Thấy gì từ việc Oppo dừng làm chip: thị trường smartphone giờ đã là “bể máu”, đốt tiền tiếp là dại!

AmbitiousMan
5/6/2023 17:6Phản hồi: 133
Thấy gì từ việc Oppo dừng làm chip: thị trường smartphone giờ đã là “bể máu”, đốt tiền tiếp là dại!
Mới đây, một trong những hãng smartphone lớn nhất thế giới lẫn thị trường Trung Quốc vừa ra thông báo đóng cửa bộ phận sản xuất chip. Oppo cho biết, họ buộc phải đưa ra quyết định này vì môi trường kinh doanh xấu đi, “do nền kinh tế toàn cầu lẫn ngành công nghiệp smartphone đang tồn tại nhiều bất ổn”. Sau khi ZEKU đóng cửa, công ty có lẽ quay về dùng trọn bộ nền tảng tích hợp của Qualcomm như trước, trong khi số chip MariSilicon còn tồn được sử dụng tới khi hết.

*MariSilicon là thương hiệu chip của Oppo nghiên cứu, dù chưa thay thế hoàn toàn nền tảng di động Snapdragon nhưng có thể đáp ứng 1 số khía cạnh như xử lý tín hiệu ảnh, âm thanh Bluetooth.

Từ đây, ta có thể thấy khó khăn chung của toàn ngành smartphone lẫn từng ông lớn cho tới những công ty có liên quan. Đặc biệt với những nhà sản xuất điện thoại Android, thách thức đặt ra lại càng lớn. Có thể tóm tắt nhanh như sau:
  • Dư địa phát triển đã không còn nhiều.
  • Lợi nhuận gần như bị Apple iPhone thâu tóm, bên phía Android thì Samsung là hãng kiếm được nhiều nhất, chỉ còn chừa lại 1 mẩu bánh nhỏ cho các hãng chia nhau.
  • Smartphone đã hoàn thiện tới đỉnh điểm, thiết kế, cấu hình hay tính năng đều bão hòa, hiện chỉ có điện thoại màn hình gập mang lại kiểu dáng công nghiệp mới lạ và có thể cải tiến tiếp.
  • Tuy nhiên, mức giá cao và những nghi ngại về độ bền lại khiến điện thoại màn hình gập khó tiếp cận với đại chúng, chưa thể thành mainstream.
  • Các thành phần cốt lõi gồm hệ điều hành và nền tảng di động vẫn phải phụ thuộc vào bên khác (Google, Qualcomm).
  • Thiếu hụt những dịch vụ giá trị gia tăng trên phạm vi toàn cầu để tạo ra nguồn thu bổ sung, hầu như chỉ kiếm được từ bán thiết bị 1 lần và ít hoặc không phát sinh thêm khoản thu từ dịch vụ (có chăng là bán gói bảo hành mở rộng như Samsung Care+).

oppo logo.jpg
Bộ phận phát triển chip ZEKU đã bị Oppo đóng cửa đột ngột​

Như vậy, có thể thấy các hãng điện thoại Android hiện nay đều đang gặp khó khi thị trường suy thoái. Càng phụ thuộc nguồn thu vào smartphone bao nhiêu, họ lại càng “đau đầu” đi tìm chiến lược thích nghi mới. Quan trọng nhất phải xác định được sản phẩm hoặc thị trường tiếp theo đầu tư sẽ là gì, bởi smartphone đã không còn là vùng đất màu mỡ nữa. Nếu không kiếm được chỗ đứng ở phân khúc cao cấp như Apple, Samsung, tất phải tìm con đường khác.


Xiaomi


Xiaomi vẫn phụ thuộc lớn vào smartphone, công ty luôn lấy đó làm trung tâm hệ sinh thái để kinh doanh nhiều mặt hàng vệ tinh xung quanh. Tuy vậy, hệ sinh thái của Xiaomi vướng phải 1 số vấn đề như thiếu chiều sâu, rất nhiều sản phẩm không phải do công ty trực tiếp làm ra hoặc đầu tư tiền bạc và nhân lực phát triển, mà là của bên khác (không phải công ty con thuộc sở hữu Xiaomi). Chưa kể rất nhiều thứ có hàm lượng chất xám công nghệ thấp, lại chủ yếu bán giá rẻ nên khó đi lên phân khúc cao cấp của chính mặt hàng đó. Ý nghĩa làm thương hiệu hạn chế, hiếm có sản phẩm “đinh” nào nhắc đến là người ta nhớ ngay Xiaomi.

