Hướng dẫn lựa chọn chiếc smartwatch ưng ý

techB
27/11/2017 8:46Phản hồi: 0
Monospace-Smartwatch-Buying-Guide-1.jpg
Từ các tên tuổi lớn như AppleSamsung đến các thương hiệu làm đồng hồ như Tag Heuer hay Fossil, rất nhiều các công ty công nghệ đang đua nhau sản xuất và đổ vào thị trường những chiếc smartwatch (smartwatch) với thiết kế cực kỳ đa dạng. Chúng chiếm được tình cảm của người yêu công nghệ không chỉ ở kích thước đeo tay nhỏ gọn mà còn ở khả năng hiển thị thông báo và tùy biến app để tiết kiệm thời gian cho người dùng. Smartwatch còn tiện dụng hơn khi kết nối trực tiếp đến smartphone, cho phép người dùng điều khiển nhạc, kiểm soát phần mềm đo nhịp tim hay đơn giản chỉ là nhận tin nhắn mà không cần phải mở khóa màn hình điện thoại. Apple và Samsung hiện cũng đang giới thiệu những chiếc smartwatch của mình chú trọng hơn vào mảng sức khỏe y tế thay vì xem nó như 1 sự thay thế cho smartphone


Bài viết sau đây sẽ nêu ra những so sánh giúp bạn có thể đánh giá và chọn mua cho mình 1 chiếc smartwatch ưng ý.

Monospace-Smartwatch-Buying-Guide-2.jpg

Các tiêu điểm chính cần chú ý:


· Đừng rút ví mua 1 chiếc smartwatch trước khi xác nhận được rằng nó tương thích với smartphone mà bạn đang dùng. Vd: Apple Watch chỉ tương thích với iPhone, còn smartwatch của Samsung tuy có thể làm việc với cả Android và iPhone nhưng trên iPhone sẽ có ít tính năng hơn.
· Hãy chọn chiếc smartwatch có cảm biến nhịp tim và GPS nếu bạn cần nó cho nhu cầu tập luyện thể thao.
· Chọn lựa thời lượng pin hợp lý cho nhu cầu sử dụng. Các loại hybrid-watch sẽ có thời lượng pin cao nhất tuy nhiên lại không có màn hình cảm ứng.
· Kiểm tra xem dây đeo có dễ dùng và thay thế khi cần thiết hay không, tránh các sản phẩm không có phụ kiện thay thế hoặc phụ kiện quá ít ỏi làm tăng giá thành.
· App tích hợp sẵn trong đồng hồ nhiều hay ít cũng là 1 tiêu chí đánh giá (tuy không quá quan trọng).

Tính tương thích hệ điều hành và thiết bị

Smartwatch được thiết kế để làm thiết bị đồng hành cùng smartphone nên tính tương thích giữa chúng là điều quan trọng nhất. Samsung Gear S3Gear Sport sẽ làm việc tốt hơn trên smartphone Android so với iPhone (tuy nó tương thích với cả 2). Google Android Wear có khả năng tương thích với hầu hết các smartphone có phiên bản Android từ 4.3 trở lên. Một vài smartwatch Android cũng tương thích với iPhone tuy nhiên mất đi khá nhiều tính năng đặc biệt của riêng Android. Android Wear 2.0 (2017) tiên tiến nhất khi cho phép theo dõi tập luyện thể thao, hỗ trợ Google Assisstant và sở hữu luôn khả năng cài đặt app trực tiếp lên smartwatch.

Apple Watch kín kẽ hơn khi chỉ tương thích cùng iPhone, tuy nhiên những gì nó mang lại chính là khả năng tương thích và đồng bộ có 1 không 2 giữa các thiết bị “gà nhà” với nhau. Apple Watch cũng có thể tải thêm ứng dụng mới từ watchOS App Store.

