Slack là gì? Đây là một dịch vụ chat mới, được phát triển để chúng ta hãy quên đi việc giao tiếp bằng email hay bằng các phần mềm chat thông thường (như Skype, Yahoo, iMessage...). Ưu điểm của nó, thứ nhất là đa nền tảng (máy tính, Android, iOS) nên mọi người trong công ty có thể chat nhóm với nhau bất kể họ dùng thiết bị gì. Thứ hai và cũng là cái đáng nói nhất là khả năng liên kết với các ứng dụng lưu trữ của những hãng khác, ví dụ như Dropbox, Google Drive, GitHub... để cùng nhau theo dõi tiến độ công việc ngay trong cửa sổ chat của Slack. Gói miễn phí của Slack cho phép người ta có thể lưu trữ tới 10.000 tin nhắn mà nhóm đã trao đổi với nhau, 5GB dung lượng lưu trữ và cho phép liên kết 5 dịch vụ của hãng khác. Các gói có phí sẽ có nhiều chức năng và lưu trữ thoải mái hơn.
Nói tóm lại, đặc điểm giúp Slack nổi bật hơn các phần mềm chat khác hiện nay đó là khả năng tích hợp chức năng chat nhóm và chức năng theo dõi tiến độ công việc (từ Google Drive, Dropbox...) trong một chỗ duy nhất, mọi người trong nhóm hay trong công ty có thể vừa trao đổi vừa làm việc mà không cần phải mở cùng lúc quá nhiều cửa sổ hay trình duyệt.
Slack là sản phẩm của hãng TinySpeck với đồng sáng lập là anh Stewart Butterfield, người trước đây từng là đồng sáng lập dịch vụ chia sẻ ảnh nổi tiếng Flickr của Yahoo. Stewart rời Yahoo hồi tháng 7/2008 và thành lập TinySpeck một năm sau đó. Anh Stewart nói, mục đích của Slack là giải phóng con người ta khỏi mớ email lộn xộn, tại sao phải dùng email để vừa đính kèm file vừa trao đổi công việc, nó phức tạp, mất thời gian lại quá rắc rối. Trong khi một dịch vụ chat như Slack có thể cho người ta chat nhóm theo thời gian thực lại vừa truy cập được toàn bộ file được lưu trữ trên các dịch vụ khác.
Được biết, Slack đã chạy thử nghiệm từ tháng 8/2013 và hôm qua đã được cho chạy chính thức. Theo thống kê thì trong số các tin nhắn được trao đổi trên Slack, có đến 10% tin nhắn được gửi đi và 20% tin nhắn nhận được trên các thiết bị di động, không phải là máy tính (iOS, Android).
Nói về sản phẩm của mình, anh Stewart cho biết mọi thứ diễn bên trong Slack rất ư là "điên cuồng", trong số các nhóm thử nghiệm của Slack kể từ tháng 8 năm ngoái cho đến nay, anh nhận thấy có nhiều nhóm trải dài từ 10 cho đến 250 thành viên và từng người trong đó đều sử dụng Slack mỗi ngày, điều này cho thấy tác dụng của Slack là rất lớn và thật sự có hiệu quả. Không chỉ những người làm trong lĩnh vực công nghệ mà kể cả các nhóm người khác như người trong nhà thờ, công ty vật liệu xây dựng hay một nhóm người trong chính quyền Anh cũng đang sử dụng loại hình chat mới mẻ này.
Mặc dù Slack đã bước vào giai đoạn hoạt động chính thức nhưng hiện nay do số lượng đăng ký quá đông nên nhà sản xuất phải áp dụng hình thức xếp hàng, tức là ai đăng ký trước có trước, những người đến sau thì phải chờ nhưng chắc chắn đến ngày 18/02 này thì sẽ được sử dụng luôn. Về các gói cước của Slack, họ vẫn có gói miễn phí để khuyến khích càng nhiều người dùng càng tốt. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, tài khoản Free chỉ cho phép người ta xem được 10.000 tin nhắn mới nhất, các tin nhắn cũ hơn vẫn nằm trên máy chủ của Slack nhưng muốn xem được chúng thì ta phải dùng gói trả phí, ví dụ như gói Standard giá 8$ hoặc Plus giá 15$/tháng. Ngoài ra Slack còn có các gói tài khoản Enterprise dành cho doanh nghiệp với giá từ 49-99$/tháng nhưng phải chờ đến năm 2015 mới có.
Dự kiến trong năm nay, Slack sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng mới ví dụ như tích hợp email, có thêm tài khoản khách (Guest Accounts) và tính năng thống kê chi tiết dành cho các tài khoản trả phí.
Mời các bạn xem qua một số hình ảnh của Slack: