Laptop Acer



[Kỹ năng] Tìm nguồn nước nơi hoang dã

Jimmii Nam
24/11/2023 13:20Phản hồi: 2
[Kỹ năng] Tìm nguồn nước nơi hoang dã
Nước là nhu cầu số một là chìa khóa của sự sống, sự mưu sinh nơi hoang dã. Cơ thể của chúng ta chứa 75% nước, nhưng cũng dễ mất nước qua hệ bài tiết, cho nên phải kịp thời bổ sung số lượng nước đã mất, nếu không cơ thể sẽ suy kiệt nước và nguy hiểm đến tính mạng. Người ta có thể nhịn đói hàng tuần nhưng không thể nhịn khát trong vài ngày...

Khi cần di chuyển để tìm đường thoát thân, càng phải biết dè sẻn nước uống, dù khát đến đâu thì cũng chỉ nên nhấp từng ngụm nhỏ cho đỡ khát. Hơn nữa, khi đang mệt, uống nước nhiều sẽ lã người, có thể dẫn đến ngất xỉu. Trong cuộc sống hoang dã, việc tìm ra nước là một vấn để cấp bách, bằng mọi cách phải tìm cho ra nguồn nước.

Tìm nguồn nước và mạch nước
Ngoài những nơi có thể tìm thấy nước dễ dàng như: sông, suối, ao, hồ, mương, lạch, giếng, mạch nước... còn có thể tim thấy nước ở những nơi như: Dọc theo bờ biển hoặc bờ hồ nước mặn, đào một lỗ ở nơi vùng đất trũng, cách bờ biển 30m. Hoặc sau một đụn cát đầu tiên, nếu thấy nơi đó có cỏ mọc hay đất ẩm ướt, hy vọng có nước ngọt hay nước có thể uống được.
IMG-8684.jpeg
Đào lỗ ở những vùng này nên chú ý: Khi đến lớp cát ẩm, phải ngưng đào để cho nước rỉ ra từ từ, không nên đào sâu nữa, vì sẽ gặp nước mặn.
  • Đi ngược về nguồn sông, suối cạn, ở đó có thể có những mạch nước rỉ hay đất ẩm chứa nước. Tìm dưới những lớp đá chồng chất ở những khúc quanh của lòng sông hoặc bờ sông. Hay đào những hố nhỏ nơi có cát ẩm ướt. Vì ở đây có thể ẩn chứa những mạch nước.
  • Cũng có thể tìm thấy nước dưới trũng những cồn cát, nơi có những đám cỏ mọc xanh tươi.
IMG-8684 2.jpeg

  • Đi lần theo những con sông, suối cạn khô, có thể tìm thấy những vũng nhỏ chứa nước ở các khe mương, sau các tảng đá lớn, dưới chân các vách núi... những vũng này nước không thấm xuống đất vì nó nằm trên một lớp đá hay đất sét hay đất sét nhão. Cũng ít bị bốc hơi vì được che khuất ánh nắng mặt trời.
IMG-8686.jpeg
  • Trên những vách núi trơ trọi mà có một nơi đất ẩm ướt, cỏ mọc xanh tươi, có thể thu hoạch nước bằng cách nhét một cái khăn hay mảnh vải vào nơi ẩm nhất. Để đầu khăn lòng thòng, nước sẽ thấm theo khăn và nhỏ vào vật hứng ở dưới.
IMG-8686 2.jpeg
  • Đào một lỗ nhỏ ở khu vực sinh lầy hay đá ẩm ướt, sâu khoảng từ 3-6cm, chỗ đất mềm. Nước sẽ từ từ rỉ ra trong hố. Nước này có thể lọc để dùng.
IMG-8688.jpeg
  • Nếu chỉ có cát ướt hay bùn nhão thì dùng một miếng vải hay áo sạch, bỏ vào trong đó, túm lại rồi treo lên hoặc vặn xoắn mạnh, nước sẽ chảy ra.
Lưu ý: Nước “sản xuất" theo kiểu này thường không được trong sạch cần phải lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

  • Có thể tìm thấy nước mưa đọng lại từ trong các hốc cây đại thụ, hoặc trong các lóng tre bị mắt kiến (tre bị kiến đục mắt).
Nếu lắc mà nghe tiếng óc ách thì khía phía dưới từng lóng tre để hứng nước. Những cây tre bánh tẻ (không quá già hoặc quá hon) cũng thường có chứa nước.
IMG-8688 2.jpeg
Nước từ thực vật
Khi các bạn không kiếm được nguồn nước tự nhiên như sông, suối, đầm lầy... hay mạch nước, có thể tìm kiếm nguồn nước từ thực vật. Nhưng dĩ nhiên là không phải cây nào cũng có thể cho nước, hay là nước cây nào cũng uống được, cho nên phải cẩn thận, chỉ sử dụng những cây mà mình đã biết khá rõ.

