người nghe thổn thức. Còn những bài hát nói về nỗi đau khổ mất mẹ thì thôi rồi, nó da diết, nó dày xé tâm can, nó khiến người nghe phải nhói lòng, cảm nhận được nỗi đau day dứt của chị, một nỗi đau đứt ruột của tình mẹ con bị chia cắt, một cảm xúc mà không có bất kỳ ca sĩ nào thể hiện được. Cho đến tận ngày nay, những sản phẩm âm nhạc của Phi Nhung luôn có hiệu ứng lan tỏa vượt trội bởi tiếng hát xuất phát từ trái tim thương người, cộng hưởng với những câu chuyện - những câu chuyện trong chính cuộc đời chị mà chị mang đến và những giá trị mà chị muốn truyền tải. “Phận mồ côi” nói về vấn nạn trẻ em bị bỏ sau khi sinh, lấy ý tưởng từ chính câu chuyện của chị, đã có sức lan tỏa đến 20 triệu lượt xem. Không có bất kỳ một ca sĩ hát nhạc dân ca trữ tình nào, có những bài hát truyền tải được nhiều giá trị và có sức lan tỏa như cô ca sĩ ở tuổi 50 này.
Những bài hát về thân phận của người phụ nữ Việt Nam cũng đã lấy không ít nước mắt của các chị em. Chị kể câu chuyện như thể chị chính là người phụ nữ đó. Một trong những tác phẩm về chủ đề này đầu tiên mà chị trình diễn, “Năm 17 tuổi”, một tác phẩm theo tôi là không được hay cho lắm vì quá đơn giản để có thể hát cho hay, không ca sĩ nào hát hay được hết, nhưng cũng khiến người ta phải nhắc mãi, tôi chưa bao giờ quên giọt nước mắt của chị trong “Năm 17 tuổi” rơi cách đây hơn 20 năm.
Về truyền tải tình yêu đôi lứa, chúng ta nên nghe 3 bài hát với Mạnh Quỳnh. Trong “Dù anh nghèo”, chị ấy trình diễn một thứ tình yêu trong sáng tinh khiết nhưng cực kỳ nhẹ nhàng và lãng mạn. Xem cách chị ấy nói, cách nhìn người yêu, rồi cử chỉ, rồi nụ cười, ánh mắt, … mọi thứ nó kết hợp lại, nó toát lên một vẽ đẹp thanh khiết khó tả; trong “LK Lại nhớ người yêu & Ước mộng đôi ta”, Phi Nhung trình diễn một thứ tình cảm lứa đôi làm nức lòng những trái tim đang thưởng thức, một sự chân chất mộc mạc, một sự chân thành khó tả, hát mà như nói, nói mà như hát, ánh mắt, cử chỉ, nụ cười, tất cả nó hết hợp lại, đây khó có thể nói là màn biểu diễn, mà nó là thật, không thể có một màn biểu diễn lứa đôi như thế này ở người khác; còn trong “LK Căn nhà màu tím & Bài ca của nàng” , thành thật mà nói, bài này nụ cười của Phi Nhung chiếm đến tầm 50% cảm xúc. Đây là một bài hát để hồi tưởng lại căn nhà màu tím mà ngày xưa anh chị đã trình diễn, đây là một bài hát của cặp đôi U50 hồi tưởng lại những tình yêu mà mình đã trải qua. Đúng như vậy, căn nhà màu tím lần này không lãng mạn e ấp mắc cỡ như căn nhà màu tím 20 năm trước, mà nó toát lên sự hạnh phúc, sự hạnh phúc vì kể lại những quá khứ tươi đẹp, sự hạnh phúc đó được tô vẽ xuyên suốt bài hát bằng chính nụ cười của chị, 1 nụ cười nhân ái ngập tràn ngập hạnh phúc.
Nhạc Phi Nhung không phải là nhạc buồn, tôi không thích nghe thể loại nhạc buồn. Nghe Trường Vũ một vài bài thì nghe được, chứ nghe hoài là không thể. Do tính cách nhí nhảnh hồn nhiên của Phi Nhung, những bài hát vui nhộn được thổi cái hồn nhí nhảnh vui tươi này vào, không chỉ ở nụ cười, mà còn ánh mắt, cử chỉ, tiếng nói, ….Chúng ta xem thử trong “Quê hương mùa xuân”
Sẽ thấy một quang cảnh mùa xuân tươi tắn ngập tràn nụ cười, nhảy nhót vui tươi, một mùa xuân tươi mới và hạnh phúc hiện ra. Cách chị cười, chị nhảy nhẹ nhàng vô tư như một đứa trẻ, kết hợp lại cho người thưởng thức cảm giác được một mùa xuân hạnh phúc. Cuối bài, chị dồn nén hết sự vui tươi vào trong lòng để tỏa ra một nụ cười chào khán giả, một nụ cười lí lắc, hạnh phúc, nhí nhảnh, đáng yêu, và vô tư,... tất cả kèm vào nụ cười này, ôi Phi Nhung.
Về sự đáng yêu nhí nhảnh thì thôi rồi, các bạn xem trong “Hờn anh giận em” hay “Duyên nghèo”
Tôi cam đoan rằng những người thậm chí ghét cải lương đi chăng nữa, cũng phải há miệng cười vì nghe cái bài này. Sự đáng yêu nhí nhảnh, vô tư của chị đã lấn át hết mọi thứ. Cái câu “Là cô Duyên hiền ngoan nhất xóm. Hiếu thảo siêng năng bao người mến thương ngợi khen. Ý anh Hai xin đừng trêu nữa kẻo Duyên thẹn thùng” chắc tôi cũng không thể nào quên, vì tôi cũng là một “anh Hai”, thời nhỏ tôi cũng “cờ rớt” một cô tên Duyên, và bây giờ mẹ của con tôi cũng tên Duyên :D
Về cảm xúc thương cảm cho người khác, các bạn xem thử “Chiều qua phà Hậu Giang”
Chúng ta thấy một Phi Nhung thương cảm và xót xa với người lính bị bỏ lại, giống y chang cách chị xót xa ôm những em nhỏ ở bệnh viện tâm thần hay ôm những mảnh đời bất hạnh, chị vừa ôm vừa rưng rưng nước mắt.
Còn về nhạc phẩm buồn, thì có cái nào buồn hơn “Hoàng hôn màu tím”
Chỉ cần ánh mắt chị đã toát nên một nỗi buồn khó tả, chỉ cần 5 phút, chị đã định nghĩa lại cái màu tím của hoàng hôn, đó là một màu rất đẹp, nó làm tím cả một dòng sông rộng mênh mông, cái màu tím này nó xuất hiện ở một hoàn cảnh mà chim và vịt cùng kêu, nhưng nhìn xa xăm, nhìn bên kia sông lại buồn man mác, buồn đến nao lòng. Một cái buồn toát lên vẽ đẹp đẽ của tình yêu chứ không uất hận.
Không một ai phủ nhận vị trí số 1 của Phi Nhung ở dòng nhạc dân ca trữ tình. Những người yêu những âm điệu dân ca trữ tình đều bị thôi miên bởi những màn thể hiện của Phi Nhung mà khó có thể lý giải được tại sao, không cần biết cuộc đời chị ấy, hay những gì chị ấy đã làm. Một khi đã nghe Phi Nhung hát, chúng ta như được truyền tải trọn vẹn tình cảm của hết bài hát vào trong tim và khó có thể quên được. Đó là lý do chúng ta thấy ngày giỗ của chị ấy, rất bà con cô bác lớn tuổi gần xa đến tham dự, nhìn cứ như cuộc biểu tình vậy. Những người này tôi nghĩ họ cảm nhận tiếng hát của Phi Nhung, chứ khó có thể diễn giải thành lời được. Nếu hỏi họ điều gì làm họ phải lặn lội đến viếng như thế, chắc họ cũng chỉ trả lời Phi Nhung hát rất hay, và có tấm lòng lương thiện.
Những gì Phi Nhung thể hiện trong những bài hát, nó không đơn giản là biểu diễn, mà nó là dấn thân, là đặt mình vào đó, là mang hết tâm hồn đặt vào đó, nó vượt lên trên mọi sự biểu diễn thông thường, mà tôi chưa từng cảm nhận ở bất kỳ ca sĩ nào như vậy. Với tôi, chất giọng của Phi Nhung là thiên tài, là có 1 không 2, là chất giọng trăm năm khó có 1 người như thế, là “vô tiền khoáng hậu”, chất giọng này cho dòng nhạc trữ tình là báu vật Việt Nam đã sản sinh ra được.
3. Thưởng thức nhạc Phi Nhung
Những bài hát của Phi Nhung không phải để nghe ở quán cafe ồn ào hay vũ trường, cũng không phải để nghe ở nhà sau buổi đi làm về mệt nhọc, càng không phải là những bài hát để mở hoài một cách vu vơ, cũng chẳng phải là những bài hát để nghe khi mang tai nghe cho vui lúc làm việc. Những bài chị hát phải nghe lúc 5h sáng vừa ngủ dậy, khi tâm hồn đang mới mẻ nằm đó để thưởng thức một thứ gì đó với một không gian yên tĩnh lắng đọng, cần phải nghe buổi tối lúc rãnh rỗi tắt đèn ngồi nhìn ra ban công để ngẫm nghĩ, chỉ nên nghe với tai nghe xịn cùng hành trình dài nhắm mắt để thưởng thức, hoặc một tâm thế vui tươi phấn khởi để thưởng thức những điệu lý tình quê. Tôi đang rửa chén mà nghe giọng Phi Nhung vang lên, tôi phải tắt nước để nghe cho hết câu rồi mới tiếp tục rửa :D
Những bài hát của Phi Nhung cũng không phải là những bài có thể mở nghe hằng ngày hằng ngày được. Những vẽ đẹp trong đó chỉ có thể đến tim người nghe lúc người ta có những tâm trạng và hoàn cảnh phù hợp, và sự chú ý lắng nghe từng nốt nhạc. Những món ngon cũng cần có sự chuẩn bị và chậm rãi để thưởng thức, không phải để ăn hằng ngày.
