[Tìm hiểu về TV] Các loại công nghệ tấm nền phổ biến

agp8x
9/7/2016 13:9Phản hồi: 101
[Tìm hiểu về TV] Các loại công nghệ tấm nền phổ biến
Đây là bài đầu tiên trong loạt bài tìm hiểu về TV, một trong những thiết bị điện tử rất quen thuộc đối với chúng ta. Và khi nói đến TV, điều đầu tiên mà chúng ta thường nghĩ đến có lẽ đó là loại của nó: LCD/LED và OLED. Tên gọi này thực chất xuất phát từ công nghệ tấm nền mà chúng sử dụng, cũng là chủ đề mà mình muốn chia sẻ với các bạn.

Tấm nền tinh thể lỏng (LCD)


Loại tấm nền được sử dụng phổ biến nhất trên TV (và có thể nói là tất cả những biến bị điện tử tiêu dùng hiện nay) là tấm nền tinh thể lỏng, hay còn gọi tắt là LCD (Liquid Crystal Display). Nhờ chi phí rẻ, chất lượng hình ảnh tốt mà nó gần như thống trị thị trường TV trong những năm gần đây, đánh bại Plasma và CRT.

Nguyên tắc hoạt động cơ bản


Tấm nền tinh thể lỏng thông thường sẽ gồm 3 phần bộ phận chính: đèn nền, tấm tinh thể lỏng và bộ lọc màu. Nó hoạt động dựa trên tính chất của các tinh thể lỏng có thể biến đổi để cho toàn bộ, chặn một phần hoặc ngăn toàn bộ ánh sáng đi qua. Để tạo được màu sắc, ánh sáng trắng phát ra từ đèn nền sẽ đi qua lớp tinh thể lỏng, ở đây tuỳ theo hình ảnh hiển thị mà TV sẽ điều chỉnh bao nhiêu phần ánh sáng được đi qua. Phần ánh sáng này sau đó sẽ đi qua tấm lọc để tạo thành một trong 3 màu cơ bản.


[​IMG]

Mỗi điểm ảnh của TV LCD thực chất cấu tạo bởi 3 điểm ảnh phụ với 3 màu cơ bản (đỏ, xanh dương và xanh lá). Màu sắc cuối cùng mà bạn thấy trên TV chính là sự phối hợp của 3 màu màu này.

Tham khảo thêm: 5 điều thú vị ngẫu nhiên về màn hình LCD


TV LED/TV chấm lượng tử


Khi mới xuất hiện, các TV LCD sử dụng đèn huỳnh quang lạnh để làm đèn nền. Nhược điểm của nó là độ tinh khiết của màu trắng không cao, cũng như khiến TV dày, tốn nhiều điện năng và toả nhiều nhiệt. Khoảng 5 năm trở lại đây, các hãng TV đã chuyển qua dùng đèn nền LED, cho phép ánh sáng trắng phát ra tinh khiết hơn (giúp màu hiển thị sau khi qua tấm lọc chuẩn hơn), mát và tiết kiệm năng lượng hơn. Và để phân biệt với thế hệ TV LCD đầu, họ thường quảng bá các dòng TV LCD đèn nền LED ngắn gọn là TV LED. Nhưng về cơ bản, TV LED vẫn sử dụng tấm nền LCD.

[​IMG]
TV LED là TV LCD sử dụng đèn nền LED

Thực chất xuất hiện từ năm 2013 (Sony Triluminos), tuy nhiên đến 2015 (LG Super UHD, Samsung SUHD) thì TV chấm lượng tử (Quantum Dot) mới bắt đầu chiếm lĩnh phân khúc TV LCD cao cấp. Trước khi công nghệ chấm lượng tử được sử dụng, để tạo ra ánh sáng trắng từ các đèn nền LED màu xanh thì các nhà sản xuất TV sử dụng một lớp Phosphor (màu vàng). Quá trình này tuy cho ra ánh sáng chuẩn hơn CRT nhưng vẫn chưa phải hoàn hảo, và nó cũng phần nào làm giảm bớt cường độ sáng của đèn nền. Với TV chấm lượng tử, lớp phosphor được thay bằng một lớp chấm lượng tử có khả năng tự phát ra ánh sáng vàng. Kết hợp với ánh sáng xanh của từ đèn LED gốc, ánh sáng trắng được tạo ra sẽ có độ tinh khiết cao hơn cách truyền thống và cường độ cũng được tối ưu hơn (chấm lượng tử cũng tự phát sáng, còn phosphor thì không).

