Đây là review về Review phim "Em và Trịnh", “Trịnh Công Sơn” của mình. Mình mua nó với giá 180.000 VND. Hi vọng phần review sẽ hữu ích cho bạn nào muốn mua nhé, nếu bạn có câu hỏi gì thì hãy comment vô bài này nha.
Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
Kịch bản: Phan Gia Nhật Linh + ...
Nhà sản xuất : Nguyễn Quang Dũng
Hãng sản xuất: Galaxy
Thông tin chung về Review phim "Em và Trịnh", “Trịnh Công Sơn”
Đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh
Kịch bản: Phan Gia Nhật Linh + ...
Nhà sản xuất : Nguyễn Quang Dũng
Hãng sản xuất: Galaxy
Những thứ mình thích
I) Đánh giá phim “Em và Trịnh”:
1. Hình ảnh: điểm mạnh
- Màu sắc đem lại 1 sắc thái vàng vọt của những năm tháng xưa cũ của những năm 60, 70, đến 90... Tái dựng bối cảnh khá sát thực với lúc bấy giờ, có sự kĩ lưỡng, kì công.
- Nhiều khung hình mang đậm chất thơ, lãng mạn.
2. Phục trang: Khá ổn
- Tuy nhiên, Akari ngay từ poster đã thấy như đội tóc giả chụp lên đầu, khá phản cảm vì ko ai ngoài đời tóc dày như vậy cả!
- Có điều chưa làm ra cái áo dài đặc trưng của miền Nam trước 1975 là vòng eo như có cột cọng dây thun quanh eo… Áo dài này nhìn hơi tân thời quá!
- Còn lại cũng khá ổn!
3. Âm nhạc: điểm mạnh
Quảng cáo
- Vì viết về 1 nhạc sĩ lớn với rất nhiều bài hát hay nên có lợi thế rất lớn về mặt âm nhạc, giúp thăng hoa cảm xúc của khán giả…
- Tràn ngập trong những bài hát của Trịnh. Về nhà còn lâng lâng âm nhạc…
II. Đánh giá Phim “Trịnh Công Sơn”:
- Đây có thể xem là 1 hình thức “tận thu” của nhà sản xuất khi cùng 1 nguồn phim, 1 ekip, 1 kinh phí. Và chưa từng có trong lịch sử VN!
- Trong khi nhà sản xuất nói là 2 phim độc lập, cho 2 hướng nhìn về 1 con người! Mới nghe nhà sản xuất thì ai cũng tưởng ít nhất phải hơn 1/2 phân cảnh của Trịnh Công Sơn phải khác với Em và Trịnh, tận dụng từ 1000 giờ quay trên set! Ai ngờ thực ra Trịnh Công Sơn là sự cắt gọn của Em và Trịnh! Thời trung niên của Trịnh gần như bị cắt hoàn toàn ra khỏi bản thứ 2 và thêm 1 số cảnh ko có trong “Em và Trịnh”
- Phim thừa hưởng những ưu điểm bên trên nhưng lại có kịch bản gọn ghẽ, giàu cảm xúc hơn, ít gãy cảm xúc; cắt bỏ phần trung niên của Trịnh vốn khá dài dòng và thiếu cảm xúc; bổ sung, làm rõ 1 số tình tiết mà “Em và Trịnh” đã lướt qua khá cẩu thả!
- Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng với chất lượng của mình, đáng lẽ đây mới là phim chủ lực, đáng được quảng bá mạnh!
- Khuyên các bạn nào chỉ coi 1 phim thì nên xem phim “Trịnh Công Sơn” này!
Quảng cáo
Những thứ mình không thích
I) Đánh giá phim “Em và Trịnh” (tiếp theo):
4. Kịch bản: hơi yếu!
- Đây là điều đáng tiếc vì thành bại của 1 bộ phim quyết định bởi kịch bản!
- Khá ôm đồm, dàn trải, nhồi nhét…
- Chưa có 1 sự xuyên suốt, 1 dòng chảy mượt mà cho cả tác phẩm. Nhiều thứ còn chắp vá, chưa mượt mà, nhảy cóc, làm đổ gãy cảm xúc của khán giả. Tình tiết chưa xử lí tới nơi tới chốn đã nhảy sang tình tiết khác và thiếu sự liên kết giữa chúng với nhau! Nhiều đoạn “trống cảm xúc”!