Những bài hát của Phi Nhung cũng không phù hợp để mở văng vẳng một góc phố đô thị phồn hoa nào đó, mà nó chỉ nên mở ở quê nhà, nơi có đường làng, góc quê, bờ ao, con sáo sậu, …
Những người ồn ào vội vã, những người không nội tâm và hướng ngoại, những người hướng đến những thứ hiện đại và xem nhẹ những giá trị của quê hương, những người thích những đoạn video ngắn ngủn tiktok hoặc bỏ chạy khi thấy những status dài thòng lòng cũng không thể thưởng thức trọn vẹn nhạc của Phi Nhung, mà phải là những người sống tình cảm, nội tâm, sâu sắc, sẵn sàng đọc những status dài dằng dặc, và luôn chừa một góc cho quê hương trong tim.
Nhạc của Phi Nhung cũng không dành cho những người đầu tắt mặt tối, ngày làm hộc hơi tối về lo toan đủ thứ công việc nào là tiền ảo, nào là chứng khoán, bđs đồ, mà phải người để 1 góc trong tim cho âm nhạc, những người sẵn sàng bỏ 1 buổi tối để chỉ để thưởng thức nhạc, hoặc những ban ngày ra đồng ra chợ, tối về đầu óc thảnh thơi mới thưởng thức trọn vẹn những gì chị kể.
Nhưng một khi đã thưởng thức được, thì thứ nhạc mà Phi Nhung cất lên nó chiếm hẳn một góc của trái tim mà không có một ai có thể thay thế được. Không một ca sĩ nào có thể làm được như vậy. Ngày xưa tôi cũng đã từng say đắm tiếng hát Như Quỳnh, Chế Thanh, sau này tìm tòi những điều mới mẻ trẻ trung, trong một thời gian dài chỉ nghe Phương Mỹ Chi, Dương Hồng Loan, … nhưng không một ai, không một ca sĩ nào có thể làm tim tôi lắng đọng và tan chảy như Phi Nhung. Không chỉ với tôi mà với mọi người yêu mến Phi Nhung, điều này cũng giải thích tại sao dù chị đã ra đi 1 năm rồi nhưng fan của chị vẫn luôn thổn thức và đau lòng, và đối xử với chị như những gì tôi sẽ kể ở phần Tưởng Niệm.
5. Ý CHÍ, NỖ LỰC VÀ SỨC LAO ĐỘNG PHI THƯỜNG
Nếu các bạn cho rằng thần tượng 1 ca sĩ thì không có nhiều thứ để học hỏi theo như là thần tượng một nhà khoa học, một doanh nhân nào đó, thì các bạn đã lầm. Trong suốt cuộc đời Phi Nhung liên tục những nỗ lực phi thường, mà người bình thường không thể nào có được. Sự nỗ lực này mới khiến người ta ngưỡng mộ Phi Nhung hơn nhiều, vì chất giọng hay trí thông minh là bẩm sinh, nhưng nổ lực, quyết tâm lại là sự lựa chọn. Nếu như bạn không mê nhạc của chị, mà biết những nỗ lực của chị để vươn tới đỉnh cao, tôi tin bạn cũng sẽ thần tượng chị.
1. Ý chí, nỗ lực và sáng tạo phi thường
Ngày nhỏ đi bán thuốc lá dạo ở một show diễn ca nhạc, nhìn Bảo Yến hát, chị đã làm mấy đứa trẻ “đồng nghiệp” khác cười phì khi nói rằng: sau này tao cũng sẽ đứng trên sân khấu hát như vậy. Hành trình từ 1 đứa bé bán thuốc lá dạo, đến 1 ca sĩ nổi tiếng bậc nhất ở làng nhạc trữ tình đấy ắp những ý chí, nỗ lực và sáng tạo không thể tưởng tượng nổi.
Lúc chị còn ở quê nhà, làm hồ sơ để chuẩn bị đi Mỹ theo diện con lai, chị đã “nỗ lực” hết sức, nhưng lúc đó thì chị có thể làm được gì, phải chờ vào quyết định của mấy người duyệt hồ sơ thôi, thế là chị nỗ lực bằng cách …. ăn chay 3 năm để cầu mong hồ sơ được duyệt. Cuối cùng nỗ lực này cũng đã được đền đáp, chị ăn chay 2 năm là có kết quả đi Mỹ. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, bạn có dám ăn chay tầm 1 tháng để cầu mong 1 điều gì đó không?
Qua đến xứ người, trong lúc ở nhờ nhà chính phủ cho những người nhập cư, chị đã lén đi chạy bàn, phụ bếp để kiếm tiền gởi về cho mấy đứa em thơ ở Việt Nam, sau đó chị vào làm ở 1 xưởng may gia công đồ khá lớn ở Florida. Chị tâm niệm bản thân không có ai giúp đỡ cả, lại phải lo cho những đứa em, nên làm gì cũng phải làm hết sức, làm cật lực, không được phép thất bại, phải thành công. Chính sự quyết tâm này, mà chị đã thăng tiến rất nhanh, sau 6 tuần lương lên gấp đôi, sau một thời gian rất ngắn chị có tay nghề may vượt trội, giỏi nhất trong đám công nhân ở đó luôn, kể cả công nhân mấy nước khác, lương được lên gần 5 lần, làm 1 năm là có tiền mua xe, thuê nhà, cuộc sống ổn định, ngon lành luôn. Bài học là nếu ta đặt hết tâm huyết, và quyết tâm cao độ, thì sẽ thành công. Vậy là ước mơ thứ 1 của chị đã thành sự thật - chị đã trở thành 1 thợ may rất giỏi, nếu cứ tiếp tục nghề may, với quyết tâm như vầy thì không biết chị sẽ thăng tiến đến đâu trong cái xưởng may đó.
Ban ngày đi may, tối chạy bàn, cuối tuần đi hát ở chùa, Phi Nhung dùng hết toàn bộ thời gian để kiếm tiền và giúp người khác. Sự nỗ lực kiếm tiền, sự chăm chỉ này không chỉ mang đến thu nhập mà mang đến 1 cơ hội cho chị. Đây cũng là điều chúng ta nên học hỏi, đôi lúc trong cuộc sống, nếu chúng ta cần mẫn, chăm chỉ, siêng năng, sẽ có những cơ hội bất ngờ ập đến. Trong 1 đợt hát từ thiện ở chùa, giọng hát quá đỗi ngọt ngào của chị lọt vào tai ca sĩ Trizzie Phương Trinh, và chị được Trizzie rủ rê qua Cali hát, ngã rẽ đến con đường âm nhạc của Phi Nhung từ đây.
Chị đang có 1 cuộc sống ổn định, có nghề may với vị trí cao, công việc thu nhập tốt, có đủ tiền thuê nhà, mua xe, trang trải cuộc sống, và lo được cho những đứa em, bỗng 1 lời đề nghị ập đến: bỏ hết mọi việc, qua 1 nơi hoàn toàn xa lạ để đi hát. Những tình huống như thế này xảy ra rất nhiều trong cuộc sống: nên sống trong vùng an toàn, hay thoát khỏi vùng an toàn, nên bỏ cái nghề hiện tại đang có mức lương ổn định, hay cứ bất chấp theo đuổi đam mê. Nếu chị có 1 mình, chị sẵn sàng bỏ hết để đi hát cho thỏa đam mê, nhưng hiện tại dưới chị còn có con, còn có rất nhiều đứa em ở quê nhà, làm sao chị dám thoát khỏi vùng an toàn, chị không thể thất bại, không thể mất thu nhập, không thể mất cái vị trí may hiện có được, vì mục tiêu tối thượng là phải lo con cái và cho các em.
Tôi tạm dừng video để suy nghĩ, thử đặt vào hoàn cảnh đó, tôi phải làm sao, dù cho lớn hơn chị tận 10 tuổi, học cả gần 20 năm, nạp biết bao nhiêu “chân lý cuộc sống” từ internet và sách vở vào đầu rồi, nhưng tôi vẫn không nghĩ được cách nào để vẹn toàn cả. Tôi nghĩ là chị không thể mạo hiểm bỏ ngang công việc như thế, nhưng làm sao chị có thể thành ca sĩ được. Cuối cùng, chị đã cho tôi câu trả lời không thể nào hợp lý hơn: chị năn nỉ quản lý giữ dùm chỗ cho chị trong 3 tháng để đi thử sức hát, trong 3 tháng nếu quay lại thì vẫn giữ đúng nguyên vị trí và mức lương, có vậy thì chị mới dám đi, còn không được thì chị không thể nào mạo hiểm đi hát được, vì còn phải lo cho mấy đứa em. Kết quả thì dĩ nhiên ai cũng biết, 1 người dễ thương như Phi Nhung mà năn nỉ thì làm sao người khác có thể từ chối. Tôi cũng thầm cảm ơn người quản lý này, vì chính anh cũng gián tiếp tạo nên Phi Nhung, nếu ngày đó anh cứ làm theo lý theo luật, thì chắc hẳn Phi Nhung của chúng ta sẽ không xuất hiện.
Cái cách chị tập hát cũng gian nan không kém công việc may, vừa tập hát, vừa đi học thanh nhạc để có căn bản, vừa đi bán đĩa, … Sau 3 tháng chị đã có thể kiếm được tiền từ việc đi hát, nhưng mức thu nhập vẫn chưa bằng đi may, tánh người lo xa, chị lại năn nỉ anh quản lý gia hạn thêm 2 tháng nữa. Sau 5 tháng đi hát, càng ngày thu nhập càng cao, tình yêu với âm nhạc càng lớn, Phi Nhung điện thoại cảm ơn quản lý và không gia hạn nữa, chị bắt đầu con đường âm nhạc từ đây, cái tên Phi Nhung bắt đầu được hình thành từ đây.
Chị thu nhiều bài hát, đi diễn nhiều trung tâm ca nhạc, bắt đầu có tiếng tăm, Phi Nhung có cơ hội hát cho Paris By Night - show nhạc danh giá nhất hải ngoại thời đó, khi chị Thủy CEO giao cho bài hát “Lý con sáo Bạc Liêu” (NS Phan Ni Tấn) năm 1993 vì không thể giao được cho ai phù hợp. Thời điểm đó khi mọi người hát bolero thì Phi Nhung lại được giao cho một bài không thể nào khó hơn được nữa.
