Trải nghiệm Rapid Trigger: Switch từ trường đổi được điểm kích hoạt, chơi game có ngon không?

P.W
7/5/2024 9:29Phản hồi: 25
Trải nghiệm Rapid Trigger: Switch từ trường đổi được điểm kích hoạt, chơi game có ngon không?
Xu hướng chừng gần 2 năm trở lại đây trên thị trường gaming gear dành cho gamer chuyên nghiệp, bên cạnh chuột gaming không dây siêu nhẹ, là bàn phím cơ với switch từ tính, sử dụng hiệu ứng điện từ (Hall Effect) để kích hoạt. Có thể kể tới vài lợi thế của công nghệ switch này thay vì switch cơ học hay quang học.

Nếu so sánh với switch cơ học, thì trên lý thuyết, switch từ hall effect mượt mà hơn nhiều, vì không có tiếp điểm hai lá kim loại cọ sát vào nhau để kích hoạt switch, bàn phím gửi tín hiệu tới máy tính và thiết bị công nghệ. Đó là trong điều kiện lý tưởng. Thực tế sử dụng thì switch từ tính dễ lọt bụi bẩn, khiến cảm giác gõ không mượt và trơn như lúc mới mua bàn phím về.

ApexPro-Tinhte-1.jpg

Thứ hai là độ bền. Nếu những switch Cherry MX thế hệ cũ có tuổi thọ từ 20 đến 45 triệu lần bấm, switch đời mới của Cherry có tuổi thọ 90 đến 100 triệu lần, thì switch từ có thể đạt tuổi thọ lên tới 30 tỷ lần bấm, vẫn là trong điều kiện lý tưởng. Hiện giờ những bàn phím gaming sử dụng switch từ tính cũng chỉ dám khẳng định có độ bền trên dưới 100 triệu lần bấm mà thôi.

Thứ ba, nếu như kết cấu của switch cơ học hay quang học bị phụ thuộc vào giới hạn vật lý, chỉ có thể có một điểm kích hoạt khi chân tiếp xúc chạm nhau hoặc đường ánh sáng trong switch quang học bị cắt, thì switch từ có một lợi thế rất lớn, là điều chỉnh được độ cao và khoảng cách nhận phím bấm. Cái này là khía cạnh cơ bản khiến những bàn phím ứng dụng switch hall effect đang có được nhiều sự quan tâm của cộng đồng gamer. Một trong những sản phẩm đáng chú ý, được nhiều dân chuyên nghiệp lựa chọn nhất là Wooting 60HE+, với lời quảng cáo rằng khoảng cách kích hoạt switch có thể thay đổi tự do trong khoảng từ 0.1 đến 4.0mm.


ApexPro-Tinhte-12.jpg

Tại sao lại cần chỉnh khoảng cách kích hoạt phím? Có một khái niệm gọi là độ trễ tự nhiên, khoảng thời gian từ lúc mắt nhìn thấy địch trong game, rồi não ra lệnh tay bấm. Rồi khoảng thời gian từ lúc ngón tay của anh em trên những nút WASD bấm tới lúc phím được kích hoạt cũng lại là một con số góp phần vào độ trễ tự nhiên.

Đấy còn chưa bàn tới chuyện độ trễ input của thiết bị ngoại vi vào máy tính, để nhân vật trong game làm theo lệnh của con người đâu nhé.

Vậy là, hành trình phím càng thấp thì về mặt lý thuyết, phản xạ của gamer chuyên nghiệp càng đảm bảo, không thể đổ lỗi cho thiết bị được.

ApexPro-Tinhte-7.jpg

Mình cũng muốn dùng thử switch hall effect ứng dụng từ trường, kích hoạt nhờ biến đổi từ trường mà switch nhận diện được. Nhưng mua Wooting thì hơi khó khăn, vì sản phẩm bán theo batch, vừa phải đặt hàng trước, vừa phải đợi hàng về, đã vậy còn chẳng có bảo hành chính hãng vì làm gì có nhà phân phối ở Việt Nam?