Trong tình cảnh khó khăn, chúng ta có thể thấy Lei Jun (Lôi Quân) nhắm đến thị trường xe điện là “canh bạc” tiếp theo. Với tuyên bố đầu tư 10 tỷ USD và đang tích cực thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ, Xiaomi chọn đây là hướng đi mới để tiếp tục phát triển. Xét về hàm lượng chất xám công nghệ, ý nghĩa định vị thương hiệu, xe điện chắc chắn mang lại nhiều giá trị hơn những sản phẩm gắn nhãn Xiaomi đang tràn lan. Dư địa xe điện còn nhiều và Xiaomi vẫn có cơ hội. Nếu thành công, ô tô điện có thể trở thành nguồn thu mới đối trọng với smartphone, giúp công ty bớt lệ thuộc vào những chiếc điện thoại.

CEO Xiaomi Lei Jun.jpg
Xiaomi đang đầu tư vào xe điện nhằm chạy theo xu hướng toàn cầu khi thị trường smartphone đã bão hòa​

Và họ vẫn phải đầu tư tiếp vào dòng smartphone cao cấp để đẩy ASP lên giúp tăng lợi nhuận. Không có lựa chọn nào khác vì đây là nơi chiếm 58.8% trong tổng doanh thu quý gần nhất.

Oppo


Sự rút lui của Oppo là 1 tổn thất với ngành smartphone khi họ không còn theo đuổi phát triển chip nữa. Đây vốn là 1 trong 2 thành phần cốt lõi được nhắc đến ở trên, 1 nhà sản xuất làm chủ được nó sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường, đặc biệt mở ra cánh cửa chen chân vào phân khúc cao cấp cạnh tranh sòng phẳng với Apple và Samsung. Huawei đã nhìn ra điều này từ sớm và thành công với HiSilicon, chỉ đáng tiếc họ không đủ khả năng kéo dài cuộc vui. Oppo đóng cửa bộ phận chip cho thấy đã “hết hy vọng” và có lẽ chính họ cũng tiếc cho công sức bỏ ra. Nghe đâu công ty đã rót tới 7-8 tỷ USD cho tham vọng chip.

Cứ nhìn Qualcomm bán chip Snapdragon là hiểu tính cấp thiết của việc làm chủ. Chiếm nhiều chi phí đầu vào của Galaxy S23 Ultra nhất đã là linh kiện Qualcomm, hơn cả chính Samsung.

Việc tự thiết kế chip không hề đơn giản. Khoan nói đến vấn đề trình độ kĩ thuật, chỉ riêng rào cản kinh tế cũng đủ làm chùn tay bất kì ai. Apple sở dĩ duy trì được bởi họ có đầu ra đảm bảo là doanh số hàng trăm triệu thiết bị mỗi năm, riêng iPhone đã không dưới 200 triệu máy. Đã thế sản phẩm lại định vị ở phân khúc cao cấp, biên lợi nhuận cao. Để ý mà xem, 2 hãng smartphone khác tham gia thiết kế chip là Huawei và Samsung có điểm chung gì? Bộ phận bán dẫn chuyên trách thiết kế vi xử lý HiSilicon và Samsung LSI vẫn bán hàng ra bên ngoài và bán cho nhiều chủng loại thiết bị - bởi chỉ mỗi chip cho điện thoại tự sản xuất thì sao đủ trang trải chi phí.

Quảng cáo



Bên cạnh SoC, 2 công ty này còn nhiều mặt hàng khác. Không chỉ đa dạng khách hàng ra ngoài nhóm công ty “người nhà” mà còn phải mở rộng danh mục sản phẩm, 1 chặng đường dài đầy chông gai mà Oppo phải bỏ cuộc. Và nếu nhìn vào lí do HiSilicon suy sụp, ta cũng thấy rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến tham vọng tự chủ chip của smartphone Trung Quốc như thế nào? Thiết kế chip mà không tìm được xưởng đúc hoặc tiến trình bán dẫn tụt hậu, đều làm giảm sức cạnh tranh với đối thủ. Không phải cứ quăng tiền tấn tiền tỷ vào là đã thành công. HiSilicon trước khi suy sụp còn là hãng Trung Quốc đầu tiên lọt top 10 doanh thu ngành chip (90% đến từ Huawei), nhưng giờ đã chịu "phong ấn sức mạnh".

