Trải nghiệm AMD Ryzen 7 1700: đa nhân rất mạnh, mát hơn và ít ăn điện hơn

bk9sw
14/3/2017 7:58Phản hồi: 123
Trải nghiệm AMD Ryzen 7 1700: đa nhân rất mạnh, mát hơn và ít ăn điện hơn
AMD Ryzen 7 1700 là phiên bản rẻ nhất với giá bán khoảng $330, so về tầm giá này thì R7 1700 sẽ đối mặt với 2 đối thủ lớn đến từ Intel là Core i7-7700 hay 7700K, thế nhưng nếu so về cấu hình với 8 nhân 16 luồng thì R7 1700 vẫn rẻ hơn rất nhiều so với Core i7-6900K vốn có giá đến hơn $1000. Trong bài này mình sẽ thử nghiệm Ryzen 7 1700 ở các thiết lập mặc định và OC cũng như so sánh một phần nào đó với Core i7-7700K dựa trên một dàn máy tham chiếu mình mượn được.

Tất cả các phiên bản CPU Ryzen dòng R7 đều có thiết lập 8 nhân, 16 luồng và sử dụng 2 mô-đun tổ hợp xử lý (CPU-Complex hay CCX) mới thay thế cho kiến trúc Bulldozer vốn được AMD sử dụng trên rất nhiều phiên bản APU, FX thuộc các họ như Piledriver, Steamroller và Excavator và cả dòng vi xử lý Opteron cho máy chủ. Zen sử dụng 1 đơn vị FPU trên mỗi nhân, mỗi CCX là một mô-đun 4 nhân 8 luồng, nên với 2 CCX chúng ta có CPU với 8 nhân 16 luồng. Như vậy với những CPU sử dụng kiến trúc Zen thì nhiều khả năng thiết lập tối thiểu sẽ là 4 nhân 8 luồng. Ngoài ra, mỗi mô-đun CCX đều có bộ đệm L3 riêng dung lượng 8 MB và các bộ đệm L2 riêng ở cấp độ nhân với dung lượng 512 K/nhân. Như vậy với 2 CCX, Ryzen 7 1700 có 2 CCX x 8 MB (L3) + 8 x 512 KB (L2) = 20 MB bộ nhớ đệm tính cả L2 và L3.

Ryzen 7 1700 nói riêng và dòng Ryzen 7 nói chung đều hỗ trợ dual-channel DDR4 với tốc độ tối đa 3200 MHz kèm theo đó là một loạt các tập lệnh như AVX2, AES, FMA3, AMD-V SSE 4.1, 4.2 ... Một công nghệ rất nổi bật trên Ryzen là kết nối liên đới mới được AMD gọi là Infinity Fabric. Đây là một giao tiếp giúp kết nối nhiều thành phần bên trong SoC và nó không chỉ được sử dụng trên Ryzen mà còn là các GPU Vega cũng như các vi xử lý AMD khác trong tuonwg lai. Infinity Fabric cho phép các thành phần trong CPU kết nối với nhau nhanh và an toàn hơn và là một chuẩn chung cho các kết nối trong lẫn ngoài CPU.

Cấu hình thử nghiệm:

Tinhte.vn_AMD_Ryzen_7_1700-2.jpg
  • Bo mạch chủ: ASUS Crosshair VI Hero X370 Chipset
  • CPU: AMD Ryzen 7 1700 (Zen) 8 nhân 16 luồng, xung gốc 3 GHz (3,7 GHz Turbo), L3 Cache 16 MB;
  • Tản nhiệt: AMD Wraith;
  • GPU: ASUS Strix RX 480 8G Gaming, xung nhịp 1266 - 1286 (OC), 8 GB GDDR5 256-bit;
  • RAM: 2 x G.Skill TridentZ F4-3600C16D 8 GB DDR4-3600, dual-channel;
  • Ổ lưu trữ: WD Black 512 GB PCIe Gen3 x4 NVMe SSD;
  • Nguồn: In-Win C900W 80 Plus;
  • Case: In-Win 303;
  • Màn hình: ASUS PG278Q.
Ráp máy và những phát hiện:


