Dòng điện thoại Asha Touch là minh chứng cho mục đích xóa nhòa khoảng cách giữa 1 chiếc điện thoại phổ thông và điện thoại smartphone. Khác với những máy Asha trước đây sử dụng kiểu thao tác chạm và bấm, kết hợp màn hình cảm ứng và bàn phím T9/QWERTY, dòng Asha Touch mà đại diện đầu tiên là Asha Touch 305 đã loại bỏ hoàn toàn phần bàn phím này, chỉ để lại một màn hình cảm ứng kích thước lớn, làm cho máy nhìn giống các smartphone hơn.
Chiếc 305 này có màn hình cảm ứng 3", vẫn sử dụng loại cảm ứng điện trở với độ phân giải màn hình là 240x400 điểm ảnh. Vỏ máy làm bằng nhựa và cầm khá nhẹ, gọn trong lòng bàn tay. Do không có phím cứng để điều hướng, kích thước màn hình lại lớn hơn các máy Asha trước nên giao diện của máy có phần hơi khác biệt. Cụ thể là bạn có thể vuốt ngón tay sang trái hoặc phải từ màn hình khóa để mở khóa máy. Vuốt tiếp sang trái/phải để chuyển qua lại giửa 3 màn hình mà Homescreen, bấm số và màn hình menu.
Bên dưới màn hình vẫn còn 2 phím cứng dùng để thực hiện cuộc gọi. Không có phím menu, phím Back hay phím nào khác. Phím Back (trở ra) sẽ xuất hiện như là một phím ảo nằm ở góc phải trên màn hình điện thoại. Các phím bấm dọc thân máy được làm bằng nhựa và rất dễ bấm. Máy có một khe SIM phụ nằm ở cạnh trái, cho phép bạn có thể thay đổi SIM hoạt động mà không cần phải tắt hay khởi động lại máy.
Bằng việc khai sinh ra dòng điện thoại Asha Touch thuần cảm ứng, sự khác biệt duy nhất giữa điện thoại phổ thông và smartphone của Nokia chỉ còn là cấu hình phần cứng mà thôi.