Snapdragon 855 A12 Bionic Exynos 9820 Kirin 980.jpg
Con chip bé tí xíu nhưng quan trọng lắm thay​

Sau nỗ lực thiết kế chip thất bại, tiếp theo Oppo có định hướng gì thì chúng ta cũng chưa được rõ. Họ không có dải sản phẩm vệ tinh lấy smartphone làm trung tâm. Đã có những thông tin đầu tư vào xe điện và dự kiến ra mắt năm 2024. Tuy vậy, hướng đi mới của họ vẫn chưa có nhiều tiến triển trên mặt báo, nên cũng khó nhận định. Không như Xiaomi đã chính thức công bố kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện, Oppo vẫn còn ít thông tin. Nguồn lực đầu tư vào smartphone sau thất bại này e là cũng bị điều chỉnh lại. Không rõ chiến lược đối với dòng Find sẽ thay đổi như thế nào.

Ngoài Oppo, chúng ta vẫn còn vivo và OnePlus, realme, iQOO cùng thuộc tập đoàn BBK. Đứng trước 1 thị trường đầy thách thức và khó khăn như vậy, BBK có định hướng mới mẻ nào không vẫn chưa có câu trả lời. Nếu tìm kiếm động lực tăng trưởng mới thì có cái gì khả thi với họ ngoài biên giới smartphone?

Đó là các công ty smartphone Trung Quốc đang phải đau đầu giải bài toán tăng trưởng khi cả ngành sa sút, vậy còn những anh tài đã từ bỏ “hùng tâm tráng chí” thì sao? Sau khi dừng bán điện thoại hoặc thu hẹp đầu tư xuống mức tối thiểu, họ làm gì?

Microsoft, Sony

Quảng cáo


Một người là ông vua hệ điều hành từng nuôi tham vọng tạo thế kiềng 3 chân với iOS và Android của Google, Apple; kẻ kia từng thống trị ngành công nghiệp điện tử trước khi Internet bùng nổ kéo theo những cái tên như Apple, Samsung nổi lên. Song như các bạn thấy, cả hai đều không thể cạnh tranh lại Apple và cặp đôi Samsung - Google. Cuối cùng, Microsoft nhấn nút “Exit” còn Sony thì giữ lại kinh doanh nhưng chỉ làm “chơi chơi” đủ sống qua ngày, không mạnh tay đầu tư nữa.

IR 2023 5.png
Sony có gì khi bỏ smartphone sang 1 bên? Một phần gia tài khắc họa qua 1 cái slide​

Vậy giờ họ sống có khỏe không khi thị trường smartphone lao dốc như thế này?

Ái chà! Khỏe lắm các bạn, như rồng như hổ luôn. Về số liệu kinh doanh ở quý gần nhất, các bạn có thể tham khảo bài viết bên dưới để nắm sơ bộ tình hình 2 hãng.
Microsoft có rất nhiều nguồn thu khổng lồ từ dịch vụ và phần mềm, do vậy sau khi vứt bỏ “cục nợ” smartphone lại “càng thay da đổi thịt.” Thời gian gần đây, cái tên này bỗng sốt như cồn trên các mặt báo nhờ hàng tỷ USD đầu tư vào AI tạo sinh (Generative AI) cũng như chống lưng cho OpenAI. Còn Sony giờ xoay trục lấy nội dung giải trí làm đầu, điện tử lùi về sau và smartphone thì cắt giảm theo hướng máy nghe nhạc Walkman, năm vừa qua vẫn thu về 2.6 tỷ USD. Công ty cũng đu theo xu hướng xe điện, vừa chào bán cảm biến lại vừa liên doanh với Honda, ra mắt thương hiệu ô tô AFEELA.

Nhìn chung, họ đều là tập đoàn đa ngành nên kế hoạch theo đuổi thị trường smartphone có thất bại cũng chẳng suy sụp được, miễn biết dừng tay kịp lúc, “quay đầu là bờ” thì tiền đồ vẫn rộng mở.

