ExpertBook B7 Flip thuộc dòng doanh nghiệp cận cao cấp từ ASUS, nó sẽ thấp hơn dòng B9 cao cấp nhất nhưng qua 1 tuần trải nghiệm B7 Flip thì độ hoàn thiện và chắc chắn không thua kém quá nhiều so với B9 và đặc biệt là những giá trị cơ bản của một chiếc laptop doanh nghiệp ExpertBook vẫn được thể hiện rõ với B7 Flip.
Đối với những chiếc laptop ExpertBook của ASUS thì thiết kế không còn quá xa lạ với anh em nữa, điểm mà anh em thấy rõ nhất đó chính là sự đơn giản, thanh thoát nhưng vẫn không kém phần lịch sự, nghiêm túc của một chiếc máy tính doanh nghiệp.
Thiết kế đặc trưng và vô cùng chắc chắn của ExpertBook
Đối với những chiếc laptop ExpertBook của ASUS thì thiết kế không còn quá xa lạ với anh em nữa, điểm mà anh em thấy rõ nhất đó chính là sự đơn giản, thanh thoát nhưng vẫn không kém phần lịch sự, nghiêm túc của một chiếc máy tính doanh nghiệp.
Khung máy vẫn được hoàn thiện bằng hợp kim nhôm - magie cao cấp và nó thực sự rất chắc chắn. Chất liệu tạo nên những chiếc ExpertBook thì không còn gì phải bàn cãi về độ bền bỉ, sự chắc chắn và hoàn thiện tốt nữa, những chiếc ExpertBook như B9 9400 hay kể cả chiếc B5 OLED trước đây mình từng trên tay giới thiệu với anh em cũng đã có một sự bền bỉ và chắc chắn rồi, B7 Flip cũng không phải là ngoại lệ. B7 Flip cũng đạt độ đền tiêu chuẩn quân đội Mỹ STD-MIL810H.
Thật sự khá khó để tìm ra được điểm flex trên chiếc máy này, vì nó hoàn thiện quá tốt. Nhưng B7 Flip khá nặng (~1,4kg) nếu so với B9 cao cấp hay B5 OLED trước đây, nhưng dày và nặng hơn thì nó lại càng đem lại sự chắc chắn hơn
Những chiếc ExpertBook của ASUS luôn là một sự đơn giản nhưng lại không hề nhàm chán, nó mang đúng nghĩa một chiếc laptop doanh nghiệp, vẫn đẹp bởi chính cái sự đơn giản đó. Đơn giản từ mặt A với độc một logo ASUS và logo ExpertBook đặt ở góc cùng một đèn LED báo trạng thái, điều chúng ta đã thấy nhiều trên những dòng máy của ASUS từ dòng thấp như B hay cho đến dòng cao cấp nhất như B9.
Bản lề của máy cũng có thể mở bằng một tay, lực mở rất đều và thực sự là một chiếc bản lề cao cấp, nhưng nó không giữ màn hình của máy được ở những góc thấp và khá rung lắc khi để máy lên đùi sử dụng, đây là điểm thua thiệt của ExpertBook B7 Flip so với B9. Nhưng cũng phải nói rằng B7 Flip là một chiếc laptop có màn hình cảm ứng cũng như bản lề có khả năng xoay gập 360 độ, cùng với đó là phần màn hình cũng khá là nặng nên điểm này của máy có thể chấp nhận được.
Dòng máy ASUS thì anh em cũng biết điểm đặc trưng đó là bản lề ErgoLift, nó sẽ nâng khung bàn phím của máy lên một góc nhất định và đỡ cho phần gáy của máy là hai miếng đệm cao su, nhưng mình nghĩ lâu dần miếng đệm này sẽ mòn và ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng.
Quảng cáo
Về cổng kết nối thì ExpertBook nói chung và dòng B7 Flip nói riêng trang bị đầy đủ phải nói đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người dùng văn phòng. Chúng ta có 2 USB-C Thunderbolt 4 (hỗ trợ Daisy Chain), 1 cổng HDMI, 2 USB-A 3.2 gen 2, 1 cổng micro HDMI to RJ45 (đi kèm với adapter tặng kèm khi mua), một combo jack audio 3.5mm và thậm chí có cả khe smart card, mini DP và cả khe SIM 5G. Khe thẻ smart card khá quan trọng với môi trường doanh nghiệp nếu phải triển khai máy tính cho nhiều nhân viên. Còn khe SIM 5G thì option mình đang trải nghiệm với anh em không hỗ trợ, nhưng vẫn sẽ có tùy chọn nếu anh em lựa chọn thêm kết nối 5G.
Kết nối 5G trong tương lai gần sẽ là rất quan trọng trong bối cảnh làm việc hybird, tức là vừa kết hợp làm việc tại nhà mà vừa kết hợp làm việc tại công ty hoặc ở bất kì nơi đâu. 5G hay kết nối mạng mọi lúc mọi nơi sẽ giúp cho người dùng không bị ngắt quãng về flow làm việc khi không cần phải tìm chỗ có kết nối Wi-Fi.