[​IMG]
Chấm lượng tử thực chất là một công nghệ thuộc về đèn nền

Quảng cáo


Vào năm 2013, công nghệ Triluminos của Sony sử dụng lớp chấm lượng tử dạng tuýp, bọc quanh các đèn nền LED xanh. Tuy nhiên sang 2014 thì hãng điện tử Nhật Bản đã ngưng sử dụng công nghệ chấm lượng tử nhưng vẫn giữ thương hiệu Triluminos để chỉ khả năng thể hiện màu sắc của các dòng TV Bravia cao cấp. Đến năm 2016, Sony cho biết công nghệ Triluminos đem lại chất lượng hình ảnh tương đương với chấm lượng tử, vì vậy thật ra cũng không rõ là Sony liệu có sử dụng chấm lượng tử hay không trong các TV của họ. Trong khi đó từ 2016, TV của Samsung và LG (SUHD và Super UHD) sử dụng tấm chấm lượng tử dạng film mỏng cho các TV của mình.

Loại tấm nền LCD

Khi xét riêng về tấm tinh thể lỏng của TV, chúng ta cũng có thể chia làm 3 loại là: IPS, VA và TN. Tuy nhiên do tính chất yêu cầu khả năng tái tạo màu sắc cao, góc nhìn rộng và không quá quan trọng tốc độ đáp ứng nên TV thường chỉ sử dụng IPS và VA.

[​IMG]
TV LG sử dụng tấm nền LCD IPS

IPS và VA là cách sắp xếp các tinh thể lỏng. IPS thường được biết đến với góc nhìn rộng hơn, trong khi VA được biết đến khả năng thể hiện màu đen tốt hơn nhưng góc nhìn kém hơn. Tuy nhiên trên thực tế, từ phân khúc trung cấp (Sony Android TV 4K, Samsung series 6, LG UHD trở lên) thì các công nghệ bổ trợ giúp khả năng trình diễn của TV gần như không có yếu điểm rõ rệt dù sử dụng công nghệ IPS hay VA.

Hiện nay Sony và Samsung là hai thương hiệu TV phổ biến tại Việt Nam sử dụng tấm nền VA cho các dòng TV của mình. Trong khi đó tấm nền IPS được sử dụng trong TV của LG,Panasonic và Sharp.

Quảng cáo


Tấm nền OLED

Được thương mại hoá bởi LG vào năm 2014, tấm nền OLED là công nghệ hiển thị mới hội tụ những ưu điểm của cả LCD và Plasma. Vào thời điểm bài viết này, OLED tạm thời chỉ xuất hiện trên những dòng TV cao cấp với giá thường bằng hoặc cao hơn ngay cả những dòng TV LCD cao cấp nhất. Tuy nhiên so với những thế hệ đầu tiên, giá TV OLED đang ngày càng giảm dần.

Nguyên tắc hoạt động


Về bản chất, các TV OLED hiện nay là một biến thể của OLED mang tên WRGB. Nó kết hợp giữa phương thức hoạt động của TV LCD và tính chất của các đi-ốt hữu cơ, cho phép LG giảm giá thành TV OLED mà vẫn giữ được đặc điểm của công nghệ OLED. Bạn có thể Tìm hiểu thêm về công nghệ WRGB OLED. Đây cũng là công nghệ OLED duy nhất trên TV được thương mại hoá.

OLED-Tech-vs-600x254 (1).png

Yếu tố quan trọng nhất giúp OLED sở hữu chất lượng hình ảnh tốt hơn so với LCD là khi hiển thị màu đen thì điểm ảnh của nó sẽ tắt hoàn toàn, giúp thể hiện màu đen sâu nhất. Về nguyên lý, các tinh thể lỏng trên tấm nền LCD sẽ chặn toàn bộ ánh sáng để hiển thị màu đen. Nhưng thực tế thì không có bất kỳ tấm nền tinh thể lỏng nào làm được điều này, và luôn có một phần nhỏ ánh sáng vẫn đi qua được khiến màu đen không sâu như mong đợi. Vì vậy mà TV OLED luôn có màu đen sâu hơn rất nhiều so với TV LCD, dẫn đến độ tương phản (sự chênh lệch giữa điểm sáng nhất và điểm tố nhất) cũng cao hơn.