HTC


HTC từng là ông lớn smartphone “đánh đông dẹp bắc” được ngưỡng mộ 1 thời. Từ thân phận gia công mà phấn đấu lên thành hãng lớn nhờ nhanh nhạy nắm bắt thời thế, thời kỳ điện thoại Android vẫn còn sơ khai. Song, do nền tảng công nghệ yếu hơn nhiều tên tuổi khác, về lâu về dài HTC dần đuối sức. Họ cũng không có nguồn lực tài chính khổng lồ hay nhiều ngành nghề kinh doanh khác để bổ sung nguồn thu. Dẫn tới việc bị đánh bật khỏi phân khúc cao cấp, còn giá rẻ thì không cạnh tranh lại binh đoàn đông đảo đến từ đại lục.

hospitals HTC VIVE.jpg
Bỏ lại quá khứ huy hoàng, giờ HTC chỉ còn là 1 cái tên nhỏ bé chuyên về thực tế ảo​

Vào khoảnh khắc nhấn nút “Sell” thì cũng là lúc công ty đã giương cờ trắng đầu hàng. Trước thời điểm bán lại những tài sản có liên quan cho Google, doanh số điện thoại HTC đã thấp tới mức chỉ còn dưới 100.000 đơn vị. Sau đó, họ tập trung tối đa nguồn lực vào thị trường thực tế ảo (VR) và smartphone chỉ còn duy trì mang tính hình thức. Thu hẹp quy mô là cách duy nhất để họ có thể duy trì danh mục này, biết chắc chẳng bao giờ trở lại thời kỳ đỉnh cao như ngày xưa.

Công ty giờ gần như mất hút trên truyền thông nói chung. Trong ngành công nghệ, HTC chỉ còn là những ký ức đẹp của nhiều người. Thành tại smartphone, bại tại smartphone. Đây là ví dụ rõ nhất cho thấy, nếu quá phụ thuộc vào smartphone thì sẽ ra sao. Mặc dù với vị thế hiện tại trên thị trường của mấy đại gia Trung Quốc, kết cục này vẫn còn xa vời chỉ như 1 nguy cơ. Ít nhất thì Xiaomi và BBK cũng không bị đe dọa bởi tên tuổi đang lên nào như HTC đã từng bị chính họ dồn ép.

LG


Tập đoàn điện tử Hàn Quốc đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường, chỉ còn tập trung bảo hành và duy trì dịch vụ cho số người dùng còn sót lại. Còn nhớ thời điểm LG tuyên bố khai tử kinh doanh smartphone, truyền thông và cộng đồng không khỏi xót xa và tiếc nuối cho cái kết của 1 ông lớn. Giống như HTC và Sony ở trên, từng có thời LG nằm trong nhóm “tứ đại thiên vương” - bộ mặt của điện thoại Android. Sau khi “rút ống thở” đơn vị điện thoại vì thua lỗ triền miên, hãng nhắm đến 1 động lực tăng trưởng mới với kì vọng thay thế smartphone.

Đó chính là thị trường xe điện, song không bán xe mà là cung cấp phụ tùng linh kiện cho các hãng làm xe. Tất nhiên những ngành hàng mang tính biểu tượng từ trước gồm đồ gia dụng và TV vẫn tiếp tục phát triển, song LG cần 1 thứ gì khác để tạo thành nguồn thu dồi dào sau này, hơn hết là phải thành công. Đứng trước xu thế xe điện bùng nổ, LG Group huy động các công ty LG Innotek, LG Display, LG Chem,... hợp lực cùng LG Electronics tấn công mạnh mẽ thị trường rất giàu tiềm năng này.

lg magna.jpg
LG vẫn có thể tiếp cận thị trường smartphone qua thu phí bản quyền và bán linh kiện, trong khi tập trung đi sâu vào chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu​

Nhưng đừng tưởng duyên nợ với thị trường smartphone của hãng đã chấm dứt. Kì thực, vẫn có vài cách kiếm tiền khác từ smartphone mà không phải bán smartphone. Cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất là việc mà ai cũng biết. Song họ vẫn còn 1 chiêu kiếm tiền mà HTC hay Xiaomi, BBK không thể làm theo - thu phí bản quyền. Công ty nắm trong tay cực nhiều bằng sáng chế liên quan tới công nghệ di động, chưa kể hãng viễn thông LG UPlus lớn thứ 3 ở quê nhà. Chiêu này của LG đủ uy lực để Apple cũng phải “kiêng nể” đôi ba phần.