Phi Nhung bắt đầu chuỗi tập tành hát, rồi thu lại và gửi để CEO duyệt, trải qua biết bao nhiêu lần từ chối vì giọng quá trẻ con, chưa chín chắn nhưng chị vẫn không nản lòng, cứ hát lại, thu lại, và gửi lại. Cùng với sự chỉ bảo, nắn từng câu từng chữ của những NS bậc thầy về cổ nhạc khi đó, ròng rã suốt 6 năm trời, cuối cùng chị Thủy cũng chấp nhận cho lên hình “Lý con sáo Bạc Liêu”, đây cũng là màn Debut (show diễn đầu tiên) của Phi Nhung trên sân khấu danh giá Paris By Night, là phát tên lửa đầu tiên, đưa chị đến đỉnh cao của dòng nhạc này và ngự trị luôn trên đó mãi 2-3 thập kỷ sau này. Tôi phải dừng lại xíu xin hỏi các bạn, các bạn đã cố gắng một thứ gì mà ròng rã trong 6 năm trời chưa? Tôi thấy xung quanh tôi, mấy bạn bè thì ĐH không đỗ cùng lắm là thi lại lần thứ 3 thôi à.
Chắc lịch sử Paris By Night chưa bao giờ chứng kiến một sự màn Debut ấn tượng đến như thế, cả về sự khó khăn, sự kiên trì và sự thành công. Cái duyên rất hay của chị Thủy, hay là lịch sử đã sắp đặt, là đã chọn đúng 1 bài hát mà đã bộc lộ hết những kỹ năng thiên phú của Phi Nhung đối với dòng nhạc này - sự luyến láy, và cũng đúng thể loại mà Phi Nhung theo đuổi sau này - dòng nhạc mang âm hưởng dân ca. Thời đó không có một bài hát nào cần nhiều sự luyến láy như bài hát này, hầu như ở mọi câu chữ. Mới vô bài hát, chỉ 2 chữ đầu “Rồi thì” thôi cũng không phải dễ dàng rồi, những người chuyên hát bolero thì đã không vượt qua được 2 chữ này rồi. Chắc chúng ta phải nghe lại thêm bài này một lần nữa, một trong những bài hát kinh điển còn giá trị đến tận ngày nay, và tôi nghĩ người ta phải nghe mấy trăm năm nữa.
Sau bài đầu tiên thành công vang dội, Phi Nhung bắt đầu được trình diễn cho Paris By Night. Chị luôn trăn trở bài hát mình hát phải có cái gì đó đặc biệt, độc lạ, khác người, phải có gì đó làm khán giả phải nhớ, phải thương thì mới thành công được. Hát đúng lời đúng nhịp, cố hát cho hay, trình diễn cho tốt, … chứ có ai nghĩ được ra cách nào khác để làm mới 1 bài hát không, nó khó như thiết kế lại cái bánh xe, nhưng chị đã làm được. Chị đã nghĩ ra là nên có đoạn nói lối hay hò gì đó chính giữa 2 đoạn hát, để bài hát được tiếp diễn liên tục giúp bài hát có điểm nhấn và không nhàm chán cho người nghe. Những ai đã từng nghe nhiều phiên bản “Dù anh nghèo” và nghe phiên bản PNMQ đều thấy sự khác biệt mà khó có thể quên, đó là phần lời thoại giữa 2 đoạn. Sau đó, chính những phần phụ này, những đoạn nói lối, những câu hò thêm vào là một đặc sản mà chỉ có ở Phi Nhung. Thậm chí có những bài nổi tiếng hoặc người ta chỉ nhớ đến nhờ cái “đoạn phụ” này, như bài “Con đê chung tình” với đoạn “Bằng lòng đi em anh về quê dắt má lên liền”, hay đoạn “Gió xuân bay về Cà Mau qua đầm dơi” ở trong bài “Áo Mới Cà Mau” đã làm “Áo mới Cà Mau” là bài hát đám cưới quốc dân ở xứ tôi, cái đám cưới ở xứ nghèo miền Trung mà hát về cái áo mới ở tận Cà Mau.
Nghe đã hông? những thứ này chỉ có ở những bài hát của Phi Nhung thôi đó nha 😃 Ngoài ra khi diễn trên sân khấu solo, chị cũng có cách trình diễn rất hay, là hay đi lại gần mấy ông nhạc công :D Tôi cũng không thấy ai như vầy. Các bạn xem thử nè, trong bài “Trở lại Bạc Liêu” chị lại gần bác đánh đàn ngồi rất dễ thương 😃 Không ai diễn thì mượn bác diễn chung 😃))
Những ý chí và nỗ lực phi thường của Phi Nhung trong mọi công việc đã viết nên một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, từ một cô gái ở tận cùng của sự khổ cực thành một ngôi sao sáng nhất sân khấu hải ngoại, thành một nữ hoàng băng đĩa khắp hải ngoại lẫn trong nước. Vậy là 2 điều ước của chị đã thành sự thật: trở thành một thợ may giỏi và một ca sĩ nổi tiếng. Sự sáng tạo tuyệt vời, chất giọng thiên phú cùng với tính cách chân chất mộc mạc trong những bài hát đã được bệ phóng hạng nặng Paris By Night đưa cô đến đỉnh cao nhất của thể loại nhạc dân ca trữ tình, và ngự trị trên đó mãi cho đến ngày nay.
2. Khả năng làm việc bền bỉ vô tận
Sức chị ấy làm người thường khó mà bì lại, tôi không làm cùng chị ấy nhưng chỉ cần nhìn những sản phẩm chị ấy đã để lại khiến tôi muôn phần kinh ngạc. Không ngờ 1 cô gái nhỏ bé miền Trung lại lại có một nguồn năng lượng dồi dào đến như thế.
Trong suốt sự nghiệp, Phi Nhung đã thu và cho ra mắt tầm gần 750 bài hát, 9 vở cải lương nguyên tuồng, 9 trích đoạn cải lương, 4 vở kịch nói, tham gia vào 11 bộ phim. Mình không trong ngành, nhưng mình nghĩ để thu âm một bài hát, thông thường phải hát bài đó tối thiểu 20 lần, tức là phải nhẩm và hát miết tầm ít nhất là 1 tuần vậy, 1 vở cải lương nguyên tuồng cần phải tập và thu trong nửa năm. Để hình dung cái số bài hát này nó nhiều cỡ nào, các bạn cứ hình dung, sự nghiệp của chị ấy hơn 20 năm, tức là tầm 1000 tuần, tức là cứ hơn 1 tuần chị ấy cho ra 1 bản thu âm, trong suốt cuộc đời nghệ thuật. Ngoài việc thu âm, chị ấy cũng còn đi hát hằng tuần nữa, đi khắp mọi nơi - những nơi có người Việt sinh sống.
Tôi tính cover những bài hát của chị mỗi cuối tuần rảnh rỗi, nhưng có lẽ tôi phải cover đến già mới hết số lượng bài hát này. Số lượng bài hát chị thu âm nhiều quá nên không một ai thống kê lại số những bài chị đã hát - trừ tôi. Vâng, tôi đã nghe và ghi chép lại tất cả những bài hát của chị, gần 1000 bài hát, kèm link cho từng bài hát, ở trong list sau.
Tôi không nghĩ có một ai đó cho ra mắt số lượng bài hát nhiều hơn Phi Nhung, nếu có hãy cho tôi biết, tôi tìm thử ca sĩ nổi đình đám trong thời gian rất lâu, như Đan Trường, thì cũng chỉ thu âm tầm 200 bài thôi.
Một sự kinh ngạc hơn nữa, là ở cái tuổi 50, tuổi mà hầu như những ca sĩ khác đã ngừng hát, đã nghỉ hưu dưỡng già, thì chị ấy vẫn cứ hằng năm cho ra mắt rất nhiều sản phẩm chất lượng. Từ “hát” mình dùng ở đây ý là “cho ra mắt sản phẩm mới” - đây là 1 điều bắt buộc nếu ca sĩ muốn giữ vững vị trí, cũng giống như nhà khọc học là phải có nghiên cứu mới vậy đó. Hầu như những ca sĩ tầm tuổi này bạn thấy họ hát, là họ chỉ biểu diễn lại những ca khúc từng làm nên tên tuổi của họ ngày xưa, để hoài niệm lại với những khán giả một thời, mình gọi vầy là “dưỡng già”, chứ họ thực sự đã không còn “hát” nữa. Tại sao họ không thể “hát” được nữa, có nhiều lý do, chất gọng họ xuống cấp, dòng nhạc họ từng lên đỉnh đã qua trend, rồi ai sáng tác bài cho mà hát, nên mới sinh ra chuyện dùng drama để níu kéo tên tuổi, không thể níu kéo bằng bài hát, thì níu kéo bằng drama thôi.
Người ta bảo lên đỉnh rất khó, nhưng khó hơn nữa là giữ được vị trí trên đỉnh, vì chứng kiến không ai có thể ở trên đỉnh lâu dài. Trong âm nhạc cũng vậy, đa số những bài hát khi nổi tiếng đều có trend, qua cái trend đó tầm 5 năm là hết nổi, và ca sĩ hát những bài đó cũng thế, nếu không biết tự làm mới mình. Rất nhiều ca sĩ như thế, chúng ta có thể thấy như Phương Thanh, Lam Trường nổi từ thời làn sóng xanh, sau đó qua thời, tới Ưng Hoàng Phúc một thời đình đám tầm 5 năm rồi cũng qua, … những người biết làm mới như Cẩm Ly, Đan Trường chuyển sang thể loại dân ca, Đàm Vĩnh Hưng chuyển sang hát bolero thì kéo dài sự nổi tiếng, nhưng thành thật họ cũng không trở thành số 1 của thứ nhạc họ theo đuổi. Như Đàm Vĩnh Hưng chỉ cách tân bolero nghe lạ tai, chứ làm sao có thể nói là ông vua nhạc sến được. Đan Trường hát dân ca nghe cũng thú vị, có bài rất hay, nhưng cũng không thể trở thành số 1 được.