Nhìn chung về thiết kế bên ngoài và cổng kết nối, trước hết đã toát lên đây là một chiếc máy doanh nghiệp cao cấp đúng nghĩa.
Màn hình
Màn hình của ExpertBook B7 Flip phiên bản mình đang trải nghiệm có độ phân giải FHD trên một kích thước 14", trang bị cảm ứng và xoay lật linh hoạt 360 độ, tấm phủ Private View chống trộm, độ sáng khá cao 500 nits và độ bao phủ màu sRGB là 100%.
Quảng cáo
Trước hết mình muốn chia sẻ với anh em về tấm phủ chống nhìn trộm Private View, đây vừa là điểm mạnh mà cũng vừa là nhược điểm. Điểm mạnh của nó chính là ngăn ngừa sự xâm phạm quyền riêng tư, nhìn lén của người khác vào màn hình máy tính, nhất là khi đang hiển thị những nội dung, thông tin quan trọng và bảo mật. Với Private View thì góc nhìn sẽ bị giới hạn ở hai bên và ở cả khu vực cạnh trên và dưới của máy nữa. Khi mình sử dụng B7 Flip thì góc nhìn thực tế của mình, lúc bật Private View thì chỉ ở một khoảng chính giữa màn hình là thực sự thoải mái và rõ nét mà thôi, nghiêng một chút xíu thì sẽ cảm thấy hơi khó chịu về góc nhìn. Còn nếu tắt Private View thì góc nhìn đỡ hơn chút nhưng về cơ bản là vẫn bị giới hạn.
Cũng chính từ việc trang bị Private View và bản thân tấm kính bảo vệ tấm nền của máy cũng đã là một lớp chống nhìn trộm nhẹ nên độ sáng 500 nit không thể hiện được quá nhiều, khi mình bật max độ sáng thì nó vẫn không thực sự sáng như mình mong đợi.
Màn hình cảm ứng trên ExpertBook B7 Flip và khả năng xoay gập 360 độ sẽ giúp ích trong một vài trường hợp cần chia sẻ nội dung, máy cũng sẽ tặng kèm một cây bút stylus để anh em có thể ghi chú, viết hoặc vẽ. Nhưng cũng chính vì tấm nền Private View mà việc chia sẻ nội dung với người đối diện cũng sẽ khó khăn hơn một chút. Mình nghĩ rằng, chỉ khi nào anh em có những nội dung và dữ liệu thực sự bảo mật mà nơi làm việc của anh em có quá nhiều sự tò mò thì mới cần đến tùy chọn Private View, còn lại thì nên lựa chọn option màn hình QHD+, độ phân giải sẽ cao hơn, độ sáng tuy 400 nit nhưng mình nghĩ sẽ không khác biệt so với 500 nit mà có Private View đâu. Tuy vậy, cần phải đảm bảo rằng những phần mềm doanh nghiệp của anh em hoạt động tốt trên một tấm nền độ phân giải cao nhé.
Viền màn hình của máy theo mình là hơi dày và nó phần nào làm máy kém đi sự hấp dẫn, nhưng khi dùng máy ở chế độ tablet thì nó sẽ có lợi. Phía trên màn hình là webcam với độ phân giải 720p, có thanh chắn đóng mở webcam chạy bằng cơm, không lo lắng về việc sẽ bị nhìn trộm hoặc thiếu bảo mật, thậm chí ASUS cũng cho người dùng tùy chọn nút tắt webcam ở dưới bàn phím nữa.
Nói về phương thức bảo mật của máy thì ngay từ phần cứng chúng ta sẽ có cảm biến khuôn mặt bằng hồng ngoại IR, cảm biến vân tay một chạm hoặc khe khóa Kensington.
Bàn phím, touchpad và loa
Phải nói rằng bàn phím của dòng ExpertBook chưa bao giờ làm mình phải thất vọng. Hành trình sâu 1,5mm, bề mặt keycap lõm nhẹ, layout hợp lý và đặc biệt là trải nghiệm gõ của nó rất tốt. Độ phản hồi nhanh, nhạy và chính xác làm minh rất thích gõ bàn phím của chiếc B7 Flip này. Trên bàn phím cũng có vô cùng nhiều những nút tính năng hỗ trợ cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Điểm đặc biệt trên bàn phím là ở 4 phím số 1,2,3,4. Đây là 4 phím tính năng mà người dùng có thể gán vào ở trong phần mềm ASUS ExpertWidget, mặc định thì phím số 1 sẽ là bật tắt hoặc tự động đèn trạng thái, phím số 2 là bật tắt tính năng Private View, phím 3 và 4 mặc định sẽ trống. Ngoài ra chúng ta cũng có những phím bật tắt microphone, bật tắt tính năng khử ồn bằng AI, bật tắt đèn nền (tuy chỉ có một mức sáng duy nhất), tăng giảm âm lượng. Mà nói về tăng, giảm âm lượng thì ASUS còn bố trí hẳn một phím cứng như trên điện thoại ở phía cạnh phải của khung bàn phím nữa, rất nhiều tùy chọn cho người dùng.