Dây leo
Hầu như tất cả các loại dây leo thân mềm trong thiên nhiên đều chứa nhiều nước. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, các bạn cũng phải biết rõ tính chất của các loại dây leo đó. Để lấy nước, chặt xiên mũi mác ở phần ngọn rồi kéo xuống. Kê bình nước vào để hứng, nước sẽ từ từ chảy vào bình.
IMG-8690.jpeg
Cũng có thể chặt đứt hẳn một đoạn dây leo dài khoảng 1m (chặt gốc trước ngọn sau). Cầm dựng thẳng lên kê phần gốc vào miệng, nước sẽ từ từ chảy xuống. Khi hết nước, chặt một đoạn khác. Các loại nước ở dây leo có mùi vị khác nhau, có khi gây ngứa cổ, cần phải nếm thử, nhưng hầu hết đều tinh khiết.
IMG-8692.jpeg
Cây chuối

Quảng cáo


Là một cây mọc hoang và được trồng rất nhiều ở những vùng nhiệt đới để lấy trái ăn, lá để gói đồ, thân (bẹ) xẻ nhỏ phơi khô để làm dây cột…
IMG-8692 2.jpeg
Muốn có nước chặt ngang thân chuối, cách mặt đất chùng một gang tay (20cm). khoét một lỗ hình chén ở giữa sâu xuống cho đến phần gốc (củ). Chừa bẹ chung quanh vừa đủ dày để giữ nước. Khoảng một giờ thì nước trào lên, múc đổ vào bình chứa nước, và tiếp tục như thế cho đến khi kiệt nước. Mỗi gốc chuối như thế có thể cho chúng ta nước từ 4-5 ngày.

Cây dừa
Được trồng và mọc hoang nhiều nơi trong những vùng nhiệt đới, gần bờ biển hay các hải đảo... nếu đi lạc vào một vùng có cây dừa thì sự sống của khá an toàn. Vì từ cây dừa cho những sản phẩm như:
  • Nước dừa: Chứa rất nhiều axit amin, axit hữu cơ...
  • Cùi dừa: Có chứa 65% chất béo, 20% gluxit, 8% protit, 4% nước.
  • Gáo dừa: Dùng làm đồ đựng thay tô, chén, gáo múc nước... và làm chất đốt...
  • Gân lá dừa: Bện hay bó lại để làm chổi, làm tăm xỉa răng, đan rổ rá...
  • Xơ dừa: Dùng bện dây thừng, làm thảm chùi chân, chất đốt...
  • Đọt non dừa (củ hủ): Là một thực phẩm cao cấp, có thể ăn sống, luộc, xào, nấu...
  • Thân cây dừa: Dùng làm cột nhà, làm cầu thủ công và các tiện nghi khác.

Trường hợp gặp cây dừa mới ra hoa, hãy níu cuống hoa cho cong xuống (có thể dùng dây để trì giữ lại) và cắt chỗ giáp cuống với buồng hoa. Dùng bao nylon hay ống tre chụp lại để hứng nước (đừng để không khí tiếp xúc nhiều với vết cắt, nếu không thì cứ 12 giờ lại cắt thêm một lát mỏng, vì váng đã đóng bít các lỗ không dẫn nước).
IMG-8696.jpeg
Hoặc bó túm buồng hoa lại rồi cắt đầu ngọn cuống hoa. Với cách làm này một cây dừa cho một lít nước trong một ngày đêm.
IMG-8698.jpeg
Cây thốt nốt

Quảng cáo


Được trồng nhiều ở miền Nam Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và một số nước trong vùng nhiệt đới. Cây thốt nốt được trồng chủ yếu để lấy nước làm nguyên liệu chế biến thành đường và rượu.

Để lấy được nước làm như cách làm với cây dừa, cắt một đoạn ở đầu cuống hoa, rồi buộc bao nylon với ống dẫn nước làm bình chứa. Nếu cắt vào chiều tối và để suốt đêm, các bạn sẽ có một lít nước có vị ngọt và thơm.
IMG-8698 2.jpeg
Quả thốt nốt non ăn ngon như thạch. Quả già có màu vàng, thơm như mít, nếu giã ra, đem lọc sẽ cho một loại bánh làm bột rất ngon.

