Xin chia sẻ với anh em những trải nghiệm, kinh nghiệm ăn phở ở Mỹ qua hơn 10 năm trải nghiệm. Mình là người thích ăn ngon nên Phở chắc chắn là món không thể bỏ qua trong cuộc đời này và Phở ở Mỹ là một trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua. Và dù gì đi nữa thì một bát Phở Thìn bờ hồ vẫn là bữa phở mà mình yêu thích nhất.
Mình bắt đầu ăn phở ở VN nên những trải nghiệm của mình đến lúc này cho thấy đó vẫn là thước để đo các món phở ở các nơi khác nhau trên thế giới ngon hay không hoặc ngon ở mức độ nào. Trong các chia sẻ bên dưới thì mình đi thẳng vào các vấn đề khác nhau của món Phở ở Mỹ.
Những lần đầu tiên mình đến Mỹ khoảng hơn 10 năm trước thì mình ăn phở và các quán mình đến đều là bánh khô (mình không biết có chỗ nào có bánh tươi hay không), đó là điều mà mình nghĩ nó khiến cho Phở Mỹ không so được với Phở Việt Nam. Phở khô theo mình biết là phở tươi được làm khô để dễ dàng lưu trữ, vận chuyển… sau đó tới chỗ ăn thì nó được bỏ vào nước nóng để mềm ra và ăn được, tương tự như anh em thấy miến hay mì gói được làm.
Mình bắt đầu ăn phở ở VN nên những trải nghiệm của mình đến lúc này cho thấy đó vẫn là thước để đo các món phở ở các nơi khác nhau trên thế giới ngon hay không hoặc ngon ở mức độ nào. Trong các chia sẻ bên dưới thì mình đi thẳng vào các vấn đề khác nhau của món Phở ở Mỹ.
Bánh khô và bánh tươi: bên này gọi là bánh to hay bánh nhỏ
Những lần đầu tiên mình đến Mỹ khoảng hơn 10 năm trước thì mình ăn phở và các quán mình đến đều là bánh khô (mình không biết có chỗ nào có bánh tươi hay không), đó là điều mà mình nghĩ nó khiến cho Phở Mỹ không so được với Phở Việt Nam. Phở khô theo mình biết là phở tươi được làm khô để dễ dàng lưu trữ, vận chuyển… sau đó tới chỗ ăn thì nó được bỏ vào nước nóng để mềm ra và ăn được, tương tự như anh em thấy miến hay mì gói được làm.
Điều làm mình không thích ở phở khô đó là nó cứng, nhạt, mối liên hệ giữa sợi phở và nước lèo không khắng khít lắm. Mình cũng là người thích phở Bắc (sợi phở to và mềm hơn) so với phở Nam nên khi ăn phở khô mình cảm thấy không ngon.
Vài năm gần đây thì nhiều quán phở ở Mỹ đã có phở tươi để anh em chọn và họ gọi là bánh to. Mặc định mình thấy họ vẫn phục vụ phở khô nhưng lúc order thì anh em hỏi phở tươi hoặc phở bánh to thì nếu có anh em có thể chọn. Anh em cũng có thể gọi trước tới quán để hỏi xem quán đó có phở tươi hay không. Bên này đi đến địa điểm nào thì cũng mở bản đồ lên mới đi nên anh em mở bản đồ tìm quán phở sẽ thấy địa chỉ và số điện thoại thì cứ mạnh mẽ gọi, gọi qua nói Tiếng Việt cũng được.
Sợi phở tươi bên Mỹ có bản to như bánh phở Bắc nhưng không mềm như phở Bắc mà mềm như phở Nam. Ngoài việc nó mềm mại, mịn khi ăn thì sợi phở nó có mối quan hệ khắng khít với nước lèo hơn, anh em cảm nhận được vị của nước lèo khi nhai sợi phở trong miệng.
Mình không chắc 100% nhưng có vẻ là phở tươi chỉ có ở các khu mà có nhiều người Việt ở phía Tây nước Mỹ như San Diego, Los Angeless, San Jose, Las Vegas. Phía Đông thì ở Virginia, hay ở giữa nước Mỹ thì có Houston, Texas.
