Nếu anh em nào có theo dõi tình hình kinh tế, sẽ thấy từ ‘lạm phát’ xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông từ Tây sang Đông. Trong tình hình thực tế, lạm phát ở Mỹ là 8.6%, ở UK nơi mình đang sống là 9%, ở Đức 7.9%, ở Nga là 17.1%, Thổ Nhĩ Kỳ 73.5%. Con số lạm phát ở các nước đều đạt ngưỡng cao, như ở Mỹ và UK là cao nhất trong vòng 40 năm qua. Lạm phát tăng cao, dẫn tới giá cả hàng hoá tăng theo, cuộc sống của những người có thu nhập thấp càng bị ảnh hưởng.
Nhiều anh em hay nghe nói giá cả tăng là hậu quả của lạm phát, nhưng anh em có biết tại sao lạm phát lại xảy ra? Giảm phát thì là giá cả hàng hoá giảm, lạm phát thì giá cả hàng hoá tăng. Vậy tại sao các nhà kinh tế học lại nói lạm phát là cần thiết cho nền kinh tế? Vậy rốt cuộc khi nào lạm phát lại là tốt, khi nào là xấu?
Mình hy vọng bài viết này và những bài viết sắp tới sẽ đem đến những kiến thức kinh tế dễ hiểu. Anh em cùng mình tìm hiểu hen.
Nhiều anh em hay nghe nói giá cả tăng là hậu quả của lạm phát, nhưng anh em có biết tại sao lạm phát lại xảy ra? Giảm phát thì là giá cả hàng hoá giảm, lạm phát thì giá cả hàng hoá tăng. Vậy tại sao các nhà kinh tế học lại nói lạm phát là cần thiết cho nền kinh tế? Vậy rốt cuộc khi nào lạm phát lại là tốt, khi nào là xấu?
Mình hy vọng bài viết này và những bài viết sắp tới sẽ đem đến những kiến thức kinh tế dễ hiểu. Anh em cùng mình tìm hiểu hen.
Tình trạng không lạm phát, không giảm phát
Anh em đều biết, tiền được dùng như một phương tiện thanh toán. Nhưng anh em có biết, tiền trong nền kinh tế cũng có số lượng. Hàng hoá, cũng có số lượng. Từ đó giá cả của hàng hoá được quyết định.Giả sử tình trạng bình thường, không có lạm phát, giảm phát gì hết. Ví dụ tiền trong nền kinh tế có tổng cộng 5 USD, và trong năm đó có 5 thùng dầu được sản xuất ra. Vậy thì giá của 1 thùng dầu sẽ là 1 USD.
Lạm phát
Lạm phát được định nghĩa là tình trạng giá cả hàng hoá, dịch vụ thiết yếu (đồ ăn, nhu yếu phẩm, giá thuê nhà, xăng, v.v) tăng. Điều này xảy ra khi, tiền trong nền kinh tế tăng nhanh hơn số lượng hàng hoá và dịch vụ. Có 2 trường hợp cho việc này. Để mình ví dụ cụ thể cho anh em.Trường hợp 1:
Tiền trong nền kinh tế tăng, nhưng số hàng hoá lại không tăng. Điều này xảy ra khi chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế, ví dụ để kích thích chi tiêu. Giả sử bây giờ, chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế thêm 3 USD, tổng cộng tiền trong nền kinh tế tăng lên thành 8 USD. Số thùng dầu sản xuất trong năm không đổi, vẫn là 5 thùng. Vậy là bây giờ giá mỗi thùng dầu sẽ tăng lên từ 1 USD/thùng, lên 1.6 USD/thùng.
Trường hợp 2:
Tiền trong nền kinh tế không tăng, nhưng số hàng hoá lại giảm, năng suất giảm, chuỗi cung ứng tắc nghẽn, chiến tranh. Ví dụ như số thùng dầu sản xuất ra trong năm bị giảm bớt 1 thùng do chiến tranh, còn lại 4 thùng. Số tiền trong nền kinh tế không đổi, vẫn chỉ có 5 USD. Giá của 1 thùng dầu, sẽ tăng lên từ 1 USD/thùng, lên 1.25 USD/thùng.
Quảng cáo
Tuỳ vào mức độ bơm tiền vào nền kinh tế, và năng suất xản suất mà lạm phát sẽ cao hay thấp. Có anh em sẽ thắc mắc, nếu tốc độ tiền trong nên kinh tế và số hàng hoá tăng như nhau thì ra sao? Trong trường hợp đó thì sẽ không có lạm phát vì giá cả hàng hoá không đổi. Như hình minh hoạ dưới đây, anh em thấy tiền trong nền kinh tế tăng từ 5 USD lên 8 USD, số thùng dầu tăng lên thành 8 thùng, vậy thì giá dầu vẫn không đổi, 1 USD/thùng.
Giảm phát
Giảm phát thì là tình trạng ngược lại của lạm phát, giá cả hàng hoá giảm. Cũng vậy, sẽ có 2 trường hợp giá của hàng hoá giảm.Trường hợp 1:
Tiền trong nền kinh tế không tăng, vẫn là 5 USD, năng suất tăng. Ví dụ số dầu sản xuất tăng do công nghệ phát triển lên 8 thùng dầu từ 5 thùng, vậy thì giá dầu sẽ giảm từ 1 USD còn 0.625 USD/thùng.
Trường hợp 2:
Năng suất không tăng, nhưng tiền trong nền kinh tế giảm do chính sách tiền tệ của chính phủ. Ví dụ, tiền trong nền kinh tế bị giảm xuống chỉ còn 3 USD, trong khi số thùng dầu sản xuất không đổi là 5 thùng. Vậy giá dầu giảm từ 1 USD xuống 0.6 USD/thùng.
