Tuần này xem ảnh của ai?- "Lễ cấp sắc" của người Dao qua góc nhìn của NAG Thành Thế Vinh.

vitaminSea
3/3/2018 4:38Phản hồi: 14
Tuần này xem ảnh của ai?- "Lễ cấp sắc" của người Dao qua góc nhìn của NAG Thành Thế Vinh.
Tuần này @Camera Tinh tế giới thiệu bộ ảnh phóng sự tư liệu văn hóa rất hay của NAG Thành Thế Vinh. Đây là bộ ảnh về "Lễ cấp sắc" 12 đèn, quan trọng bậc nhất trong những nghi lễ truyền thống của người Dao đỏ ở thôn Ky Công Hồ, Bát Xát, Lào Cai. Ghi lại trọn vẹn quá trình nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của đàn ông người Dao, do NAG Thành Thế Vinh thực hiện.


NAG Thành Thế Vinh (1981) sinh ra ở Hà Nội, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Việt Nam khoá 46. Là giảng viên khoa Đồ hoạ trường đại học mỹ thuật Việt Nam 2011-2017, công việc hiện tại nghệ sỹ tự do. Là một trí thức yêu cái đẹp và thích xê dịch, anh đã chọn nhiếp ảnh cho cuộc hành trình của mình để tìm hiểu, nghiên cứu và ghi nhận lại những giá trị về bản sắc văn hóa và truyền thống của những dân tộc anh em khác của mình.

Như là bộ ảnh nổi trội lên nhất giữa những bộ ảnh cũng đẹp không kém của anh, bộ ảnh mang đến một "Lễ cấp sắc" đầy màu sắc và đủ thông tin, quyện giữa khung cảnh thơ mộng của núi non, là không gian huyền ảo khi nghi thức được tiến hành, là sản phẩm của bản sắc văn hóa của dân tộc Dao mà anh đã cất công thực hiện.

28660478_10210772116930900_7786121036139370752_n.jpg

Mời anh em xem bộ ảnh, có chú thích riêng cho mỗi ảnh bên dưới.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì không coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc của người Dao đỏ có nhiều cấp bậc, mỗi cấp bậc phản ánh một ý nghĩa và trình độ khác nhau. Cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất và họ phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao. Người đã được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành “sư phụ”, là thầy cúng cao cấp, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng.

Gần 30 năm qua, trên đỉnh Ky Công Hồ mới có một lễ cấp sắc 12 đèn như thế. Theo lời ông chủ lễ Chảo Chỉn Nhàn, một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ky Công Hồ thì lễ cấp sắc 12 đèn này là sự kiện trọng đại bậc nhất. Sau 3 năm vất vả chuẩn bị, ông đứng ra chủ trì tổ chức lễ với sự tham gia của 35 cặp vợ chồng người Dao đỏ từ khắp các miền đất của tỉnh Lào Kay, Lai Châu.

Cùng với cấp sắc cho người đang sống, thì nghi lễ này còn cấp sắc cho 73 người đã khuất, là ông bà, cụ kỵ thuộc 4 dòng họ: Chảo, Tẩn, Lý, Hoàng mà khi còn sống họ chưa được cấp sắc 12 đèn. Để được cấp sắc 12 đèn, thì mỗi cặp vợ chồng phải đóng góp 6 triệu tiền mặt, 1 con gà, 10 kg gạo nếp, 20 lít rượu, 50 kg lợn, 100 kg gạo tẻ, và một số nhu yếu phẩm khác….Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến học trò và khách mời đều ăn chay, tuyệt đối không có món nào dính mỡ. Các cặp vợ chồng đều không được ở gần nhau…phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng.


1.jpg
Mở đầu đại lễ cấp sắc là hàng loạt tiếng súng kíp được bắn lên liên hồi để cầu trời đất, thỉnh Ngọc Hoàng thông báo đã đón thầy về làm lễ.


2 copy.jpg

Lễ cấp sắc trên đỉnh Ky Công Hồ diễn ra vào cao điểm của đợt rét đậm đầu tháng 1-2018 nhiệt độ ban đêm xuống còn 3 độ.

Quảng cáo



3.jpg
Các nghi thức trong lễ cấp sắc 12 đèn được tiến hành theo thứ tự, các thầy sẽ đánh trống, chiêng, thổi tù và trong mỗi nghi lễ.


4 copy.jpg Sau đó sẽ thực hiện những nghi thức như khai đàn để báo cáo tổ tiên, lễ lên tranh, lễ lên đèn, lễ cấp dấu…


5 copy.jpg Những người được cấp sắc 12 đèn họ phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi lễ, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.


6 copy.jpg

Quảng cáo


7 copy.jpg
Các cặp vợ chồng đều không được ở gần nhau…phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng.


8 copy.jpg

Trong suốt 4 ngày đêm diễn ra đại lễ cấp sắc, từ thầy cúng đến học trò và khách mời đều ăn chay, tuyệt đối không có món nào dính mỡ.


9 copy.jpg

Sau khi các thầy cúng làm lễ lên tranh .. khu hành lễ được treo kín các bức tranh được lưu truyền từ đời này sang đời khác.


10 copy.jpg

Nhiều bức tranh thờ trong lễ cấp sắc thể hiện triết lý về mối quan hệ giữa cuộc sống của con người với vạn vật trong vũ trụ. Trong đó những bức tranh không thể thiếu là 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian) Thái thanh (thần cai quản âm phủ) còn được gọi là Tam thanh.