- Nhiều tình tiết, lời thoại còn lên gân, sống sượng, gò ép, thiếu tự nhiên, hơi thái quá, ko đời thường, tính kịch nghệ còn cao, nhất là những tình tiết có dính dáng đến chính trị, chiến tranh. Cái này từ hồi Miu Lê lên lớp đám thanh niên trong “Em là bà nội của anh” đã thấy rồi. Những tình tiết này bỏ đi thậm chí còn tốt hơn cho phim và cảm xúc! Trong khi coi phim Mỹ, lời thoại của họ rất bình dân, tự nhiên, rất “đời” nhưng đâu ai dám nói triết lý của phim Mỹ ko cao!?
- Phần đời trung niên của Trịnh dài lê thê, thiếu cảm xúc, tạo mệt mỏi cho khán giả, rỗng cảm xúc. Câu chuyện cố tạo drama nhưng còn khiên cưỡng, góp ép, ko hợp lý, ko thuyết phục. Cảnh Michiko và Trịnh trên bậc thang tại Đà Lạt như 1 kiểu Lalaland nửa vời...
- Phim chưa xây dựng được hình ảnh của Trịnh: chưa thể hiện cái thiên tài, cái Thiền, cái thoát tục, phóng khoáng, đời sống nội tâm phức tạp trong con người Trịnh, cả bối cảnh tạo ra con người Trịnh. Âm nhạc cứ tuôn trào như những cơn mưa Huế... Coi phim khán giả ko có đoạn nào có thể thốt lên "À! Làm ra được Trịnh rồi đấy!"...
- Chiến tranh tạo nên tác động sâu sắc vào Trịnh, tạo nên tinh thần phản chiến trong âm nhạc ông, là mỏ vàng để tạo tác động và cảm xúc lên cả khán giả nhưng ko được khai thác tới nơi, ko làm rõ nguyên nhân do đâu!? Trịnh chỉ đóng vai trò người quan sát, lướt trên bề ngoài chiến cuộc…
- Phần cuối đáng lẽ ra là 1 phân đoạn tổng kết lại cuộc đời và cao trào cảm xúc. Giả sử có thể làm như sau: vào ngày cuối của cuộc đời, bị bệnh gồm cả tiểu đường, biết ko còn sống được bao lâu, Trịnh lúc này đã rất yếu ớt, cô đơn 1 mình trong đêm khuya thanh vắng tại nhà mình hay trên giường bệnh, cầm cây đàn ghi ta hát bài “Đêm thấy ta là thác đổ!” hay “Cát bụi”. Nhắm mắt, kí ức ùa về ồ ạt như thác lũ, với tiếng bom đạn làm nền, những hình ảnh dữ dội, đau thương, chết chóc của chiến tranh, của hình ảnh tuổi trẻ sôi nổi với nhóm Tuyệt tình cốc, và từng nàng thơ xinh như mộng lần lượt hiện lên - đi ngang qua cuộc đời Trịnh như những dòng sông nhỏ, như 1 cuốn phim tài liệu quay chậm. Rồi Đời Người từ Cát bụi cũng quay về với Cát bụi… rồi phim kết thúc! Đảm bảo đem lại sự mãnh liệt cũng dư âm sâu sắc và lâu dài cho khán giả! Còn đằng này lại là 1 bài nhạc vui, ko ăn nhập gì phía trước rồi hết phim! Cả rạp phim hụt hẫng, chưng hửng, chới với…
5. Giả giọng: Điểm yếu
Đây là phần mà các nhà phê bình, báo đài và khán giả chê. Trần Lực là diễn viên gạo cội nhưng báo Lao động và 1 số báo khác chê là giả giọng ẩu tả! Nhiều âm từ người Huế ko xài bao giờ! Chính vì giả giọng chưa tới làm gãy khúc cảm xúc của khán giả, khá phí phạm những gì mà phần hình ảnh và âm nhạc dày công tạo ra được!
