Surface Book - Như máy tính bảng kèm stylus chạy windows trở nên vô cùng mạnh mẽ khi kết hợp với dock bàn phím, chứa card màn hình rời có thời lượng pin ấn tượng.
1. Thiết kế
- Tổng thể: Khung Magie như những chiếc DSLR cho độ bền và nhẹ hơn nhôm. Tổng trọng lượng 1.6kg, phần màn hình 730gr chứa đủ cấu trúc của chiếc máy tính trong độ mỏng 8mm.
- Dock bàn phím tăng thời lượng pin thêm 3 lần, chứa card đồ họa rời NVIDIA®️️ GeForce®️️ dGPU 1GB GDDR5 (dòng 940M).
- Bản lề tạo nên khe hở này chịu lực 17kg, giúp tản nhiệt tốt hơn, góc nhìn tốt hơn khi ở chế độ tablet, đặc biệt không bị in dấu bàn phím vào màn hình
- Bút: Thiết kế thanh thoát hiện đại bằng Magie, nam châm hút mạnh, có cài áo tiện lợi hơn những model sau này, thay được nhiều loại ngòi tùy nhu cầu, đuôi bút dùng như tẩy bút chì và là phím bấm shortcut, mở menu chuột phải bằng nút bấm bên hông. Tôi cũng xài cây Bamboo Fineline với Ipad lâu nay nhưng thích Surface Pen hơn từ ngòi bút cho đến cảm giác cầm nắm và độ bền gia công từ magie hơn hẳn nhôm anode hóa của cây Bamboo.
- Cổng kết nối đủ dùng: x2 USB 3.0, Minidishplay port 4k30Hz, cổng sạc riêng của Surface (phần tiếp xúc sạc nhiều sẽ làm mòn lớp vỏ), đọc thẻ SD. Đời Book 2 và 3 có USB C đáng giá hơn rất nhiều từ việc xuất màn hình 4k60Hz đến dùng sạc di động không cần phải đem theo bộ sạc riêng của Surface.
- Bản lề chỉ chắc chắn ở việc dính màn hình với dock, vẫn dễ bị rung lắc gây mất kết nối với nhau. Bản book 2, 3 thay bằng ngàm Ceramic có thể khắc phục hiện tượng này
2. Trải nghiệm dùng
- Cảm ứng+stylus 1024 lực nhấn: Một chiếc laptop có màn hình cảm ứng và bút dành cho công việc sáng tạo nội dung, đồ họa, soạn nhạc, ghi chú, giảng dạy…
- Tôi vẽ vời thiết kế mà không cần phải dùng thêm bảng vẽ kết nối riêng, hỗ trợ thuyết trình với stylus khi giao diện cảm ứng tuyệt vời của PowerPoint mang lại.
- Phần màn hình cảm ứng sẽ phục vụ cho các tác vụ nhẹ nhàng hay khi tôi chỉ cần riêng phần này trong thời gian ngắn, tiện cho việc di chuyển.
- Microsoft tạo ra sản phẩm all in one, từ giải trí nghe nhìn đẹp cho đến công việc thiết kế đồ họa cấu hình mạnh hay kinh doanh cần di động với thời lượng pin cho một ngày.
- Một laptop chạy windows có trang bị màn hình cảm ứng, người dùng cần hiểu chính xách hơn về chức năng của nó. Màn hình cảm ứng tuy chưa tối ưu cho giao diện windows nhưng khi sử dụng với các phần mềm thiết kế vẽ vời, ví dụ một trường hợp tôi phải mua riêng bảng vẽ wacom+stylus+các thứ linh tinh thì dùng Surface Book là giải quyết được.
3. Hiệu suất
- Cấu hình tôi có hiện tại là i5-6300U, 8GB RAM DDR3, 256GB SSD (hồi đó tìm mua khá chật vật chỉ còn đúng một máy cấu hình này), tôi mở rộng thêm 256GB bộ nhớ qua khe SD và dùng thêm 1TB ổ cứng di động mới đủ lưu trữ. Về phần VGA rời, Microsoft chỉ đưa ra thông số là NVIDIA GeForce dGPU 1GB GDDR5 (thông tin ngoài luồng là họ dùng GTX 940M tinh chỉnh lại hiệu suất) chứ không rõ ràng như Book 2, 3.
- Với những tùy chọn cấu hình mạnh ở thời điểm ra mắt, bỏ qua những thông số benchmark, tôi có thể xử lý hầu hết tác vụ nặng và game khủng. Đến hiện tại tôi vẫn có thể chơi những tựa game như COD WW2, Tomclanycy và Pes 2019 ở mức low settings. Quá trình tôi tháo tác dựng clip (Adobe Preimiere CC) không có vấn đề gì nhưng khi xem playback Full HD HDR hay phân giải 2k trở lên là đuối sức với cấu hình này.
- Với cách sử dụng hằng ngày như tìm kiếm rất nhiều thông tin, tôi duyệt web từ 20-30 tabs bằng Cốc cốc và Edge, 8gb RAM luôn load ở mức 85% nhưng vẫn trơn tru.
- Nhiệt độ: Hoạt động mát mẻ 35 độ C với tác vụ văn phòng, nóng hơn (47 độ) ở phần kết nối dock khi sạc và duyệt web 20 tabs. Khi render hoặc chơi game, GPU ở mức 50-55 độ nhưng phần dock vẫn rất mát mẻ, chỉ ấm ấm ở khe tản nhiệt, còn phần màn hình khá nóng (~60 độ vỏ ngoài), sau 10 phút render thì CPU lên 80 độ C. Tôi dùng thêm tản nhiệt tương tự như smartphone để giúp vỏ máy chỗ CPU mát mẻ.
