Zephyrus Duo 16 là một chiếc laptop gaming, à không, một chiếc laptop dành cho creator, à cũng không, đây là chiếc laptop dành cho cả hai đối tượng người dùng đó. Cá nhân mình thấy rằng, Duo 16 có nhiều thứ có thể giúp ích cho cả game thủ lẫn người dùng sáng tạo. Hơn hết, Zephyrus Duo 16 là một chiếc laptop hay gọi cách khác là một thiết bị sáng tạo được nâng cấp nhiều so với phiên bản Duo 15 của năm ngoái.
Ngay trong cái tên và nhìn vào máy anh em cũng biết được điều gì thú vị và đáng mong chờ, đáng giá nhất trên chiếc máy này? Đó chính là màn hình, mà không chỉ một, chúng ta có đến hai chiếc màn hình trên cùng một chiếc máy tính. Không thể phủ nhận rằng ROG là một hãng rất chịu khó sáng tạo, mỗi năm và mỗi một dòng máy họ lại tạo ra cái gì đó vui vẻ, độc lạ hay thậm chí là dị để người dùng có một ấn tượng ban đầu.
Màn hình là điểm nhấn đáng chú ý nhất
Ngay trong cái tên và nhìn vào máy anh em cũng biết được điều gì thú vị và đáng mong chờ, đáng giá nhất trên chiếc máy này? Đó chính là màn hình, mà không chỉ một, chúng ta có đến hai chiếc màn hình trên cùng một chiếc máy tính. Không thể phủ nhận rằng ROG là một hãng rất chịu khó sáng tạo, mỗi năm và mỗi một dòng máy họ lại tạo ra cái gì đó vui vẻ, độc lạ hay thậm chí là dị để người dùng có một ấn tượng ban đầu.
Ấn tượng với mình là hai màn hình cực kì ngầu, cực kì dị mà mình không thấy trên laptop rất lâu rồi và nó đóng vai trò chính xác như tên gọi, một chiếc màn hình thứ hai để chúng ta mở rộng không gian làm việc và có thể đa nhiệm nhiều hơn. Với mình, ấn tượng và ngầu đấy, dị đấy nhưng nó phải hữu ích hoặc ít ra đem cho mình sự thích thú trong quá trình sử dụng, không phải dừng lại chỉ là một những ấn tượng ban đầu rồi thôi.
Đầu tiên mình có thể sử dụng nó ở nhiều chế độ khác nhau, đúng như với một chiếc màn hình thứ hai, mình kéo thả nội dung, đa nhiệm được nhiều hơn, mở được nhiều cửa sổ hơn và đó là thứ hữu dụng nhất mà mình cảm nhận được. Khi chơi game, mình có thể chơi ở màn hình 16" lớn phía trên, còn màn hình phía dưới, chúng ta có thể steam game và tương tác với người xem (đối với streamer) hoặc xem hướng dẫn game hoặc xem bất cứ thứ gì chúng ta thích, điều không thể làm được với chỉ một chiếc màn hình.
Đối với công việc sáng tạo, làm nhạc, làm ảnh thì có rất nhiều cách chúng ta có thể tận dụng chiếc màn hình thứ hai này, từ live view sản phẩm, hoặc chỉnh màu, hoặc đơn giản là tìm kiếm thông tin cho sản phẩm đang làm ở màn chính. Cá nhân mình không làm việc ở lĩnh vực này nên cũng không rõ anh em sẽ tối ưu cho màn hình thứ hai này như thế nào, anh em có thể để lại bình luận ở dưới nhé.
Tóm lại, sự hữu dụng là có và đơn giản là chỉ cần có thêm một chiếc màn hình nữa bên cạnh màn hình chính đã là có ích cho chúng ta rồi.
Quảng cáo
Năm nay sự thay đổi của Duo 16 so với thế hệ tiền nhiệm cũng đến từ chính màn hình này, anh em thấy bây giờ nó đã liền mạch hơn so với màn hình chính, không còn một dải đen dày chia cắt nữa, tạo thêm sự liền lạc và trải nghiệm đem lại thực sự là thích, rất thích. Màn hình chính của Duo 16 cũng được mở rộng lên thành 16", tỉ lệ 16:10 và nó được trang bị tấm nền miniLED, đem lại cho nó một chất lượng hiển thị phải nói là tuyệt vời và mức giá cũng chót vót hơn năm ngoái, lên đến 130 triệu đồng.