Về touchpad, nó có diện tích thiên về chiều ngang, phủ kính, hỗ trợ precision driver và đặc biệt là tích hợp phím số numpad. Nhưng trải nghiệm của mình về touchpad không được hài lòng như bàn phím, vì diện tích thiên chiều ngang nhưng lại thiếu về chiều dọc, trong khi phần thừa ở cạnh dưới touchpad thì quá nhiều, ASUS đáng lẽ có thể làm touchpad to hơn, xài sướng hơn nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có trên touchpad của ExpertBook B7 Flip. Hơn nữa là khả năng tracking của B7 Flip chưa chính xác lắm, hay bị chạm nhầm vào phần lòng bàn tay. Tuy vậy touchpad của B7 Flip có tích hợp NFC hỗ trợ FIDO2, đây là tùy chọn dành riêng cho doanh nghiệp.
Loa của B7 Flip cũng ở mức khá tốt so với những chiếc ultrabook mình từng trải nghiệm trong tầm giá này, được tune bởi Harman/Kardon và âm lượng của nó khá lớn.
Cấu hình
Cấu hình cũng là một điểm đặc biệt trên chiếc ExpertBook B7 Flip này, cụ thể:
- CPU: Intel Core i7-1195G7, 4 nhân 8 luồng, xung nhip 2.9GHz - 5.0GHz, TDP 28W, 12MB cache.
- Nhân đồ họa Iris Xe Graphics.
- RAM: 16GB DDR4 3200MHz.
- SSD: 1TB NVMe.
Core i7-1195G7 là một vi xử lý mà mình ít thấy ở trên những chiếc laptop ultrabook, thông thường là COre i7-1165G7 với mức TDP thấp hơn. Về bản chất Core i7-1195G7 là một phiên bản xung nhịp cao hơn của i7-1165G7 và rõ ràng trên thông số, nó có thể boost lên 5.0GHz (dĩ nhiên ở điều kiện lý tưởng). Trong thử nghiệm thực tế của mình với Cinebench R23 thì điểm số đơn nhân và đa nhân của Core i7-1195G7 trên ExpertBook B7 Flip khá cao, công suất ổn định ở mức 28W, xung nhịp ổn định ở mức 4.4GHz toàn nhân, turbo boost đơn nhân mình thấy cao nhất ở mức 4.8GHz.
Nhiệt độ của CPU khi kiểm tra cao nhất là 92 độ khi chạy benchmark và mình thấy rằng hệ thống tản nhiệt chỉ với 1 quạt và 3 ống đồng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, phần nhiệt lượng tỏa ra phả thẳng vào khu vực bản lề của màn hình, anh em lưu ý về vấn đề này. Dù sao đây là cũng là một chiếc ultrabook văn phòng và việc khai thác chiếc máy này ở những tác vụ quá sức dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến hiệu năng. Tuy vậy nếu không khai thác hết được sức mạnh của Core i7-1195G7 thì trang bị Core i7-1165G7 cũng đã đủ.
Về khả năng nâng cấp, máy có thể nâng cấp dược tối đa 64GB RAM và SSD tối đa là 2TB. Khe thẻ smart card cũng có thể thay thế nếu muốn.
ExpertBook B7 Flip có khá nhiều tính năng hỗ trợ cho công việc cũng như hỗ trợ cho môi trường doanh nghiệp, hầu như đều được tập trung vào phần mềm My ASUS. Chúng ta có thể tùy chọn về mức hiệu suất thiết bị, micro và loa khử ồn AI, các tùy chọn về màu màn hình, kết nối Wi-Fi thông minh. Bên cạnh đó là hai ứng dụng cũng rất cần thiết là ASUS ExpertWidget (tùy chỉnh về 4 phím chức năng), ASUS Business Manager cho phép khoá các cổng kết nối, mã hóa ổ đĩa...
Thời lượng sử dụng pin
ExpertBook B7 Flip có viên pin 3-cell dung lượng 63Wh, một dung lượng không quá cao nhưng thời lượng sử dụng pin thì ngược lại. Với các nhu cầu lướt web, nhắn tin, giải trí YouTube, soạn nội dung trên Evernote và chỉnh Lightroom ở mức cơ bản (file jpg), độ sáng ở mức 95% dù bật hay tắt Private View thì mình có thể dùng máy trọn vẹn một ngày khoảng 8 tiếng, một thời lượng sử dụng rất ổn cho một chiếc laptop văn phòng.