Dạo một vòng thì thấy vài lựa chọn có nhà phân phối, ví dụ như DrunkDeer A75, hoặc sắp tới là Lamzu Atlantis Pro Keyboard cũng có switch từ, mấy hãng gọi chung là Rapid Trigger. Hai lựa chọn khác từ hai thương hiệu lớn, có thể mua và có bảo hành chính hãng ở nước mình là Razer Huntsman V3 Pro và SteelSeries Apex Pro Mini Wireless.

Mình chọn cái thứ hai, vì một lý do rất đơn giản, phím có cả hai chế độ kết nối không dây qua dongle và Bluetooth, còn Razer thì không có, chiếc nào cũng phải cắm dây.

Quảng cáo



Đằng nào thì muốn trải nghiệm Rapid Trigger, trong túi cũng phải chuẩn bị sẵn chừng 5 đến gần 6 triệu Đồng. Như ví dụ chiếc bàn phím mình dùng để trải nghiệm Rapid Trigger ở đây có giá khoảng 5.6 triệu Đồng. Chúng không hề rẻ, vì nhắm tới đối tượng người dùng cao cấp và chuyên nghiệp.

ApexPro-Tinhte-2.jpg

Thành ra chính bản thân thiết kế của chiếc bàn phím cũng chẳng thể so sánh được với những sản phẩm tập trung vào tính thẩm mỹ với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Dễ nhận ra SteelSeries tập trung vào tính năng họ quảng cáo nhiều nhất là switch OmniPoint 2.0 bên trong bo mạch, và kết nối không dây, cùng độ bền với dàn keycap PBT nhám. Nói vui thì nhìn chiếc bàn phím mình mua về đúng chẳng khác mấy những chiếc phím cơ giá rẻ xuất hiện khoảng 5 đến 6 năm về trước. Thời điểm ấy phím cơ với dàn switch giá rẻ thực sự chỉ tập trung vào công năng, còn tính thẩm mỹ thì bị xếp sang một bên.

Nhưng có lẽ việc ứng dụng cả hai chế độ kết nối không dây lại là thứ đủ để mình đánh đổi, chịu mua cái bàn phím này về chơi điện tử, tranh thủ thử dùng làm việc, gõ văn bản với MacBook thông qua kết nối Bluetooth, và với PC thông qua dongle. Cũng phải nhắc trước anh em, là dongle dùng kết nối USB-C, nên sẽ phù hợp với rất nhiều thiết bị. Còn nếu không muốn hy sinh một cổng USB-C trên máy tính để bàn, phím vẫn có kèm cọng dây sạc kèm đầu chuyển đổi khá tiện, giống như hầu hết mọi thiết bị gaming gear khác đang ứng dụng.

ApexPro-Tinhte-5.jpg

Toàn bộ chiếc bàn phím dùng vỏ nhựa, nên cũng khá nhẹ, bỏ túi mang đi làm rồi mang về dùng với máy tính ở nhà cũng ổn. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, cũng cần nâng niu chiếc bàn phím một chút, vì thiết kế switch “lộ thiên” dễ lọt tóc, bụi bẩn và da chết, nếu lọt vào bên trong switch thì sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm gõ sau này.

Quảng cáo



Một vấn đề nữa với Apex Pro Mini Wireless, là thời lượng pin. 30 tiếng với dongle ở polling rate 1000Hz, hay 40 tiếng với kết nối Bluetooth là thứ mình nghĩ SteelSeries cần cải thiện trong những phiên bản nâng cấp về sau.

ApexPro-Tinhte-13.jpg

Nói tóm lại, “Pro” trong cái tên của chiếc bàn phím này được sử dụng đúng với ý nghĩa một sản phẩm gaming gear dành cho những gamer chuyên nghiệp, không cần đẹp, chỉ cần bền và vận hành hoàn hảo phục vụ họ trong những trận đấu nơi chỉ một tích tắc cũng định đoạt kết cục trận đấu, và định đoạt xem ai là người giảnh giải thưởng hàng triệu USD của nhiều bộ môn, từ Valorant đến CS2.

