Chỉ sau vài tháng ra mắt Go Blu, iFi tiếp tục trình làng mẫu DAC/amp xDSD Gryphon hướng đến phân khúc khách hàng có nhu cầu cao hơn về một chiếc USB DAC ( có Bluetooth, chơi DSD, MQA, công suất khỏe hơn, có lineout 4.4mm và cả 3.5mm để sử dụng như một DAC thuần xuất ra amplifier hoặc preamp cho các hệ thống lớn). Giá của XDSD Gryphon là 13.990.000 VNĐ.
Hộp sản phẩm
THIẾT KẾ, PHỤ KIỆN, CÁC CHỨC NĂNG
Hộp sản phẩm
Phụ kiện đi kèm Gryphon khá đầy đủ gồm cable USB-to-USB-C, cable 2 đầu USB-C, cable USB-C-to-Lightning, túi nhung đựng, tờ hướng dẫn sử dụng.
Chất lượng gia công của Gryphon nhìn chung khá tương đồng với xCAN và XDSD tuy nhiên phần vỏ máy đã được gia cố cứng cáp hơn một chút, đi kèm với màn hình OLED hiển thị đầy đủ các thông số chơi nhạc như sample rate, XBass, XSpace, lượng pin, loại codec và âm lượng.
Màn hình hiển thị này có một line cấp nguồn riêng với công nghệ SilentLine nên không gây nhiễu cho hệ thống.
Gryphon được tích hợp jack input 3.5mm và 4.4mm ở mặt trước (giống Hip-Dac). Núm âm lượng được đặt chính giữa mặt máy, phía bên phải là phím XBass và XSpace (cho phép kích hoạt từng chế độ riêng biệt hoặc cả 2 cùng lúc), cuối cùng là phím chọn input (cũng là phím pair Bluetooth). Khi nhấn phím này, Gryphon sẽ chuyển đổi giữa các chế độ Bluetooth, USB, SPDIF và Line-in.
Quảng cáo
Mặt sau máy là ngõ line-out Balanced 4.4mm, Single-Ended 3.5mm để xuất tín hiệu analog thuần, cổng data USB-C, cổng sạc USB-C và switch chuyển đổi các chế độ XBass (Bass, Presence và Combination).
Gryphon cũng được tích hợp công nghệ IEMatch cho phép chuyển đổi giữa kết nối 4.4mm và 3.5mm. IEMatch là một giải pháp phối hợp, điều chỉnh trở kháng ngõ ra để đảm bảo là bạn cắm tai nghe in-ear độ nhạy cao vào nó không bị xì và ồn nền.
TRẢI NGHIỆM NHANH
Khi bạn cắm điện thoại vào XDSD Gryphon, xoay núm chỉnh âm lượng thì màn hình điện thoại cũng sẽ báo mức âm lượng đang nghe luôn. Tuy nhiên, XDSD Gryphon không sử dụng volume số, phụ thuộc vào smartphone như các loại tai nghe True Wireless hay các dongle USB mà ta thường thấy. Khi kết nối với smartphone, XDSD Gryphon sẽ gửi tín hiệu đến hệ điều hành để bỏ qua (bypass) phần volume control của hệ điều hành, đảm bảo rằng tín hiệu số được cấp đến mạch giải mã của Gryphon không bị giới hạn, phần volume trên Gryphon được mạch khuếch đại analog đảm nhận. Bằng cách tinh chỉnh phần mềm, khi bạn xoay volume trên XDSD Gryphon, màn hình điện thoại sẽ đồng bộ hóa việc hiển thị mức âm lượng đang nghe để người dùng dễ theo dõi xem mình đang ở mức volume bao nhiêu, iFi gọi đây là công nghệ CyberSync.
Quảng cáo
Để giải mã tín hiệu số cho ngõ USB và Bluetooth, iFi XDSD Gryphon sử dụng chip DAC Burr-Brown và chipset QCC 5100 hỗ trợ Bluetooth 5.1, đi kèm cùng bộ master-clock thế hệ mới để giảm nhiễu jitter cho USB Input. Chip DAC Burr-Brown sẽ cung cấp khả năng giải mã bit-perfect và cho phép stream MQA, DSD 512 qua cổng USB, khi sử dụng ngõ S/PDIF input, nó giải mã PCM cao nhất ở 24bit/192kHz và chơi DSD thông qua giao thức DoP. Kết nối Bluetooth của XDSD Gryphon tương thích với codec AAC, LDAC và aptX HD, aptX và aptX Low Latency và SBC. Trong phạm vi bài trải nghiệm nhanh này, mình chưa test kịp âm thanh khi nghe qua Bluetooth như thế nào, sẽ update sau.
