Hồi tháng 9, mình có gửi tới anh em những chia sẻ và trải nghiệm của mình khi chơi game với chiếc màn hình gaming cao cấp từ Samsung, Odyssey OLED G9, 49 inch, độ phân giải 5120x1440 pixel, bằng hai màn 27 inch 2K chập lại làm một. Nhưng chỉ vài ngày sau khi bài trải nghiệm đó đến được với anh em, thì Samsung Việt Nam đã công bố cũng như mở bán Odyssey G9 57 inch, tên mã G95NC, với độ phân giải thậm chí còn cao gấp gần 3 lần.
Có lẽ đáng kể đến nhất với Odyssey G9 57 inch chính là độ phân giải 7680x2160 pixel, tức là bằng hai màn 4K đặt cạnh nhau. Lúc nhận chiếc màn hình này về để làm bài trên tay cho anh em theo dõi, mình lo lắm. Hiện giờ mình không có card RTX 4090, mà chỉ có hai lựa chọn, RTX 4080 máy bàn và RTX 4090 Laptop. Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để RTX 4080 gánh được hơn 20 triệu điểm ảnh trên mẫu màn hình 57 inch của chúng ta.
May mắn là với DLSS 3, kèm thêm tính năng Frame Generation, hầu hết những game mình thử nghiệm với Odyssey Neo G9 đều vượt qua được con số 60 FPS. Chỉ có một trường hợp cá biệt là Cyberpunk 2077, ở độ phân giải 2x4K và chất lượng đồ họa cao nhất, chỉ thiếu mỗi việc bật path tracing, game loanh quanh từ 55 đến 59 FPS.
Có lẽ đáng kể đến nhất với Odyssey G9 57 inch chính là độ phân giải 7680x2160 pixel, tức là bằng hai màn 4K đặt cạnh nhau. Lúc nhận chiếc màn hình này về để làm bài trên tay cho anh em theo dõi, mình lo lắm. Hiện giờ mình không có card RTX 4090, mà chỉ có hai lựa chọn, RTX 4080 máy bàn và RTX 4090 Laptop. Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để RTX 4080 gánh được hơn 20 triệu điểm ảnh trên mẫu màn hình 57 inch của chúng ta.
May mắn là với DLSS 3, kèm thêm tính năng Frame Generation, hầu hết những game mình thử nghiệm với Odyssey Neo G9 đều vượt qua được con số 60 FPS. Chỉ có một trường hợp cá biệt là Cyberpunk 2077, ở độ phân giải 2x4K và chất lượng đồ họa cao nhất, chỉ thiếu mỗi việc bật path tracing, game loanh quanh từ 55 đến 59 FPS.
Thiết nghĩ, nếu đã bỏ gần 60 triệu Đồng để sở hữu chiếc màn hình này, không có lý do gì các dân chơi lại không mạnh tay đầu tư RTX 4090. Nhưng ngay cả card đồ họa mạnh nhất thế giới hiện giờ cũng lại mô tả một vấn đề của thị trường phần cứng máy tính chơi game. Odyssey Neo G9 57 inch hỗ trợ kết nối DisplayPort 2.1, phải vậy mới đủ băng thông xử lý cả độ phân giải 7680x2160 pixel, vừa kéo lên được tần số quét 240Hz. Nhưng card mạnh nhất hiện giờ của AMD là RX 7900 XTX lại thua về hiệu năng so với RTX 4090 của Nvidia. Oái oăm ở chỗ, RTX 4090 ra mắt cuối năm 2022 lại chỉ có kết nối DP 1.4a. RTX 4080 của mình cũng vậy.
Thành ra, màn hình chỉ vận hành ở băng thông của chuẩn DisplayPort 1.4a, nghĩa là tần số quét tối đa trên Windows cũng chỉ lên được 120Hz thay vì 240Hz. Mà nói vậy chứ game chỉ toàn 55 đến 90 FPS, thì 240Hz trên Samsung Odyssey Neo G9 không phải là thứ RTX 4080, hay thậm chí là cả RTX 4090 có thể khai thác ở mức tối đa. Độ phân giải 2x4K 120Hz đã là quá đủ để tạo ra trải nghiệm choáng ngợp cho bất kỳ ai ngồi trước chiếc màn hình gaming này của Samsung rồi, mình cam đoan là như vậy.
Để đảm bảo giá thành của Odyssey Neo G9 57 inch không lên 9 chữ số tiền Việt, Samsung lựa chọn tấm nền Mini LED thay vì OLED như Odyssey Neo OLED G9 49 inch.