Cây báng
Còn gọi là cây bụng báng và những cây có dạng tương tự như cây đoác, cây kapác, cây xế, cây rui, cây đủng đỉnh (đùng đình)... đều có công dụng giống nhau.
Là những cây mọc hoang, thường được thấy nhiều ở các tỉnh miền Trung và Bắc Việt Nam và một số nước trong vùng nhiệt đới. Những cây này có thể cho nước từ ngọn, cuống hoa hay ngọn hoa như cách làm với cây dừa, tinh bột từ thân cây, đọt non có thể luộc hoặc nấu canh như các loại rau cải.
IMG-8700.jpeg
Muốn lấy nước người ta chặt lưu thân (không đút hẳn) cho cây ngã xuống theo triên núi (làm sao cho phần gốc nằm cao hơn phần ngọn). Bóc hết lã trên ngon cho đến đọt. Đẽo vát phần đọt non làm thành máng dẫn. Trùm bao nylon hay kê đồ để hứng. Trung bình một ngày một cây cho ta từ 5 lít nước. Khi lượng nước giảm, vạt thêm vào khoảng 1 cm, nước sẽ chảy tiếp.

Lưu ý: Khi chặt cây đùng đình (người Bắc gọi là cây móc). Nếu bị vướng vào buồng trái của nó thì sẽ rất ngứa, phải cẩn thận.

Một cây kapác cao từ 12-15 mét, sẽ liền tục cho từ 150-170 lít nước trong vòng 40 ngày. Ruột của thân cây đem giã, lọc sẽ cho chúng ta một loại bột để làm bánh.

Cây dừa nước
Là loại cây thân bẹ thấp, lá như lá dừa, mọc thẳng đứng vươn lên cao. Cây thường mọc ở những vùng đầm lầy ngập mặn, phù sa, nhiễm phèn, ven sông rạch có thủy triều lên xuống...

Cây dừa nước mọc rất nhiều ở vùng đồng bằng Nam bộ, có nơi phát triển thành rừng tự nhiên. Cây dừa nước cũng cho trái, mỗi buồng dừa nước có khoảng vài chục trái, kết với nhau thành buồng có dạng khối tròn. Trái dừa nước có cùi dày, màu trắng đục, có vị hơi ngọt và rất béo, có thể ăn tươi, nấu chè…
IMG-8704.jpeg
Bập dừa nước dùng để chẻ lạt, gọi là lạt dừa. Nó còn là loại phao nổi tự nhiên dùng để vượt sông. Nhưng quan trọng nhất là nhựa dừa, được dùng để uống và chế biến thành đường, cồn, rượu, giấm, nước giải khát, bánh kẹo...

Muốn lấy nước cũng dùng những phương pháp như đối với cây dừa và cây thốt nốt; cắt đầu cuống hoa còn non, buộc bao nylon hay ống để dẫn nước.

Cây xương rồng
Ở những vùng đất khô cần hay hoang mạc, người ta thường gặp những cây xương rồng khổng lồ Saguaro (không thấy ở Việt Nam) thân cây chứa rất nhiều nước.
Để lấy nước, người ta lựa những cây thấp, mọng nước (khía căng, không lõm sâu) cắt ngang thân cây, rồi dùng tay hay gậy quậy một lúc ở trong ruột cây, nó sẽ cho một chất nhờn tựa như thạch, có thể ăn để đỡ khát.
IMG-8706.jpeg
Lấy nước từ sương
Vào các buổi sáng, khi bạn gặp những đám cỏ cao ướt đẫm sương, có thể lấy nước bắng cách cầm mảnh vải quơ nhẹ lên ngọn cỏ rồi vắt lấy nước. Hay cột một cái khăn, áo thun (loại vải dễ thấm nước) vào một sợi dây rồi kéo lướt qua trên ngọn cỏ, hoặc cột vào hai ống chân, đi một đoạn, rồi cởi ra vắt để lấy nước.