MiniLED cũng là một trong những yếu tố đầu tiên cho tiêu chuẩn Nebula HDR của ROG. Cụ thể:
- Tấm nền miniLED 16" QHD+ (2560 x 1600), 512 local dimming zone.
- Tốc độ làm tươi 165Hz, 3ms.
- Độ sáng đỉnh 1000 nits, đạt chuẩn Dolby Vision HDR, VESA DisplayHDR 1000.
- 100% ở cả DCI-P3 và sRGB, độ sâu màu 10-bit.
- Đạt chứng nhận Pantone.
- Tương thích Freesync Premium Pro, Adaptive Sync.
Màn hình thứ hai sẽ có độ phân giải 3840 x 1100, tấm nền IPS, tốc độ làm tươi 60Hz và đạt 100% sRGB. Phía trên màn hình của Duo 16 cũng có webcam tích hợp cảm biến IR mở khoá khuôn mặt thông qua Windows Hello.
Trải nghiệm của mình với màn hình của Duo 16 là không có gì phải chê, tầm giá 130 triệu đồng cao cấp, tấm nền miniLED với một loạt lợi ích to lớn so với tấm nền IPS LCD thông thường đã đủ để chứng minh cho điều đó. Từ chơi game, làm việc, giải trí xem phim cho đến làm việc liên quan đến hình ảnh, màu sắc đều rất đã vì màu sắc chính xác và độ bao phủ màu cao. Tuy vậy điểm tiếc nhất với mình ở chiếc màn hình này đó là nó sử dụng tấm phủ anti-glare, nó làm bớt đi sự trong trẻo, bớt sự độ sâu của màu đen so với màn hình IPS, nói chung nó làm giảm đi độ sướng của mình khi sử dụng, phải chi đây là tấm nền glossy thì thực sự tuyệt vời.
Quảng cáo
Với màn hình thứ hai cũng vậy, nó cũng được phủ lớp matte, mặc dù có góc nâng là 13 độ sẽ tuyệt vời cho việc tản nhiệt, nhưng lại không tuyệt trong trải nghiệm nhìn, mình phải hơi cúi hoặc phải ngồi ngay ngắn, cố định một chỗ để nhìn được chiếc màn hình này rõ ràng nhất. ROG đã giải quyết được một vấn đề của phiên bản năm ngoái là sự chia cắt của viền màn hình chính, năm nay đã giải quyết được nhưng độ nâng của màn hình phụ vẫn là hơi thấp, nó phải cao lên thêm tí nữa để người dùng có một trải nghiệm thoải mái hơn và cá nhân mình thích một tấm nền glossy hơn matte, nếu như đã trang bị miniLED. Một điểm nữa mình cũng thấy chưa ngon trên màn hình phụ đó là tốc độ làm tươi chỉ là 60Hz, chưa tương xứng và đồng đều trong trải nghiệm.
Về gaming, mình trải nghiệm thử tựa game Dyling Light 2 - Stay Human thì đây là một tựa game hỗ trợ full hai màn hình của Duo 16 và thực sự cảm giác chơi rất lạ, rất tuyệt khi thế giới trong game được mở rộng tối đa và hai màn hình hỗ trợ một cách tuyệt vời cho mình trong việc chơi game này. Thú thật mình chưa chơi game này trên những chiếc laptop một màn hình bao giờ nhưng thực sự chơi hay làm bất cứ phần mềm, game nào hỗ trợ hai màn hình một cách trọn vẹn thì trải nghiệm nó rất khác biệt, giống cái cách những phần mềm tận dụng Touch Bar của MacBook vậy, rất ngầu.