11 copy.jpg

thầy cúng sẽ làm lễ truyền dạy đạo làm thầy cho các trò, dặn dò các trò sau lễ cấp sắc, đã trưởng thành, được làm thầy thì phải có tâm, có đức thì mới đem lại may mắn, phúc, lộc cho gia đình, dòng họ, làm con cháu của Bàn Vương.

12 copy.jpg
13 copy.jpg

Một nghi thức chứa đựng vẻ kì bí góp phần làm tăng thêm tính linh thiêng của buổi lễ đó là “dẫn” các trò đi âm gặp Ngọc Hoàng. Trong nghi thức này các học trò sẽ tự trải một tấm chiếu và đặt mỗi chiếu 1 chiếc gối gọi là “gối mơ”.


14 copy.jpg Trên đầu chiếu được xếp 7 chiếc chén, và được đặt 1 cối hương. Sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công các thầy sẽ dắt các học trò vào nằm thẳng ngay ngắn rồi đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt


15 copy.jpg
Các thầy đi 3 vòng quanh trò vừa đi vừa khấn đồng thời bỏ mặt nạ ra. Sau đó thầy cả đến chỗ nằm của từng học trò, ngậm 1 ngụm nước chè nhỏ rồi phun vào bụng, vỗ vào ngực học trò rồi đỡ từng người dậy ngồi vào ghế.


16 copy.jpg

Kết thúc nghi lễ này mỗi thầy cúng dùng hai chiếc gậy làm phép nâng học trò đứng dậy.


17 copy.jpg
Những nghi lễ độc đáo và huyền ảo nhất sẽ diễn ra vào đêm thứ 3 của đại lễ...


18 copy.jpg
Một khay nhỏ thắp 7 ngọn nến và một khay 12 ngọn nến được các thầy làm lễ truyền qua đầu các học trò nhiều vòng.


19 copy.jpg Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc.



20 copy.jpg

Sang ngày cuối cùng là nghi lễ ở đàn tràng cao ngoài trời. Theo quan niệm của người Dao chỉ khi được cấp sắc 12 đèn các cặp vợ chồng mới được các thầy đặt tên âm và làm lễ để sang thế giới bên kia vẫn mãi là vợ chồng. Họ khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất, đặc biệt là trang phục ngày cưới của cô dâu Dao đỏ với chiếc mũ cà pha lộng lẫy.


21 copy.jpg

Sau khi thầy cúng làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Những cặp một chồng hai vợ thì người vợ cả sẽ được các thày trên đàn tràng tung ấn trước sau đó mới đến người vợ hai.


22 copy.jpg

Sau khi đã xong mọi nghi lễ, mọi người mới mở tiệc ăn mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ cấp sắc 12 đèn.


Ngoài "Lễ cấp sắc", NAG Thành Thế Vinh còn có nhiều bộ ảnh đẹp về văn hóa tiêu biểu của người Dao hay những dân tộc miền núi phía bắc khác, cameratinhte muốn dành một bài interview lần tới để giới thiệu đến mọi người một cách toàn diện và và đủ đầy nhất về anh và tinh thần nhiếp ảnh của anh!

Kết nối với anh tại :

Facebook : Thành Thế Vinh




14 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

nemo1810
TÍCH CỰC
6 năm
Việt Nam mình có nhiều điều mà mình còn cần phải tìm hiểu và "thưởng thức" nhỉ, sory, em không tìm được từ nào thay cho từ "thưởng thức". Em đang thấy nó gần với ý nghĩ của mình hiện tại nhất :p
nemo1810
TÍCH CỰC
6 năm
@Khoidang Trải nghiệm thì không hẳn là ý em. Ý em là chỉ hiểu biết thêm cái này cũng thấy như mình đang tận hưởng cảm xúc tích cực, tốt đẹp, thấy hạnh phúc do được biết thêm về nghi thức văn hóa này. Còn trải nghiệm thì là mình tham gia vào nghi lễ, nên thấy không đúng lắm 😁
@nemo1810 Tui cũng dân tộc dao nhưng phong tục chỗ tui k rườm rà phức tạp như này 😁 vn có 54 dân tộc cái bạn cần phải "thưởng thức" nhiều lắm :D
Quá đẹp và giá trị
Quả này 12H đêm tối lửa tắt đèn mà có ai vô nhà lục lọi tìm tiền,đồ đạc để ăn cắp gặp 3 cái ông nằm im treo tranh,đũa kia lên mặt thì sợ vãi linh hồn..... 😁
[​IMG]
cuongibra
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đầy màu sắc truyền thống, cảm ơn tác giả,
Vananhlc0509
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mai mình cũng được mời đi dự 20180304_155159.jpg
Nhiều phong tục tập quán của các dân tộc mình chưa có dịp để tìm hiểu, xem qua Lễ Cấp Sắc này thấy trọng vọng quá, như lễ Tết của người Kinh
ánh sáng màu sắc phê dã man
Nhìn ảnh thì đẹp nhưng thực tế là một hủ tục vô cùng tốn kém. Nhà khá giả còn đỡ chứ nhà nghèo thì là một gánh nặng rất lớn.
doantoansai
ĐẠI BÀNG
6 năm
Bên dân tộc mình có lễ tương tự, rất ư là phê pha



tuananhhd88
ĐẠI BÀNG
6 năm
@doantoansai Hi bác, bác có thể nói rõ hơn về lễ này được không.
nguyenly95
ĐẠI BÀNG
6 năm
ghê ghê sao ấy nhỉ
linhlinhhs
ĐẠI BÀNG
6 năm
huyền bí quá

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019