Hướng đi này phù hợp với nguồn lực LG và xu hướng thị trường, nguồn lợi ổn định. Mặc dù kinh doanh linh kiện cũng chịu ảnh hưởng khi thị trường đi xuống và sức ép giành giật đơn hàng, còn phụ tùng ô tô chỉ vừa mới có lãi, song nó cho thấy LG vẫn xoay sở ngon lành cả khi phải dừng smartphone. Họ cũng có cùng chí hướng với Xiaomi và Sony là khám phá mô hình kiếm tiền phù hợp giữa dòng chảy xe điện, dù chọn lựa khác nhau.

Nokia và Blackberry


Hai cựu vương 1 thuở của ngành di động, sau khi chấp nhận thất bại vì không theo kịp thời thế, họ quay về với truyền thống. Nokia tập trung vào viễn thông và mới đây đã thay đổi logo, làm mới bản thân trong tâm trí mọi người nhằm quyết tâm dứt bỏ quá khứ. Blackberry thì gần như mất tích khỏi giới truyền thông. Cả 2 thực tế có 1 nguồn thu giống nhau là bằng sáng chế, song về mặt nay Nokia trội hơn hẳn Blackberry. Thậm chí mới đây, Nokia còn kiện vi phạm sáng chế Oppo và Oneplus đến mức bị cấm bán ở 1 số thị trường châu Âu.
Nokia logo 3.jpeg
Nokia vừa đổi logo để thay đổi nhận diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng, rũ bỏ hình tượng quá khứ​

Ngoài ra, họ cũng có thể kiếm tiền từ việc cấp phép thương hiệu cho các nhà sản xuất phần cứng khác. Điển hình là Nokia cấp phép cho HMD Global để bán smartphone, hay ở Ấn Độ còn bán cả TV Nokia. Song với 1 thị trường khó khăn như hiện nay, nguồn thu kiểu này cũng khá bấp bênh nếu đối tác chịu ế ẩm. Chưa kể sức mạnh thương hiệu đều đã lỗi thời ở thị trường di động, ra khỏi biên giới smartphone thì yếu ớt xét trên bất cứ mặt hàng tiêu dùng nào. Kiếm tiền từ cấp phép thương hiệu có khi còn không hiệu quả bằng Leica.

Kết luận


Vậy những hãng này có khi nào “tái xuất giang hồ” hay không? Ồ chắc chắn là không rồi! Ai có thể lay lắt bán smartphone qua ngày cho đẹp đội hình cũng chẳng dại “ném tiền” vào đây lần nữa. Ai có thể kiếm tiền từ smartphone bằng con đường khác, như cung ứng linh kiện, thu phí bản quyền,... thì cứ triệt để mà khai thác thôi, mắc gì lao vào cạnh tranh thị phần đến “sứt đầu mẻ trán” như mấy hãng Android bây giờ. Thị trường smartphone giờ đã là “bể máu”, đốt tiền tiếp là dại!

“Đổ máu” vậy đủ rồi! Đến chính Tinh Tế bé nhỏ bây giờ, không ít Mod tới member cũng dần vô cảm với smartphone mới, hoặc chẳng còn nhu cầu lên đời hay khám phá tính năng gì nữa. Vậy động lực to lớn nào thôi thúc các hãng quẳng cả cục tiền phát triển sản phẩm và đánh chiếm thị trường?

Từ Microsoft cho tới Nokia ở trên, chẳng hãng nào còn “máu me” lao vào smartphone chỉ để gặm 1 mẩu lợi nhuận mà Apple, Samsung chừa lại. Bởi nay đã có những niềm vui mới như AI tạo sinh, xe điện,… Không thì tìm về với “chùm khế quê hương” là viễn thông, nội dung, linh kiện.

huawei banned 2.jpg
Huawei là trường hợp “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” của thị trường smartphone​

Kể cả khi đang sống dựa vào smartphone, bên cạnh việc duy trì đầu tư để có thể tiếp tục sinh tồn khi môi trường kinh doanh có chiều hướng xấu đi, những tên tuổi lớn còn lại vẫn sẽ phải tìm đường lui cho mình. Giờ là lúc cần vượt ra khỏi biên giới smartphone xem có gì hot để còn thử sức, ví dụ xe điện. Cũng như mài dũa những mũi nhọn kiếm tiền khác để đạt tới đẳng cấp như Microsoft hay Sony.

