BenQ Zowie XL2566X+: 400Hz, giải pháp "giá hữu nghị" cho cộng đồng gamer chuyên nghiệp

P.W
2/11/2024 9:30Phản hồi: 10
BenQ Zowie XL2566X+: 400Hz, giải pháp "giá hữu nghị" cho cộng đồng gamer chuyên nghiệp
Gọi là “giá hữu nghị” hơn, nhưng thực chất mẫu màn hình nhắm tới thị trường gamer chuyên nghiệp này vẫn có mức giá khoảng 18 triệu Đồng ở thị trường Việt Nam. Nhưng con số này thực tế thì chỉ bằng 2/3 nếu so sánh với sản phẩm cao cấp nhất hiện tại mà BenQ Zowie bán ra thị trường, mẫu màn hình ra mắt hồi nửa đầu năm 2024, mang tên XL2586X, sản phẩm mà mình đã có cơ hội gửi tới anh em trải nghiệm.

BenQ Zowie XL2586X: 540Hz, 30 triệu Đồng, màn hình dành cho 0.005% cộng đồng người chơi game

Con số ở tiêu đề từ đâu ra? Trước khi bắt đầu viết bài này, mình đi gõ Google xem trên toàn thế giới có bao nhiêu người chơi điện tử. Con số thông kê ước tính theo Newzoo, là khoảng 3 tỷ người trên toàn thế giới.
tinhte.vn


So với XL2566K ra mắt trước đó, có lẽ hai nâng cấp lớn nhất của XL2566X+ chính là tấm nền được trang bị hệ thống backlight mới, và tần số quét nâng từ 360 lên 400Hz.

Tinhte-Zowie-36.jpg

DyAc 2


Hãy nói về DyAc 2 trước đi. Thời điểm mình được trải nghiệm XL2586X, những vấn đề của DyAc+ đều đã được giải quyết. Trên XL2566K, DyAc+ đúng là có nhiều lợi thế khi tối ưu được tốc độ vật thể di chuyển trên màn hình. Nhưng thuật toán điều khiển đèn nền tạo ra hai vấn đề, thứ nhất là khi bật DyAc+ trên XL2566K, độ sáng tối đa của màn hình bị ảnh hưởng tương đối, và thứ hai là vẫn tạo ra những vạch rất nét ở phía sau hình ảnh những chú ếch chạy ngang màn hình khi mở phần mềm SmoothFrog kiểm tra khả năng vận hành của màn hình.

DyAc 2 là phiên bản nâng cấp gần như toàn diện mà BenQ Zowie phát triển. Với DyAc 2, bản thân phần cứng tấm nền cũng được thay đổi với hai dải đèn nền vận hành bật tắt độc lập để tạo ra ánh sáng dịu mắt hơn. Mục tiêu của hãng là mô phỏng được chất lượng hình ảnh và độ mượt mà của vật thể chuyển động trên màn hình công nghệ bóng CRT trước kia.

Tinhte-Zowie-41.jpg
Cái thời kỳ chuyển giao giữa màn hình CRT 75Hz đến 120Hz lên công nghệ màn hình LCD, rất nhiều gamer chuyên nghiệp bộ môn Counter-Strike 1.6 hoặc lên tiếng phàn nàn về công nghệ màn hình tinh thể lỏng thời 2006 - 2009, hoặc… giải nghệ luôn vì chịu không nổi chất lượng hình ảnh mờ nhòe. Mình còn nhớ rất rõ khi ấy có một hãng bên Nhật Bản, tên là Eizo, có những mẫu màn hình 144 hay thậm chí là 240Hz, chẳng hạn như FG2421, tận dụng được tối đa sức mạnh của công nghệ TN, giải đấu nào cũng thấy sử dụng. Đó là quãng 2013, 2014, khi CS:GO vừa ra mắt được ít lâu.

Tinhte-Zowie-37.jpg

Giờ thì hãng nào cũng có màn hình 240Hz, thậm chí là hơn. Mà chính bản thân XL2586X cũng không thiếu đối thủ cạnh tranh, hầu hết đều có mức giá rẻ hơn. Nhưng những công nghệ backlight strobing mà các hãng khác ứng dụng đều không thể so sánh được với DyAc 2. Lấy ví dụ cụ thể luôn, là Asus ROG Swift Pro, ứng dụng công nghệ ULMB 2. Độ sáng tối đa của màn hình vẫn bị giới hạn ở ngưỡng khoảng 300 nits, chứ không đạt được con số gần 320 nits như DyAc 2 trên XL2586X.

