Sau bài trên tay tản nhiệt khí Noctua NH-D15 vừa qua, mình cũng tiện thử nghiệm luôn vài mẫu tản nhiệt AIO khác cho anh em có cái nhìn tổng quan hơn. Trước mắt trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ tổng hợp các sản phẩm ở phân khúc cao cấp, có thể coi là top của tản khí và AIO hiện tại. Danh sách (theo thứ tự chữ cái) gồm: ASUS ROG Ryujin II 360 ARGB, Corsair iCUE H150i ELITE LCD, Noctua NH-D15 và NZXT Kraken Z73 RGB.
ROG Ryujin II 360 ARGB có thể nói là mẫu tản nhiệt AIO cao cấp nhất về giá bán. Tại Việt Nam, chi phí sở hữu của sản phẩm vào khoảng 9.5 - 10 triệu đồng. Đóng gói ROG Ryujin II 360 ARGB ấn tượng với kích thước lớn và tông đen đỏ cùng logo ROG rất ngầu, thay đổi màu theo góc nhìn. Phụ kiện đi kèm Ryujin II 360 ARGB rất đầy đủ, chia rõ ràng theo các loại socket và còn có sự khác biệt về ngoại hình giữa các ốc đệm, tránh nhầm lẫn khi lắp đặt.
ASUS ROG Ryujin II 360 ARGB


ROG Ryujin II 360 ARGB có thể nói là mẫu tản nhiệt AIO cao cấp nhất về giá bán. Tại Việt Nam, chi phí sở hữu của sản phẩm vào khoảng 9.5 - 10 triệu đồng. Đóng gói ROG Ryujin II 360 ARGB ấn tượng với kích thước lớn và tông đen đỏ cùng logo ROG rất ngầu, thay đổi màu theo góc nhìn. Phụ kiện đi kèm Ryujin II 360 ARGB rất đầy đủ, chia rõ ràng theo các loại socket và còn có sự khác biệt về ngoại hình giữa các ốc đệm, tránh nhầm lẫn khi lắp đặt.


Phần backplate và khung giữ block nước cũng như ốc vít, cách sử dụng tương tự như mẫu NZXT Kraken Z73 RGB, do cả 2 thương hiệu này đều sử dụng chung 1 thiết kế block nước do Asetek cung cấp, thế hệ thứ 7. Dù ốp và màn hình của Ryujin II 360 ARGB là dạng chữ nhật nhưng bên dưới, block nước cũng là hình tròn, tương tự như sản phẩm Kraken Z73.


Điểm khác biệt tùy biến giữa các thương hiệu là cách đi dây và thiết lập quạt, đèn. ASUS kèm theo ROG Ryujin II 360 ARGB 1 hub điều khiển, hỗ trợ gắn tối đa 4 quạt LED ARGB, cấp nguồn chính qua đầu cáp SATA. Điểm lưu ý là anh em cần kết nối đầu micro USB từ block nước vào cổng tương ứng trên hub thì mới có điện cho bơm hoạt động. Ngoài ra, đầu USB còn lại sẽ được gắn vào mainboard để lấy dữ liệu hệ thống và chạy màn hình hiển thị.


Quạt làm mát cho radiator 360 mm là ROG AF 12S ARGB công suất tiêu thụ 4.2 W, có tốc độ tối đa 2200 RPM, độ ồn cao nhất 36.45 dBA, áp suất 3.88 mm H2O và lượng gió cao nhất đến 70.07 CFM. Quạt bố trí sẵn đệm cao su chống rung ở 4 góc, các cánh quạt có chất liệu nhựa đục, tản sáng LED rất đẹp. Ngoài ra, bên dưới ốp block nước cũng tích hợp 1 quạt nhỏ, cung cấp luồng gió 19.41 CFM, tốc độ cao nhất 4800 RMP, áp suất 3.23 mm H2O và độ ồn 31 dBA.
Corsair iCUE H150i ELITE LCD

Quảng cáo
iCUE H150i ELITE LCD là mẫu tản nhiệt AIO top 2 của Corsair, kích thước radiator 360 mm, chỉ kém hơn mẫu cao nhất iCUE H170i ELITE LCD với rad 420 mm mà thôi. Mức giá của iCUE H150i ELITE LCD là khoảng 8 triệu đồng. Anh em ít chi phí hơn có thể nhắm đến mẫu H150i ELITE CAPELLIX, chỉ có đèn RGB, không màn hình LCD và có giá rẻ hơn. Về cơ bản, các mẫu tản nhiệt AIO ELITE LCD của Corsair chính là sự kết hợp hay bản bundle của ELITE CAPELLIX và LCD Upgrade kit (giá 99.99 USD), nhưng rẻ hơn 1 chút. Anh em hoàn toàn có thể chọn mua H150i ELITE CAPELLIX rồi sau đó nâng cấp thêm khi có nhu cầu, hiệu năng tản nhiệt của chúng là như nhau.