6. Diễn viên: cả Mạnh và Yếu
- Bùi Lan Hương - Khánh Ly hay nhất, rồi đến Hoàng Hà - Dao Ánh. Cô Khánh Ly thấy phần thể hiện của Hương chắc chắn sẽ rất hài lòng! Phim tới phân cảnh có Hương là như được sáng bừng lên, đem lại cảm xúc và chiều sâu, nếu có thêm hát nữa thì cả rạp ngập trong âm nhạc và cảm xúc! Đạo diễn Linh phát hiện ra Hương tương đương phát hiện ra Miu Lê trong Em là bà nội của anh. Đường diễn xuất của Hương sau phim này chắc chắn sẽ rộng mở! Vừa diễn tốt, tự nhiên, diễn được vai nội tâm, thậm chí chỉ bằng mắt, vừa hát hay, ngoại hình đẹp thì Hương có đủ yếu tố để đi xa hơn! Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất và giới phê bình khen nức nở! Chắc chắn họ sẽ mời Hương đóng phim trong tương lai, như Kaity Nguyễn “đắt show” sau vai diễn đầu tay xuất sắc trong phim “Em chưa 18”!
- Trần Lực, Avin Lu vẫn bị 1 số báo chê về diễn xuất. Trần Lực diễn hơi gồng, thiếu tự nhiên, 1 phần được đặt vào cảnh khó diễn! Avin Lu trong “Sài Gòn trong cơn mưa” đã từng bị nhận xét là hơi trơ nhưng vẫn được nhận vào vai này! Đôi khi Trần Nghĩa – Mắt Biếc đóng còn hay hơn! Vụ Trần Lực và Avin Lu xuất hiện làm cả ekip làm phim và gia đình cô Trịnh Vĩnh Trinh ồ lên là sao mà giống Trịnh thế, chắc là "quảng cáo" cho phim rồi!
- Dàn diễn viên nam trong Tuyệt tình cốc đóng còn gượng, sượng! Nhiều người còn quá mờ nhạt, đất diễn chưa tương xứng như Thanh Thúy, Diễm, nhóm bạn nam và đám em gái! Dàn diễn viên nữ đã lấn át dàn diễn viên nam!
- "Trực giác đạo diễn” mà Linh hay nói đến chắc chỉ đúng với Hương và Hà thôi... Đối với Trần Lực và Avin Lu chắc nó ko được nhạy! Chỉ có Hương là diễn viên duy nhất xứng tầm với người thật ngoài đời thôi! Có thể là thêm Hoàng Hà nhưng ko biết rõ cô Dao Ánh nên cũng ko dám phán!
------
III) Một số điều muốn nói về đạo diễn Phan Gia Nhật Linh:
Sau 1 số phim, có thể đưa ra 1 số kết luận và lời nhắn nhủ có tính thiện chí và xây dựng đến Phan Gia Nhật Linh như sau:
1. Điểm mạnh của Linh:
+ Phần hình ảnh, phục trang, dựng bối cảnh: nhất là cảnh xưa có tính hoài niệm, đồ đạc, phục trang rất ổn, chỉn chu, cẩn thận.
+ Phần âm thanh, âm nhạc: cũng rất ổn, nhất là tận dụng nhạc Trịnh, từ hồi “Em là bà nội của anh”
+ Diễn viên: phát hiện ra Miu Lê trong Em là Bà nội của anh; Bùi Lan Hương trong phim về Trịnh, cả Hoàng Hà nữa.
2. Điểm hạn chế của Linh:
+ Về giọng nói:
Trong tương lai sẽ có phim, diễn viên thì phù hợp còn giọng thì ko, cho dù có cố gắng giả, như phim về Trịnh này. Đạo diễn nên mạnh dạn áp dụng cách như Victor Vũ trong Mắt Biếc: lồng tiếng cho Trần Nghĩa. Cần thuê người tư vấn hay trong ekip có người gốc vùng miền đó góp ý cho các câu thoại trong kịch bản và trên phim trường.
+ Về diễn viên:
Chắc phải mài sắc thêm “trực giác đạo diễn” khi casting. Ai đã từng diễn trơ, diễn đơ rồi thì thường khó sửa! Như Lưu Diệc Phi bên TQ, quá đẹp nhưng… Trong khi nhiều người ko có kinh nghiệm nhưng có tiềm lực, năng khiếu lớn như Lan Hương! Ko biết Linh có đủ dũng cảm và cả người sơ-cua để thay diễn viên trong khi đang quay khi phát hiện thấy ko hợp?
+ Kịch bản: chắc đây là điểm yếu nhất của Linh và dàn biên kịch
Nên biết tiết chế, mạnh dạn cắt gọt những thứ thừa và làm chưa tới.
Dành đủ đất cho diễn viên hiện lên đủ rõ nét hơn.