Duy nhất, chỉ duy nhất Phi Nhung là số 1 từ lúc lên đỉnh, mãi cho tới lúc qua đời. Không những Phi Nhung là số 1, mà còn là số 1 duy nhất, một số 1 cách rất xa số 2 cho dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, ngự trị trên vị trí này từ năm chị 30 tuổi cho đến lúc khi mất (51 tuổi). Với những ai nghe thể loại nhạc này thì điều này không thể bàn cãi, vị trí của Phi Nhung là bất khả xâm phạm, cái tên Phi Nhung là 1 sự định nghĩa cao nhất cho thể loại nhạc này, trong mọi thời điểm, bất cứ bài nào Phi Nhung hát đều vượt trội so với phần còn lại.
Tôi nghĩ nhận định của tôi cũng giống như bao người khác, chị rất nhiều lần đoạt giải Mai Vàng - giải cao nhất dành cho nghệ sĩ ở hạng mục “ca sĩ hát nhạc mang âm hưởng dân ca”. Thậm chí ở gần tuổi 50, chị vẫn có giải liên tiếp những giải Mai Vàng. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì chị đã làm, sau khi chị mất, người ta bắt đầu công bố những bài hát trong mấy năm gần đây còn dang dở mà chưa kịp công bố, như Hai ơi đừng qua sông, Nghĩa phu thê, Phù du, và tôi nghe nói rằng còn 1 album dân ca còn dang dở nữa.
Bạn có thấy ca sĩ nào nổi tiếng từ tuổi thanh xuân, mà đến khi già rồi, đến 50 tuổi rồi vẫn còn cho ra đời rất nhiều tác phẩm và đoạt giải như thế chưa? Bạn thử nhẩm xem thử những ca sĩ mình biết ở 15-20 năm trước còn ca sĩ nào thực sự còn “hát”. Nếu một ai đó nói Phi Nhung làm gì đó để níu kéo tên tuổi là hoàn toàn chưa hiểu gì cả. Tên tuổi của Phi Nhung chưa bao giờ xuống vị trí số 2 mà cần gì níu kéo, Phi Nhung hát từ cái thời những ca sĩ khác chưa nổi tiếng, rồi họ nổi tiếng, rồi qua trend, rồi dưỡng già, rồi tới bây giờ ở gần tuổi 50 Phi Nhung vẫn còn “hát”, đều đều năm nào cũng cho ra vài siêu phẩm. Giọng hát chị ở tuổi 50 da diết hơn, khắc khoải hơn bởi sự từng trải chất chồng hơn, giọng hát vẫn chưa có dấu hiệu đuối. Bạn hãy xem lại “Thanh xuân em đợi” và “Phận mồ côi” sẽ thấy rõ.
Sự làm việc miệt mài bền bỉ như vậy, mãi cho đến khi mà người khác cùng thời đã “nghỉ hưu dưỡng già” chị còn làm dữ hơn vì chị có động lực phải cố gắng kiếm tiền để lo cho 23 người con. Chị không dám nghỉ vì mấy đứa còn quá nhỏ. Có ra sản phẩm thì mới giữ được tên tuổi, mới có nhiều show, cát xê mới cao, chứ mấy ca sĩ hát kiểu “hoài niệm” thì không mấy đồng. Chúng ta thời nay nuôi 1 đứa đã thấy tốn kém, nhiều người không dám sinh đứa thứ 2, nhưng chị lo cho rất nhiều đứa ở mức chuẩn cao, rồi cả một hệ thống xung quanh đó, và nhiều mảnh đời bất hạnh khác.
Ngoài sự làm việc bền bỉ vô hạn, thì mình nghĩ có một nhân tốc khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải vì sao Phi Nhung còn “hát” mãi được thế, đó là chị sống chân thành tử tế, luôn mang tình yêu thương đến với mọi người nên ai cũng quý mến chị, do đó rất nhiều nhạc sĩ sáng tác và gửi gắm cho chị.
Như NS Lý Kiến Trung có sáng tác một bài hát tặng vợ kỷ niệm 45 định cư ở Toronto, Canada, nhờ NS Phan Tấn Ni mai mốt, NS Lý Kiến Trung liên hệ được và Phi Nhung đã hát bài này cho chú, chị bảo là “Phi Nhung may mắn được chú chọn hát để tặng cho vợ, thương không mọi người”, thì NS đáp lại “chú cám ơn Phi Nhung nhiều đã nhận lời mời bài hát này của chú mà không nhận thù lao, chú cảm kích và ngưỡng mộ cháu vô cùng. Chúc cháu luôn vui khỏe và nhiều năng lực để đưa tiếng hát của mình bay cao bay xa mãi cháu nhé :3” Theo mình đây là một bài rất hay, âm điệu dân ca luyến láy đậm chất Phi Nhung, nội dung cũng cho ta nhớ lại một giai đoạn của lịch sử: bài hát nói về cuộc đời của một con người, tuổi thơ ở Ngũ Lạc, Cầu Ngang, rồi về An Giang, sau đó vượt biên trải qua thập tử nhất sinh trên biển cả, được trạm tỵ nạn BiDong (Malaysia) “dang tay tình thương”, và cuối cùng cập bến Toronto (Canada). Phi Nhung hát bài này tặng chú nên cũng không công bố trên kênh của chị nên ít người biết, chúng ta có thể nghe lại bài này ở kênh của NS Lý Kiến Trung, bài “Lý Cầu Ngang”.
3. Luôn luôn học hỏi trau dồi
Có lẽ Phi Nhung là ca sĩ kỳ lạ, dù là ca sĩ đỉnh cao, số 1 dòng nhạc trữ tình nhưng lại “không biết” nhạc lý. Tôi dùng từ “không biết” ở đây không hẳn là không biết tí gì, nhưng những thứ chị biết về nhạc lý không tỷ lệ với đẳng cấp chất giọng của chị, như những ca sĩ khác :D Đúng là chị không xuất phát từ người trong nghề, không được đào tạo bài bản, nhưng chị vẫn có học ngày học đêm hồi mới tập hát cơ mà, tôi thì thiên về quan điểm, cảm xúc và bản năng hát quá lớn đã lấn át mọi thứ, khiến cho chị không còn nghĩ ngợi nhiều đến kỹ thuật, mà dồn hết cảm xúc vào bài hát. Nên chúng ta mới thấy Phi Nhung không thể lạm dụng kỹ thuật, chỉ hát bằng bản năng và cảm xúc. Mấy giám khảo ở các gameshow thường cố gắng nhét những thứ chuyên môn nhạc lý vào nhận xét, làm lóa mắt dân đen nghe nhạc như tôi, tôi nghe cũng như nghe sấm thôi. Như những nhận xét về hát hò của Ngọc Sơn đã làm mọi người phong cho anh danh xưng “Giáo sư Âm nhạc”, nhưng với Phi Nhung, dù là “trùm cuối” của dòng nhạc trữ tình, nhưng chị chưa bao giờ là một “giáo viên thanh nhạc” giỏi cả, nghe chị tập hát cho mấy bạn khác hoặc nhận xét mấy bạn khác khác mới vui làm sao, chị cứ nói một cách rất bình dân, nghĩ gì nói đó, như “nhà quê” vậy đó. Lại một kiểu “nhà quê” đúng chất Phi Nhung. Cũng phải, muốn học Lý thì tìm mấy thầy ở quê mà học, chứ sao lại đi học Albert Einstein. Chị cũng thừa nhận, khi ngồi vào ghế giám khảo Solo cùng Bolero chị mới học và coi lại kiến thức âm nhạc :D
Vậy nhưng không có nghĩa là chị chỉ cần bản năng để hát. Chị đã cật lực học hỏi rất nhiều và nghiêm túc, và một khi đã làm là phải thành công, nhất định phải thành công. Chúng ta thấy chị không những chỉ đi hát, chị tiếp cận cải lương và học để hát cải lương cho bằng được, chúng ta thấy vai trò của chị với cải lương ra sao như tôi nói ở trên. Điều duy nhất khiến chị chưa trở thành huyền thoại cải lương là tuổi nghề cải lương quá ít. Ngoài ra Phi Nhung còn thử sức với hài kịch, bi kịch, phim, và kể cả học tiếng Trung để đóng phim Trung Quốc, ở lĩnh vực nào chị bước vào, đều để lại những dấu ấn rất lớn, mấy bạn nghe lại trích đoạn “Duyên Kiếp” Phi Nhung đóng nè
Có khác gì cây đại thụ cải lương đâu, tôi đã mò tìm trích đoạn này được đóng bởi các cây đại thụ khác để hiểu hơn, tôi xem rất nhiều trích đoạn này do Thoại Mỹ đóng, nhưng thú thật vai diễn của Phi Nhung cho tôi cảm xúc hơn.
6. ĐỐI ĐÃI CỦA CUỘC ĐỜI
Cô gái quê mùa nhỏ xíu gầy còm dắt 2 đứa em thơ dại rời xa quê hương, phải viết ra tờ giấy dòng chữ “I’m hungry” để xin người ta bánh mì vì đói lả không còn sức lực để đi tiếp ngày nào, sau gần 10 năm trở về lại phi trường xưa, nơi chị ra đi, đã không thể tưởng tượng được rằng ai ai cũng nhận ra Phi Nhung, tên tuổi Phi Nhung đã phủ khắp mọi miền đất nước. Lần đầu tiên chị về miền Tây, nhìn cảnh những bảo vệ ngăn dòng người hâm mộ muốn được đến gần hơn với chị, khiến chị chỉ biết trân người đứng khóc ngon lành vì hạnh phúc. Đó là những chuỗi ngày chị luôn lâng lâng vì hạnh phúc, chị cảm nhận được quê hương như hơi thở của chị, để có quyết định gắn bó với quê hương cả cuộc đời sau này. Với một người thương quê hương như khúc ruột như chị, đây là một sự đối đãi mà chị đã khắc cốt ghi tâm, và nguyện làm mọi thứ để đền đáp tình cảm của những người yêu mến chị.