Tuy nhiên, nếu như DyAc 2 giải quyết được khá nhiều vấn đề về ghosting, nhờ thuật toán và phần cứng backlight hoàn toàn mới để triệt tiêu được vệt bóng mờ khi vật thể chuyển động trên màn hình, thì những điểm yếu cố hữu của công nghệ tấm nền TN vẫn khiến những chú ếch trong phần mềm SmoothFrog vẫn còn vệt viền kéo theo.

Chẳng hạn như trong tấm hình chụp giao diện SmoothFrog, mình để phần mềm chạy ở 400 FPS, trùng khớp với tần số quét của màn hình, và chụp lại ở tốc độ màn trập 1/500 giây, ISO 1600, dù chưa hoàn hảo 100%, nhưng so sánh với XL2566K hay vài mẫu màn hình OLED gaming hiện tại, độ nét của vật thể chuyển động trong mắt người chơi điện tử là thứ đáng đồng tiền nhất trên XL2566X+.

Tinhte-Zowie-53.jpg

Quảng cáo



400Hz, nâng cấp phù hợp hơn với phần đông cấu hình


Thời điểm được trải nghiệm XL2586X, mình có quan điểm như thế này. Cách đây vài năm với CS:GO, có lẽ chỉ cần dùng tới Core i7-9700K là anh em hoàn toàn có thể đạt được tốc độ khung hình trên 500 FPS, thừa đủ khả năng tận dụng tối đa sức mạnh của màn hình 360Hz. Nhưng hiện giờ Valve đã nâng cấp game của họ lên Counter-Strike 2.

Đổi lại, giờ thậm chí Core i9-14900K hay Ryzen 7 7800X3D, vốn là những CPU chơi game mạnh nhất nhì thị trường cũng không gánh nổi trò chơi ở tốc độ khung hình vượt qua ngưỡng 500 FPS, không giảm xuống dưới ngưỡng này. Hồi tháng 5, mình có thử nghiệm với Ryzen 7 7800X3D và GeForce RTX 4080, đúng là có lúc game chạy trên 600 FPS, nhưng cũng có lúc chỉ được gần 400 FPS, không hề ổn định. Đặc biệt những lúc chuẩn bị giao tranh, luôn có xu hướng tốc độ khung hình game sụt bất ngờ, ảnh hưởng rất nhiều tới phản xạ.

Tinhte-Zowie-38.jpg

Nhưng hiện giờ may mắn là CS2 đã được cập nhật thêm vài lần để tối ưu hiệu năng, và những trận đấu Competitive hay Premier với 10 người cùng chơi, vẫn với cấu hình máy tính mình sử dụng hồi tháng 5, giờ đã vượt qua được ngưỡng 400 FPS một cách ổn định. Setting lúc mình chơi CS2 trông như thế này:

Tinhte-Zowie-45.jpg
Tinhte-Zowie-46.jpg

Quảng cáo



Khác biệt giữa 540Hz và 400Hz không nhiều, thời gian giữa từng khung hình của game cũng chỉ tăng từ 2.5ms cho mỗi khung hình ở tần số quét 400Hz lên 1.85ms giữa mỗi khung hình ở 540Hz. Ở con số như vậy, khá chắc khác biệt về tốc độ khung hình và khả năng hiển thị hình ảnh của màn hình sẽ chỉ giúp ích cho những người giỏi nhất của từng bộ môn thể thao điện tử, khi phản xạ của họ đòi hỏi một thiết bị ngoại vi vận hành hoàn hảo, khi một hai tích tắc có thể quyết định thắng bại.

Thành ra đấy là lý do vì sao mình coi DyAc 2, với những thay đổi và nâng cấp của thuật toán chớp backlight đồng bộ với tần số quét, là thứ tạo ra cải thiện lớn nhất. Có lẽ người chơi sẽ không để ý, nên cũng là dễ hiểu khi những kỹ sư và marketing của BenQ Zowie quyết định đẩy tần số quét lên từ 360Hz lên 400Hz, cùng lúc giữ nguyên mức giá bán ra thị trường so với XL2566K.

Theo quan điểm của mình thì chỉ cần giữ lại tần số quét 360Hz với thay DyAc+ thành DyAc 2, là chúng ta có một sản phẩm hoàn hảo cho những gamer chuyên nghiệp tranh giành những giải thưởng trị giá hàng triệu USD. Bằng chứng dễ thấy nhất, là rất nhiều giải đấu chuyên nghiệp hiện giờ, nhìn lên bàn máy tính của 10 gamer, vẫn là 10 chiếc XL2566K vuông vắn.