Ko tham lam, nhồi nhét! Giảm số lượng tình tiết xuống và tăng thời lượng của 1 tình tiết lên. Dành đủ thời gian, đầu tư cho tình tiết được làm cho tới nơi tới chốn, trước khi chuyển sang tình tiết khác! Và chuyển sang tình tiết khác mượt hơn!
Có sự xuyên suốt, 1 dòng chảy gắn kết mềm mại, như 1 sợi dây dài treo lên rồi mắc cái tình tiết lên; hơn là 1 "rổ tình tiết" mình tham lam muốn đưa vào rồi may vá chúng lại với nhau…
Tự đặt mình vào khán giả để hiểu được những trải nghiệm và cảm xúc đối từng đoạn phim, theo mạch phim. Linh hơi thiếu 1 sự nhạy cảm, tinh tế với cảm xúc của khán giả, với nhịp cảm xúc, chưa thấy được những đoạn trống, trơ, gãy cảm xúc của họ khi xem phim, ko dẫn dắt, thao túng được cảm xúc đó theo ý mình.
Nên xây 1 câu chuyện hợp lý, chặt chẽ, có tính thuyết phục; tránh sự khiên cưỡng, gò ép. Ko hợp lý sẽ ko thuyết phục, vì nó tạo cảm xúc giả, sượng, lấn cấn trong khán giả!
1 ý tưởng mình nghĩ ra rất cần sự phản biện gay gắt từ chính người nghĩ ra. Nếu thấy ko ổn thì giải quyết bằng hướng khác, ko giải quyết được nữa thì dám cắt bỏ, để tránh hỏng toàn bộ câu chuyện.
Giảm các tình tiết lên gân, sống sượng, gò ép, có tính kịch, những gì làm cho khán giả cảm thấy khó chịu, phản cảm, nhất là tình tiết dính đến chính trị! Giảm lạm dụng kỉ xảo như trong phim “Cô gái đến từ hôm qua”! Cẩn thận khi đưa các phim tài liệu vào phim, gây đổ gãy cảm xúc người xem!
Điều chỉnh các lời thoại cho bình dân, phù hợp hơn. Nếu trong đời thực ko ai nói vậy, thì tương tự trong phim cũng ko nên nói như thế! Nói ra mà cảm thấy ngượng thì nên sửa lại lời thoại!
Dàn biên kịch hiện giờ, qua phim này, là rất ko ổn! Hồi làm “Em là Bà nội của anh” (tư cách đạo diễn) và Tiệc Trăng máu (tư cách nhà sản xuất), đều là phim remake! Phân cảnh có hết, chỉ cần Việt hóa! Lúc này chưa thấy vai trò của biên kịch. “Cô gái đến từ hôm qua” thì cũng đã có câu chuyện sẵn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rồi! Vai trò biên kịch cũng ko quá lớn! Nhưng đến khi xây dựng kịch bản từ nguồn “dữ liệu thô” khổng lồ của 1 người nổi tiếng như Trịnh thì dàn biên kịch mới “vỡ trận”, bội thực và ko đủ khả năng “tiêu hóa-xử lý” lượng thông tin khổng lồ trên, kết quả ra 1 kịch bản khá chắp vá, gãy khúc, ôm đồm!
Đã đến lúc phải “thay máu” dàn biên kịch đồng hành, hoặc chuyển hẳn sang người mới hoặc bổ sung vào dàn biên kịch hiện giờ người mới! 1 biên kịch nào cứng tay, lão luyện, có khả năng tạo ra 1 sợi chỉ xâu chuỗi các tình tiết của tác phẩm thành 1 dòng chảy, có độ nhạy cảm với cảm xúc của khán giả, biết phim như thế nào, tới đâu thì cảm xúc-phản hồi của khán giả sẽ ra sao, biết cách tác động-thao túng cảm xúc-sự trải nghiệm của khán giả… Dàn biên kịch ko giỏi sẽ kéo sự nghiệp mình chìm xuồng theo họ!
Phim tiếp theo của Linh có thể là Số đỏ! Nhiều khả năng sẽ thành công vì phim sẽ dựa trên 1 tác phẩm xuất sắc của Vũ Trọng Phụng mà ai cũng biết. Nhưng nếu làm phim từ dữ liệu thô như phim về Trịnh này, nên có 1 dàn biên kịch mới!