Màn hình


Hầu hết các smartwatch hiện nay đều sử dụng màn hình AMOLED cung cấp cho người dùng màu sắc hiển thị tươi hơn và cũng có độ sáng cao hơn, bù lại thời lượng pin sẽ giảm đi 1 chút. Do màn hình chính là nơi tiêu tốn pin nhiều nhất của đồng hồ nên các thiết bị sử dụng chuẩn màn hình LCD IPS thường tắt luôn ở chế độ chờ làm người dùng không thể xem giờ được. AMOLED giải quyết điều này với công nghệ điểm ảnh sáng riêng biệt vừa tiết kiệm pin vừa làm tăng tuổi thọ màn hình.

Quảng cáo


Giao diện người dùng: Cảm ứng hay phím vật lý

Các thiết bị thông minh đều được trang bị màn hình cảm ứng là điều hiển nhiên, tuy vậy với các menu có quá nhiều tùy chọn thì việc thao tác chạm hay kéo thả đôi khi sẽ có thể gây nhầm lẫn. Android Wear sử dụng giao diện điều khiển kiểu thẻ nên người dùng có thể chuyển qua lại dễ dàng chỉ bằng thao tác vuốt qua lại. Apple Watch đa dụng hơn với cả điều khiển cảm ứng và phím vật lý ở cạnh phải để người dùng có thể thao tác theo đúng thói quen của mình.

Monospace-Smartwatch-Buying-Guide-3.jpg

Samsung Gear S3 và Gear Sport cũng có vành điều khiển để người dùng xoay menu nhanh và chính xác hơn, làm việc hiệu quả khi kết hợp cùng điều khiển cảm ứng.

Thiết kế và cá nhân hóa


Một chiếc smartwatch tốt sẽ cho phép người dùng thay đổi phụ kiện dây đeo đi kèm khi có nhu cầu (vd: dây đeo cũ bị sờn rách hay đứt...) Hầu hết smartwatch ngày nay đều có kết nối tùy biến và cá nhân hóa theo sở thích của người đeo, giúp thay đổi màu sắc cá tính hơn hay đơn giản chỉ là không gây ra sự nhàm chán trong phong cách.

Quảng cáo


Độ thoải mái khi đeo cũng là 1 điểm đáng nhắc đến. Bạn không nên mua những chiếc smartwatch có khóa quá cứng (khi mở hay khi đeo) và nặng hơn lực tay của mình (có cảm giác nặng tay khi đeo). Các mẫu smartwatch mới ngày càng được làm mỏng và nhẹ hơn cũng vì lẽ đó. Các nhà xản xuất đồng hồ chuyên dụng cũng kết hợp cả công nghệ smartwatch với kiểu dáng đồng hồ tròn ngày xưa nhằm tạo nên vẻ lịch thiệp quyến rũ cho các quý ông.

Tính năng thông báo

Chức năng chính và cần thiết nhất của smartwatch là thông báo tin nhắn, email và cuộc gọi bằng cách rung nhẹ trên cổ tay người đeo, từ đó giúp bạn có thể nhanh chóng quyết định xem mình có cần trả lời cuộc gọi hay không (nhất là nếu có cuộc gọi hay tin nhắn khi đang trong phòng họp). Chúng cũng nên có khả năng tích hợp cả các mạng xã hội thông dụng như Facebook và Twitter.

Monospace-Smartwatch-Buying-Guide-4.jpg

Tính năng tùy biến cũng rất quan trọng và giúp người dùng tiết kiệm thời gian cũng như sử dụng thiết bị hiệu quả hơn. Samsung Gear S3 sử dụng app Gear Manager trên smartphone để tùy chọn những thông báo nào được phép xuất hiện trên màn hình của smartwatch. Ngoài ra còn có tính năng Smart Relay để tự động mở ứng dụng đang được thông báo trên màn hình smartwatch khi cầm smartphone trên tay. Apple Watch thì cho phép tùy biến thông báo ngay trong giao diện Notifications Settings của app Apple Watch trên iOS.