Các món thịt: tái, nạm, gầu, gân, chín, bò viên…
Các món chế biến từ thịt bò ở quán Phở Mỹ gần như giống với ở Việt Nam. Tuy nhiên mỗi món lại hơi khác một chút ví dụ như tái thì thịt sẽ được cắt mỏng hơn nhiều so với ở Việt Nam, thịt họ làm cho các món khác nhau cũng là thịt đông lạnh chứ không phải là tươi như ở Việt Nam.
Mình thích ăn tô đặc biệt không chỉ vì mình ăn nhiều mà vì ở tô đó quán có món gì làm cho phở thì họ bỏ vào hết. Nó giống như một tô thập cẩm vậy, có tái, có nạm, có chín, có bò viên, gân, gầu… Ở Mỹ menu phở gần 10 món khác nhau nên anh em sẽ chọn được tô mà anh em thích.
Quảng cáo
Trước mỗi loại phở anh em chọn sẽ có số thứ tự. Anh em gọi theo số thứ tự và có thể dặn người lấy order thêm gì đó theo ý anh em cũng được. Một số nơi có thể gọi thêm nước béo và hành trần, anh em sẽ rất thích vì đầu hành nó to và ăn vào rất hăng, rất chất lượng.
Về chất lượng các món chế biến từ thịt bò trong tô Phở ở Mỹ theo đánh giá của mình là ngon hơn ở Việt Nam. Có quán này, quán kia ở cả Việt Nam và Mỹ, tuy nhiên mình đi ăn nhiều quán ở cả hai nước hay kể cả tính thêm ở Đức, Anh, Pháp… nữa thì có thể nói do nguyên liệu gốc là thịt bò ở các nước ngon hơn ở Việt Nam nên nó sẽ ngon hơn.
Gia vị nêm nếm thêm: Rau, giá, tương, ớt, chanh…
Tương sẽ thường có 3 chai là tương đen, tương ớt và một chai tương đỏ khác (cũng là một dạng tương ớt nhưng vị khác chút). Tương đen ở Mỹ khá giống với tương đen ở Việt Nam, tức là loại tương được làm từ đậu nành, sệt sệt, màu không bóng và vị thì hơi chua chua, ngọt ngọt. Cả 3 loại tương để nêm thêm vào phở hay làm chén nước chấm ở quán Phở Mỹ đều gần như giống nhau ở mọi quán. Khi nêm thêm vào tô phở hay chén chấm theo mình đánh giá là ngon, nó giúp cho tô phở ngon hơn và đậm đà hơn.
So với tương ở Việt Nam hiện tại thì hầu hết quán phở ở Việt Nam, kể cả các quán lớn và ngon đều không có tương ngon như ở Mỹ. Lý do là sau này tương ở Việt Nam đã thay đổi nhiều, không phải loại làm thuần từ đậu nành nữa mà có vẻ như nhiều hóa chất nên nhìn bề mặt tương cứ bóng loáng và ăn vào miệng thì rất đều và mịn, không giống như làm từ đậu nành.
Quảng cáo
Nhiều quán lớn ở Việt Nam cũng làm tương ớt riêng hay có tương đen riêng. Tuy nhiên tổng thể thì tương ở các quán Phở Việt Nam hiện tại kém hơn nhiều về vị, chất lượng, vệ sinh so với tương ở Mỹ. Mình ở VN dạo này cũng hay bỏ tương mà ăn phở không vì nhìn tương nó cứ hóa học sao đó.
Ớt và chanh trong quán Phở Mỹ thì mình không thích lắm vì ớt thì không cay và lạnh, chanh cũng là loại chanh làm các món cocktail chứ không phải loại chanh chua mà chúng ta hay ăn phở (hình như gọi là lemon còn chanh Việt Nam gọi là lime). Giá thì mập và lạnh, nhiều… cũng không ấn tượng lắm với giá.
Nước lèo, nước dùng hay soup
Trong khi ở Việt Nam thì sự đa dạng về nước dùng là rất lớn giữa các quán khác nhau thì ở Mỹ gần như là giống nhau. Mình thích trải nghiệm các quán phở khác nhau ở Việt Nam hơn vì mỗi quán lại có mỗi vị nước lèo khác nhau gần như là không giống nhau, trong khi ngược lại ở Mỹ thì gần như các quán đều giống nhau.