Tinhte.vn_AMD_Ryzen_7_1700-1.jpg
Phát hiện đầu tiên: tản nhiệt AMD Wraith dùng cho socket AM3/AM3+ dùng được với AM4. Đó là khi mình sử dụng với bo mạch chủ ASUS Crosshair VI Hero thì phần khung gắn tản nhiệt được thiết kế để có thể gắn vừa AMD Wraith đời cũ và cũng chỉ có chiếc bo này gắn được. Thật may mắn bởi mình chỉ mượn được CPU, không kèm tản nhiệt Wraith AM4 nên mình tận dụng luôn cái tản nhiệt cũ.

Tinhte.vn_AMD_Ryzen_7_1700-3.jpg
Bo mạch ASUS Crosshair VI Hero có 4 khe DIMM hỗ trợ RAM DDR4. AMD cho biết Ryzen hỗ trợ RAM tốc độ đến 3200 MHz và thực tế thử nghiệm mình cũng đã đạt được tốc độ RAM này. Tuy nhiên, bạn cần phải vừa chỉnh tốc độ RAM, vừa chỉnh timing và voltage, mình đã một vòng cách anh em đang thử nghiệm Ryzen thì chỉ có cách timing RAM mới đưa xung lên được. Điều cực kỳ quan trọng là hiệu năng xử lý của Ryzen phụ thuộc rất nhiều vào RAM bởi lẽ xung nhịp RAM chính là xung nhịp vi điều khiển bộ nhớ trên Ryzen.

Ryzen AM4 Chipset.gif
Ryzen 7 1700 hỗ trợ 24 lane PCIe 3.0 trong đó có 16 lane dành riêng cho card đồ họa, 4 dành cho khe M.2 PCIe NVMe và 4 lane kết nối với chipset X370. Bản thân CPU cũng đã hỗ trợ 4 x USB 3.1 Gen1 (5 Gbps) và vi điều khiển DRAM kênh đôi. Trong khi đó chipset X370 sẽ hỗ trợ thêm các lane PCe 2.0, SATA III, USB 3.1 Gen1, Gen2 ...

Tinhte.vn_AMD_Ryzen_7_1700-4.jpg
Khi mình gắn card đồ họa RX 480 thì chiếc card này chạy ở tốc độ tối đa là PCIe 3.0 x16, như vậy nếu gắn 2 card thì mỗi card sẽ chạy ở tốc độ PCIe 3.0 x8 nhưng theo khuyến cáo của AMD và các hãng làm bo mạch chủ thì bạn chỉ có thể chạy CrossFire theo thiết lập này nếu dùng với chipset X370. Ổ SSD PCIe Gen3 x4 cũng đạt tối đa nhờ 4 lane cung cấp trực tiếp từ CPU.

Thử nghiệm và mày mò:


Ở tình huống này, mình không tinh chỉnh bất cứ thành phần nào trong BIOS, mọi thiết lập đều để chế độ mặc định và nhận thấy một số điểm đáng chú ý như sau:

Điểm mình nhận thấy là Ryzen 7 1700 thường chạy ở tốc độ tối đa khoảng 3,2 đến 3,3 GHz, dù chạy nặng cỡ nào cũng không lên đến 3,7 GHz như thông số Turbo Boost được AMD công bố mặc dù trên bo mạch chủ mình đã Enable Core Boost Performance. Thêm vào đó, tốc độ 2 thanh RAM chạy kênh đôi cũng mặc định ở 2133 MHz. Nếu gắn 4 thanh, tốc độ RAM bị kéo xuống 1866 MHz.