Âm thanh nói chung của XDSD Gryphon nổi bật nhất là ở độ động, sự nổi khối và tách bạch của chi tiết nhạc cụ, vocal, sự rõ ràng của âm hình, dải trung cao và treble mịn, sáng rõ bắt tai khi trải nghiệm với iPhone, Macbook và dùng source là Apple Music, Tidal và tai nghe test chủ đạo là Sennheiser IE 900. Xem thêm bài viết về IE 900 tại đây: Review Sennheiser IE 900 sau hơn 2 tháng sử dụng
IE 900 là một em in-ear rất giàu nhạc tính, khi kết hợp với XDSD Gryphon, độ động tăng lên nhiều hơn so với khi nghe với Go Blu hoặc Hip DAC 2, nó làm IE 900 có tiếng vui (fun) hơn, sống động hơn khi nghe Dire Straits (Telegraph Road). Cách thể hiện tầng trung cao mặc định của Gryphon sáng, mạnh mẽ, dày và chắc hơi ở toàn bộ trung âm từ thấp đến cao. Sử dụng XDSD Gryphon nghe qua nghe lại giữa FD5 và IE 900 đều cho kết quả tương tự nhau nên mình nghĩ đây là cá tính của em nó rồi, việc sử dụng trong thời gian dài sẽ giúp ta đánh giá rõ hơn nữa về chất tiếng đặc trưng này.
2 chức năng XSpace của Gryphon giúp mở rộng âm trường, XBass (Gen 2) để tăng cường âm trầm phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc của các basshead. Tính năng XBass chủ yếu tăng cường dải sub-bass đồng thời boost nhẹ mid-bass để âm thanh tổng thể trở nên ấm và mượt, dày tiếng, tuy nhiên tai nghe nào thiên ấm và có dải bass đầy đủ rồi thì mình thấy không cần, ví dụ như mình thì IE 900 là đủ bass.
Xbass đẩy phần sub-bass nổi rõ hơn nhưng sẽ làm trung âm bị lùi ra sau và mờ hơn vì những mạch EQ tăng bass này thường có xu hướng nuốt mất âm trường và độ airy của tầng trung âm cao (upper midrange). Có người sẽ thích và có người không. Phía sau XDSD Gryphon là một công tắc cho phép bạn có 3 lựa chọn: gạt lên trên cùng là Bass + Presense = đẩy bass và đẩy cả trung cao lên một; mức thứ hai ở giữa là Presense = cân bằng nhất, và gạt xuống dưới cùng là Bass = chỉ đẩy dải bass thôi. Mình khi test với FD5 và IE 900 thì thích option thứ hai nhất, nghĩa là để ở Presence. Gạt xuống dưới chỉ tăng bass thôi vì khi gạt qua Bass + Presense mình thấy việc đẩy trung âm cao sẽ làm mất độ tĩnh của toàn bộ chất tiếng, hiện tượng này mình ghi nhận được khi test với FD5 và IE 900, cứ như 2 dải âm này đang bị không hòa hợp lắm trong việc tái tạo những bài sôi động nhiều nhạc cụ trung cao và bass light ổn định như Loose Yourself To Dance của Daft Punk, nó tạo ra cảm giác âm thanh bị đẩy lên 2 đầu, khá mất cân bằng đang không hòa hợp với nhau vậy.
Xbass và XSpace của iFi có vẻ phù hợp hơn với nhu cầu xem phim và chơi game trên máy tính. Thú thật với các bạn luôn là khi cắm IE 900, Fiio FD5, Focal Celestee vào XDSD Gryphon, bật cả Xbass và XSpace và trải nghiệm xem phim The Joker, cảm giác không gian lúc nào cũng 3D và tiếng nổ, tiếng súng, tiếng trầm của nhạc nền như cello, double-bass nổi khối, sống động hơn.