Đương nhiên độ tương phản trong những cảnh game HDR hay những bộ phim HDR không thể so sánh được với OLED, và trong một số trường hợp, nếu hình ảnh đủ tối, anh em hoàn toàn có thể nhìn thấy những array Mini LED phía sau tấm nền được bật xung quanh con trỏ chuột. Nhưng về cơ bản, Mini LED trên Odyssey Neo G9 57 inch vẫn kết hợp được phần nào hai yếu tố tốt nhất của hai công nghệ tấm nền OLED và IPS, một mặt là độ tương phản hình ảnh cao hơn nhiều so với LED LCD, mặt khác vừa có độ sáng mà OLED khó có thể chạm được, vì lý do đảm bảo độ bền sử dụng lâu dài.
Một cái nữa mà Odyssey Neo G9 không so được với Odyssey Neo OLED G9 49 inch chính là giao diện người dùng. Xét riêng trên phiên bản OLED G95SC, bên trong là chip xử lý để biến màn hình trở thành một smart monitor đúng nghĩa đen, thậm chí có cả điều khiển từ xa để truy cập những ứng dụng trên nền Tizen, như K+ hay Netflix. Cũng nhờ chiếc điều khiển từ xa, anh em sẽ có thể chia đôi màn hình, một nửa cho vợ xem phim Hàn, nửa còn lại chơi game bằng PC hay PS5…
Quảng cáo
G95NC 57 inch đương nhiên vẫn có tính năng chia đôi màn hình, nhưng phải bật qua OSD chứ không có điều khiển từ xa. Một chiếc màn hình bằng hai màn 4K ghép lại mà không có Picture in Picture thì đúng là hơi phí. Vậy là vẫn chỉ một chiếc màn hình, có thể chia đôi nhận hai luồng tín hiệu từ PC hay console, một nửa coi đá banh, nửa còn lại chơi điện tử.
Có một điều rõ ràng, Picture in Picture cũng chỉ là tính năng phụ khi anh em sở hữu G95NC. Mục đích của tất cả những người có 60 triệu Đồng trong túi, mua chiếc màn hình này về, đều là để cắm vào máy tính thông qua cổng Display Port, để chơi game ở độ phân giải 7680x2160 pixel, để được trải nghiệm thế giới ảo thông qua không gian màn hình khổng lồ đúng nghĩa đen, đá mắt tới đâu cũng thấy cảnh game.
Ở khía cạnh này, khẳng định với anh em, Odyssey Neo G9 57 inch hoàn toàn không gây thất vọng, chí ít là nếu anh em sở hữu cấu hình PC đủ khỏe để tận dụng tối đa sức mạnh của mẫu màn hình này.
Từ Cyberpunk 2077 đến Spider-Man 2, cả độ phân giải lẫn độ tương phản, nhờ sức mạnh của tấm nền Mini LED, đều được đảm bảo. Thứ duy nhất cảm thấy thiếu trong trường hợp của mình là tốc độ khung hình mà thôi. Cũng may là với Frame Generation trong nhiều trò chơi hỗ trợ, tốc độ khung hình vẫn ổn định để trải nghiệm game, và quan trọng hơn là quay những khung hình cho anh em xem trong clip trải nghiệm.
Luôn có những thể loại game vô cùng phù hợp với những chiếc màn hình tỷ lệ 32:9, kể từ khi IMAX công bố format Ultrawide 3.6 vào năm 2016. Bản thân Samsung cũng chính là cái tên đầu tiên ra mắt màn hình 32:9 phục vụ giải trí vào năm 2017.
Quảng cáo
Thể loại đầu tiên có lẽ chính là đua xe nói chung và đua xe mô phỏng nói riêng. Với thể loại này có lẽ cũng chỉ có PC là hỗ trợ được cả tỉ lệ hình ảnh lẫn độ phân giải khủng khiếp mà G95NC có thể đem lại. Từ Forza Motorsport, Forza Horizon 5, Assetto Corsa Competizione cho tới cả DiRT Rally 2.0 đều hiển thị theo cách quá ấn tượng trên G95NC. Một yếu tố nữa, so sánh với G95SC 49 inch cong 1800R, G95NC cong 1000R, chiều ngang hơn 1.3 mét, tạo ra không gian hiển thị thế giới ảo bao trùm gần như toàn bộ tầm nhìn của anh em, không phải ngoái đầu mà chỉ cần đá mắt sang hai bên.
Thể loại thứ hai có lẽ là những game nhập vai, như Spider-Man 2 hay Red Dead Redemption 2, những trò chơi lấy góc nhìn thứ ba, nhân vật ở trung tâm, và xung quanh anh em là cảnh vật mênh mông đầy chi tiết. Một ví dụ khác là Resident Evil 4 Remake, tác phẩm game kinh dị với rất nhiều những cảnh với độ tương phản cao, hoàn hảo để chứng minh sức mạnh của tấm nền Mini LED đạt chuẩn VESA DisplayHDR 1000.