Theo AMD thì tốc độ RAM mặc định sẽ thay đổi dựa trên thiết lập sau:

Quảng cáo


  • RAM dual-rank (2 hàng chip), gắn 4 thanh DIMM, chạy dual-channel > tốc độ 1866 MHz;
  • RAM single-rank (1 hàng chip), gắn 4 thanh DIMM, chạy dual-channel > tốc độ 2133 MHz;
  • RAM dual-rank (2 hàng chip), gắn 2 thanh DIMM, chạy dual-channel > tốc độ 2400 MHz;
  • RAM single-rank (1 hàng chip), gắn 2 thanh DIMM, chạy dual-channel > tốc độ 2667 MHz.

Ban đầu mình cũng đã thử gắn 4 cây và kết quả Cinebench R15 như sau:



Anh em có thể thấy rõ rằng Ryzen 7 1700 với xung nhịp mặc định 3 GHz nếu cắm 4 thanh G.Skill TridentZ thì tốc độ RAM chỉ còn 1866 MHz và điểm số xử lý đa nhân lẫn đơn nhân với Cinebench R15 thấp nhất. Vậy là mình dùng 2 thanh TridentZ 3600 gắn vào 2 slot A2 B2 theo khuyến cáo của AMD nhằm đạt được hiệu năng cao nhất và ổn định nhất. Kết quả như anh em đã thấy với 3 thiết lập RAM 2133 MHz (timing tự động 15-15-15-36), 2933 (timing tự động 14-14-14-45) và 3200 (timing mình tự chỉnh là 14-14-14-34) thì điểm số Cinbench R15 đa lõi được cải thiện rất nhiều, riêng đơn lõi thì ngang bằng nhau sau nhiều lần test.

Như vậy với 8 nhân và 16 luồng, xung nhịp RAM cao sẽ mang lại băng thông cao hơn, vi điều khiển bộ nhớ trên Ryzen 7 1700 mang lại tốc độ truyền tải dữ liệu giữa RAM và CPU cao hơn, từ đó tăng đáng kể hiệu năng xử lý đa luồng.



Sự chênh lệch về hiệu năng hệ thống cũng được thể hiện rõ qua PCMark 8. Mình đã thử nghiệm với 2 thiết lập, CPU chạy ở chế độ mặc định không OC, RAM 2 tốc độ gồm 2133 MHz và 3200 MHz OC với timing 14-14-14-34 thì sự chênh lệch khá rõ ràng với các nội dung như PCMark 8 Creative và PCMark 8 Work vốn thiên về đa nhiệm, xử lý bảng tính và đồ họa, cần đến hiệu năng xử lý đa nhân. Cũng trong thử nghiệm này, một điều đáng chú ý là PCMark 8 vẫn chưa thể khai thác toàn bộ các nhân của Ryzen 7 1700, chỉ ở nội dung Creative và Work mình mới quan sát được cả 8 nhân của Ryzen 7 1700 được khai thác nhưng chỉ đối với một số tác vụ trong gói test, đa phần các tình huống đều chỉ chạy 4 nhân.

Quảng cáo



Ryzen 7 1700 là cũng tương tự như các phiên bản 1700X hay 1800X đó là hỗ trợ OC. Thông qua phần mềm AMD Ryzen Master, bạn có thể đẩy xung nhịp CPU lên mức cao hơn so với mức Turbo Boost là 3,7 GHz, tức là có thể lên đến 4 GHz hoặc hơn. Thực tế mình có thể đẩy được Ryzen 7 1700 lên mức 4 GHz với tản nhiệt AMD Wraith thế hệ AM3/AM3+ như đã nêu. Tuy nhiên, hệ thống không ổn định để sử dụng cũng như thực hiện các bài test benchmark nên mình cho CPU chạy ở xung 3,8 GHz.

Vậy hiệu năng giữa Ryzen 7 1700 chạy ở xung nhịp mặc định và sau khi OC chênh nhau như thế nào?