Tinhte-Zowie-24.jpg

Đổi lại, những chú chuột gaming với tần số gửi tín hiệu về máy tính từ 2000 Hz trở lên sẽ được hưởng lợi từ những màn hình với tần số quét 400Hz như XL2566X+. Nếu như với những chiếc màn hình tần số quét dưới 240Hz, polling rate 1000Hz của chuột gaming vẫn đủ để điều khiển nhân vật trong game hành động hay bắn súng, thì ở những tần số quét màn hình cao hơn, polling rate 2000 hay 4000Hz bắt đầu phát huy tác dụng về tốc độ phản hồi của hình ảnh trong game so với tốc độ điều khiển.

Nghe nói cuối năm nay Zowie cũng sẽ có mấy chú chuột mới thuộc dòng DW, hay viết tắt của series D Wireless với dongle 4000Hz, bao gồm ZA13, S2 và FK2, với dongle 4000Hz. U2 cũng sẽ có bản nâng cấp U2-DW. Còn với anh em đã mua U2, sẽ có dongle 4000Hz bán rời với giá khoảng 15 USD.

Thiết kế giống hệt XL2586X


Và sự tương đồng ấy giữa XL2566X+ và XL2586X vừa giữ được những tính năng thiết kế cực kỳ hữu ích, lại vừa có những nâng cấp về mỹ thuật công nghiệp để mô tả một sản phẩm ở tầm high-end trên thị trường màn hình eSports.

Tinhte-Zowie-26.jpg

Biến mất hoàn toàn khỏi thiết kế của hai chiếc màn hình này là khả năng xoay màn hình 90 độ ở khớp nối màn với chân đế. Tính năng này chẳng có gamer CS2 hay Valorant nào cần cả. Vậy là thiết kế khớp nối màn hình được nâng cấp về tính thẩm mỹ, trông đẹp mắt hơn hẳn. Và khả năng nghiêng lên 35 độ, nghiêng xuống 5 độ của màn hình vẫn còn, phục vụ cho những người dán sát mắt vào màn hình lúc chơi game, nhìn đầu đối phương cho to, dễ ngắm bắn.

Tinhte-Zowie-48.jpg

Chân đế giờ được làm lại với góc nghiêng, không thẳng đứng như XL2566K, càng hạ màn hình xuống sát mặt bàn thì lại càng gần tầm mắt người dùng. Dễ nhận ra những chi tiết được tối ưu dựa trên chính kinh nghiệm sử dụng thực tế màn gaming của những người chơi chuyên nghiệp được ứng dụng trên mẫu màn hình này.

Tinhte-Zowie-49.jpg

Chân đế vẫn xoay được 45 độ sang 2 bên, đặt gọn bàn phím ở cạnh, có cả chỗ tạo góc nghiêng cho bàn phím để ngồi sát màn hình nhất.

Tinhte-Zowie-33.jpg

Cục điều khiển đổi profile hiển thị nhanh và điều chỉnh màn hình vẫn hiện diện, kết nối với màn qua cổng mini USB. Mà giờ anh em còn được tải cả những profile hình ảnh được tùy chỉnh riêng cho từng trò chơi, được người dùng chia sẻ với nhau trên mạng internet và áp dụng cho màn hình. Tính năng này được gọi là XL Setting To Share.

Tinhte-Zowie-39.jpg

Mặt sau màn hình vẫn là logo Zowie, lần này dập nổi rất bắt mắt.

Tinhte-Zowie-25.jpg

Và giá treo tai nghe được chuyển qua cạnh phải của màn theo hướng người dùng:

Tinhte-Zowie-30.jpg

Có lẽ thứ duy nhất để phân biệt giữa XL2566X+ và XL2586X là sticker với thông tin tần số quét tối đa mà mỗi mẫu màn hình có thể vận hành được ở chân đế. Còn lại, mình thực sự chưa tìm ra khác biệt nào giữa hai mẫu màn hình có giá chênh nhau tới 10 triệu Đồng này cả.

Tinhte-Zowie-23.jpg


Tạm kết


Có một vấn đề nho nhỏ với XL2566X+, đó là giống hệt như XL2586X, chất lượng màu sắc của chiếc màn hình pro gaming này chỉ nâng cấp và hoàn thiện hơn so với XL2566K, không cần phải lấy cục cân màu tạo ra một profile hình ảnh mới khi xài chiếc màn hình này hàng ngày coi YouTube hay lướt web.