Cô gái Pleiku má đỏ môi hồng này có những nhóm fan từ khắp mọi miền đất nước, từ miền Bắc xa xôi, đến miền Trung cằn cỗi và miền Tây chân chất, từ những bé rất trẻ đến những người đã lớn tuổi, và rất nhiều người khiếm khuyết cơ thể bẩm sinh, …Tất cả những người này đều một lòng một dạ dành cho chị thứ tình cảm như đối với người thân ruột thịt, và nhiều người đã thờ cúng chị khi chị ra đi. Những bé nhỏ tuổi thì gọi chị là mẹ, “mẹ gà”, là hình tượng gà mẹ dang đôi cánh che chở cho bầy “gà con” phía dưới; những người lớn tuổi hơn xíu như tôi thì gọi chị là “chị Hai”, là cách gọi trìu mến thân thương nhất dành cho người chị cả đã che chở cho đàn em thơ dại; những lớn tuổi hơn thì coi chị như đứa em kết nghĩa, sự thân thiết đến mức chị đòi dẫn đi xét nghiệm ADN thử có phải chị em từ kiếp nào hay không. Chúng ta hãy nghe tâm sự của 1 cô lớn tuổi 😃
Fan của Phi Nhung không ồn ào náo nhiệt dùng internet nhiều như fan Sơn Tùng, không đông đúc có điều kiện như fan Mỹ Tâm, Đông Nhi, fan Phi Nhung không quá nhiều trong cõi internet này, nhưng thực tế thì có lẽ không đong đếm được, minh chứng là bông điên điển - một thứ bông mọc ở bờ rào để nấu canh ở miền Tây, nhưng ai cũng biết, có lẽ bông điên điển còn nợ Phi Nhung một lời cảm ơn đó nha. Fan Phi Nhung sẽ dám hãnh diện để khẳng định một cách chắc nịch rằng, đã nghe chị hát từ thời thơ ấu, chị là cả một bầu trời tuổi thơ, những vui buồn trong cuộc sống mãi mãi khắc sâu trong tâm trí suốt cuộc đời, và chắc chắn sẽ nghe đến khi nào không còn hơi thở nữa trước 1 hội trường đông như thế này.
Chỉ có Phi Nhung mới nghe được tiếng gọi mẹ thân thương từ rất nhiều người con, ngày nay bạn bè chúng ta khá giả lắm thì cũng chỉ có 3 đứa con thôi, thế thôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Chị đã trao đi rất nhiều yêu thương, nên đã nhận lại nhiều hạnh phúc tương xứng.
Những sự đối đãi như thế này không dễ gì một người ca sĩ có được, khiến ai ai cũng phải ganh tỵ, nhưng họ không ganh tỵ, vì đó là đối đãi dành cho Phi Nhung. Những sự đối đã này làm lòng chị lúc nào cũng ấm áp, đầy nhiệt huyết và năng lượng để đền đáp lại cho đời. Đó cũng là một lý do khiến chị vẫn còn miệt mài làm việc mặc dù đã ở tuổi 50.
Cuộc đời của Phi Nhung như 1 chuyện cổ tích ngoài đời thực, xuất phát điểm là tận cùng của sự cơ cực, vùi lấp tận cùng của vũng bùn đen, nhưng chị đã vươn mình trở thành một đóa sen, một đóa sen duy nhất thơm ngát đẹp lộng lẫy nổi bậc giữa một cánh đồng sen. Chị càng ngày càng đẹp cả về tính cách, tâm hồn và dung mạo. Chị luôn luôn cười, nụ cười của hạnh phúc. Người ta nói tâm sinh tướng, nhìn những thước phim hồi xưa, Phi Nhung không quá đẹp, xem vẽ mặt vừa thất tình trong “Nỗi buồn chim sáo” nè :D
Vẽ đẹp thời đó Phi Nhung không thể sánh được với Như Quỳnh. Nhưng càng ngày chị càng đẹp, và trở thành đẹp nhất trong những ca sĩ cùng tuổi. Một vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên không chỉnh sửa, một vẻ đẹp thánh thiện, tai to, mũi cao, cùng nụ cười nhân hậu. Nhiều người đã nhận xét y như vậy và nghĩ rằng Phi Nhung sẽ càng ngày càng đẹp hơn nữa, sẽ sống đến trăm tuổi vì những công đức của chị. Nhưng cuộc đời vốn chưa bao giờ bằng phẳng.
7. BI KỊCH CUỐI ĐỜI
Hơn 1 năm trước, cái tên PH là nỗi khiếp sợ cho toàn bộ giới nghệ sĩ. Chỉ cần đấng tối cao mách bảo trong mơ, những gì bà ấy nói khiến hàng triệu tín đồ nức lòng tin tưởng, PH có thể “hô mưa gọi gió”, đứng trên cao như thiên lôi, hô ai nấy dạ, khiến tất cả phải khóc thét, co mình không dám nhúc nhích. Trận cuồng phong mang tên PH đó khiến cây đại thụ trong làng showbiz, Hoài Linh, cũng phải bật gốc, thì những cây nhỏ nhoi khác nép mình cũng phải.
Phi Nhung vẫn luôn là người vô tư, luôn quan tâm đến bạn bè đồng nghiệp, chị nhấp nhổm khi Hoài Linh gặp khó khăn, và lên tiếng bảo vệ Hoài Linh, nên được lọt vào “mắt xanh” PH. Đây chính là mồi lửa đầu tiên nhen nhóm, và sau này bùng cháy mạnh trở thành bi kịch của cuộc đời chị. PH lúc đó đang thăng hoa, được fan tâng bốc lên tận mây xanh, có nói mặt trời hình vuông cũng không ai dám cãi, và PH bắt đầu tấn công chị, không có gì để nói, thì lại bịa đặt những điều khủng khiếp, như nói chị bỏ con bỏ cái, chăn dắt trẻ, … Vậy là Phi Nhung bắt đầu chịu trận trước một cuộc tấn công kinh hoàng, đánh vào điểm yếu chí tử của chị, mà cả cuộc đời chị có lẽ trong mơ cũng không bao giờ nghĩ đến.
Phi Nhung của chúng ta rất mạnh mẽ và bản lĩnh, có nguồn nội lực gần như vô tận, nhưng đó là ý chí trong công việc, trong cuộc sống, … còn việc đối phó với lòng người chị thực sự là một “gót liễu mong manh” rất yếu ớt và ngây thơ. Chị đã bị lừa biết bao nhiêu lần, người ta đã lừa chị cả tình lẫn sạch tiền đến mức chị tự tử rồi được cứu sống, nhưng sau đó vẫn nhẹ dạ cả tin, vẫn hoan hỉ, dốc hết lòng khi gặp người lạ. Và cuộc tấn công này đã đánh vào điểm yếu chí tử của chị, khiến chị không biết cách nào chống cự và bảo vệ. Chị càng nói càng bị bóc tách từ ngữ, bởi vốn dĩ chị chưa từng bao giờ biết cách ăn nói.
Người ta tấn công vào sự tâm huyết nhất của chị, tấn công vào cái việc mà chị dành cả đời, dành cả máu và nước mắt để gầy dựng, là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Người ta đổi trắng thành đen, nỗi oan này trời cao có thấu. Mỗi một comment nói nặng lời 1 xíu dù của là nick ảo, chị lại khóc, chị khóc mắt sưng húp, chị khóc không còn nước mắt để khóc nên phải tắt Facebook, tạm bỏ qua tất cả để có sức mà nuôi nấng các con. Chị bảo người ta tấn công chị, nhưng không vì thế mà chị gục ngã, chị phải cố gắng sống để có sức nuôi các con.
Nhiều người trước chưa phải fan hâm mộ của chị, nhưng nghe cách trả chị trả lời PH đã trở thành fan của chị. Các bạn hãy nghe lại thử xem, một bên thì nhỏ nhẹ hiền hậu, rất chân chất, và còn kèm hát tặng chị 1 bài, còn một bên thì “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.
Vậy là đóa sen thơm ngát nhất cánh đồng sen kia đã bị tụi nó nhẫn tâm vẫy bùn lên không thương tiếc. Những cánh sen hồng kia bắt đầu rơi xuống, trôi theo dòng sóng xô tơi bời. Đóa sen mang tên Tịnh Bình thơm ngát hương đó nhưng mỏng manh và yếu ớt lắm, chỉ để chúng ta thưởng thức và ngắm nhìn thôi, chỉ để chúng ta yêu thương thôi, chứ không không thể nào tàn nhẫn được như thế. Chỉ cần bạn có một trong hai thứ: trái tim hoặc khối óc, bạn sẽ không thể nói một nặng lời làm chị ấy buồn được, Phi Nhung là để yêu thương thôi.
Rồi đại dịch Covid ập đến, lòng chị ngổn ngang trăm bề, chưa phục hồi sau trận tấn công vừa rồi, thì lòng lại nặng trĩu đau xót khi chứng kiến cảnh bà con xung quanh mất mát tang thương như thế. Những liều vaccine đầu tiên về Việt Nam, người thì tranh giành xếp hàng để tiêm và khoe những mũi tiêm xịn sò (Prize) trên mạng, người thì la lấu và bài trừ vaccine Trung Quốc, chỉ duy nhất Phi Nhung không thuộc những tuýp người trên, chị đã không tận dụng địa vị của mình để kiếm 1 suất vaccine, mà trái lại còn nhường vaccine cho người khác khi thuốc vẫn còn đang khan hiếm. Tôi nghĩ rằng không phải là chị không tin tưởng vào vaccine, mà chị không tin rằng chị xứng đáng nhận 1 liều, khi mà ngoài kia bao nhiêu bà con già yếu vẫn còn chưa được tiêm đủ. Một người có trái tim nhân hậu như Phi Nhung, giúp người còn không hết, sao có thể giành lấy cơ hội sống của người khác. Phi Nhung là thế đó, suốt đời vẫn là thế, vẫn luôn nghĩ cho người khác.