Cấu hình và hiệu năng mạnh mẽ
Một chiếc laptop 130 triệu đồng thì còn nghi ngờ gì về hiệu năng mà nó mang lại nữa. Nhưng trước hết mình muốn chia sẻ với anh em trước về cấu hình siêu khủng của chiếc máy này. Chúng ta có một dàn những "hàng chất" sau đây:
- GPU: NVIDIA RTX 3080 Ti 16GB DDR6, TGP Max 165W.
- CPU: AMD Ryzen 9 6900HX 8 nhân 16 luồng, dTDP 45W, xung boost 4.9GHz, L3 cache 16MB.
- RAM: 32GB DDR5-4800MHz.
- SSD: 2TB PCIe 4.0 RAID 0.
Trên đây là điểm số benchmark Cinebench R23 của Zephyrus Duo 16 và chiếc laptop “anh em” Zephyrus G14 2022 đã chứng tỏ sức mạnh đơn nhân lẫn đa nhân của con CPU này. Tuy mạnh thật, nhưng có một điều mình phát hiện ra rằng, nếu anh em bật chế độ manual bên trong phầm mềm Armoury Crate và chỉnh SPL (tương tự PL1 với CPU Intel) ở 90W và SPPT ở 100W (tương tự PL2) thì xung có thể đẩy lên đến 4.5GHz cho toàn nhân và lúc này nó sẽ ăn chỉ khoảng 70W điện, tối đa là 80W. CPU lúc này full load 100% và quạt gió quay ở 4500 vòng/phút và độ đồn khoảng 47dB, nhiệt độ cao nhất là 80 độ C.
Mình thử với Prime95 thì thấy rằng công suất tiêu thụ điện của Duo 16 ngấp nghé lên mức 100W và ổn định ở khoảng 90W, vừa đúng với mức PL1 của con CPU này. Nhiệt độ lúc này mình kiểm tra bằng HWinfo64 là trên 90 độ. Tương tự như vậy với Cinebench R20 thì Ryzen 6900HX đều rất mạnh mẽ. Tuy nhiệt độ có cao nhưng hệ thống tản nhiệt của máy đã làm việc hiệu quả. Sau khi mình chuyển về Turbo thì máy vẫn giữ được một mức công suất cao nhưng nhiệt độ giảm còn khoảng 89 độ mà thôi, với cá nhân mình đây là một mức nhiệt độ chấp nhận được với chiếc máy có hiệu năng cao như Duo 16.
Bản thân Zephyrus Duo 16 có hệ thống tản nhiệt AAS Plus 2.0 và phần màn hình phụ nâng 13 độ giúp tăng hiệu quả hút gió đến 30% và thật sự hệ thống của nó làm việc rất hiệu quả.
Về GPU, RTX 3080 Ti trên Duo 16 đã phô diễn hết sức mạnh mà nó có, mình chơi RDR2 trong vòng 2-3 tiếng mỗi ngày trong kì nghỉ vừa rồi và mức fps trung bình mà mình nhận lại được là khoảng 70fps, một con số khiến mình hài lòng với tựa game AAA này. Nhiệt độ của GPU cũng mát một cách bất ngờ khi suốt quá trình mình chơi game nhưng nhiệt độ của GPU chỉ loanh quanh 76-79 độ mà thôi, rất hiếm khi vượt ngưỡng 80 độ trong khi công suất GPU thì luôn ở mức 150W khi chơi game.
Bàn phím & touchpad
Bàn phím và touchpad của Duo 16 tương tự như phiên bản năm ngoái về cảm giác gõ, hành trình (hơi nông), keycap của Duo 16 có sự thay đổi khi nó trông bình thường hơn, không còn vẻ góc cạnh như Duo 15 nữa.
Vì phần mặt C được dành phần lớn cho màn hình phụ thứ hai nên bàn phím cũng như touchpad của máy được đẩy hết về phía bên dưới và trải nghiệm với mình là chưa ổn lắm, nó khiến mình phải ngồi xa màn hình hơn và hơi chới với khi phải gõ phím, không tự tin cho lắm. ROG có lẽ cũng biết điều này nên tặng kèm cho người dùng một miếng đệm kê tay để cho cảm giác gõ tốt hơn nhưng nó vẫn không bằng những chiếc laptop có chiếu nghỉ tay. Bù lại, bàn phím của Duo 16 có đèn LED RGB từng phím và tuỳ chỉnh được nhiều hiệu ứng.
