Mặc dù có đến 60% người dân ít tập thể thao theo thống kê của tạp chí y khoa “The Lancet” nhưng Nhật Bản vẫn đứng top các quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới với tuổi thọ bình quân 84 tuổi. Một con số khá là ấn tượng ! Vậy bí quyết của họ là gì ?
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia của tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới với nam là 80,21 tuổi và nữ là 86,61 tuổi theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2014. Tuy nhiên, theo thống kê của tạp chí y khoa "The Lancet", có đến 60% dân số Nhật Bản không thường xuyên tập thể dục. Lí do của sự trường thọ này có thể kể đến là do một số thói quen sinh hoạt lành mạnh như sau:
Văn hóa ăn uống "Hara Hachi Bunme" và "Shun no Mono"
Văn hóa "Hara Hachi Bume" được người Nhật truyền từ đời này sang đời khác và có nguồn gốc từ câu tục ngữ "腹八分目に医者いらず - Hara hachi bunme ni isha irazu", nghĩa là “Ăn no tám phần, không cần bác sĩ”. Khi ăn không nên ăn no đến căng bụng mà chỉ cần no 8 phần là được rồi. Lí do là bởi nếu ăn no 100%, dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, và cũng là nguyên nhân tăng cân và béo phì. Sử dụng phương pháp chỉ ăn đến 8 phần này giúp cơ thể duy trì được trạng thái cân bằng, làm chậm quá trình lão hóa, giúp cho gương mặt trẻ hơn so với tuổi thật.
Ngoài việc “ăn không quá no, uống không quá chén”, người Nhật Bản còn có thói quen ăn uống theo “Shun no mono - 旬のもの” tức là "mùa nào thức nấy". Mùa nào có gì ngon thì người Nhật sẽ thưởng thức món đấy. Chẳng hạn như mùa đông chắc chắn phải ăn củ cải trắng, mùa thu sẽ ăn quả hồng, mùa hè thì ăn lươn, hay mùa xuân sẽ ăn cá tráp. Quy tắc ăn uống này không những giúp cơ thể có thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất của những loại thực phẩm theo mùa tươi ngon nhất, mà còn thể hiện sự tôn trọng đến với thiên nhiên, kết hợp hài hòa với vòng đời của vạn vật.
Thói quen ăn uống "mùa nào thức nấy" Shun no mono - 旬のもの của người Nhật.
Ăn đa dạng các loại thức ăn và chú trọng hải sản
Người Nhật sống thọ hơn nhờ ăn nhiều Hải sản
Trong “Hướng dẫn ăn uống lành mạnh” phát hành năm 1895, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ủng hộ phương pháp ăn uống “Ăn 30 loại nguyên liệu mỗi ngày”. Cụ thể là chọn ít nhất 2 loại nguyên liệu trong 6 nhóm: 1- Nhóm protein: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, các sản phẩm từ đậu nành; 2- Nhóm canxi: cá nhỏ mà có thể ăn được xương, sữa và các sản phẩm từ sữa; 3- Nhóm carotin, các vitamin và khoáng chất khác gồm rau màu xanh và màu vàng; 4- Nhóm các loại rau, củ giàu vitamin C, các vitamin và khoáng chất khác; 5- Nhóm Carbohydrates gồm hạt, khoai tây, bánh mì/ bánh ngọt/ bánh quy; 6- Nhóm chất béo gồm dầu ăn, dầu làm từ đậu và dầu hạt khác, đậu và các loại hạt khác. Một bữa cơm của họ thường sẽ có cơm, sashimi, cá nướng, cá luộc, rau luộc, đậu phụ, canh miso, dưa chua. Họ cũng thường ăn rong biển, rong nho – Umibudo,... Việc ăn 30 loại nguyên liệu mỗi ngày được truyền bá rộng rãi và các người nội trợ tại Nhật luôn đảm bảo sắp xếp để bữa ăn của gia đình đảm bảo theo quy tắc này. Đặc biệt, người Nhật ăn rất nhiều hải sản. Chính việc lựa chọn ăn những thực phẩm giàu vi lượng, chất xơ, nhiều protein, ít chất béo mà người Nhật thường có thân hình thon thả.
Không bao giờ bỏ bữa ăn sáng
Trong các thước phim Nhật, hình ảnh người mẹ dậy sớm chuẩn bị thức ăn cho cả nhà với đa dạng các món ăn từ cá nướng, canh miso, đồ ăn kèm, dưa muối,... trở nên khá quen thuộc. Ở mỗi gia đình Nhật Bản, bữa sáng đều được người nội trợ cất công nấu đa dạng các món bởi họ quan niệm bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày.
Người Nhật đi bộ rất nhiều và “đi rất nhanh”
Ngay từ lớp mẫu giáo, các trẻ em Nhật đã được bố mẹ cho đi bộ đến trường. Còn người lớn thì hằng ngày đều đi bộ ra ga, sau đó lên tàu điện để đi làm. Người nội trợ cũng thường đi bộ đến siêu thị với đôi chân thoăn thoắt. Bạn sẽ thật sự sốc khi chứng kiến hàng ngàn người đi bộ tại giao lộ Shibuya, Tokyo vào mỗi buổi sáng. Chính thói quen đi bộ này, người Nhật rèn luyện cơ thể mỗi ngày mà không phải chi quá nhiều tiền vào các môn thể thao như tập gym. Thậm chí, người Nhật còn có một bí quyết đi bộ riêng với tên gọi “Namba Aruki” có thể khắc phục được những nhược điểm của đi bộ thông thường. Bạn có thể tham khảo cách đi bộ này như sau:
- B1: Bước chân phải lên một bước.
- B2: Xoay hông về phía chân phải. Bước này khiến bạn cảm giác phần thân trên của mình đang hướng về bên phải nhưng thực chất là thân trên của bạn chỉ đang hướng về phía trước.
- B3: Đồng thời vung tay phải về hướng bên phải.
- B4: Tiếp tục thực hiện lại các bước tương tự nhưng ngược lại cho chân trái và tay trái.
Văn hóa ngâm bồn nước nóng tại Nhật Bản
Người Nhật rất quan trọng việc làm ấm cơ thể từ bên trong. Một trong những phương pháp làm ấm cơ thể tiêu biểu nhất là ngâm mình trong nước nóng. Phương pháp này không những làm ấm cơ thể hữu hiệu mà còn giúp điều hòa sự lưu thông của các mạch máu, khiến da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, tinh thần được thư giãn nên ngủ ngon hơn. Các nghiên cứu cho thấy ngâm bồn đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ và cả sắc đẹp:
- Áp lực nước giúp máu lưu thông tốt, có tác dụng mát-xa làm cho da dẻ hồng hào
- Nước nóng làm các lỗ chân lông giãn nở, giúp đào thải các chất bẩn trong cơ thể, mang lại làn da sạch đẹp, khỏe mạnh.
- Nhờ vào lực đẩy của nước làm giảm khoảng 1/10 trọng lượng cơ thể, các khớp, cơ bắp được thả lỏng và nghỉ ngơi
- Làm ấm cơ thể, xóa tan mệt mỏi, giúp tinh thần thư thái
- Uống nước trước khi ngâm để bổ sung nước cho cơ thể
- Tẩy trang
- Tắm sơ bằng nước ấm
- Ngâm bồn lần 1
- Tắm sạch dưới vòi sen và gội đầu
- Ngâm bồn lần 2
- Dội nước nóng vào bàn chân và bàn tay để tránh sốc nhiệt khi bước ra ngoài
- Thay quần áo và uống một cốc nước để bù lại lượng nước đã mất.
Quảng cáo