Đại dịch càng ngày càng tang thương, mọi người chỉ cố thủ trong nhà, người dân bắt đầu khốn khổ vì thiếu thực phẩm, thiếu người phân phối, mọi người bị cô lập và sợ hãi. Chắc chưa bao giờ chị chứng kiển cảnh bà con lầm than như vậy, với tấm lòng đức độ như vậy, chị sao còn lòng dạ nào để nghĩ tới chuyện của bản thân. Chị quyết định xé tờ vé máy bay đã mua từ trước - chuyến đi đoàn tụ với gia đình, với khúc ruột duy nhất, với 2 đứa cháu ngoại mà cả 2 năm trời chị lúc nào cũng mong ngóng tới ngày đoàn tụ - chuyến bay mà sẽ giúp chị rời xa vùng đất tang thương vì đại dịch để đến một nơi an toàn. Chị đã từ chối tấm vé thoát hiểm duy nhất này, quyết tâm ở lại cùng bà con, cùng đất nước chống dịch.
Chúng ta có thể thấy, khi về nước chị đều đến thăm những nhạc sĩ đã có những ca khúc làm nên tên tuổi của chị, chị luôn bảo vì những ca khúc này mà chị mới nổi tiếng, và dành cho họ những lời cảm ơn chân thành nhất. Một người có tấm lòng biết ơn cuộc đời như Phi Nhung, tôi tin dù biết có bao gian nan phía trước đi chăng nữa, chị cũng không thể nào rời bỏ Sài Gòn lúc thành phố cần giúp đỡ nhất, chị sẽ không thể bỏ mặc nơi đã cho chị những show diễn, nơi đã cho chị thu nhập để thực hiện ước mơ của chị.
Ca sĩ Quốc Đại nghẹn ngào nhớ lại, “Nghe nói đầu tháng 8 bà có show bên Mỹ, sao giờ này còn ở Sài Gòn” - “Bình thường tôi chạy show, kiếm tiền ở Việt Nam, giờ thành phố đang gồng mình chống dịch, tôi bỏ về Mỹ không đành, thôi mình ở lại phụ bà con chút đỉnh”. Rất nhiều nghệ sĩ đã rời Việt Nam vào thời điểm này để đến Mỹ, ta có thể thấy nhiều cư dân mạng đã mắng Kỳ Duyên, covid tới Mỹ thì chạy về Việt Nam, còn khi dịch về Việt Nam thì lại chạy đi Mỹ, và Kỳ Duyên đã trả lời theo tôi là rất chính xác và đúng đắn “Xin hỏi lại nếu bạn đổi địa vị là KD thì bạn sẽ làm thế nào? Bạn có cách gì làm hay hơn xin chỉ cho KD học hỏi cho lần sau? Ở nơi thất nghiệp hay đến nơi có việc làm, ở nơi không chích vaccine được hay nơi cho chích vaccine free?”
Xin hỏi các bạn trên thế gian này có tình yêu nào hơn tình yêu của mẹ dành cho con, hay tình yêu của bà dành cho cháu, nhưng có đó, đó là tình yêu của Phi Nhung dành cho bà con, cho quê hương. Không hẳn là khi Phi Nhung ở lại, chị ấy bỏ đi cái tình mẫu tử kia, nhưng chị tin rằng, chị ấy có thể vừa giúp bà con qua cơn bĩ cực này, và sau đó lại quay về với đứa con, đứa cháu, giống như cách chị đã chia đôi cuộc đời, một nửa cho Việt Nam và nửa kia vẫn hướng về gia đình ở Mỹ.
Đã không tiêm vaccine, tấm lá chắn duy nhất - như áo giáp của 1 chiến binh ra trận, nhưng chị vẫn ra trận như một chiến binh để giúp đỡ bà con. Chắc chị cũng hiểu rằng mình có thể bị nhiễm virus và mất mạng bất cứ lúc nào, cũng như một chiến binh khi ra trận đều nghĩ rằng họ có thể bỏ mạng nơi sa trường, nhưng không vì thế họ lùi bước. Bởi lẽ chị đã hiểu rằng, sự tan thương của thành phố không phải chỉ đến từ con Covid - thứ mà chị cũng không chống lại được, mà sự tan thương này nó còn đến từ những nỗi sợ khác ngoài covid, đó là nỗi sợ thiếu đồ ăn thức uống, nỗi sợ bị cách ly cô lập, … - những thứ mà chị tin rằng với sự đóng góp của chị nó sẽ vơi đi phần nào. Cuộc đời chị bao lần muốn chết mà trời không cho chết, khó khăn vất vả cỡ nào chị cũng vượt qua được, chắc chị đã tin ở luật nhân quả, rằng chị sẽ chiến thắng, chị sẽ không vấn đề gì, trời phật sẽ phù hộ chị.
Và rồi, chị đã nhiễm Covid.
Khi nghe tin, tôi cũng như hầu hết mọi người, cũng như nhiều bạn bè của chị không quá “hoảng hốt”. Không phải là không lo, mà hầu như ai cũng nghĩ chị sẽ vượt qua được thôi. Cuộc sống cơ cực như thế chị còn vươn lên được, mọi khó khăn gì chị cũng vượt qua được, chị có nguồn nội lực kinh hoàng, để vươn lên từ cuộc sống cơ cực bậc nhất, lên tới đỉnh cao nhất, thì con covid có xá gì, người ta vẫn vượt qua được đó thôi. Rồi chị sẽ vượt qua và khỏe mạnh.
Nhưng chị Hai ơi, lần này em và mọi người đã lầm, vì thứ chị chiến đấu bây giờ không chỉ là con covid, mà là lòng người. Những vết thương lòng trước chưa kịp lành, trong lúc gặp covid chị còn hứng chịu nhiều vết thương lòng khác nữa, mọi thứ ập đến cùng lúc với chị khi chị nằm 1 chỗ trên giường bệnh. Em nghĩ không con covid nào tước đi mạng sống của chị cả, mà là những điều bịa đặt kinh hoàng áp đặt lên tấm lòng yếu ớt như chị. Người ta chống covid phải trong tâm trí thỏa mái và vững vàng nhất, chứ lòng dạ rối bời, đau tận tâm can thì làm sao chống covid được hả chị.
Rồi cái ngày định mệnh cũng đến, cách đây đúng 1 năm, ngày 28/9/2021 nhằm ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu chị đã chính thức rời xa thế giới này sau một thời gian rất dài đau khổ trên giường bệnh. Một ngôi sao sáng chói trên bầu trời đã tắt, một đóa sen thơm ngát của cánh đồng đã ngã quỵ xuống, một thiên sứ giàu lòng nhân ái đã rời khỏi thế giới của chúng ta. Cả hàng triệu người bàng hoàng đau xót.
Cung đàn da diết nhức nhối bỗng vang lên
‘Rồi thì sáo cũng bay xa
Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu
Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều
Tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau’
Trước kia biết bao nhiêu lần chị muốn chết,chị xem cái chết nhẹ tựa, còn nói những điều gỡ, bảo lúc chết thì mấy người phải vui nha, có những lần chỉ chậm trễ tính bằng giây thì đã không có Phi Nhung trên đời, nhưng ông trời không cho chị chết. Còn lần này, chị thực sự muốn sống, chị sợ chết lắm luôn, chưa khi nào chị sợ chết như vậy, chị không muốn ra đi khi mọi chuyện còn ngổn ngang trăm bề như vầy, chị không thể nhắm được mắt, chị không thể chết được, chị phải tiếp tục sống để nuôi nấng và bảo vệ các con, chị phải tiếp tục sống để giải mối oan mà trời cao không thấu này, thì ông trời lại làm ngược lại.
Nhưng thực sự là đã có luật nhân quả, khẩu nghiệp của những người khác không tan biến vào hư không, mà nó làm triệu triệu trái tim đau khổ vì chị ra đi. Ông trời đã thấu và ông trời đã đúng. Chị không thể chết trước kia, chị phải trở thành Phi Nhung chứ, để mang lời ca tiếng hát làm đẹp cuộc đời này, mang đến tình yêu thương cho thế giới này, truyền cảm hứng về lòng nhân ái từ bi cho thế giới này, còn lần này này chị không thể tiếp tục ở thế giới đầy thị phi này thêm phút giây nào nữa, thế giới đó đã không còn xứng đáng để chị phải khổ ải nữa. Ông trời không thể để chị chịu khổ thêm giây phút nào nữa, bởi lẽ cái đám đông kia sẽ còn bu bám chị đến ngàn thu, Albert Einstein từng nói: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên” cơ mà. Hãy xem Phan Anh, Thủy Tiên, Hoài Linh, …dù đã được chứng minh là không ăn đồng nào nhưng tụi nó có buông tha đâu.
8. TIẾC NUỐI VÀ TƯỞNG NIỆM
Ngày chị ra đi, đau xót nhất có lẽ là con cháu chị, và những đứa con khác của chị - bọn trẻ sẽ mồ côi thêm một lần nữa. Bọn trẻ đã vĩnh viễn đi tình yêu thương của mẹ Nhung, thứ mà có đi khắp cả cuộc đời sau này, sẽ không bao giờ có được lần thứ 2.
Tiếng chị bỗng vang lên, như một định mệnh đã sắp đặt, bài đã làm nên tên tuổi chị vài thập kỷ trước đã phản ánh chính xác cuộc đời của chị.
‘Rồi thì sáo cũng sang sông
Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi’
Ngày chị ra đi, cả nước bàng hoàng đau xót, giới nghệ sĩ chưa bao giờ lại đồng loạt đăng đàn thương cảm cho sự ra đi của 1 đồng nghiệp nhiều như thế, từ ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ cải lương, từ những em bé nhỏ tuổi đến các cụ già, từ trong nước đến hải ngoại, … họ tiếc thương, tiếc thương cho một đóa hoa thơm ngát showbiz đầy thị phi đã không còn tỏa hương thơm nữa.