Mình thử nghiệm với Cinebench R15 và kết quả cũng cho thấy sự chênh lệch rất rõ rệt, đặc biệt là điểm số Multi-Core, vượt xa thiết lập mặc định ở xung nhịp 3,1 GHz tới hơn 300 điểm và điểm đơn nhân cũng chênh khoảng 10 điểm. Xung nhịp cao và tốc độ RAM cao lý giải cho điểm số này.



Trong bảng trên, mình cho Ryzen 7 1700 chạy ở mức xung 3,8 GHz, tốc độ RAM 2800 MHz và kết quả cho thấy ở xung nhịp cao hơn, Ryzen 7 1700 đạt điểm số PCMark 8 cao hơn hẳn so với các thiết lập chạy ở xung mặc định, mức chênh lệch vào khoảng 500 điểm ở nội dung Home và Creative, 200 điểm ở nội dung Work.



Hiệu năng đồ họa giữa 2 thiết lập mặc định và OC cũng chênh lệch nhưng nhìn chung không quá nhiều. Mình đã cho chạy tất cả các bài test 3DMark 11 và 3DMark 13, sự chênh lệch rõ ràng nhất nằm ở các nội dung như Cloud Gate, Fire Strike và Sky Diver, ở các thiết lập nặng hơn như Fire Strike Extreme tương ứng với game đồ họa nặng ở độ phân giải 2K, Fire Strike Ultra tương ứng với đồ họa 4K và Time Spy thử nghiệm khả năng đồ họa hỗn hợp thì sự chênh lệch không đáng kể. Về cơ bản các công cụ này chưa được tối ưu hóa cho Ryzen 7 1700,

Hẳn là anh em sẽ thắc mắc vậy nếu so với Core i7-7700K cùng tầm giá thì hiệu năng của Ryzen 7 1700 sẽ ngang bằng, cao hơn hay kém hơn? Mình cũng đã mượn một dàn máy chạy Core i7-7700K cấu hình như sau:
  • Bo mạch chủ: MSI Z270 Xpower Gaming Titanium
  • CPU: Intel Core i7-7700K (Kaby Lake) 4 nhân 8 luồng, xung gốc 4,2 GHz (Turbo Boost 4,5 GHz), L3 Cache 8 MB;
  • Tản nhiệt: Bitspower custom water-cooling;
  • GPU: MSI GeForce GTX 1070 Quick Silver 8 GB OC;
  • RAM: 2 x Corsair Vengeance LED CMU16GX4M2A2666C16 8 GB DDR4-2666, dual-channel;
  • Ổ lưu trữ: Plextor PX-256M8PeG 256 GB Gen3 x4 NVMe SSD;
  • Nguồn: Super Flower Leadex II Gold 850W;
  • Case: Thermaltake Core P5;
  • Màn hình: BenQ XL2411Z.



Kết quả Cinebench R15 rất đáng chú ý, Ryzen 7 1700 với thế mạnh 8 nhân 16 luồng đã thắng đứt đuôi Core i7-7700K với chỉ 1 nửa số nhân và luồng. Core i7-7700K ngược lại nhỉnh hơn 40 điểm xử lý đơn nhân so với Ryzen 7 1700 nhờ lợi thế về xung nhịp cơ bản. Mình thử tắt bớt 4 nhân của Ryzen 7 1700, cho chạy ở 4 nhân 8 luồng tương tự Core i7-7700K thì kết quả Cinebench R15 đa nhân vẫn cao hơn so với đối thủ từ Intel, riêng điểm đơn nhân vẫn không thay đổi.



Tuy nhiên, về hiệu năng tổng thể với PCMark 8 thì hệ thống của Intel luôn nhỉnh hơn. Một phần là do xung cơ bản cao hơn, một phần là PCMark 8 vẫn cần cập nhật để hỗ trợ Ryzen tốt hơn. Mình đã thử nghiệm nhiều tình huống, ép xung lẫn tắt bớt 4 nhân cho chạy ở thiết lập 4 nhân 8 luồng tương tự Core i7-7700K.