So sánh giữa công nghệ OLED và LCD trên TV


Kể từ khi doanh số vượt qua TV CRT lần đầu tiên năm 2007, công nghệ LCD đã thống trị thị trường TV cho đến tận thời điểm này. Ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, tuy nhiên công nghệ LCD đang dần đi đến giới hạn và đó cũng là lý do mà các hãng đua nhau tìm kiếm công nghệ hiển thị mới để thay thế. Công nghệ hiển thị mới đó chính là OLED. Tuy nhiên cần phải nhắc lại rằng các TV OLED chỉ mới được thương mại hoá trong khoảng 3 năm trở lại đây, và nó vẫn còn nhiều thứ cần phải cải thiện.

[​IMG]

Ưu điểm của công nghệ LCD
  • Giá rẻ
  • Độ sáng tối đa cao hơn
  • Mẫu mã đa dạng
Hiện nay TV LCD vẫn là loại TV phổ biến nhất trên thị trường. Hằng hà sa số mẫu mà phù hợp với từ người dùng bình dân cho đến cao cấp, trừ những người khó tính nhất. Một ưu điểm của TV LCD cao cấp hiện nay là độ sáng tối đa rất cao, ở các dòng cao cấp 2016 có thể lên đến 1000 nit (theo công bố của hãng và chứng nhận UHD Premium). Kết hợp với công nghệ chấm lượng tử, khả năng tái hiện màu sắc của TV LED cũng không kém cạnh so với OLED. Tuy nhiên do độ tương phản thấp hơn, chất lượng hình ảnh tổng thể của TV LED vẫn kém hơn TV OLED.

[​IMG]

Ưu điểm của công nghệ OLED (LG WRGB)
  • Khả năng thể hiện màu đen tuyệt đối
  • Chất lượng hình ảnh cao nhất
  • Cho phép tạo ra các dòng TV siêu mỏng
  • Tiết kiệm năng lượng (tuỳ trường hợp)
TV OLED chỉ mới được thương mại hoá khoảng 3 năm, và nó vẫn còn rất nhiều điều có thể cải thiện. Các TV OLED hiện nay thường có độ sáng thấp hơn LCD, trừ dòng G6 siêu cao cấp được công bố có thể đạt 1000 nit như LCD, nên sự vượt trội về hình ảnh đôi khi chỉ được thể hiện ở một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó tuỳ theo nội dung hiển thị, mức độ tiêu thụ điện năng của TV OLED cũng thay đổi, có thể cao hoặc thấp hơn TV LCD. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được là chất lượng hình ảnh của TV OLED cao hơn TV LCD, đó điều quan trọng nhất đối với những người dùng cao cấp. Và dĩ nhiên với mức giá hiện nay, không khó để nhận thấy rằng đối tượng mà các TV OLED hướng tới là những người dùng cao cấp, muốn sở hữu TV có chất lượng hình ảnh tốt nhất cũng như thiết kế ấn tượng nhất. Liệu người dùng phổ thông có được trải nghiệm TV OLED hay không? Với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay thì câu trả lời là có, vấn đề chỉ là bao lâu mà thôi.

Tham khảo thêm: Đánh giá TV OLED LG EG920T: Thiết kế đẹp, chất lượng hình ảnh tuyệt vời nhưng giá quá cao
101 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

