Thomas Kurtz, một trong hai người sáng tạo ra ngôn ngữ BASIC, qua đời ở tuổi 96

nhatminhngo
17/11/2024 23:53Phản hồi: 7
Thomas Kurtz, một trong hai người sáng tạo ra ngôn ngữ BASIC, qua đời ở tuổi 96
Nếu anh em thường xuyên theo dõi lịch sử công nghệ, chắc hẳn đã từng nghe qua ngôn ngữ lập trình BASIC, được sử dụng bởi những nhân vật nổi tiếng như Bill Gates hay Elon Musk để phát triển các ứng dụng đầu tiên của họ. Và hôm qua, một trong những người tạo ra ngôn ngữ này, ông Thomas E. Kurtz, vừa qua đời ở tuổi 96.

Thomas E. Kurtz sinh năm 1928. Ông nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ về xác suất thống kê tại Princeton. Trong quá trình học tiến sĩ, ông nhận thấy tiềm năng của việc trang bị kỹ năng lập trình cho sinh viên có thể mang lại giá trị vượt xa so với chỉ kỹ năng toán học hay kỹ thuật. Ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1956 và sau đó được tiến sĩ John G. Kemeny mời về làm việc tại Viện Toán học của Đại học Dartmouth. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, ông cùng Kemeny đã nỗ lực tạo ra một ngôn ngữ lập trình nhằm phổ cập máy tính đến sinh viên.
Ông qua đời vào thứ Ba vừa qua tại Lebanon ở tuổi 96 tuổi.

tien-si-kurtz.jpeg
Tiến sĩ Kurtz tại Dartmouth vào những năm 1960

Vào những năm 1960, trước khi máy tính cá nhân và điện thoại di động trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người với kích thước nhỏ gọn, máy tính thời đó có kích thước rất lớn, gần bằng một chiếc xe hơi hoặc chiếm cả một căn phòng. Các viện nghiên cứu nơi tiến sĩ Kurtz làm việc thường chỉ có một hoặc hai chiếc máy tính như vậy để phục vụ cho việc nghiên cứu và lập trình. Việc lập trình khi đó không giống như cách các lập trình viên ngày nay viết mã lệnh trên máy tính cá nhân. Thời điểm đó, lập trình chỉ dành cho các nhà khoa học, nhà toán học hoặc chuyên gia hiểu rõ các tập lệnh phức tạp để thao tác với dữ liệu trên những thiết bị khổng lồ này. Ngoài ra, các máy tính khi đó thường được dùng để xử lý khối lượng dữ liệu lớn, đôi khi mất vài ngày hoặc cả tuần để hoàn thành.


Tại Dartmouth, tiến sĩ Kurtz và John G. Kemeny (sau này là Chủ tịch Khoa Toán của Dartmouth) tin rằng sinh viên sẽ dần cần kỹ năng làm việc với máy tính và sẽ thu được lợi ích lớn từ việc hiểu cách sử dụng chúng. Với suy nghĩ này, hai ông đã tìm cách khuyến khích sinh viên học và tương tác nhiều hơn với máy tính. Lúc đó, việc sử dụng máy tính diễn ra theo cách tuần tự: mỗi sinh viên phải đặt lịch trước để sử dụng máy tính, chạy chương trình của mình, kết thúc phiên làm việc rồi mới đến lượt sinh viên tiếp theo.

Hệ thống chia sẻ thời gian thực (Dartmouth Time-Sharing System - DTSS) ra đời như một giải pháp cho vấn đề này. Hệ thống được thiết kế để nhiều người dùng có thể truy cập vào một máy tính trung tâm cùng lúc, cách mạng hóa cách con người tương tác với máy tính. Hệ thống này cho phép máy tính nhanh chóng chuyển đổi giữa các nhiệm vụ của người dùng khác nhau, tạo cảm giác rằng mỗi người đều có quyền truy cập độc quyền vào máy. Điều này giúp nhiều người dùng có thể làm việc đồng thời trên cùng một máy tính thông qua các thiết bị đầu cuối kết nối với hệ thống trung tâm.