Đóng gói của Corsair iCUE H150i ELITE LCD rất cao cấp, tương xứng với mức giá và phân khúc mà nó hướng tới. Hộp đựng tông đen chủ đạo thay vì vàng đen, trên đó là các hoa văn tam giác đều sang trọng. Thông tin trên hộp cho biết phần màn hình LCD sử dụng tấm nền IPS, tương thích và điều khiển với iCUE. Sản phẩm được sản xuất tại Đài Loan.

Phụ kiện đi kèm của Corsair iCUE H150i ELITE LCD rất đầy đủ và nhiều, hỗ trợ những socket phổ biến hiện tại như Intel LGA 1700/1200/115x/1366/20xx và AMD AM4/AM5/sTRX4/sTR4. Ngoài lượng ốc cần thiết để lắp đặt lên socket CPU, Corsair còn hào phóng tặng kèm 24 ốc dài gắn quạt và 24 long đền, sẵn sàng cho anh em lắp 6 quạt push - pull trên radiator.

Quảng cáo
Hỗ trợ điều khiển cho hệ thống quạt là Corsair Commander Core, đủ chỗ cho 6 quạt làm mát có đèn LED RGB. Ngoài ra, hub điều khiển cũng có vị trí gắn đầu đo nhiệt độ, được cấp nguồn qua cổng SATA và kết nối với header USB trên mainboard. Đối với những mẫu mainboard đời mới thường cắt bớt header USB 2.0, Corsair cũng không quên kèm theo dây chia chữ Y cho đầu cắm này.


Quạt làm mát sánh đôi với iCUE H150i ELITE LCD là Corsair ML 120 RGB ELITE, công suất tiêu thụ 1.44 W, công nghệ Magnetic Levitation và AirGuide giúp định hướng luồng gió chính xác, tăng hiệu quả tản nhiệt. Quạt còn có chế độ Zero RPM, điều khiển từ phần mềm iCUE, cho phép tạm ngừng ở ngưỡng nhiệt thấp để hạn chế độ ồn. Lượng gió mà ML 120 RGB ELITE tạo ra từ 14.86 CFM đến 58.1 CFM, độ ồn cao nhất 30.4 dBA. Hãng cũng tích hợp sẵn các đệm cao su chống rung cho 4 góc quạt.



Block nước và phần LCD Upgrade kit, cố định bằng nam châm 4 góc, vừa chắc chắn vừa tháo gỡ dễ dàng khi cần. Màn hình tích hợp có kích thước 2.1 inch, dạng tròn, độ phân giải 480 x 480 và tần số quét 30 Hz, hiển thị đến 16.7 triệu màu cùng độ sáng cao nhất 600 nits. Ngoài các thông số cơ bản về hệ thống, anh em có thể tùy biến màn hình để hiện các hình ảnh hay GIF theo sở thích thông qua iCUE.
Noctua NH-D15


Top tản nhiệt khí hiện tại Noctua NH-D15 có giá khoảng 3 triệu đồng, ưu điểm là chạy trường kỳ, lắp đặt dễ dàng, không có rủi ro rò rỉ nước, bù lại trọng lượng nặng nên cần chú ý gia cố. Dĩ nhiên đối với các tản nhiệt AIO trong bài viết này, rủi ro cũng cực kỳ thấp hay gần như không có, do chúng ở phân khúc cao và chất lượng hoàn thiện rất tốt.


Tản nhiệt tháp đôi Noctua NH-D15. Mỗi tháp có 45 lá nhôm độ dày 0.42 mm, kết nối với đế dẫn nhiệt bằng đồng qua 6 heatpipe 6 mm cùng chất liệu, tất cả được mạ nickel. Noctua thiết kế lại khối lá nhôm để tránh chạm đến các thanh RAM cao. Chiều cao của NH-D15 là 160 mm (không quạt) và 165 mm (có quạt), nhưng anh em cần phải dự trù thùng máy có khả năng hỗ trợ lớn hơn, do khi lắp quạt thứ 2 sẽ nhô lên nhiều hơn để tránh chạm RAM. Trọng lượng của cả khối tản nhiệt gồm quạt là 1.32 kg.
NZXT Kraken Z73 RGB
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2022/10/6189040_tren-tay-nzxt-kraken-z73-rgb-tinhte-1.jpg)

Kraken Z73 RGB là mẫu tản nhiệt AIO cao cấp nhất của NZXT, với radiator 360 mm kèm quạt làm mát có đèn LED RGB dạng ring rất lạ và đẹp. Phiên bản mình thử nghiệm sử dụng chung nhà OEM là Asetek, vì vậy gần như các phụ kiện đều tương đồng với ASUS ROG Ryujin II 360 ARGB. Điểm khác biệt tùy biến mà từng thương hiệu áp dụng sẽ là thiết kế quạt làm mát, đèn và màn hình hiển thị.