takaru
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bài viết rất hữu ích
Đọc xong bài này mới hiểu
Bài viết hay, nhưng mà tivi mình vẫn kết Sony còn màn máy tính thì kết Dell. 😁
duchung178
TÍCH CỰC
8 năm
@QXPro Đúng rồi bạn. Chán kinh khủng. Web ko vào được mà giờ các app mất sạch
Giờ mang tiếng internet chả dùng đc cái gì. Đợt đó ông bác lại ham hố mua cả 3d giờ kính cũng vứt tủ
Mua smart giờ vẫn phải mua thêm cái box android ngoài để chạy
duchung178
TÍCH CỰC
8 năm
@technological experience Hồi mua con Sony đấy là Sony chưa chơi với Android thì lấy đâu ra cấu hình ?
Giờ mới có thì còn có cái so sánh
giờ app trong tivi mất bằng sạch dùng smart chả còn tí tác dụng gì nữa 😆 Ngoài mỗi cắm box hd xem phim 😃)
@duchung178 :eek: bộ có android mới có cấu hình à ? mà lúc mua ít ra bác nên dùng thử chứ smart tv mà chạy k nổi thì smart gì mà smart
duchung178
TÍCH CỰC
8 năm
@technological experience Khổ có phải em đi mua đâu
Lúc mới mua về thử dùng thì cũng ngon youtuve load ầm ầm xem ứng dụng trên zing cũng tốt
Thằng sony này như kiểu cho mình load cái shortcut về chứ ko phải tải cả ứng dùng về
Giờ bật phần Home ra trống trơn ko có 1 ứng dụng nào thì chả là hãng nó xóa thì thế nào
Khôi phục mặc định rồi làm đủ trò cũng chả ra
Mình nhớ là LCD vượt CRT vào năm 2006 mà, chính năm đó Sung vượt qua Sony trở thành hãng TV lớn nhất thế giới.


Smatphone thì ko b thật nhưng nếu là thiết bị cầm tay thì có Sony. Từ năm 2003.
Thanks bác chủ! Bài viết rất hữu ích cho anh em!
Có khi nào tương lai TV không có độ phân giải.
phantheks
ĐẠI BÀNG
8 năm
Nói không với Samsung
@phantheks nhầm chuồng rồi :eek:
Tivi Signature 4K OLED của LG Electronics vừa giành giải thưởng "King of TV" 2016 tại lễ trao giải thường niên “Value Electronics TV Shootout” lần thứ 12.



LG Signature OLED TV (model OLED65G6P) đã giành giải thưởng "King of TV" năm 2016.

Trong khuôn khổ ngày hội Công nghệ CE Week vừa diễn ra tại New York (Mỹ), LG đã mang đến 4 Tivi 4K Ultra HD hàng đầu để so tài với các thương hiệu lớn khác. Kết quả, dòng Tivi 65 inch (64,5 inch đường chéo) LG Signature OLED (model OLED65G6P) tích hợp công nghệ hình ảnh HDR đã được cả khách tham quan và các chuyên gia thẩm định chuyên nghiệp bình chọn là Tivi có chất lượng hàng đầu, giành danh hiệu “King of TV” năm 2016.
Những người tham gia bình chọn đã kiểm nghiệm các tính năng chính của sản phẩm và đánh giá dựa trên 8 thuộc tính, ví dụ sắc độ đen, độ tương phản, độ chuẩn của màu sắc, độ phân giải đối với các hình ảnh chuyển động... và những tiêu chí phụ khác. Đây là năm thứ ba liên tiếp LG OLED TV được vinh danh tại lễ trao giải Tivi Shootout.
Ông Tim Alessi - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tiếp thị sản phẩm giải trí gia đình tại LG Electronics Mỹ cho biết: "Thế hệ OLED Tivi năm 2016 của LG không những có sắc đen hoàn hảo và độ tương phản vô hạn mà còn cung cấp hình ảnh sinh động, sắc nét tuyệt đẹp. Đồng thời, đây cũng là chiếc Tivi đầu tiên hỗ trợ 2 chuẩn hình ảnh Dolby Vision HDR và HDR10 với chứng nhận ‘Ultra HD Premium’ từ Liên minh UHD. Chúng tôi rất vui mừng khi giải thưởng danh giá Shootout được thêm vào danh sách giải thưởng đang ngày càng tăng mà LG OLED TV nhận được theo đánh giá từ các chuyên gia, các nhà làm phim từng chiến thắng giải Oscar, và cả người tiêu dùng".