Kịch bản là yếu tố quyết định thành bại của bộ phim. Kịch bản ko hay thì ko nên làm phim vì thường thua lỗ! Kinh phí cao cũng ko vực dậy được, ví dụ ko đâu xa là phim “Người thứ 3” 33 tỷ và “578 - phát đạn của kẻ điên” 60 tỷ vừa rồi đã lỗ nặng! Trong khi Trấn Thành rất thông minh khi viết kịch bản phim Bố Già 1 cách xuất sắc, thao túng và chạm được vào cảm xúc sâu thẳm của khán giả, lấy được nước mắt và hơn 4XX tỷ của họ!
+ Về cách dùng người của Linh:
Miu Lê đóng xuất sắc trong “Em là bà nội của anh”, nhưng nhiều người nói Miu Lê và Ngô Kiến Huy ko hợp trong “Cô gái đến từ hôm qua”, nhất là Miu Lê “đầy cá tính” lại đóng vai 1 cô nữ sinh “ngoan hiền”. Linh có tâm sự là chọn 2 người này vì thích làm việc với họ! Cả diễn viên hay dàn biên kịch đều vậy: người mình “thích làm việc cùng” chưa hẳn là “tối ưu” cho vị trí của họ trong phim!
"Nếu hạn chế điều gì đó thì tốt nhất nên thuê người giỏi hơn để hướng dẫn mình", thay vì dùng người "hợp gu" với mình!
IV. Doanh thu:
Đêm công chiếu đầu tiên từ 19h 10/6/2022, qua theo dõi trên Boxofficevietnam.com, đến nửa đêm, 2 phim cộng lại chỉ được hơn 2,8 tỷ. Hôm 11/6, 12/6 được 5 tỷ/ngày 2 phim. So sánh với 10,6 tỷ suất chiếu sớm của Bố Già (chiếu từ 18h, và sau đó là hơn 20-30 tỷ/ngày)!
Trước kia từng kì vọng là doanh thu 2 phim này cộng lại vượt qua Hai Phượng 200 tỷ và chỉ thua Bố Già 420 tỷ, thậm chí nếu kì diệu xảy ra thì vượt qua.... Nhưng với đà doanh thu này, hòa vốn cũng có thể gọi là thành công!
VI. Dư âm:
Cứ tưởng coi phim là xong!
Nhưng sau đó, khi nghe lại nhạc Trịnh, tự nhiên thấy cứ như có 1 luồng sinh khí mới thổi vào những bài nhạc tưởng chừng đã cũ kỹ, đã nghe nhàm tai quá nhiều trong nhiều năm. Khi biết bối cảnh ra đời của 1 bài nhạc như Diễm Xưa, Ướt Mi, Xin trả nợ người … thì cảm nhận nó sâu sắc hơn, từng ca từ và nốt nhạc!
Và khi nghe, trong đầu tái hiện lại những cảnh nên thơ và những nàng thơ đẹp như “hot girl” trong phim: Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Thanh Thúy; cảnh Diễm mặc áo dài đi trong mưa; nụ cười thật tươi của Dao Ánh; cảnh trường học Bảo An lẻ loi giữa đồi, căn nhà tạm tại B’Lao như khúc củi mục, nhỏ bé giữa đại ngàn hùng vĩ; cảnh Khánh Ly hát với Trịnh giữa đồi xanh lạnh giá giữa Tây Nguyên, tại quán Văn, trong quán café Tùng; những cảnh diễn xuất thần của Hương, cảnh chiến tranh loạn lạc, chết chóc, cảnh cầu Trường Tiền, Đại nội Huế… tự nhiên cảm thấy nhạc Trịnh đẹp và sinh động hẳn lên!
Nhờ theo dõi những thông tin trước kia và cả coi phim mà hiểu thêm về Trịnh, 1 nhạc sĩ tài danh… Thấy được phần nào 1 con người có tâm hồn nhạy cảm, đa cảm sống giữa 1 thời kì chiến tranh tàn nhẫn, về những mối tình ko trọn vẹn, về những người phụ nữ đi ngang qua cuộc đời như những dòng sông nhỏ! Về 1 người đánh đổi hạnh phúc của riêng mình, tự rước đau khổ vào bản thân, để lưu lại cho thế gian những bài ca trác tuyệt…
Đây là “điểm lời” sau khi xem phim này, với cái giá 2 vé giá 180K… Phim đã khoác 1 tấm áo mới, những hình bóng mới cho những bài ca đã xa xưa nhiều thập kỉ… Tự nhiên thấy yêu thích nhạc Trịnh hơn 1 cách lạ lùng… Đây là 1 điều khá bất ngờ!