Cũng phải đồng ý thêm là với độ phủ 97% dải màu DCI-P3, 78% dải Rec. 2020, BenQ Zowie đã đẩy khả năng của tấm nền Fast TN lên mức tối đa. Còn lại, mọi vấn đề về góc nhìn và độ chính xác màu sắc của tấm nền TN, dù là TN thông thường hay công nghệ Fast TN mà BenQ ứng dụng trong mẫu màn hình mới này vẫn tồn tại:

Tinhte-Zowie-42.jpg
Tinhte-Zowie-43.jpg

Nhưng cũng đừng quên hai vấn đề. Thứ nhất là mua chiếc màn hình này về, mặc định hãng thiết lập profile màu phù hợp nhất để chơi game FPS, ánh sáng tăng để cải thiện hình ảnh trong những góc tối, và màu sắc khá lệch. Mục tiêu là tạo ra hình ảnh vừa mắt nhất, dễ nhận ra đối thủ trong bản đồ nhất để chơi điện tử, chứ không phải như nhu cầu của những người dùng màn hình máy tính phổ quát, cần cả màu sắc đẹp lẫn tần số quét cao để vừa giải trí, vừa chơi game, vừa xem phim, có khi còn có người dùng 1 màn hình để sản xuất nội dung hình ảnh nữa…

Nếu như XL2566K là lựa chọn của hầu hết mọi nhà vô địch thể thao điện tử ở thời điểm hiện tại, và nếu như XL2586X đã chứng minh được nó là một bản nâng cấp tuyệt vời nhưng ở tầm giá rất cao, thì XL2566X+ có thể được coi là một giải pháp nằm ở giữa, phù hợp hơn với hầu hết cấu hình máy tính chơi game, và vừa túi tiền của những gamer hơn.

Việc nâng cấp toàn diện công nghệ tấm nền cũng như thuật toán chớp đèn nền, BenQ Zowie XL2566X+ đủ để thay thế cho XL2566K trong những giải đấu, trong những dàn máy thi đấu của các phòng máy cyber, cũng như trong những dàn máy tính tập luyện kiếm ăn của gamer chuyên nghiệp.

Vấn đề bây giờ chỉ là, khi XL2566K vẫn được coi là một giải pháp hoàn hảo cho nhiều nhu cầu, thì có bao nhiêu người chấp nhận nâng cấp lên phiên bản mới?

Hãy mạnh dạn chia sẻ review về một món đồ, một dịch vụ mà bạn thấy hài lòng nhé. Thông tin của bạn giúp được cho rất rất nhiều người luôn đó, cảm ơn bạn trước :x

10 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Màn hình có 2 cái tai 2 bên để làm gì nhỉ???
@PhanThang09 Để thằng bên cạnh ko dòm màn mình soi map các kiểu á 😁
@PhanThang09 bác xem đua ngựa chuyên nghiệp thấy người ta che 2 bên mắt của con ngựa lại để nó chỉ hướng tập trung về phía trước, cái màn này cũng áp dụng kỹ thuật tương tự để tăng sự tập trung của người nhìn
Mang PC giờ ưu tiên con mini led 32" 4k là được. 60hz cũng ok. Oled độ sáng thấp quá không ham
600$ quá khủng bố cho 1080P / OLED 4K
Biết chơi thì 144hz là đủ ngồi lên đầu 99% người chơi rồi. Còn bao h go pro kiếm đc tiền thì mới nên đầu tư mấy quả màn này vì ngoài chơi game ra mấy màn này như cứt !
@hiepBENH Giới nào đồ đó. Game thủ chuyên nghiệp nó lại quay sang bảo mấy con apple cinema như cứt 😃
Mình có biết dòng TN này, cũng ngựa mua dù 1 tháng chơi game đc 2-3 lần với 1 nhóm bạn thân cố định. Độ phân giải kém nên mình không cắm làm việc, nó chỉ là 1 cái màn nhỏ để trong góc và phục vụ nhu cầu duy nhất là chơi game FPS (PUBG). Cơ mà, có vẻ mình đã quá già để chơi game nên màn này với màn dell 4k 60Hz không hay được hơn.
@18K Giới nào có đồ đó. Nó là màn cho game thủ ko phải cho dân văn phòng hay đồ hoạ. Còn chơi trên màn 60hz và màn này như nhau thì thôi bán đi cho đỡ phí tiền vì bạn ko phải game thủ nữa mà chỉ là dân vp thích chơi game 😁
@ultimate 1 cú đá luyện 1000 lần vẫn không hơn hahaha

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019