Ông Robert Zohn (trái), nhà tổ chức giải thưởng TV Shootout đồng thời là chủ sở hữu Value Electronics, trao giải thưởng TV Shootout 2016 cho ông Tim Alessi (phải) - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tiếp thị sản phẩm giải trí gia đình LG Electronics Mỹ.
LG Signature OLED TV và dòng OLED Smart TV 4K tích hợp chuẩn HDR năm 2016 có tổng cộng 8 model. Sở hữu công nghệ TV OLED cao cấp cùng khả năng độc đáo tự bật tắt từng điểm ảnh và công nghệ hình ảnh chuẩn HDR (Dolby Vision HDR và HDR10), tất cả các model LG OLED TV đều cho hình ảnh sắc nét, chi tiết trên nền đen hoàn hảo, ánh sáng được cải thiện, màu sắc sống động, dải tương phản và góc xem rộng, ngay cả khi đối tượng sáng ở ngay sát bên cạnh vùng tối sâu (không giống như TV LCD có hiệu ứng hào quang bởi rò rỉ ánh sáng).
Dòng LG OLED TV 2016 đã được tổ chức UHD Alliancetrao trao chứng nhận Ultra HD Premium. Các sản phẩm đều được trang bị nền tảng webOS 3.0 mới nhất do LG phát triển giúp người dùng dễ dàng và nhanh chóng tìm kiếm và chuyển đổi giữa các tùy chọn nội dung tiên tiến, bao gồm phát sóng truyền hình, dịch vụ trực tuyến và kết nối với các thiết bị bên ngoài.
LG Signature OLED TV sở hữu ngôn ngữ thiết kế "Picture-on-Glass" với độ mỏng tuyệt đối (kích thước khoảng 2,54mm) và mặt kính trong suốt. Mô-đun OLED được áp trực tiếp vào mặt sau kính thành một cấu trúc gọn, siêu mỏng và gắn với dàn loa mạnh mẽ hướng về phía trước, tạo nên điểm tựa độc đáo cho gờ và giá đỡ được thiết kế trong suốt như vô hình.

Ngoài giải thưởng TV Shootout, chuỗi sản phẩm 4K Ultra HD LED TV cao cấp - LG Super UHD TV cũng được vinh danh "2016 CE Week Best in Show". Đây là giải thưởng được bình chọn bởi các biên tập viên báo chí (đánh giá khả năng sử dụng, thiết kế, sáng tạo, tính năng quan trọng và giá trị sử dụng tổng thể). LG Super UHD TV sở hữu tính năng hình ảnh tiên tiến nhất của công nghệ LG LED và có thể tái tạo bảng màu rộng với hơn một tỷ sắc độ cho hình ảnh sống động như thật. Đây là những sản phẩm LED 4K UHD TV đầu tiên cung cấp chuẩn hình ảnh HDR (cả Dolby Vision và HDR10), hỗ trợ người dùng quyền truy cập vào tất cả các nội dung HDR.
Giải thưởng Value Electronics TV Shootout là một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm đánh giá các Tivi cao cấp từ các nhà sản xuất hàng đầu và chọn ra sản phẩm có chất lượng hình ảnh tốt nhất. Mỗi Tivi tham gia cuộc thi năm 2016 đều do Ban tổ chức TV Shootout thẩm định độc lập và được khán giả tham dự ngày hội công nghệ CE Week, bao gồm các chuyên gia trong ngành, những người có ảnh hưởng và đam mê trong giới công nghệ nghe nhìn đánh giá.
1 ngày nào đó oled sẽ phổ cập đến mọi nhà thôi
nhớ ngày xưa mỗi lần xem tivi hay đọc báo IT thấy tivi L C D là 1 điều xa xỉ, giờ rẻ bèo và nhà nào cũng có =))
hl80
TÍCH CỰC
8 năm
@mrkn Mình chỉ nói cho bạn hiểu biết thêm là trước khi LG làm ra được cái tv OLED thì Sony nó đã bán trước đó 5-7 năm rồi, chứ ko có tranh luận về vấn đề cái nào đẹp hay xấu hơn. Đọc kỹ và đừng cãi cùn.
Còn giải thưởng này nọ thì mình ko quan trọng lắm. Bạn có thấy Ferrari hay Buggati nhận được giải gì của mấy nhà báo hay tạp chí ko? Nhưng có thằng nào được giải "Xe của năm" hay "Xe tốt nhất trong năm" dám đứng cạnh xe của 2 hãng này nói xe nó "xịn" hơn ko???
Bồ Đào Nha vô địch Euro nhưng có ai công nhận nền bóng đá BĐN mạnh hơn Đức Ý TBN ko?