Nhiều quán cũng có lựa chọn phở gà. Anh em có thể nghĩ đến một tô phở gà Bắc nhưng khi mang ra thì nó không giống như những gì anh em tưởng tượng. Nó cũng giống như nước lèo của phở bò kiểu miền Nam thôi.
Nếu anh em nào quan tâm đến nước lèo làm từ thịt, xương bò và chất thì phở Mỹ sẽ hơn phở Việt Nam. Còn nếu như mình thì phần này mình quan tâm đến sự đa dạng, khả năng và chất của đầu bếp của quán thì mình thích các quán phở ở Việt Nam thôi. Ở VN mình có thể đi ăn các quán phở khác nhau cả tuần không ngán chứ ở Mỹ khó mà ăn lại quán phở nào đó hay kể cả quán khác 2 hay 3 ngày liên tục.
Lựa chọn kích thước tô phở khi gọi: lớn hoặc nhỏ
Tô phở nhỏ ở Mỹ sẽ tương đương với tô phở đặc biệt hoặc lớn ở Việt Nam. Còn tô lớn hay tô đặc biệt bên Mỹ thì gấp lên khoảng 1,5 lần nhưng giá thì chênh chỉ khoảng 1 USD. Mình ở Việt Nam luôn ăn tô đặc biệt khi vào quán phở nên mình qua Mỹ cũng cố ăn hết tô đặc biệt. Mấy ngày mới qua thì chưa quen nên khó ăn hết chứ ở vài ngày là ăn tô đặc biệt ở Mỹ thoải mái.
Anh em nhìn xung quanh người ta đang ăn thì có thể ước lượng được kích thước mà anh em thấy là sẽ phù hợp với mình. Còn nếu không có được thông tin chính xác lắm thì anh em cứ mạnh mẽ gọi tô đặc biệt, không ăn hết thì thôi chứ không ai bắt anh em ở lại Mỹ luôn vì ăn không hết tô phở đâu mà lo.
Anh em cũng có thể thoải mái xin cái tô nhỏ hay chén để múc cho người đi cùng nên nếu đi hai người trở lên thì share qua share lại cũng được, không sợ phiền.
Quán xá, menu, bàn ghế, phục vụ, khăn giấy
Ở Việt Nam thì thường quán phở chỉ bán phở trong khi ở Mỹ thường nó là một quán ăn gồm các món Việt Nam khác nhau và Phở là món chính trong quán thôi. Nhiều quán còn bán cả hủ tiếu nam vang, bún bò, bún riêu, cơm tấm trong cùng một quán luôn.
Khi đi vào quán anh em đứng ở cửa và đợi người ta xếp chỗ, họ chỉ ở đâu thì ngồi ở đó. Nhiều quán còn có một quyển sổ để ở đó anh em ghi tên và số người, khi nào họ gọi tên thì sẽ đi theo nhân viên đến bàn họ sắp xếp. Thường mình để ý trong một nhà hàng đều ghi số lượng người lớn nhất có mặt hoặc lý do gì đó như kiểu không đủ nhân viên phục vụ hay bàn, ghế đủ tiêu chuẩn thì họ sẽ để anh em đợi ở ngoài cho đến khi phù hợp thì cho vào. Trong khi ở Việt Nam anh em sẽ thường tự đến bàn, ngồi sát chút, hoặc ngồi ghép rồi sau đó gọi nhân viên đến.
Khi anh em vào bàn ngồi rồi thì nhân viên sẽ đưa cho mỗi người một quyển/tờ menu và hỏi luôn anh em muốn uống gì. Trong lúc họ đi lấy nước theo yêu cầu của anh em thì họ đợi anh em ngâm cứu menu. Họ sẽ rời đi và nói khi nào anh em sẵn sàng (ready) thì mới tới nhận đơn hay cho gọi.