ApexPro-Tinhte-14.jpg

Giờ mới đến đoạn thử nghiệm thứ mình mong đợi nhất, tính năng điều chỉnh Rapid Trigger trên bàn phím với switch OmniPoint 2.0. Để chỉnh khoảng cách kích hoạt phím, buộc phải tải phần mềm driver quản lý thiết bị về, đối với trường hợp của Apex Pro Mini Wireless là SteelSeries GG. Rồi sau khi chọn chiếc bàn phím để điều chỉnh, anh em chọn tiếp tới mục Actuation. Ở đây, anh em có thể điều chỉnh khoảng cách kích hoạt của từng nút riêng lẻ, hoặc toàn bộ mọi nút trên bàn phím.

Mình chọn giữ nguyên hành trình gốc 1.8mm mặc định với mọi phím khác. Còn cụm WASD, vì chơi nhiều game FPS, sẽ chỉnh về 1mm:

Screenshot 2024-05-07 170757.jpg

Kết quả là, Rapid Trigger không dành cho tất cả mọi người. Vì sao mình lại nói như vậy? Nếu dễ giật mình hoặc dễ bị tác động tâm lý khi chơi điện tử, rất dễ bấm nhầm nút vì cuống và vội. Nhưng nếu tâm lý vững, thì Rapid Trigger, giống hệt như những công nghệ dành riêng cho game khác, như màn hình tần số quét 360Hz, hay polling rate từ 2000 đến 8000Hz đối với chuột gaming, chúng chắc chắn sẽ giúp ích được cho phản xạ và tốc độ xử lý trong game của anh em.

Chỉ cần lướt nhẹ ngón tay vào nút D là đã có thể dạt ngang qua bên phải để chuẩn bị đón đầu địch, tương tự như vậy là nhấp nhả hai nút A và D để lách ra lách vào chướng ngại vật, vừa quan sát bản đồ, vừa không lo đối thủ bắn trúng như lúc đứng yên, rõ ràng Rapid Trigger không chỉ đơn thuần là một tính năng để các hãng gaming gear quảng cáo sản phẩm, mà nó thực sự có tác động tích cực đối với phong độ chơi game, miễn là nếu anh em kiểm soát được đôi tay và khối óc trong mỗi pha xử lý.

Mắt mờ tay chậm nhưng sau vài ngày chơi lại kể từ khi CS2 có VAC wave, lượng người chơi gian lận trong game giảm mạnh, cuối cùng mình cũng làm được một pha highlight mà hiếm khi kỹ năng cho phép:



Trải nghiệm một trong những mẫu bàn phím gaming với switch từ tính áp dụng hiệu ứng hall, mới hiểu vì sao gần đây nhiều gamer chuyên nghiệp lại chuyển qua dùng những giải pháp và sản phẩm tương tự. Đấy là chưa tính đến mức giá của sản phẩm. Nói công bằng thì những bàn phím có tính năng Rapid Trigger điều chỉnh hành trình từng switch hiện giờ không hề rẻ, chứ chẳng riêng gì Apex Pro Mini Wireless.

Còn với 95% người dùng trong số chúng ta, có lẽ cũng không tận dụng được hết lợi thế mà switch hall effect mang lại, đặc biệt nếu chỉ chơi game cho vui, giải trí sau những giờ làm việc mệt mỏi. Bản thân chiếc bàn phím này dùng phục vụ công việc cũng không tồi chút nào, vì có kết nối Bluetooth. Mình có đưa chiếc này cho Didu gõ và làm việc thử, thì ông bạn nói rằng thích cái âm thanh của switch và keycap gõ xuống backplate, vì nó không quá ồn ào. Còn mình, sau khi chụp hình sản phẩm, mình sẽ đổi bộ keycap khác dày hơn, để tiếng trầm đục hơn một chút, tại đó là gu của cá nhân.