Như vậy qua những so sánh trên, có thể thấy Ryzen 7 1700 mang lại hiệu năng rất ấn tượng, không thua kém quá nhiều so với Core i7-7700K ở cùng tầm giá và nó khiến mình rất tự tin để chọn lựa Ryzen 7 1700 bên cạnh các tùy chọn đến từ Intel. Tuy nhiên, điểm yếu hiện tại của Ryzen 7 1700 chỉ đơn giản là xung thấp, chúng ta có thể OC để đạt hiệu năng cao hơn nhưng sẽ mất vài thao tác cũng như cần phải có một bộ tản nhiệt tốt hơn.

Hiệu năng truy xuất ổ cứng:




Mình sử dụng hệ thống này với ổ WD Black 512 GB PCIe Gen3 x4 M.2 2280. Chiếc ổ này hỗ trợ giao thức NVMe 1.2 và chạy ở tốc độ tối đa như đã nói là PCIe 3.0 x4. Tuy nhiên, có vẻ như tốc độ của ổ WD Black 512 GB PCIe Gen3 x4 vẫn chưa đạt được tối đa. Mình thử so với một hệ thống khác chạy Core i7-5960X và bo mạch chủ X99 Sabertooth thì hiệu năng đọc ghi của chênh lệch khá nhiều. Khả năng là driver chipset của AMD vẫn chưa được tối ưu, AMD cũng cho biết bản cập nhật sắp tới sẽ giúp CPU khai thác tốt hơn tốc độ của các ổ SSD M.2 dung giao tiếp PCIe 3.0 x4 qua giao thức NVMe.

Hiệu năng game như thế nào?




Mình đã chơi thử một số tựa game trên hệ thống này với cả 2 thiết lập mặc định và OC. Sự chênh lệch về tỉ lệ khung hình trung bình giữa 2 thiết lập đối với 3 tựa game mình chơi thử gồm For Honor, Doom và The Witcher 3 không nhiều. Thật sự sức mạnh của Ryzen 7 1700 và RX 480 mang lại trải nghiệm game không hề thua kém so với các hệ thống chạy Core i7 và Nvidia GeFoce GTX trong khi chi phí đầu tư thấp hơn nhiều.

Và điều cần lưu ý là cũng tương tự như các công cụ benchmark trên, các game cũng chỉ mới khai thác 1 nửa số nhân của Ryzen 7 1700. Nếu như tắt 4 nhân và cho chạy ở thiết lập 4 nhân 8 luồng thì chênh lệch khung hình so với 8 nhân 16 luồng cũng không đáng kể. Tuy nhiên, 8 nhân vẫn lợi thế hơn, nhất là khi bạn vừa chơi game vừa dùng các tác vụ khác hay đơn giản là ... cày nhiều acc game cùng lúc.

AMD Ryzen 7 1700 có còn nóng như các thế hệ trước?