Touchpad của Duo 16 thì giống như đúc phiên bản cũ, diện tích nhỏ và hơi khó sử dụng, vị trí đặt cũng không thuận tiện so với một chiếc laptop. Trên touchpad của máy cũng tích hợp bàn phím số numpad như những chiếc laptop ASUS khác.
Thiết kế
Nhìn vào Duo 16 ban đầu và trên hình ảnh, anh em hay cá nhân mình thấy nó khá to và cồng kềnh, nhưng khi gập máy lại thì bất ngờ là nó chỉ gọn tương đương với những chiếc laptop gaming khác, chỉ 2,5kg. Điều quan trọng là hai màn hình của Duo 16 không làm cho chiếc máy to hơn, dày hơn so với phiên bản cũ.
Về chất lượng build và hoàn thiện của Duo 16 mình thấy rất tốt, chắc chắn và không có độ flex ở bất kì vị trí nào, thậm chí màn hình thứ 2 của Duo 16 còn chịu lực lên đến 20kg và thiết kế sát với màn hình chính là điểm thay đổi đáng khen trong thiết kế.
Nếu so với những chiếc ultrabook cao cấp thì sự sắc xảo trong hoàn thiện, trong những đường nét cắt gọt tại những chi tiết nhỏ thì chưa bằng, nhưng nếu so trong phân khúc laptop gaming thì Zephyrus Duo 16 không thua kém bất kì một đại diện nào.
Về cổng kết nối, Duo 16 được trang bị USB-C 3.2 gen 2, một khe thẻ microSD, một jack 3.5mm, 2xUSB-A, 1xHDMI, 1xRJ45 và một jack nguồn DC, khá là đầy đủ và phục vụ tốt cho anh em gamer lẫn anh em creator, hơi tiếc là khe thẻ microSD sẽ không hữu dụng lắm trong một vài trường hợp.
Về thời lượng sử dụng pin, trước hết Duo 16 có viên pin dung lượng 90Wh và 4-cell pin tất cả, nhưng thực sự trong quá trình sử dụng mình đặt để máy một số và luôn cắm sạc trong khi dùng nên chưa thể biét được chính xác với các tác vụ cơ bản như lướt web, nhắn tin hay xem YouTube và bật cả hai màn hình thì sẽ dùng được bao lâu. Nhưng khi mình để máy ở 75% và quay video này cho anh em khoảng gần 1 tiếng thì thời lượng sử dụng pin nó tụt xuống còn 18%, độ sáng để ở 80% và mức hiệu năng thiết lập ở Silent. Từ đó mình ước lượng rằng, khi dùng máy ở một màn hình (tắt màn hình phụ) và độ sáng thiết lập ở mức 75%, sử dụng với các tác vụ cơ bản thì Duo 16 sẽ trụ được khoảng đâu đó 2 tiếng đến 2 tiếng rưỡi. Xét một cách công bằng thì đây là điều dễ hiểu khi Duo 16 có đến hai chiếc màn hình, đều có độ phân giải cao và màn hình chính lại sở hữu tấm nền miniLED, vì thế thời lượng sử dụng pin sẽ không thể lâu.
Với ROG Zephyrus Duo 16 sau một tuần trải nghiệm, với mình đây là chiếc laptop rất ngầu, vô cùng dị và làm cho mọi người phải tò mò về nó, muốn nhìn nó và muốn thử trải nghiệm nó. Khoan nói đến việc nó có thật sự hữu dụng hay không nhưng trước mắt ROG đã thành công về mặt truyền thông, còn để đánh giá nó hữu dụng thì sau quá trình trải nghiệm thì có thể nhận định được rằng, Zephyrus Duo 16 là một chiếc laptop sáng tạo, đáng giá cả về thiết kế, công năng, màn hình, cấu hình (mặc dù hiệu năng chưa thực sự được bung tỏa), sự khẳng định về cá tính bản thân cho dù mức giá của nó là không phải dành cho tất cả mọi người.