CR7 có một sân bay mang tên mình, đó là sân bay quốc tế Madeira Cristiano Ronaldo (FNC), tiền thân là sân bay Madeira (còn gọi là sân bay Santa Catarina hay sân bay Funchal). Madeira là hòn đảo quê hương của Cristiano Ronaldo và sân bay Madeira được đổi tên vào năm 2016 để vinh danh anh. Tuy nhiên, Madeira từ trước khi mang ảnh hưởng của Ronaldo còn nổi tiếng là một sân bay thử thách đối với mọi phi công và cũng là một công trình độc đáo mà con người từng xây dựng khi có đường băng nằm trên những cây cột bê tông.
Madeira là một trong 2 vùng tự trị của Bồ Đào Nha, nó là một quần đảo nằm tại khu vực Macaronesia, nằm cách thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha 967 km về hướng tây nam, cách quần đảo Canary của Tây Ban Nha 400 km về phía bắc và chỉ cách Ma-rốc 520 km về phía tây. Hòn đảo lớn nhất của Madeira có diện tích 740,7 km2 và nằm trên đỉnh của một ngọn núi lửa khổng lồ cao khoảng 6 km từ đáy Đại Tây Dương. Hòn đảo lớn thứ 2 là Porto Santo, có diện tích khoảng 42 km2.
Madeira chỉ mới được phát hiện vào năm 1419 bởi hoàng tử Henrique của Bồ Đào Nha. Từ năm 1420 trở đi con người mới định cư trên đảo, dân số của đảo Madeira vào khoảng hơn 250 ngàn người tính vào năm 2021, đa phần người dân sống tại Funchal - thủ đô của vùng tự trị Madeira và đây cũng là nơi CR7 ra đời.
Đảo Madeira
Madeira là một trong 2 vùng tự trị của Bồ Đào Nha, nó là một quần đảo nằm tại khu vực Macaronesia, nằm cách thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha 967 km về hướng tây nam, cách quần đảo Canary của Tây Ban Nha 400 km về phía bắc và chỉ cách Ma-rốc 520 km về phía tây. Hòn đảo lớn nhất của Madeira có diện tích 740,7 km2 và nằm trên đỉnh của một ngọn núi lửa khổng lồ cao khoảng 6 km từ đáy Đại Tây Dương. Hòn đảo lớn thứ 2 là Porto Santo, có diện tích khoảng 42 km2.
Madeira chỉ mới được phát hiện vào năm 1419 bởi hoàng tử Henrique của Bồ Đào Nha. Từ năm 1420 trở đi con người mới định cư trên đảo, dân số của đảo Madeira vào khoảng hơn 250 ngàn người tính vào năm 2021, đa phần người dân sống tại Funchal - thủ đô của vùng tự trị Madeira và đây cũng là nơi CR7 ra đời.
Đường băng rất ngắn
Trước khi có sân bay, đảo Madeira được kết nối với đất liền bởi những chuyến phà. Năm 1957, một chiếc máy bay cánh quạt đã thử nghiệm hạ cánh xuống đường băng dã chiến tại Santa Catarina và đến năm 1964, sân bay Madeira được khánh thành tại Santa Cruze - thành phố nằm cạnh thủ đô Funchal. Điều thú vị là sân bay nằm trên một mô đất nhô ra biển. Người ta chọn vị trí này bởi đây là nơi duy nhất trên đảo Madeira có đủ đất bằng phẳng để xây đường băng, địa hình chính của đảo Madeira là núi.
Dải đất này hẹp và ngắn nên ban đầu sân bay Madeira có 1 đường băng dài chỉ 1600 m, 2 đầu 05 và 23. Thử so sánh, sân bay Phú Quốc (PQC) nằm trên đảo Phú Quốc có chiều dài 3000 m dù hòn dảo có diện tích 589 km2, nhỏ hơn Madeira.
Nới đường băng 2 lần
Vào năm 1972, Madeira bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của khách du lịch, vì vậy sân bay Madeira cần được cơi nới để có thể đón được các loại máy bay hiện đại và lớn hơn. Sân bay Madeira được cơi nới lần đầu vào thập niên 80 nhưng quyết định này được đưa ra sau vụ tai nạn của chuyến bay 425 của TAP Air Portugal - hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha vào năm 1977. Ngày 19 tháng 11 năm 1977, chiếc Boeing 727-200 chở 156 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn do thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế đã đáp lố đường băng tại sân bay Santa Catarina (tên gọi trước đây của sân bay Madeira) khiến 131 người thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn có người chết duy nhất của TAP trong lịch sử hãng bay này. Kể từ vụ tai nạn, TAP Air chỉ cho Boeing 727-100 - phiên bản ngắn hơn và chở ít người hơn so với 727-200 hạ cánh xuống Madeira. Mở rộng đường băng sân bay Madeira là một thách thức không nhỏ bởi không còn đất để nới. Hoạt động cơi nới bắt đầu từ năm 1982 đến 1986, người ta chỉ nới được đường băng thêm 200 m, chiều dài đường băng thành 1800 m.