Ryzen được tích hợp rất nhiều cảm biến để giám sát nhiều thứ như điện áp, nhiệt độ ... tất cả nhằm phục vụ cho mục đích OC. Hiện tại mình dùng phần mềm HWMonitor kết hợp với AMD Ryzen Master và một chiếc máy đo công suất tiêu thụ toàn hệ thống mà phát hiện ra Ryzen 7 1700 có mức tiêu thụ điện rất tốt.
  • Khi Idle: 8 nhân thường chạy ở xung 1,55 GHz, tổng điện năng tiêu thụ của Ryzen 7 1700 vào khoảng 16 W.
  • Khi chạy Cinebench Multi-Core, điện năng tiêu thụ của Ryzen 7 1700 là 69 W
  • Khi chơi The Witcher 3 với thiết lập cấu hình tối đa, CPU ăn khoàng 37 W với 4 nhân luôn tiêu thụ khoảng 3 đến 3,5 W, 4 nhân còn lại chỉ tiêu thụ từ 0,05 W đến 0,4 W.
Đo bằng máy để lấy tổng công suất tiêu thụ của hệ thống (không tính màn hình) thì với cấu hình trên:
  • Khi Idle: hệ thống tiêu thụ trung bình 56 W
  • Khi chạy Cinebench Multi-Core, hệ thống tiêu thụ khoảng 125 W
  • Và khi chơi The Witcher 3 max cấu hình, lúc này RX 480 thức giấc với độ ăn điện đến 140 W thì toàn hệ thống tiêu thụ 233 W.
Về nhiệt năng khi nghỉ và hoạt động thì mình rất ngạc nhiên bởi Ryzen 7 1700 quá mát dù đang sử dụng một cái tản nhiệt Wraith không chuyên dụng lắm và khá cũ. Mình giám sát nhiệt độ của Ryzen 7 1700 ở thiết lập mặc định không OC, phòng máy lạnh bật 25 độ C, kết quả như sau:
  • Khi nghỉ, nhiệt độ của Ryzen 7 1700 chỉ vào khoảng 34,5 độ C.
  • Khi chơi The Witcher 3 ở thiết lập cấu hình tối đa, độ phân giải FHD thì nhiệt độ CPU khoảng 44 độ C.
  • Khi chạy Cinebench Multi-Core, nhiệt độ đạt mức cao nhất mình đo được là 54 độ C.
  • Và khi stress test CPU bằng Furmark với 16 luồng sau 10 phút thì nhiệt độ cũng chỉ đạt khoảng 53 độ C.
Tinhte.vn_AMD_Ryzen_7_1700-6.jpg

Như vậy qua bài test trên, hy vọng anh em đã có cái nhìn rõ ràng hơn Ryzen 7 1700 và giờ đây, cá nhân mình cũng đã tự tin hơn khi chọn một con chip của AMD. Nếu sử dụng Ryzen, anh em cũng sẽ dễ dàng hiểu được cách hệ thống vận hành, cách con CPU này phát huy tối đa sức mạnh. Điều đáng chờ đợi là trong thời gian tới, AMD, các đối tác làm phần cứng cũng như các hãng phần mềm, game sẽ đưa ra những bản cập nhật giúp khai thác Ryzen tốt hơn.

P/S: Cảm ơn AZAudio và Tân Doanh đã cho mình mượn thiết bị thực hiện bài test này.
123 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Lulu tetinh
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mở hàng AMD, con nào cũng được một thời gian ngắn, ko biết em này thọ được bao lâu ?
xuandu1712
TÍCH CỰC
7 năm
qua tot cho doi AMD
hanikate
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đội xanh ngủ quên trên ngai vàng lâu quá rồi
Nhân tiện Review luôn : Keo tản nhiệt Arctic Silver 5 , cho anh em