Quán Phở ở Mỹ về cơ bản nhìn hiện đại, sạch sẽ, ấm cúng hơn là quán phở ở Việt Nam. Nó giống như chúng ta gọi là nhà hàng hơn là quán. Nhân viên rất nhiệt tình và quan sát anh em, lâu lâu lại hỏi mọi thứ ổn không… vì ăn xong có phần típ (bo) nên phần này họ làm tốt hơn ở Việt Nam.
Sàn nhà sạch sẽ không có hiện tượng vứt rác hay khăn giấy, khăn ướt ở dưới. Anh em vào bàn thì bàn đó cũng đã được dọn dẹp sạch sẽ rồi. Họ lau bàn ghế bằng khăn sạch và kỹ lắm. Cái xe đẩy để dọn dẹp, vệ sinh cũng rất pro.
Khăn giấy và nước lọc miễn phí
Nếu anh em không gọi một món nước đặc biệt mà chỉ là nước lọc thì họ sẽ cho anh em một ly nước lọc, có đá và nó miễn phí. Nhiều quán khi vào ngồi thì đã tự động mang ra một ly nước rồi nên nó không tính tiền.
Khăn giấy trong quán cũng nhiều và loại tốt hơn nhiều so với khăn giấy ở Việt Nam. Họ cung cấp khăn giấy free chứ không bỏ khăn giấy rồi bán khăn ướt như ở hầu hết các quán phở ở Sài Gòn hiện nay. Mình rất dị ứng với việc dùng khăn ướt nhưng hiện tại mình khó tránh khỏi dùng nó vì không có lựa chọn nào khác khi đi ăn phở ở Việt Nam. Rồi ăn xong tính thêm tiền khăn ướt nữa…
Như nói bên trên thì trong quán phở ở đây có nhiều món khác nên nhiều khi anh em đi ăn phở thì gọi được luôn cả cafe sữa đá nữa.
Giá một tô phở Mỹ gấp khoảng 7 lần tô phở ở Việt Nam
Ở Việt Nam tô phở đắt nhất mà mình hay ăn đó là phở Phú Giá ở đường Lý Chính Thắng khoảng 100 ngàn đồng. Các quán khác thì rẻ hơn và mức trung bình khoảng 50 ngàn đồng. Ở Mỹ thì ở California là có giá Phở ổn nhất tầm 11 USD đến 13 USD. Các quán trên Las Vegas có thể lên tới 17 USD.
Rồi các quán ở Mỹ còn thêm tiền tip nữa. Ở các quán thường thì tip trên bàn khoảng 3, 5, 7 hay 10 USD tùy anh em hài lòng hay muốn tip. Trên Las Vegas quán phở cũng theo trend tip của các quán ăn Mỹ nói chung thường đòi khách phải tip rất nhiều và không có lựa chọn không tip khi tính tiền… thường thì có các lựa chọn 18%, 20% hay 25% trên tổng tiền.
Giá phở ở Mỹ cũng nằm trong mức giá trung bình của các món ăn khác. Nó cao hơn các quán thức ăn nhanh, không có bàn ghế ngồi như Mc Donald, IN& Out…nhưng sẽ tương đương hoặc ít hơn chút so với các quán ăn kiểu như American Breafast như Denny, iHop…
Khoảng 3 năm trở lại đây thì giá cả ở Mỹ tăng đáng kể và giá phở cũng tăng theo tùy theo cảm nhận chung của mình là không tăng nhiều như các món ăn khác ở Mỹ.
Kết luận: nếu yêu thích phở thì bạn phải ăn cả phở Mỹ
Với hàng triệu người gốc Việt Nam (Kinh, Hoa) và sống theo các cộng đồng tập trung thì phở giống như là một nét văn hóa và nó đã được giữ gìn và phát huy tốt hơn các nét văn hóa khác. Không chỉ người Mỹ lớn tuổi hay người Mỹ sau này qua Mỹ mới thích ăn phở mà người nào thích ẩm thực Việt Nam, thích ăn ngon đều thích Phở. Có thể xem nó làm một thành công của lan truyền văn hóa Việt Nam nói chung hay văn hóa ẩm thực Việt Nam nói riêng ra thế giới.
Phở Mỹ có các điểm khác biệt và đáng để anh em trải nghiệm, học hỏi…