Đứng trước nhiều lựa chọn mang laptop nào để đồng hành trong chuyến đi “Tinh tế On the Road” mùa 3, mình đã không ngần ngại chọn chiếc ROG Flow Z13 vì quá nhiều lợi ích mà nó có thể mang lại cho mình trong chuyến đi. Tại sao lại là Flow Z13, mời anh cùng theo dõi video và bài viết nhé.
Dạng mình hay dùng nhất khi đi du lịch: tháo bàn phím ra dùng như tablet để coi video, lướt web.
Cơ động, linh hoạt
Ngay từ lần đầu tiên cầm vào chiếc Z13 này, mình đã cảm thấy rất hứng thú về sự sáng tạo của Asus khi họ đưa ra giải pháp quá hay để một chiếc laptop giờ đây vừa gọn gàng để di chuyển, nhưng lại cực mạnh mẽ nếu muốn và không kém phần sáng tạo.
Dạng mình hay dùng nhất khi đi du lịch: tháo bàn phím ra dùng như tablet để coi video, lướt web.
Flow Z13 có khả năng biến hóa tới ba dạng: dạng tablet rời, dạng laptop khi gắn vào bàn phím đi kèm, và dạng gắn với XG Mobile cho phép tối đa hiệu năng trên chiếc máy này. Mỗi một dạng sẽ đáp ứng vừa đủ cho mỗi nhu cầu của anh em, cho phép chúng ta lựa chọn mang theo bên mình một chiếc máy tính bảng Windows nhỏ gọn khi chỉ cần lướt web, đọc báo,… hay cao siêu hơn là biến nó thành cỗ máy chơi game bằng cách gắn thêm vào đó một chiếc eGPU rời.

Ngoài sự khả năng chuyển thể đa dạng, bản thân chiếc Flow Z13 cũng là một chiếc máy rất nhỏ. Với trọng lượng chỉ 1.52kg, bao gồm cả bàn phím, cho một chiếc máy 13.4 inch, có thể nói đây là một trong những chiếc gaming laptop gọn nhẹ nhất mà mình từng sử dụng qua. Kể cả khi anh em muốn khai thác tối đa hiệu năng bằng rời gắn thêm chiếc XG Mobile bên ngoài thì trọng lượng của chiếc eGPU này cũng chỉ nặng có 1kg mà thôi, vẫn nhẹ nhàng hơn một số gaming laptop khác và anh em hoàn toàn có thể tháo để ở khách sạn hay ở nhà nếu thấy không cần thiết.

Cấu hình và hiệu năng
Phiên bản mình đang dùng có cấu hình khủng nhất trong dòng Flow Z13 với CPU Core i9-12900H, 16GB RAM và SSD 1TB. Có thể nói đây là một trong những chiếc laptop sở hữu cấu hình mạnh mẽ nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vì sử dụng một con chip hiệu năng quá cao bên trong một chiếc máy có thân hình mỏng gọn, nhà sản xuất buộc phải khóa con chip này lại ở mức 50W, tức là sẽ bị giảm hiệu năng so với những mẫu laptop “thuần gaming” khác vốn có thể khai thác tối đa công suất của CPU.
Dù vậy, trải nghiệm sử dụng của mình hầu như không hề có bất kỳ vấn đề gì để phàn nàn. ROG Flow Z13 vẫn thể hiện đây là một chiếc máy cực kỳ mạnh mẽ, bất kể là xử lý công việc hay chơi game.
Quảng cáo

GPU 3050Ti khiến trải nghiệm chơi các tựa game như F1@2022, CyberPunk, Liên Minh, Fifa 22 hay Fifa Online 4 trở nên đơn giản, mượt mà, chẳng có vấn đề gì để phàn nàn đối với mình. Thậm chí mình còn chơi mà không cần cắm thêm eGPU.

Mình xin phép không chia sẻ các số liệu benchmark trong bài viết này, vì mình vốn là người không quan tâm nhiều lắm đến cấu hình, chủ yếu trải nghiệm là chính. Bên cạnh đó, các tựa game mình chơi đa phần không quá nặng, nên rất khó để nói về hiệu năng một cách chi tiết. Nếu anh em quan tâm có thể tham khảo bài do mod @Pnghuy, có phần benchmark ở phía dưới nhé.