Quạt Aer RGB 2 120 mm đi kèm có tốc độ từ 500 RPM đến 1500 RPM, cho ra áp suất 0.15 - 1.35 mm H2O, luồng gió 17.48 - 52.44 CFM và độ ồn cao nhất 33 dBA, tiêu thụ 2.16 W điện. Điểm đặc biệt của các quạt Aer RGB 2 120 mm ngoài vòng LED RGB thì còn là thiết kế kết nối theo kiểu chuỗi daisy, nghĩa là thay vì 3 quạt cho ra 6 đầu dây thì chỉ còn 4 đầu, dễ dàng và đơn giản hơn trong khâu lắp đặt. Việc kết nối các dây lại với nhau thông qua 1 cáp chia đầu cắm, rồi tất cả hội tụ lại vào trong block nước, để rồi chỉ cần cắm 1 đầu USB vào mainboard và 1 cấp nguồn SATA là đủ. Cách mà NZXT áp dụng cho Kraken Z73 RGB giúp anh em bớt rối rắm hơn khi đi dâ, thông thoáng thùng máy (hay mặt hông), bù lại sẽ bị giới hạn ở 3 quạt cho radiator. Nếu muốn lắp thêm nhiều quạt NZXT và đồng bộ dễ dàng bằng phần mềm NZXT CAM, anh em có thể trang bị thùng máy cùng thương hiệu, có tích hợp sẵn hub controller.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: Intel Core i7-12700K
- Mainboard: GIGABYTE AORUS Z690 XTREME
- RAM: Kingston FURY Renegade DDR5-6400 32 GB (2 x 16 GB)
- VGA: AMD Radeon RX 6800 XT (Reference)
- Cooler: ASUS ROG Ryujin II 360 ARGB, Corsair iCUE H150i ELITE LCD, Noctua NH-D15, NZXT Kraken Z73 RGB
- SSD: Western Digital Black SN850X 1 TB
- PSU: Corsair RM850e
- Case: AORUS C700 Glass
- Kem tản nhiệt: Thermal Grizzly Kryonaut Extreme
Vi xử lý Intel Core i7-12700K được chọn để anh em có thể thấy và so sánh hiệu năng giữa top tản khí và top tản AIO. Mình khai thác hết sức mạnh của CPU qua 2 phép thử: stress bằng AIDA64 (stress CPU/FPU/cache) và Prime95 (Small FFTs). Tốc độ quạt được hệ thống điều khiển tự động tùy theo tải và nhiệt độ. Phòng thử nghiệm có máy lạnh, nhiệt độ trung bình 27 độ C, mình theo dõi nhiệt độ CPU bằng phần mềm HWiNFO64.

Trong quá trình thử nghiệm, mình nhận thấy tiếng ồn quạt lớn nhất phát ra từ mẫu Ryujin II 360 ARGB, kế đó là Kraken Z73 RGB rồi đến H150i ELITE LCD và êm ái nhất là NH-D15. Dĩ nhiên, hiệu quả tản nhiệt cũng ở mức tương ứng, nóng nhất là NH-D15, trong khi mát nhất là Ryujin II 360 ARGB và H150i ELITE LCD cùng Kraken Z73 RGB ngay sau đó, cách biệt chỉ 1 độ C. Nếu không tính Noctua, mẫu AIO của Corsair là tản nhiệt êm ái nhất khi CPU ở trạng thái nghỉ, đại diện từ NZXT và ASUS ngang ngang nhau, và anh em có thể nghe thấy tiếng quạt nếu chú ý hoặc môi trường yên tĩnh.

Nhìn chung với những hệ thống sử dụng vi xử lý tầm trung cao, Core i7 trở xuống, lựa chọn 1 tản nhiệt khí hàng top như NH-D15 là đã đủ nhu cầu, vì rất ít khi chúng ta ép buộc CPU phải vắt kiệt sức như phép thử Prime95. Dù vậy, anh em ngoài kia vẫn còn đó những “nhiệt thủ”, mong muốn hệ thống và đặc biệt là CPU phải mát nhất có thể, thì nếu dư dả, tản nhiệt AIO tầm cỡ như H150i ELITE LCD, Kraken Z73 RGB hay Ryujin II 360 ARGB là chọn lựa tốt nhất có thể mua được. Đối với tản AIO top đầu, ngoài nhiệm vụ chính yếu là làm mát, anh em còn có thể sử dụng để trang trí, với màn hình hiển thị và đèn RGB bắt mắt. Ngoài ra, do hiệu năng tản nhiệt của những sản phẩm AIO cao cấp là rất tốt, anh em có thể điều chỉnh tốc độ quạt hợp lý hơn để có môi trường làm việc hay chơi game yên tĩnh.