Không dừng lại ở đó, Kurtz và Kemeny còn muốn làm cho việc sử dụng máy tính trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn đối với sinh viên, đặc biệt là những người không có nền tảng kỹ thuật. Vào thời điểm đó, lập trình và tương tác với máy tính là những nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng. Để giải quyết vấn đề này, Kurtz và Kemeny đã tạo ra một nền tảng giúp sinh viên dễ dàng hiểu cách hoạt động của máy tính mà không cần phải là chuyên gia về khoa học máy tính hay kỹ thuật.

may-tinh-dartmouth.jpeg
Tiến sĩ Kurtz làm việc với sinh viên tại phòng máy tính tại Dartmouth

Để đạt được mục tiêu này, họ đã phát triển ngôn ngữ lập trình BASIC (Beginner’s All-purpose Symbolic Instruction Code). BASIC được thiết kế đơn giản và dễ hiểu, giúp sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau (không chỉ khoa học máy tính) có thể học lập trình và tương tác với hệ thống máy tính dễ dàng hơn. Với DTSS và BASIC, sinh viên có thể tự viết mã lệnh, chạy chương trình và thấy kết quả ngay lập tức—giúp cho việc sử dụng máy tính trở nên dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Đây cũng là bước đầu tiên dẫn lối cho nhiều thế hệ đi vào con đường lập trình và làm việc với máy tính cá nhân, góp phần tạo nên sự thay đổi lớn trong thế giới công nghệ.

BASIC là một ngôn ngữ rất đơn giản với các lệnh cơ bản như RUN để bắt đầu chương trình, PRINT để xuất ký tự lên màn hình và STOP để dừng chương trình. BASIC cùng DTSS đã được thử nghiệm thành công vào lúc 4 giờ sáng ngày 1/5/1964 tại tầng hầm của College Hall (Dartmouth), khi hệ thống cho phép nhiều người dùng tương tác đồng thời với cùng một chiếc máy tính. Thí nghiệm này được thực hiện bởi một giáo sư và một lập trình viên sinh viên đang ngồi tại hai thiết bị đầu cuối Teletype liền kề—các thiết bị dùng để nhập lệnh và nhận kết quả từ máy tính trung tâm đang chạy DTSS. Cả hai người đều nhập lệnh đơn giản “RUN” để chạy chương trình viết bằng BASIC. Sau khi nhập lệnh, cả hai đều nhận được kết quả cùng lúc trên thiết bị đầu cuối của họ—một khoảnh khắc quan trọng chứng minh rằng hệ thống chia sẻ thời gian hoạt động chính xác như mong đợi: cho phép nhiều người dùng chạy chương trình đồng thời mà không cần phải chờ đợi.

Trên thực tế, sinh viên có thể sử dụng các ngôn ngữ khác như Fortran, nhưng BASIC đúng như tên gọi của nó—rất đơn giản để sử dụng—và chỉ cần khoảng 1-2 tiếng hướng dẫn là có thể nắm vững những yếu tố cơ bản của ngôn ngữ này. BASIC không chỉ được giảng dạy tại Dartmouth mà còn trở thành lựa chọn phổ biến của sinh viên trên toàn thế giới. Ngôn ngữ này tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển phần mềm sau này và vẫn là công cụ quan trọng trong giáo dục khoa học máy tính hiện đại. Một trong những sinh viên nổi tiếng nhất từng sử dụng BASIC chính là Bill Gates, người đã dùng nó để phát triển nhiều ứng dụng trước khi thành lập Microsoft cũng như tạo ra hệ điều hành đầu tiên của công ty.

Quảng cáo

7 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

rip ông... thiên tài của thế giới, để ngày nay nhân loại ta được dùng máy tính và các phần mềm.
(Visual) Basic đúng là ngôn ngữ tốt nhất cho 1 newbie học phát triển 1 app Windows Form
Đỉnh ghê
R.I.P
Hưởng thọ
+1 Respect
Tại sao ông lại ra đi ở Lebanon?

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019