Các tựa game không đủ sức làm khó, dĩ nhiên xử lý công việc trên chiếc máy này là quá đơn giản. Excel, Photoshop, Lightroom hay Premier Pro đều có thể hoàn thành một cách dễ dàng. Các tác vụ như soạn bài viết trên Tinh tế, xử lý các file Excel hay chỉnh sửa hình ảnh, dựng phim đơn giản đều được ROG Flow Z13 đáp ứng một cách dễ dàng.
Quảng cáo

XG Mobile - eGPU rời cho những ai cần một chiếc máy mạnh mẽ hơn
Bản thân ROG Flow Z13 là một chiếc laptop rất mạnh. Nhưng nếu anh em vẫn thấy chưa đủ, Asus sẽ tiếp tục chiều lòng anh em. XG Mobile là một eGPU được bán riêng dành cho các máy như Flow X13 hay Z13 để giúp khai thác tối đa sức mạnh xử lý đồ họa. Cái hay của giải pháp này, như mình đã nói, đó là giúp chiếc máy đạt được sự cơ động, nhưng khi cần “hardcore”, nó vẫn có thể đáp ứng.
XG Mobile kết nối với Z13 thông qua một chuẩn kết nối riêng với 8 lane PCI-e băng thông lên tới hơn 60Gbps, tức là lớn hơn cả Thunderbolt. Với kết nối này, máy sẽ gửi tín hiệu xử lý đồ họa tới con GPU 3080, vốn là một con GPU rất mạnh mẽ. Nhờ được gắn riêng bên ngoài nên XG Mobile tự tin trang bị một hệ thống tản nhiệt được tối ưu hơn, giúp khả năng xử lý của toàn hệ thống luôn ở mức mượt mà nhờ việc không gặp tình trạng quá nhiệt.

Cũng nhờ giải pháp eGPU này nên con 3080 của nó có thể đạt được hiệu quả tối đa nếu so với những chiếc laptop gaming được tích hợp RTX 3080 vào thẳng body máy. Đồng thời, việc có thể tháo lắp dễ dàng cũng là một yếu tố giúp cả hệ thống cơ động hơn rất nhiều như mình đã nói. Phải nhấn mạnh tính cơ động này nhiều lần vì khi di chuyển nhiều như du lịch hay công tác thì đây là một điều rất quan trọng cần cân nhắc tới.

Khi gắn XG Mobile vào thì nó cũng có vai trò như một adapter sạc. XG Mobile sẽ ăn tổng cộng 280W, trong đó 100W sẽ sạc cho chiếc Flow Z13 và phần còn lại để nuôi RTX 3080.

Một điểm cực kỳ lợi mà XG Mobile mang lại cho người dùng đó chính là nó có thể đóng vai trò như một chiếc hub USB. XG Mobile cho anh em thêm 4 cổng USB-A để cắm các thiết bị ngoại vi, một HDMI và một Display Port có khả năng kéo màn hình độ phân giải 4K để mở rộng không gian làm việc, bù đắp phần nào việc chiếc máy chỉ có màn hình 13.4 inch. Ngoài ra, nó cũng có sẵn một khe thẻ SD để anh em có thể xử lý hình ảnh, video rất tiện lợi.

Thiết kế của XG Mobile cũng rất gọn gàng, nhẹ chỉ tầm 1kg. Trông nó rất cơ bản dù vẫn giữ một vài đường nét cực kỳ nam tính, gaming.
Bàn phím, touchpad, loa
Bàn phím và bàn rê chuột cũng là thứ mà mình rất hài lòng khi sử dụng chiếc Z13 này. Bàn phím có hành trình đủ lớn để cảm giác gõ tự tin, và rất chính xác. Dù rất mỏng nhưng khi mở ra, ASUS rất thông minh khi làm cơ chế nam châm giúp nâng một phần cạnh trên của bàn phím lên cao để tạo độ dốc, khá dễ gõ. Phần kê tay mình không rõ làm bằng chất liệu gì, nó hơi giống được phủ cao su non, kê vào bám tay và rất êm. Bù lại thì mình cảm thấy nó hơi dễ dính bụi bẩn.
Touchpad có độ nhạy tốt, độ chính xác khi rê rất cao và mình cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi sử dụng mà không cần phải mang theo chuột. Dù vậy, kích thước của bàn rê hơi nhỏ nên đôi lúc sẽ cảm thấy bị “thiếu thiếu”. Nói đi thì cũng phải nói lại, với kích thước tổng thể gọn gàng như thế này, khó có thể đòi hỏi một chiếc bàn rê to hơn được.