ApexPro-Tinhte-10.jpg

Một giải pháp ứng dụng có thể được đưa ra. Đối với những anh em thích gõ lướt ngón tay trên mặt phím, không gõ đến mức “bottom out”, tức là keycap va vào backplate, thì điều chỉnh switch OmniPoint trên chiếc bàn phím này về mức 1.5mm cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho tốc độ gõ.

Kết luận lại thì, như mình đã nói, 95% anh em đọc và bình luận bài viết này sẽ không cần một sản phẩm với tính năng rất riêng biệt, phục vụ đối tượng người dùng chuyên biệt như Apex Pro Mini Wireless. Mình mua về dùng rồi viết bài trải nghiệm gửi tới anh em, có lẽ để giải đáp cho chính bản thân mình hai câu hỏi. Thứ nhất là Rapid Trigger có tốt và hữu ích? Câu trả lời là có. Thứ hai là cứ chơi game thì sẽ cần chiếc bàn phím này? Câu trả lời có lẽ là không, trừ phi anh em thực sự nghiêm túc với ý định thi đấu chuyên nghiệp với nhiều bộ môn cần phản xạ cực nhanh.

Và cũng vì là một sản phẩm nhắm vào thị trường pro gamer, nên gần như mọi chi tiết và tính năng được các hãng tập trung ứng dụng để cạnh tranh, như kết cấu khung phím dạng gasket mount, rồi hỗ trợ hotswap đổi switch cơ học nhanh, hay những tính năng điều khiển nâng cao như núm chỉnh volume đều không hiện diện trên chiếc bàn phím cao cấp này. Trái lại, nó “chỉ” có đầy đủ mọi công năng phù hợp với đối tượng người dùng chơi game, từ kết nối không dây độ trễ thấp 2.4 GHz, độ bền đáng kể, và quan trọng nhất, lại phải nhắc lại, hệ thống switch phục vụ riêng cho nhu cầu phản xạ trong game.

Có lẽ đây là một trong số những sản phẩm có thể được mô tả bằng cụm từ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