Trên đây là vd cho bạn hiểu mấy cái giải thưởng cũng chỉ là tương đối chứ ko tuyệt đối. Anh hùng bàn phím mà chỉ đem mấy cái link về giải thưởng ra để so sánh thì ko học hỏi được kiến thức gì đâu bạn.
Cố gắng tâng bốc LG nha!
mrkn
TÍCH CỰC
8 năm
@hl80 Bạn cãi cùn thiệt. Giải thưởng tivi này nọ ko quan trọng thì quan trọng cái gì ?? Sony, Samsung gì đó ko sản xuất được tivi OLED thì mua bằng niềm tin ah ???

Mấy cái Ferrari hay Buggati gì đó là thuộc loại quá đặc biệt rồi. Và nó nổi tiếng là nhanh, chứ ko phải nổi tiếng là tốt, là sang chảnh, nhé 😁. Cái người tiêu dùng cần là những cái mà họ dùng thiết thực, ok

Bóng đá thì lại càng khác. Đội hay nhất chưa chắc vô địch. Còn mấy cái tivi, người ta có máy móc, có chuẩn, có thiết bị đo, thắng thua rõ ràng mà

Nói tóm lại cái mà anh em rút ra sau khi thảo luận là tấm nền LCD thua tấm nền OLED. Và tấm nền OLED thì mới chỉ có LG sản xuất được để bán cho người tiêu dùng mà thôi. Cái này là sự thật nhé. Ko biết nhận bao nhiêu của hãng khác để dìm hàng LG nữa, haizzz
hl80
TÍCH CỰC
8 năm
@mrkn Bạn giả ngu hay ngu thiệt???
Sony là hãng đầu tiên trên thế giới bán tv OLED năm 2007 rồi. Làm ơn tỉnh táo lại!!!
Mình ko dìm hàng của LG, mình chỉ cho bạn biết là bầu trời có nhiều sao lắm, để bạn ngoi lên miệng giếng thôi. Ai ko biết bây giờ chỉ có LG bán tv oled, nhưng mà cái thằng Sony nó bán từ 2007 rồi, chỉ là do nó quá đắt thời điểm đó và nó cũng ko cạnh tranh nổi so với lcd nên Sony đành bỏ luôn.
Nói chuyện với dân DỐT KHÔNG KIẾN THỨC thiệt là mệt.
Xin khỏi reply lại vì mình cũng ko trả lời nữa đâu, mệt rồi. Để đầu óc học hỏi những thứ khác
bài rất hữu ích, tks
Nhiều khái niệm mình tưởng là hai giờ hóa ra lại là một 😁
Kal-el119
TÍCH CỰC
8 năm
Ko liên quan nhưng Lg có quả quảng cáo tv oled thúi ko tưởng.
Bao giờ OLed đại trà thì mình đổi TV. Giờ đổi thì mấy cái ko biết để đâu
Bài viết hay
KLQ nhưng đang định mua Tivi độ phân giải cao vừa làm Tivi vừa làm màn máy tính chơi Game nên chọn loại nào , độ phân giải nào đang loạn tùm lum lên
đang nhắm con LG 4K 2016 HDR màu săc Premium, Sony thì coi sắc sảo quá ko biết có hợp với Game và máy tính không ?
tấm nền LG là nhất thì phải
@duclinh79. Để FHD thì mua FHD thôi bác, lên 2K là đẹp, cần gì 4K. Ngồi xa thì lại càng không có lý do để mua 4K. Còn xem phim bom tấn thì nên mua loại 21:9. Đang xài 1 con 21:9 AH-IPS của LG rất thích.
@duclinh79. Tv độ trễ hình ảnh cao, nếu để đọc báo xem phim thì ok
Độ trễ của tv có thể nhận biết ngay bằng cách đưa chuột nhanh
@hackieuhay E vẫn dùng ps vs monitor đó bác đặt ở phòng ngủ chơi cho yên tĩnh
Nên có bản so sánh giữa các công nghệ LCD, LED, OLED, Q(D)LED

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019