Quảng cáo
Lạm phát khi nào tốt, khi nào xấu?
Lại nữa, trước khi trả lời câu hỏi này, cho mình chia sẻ với anh em tâm lý của người tiêu dùng:- Nếu người tiêu dùng biết giá của hàng hoá trong tương lai sẽ tăng, thì người ta sẽ mua tranh thủ mua bây giờ. Ví dụ cụ thể, như anh em biết khi giá xăng sẽ tăng, người dân thường đổ ra các cây xăng để mua trước.
- Vậy ngược lại nếu anh em biết giá hàng hoá sẽ giảm thì sao? Dĩ nhiên là anh em sẽ không chạy đi mua liền, mà đợi giá nó xuống mới mua đúng không.
Theo cách nhà kinh tế học, lạm phát khoảng 2% là tốt. Lạm phát tốt sẽ:
- Kích thích tiêu dùng, thay vì tiết kiệm. Vì người tiêu dùng biết giá cả hàng hoá sẽ tăng, nên sẽ chi tiền để mua thay vì đợi.
- Tiêu dùng tăng, hàng hoá bán ra nhiều. Nhà máy sẽ phải thuê người nhiều hơn để sản xuất nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu.
- Tiêu dùng tăng, cũng kích thích nghiên cứu công nghệ mới phát triển để tăng năng suất.
Lạm phát trong ngưỡng 3-10% được định nghĩa là xấu. Về cơ bản, nếu năng suất không tăng + lương không tăng nhanh bằng lạm phát thì sức mua của tiền mà mọi người sở hữu sẽ giảm.
- Trong trường hợp này, tâm lý người tiêu dùng thấy lạm phát bắt đầu tăng, sẽ chi tiêu nhiều hơn, đẩy giá cả tăng thêm, tình trạng lạm phát càng trầm trọng.
Theo các nhà kinh tế học, thì giảm phát thường là xấu, vì mọi người sẽ hạn chế tiêu dùng, do họ mong đợi giá sẽ giảm.
- Tiêu dùng giảm, hàng hoá bán ra giảm, nhà máy sẽ phải sa thải nhân viên nhằm giảm sản lượng, thất nghiệp tăng.
- Tiêu dùng giảm, cũng hạn chế sự phát triển nghiên cứu công nghệ mới.
Nói về lạm phát của Mỹ và các nước trên thế giới
Anh em cũng biết do dịch Covid, chính phủ các nước như Mỹ giữ mức lãi suất cực thấp trong thời gian dài (kích thích vay) + thêm các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD. Hệ quả:- Giá cả của tất cả các loại tài sản tăng ẢO chóng mặt, từ chứng khoán, crypto, bất động sản tăng. Giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng theo.
- Chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do chiến tranh ở Ukraine, và các chuỗi ngày lockdown ở Trung Quốc, làm cho tình trạng lạm phát tồi tệ hơn do sản lượng không tăng để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Giải quyết lạm phát
Lý thuyết thì bàn rất dễ, nhưng bài toán này rất là khó khi lạm phát đang ở mức cao. Bài khó toán khó này đang đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách ở cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước như Anh và liên minh Châu Âu. Thông thường những công cụ sau sẽ được sử dụng:- Tăng lãi suất. Điều này sẽ làm hạn chế tiêu dùng, kích thích tiết kiệm. Về cơ bản sẽ làm giá cả hàng hoá giảm, giúp cho lạm phát sẽ giảm.
- Giảm số lượng tiền trong nền kinh tế. Thanh khoản của các loại tài sản giảm, giá cả sẽ giảm. Cái này anh em thấy gần đây khi thị trường chứng khoán các nơi trên thế giới, và giá cả crypto đi xuống, và sắp tới có thể là thị trường bất động sản.
Tại sao giải bài quyết lạm phát khi đã cao rất khó?
- Khi lãi suất tăng, đi vay sẽ khó hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, lúc này vừa tỷ lệ thất nghiệp cao + giá cả hàng hoá cao sẽ làm người tiêu dùng thận trọng hơn, tiêu dùng ít hơn, sẽ làm nền kinh tế phát triển chậm và có nguy cơ dẫn đến suy thoái. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ và phương Tây đang lo lắng và sử dụng các công cụ mình nêu bên trên rất thận trọng.
Lời kết
Theo dõi tình hình kinh tế, và chính trị trên thế giới đặc biệt là ở Mỹ một thời gian dài. Rất nhiều nhà dự đoán đưa ra Mỹ có thể bước vào suy thoái, rất nhiều người hy vọng là không, vì hệ quả của nó sẽ ảnh hưởng ra cả bên ngoài Mỹ do Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất trên thế giới. Nên nếu suy thoái diễn ra thì chi tiêu bên trong Mỹ giảm, những nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng chính.Vậy khi nào suy thoái ở Mỹ sẽ diễn ra? Khi GDP tăng trưởng của Mỹ trong 2 quý liên tục bị âm thì thông thường được định nghĩa là kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái. GDP của Quý 1 năm 2022 Mỹ là âm khoảng 1.5%. Nếu tháng 7 sắp tới, con số GDP tăng trưởng tiếp tục âm thì có thể hiểu kinh tế Mỹ bắt đầu đi vào suy thoái [1].
Mình không hy vọng suy thoái sẽ diễn ra, vì khi nó đã diễn ra, thất nghiệp sẽ tăng, chi tiêu của các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn này, hy vọng anh em sẽ có các quyết định đúng đắn liên quan về chi tiêu, đầu tư.