Huawei có thể là cái tên cuối cùng tạo nên làn sóng mới ở thị trường điện thoại thông minh.

Tính năng mới, công nghệ mới vẫn sẽ xuất hiện, chỉ là tác động không đủ để thay đổi trật tự mà thôi. Samsung vẫn là hãng smartphone lớn nhất, flagship Android vẫn mặc định chạy chip Snapdragon, còn ở Trung Quốc vẫn chẳng có ai thách thức được Apple. Cuối cùng, mỗi chiếc điện thoại Android thực chất lại vẫn là “con ngựa thành Troy” đưa dịch vụ Google tiếp cận người dùng, điều mà Huawei cũng không thể thay đổi. Cái này gọi là trật tự thế giới điện thoại thông minh.

Khi Huawei nói họ sẽ vượt Apple và Samsung, nhiều người chê cười, giờ chắc chúng ta đang rất cần Xiaomi hay BBK dám tuyên bố như vậy đấy! Còn nếu không, kể cả khi thị trường hồi phục trở lại cũng khó xảy ra đột biến nào lớn. Sau Huawei, còn ai đủ sức "chọc trời khuấy nước" nữa?
133 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

công nhận trong giới android mình chỉ thích dùng đúng huawei. OS tối ưu cực cực tốt cả pin lẫn hiệu năng...samsung hít khói 7 lần k đuổi kịp. Cái One UI 5.1 khen lấy khen để thi thoảng vẫn lag với bị load lại UI
@traisaigon chắc nó chơi 4G trong điều hoà chứ thử 34-35 độ ngồi trà đá chơi ván game 4G xem có tối sml không =))
@DươngCa L.Au chốt cái kèo bạn ơi....chơi 4G trong điều hoà thì tính làm méo gì chứ thử 34-35 độ ngồi trà đá chơi ván game 4G xem có tối sml không =))
@21stAugust Chốt lịch đi b
@DươngCa L.Au bạn ra kèo thì bạn cho thông tin chứ
Auto 5 sao, lát đọc
@Nhân 1512 Thấy bài là auto luôn 😅
DKez
TÍCH CỰC
4 tháng
@Nhân 1512 mình cũng ko đọc bài
@Nhân 1512 Giống tui
@Kid_Alone me too
Lợi nhuận thì ít ỏi bày đặt tự sản xuất chip riêng để làm màu, làm con SoC thay QC, MediaTek còn chưa thấy gì bày đặt tô vẽ làm chip cho chức năng chụp ảnh 😆)) 108 hãng xài đồ như nhau nên không quảng cáo được nên phải tạo điểm nhấn ai ngờ tốn kém quá 😃)))
@MID217 Vn mình mà làm màu đc 1/10 của Hua Opp Xiao là mừng rồi
giuloihua
ĐẠI BÀNG
4 tháng
@MID217 không đầu tư công nghệ lõi tương lai chắc chắn chết , thiển cẩn lắm ,
taidv1994
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@MID217 anh nói thế là sai rồi, làm chip nhỏ chụp ảnh dễ hơn nhé, chứ mấy ông QC, MediaTek đều có chip module riêng cho xử lý ảnh cả đó. Cái bọn nó muốn tối ưu cho bọn nó ko có gì sai. Tôi thì nghĩ bọn oppo dừng, nhưng đám nhân viên lại tìm chỗ khác ngon thôi vì chụp ảnh đẹp là nhu cầu tất yếu. bọn oppo dừng chưat hấy bọn vivo dừng, vivo cũng có chip v1 v2 để xử lý (mà 2 thằng này hình như đều thuộc bbk)
taidv1994
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@MID217 tôi chỉ thấy như VN với khổ, cái gì cũng đi mua ko tự làm được. Đi mua của bọn kia thì đắt, đội giá ko bán được. Đi mua của bọn Trung thì phải lén lút.
Nhìn ông Viettel trong triển khai 5G là hiểu, đang dùng huawei ngon mà giờ thì
Kaju
ĐẠI BÀNG
4 tháng
Thấy tấm hình nền là biết đổ máu rồi =]]
@Kaju Vào gấp để xem, cứ tưởng còn nhiều em xinh xinh. 😅
blogkien
TÍCH CỰC
4 tháng
@SoGetSu Cùng suy nghĩ 😆
@Kaju "Thấy gì từ việc Oppo dừng làm chip?"