Ngưng tụ hơi nước
Đào một cái hố hình phiểu, đường kính khoảng chừng một mét, sâu cũng chừng một mét, ở những khu vực ẩm ướt. Đặt ở dưới đáy hố một vật dụng đựng nước (lon, tô, chén...) rồi phủ lên trên miệng hố một tấm nylon sạch và trong suốt, dằn đất đá cho kín chung quanh mép. Ở giữa đặt một cục đá làm cho miếng nylon thụng xuống ngay ở miệng vật chứa nước. Sức nóng của mặt trời làm cho đất ẩm bốc hơi, đọng lại dưới tấm nylon, chảy dài xuống và nhỏ vào vật chứa nước để phía dưới đáy hố.
IMG-8708.jpeg
Có thể áp dụng phương pháp này ở những vùng hoang mạc khô cằn, nhưng trước đó phải lớt một số thân cây mọng nước đã được chặt nhỏ (xương rồng, sống đời...), hoặc những cành lá còn tươi xanh xuống đáy hố để tạo ẩm. Nếu có thể thì nên dùng một tấm nylon hay ống trúc đã thông mắt, để cắm một đầu vào vật đựng nước, một đầu ra khỏi miệng hố, khi cần thì có thể hút nước qua ống, mà không phải mở nắp đậy lên.
Nước được "sản xuất" theo kiểu này rất tinh khiết.

Chưng cất nước bằng khăn
Trong trường hợp khẩn cấp, có thể lấy một cái nồi, đổ nước biển hay nước không tinh khiết vào, trên miệng nồi đậy nhiều lớp vải dễ thấm nước, bắt lên bếp đun sôi rồi lấy những mãnh vải ra để hơi nguội đoạn vắt nước từ những miếng vải ra để uống hoặc sử dụng.
IMG-8710.jpeg

Anh em có thể tham khảo thêm:
https://tinhte.vn/thread/ky-nang-cach-loc-khu-trung-nuoc-va-tru-nuoc-sach-ngoai-thien-nhien.3743130/

[Kỹ năng] Cách lọc, khử trùng nước và trữ nước sạch ngoài thiên nhiên | Viết bởi Jimmii Nam

Khi chẳng may các bạn bị lạc ở nơi thiên nhiên hoang dã, hoặc trong một chuyến dã ngoại dài ngày đi xuyên rừng… dù có khát đến đâu các bạn cũng đừng uống nước dơ bẩn hay nước tiểu, nếu muốn có nước sạch để sử dụng…
tinhte.vn


https://tinhte.vn/thread/ky-nang-nhan-dang-cac-loai-nam-an-duoc-va-nam-doc.3744513/

[Kỹ năng] Nhận dạng các loại nấm ăn được và nấm độc | Viết bởi Jimmii Nam

Các bạn chắc còn nhớ series phim The Last Of Us công chiếu trên HBO đầu năm nay, có cảnh các giáo sư, tiến sĩ nhận định rằng: “Khi môi trường đạt đến nhiệt độ thích hợp thì loài nấm sẽ đột biến một cách ghê gớm”.
tinhte.vn


https://tinhte.vn/thread/ky-nang-cac-cach-thuc-tao-ra-lua-trong-hoan-canh-hoang-da.3742407/

[Kỹ năng] Các cách thức tạo ra lửa trong hoàn cảnh hoang dã | Viết bởi Jimmii Nam

Từ ngàn xưa đứng sau nước và thức ăn, lửa có vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày chúng ta, đặc biệt khi chúng ta phải ở lại nơi hoang dã. Ban ngày dùng lửa để nấu nướng, ban đêm đốt lửa để sưởi ấm, chiếu sáng, xua đuổi muôn thú…
tinhte.vn


https://tinhte.vn/thread/ky-nang-di-chuyen-vuot-chuong-ngai-ngoai-troi.3746531/

[Kỹ năng] Di chuyển vượt chướng ngại ngoài trời | Viết bởi Jimmii Nam

Trong các vùng hoang dã, thường thì không bao giờ bằng phẳng, có những chướng ngại không thể tránh được như đầm lầy, cát lún, núi đồi, vách đá, sông suối... chắn ngang lối đi. Có khi, chúng ta buộc phải di chuyển cả ban đêm.
tinhte.vn


Cảm ơn anh em đã xem bài viết!
Theo Phạm Văn Nhân
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Gọi kêu bình 20 lít chở tới nơi 😆
Tks bài viết hữu ích, mình hay đi rừng cũng tham khảo thêm 👍
256abc
ĐẠI BÀNG
10 tháng
mấy hình vẽ này rất giống sgk ngày xưa, đơn giản mà hiệu quả

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019