Nhu cầu của khách du lịch đến Madeira tăng mạnh trong thập niên 80 khiến giới chức Bồ Đào Nha tiếp tục nghĩ đến việc cơi nới đường băng một lần nữa. Giải pháp đắp đảo nhân tạo để xây sân bay, tương tự như những gì người Nhật đã làm với sân bay quốc tế Kansai cũng đã được xem xét. Tuy nhiên, năm 2000, kỹ sư António Tavares Segadães đã đề xuất xây dựng đường băng đặt trên những trụ bê tông chịu lực. Ông đã phỏng theo nghiên cứu trước đó của kỹ sư, kiến trúc sư Edgar Cardoso - người đứng sau hàng loạt cây cầu độc đáo ở Bồ Đào Nha như cầu cong Arrábida, cầu đường sắt São João hay cầu thống đốc Noble de Carvalho ở Macao. Segadães đã thiết kế 180 trụ bê tông, mỗi trụ cao 70 m để làm nền tảng cho đường băng. Công trình được xây dựng bởi nhà thầu Andrade Gutierrez của Brazil và được xem là một trong những công trình khó thực hiện nhất về yếu tố địa hình và thủy văn.
Vào tháng 3 năm 2000, người ta đã cho phá hủy khách sạn Atlantis nằm ở cuối đường băng. Đây là một tòa phức hợp được xây vào năm 1970 bao gồm khách sạn, căn hộ, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cả hồ bơi cỡ lớn. Tòa nhà này được phá hủy có kiểm soát bằng mìn, trong video trên là cảnh tượng khách sạn Atlantis sập xuống để nhường không gian cho sân bay Madeira.
Quảng cáo
Đến tháng 10 năm 2002, sân bay Madeira hoàn tất đợt cơi nới thứ 2 và đường băng đã đạt độ dài 2781 m. Từ đoạn đường băng 1600 m ban đầu, phần đường băng nối dài nằm chìa ra biển, vững chãi trên những cột bê tông. Thiết kế độc đáo của đường băng đã giúp sân bay Madeira đoạt giải thưởng "Kiến trúc xuất sắc năm 2004" do Hiệp hội cầu đường và kỹ thuật kiến trúc quốc tế (IABSE) trao tặng. Với đường băng 2781 m thì sân bay Madeira đã có thể đón những máy bay lớn như Airbus A340 hay Boeing 747 cũng như hầu hết các máy bay dân dụng và quân sự.
Năm 2016, sân bay Madeira được trùng tu và nâng cấp. Đường băng không được nới thêm nữa nhưng được gia cố, sân đỗ máy bay và đường lăn được thiết kế lại để tăng diện tích sử dụng của sân bay lên 1500 m2. Nhà ga và các cơ sở của sân bay cũng được nâng cấp và mở rộng. Nhờ đó, sân bay Madeira có thể đón 1400 hành khách mỗi giờ, tăng gấp đôi so với trước khi nâng cấp.
Cũng trong năm 2016, sân bay Madeira được đổi tên thành sân bay quốc tế Madeira Cristiano Ronaldo (Aeroporto Internacional da Madeira Cristiano Ronaldo) nhằm vinh danh CR7 - người con của Madeira.
Top sân bay nguy hiểm nhất thế giới
Ngày nay, sân bay Madeira là một trong 4 sân bay bận rộn nhất của Bồ Đào Nha khi đón đến 3,5 triệu khách mỗi năm trước COVID. Khách du lịch đến đảo Madeira đông hơn cũng nhờ sức ảnh hưởng của CR7. Ngoài ra, sân bay Madeira cũng là điểm đến của những ai mê hàng không hay muốn thử cảm giác mạnh bởi Madeira luôn nằm trong top 10 sân bay nguy hiểm nhất thế giới.
Quảng cáo
Với vị thế nằm sát biển, một bên là núi, một bên là biển, cuối đường băng cũng là biển, kèm theo đó là những cơn gió cắt tốc độ cao, gió xoáy từ núi, điều kiện thời tiết rất khó đoán thì Madeira luôn là điểm đến thách thức mọi phi công. Các phi công đều phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt để có thể hạ cánh an toàn xuống Madeira.
Nếu đáp đầu 05, do không có hệ thống hạ cánh bằng thiết bị (ILS), các phi công phải hạ cánh theo phương pháp tiếp cận trực quan đó là bay vòng quanh sân bay trước khi rẻ phải 150 độ, căn chỉnh với đường băng trong cự ly tiếp cận rất ngắn. Nếu điều kiện cho phép, phi công có thể hạ cánh đầu 23 và hướng đường băng này dễ tiếp cận hơn, có hệ thống ILS.
Nếu anh em muốn đến Madeira thì rất nhiều hãng hàng không tại châu Âu cung cấp các chuyến bay theo mùa hoặc theo lịch. TAP Air Portugal của Bồ Đào Nha và hầu hết các hãng lớn như Lufthansa, TUI, Ryanair, Eurowings, Condor, British Airways đều có các chuyến bay theo lịch đến Madeira. Nếu anh em có dịp đi du lịch châu Âu thì hãy thử điểm đến Madeira, ở đây có ngôi nhà thời thơ ấu và bảo tàng CR7. Còn nếu không quan tâm CR7 thì Madeira cũng là một hòn đảo du lịch lý tưởng với thiên nhiên, địa hình độc đáo, văn hóa địa phương rất riêng, nhất là trò đua xe giỏ Toboggan (video trên).
Tham khảo: Madeira.best; Dnoticias; Airport-Technology; Interesting Engineering