25 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Switch HE h mấy gear tàu cũng phổ cập rồi. Tầm 2tr mấy là có. Đang hot con Bridge 75 của mấy oppa, full nhôm, switch HE, polling rate 8000, mà có 2tr mấy.
@tringuyenxp1603 Phím h cũng ngon rồi, tầm 2tr thì bỏ thêm chút mod lại vẫn xứng đáng. Dự là ngang ngửa mưa 75, thêm cấu trúc ball catch thì giá đó quá rẻ. Nhưng vẫn đang hóng con crush 80, chim ưng cái led dưới đít của ẻm :v chung studio vs Mưa 75
thuat410
ĐẠI BÀNG
3 tháng
@keithtran06 Mấy a Tàu mà chơi cái j là phá giá cái đó luôn. Bây h loanh quanh 1 củ là có 1 bộ full nhôm gõ ngon lành rồi.
@keithtran06 vẫn thua xa chery red-30g siêu nhẹ bác nhỉ
@haobcyqhdvb Cherry Red 30g chưa gõ nhưng nó về gaming thì nó ko bằng mấy con HE đâu.
Mình vẫn prefer con phím màng cao su hơn. Con hhkb pro hybrid vẫn đỉnh 😂
@keithtran06 Con phím nào cũng chơi game được hết bạn ơi. Mình cũng chơi game chứ không phải không, kể cả fps casual chơi được hết. Tốc độ phản ứng của ngón tay ấn tới lúc có tín hiệu truyền đi đều khoảng cỡ 50-100ms và như nhau cả thôi.
@iceteazz Cái này xác nhận là đúng và ko đúng nha bro. Vs những ng chơi casual thì con mitsumi cỏ cũng chơi đc cần gì HKKB (nếu nhu cầu chỉ là gaming và lướt web), nhưng try hard thì khác. Mấy con cơ chuyên game h nó làm đc tới 1ms, chưa tính polling rate nó lên tới 8k rồi. Tôi chơi casual con game The Finals trên QK75 vs con FL thôi đã thấy khác rồi. Con QK75 nó bị delay nên mấy pha window jump từ lầu dưới lên lầu trên hầu như ko làm đc. Qua lại con FL thì khác. Gaming là gaming, ko nên mang mấy con thuần cơ vào so. Xưa tôi cũng nghĩ như ông nên dùng con MX master bắn PUBG, từ lúc lên con G900 thì mới chấp nhận sự thật là gear nào công việc đó, Mx Master nó delay vãi nồi. Mấy ông thuần cơ thì lúc nào cũng khịa bọn gaming overpriced nhưng đó là xưa thôi, mấy gear pháp sư h làm bá quá bá. Gõ ngon, gaming ổn, có polling rate 1k, muốn HE có HE, giá lại rẻ.
@keithtran06 Bạn có thể dùng thử phím Topre để thấy nó không phải phím cao su giá rẻ như Mitsumi cỏ nhé. Có thể bạn không thích hoặc chưa quen cảm giác gõ Topre nhưng bạn có thể bắn thử vài trận để thấy khả năng của Topre không kém gì các con Cherry "pro gaming" bạn đang dùng. Thậm chí Topre đời mới còn đổi được điểm chạm ngắn hơn bằng 1 nút bấm nên cũng không cần thiết đổi phím cho chơi game và văn phòng thay nhau. Còn nếu không biết Topre là gì thì bạn có thể search thử ^^
@iceteazz Ko bik bro có đọc hết cmt của tôi vs ông kia ko. Ông kia thì nói phím nào cũng chơi game đc thì đánh đồng Topre của bro vs Mitsumi đấy. Topre thì mấy năm gần đây mới có mấy dòng switch như bro nói, tối ưu cho gaming. Chứ phím cao su như xưa thì ko tối ưu cho chơi game đâu, chỉ chơi đc thôi. Vấn đề khác của Topre là giá cả. Tôi cũng ko dùng Cherry gaming gì, đọc kĩ cmt ở trên sẽ thấy tôi đang xài con nào. Còn ko bik nó là dòng gì thì bạn có thể search thử ^^
Chĩ có một loại xỳ wid xin nhất là cắt kéu kễu apple magic
hoặc nếu xịn hơn thì dùng ống thuỹ lực nén khí bằng cách lồng hai cấu kiện ống nhựa và ống kim loại vào với nhau: từ đó tạo ra độ trượt dài ỗn định trên toàn tuyến khi nhấn phím:
nhuọt đĩm: ko khác gì hút bụi : và độ nhấn phãn hồi chậm:
@PhươngNguyễn (GaRiHp) Xin hỏi đạo hữu ở thế giới nào mà dùng ngôn ngữ lạ thế.
con keyboard 2 xị tốt phết
Bài viết hữu ích
Tet21: Gút chóp 1 like
Đang dùng 1 con atk68 để chơi cs2. Thấy đúng công nghệ mới nên trải nghiệm.
ryanmw
TÍCH CỰC
3 tháng
nhìn n*ng thiệt chứ
Mod smurf hay sao mà trong vid cs2 bên t đánh cứ nửa vời kiểu j ấy
@W41k3r43937 Chúng nó ko có smoke nên phải chờ lửa tan =))
@W41k3r43937 Tùy game chứ bác, có ván tụi nó bắn mình gãy răng, có game thì tụi nó kiểu thiếu iot haha
trungluna
ĐẠI BÀNG
3 tháng
đọc bài viết hài quá, văn phong rất chân thực
Đã là game thì máu hơn thua lắm. Để mình test thử đánh COD.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019