Loa của chiếc máy này không hay, nó hơi đục và âm lượng cũng không quá tốt. Phần nào điều này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm giải trí của anh em. Nhưng nếu không khắt khe quá thì loa trên chiếc Flow Z13 này vẫn có thể làm tròn vai trò giúp anh em nghe “chống điếc” khi coi phim hay chơi game.
Màn hình
Phiên bản Core i9 mà mình đang sử dụng có độ phân giải FHD, độ sáng màn hình lên tới 500 nits, không gian màu sRGB đạt 100% và Adobe RGB đạt tầm 70%. Ngoài ra, anh em có thể lựa chọn option màn hình 4K 60Hz. Có lẽ nhà sản xuất chỉ dừng lại ở con số 60Hz cho phiên bản 4K vì muốn tối ưu năng lượng, hiệu năng và nhiệt lượng tỏa ra của máy. Nhìn chung, đây là một chiếc màn hình tốt, màu sắc đẹp, độ sáng cao và đáp ứng đủ cho nhu cầu công việc cũng như giải trí của anh em.
Bên cạnh đó, cá nhân mình vốn thích màn hình nhám chống chói hơn là dạng glossy, bóng. Màn hình glossy sẽ khiến anh em phần nào khó nhìn khi sử dụng trong môi trường ánh sáng mạnh, và khiến vết bám vân tay dễ thấy hơn. Tuy nhiên nó cho phép trải nghiệm hiển thị đẹp, sắc nét và màu sắc tươi tắn hơn so với dạng matte.

Nhiệt độ
Một điểm mình khiến mình khó chịu ở chiếc Flow Z13 này chính là nó khá dễ nóng. Mình đọc thấy người ta sử dụng tản nhiệt buồng hơi để giúp tối ưu hơn và êm ái hơn, tuy nhiên mình thấy máy khá dễ nóng dù không làm việc tác vụ nặng và cũng không cắm sạc.
Cơ bản là lướt web, coi YouTube thì thấy máy cũng ấm lên. Nếu dùng một thời gian lâu hơn thì thậm chí quạt tản nhiệt còn chạy rất ồn. Bù lại, anh em chỉ thật sự cảm thấy khó chịu bởi vấn đề nhiệt độ nếu xử dụng Flow Z13 ở chế độ máy tính bảng mà thôi. Phần nóng thường nằm ở phía trên của chân chống, nên anh em cũng có thể khắc phục bằng cách cầm vào khu vực có chân chống thì sẽ mát hơn. Còn khi dùng ở dạng laptop thì hầu như không vấn đề gì, kể cả khi đặt lên đùi làm việc.

Dù mình coi là khuyết, nhưng mình cũng không thể yêu cầu tốt hơn vì thân hình mỏng và nhỏ như thế này là quá khó để giúp phần cứng bên trong tản nhiệt tốt được. Nếu cầm trên tay cảm thấy nóng, anh em có thể xoay máy để cầm vào phần có chân đế, phần này không có quạt tản nhiệt và chân chống cũng tạo thành một lớp thứ hai giúp cảm giác cầm mát mẻ hơn (như trong hình).
Bên cạnh, dù hay nóng nhưng khi dùng ở dạng laptop, phần nhiệt lượng được tỏa ra ở cạnh trên của máy chứ không phát nhiệt ở khu vực bên dưới bàn phím như các laptop truyền thống, nên anh em để lên đùi làm việc thì cũng không gặp khó chịu.
Pin
Pin của máy mình thuộc dạng tốt trong thế giới laptop, chưa kể đây vốn là một chiếc gaming laptop cấu hình khủng nữa. Mình hay cầm ra quán cà phê để làm việc, nếu không gắn sạc thì sau mỗi lần làm việc tầm 2 tiếng thì máy còn tầm 50 đến 60% với điều chỉnh độ sáng màn hình 80%, chế độ hiệu năng cao. Mình thấy đây là một thời lượng pin rất ổn. Sạc của máy tương đối nhanh, tối đa có thể đạt được 50% chỉ trong 30 phút. Nhìn chung, thời lượng pin của Flow Z13 là hoàn toàn ổn cho anh em mang vác ra cà phê hay đi đâu đó làm việc mà không cần sạc.
Tóm lại, Flow Z13 đối với mình là một chiếc laptop cực kỳ thú vị. Nó mang cho mình cảm giác sử dụng cực kỳ tuyệt vời khi đi công tác nhờ vào sự tiện lợi của nó. Cấu hình thì không phải bàn. Các trải nghiệm như bàn phím, bàn rê và màn hình cũng đều rất ngon. Bỏ qua một vài trải nghiệm mà mình cho là không quá ngon thì đây vẫn là một chiếc laptop Windows tuyệt vời.