Họ đã làm mọi thứ để bày tỏ sự thương tiếc này, chưa bao giờ có một tang lễ dành cho một ca sĩ mà nhiều người tham dự và khóc đến thế ở hải ngoại. Trong những người nổi tiếng, tôi cảm nhận sự tiếc thương của anh Mạnh Quỳnh và cô Marie Tô CEO Paris By Night là rất lớn. Mạnh Quỳnh đã đau đớn rất nhiều như thể nửa hồn anh ấy đã rời xa, có lẽ anh ấy đã nhận ra rằng anh đã yêu Phi Nhung nhiều hơn anh tưởng, trong vài tháng ngắn ngủi anh ấy đã viết 7 ca khúc để tặng chị, còn cô Marie Tô tiếc nuối vì những gì cô đối đãi với Phi Nhung chưa tương xứng như chiều ngược lại, nên sau này cô làm mọi thứ để bù đắp, chắc chúng ta không bao giờ thấy tưởng niệm cho một ca sĩ lại được một trung tâm lớn Paris By Night quan tâm nhiều như thế.
Cũng chưa bao giờ mà người ta sáng tác rất nhiều bài hát để thương tiếc vì sự ra đi của một ca sĩ đến thế. Có hơn 30 bài hát được sáng tác để tiếc thương chị, từ những nhạc sĩ rất nổi tiếng đến những fan bình thường chưa từng bao giờ sáng tác. Danh sách những bài hát tôi để dưới comment.
Và tôi lại một lần nữa khẳng định với các bạn, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ mà người đời thờ cúng cho sự ra đi của một ca sĩ nhiều như vậy. Có hàng chục địa điểm đặt bàn thờ và di ảnh để thờ cúng Phi Nhung, mà ai cũng có thể đến để thắp hương, trải dài khắp các miền trong nước (Tiền Giang, Long An, Sài Gòn, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Nam, Hà Nội) lẫn nước ngoài (Nhật Bản, Mỹ). Danh sách và địa chỉ các địa điểm do Admin của nhóm “We Love Phi Nhung” tổng hợp, tôi để dưới comment.
Và cũng sẽ rất lâu nữa, người đời mới viết sách về cuộc đời của một cô ca sĩ. Sách về Phi Nhung, An Emissary from Heaven (tạm dịch là Đặc sứ Thiên đường), để lưu giữ và lan tỏa những giá trị đẹp đẽ về Phi Nhung đến với mọi người, đến với thế giới cũng được phát hành bản tiếng Anh trên Amazon và Saigonbooks ngay hôm nay, ngày giỗ đầu của chị, sắp tới bản tiếng Việt cũng sẽ được phát hành trong tháng 11. Link mua tôi cũng để ở comment.
Những giá trị mà chị để lại vẫn tiếp tục được gìn giữ phát huy, “vòng tay dưỡng tử” đã nhận thêm một người con, người con thứ 24, và sẽ tiếp tục hành trình dang dở của chị. Tất cả những đóng góp cho chị trong tang lễ, bán đấu giá kỷ vật của chị, lợi nhuận từ bán sách, … sẽ dùng để xây dựng trường Việt ngữ mang tên “Phi Nhung” trên đất Mỹ - sẽ góp phần bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt cho những người con tha hương.
Ngày chị ra đi, những người yêu thích giọng hát của chị bàng hoàng thẫn thờ, một nỗi đau mà không gì có thể khỏa lấp, một nỗi đau không những không giảm mà càng ngày càng tăng, bởi lẽ thứ mất đi không chỉ là 1 Phi Nhung bằng xương bằng thịt, mà là cả tuổi thơ, cả bầu trời quê hương và tình mẹ bao la cũng bị cuốn theo. Nỗi nhớ nào cũng có thể giảm dần theo thời gian, nhưng nỗi nhớ Nhung thì càng ngày càng tăng. Với những người yêu thương chị, Phi Nhung là bất tử, một giá trị to lớn như thế không thể ra đi được, đây là một sự thật không thể chấp nhận, mặc dù đã 1 năm ngày chị ra đi, nhưng biết bao người vẫn không thể chấp nhận sự thật này. Họ đã làm mọi thứ để níu kéo những giá trị này. Trên youtube hầu như mọi video có Phi Nhung đều có hàng trăm hàng ngàn comment bày tỏ tiếc thương, trên những nhóm về Phi Nhung ngày nào cũng có nhiều bài tiếc thương cho sự ra đi của chị. Một năm trôi qua, những nỗi niềm đó cứ âm ỉ chưa từng giảm, để rồi người ta làm lễ tưởng niệm một năm ngày ra đi của chị lớn hơn sức tưởng tượng của tôi. Lễ tiểu tường của Phi Nhung diễn ra khắp cả nước và ở bên nước Mỹ xa xôi, bà con gần xa đến dự rất đông, người ta làm mọi thứ để tưởng nhớ chị, sáng tác nhạc, thơ, họa hình, tượng sáp, …
Cũng là một định mệnh mà ông trời đã sắp đặt, bài chị hát lúc cuối đời cũng đã linh ứng,
“Kiếp sau nguyện làm một đóa sen”
‘Nguyện kiếp sau thân ta là sen
Để quên đi chuyện trăng gió kia
Được kế cận sớm hôm
Được Đức Phật thuyết kinh
Bao trầm tư biến tan không phiền lo’
9. NỖI LÒNG CỦA TÔI
Có lẽ, tiếc nuối nhất cuộc đời tôi cho đến hiện nay là chưa từng được gặp chị. Và vĩnh viễn sẽ không thể nào gặp chị được nữa, dù cho tôi có đi cùng trời cuối đất đi chăng nữa. Trong cuộc sống có một vài người mà bạn phải gặp, có một vài chuyện mà bạn phải làm, nếu không sẽ không có cơ hội làm lại, có những lúc bỏ lỡ là bỏ lỡ, vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội lại nữa.
Tôi yêu mến Phi Nhung thế, nhưng chưa lần nào được xem trực tiếp chị hát. Ngày đó, tầm năm 2002-2007, là sinh viên ở vùng quê Quận 9, tôi không có nhiều thứ để tiếp cận và tìm hiểu về ca sĩ. Internet tin tức chưa phát triển, tivi thì không có, tôi chỉ biết hóng những băng rôn hay áp phích quảng cáo dán ở những ngã tư. Cứ mỗi lần đi ngang những nơi có áp phích dán quảng cáo ca sĩ về hát, như nhà văn hóa hoặc ngã tư đông đúc, tôi đều dừng lại liếc mắt tìm thử có thần tượng của mình hay không. Trong cả mấy năm trời dõi mắt, tôi chưa từng bao giờ thấy 2 chữ “Phi Nhung” xuất hiện ở những nơi mình đã đi qua. Tôi tự nhũ, chắc là Phi Nhung già rồi không còn hát trực tiếp được, hoặc cô ca sĩ này ở nước ngoài.
Học xong ra trường, đi làm vài năm, năm 2010 tôi khăn gói đi Hàn Quốc du học, hành trang mang theo trong chiếc ổ cứng di động, ngoài những tài liệu quan trọng nhất, còn có tất cả những bài hát của Phi Nhung, những bài tân cổ giao duyên mà tôi tải về. Tôi bắt đầu tải và lưu trữ những bài hát yêu thích khi bắt đầu tiếp cận được internet ở ngoài tiệm. Tôi tìm bài hát, tải xuống, dùng phần mềm cắt ra, để chép được vào ổ đĩa mềm, sau đó copy về máy tính ở nhà, phải đi 3-5 lần như vậy mới chép về được 1 bài hát. Sau này tôi mua đĩa và chép hết lưu trữ hết vào máy tính.
Vào những năm 2010 trở đi, mạng xã hội facebook phát triển, tôi mới biết được là Phi Nhung còn rất trẻ, vẫn còn hát, và ở Sài Gòn, Việt Nam. Tôi rất vui vừng, hồi giờ chỉ nghe nhạc trên băng đĩa, cứ tưởng là cổ đã già rồi, giống như Chế Linh, Giao Linh, … nhưng không ngờ cổ còn trẻ quá, tôi chỉ cần gọi bằng chị thôi, không phải gọi bằng cô. Tôi vui mừng vì biết sẽ còn được nghe chị hát rất lâu nữa. Rồi theo thời gian, facebook phát triển, nhiều ca sĩ hoạt động và tiếp cận với khán giả trên facebook, tôi biết hơn về hoạt động của Phi Nhung, biết lịch những show diễn của chị ấy, nhưng trớ trêu thay, lúc này tôi không còn ở Sài Gòn nữa, tôi không thể đến xem trực tiếp chị hát được.
Rồi thời gian cứ trôi, tôi không còn là thế hệ trẻ genZ nữa, tôi vẫn cứ âm thầm theo dõi chị, không lồng lộn vật vã như mấy bạn tuổi teen khi thấy thần tượng Hàn Quốc, không ồn ào tham gia nhiều hội nhóm, không tham gia vào fan club, không comment hay chia sẻ điều gì trên facebook, không tâm sự với bất cứ ai dù là với gia đình người thân. Tôi chỉ âm thầm chờ những bài hát của chị, và luôn đau đáu một ước mơ, một ước mơ cháy bỏng, là sẽ có ngày về VN tham gia gameshow nào đó, sẽ cố gắng để đi tới vòng cuối cùng, sẽ gặp gỡ và hát với chị, sẽ nói lên những suy nghĩ của tôi về chị, về những bài hát của chị đã đến với tôi như thế nào, đã ảnh hưởng tôi như thế nào cho cả khán phòng nghe. Chị vẫn còn đó mà, tôi biết chị rất yêu quê hương, chị sẽ vẫn ở Sài Gòn, vẫn ở Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ gặp, sẽ gặp được, tôi tin rằng với giọng hát và sự luyến láy mà tôi bắt chước phần lớn từ chị, tôi sẽ có cơ hội được hát cùng với chị. Ngoài những mong ước như về sức khỏe, thành công tất yếu mà ai cũng mong ước, thì gặp chị, hát chung cùng với chị, là một ước mơ to lớn nhất của cuộc đời mà tôi vẫn ấp ủ hơn chục năm qua.