App và giao diện người dùng dành riêng


Apple Watch hiện đang sở hữu lượng app khá lớn và hữu dụng trong đó nổi bật là ESPN, MapMyRun, Uber hay cả Rosetta Stone. Như nói trên, kho ứng dụng smartwatch Apple Watch App Store dành riêng cho smartwatch của Apple sẽ là điểm dừng chân thích hợp nếu bạn muốn tùy biến thêm cho chiếc smartwatch của mình.

Tuy vẫn chưa chính thức nhưng Android Wear cũng đã có rất nhiều app được tùy biến theo giao diện của đồng hồ. Android Wear 2.0 còn cho phép người dùng cài đặt trực tiếp app lên đồng hồ 1 cách cực kỳ nhanh chóng. Về phần Smasung Gear S3 và Gear Sport (Tizen OS) không quá mở rộng nhưng cũng đã có kho phần mềm lên đến 1.400 app.

Tính năng thể thao: Cảm biến nhịp tim và GPS


Hầu hết các thiết bị Android Wear đều được tích hợp tính năng theo dõi nhịp tim, tuy nhiên trong đó chính xác hơn cả là Fitbit Charge 2. Apple Watch cũng có cảm biến nhịp tim chính xác hơn qua các bài test chất lượng sản phẩm. Apple Watch 3, Samsung Gear S3 và Gear Sport còn có thêm GPS dành cho các hoạt động ngoài trời (chạy bộ hay đi xe đạp). Cần lưu ý rằng kích hoạt GPS sẽ làm hao pin hơn bình thường. Nếu bạn muốn nhắm đến 1 chiếc smartwatch dành riêng cho nhu cầu thể dụng thể thao, Fitbit Ionic và Garmin Forerunner 235 sẽ là tùy chọn đáng giá.

Monospace-Smartwatch-Buying-Guide-5.jpg

Các tính năng khác: Gọi điện thoại và Trả tiền di động


Apple Watch Series 3 và Gear S3 Frontier được tích hợp cả mạng LTE nên ngay cả khi người dùng không mang smartphone bên mình thì vẫn có thể gọi điện thoại bình thường (ít ra trên lý thuyết là vậy). Tính năng này tuy vậy sẽ cần trả thêm phí và phải được nhà mạng hỗ trợ mới có thể sử dụng được. Nhiều smartwatch cũng có trang bị chip NFC để kết nối gần với smartphone và làm 1 vài việc đơn giản như sử dụng các dịch vụ trả phí di động. Các mẫu Apple Watch đều được tích hợp cả Apple Pay, Android Wear thì hỗ trợ Android Pay và Samsung thì có dịch vụ của riêng mình là Samsung Pay trên các sản phẩm Samsung Gear.

Thời lượng pin và sạc


Các mẫu smartwatch màn hình màu đa số có thời lượng pin khoảng 2 ngày tùy nhu cầu sử dụng. Càng kết nối với smartphone nhiều thì thời lượng pin càng giảm, nhiều khi dưới 1 ngày. Apple Watch có thời lượng pin trung bình khoảng 18 giờ với nhu cầu sử dụng đa dạng. Hầu hết smartwatch hiện nay (không tính hàng trôi nổi không nhãn hiệu) cũng đều sở hữu tính năng sạc không dây thay vì phải cắm sạc nhu bình thường.

Mức giá


Mức giá của smartwatch khá đa dạng từ $100 (Moto360) đến tận $1.600 (Tag Heuer Connected). Đa phần các dòng sản phẩm đều nằm trong khoảng $200 ~ $500 với các tính năng và phụ kiện đi kèm khác nhau. Vd: Apple Watch Series 3 (không tích hợp GPS) có giá từ $329 đi kèm cùng phụ kiện case nhôm và dây đeo silicone, phiên bản có GPS với phụ kiện case ceramic thì có giá cao hơn nhiều lên đến $1.349.

Bạn sẽ phải xác định mình cần gì và có thể chi bao nhiêu trước khi trực tiếp nhắm vào 1 mẫu smartwatch nào đó.

Nguồn tomsguide
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019