hungnam_tuan
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đội đỏ giờ quá ngon!
Ngon giá rẻ, intel cho về chuồng hết ở mức giá 400usd này, điều mình thích các cpu này ko nhét core gpu lãng phí như trên i7, dù xài gpu rời mà vẫn phải trả tiền cho igpu cùi bắp.
Lỡ dính con xeon ko gpu, chứ hem chơi ryzen này rồi.
@ragefighter An tâm với xeon đi thím. Đừng mơ cỏ đồi bên kia non và xanh hơn đồi bên này.
Giltine
TÍCH CỰC
7 năm
@hackieuhoang Mình đánh giá AMD còn nhiều hạn chế nhất định nhưng phải nói thật là sau bao nhiêu năm bị intel đè đầu cưỡi cổ thì đám ryzen này là thế hệ cpu tốt. Trong 10 năm trở lại đây có lẽ đám Ryzen này là đám CPU duy nhất đủ sức sánh vai cùng các thế hệ mới của Intel, tuy hơn kém tuỳ chỗ tuỳ ứng dụng công việc nhưng tổng quan chung hoàn toàn ngang ngửa
@hackieuhoang Thoai, intel giá 1000 usd mà hiệu năng chỉ tương đương 400usd thì đủ hiểu, xeon e3 sau này cắt bớt siêu phân luồng. Nói chung nếu chưa mua xeon thì Ryzen mới ngon về hiệu năng và giá. Chưa kể intel còn bày đặt giảm xung ram tùy theo phiên bản.
@DuDuKK Ram ddr5 gpu cũng vậy ah, băng thông nó móc trực tiếp với gpu ko cần qua giao tiếp, còn ram trên main cần giao tiếp riêng giữa main và cpu nên ram phát triển chậm hơn. ram gpu chơi luôn cả HBM còn được mà. Giống ram trên đt ram giao tiếp trực tiếp với cpu nên ko dính rào bán như trên pc.
saiback
CAO CẤP
7 năm
Ngon rồi đấy, nhưng nhu cầu không nhiều nên hóng zen3/5
vhtn8381
TÍCH CỰC
7 năm
AMD bắt đầu trỗi dậy, quá ngon... tương lai chuyển sang AMD thôi, ứ chơi vs intel nữa 😁
9xnh0nh0
TÍCH CỰC
7 năm
Con này vẽ với 3dmax không biết ngon không?
Giờ qua fan đội đỏ thôi :V
Funnyclock
TÍCH CỰC
7 năm
Bữa nọ vừa thấy nháy hàng bên box AMD. Thế mà hôm nay vác bài qua đây ngay được.
Được đó bác chủ :look_down:
huyhoangjo
TÍCH CỰC
7 năm
quá đã.chắc dành 2 tháng lương mua đk con cpu với cái main haha
Qúa ngon vậy là AMD có thể đập chết mấy con core i của Intel rùi

cho thằng Intel đừng ngủ quên trên ngai vàng quá lâu

p/s: mặc dù trước giờ toàn xài máy cpu intel nhưng thằng nào tốt mình ủng hộ, không là fan của ai cả
bài viết hay đó. đợi ngày test con GPU Vega nữa là đủ bộ
Ngon
Ủng hộ AMD. Chip intel càng ngày càng đắt.
+1 cho đội đỏ
thaisang16
ĐẠI BÀNG
7 năm
Cho mình hỏi ngủ phát là AMD Ryzen có tích hợp card màn hình onboad không vậy?
ntk95
ĐẠI BÀNG
7 năm
@thaisang16 không nhé bạn... phân khúc onboard là của APU A series 😁:D:D:D
pippi17
TÍCH CỰC
7 năm
@thaisang16 R7 đã ra mắt thì ko có. R5 sắp ra mắt khả năng cao là cũng ko có, còn R3 thì 50/50 vì chưa có thông tin nhiều về R3. Còn bạn muốn xài VGA Onboard của AMD thì chờ đến cuối năm ra dòng APU nhưng lưu ý đây chỉ là APU Excavator refresh lại chứ ko phải là Zen APU đâu nhé, Zen APU thì sang 2018 cơ.
mr.ntminh
ĐẠI BÀNG
7 năm
@thaisang16 dòng r7 này k tích hơp nhé bạn ah
@thaisang16 Ko có tích hợp GPU trên chip nhưng onboard có hay ko thì phải hỏi nhà sản xuất bo mạch chủ
Quan trọng anh Mcrosoft có quan tâm tới em nó không mới là vấn đề :p
@minhthuvc Nó chơi cực thân với MS đấy 😆
Trước MS còn có ý mua nó lại mà, chắc h MS nó cũng chống lưng nên mới bán đồ phá giá như vậy được chứ ko phải tự nhiên mà bán được đâu. AMD nó nghèo hơn mấy thằng kia nhiều lắm.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019