Dòng đời trôi, tôi cứ chờ, cứ đợi cho cái cơ hội mà tôi mong ước này, nhưng thời gian có chờ đợi tôi, nhưng chị có đợi chờ tôi? Cái ngày chị chính thức ra đi mãi mãi mà không lời từ biệt, tôi ngẩn ngơ sầu thắt lá gan, vì biết rằng ước mơ lớn nhất của cuộc đời tôi sẽ không bao giờ thực hiện được nữa, tôi sẽ không bao giờ được gặp chị nữa, sẽ không thể nào hát chung cùng với chị, dù cho có lặn lội khắp chân trời góc biển đi nữa. Cuộc đời người như 1 chuyến đò ngang, lạc nhau một cái, là lạc nhau trăm năm. Tôi vẫn biết là sinh ly, thế nhân vô thường, rồi ai cũng phải ra đi, kể cả những người xung quanh bạn, và kể cả bạn, nhưng cái cách chị ra đi thật khiến cho người ta xót xa không kìm được nước mắt. Cung nhạc đang ngân vang thánh thót khiến hàng triệu trái tim say mê, nếu nhỏ dần dần sẽ khiến ta không đau đớn lắm, nhưng nó bỗng đứt dây, làm biết bao trái tim tan vỡ.
Quá khứ của chị lấy đi biết bao nước mắt của những người khác, đó là giọt nước mắt xót thương, chứ không phải giọt nước mắt buồn. Những bài hát của chị cũng lấy biết bao nước mắt của người khác, tôi tin rằng không một ca sĩ Việt Nam nào có thể khiến người nghe hát rơi lệ nhiều như Phi Nhung, nhưng đó là những giọt nước mắt đồng cảm, để giải tỏa vì thấy bản thân mình trong đó, chứ không phải giọt nước mắt buồn. Nhưng lần này thật sự, chính là những giọt nước mắt buồn bã và nhớ Nhung. Thứ tình cảm này thật kỳ lạ, với một người chưa từng gặp, nhưng nổi nhớ không những vơi đi mà càng ngày càng sâu đậm.
Sau một năm, tôi đã không còn tiếc nuối nhiều về việc không gặp được chị nữa, có lẽ nếu chị chưa ra đi tôi cũng chưa gặp chị đâu. Nỗi buồn này chưa kịp vơi đi thì một nỗi buồn lớn hơn xâm chiếm tâm can: một biểu tượng của quê hương, của tình mẹ, của cái hồn quê chân chất thật thà đã không còn ở cõi đời này nữa, một trái tim nhân ái đã ngừng đập, một giọng ca nhức nhối da diết đã chính thức ngừng hát mà tôi chưa thể tìm thấy ai để bù đắp.
Thực sự, vẽ đẹp của quê hương trong tôi - thứ mà chị đã rót vào hồn tôi - nó đã nhạt nhòa đi phần nào, ít nhất là ở thời gian này. Sau bao năm xa cách, tôi về lại quê nhà, lúc tôi đáp máy bay xuống, tôi cảm giác quê hương đã mất đi một thứ gì đó không tả được, ngày tôi về tới đầu làng, sao không thấy mấy con chim nào nó hát rộn ràng như hồi xưa nữa, mà chỉ có tiếng chó sủa đinh tai. Đi ngang mấy cây cầu, nhìn dòng sông, nước chảy, và đám bèo, tưởng là chỉ mất người đó thôi, nhưng không, mất luôn cả đàm bèo và dòng nước kia, cho nên nỗi mất mát tưởng chừng nhỏ mà cuối cùng lớn lắm.
10. CẢM ƠN CHỊ
Để cho ra những bài hát được đón nhận nồng nhiệt đã khó, nhiều bài như vậy thì sẽ thành ca sĩ nổi tiếng, nhưng dùng những bài hát đó để truyền tải thông điệp gì đó, thì thật sự là cái tầm vượt ra ngoài 2 chữ “ca sĩ” rồi. Bởi vậy tôi không thích gọi Phi Nhung là ca sĩ, hay danh ca, hay nghệ sĩ, hay là Người gì gì hết, tôi chỉ thích gọi Phi Nhung là chị, từ “chị” không cần phải viết hoa để nói lên sự gần gũi thân thương - giống như cách chị gọi người khác. Thiệt chứ nếu tôi gặp được Phi Nhung không biết chỉ gọi tôi là gì, Trấn Thành nhỏ hơn tôi mà Phi Nhung còn gọi tên nghe ngọt sớt.
“Sữa nuôi phần thân, hát nuôi phần hồn”, tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ chị. Với tôi 2 chữ “Phi Nhung” là một tính từ, là biểu tượng của quê hương đẹp đẽ nhưng đầy vẽ chân chất mộc mạc để khi đi xa ai cũng đau đáu về quê nhà, là hình bóng của người mẹ, là minh chứng cho tình yêu thủy chung đầy lãng mạn, là biểu tượng của lòng nhân ái từ bi, và ý chí nỗ lực tuyệt vời trong cuộc sống.
Với tôi, Phi Nhung còn là nhân chứng cho những cột mốc trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Sự ra đời của chị là kết quả từ cuộc xâm lược tàn khốc của Hoa Kỳ, sự ra đi của chị là nói lên những mảnh đời đều bị 2 bên bỏ lại sau chiến tranh, và phải tự phải bươn chải tìm con đường sống. Sự trở về của chị đánh dấu thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa, bình thường quan hệ với Mỹ cũng như dòng kiều hối giúp phát triển đất nước. Đặc biệt, tấm lòng nhân ái từ bi của chị - một người mang 2 dòng máu Việt - Mỹ đối với những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà đã cho thấy được sự cố gắng để hàn gắn vết thương lòng cho những người từng ở 2 bên chiến tuyến, và cho cả thế hệ trẻ - những người cũng tạm đứng 2 bên “chiến tuyến internet” thời nay. Cuối cùng, sự ra đi của chị làm ta luôn luôn nhớ về một thời điểm bi thương và hoảng sợ nhất của đất nước trong thời bình; và nỗi oan ức của chị lại là một bài học không thể nào quên về cuộc đời luôn có đầy rẫy những sự “bạc trắng như vôi”.
Chị ơi, đã đến lúc chị có thể quẳng gánh âu lo, khép lại hành trình thiên sứ của mình để yên nghỉ. Trước kia và cả mai sau, tôi tin Phi Nhung mãi mãi là một vùng ký ức vô cùng đẹp đẽ trong trái tim người yêu nhạc. Những vĩ nhân được sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác, chị chính là một vĩ nhân trong lòng tôi. Cuộc đời là những bi kịch khi ta quay cận cảnh, nhưng nó sẽ là hạnh phúc khi quay xa. Tôi tin rằng người ta sẽ còn nhắc hoài đến một vì sao Phi Nhung đã tỏa sáng, về cách chị làm cho bầu trời nghệ thuật thêm lung linh, và về những giá trị, những yêu thương mà chị đã để lại cho đời. Người ta có thể chọn những Seven Jobs, Elon Musk, … làm thần tượng, nhưng riêng tôi, tôi chọn Phi Nhung.
Cảm ơn chị đã xuất hiện đúng lúc, để trái tim tôi được hòa cùng nhịp đập với những âm điệu trữ tình mà chị mang đến, cảm ơn chị đã đến cuộc đời này, mang mọi thứ tốt đẹp nhất đến với tâm hồn tôi, và để tôi được thần tượng.
Ngày tôi về Việt Nam lần đầu tiên sau đại dịch, tôi đã ghé thăm chị ở Đà Nẵng, cảm giác cũng lạ lắm, vì tôi chưa bao giờ mong ngóng phải đi thắp nhang cho ai cả như lần này. Tôi không khấn hay cầu xin gì cả, chỉ là muốn đến cho chị thêm vui, như một fan bình thường đến nghe chị hát. Lần thứ 2 về tôi cũng ghé thăm chị ở Đà Nẵng, muốn đi Hội An thăm chị nhưng chưa thể, sau đó tôi vào Sài Gòn một ngày vì chỉ muốn thăm chị. Gần 10 năm rồi tôi chưa về lại Sài Gòn, lần này vô chỉ để thăm chị nên cũng không gặp một ai khác. Tôi đến quán chay của chị, ăn một món chậm rãi để trầm ngâm và suy tư, nghe một bài hát và chắp bút những dòng đầu tiên của bài viết này.
Tôi tuy viết không hay bằng cái anh gì sắp ra mắt sách, nhưng tôi có lợi thế hơn ảnh là nghe nhạc của chị rất lâu rồi, và am hiểu văn hóa Việt Nam hơn ảnh, tôi sẽ viết theo cách của tôi, theo sự chiêm nghiệm và cách hiểu của tôi, tôi cũng không phỏng vấn hay hỏi hang bất cứ người thân nào của chị. Tình yêu quá lớn đã thôi thúc tôi phải viết ra để chia sẻ những giá trị mà tôi cảm nhận được từ chị cho nhiều người, đó cũng là tất cả những gì tôi có thể làm hiện tại để trả ơn cho chị. Góc nhìn của của một học sinh chăm chú nghe giảng bài đôi khi cũng có những giá trị hơn góc nhìn của đồng nghiệp hay những đứa con trong việc đánh giá sự giảng dạy của thầy giáo đó.
Sau bữa trưa tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm thăm chị, sau đó liên hệ Nhạc sĩ từng thu âm cho chị để hát 1 bài về chị. Nhất định phải hát 1 bài về chị nhân dịp giỗ đầu. Bài này chị chưa hát, và tôi đã hát theo cách luyến láy học được từ chị, rất nhiều từ trong bài viết này cũng từ những bài hát của chị.
Đến chiều tối tôi lặn bụng đói đi bộ, hỏi người dân tìm nhà, cuối cùng cũng đến được nhà chị, tặng chị mấy hộp kẹo sâm Hàn Quốc, vì tôi biết chị thường mang bánh, kẹo sâm vào cái túi nhỏ bên người để cho bạn bè khi gặp. Vậy mà cũng hết một ngày, một ngày đáng nhớ.
Lê Xuân Hùng, from Korea, Sep 28, 2022