Một trò chơi được hưởng lợi một cách kỳ lạ từ tỷ lệ màn hình 32:9 chính là EA FC 24. Khi kích thước màn hình đủ lớn về chiều ngang để mọi màn chơi, mọi trận đấu bóng đá không phải kéo camera từ khung thành bên này sang khung thành bên kia, thì hệ quả là những trận đấu cực kỳ mãn nhãn. Thành ra trên mạng xã hội, ai mua màn 32:9 Odyssey của Samsung về cũng mở game bóng đá lên để chụp hình.
Đổi lại những trải nghiệm ấy, thì anh em phải đánh đổi những gì?
Đầu tiên là công nghệ tấm nền. Dù ứng dụng công nghệ Mini LED với 2392 local dimming zone, nhưng bản chất tấm nền của Odyssey Neo G9 vẫn là tấm nền VA. Hệ quả là độ chính xác màu sắc chắc chắn không thể nào so sánh được với Odyssey OLED G9 được. Samsung quảng cáo chiếc màn hình này sở hữu độ phủ 100% dải sRGB, 85% dải Adobe RGB, 91% dải DCI-P3. Không tồi cho một sản phẩm màn hình giải trí, còn nếu anh em tính mua về làm clip sửa hình, có lẽ OLED sẽ là lựa chọn hoàn hảo hơn.
Thứ hai, trọng lượng của chiếc màn hình. Để vận hành hiệu quả, Odyssey Neo G9 57 inch nặng hơn rất nhiều so với Odyssey OLED G9. Nếu lắp cả chân đế, màn hình nặng tới… 19 cân, và với bề ngang hơn 1.3 mét, anh em sẽ cần một cái bàn đủ lớn và đủ chắc. Cũng may là chân đế màn hình đủ khoẻ để gánh toàn bộ trọng lượng hơn 14 cân của chiếc màn, với 4 con ốc cố định chứ không phải ngàm lò xo như những chiếc màn hình chuẩn VESA khác.
Thứ ba là yêu cầu cấu hình PC để tận dụng tối đa sức mạnh của chiếc màn hình này. Như mình đã đề cập ở trên, số lượng những chiếc card đồ họa máy tính sở hữu kết nối DisplayPort 2.1 giờ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, khi Ada Lovelace của Nvidia giờ vẫn ở lại với tiêu chuẩn DP 1.4a. Thành ra, độ phân giải thì xử lý được, còn tần số quét 240Hz thì GPU hiện giờ xử lý được nhưng không chơi game được ở tốc độ khung hình tiệm cận con số ấy. Có lẽ cũng phải đợi những thế kệ kiến trúc GPU mới như RDNA 4 hay Blackwell trong vòng hai năm tới.
Và cuối cùng, quan trọng nhất, là mức giá. 60 triệu Đồng là con số cho phép anh em sở hữu cả một dàn máy tính cấu hình cao cấp với những phần cứng như Core i7 hay RTX 4070 Ti rồi. Thị trường màn hình tỷ lệ 32:9 đã là thị trường ngách, số lượng khách hàng tiềm năng mà Samsung Odyssey Neo G9 57 inch nhắm tới thậm chí còn ngách hơn.
Nhưng ở mọi khía cạnh để chúng ta đánh giá khả năng của một chiếc màn hình siêu rộng phục vụ giải trí, không có gì Odyssey Neo G9 gây thất vọng, đặc biệt là độ tương phản và độ phân giải. Có cảm giác Samsung tạo ra chiếc màn hình này giống hệt như cách hai trò chơi Cyberpunk 2077 và Control được ra mắt quãng 2019, 2020. Phần cứng thời bấy giờ đều không thể giúp hai trò chơi này vận hành ở chất lượng đẹp nhất, ở tốc độ khung hình ưng ý nhất. Chỉ tới khi thế hệ GPU kế tiếp ra mắt, thì hai tác phẩm game PC này mới thực sự tỏa sáng, trở thành những phép thử benchmark thực tế hiệu năng máy tính.
Odyssey Neo G9 57 inch cũng vậy. Ngay từ bây giờ nó đã đem lại trải nghiệm khiến rất nhiều người bị thu hút với game tỷ lệ 32:9 rồi. Nhưng cần thêm thời gian để chiếc màn hình này phát huy tối đa sức mạnh. Mà biết đâu, tới khi những GPU đủ mạnh để tận dụng tối đa khả năng hiển thị của màn hình này ra mắt, có lẽ đó sẽ là lúc Samsung ra mắt một chiếc màn hình độ phân giải 2x4K, nhưng sở hữu tấm nền OLED?