Ko thấy gì cả thấy mỗi 1 màu hồng xinh 😁
Mình xem hình cover thôi 😃
Điện thoại Sony nhìn mlem mlem quá
nw_47
CAO CẤP
4 tháng
Sony mãi đỉnh, nếu không xài táo thì chắc chắn xài điện thoại Nhật
Nhiều ông ấn vào bài này vì cái ảnh thumb, trong đó có tôi 😂
Lừa nhau à ...ảnh đâu nguồn đâu
Sài Gòn có tai nạn lật xe. Ai làm biếng đọc lật ra coi hình.
Danh sách trên có “CÔNG NGHỆ LỖI” đâu mà đòi làm chip
Con chip áo hồng kia mà từ bỏ hả?
Chẹp chẹp.
lần đầu đánh 5 sao cho một bài viết!
Tuy nội dung ko mới nhưng tổng hợp và phân tích rất chính xác.
Các hãng smp thừa sức tạo ra sp đủ tầm, nhưng bài toán lợi nhuận và tồn tại mới là nan giải.
Thôi thì chuyển sang mảng khác vậy
đã thank và tín dụng .... nhầm 5 sao chứ
Mình dùng cái Vsmart active 3 đến năm thứ 3 rồi, pin hơi chai thôi còn mọi thứ vẫn ok đủ dùng. Khách nào cũng như mình thì hãng bán điện thoại dẹp tiệm cũng phải
@batmanletruc M trước chăm đổi đt lắm mà giờ hình như cũng phải 2 năm rồi chưa đổi. Nghĩ tới đổi là ngại vì cài nhiều app ngân hàng các thứ trên đó, giờ đổi phải đăng nhập lại lười kinh. Và nhìn đt mới ra cảm giác thật sự vô cảm. Kể cả là iPhone hay Android
tYpn1984
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@batmanletruc Tôi cũng đang dùng Vsmart Active 3 làm điện thoại phụ 😁 vẫn chơi vài game nhỏ nhỏ vô tư.

Vin chắc làm chịu lỗ không lời trên từng đầu điện thoại nên mới dẹp chứ 3 năm trước doanh số khủng .. mà rút lui 😔

Hơi tiếc cho thương hiệu Việt.
@locgame Thế nên tập đoàn Nokia gãy
@zer0_7 Giờ em còn chả dám đổi, bao nhiều tin nhắn của khách và cuộc gọi nó không cho đồng bộ (do hệ điều hành Vsmart),
Còn app ngân hàng thì hình như phải ra quầy mới đăng nhập lại được
Nói chung là không muốn đổi, pin chai quá thì thay thôi
datvn
TÍCH CỰC
4 tháng
Không còn khe cửa nào cho BKAV nữa hay sao?
@datvn Chờ quả bom to hơn 😁
toanbk
ĐẠI BÀNG
4 tháng
bộ đồ mỏng thế nhỉ anh em, mà dùng gì để che mà không thấy núm nhỉ các bác
@toanbk Dùng miếng dán
@toanbk Đọc comment biết ngay thanh niên FA =)))
Chỉ có cắn ngập răng miếng bánh cao cấp như Aple mới đủ máu mà hiến cho bộ phận chip 😆
Trước dùng Blackberry, khi BB thoi thóp, chuyển qua androi như HTC rồi thoi thóp chuyển qua Sony lại thoi thóp( một phần giá đại đế chát qúa chơi k nổi) chuyển qua LG rồi " đii ai đai" qua Huawei. Giờ HW cũng quần quại. Còn đâu ra hãng nào để trải nghiệm sự sáng tạo, đột phá thế giới androi nữa.
@Nguyễn kiếm hồng chời mé, vía nặng thế
Cười vô mặt
toanbk
ĐẠI BÀNG
4 tháng
@Nguyễn kiếm hồng Nếu yêu nước thì bác đừng mua BPhone nhé
@Nguyễn kiếm hồng Ngày xưa còn nhiều thứ để cải tiến chứ giờ có muốn cũng k biết phải làm gì để đột với phá
@Nguyễn kiếm hồng Mụ hàng xóm đầu ngõ nhà em chuẩn bị mở shop hàng ăn. Bữa nào chuẩn bị khai trương em mời bác luôn. Vía của bác không đi phá làng phá xóm hơi phí

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2023 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019