Nên mua hay không?
NÊN MUA (VÉ XEM)!
- Dù bộ phim, gồm cả 2 diễn viên đóng Trịnh, cả biên kịch và đạo diễn chưa đủ Tầm để vươn tới được cái Tầm của Trịnh Công Sơn, dù còn những hạt sạn đáng tiếc, chưa đáp ứng kì vọng rất cao của công chúng đối với cố nhạc sĩ (vào loại) được yêu mến nhất VN; và cả hy vọng vào 1 đạo diễn có thực lực! (Có thể là khán giả quá yêu Trịnh nên kì vọng quá lớn!)
Nhưng xin khẳng định vẫn là bộ phim rất đáng coi! Nhất là phim “Trịnh Công Sơn”!
- Có thể chấm 7/10 cho “Em và Trịnh” và 8/10 cho “Trịnh Công Sơn”.
- Chỉ khoản đầu tư khoản 100K thôi cho “Trịnh Công Sơn”, khán giản sẽ “có lời” vì được thưởng thức những hình ảnh chân thực, chỉn chu, đầy hoài niệm của những năm 60, 70; âm nhạc đẹp đẽ, về dàn diễn viên nữ xinh như mộng và sự xuất sắc của Bùi Lan Hương, và nhất là những “dư âm” mà ta có thể đem về, cả luồng sinh khí mới khi nghe lại nhạc Trịnh sau hơn 20 năm nhạc sỹ mất, cả thông tin biết thêm về nhạc sĩ yêu thích…
- Nếu chỉ coi 1 trong 2, khuyên coi “Trịnh Công Sơn”. Nếu coi cả 2, coi Em và Trịnh trước rồi tới Trịnh Công Sơn theo thứ tự hay dần của phim!
- Nhắn nhủ tới khán giả: Đừng khắt khe quá với phim Việt! Sự ủng hộ của khán giả là cơ sở cho nền điện ảnh VN phát triển! Hàn quốc cũng từng trải qua giai đoạn như VN! Nếu người Hàn cũng đầy những người cực đoan, ko coi phim Hàn mà chỉ coi phim Mỹ thì chắc nền điện ảnh Hàn quốc đã chết trong trứng nước chứ ko có huy hoàng như ngày hôm nay! Và tương tự vậy, nếu ai đó quá thành kiến, nhất quyết ko coi phim VN thì điện ảnh nước nhà cũng ko nhờ cậy gì vào họ rồi! Đúng là có những phim Việt nhảm, làm ẩu tả, coi thường khán giả, thì phải tẩy chay! Nhưng đây là phim làm rất có tâm huyết, tử tế, chuyên nghiệp, đáng được trân trọng! Mua 1 vé ủng hộ phim tử tế như phim này là 1 phiếu ủng hộ cho điện ảnh Việt! Vì nếu Điện ảnh và các kênh văn hóa khác mà toàn văn hóa ngoại tràn ngập thì trong tương lai, người Việt sẽ dần mang tâm hồn ngoại trên chính quê hương mình!
- Tôi vẫn rất mong phim hòa vốn, có lời! Đạo diễn Linh vẫn là 1 đạo diễn được đào tạo bài bản bên Mỹ, có đam mê, có tâm, có tài, có triển vọng lớn trong lâu dài. Ekip làm phim đã rất vất vả, tâm huyết! Hy vọng đạo diễn đọc được review này, có tinh thần cầu thị, rút kinh nghiệm và khắc phục “được” các hạn chế tại các phim trong tương lai.
- Khuyên các bạn cũng rất nên đi coi phim này! Và tôi sẽ coi lại “Trịnh Công Sơn” 1 lần nữa cho đã! Và sẽ tiếp tục tìm hiểu về Trịnh Công Sơn và nhạc của ông!
- Trịnh Công Sơn là nhạc sỹ lớn nhất trong tôi và nhiều người khác…
TB: Review từ 1 người nghiệp dư, yêu điện ảnh, kì vọng vào những người có tài sẽ nâng chất điện ảnh Việt, mê nhạc Trịnh Công Sơn. Đây là ý kiến chủ quan của cả nhân, “9 người 10 ý”, dù đã tham khảo nhiều trên mạng. Có gì sơ sót, xin mọi người bỏ qua!