- Quạt tản nhiệt trang bị cho Surface hoạt động êm ái, khi chạy tác vụ mạnh mới phát ra tiếng nhưng độ ồn ở mức không gây ảnh hướng đến tôi khi nghe nhạc.
4. Màn hình
- Màn hình cảm ứng 13.5” với công nghệ PixelSense tỷ lệ 3:2, phân giải 3000x2000 đạt 267 DPI, 387 nits, hiển thị 97% sRGB, 72% AdobeRGB. Thông số trên là rất tuyệt vời.
- Tỷ lệ 3:2 hiển thị nhiều nội dung hơn mà tôi có thể làm việc đa nhiệm trên màn hình kích htước 13.5". Tôi cũng có thể xài chuột 7200 DPI với kích thước này (Razer Atheris).
- Lưu ý rằng việc bật battery save sẽ giới hạn độ sáng màn hình, khó nhìn trong điều kiện chói nắng cửa sổ.
- Dùng bút và cảm ứng sẽ để lại nhiều vết khó chịu nên chịu khó vệ sinh thường xuyên.
- Vẫn bị hở sáng do đặc điểm màn hình nhưng không ảnh hưởng đến quá trình tôi sử dụng.
5. Bàn phím
- Phím to dễ bấm, hành trình 1.6mm có độ nẩy tốt, êm ái ít gây tiếng ồn, tôi còn thoải mái chơi game (thỉnh thoảng chơi) mà riết rồi chẳng cần đụng đến phím cơ.
- Lâu nay tôi không đánh máy nhiều và cũng không luyện ngón nhưng tốc độ gõ trên 80 từ phút là đơn giản với tôi dùng bàn phím này.
Quảng cáo
6. Trackpad
- Nhận diện 5 điểm chạm và cài đặt chỉ cử vuốt, diện tích đủ rê chuột hết màn hình, 75% bề mặt có thể ấn xuống như click chuột nhưng tôi dùng cử chỉ chạm cho nhẹ nhàng. Tôi cực kỳ hài lòng và rất thích bề mặt nhám mịn của trackpad này.
- Ví dụ tôi cài đặt chạm 2 ngón mở menu chuột phải, quẹt 4 ngón kéo lên/xuống tăng giảm âm lượng, 4 ngón quẹt trái/phải để tua nhạc khi chơi game (bàn phím không có phím multimedia nên tôi dùng cách này cho tiện), quẹt 2 ngón trái/phải để go back/go forward khi duyệt web,…. rất đa năng.
7. Loa, webcam, mic
- Cặp loa stereo mang đến âm thanh ấm áp rõ ràng lắp đầy phòng 20m vuông, không bị méo tiếng khi bật 100% âm lượng, ba dải treble-mid-bass thể hiện cân bằng, tách bạch. Việc thiết kế hai loa ở hai cạnh màn hình tăng khả năng tái hiện soundstage.
- Lưu ý rằng hãy bật Dolby Audio Premium để có chất lượng âm thanh tốt nhất, nếu không bật thì âm thanh phát ra tệ như loa thoại. Tôi vẫn còn đang dùng Vaio F thì thấy loa Surface chỉ nhỏ hơn về âm lượng và chiều sâu do màng loa Vaio F lớn hơn từ một chiếc máy 3D multimedia.
- Camera trước 5mpx-fixedfocus, camera sau 8mpx-autofocus. Tôi đánh giá cao chất lượng camera trên Surface, cả hai đều quay video 1080p, tôi có thể chụp hình tư liệu lưu hẳn trên máy không cần dùng thiết bị khác chụp rồi mới gửi qua.
- Camera IR nhận diện khuôn mặt cho Windows Hello cùng chip bảo mật TPM, chỉ cần ngồi trước máy là mở lên nhanh chóng. Thỉnh thoảng không nhận diện được nên phải nhập mã.
- 02 mic chống tiếng ồn (trước/sau theo camera) cho khả năng nghe gọi rất tốt, tiếng thu vào cực kỳ nhạy. Tôi thường video call thấy microphone của Surface có chất lượng đàm thoại hơn hẳn chiếc Anker true wireless chống ồn CVC và đa số smartphone, người bên kia dễ dàng nghe dù tôi nói nhỏ trong đêm còn thiết bị khác phải đặt gần hoặc nói to hơn.
8. Thời lượng pin
- 51Wh ở phần dock và 17.9Wh ở phần màn hình. Thời gian sạc 65W hết ~3h cho cả dock.
- Tôi có thể dùng thoải mái 9h (pin còn 18%) ở tác vụ văn phòng, duyệt web ~30 tabs, màn hình sáng theo môi trường, nghe nhạc loa 50%.
- Chơi game LOL được ~4 tiếng ở medium settings.
- Pin phần màn hình khá kém khi chỉ dùng ~2h (tác vụ văn phòng), tuy nhiên vậy cũng có thể đủ xem một bộ phim thời lượng trung bình, tính toán từ Microsoft quá hợp lý.
9. Kết
- Bên cạnh việc sử dụng như một laptop cấu hình mạnh ở thời điểm ra mắt, Microsoft mang đến một thiết kế độc đáo, tính di động cao, trang bị màn hình cảm ứng PixelSense và stylus. Sản phẩm ở mức giá trên 50 triệu đồng (phiên bản dGPU) dành cho phân khúc người dùng phù hợp với nhu cầu. Hoặc khai thác triệt để những gì Book đem đến hoặc chỉ là thời lượng pin ấn tượng dùng hỗn hợp hơn 9 tiếng/lần sạc cho doanh nhân.
#reviewlaptop
Quảng cáo