Airbus H125: Trực thăng hạng nhẹ đa chức năng của Pháp

Frozen Cat
20/6/2024 11:28Phản hồi: 15
Airbus H125: Trực thăng hạng nhẹ đa chức năng của Pháp
Airbus nổi tiếng là nhà sản xuất phi cơ thương mại hàng đầu trên thế giới, bên cạnh đó các mẫu trực thăng của Airbus cũng ghi nhiều dấu ấn về độ bền bỉ. Một trong số đó là H125, mẫu trực thăng một động cơ hiệu suất cao được sản xuất bởi Airbus Helicopters - bộ phận sản xuất trực thăng của Airbus. Là một phần trong dòng trực thăng Ecureuil, H125 được nhiều nước sử dụng làm máy bay huấn luyện, cũng như được các cơ quan hành pháp sử dụng để giám sát, tuần tra biên giới và tìm kiếm cứu hộ.

Thiết kế và tính năng


H125 là máy bay trực thăng tiện ích hạng nhẹ, đem lại hiệu suất tăng cường ở độ cao lớn và trong môi trường có nhiệt độ cao. Nó nổi tiếng với độ chắc chắn, độ tin cậy cao và dễ bảo trì. Trực thăng được trang bị một loạt thiết bị chuyên dụng để làm nhiệm vụ như tời và móc để hỗ trợ nhu cầu huấn luyện và chữa cháy.

Thiết kế này cho phép trực thăng được tái cấu hình trong thời gian ngắn để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau. Khung máy bay, cánh quạt và đầu cánh quạt chính đều làm bằng vật liệu composite để tăng khả năng chống ăn mòn.

airbus-h135-duoc-bo-quoc-phong-anh-su-dung-tai-raf-cosford.jpg
H125 của Bộ quốc phòng Anh.


Trực thăng có trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) là 2.250 kg và MTOW với tải trọng bên ngoài là 2.800 kg. Nó có đường kính cánh quạt là 10,69 mét và có thể mang tải trọng bên ngoài lên tới 1.400 kg bằng dây treo. Nó có thể chứa một hoặc hai phi công và tối đa sáu hành khách.

nhung-chiec-h125-dang-chua-lua-tren-nui-cao.jpg
H125 có thể chữa cháy trên núi cao trong môi trường khô nóng.

Buồng lái


H125 có bảng điều khiển trong buồng lái với màn hình cảm ứng G500H TXi của Garmin cùng với Màn hình giám sát phương tiện và động cơ đa năng (VEMD). Hai màn hình LCD của VEMD giúp phi công giám sát các thông số chính của trực thăng và động cơ, giúp giảm lượng công việc cho phi công. Kết nối không dây của trực thăng tự động truyền dữ liệu chuyến bay vào cuối mỗi chuyến. Ngoài ra, H125 còn được trang bị hệ thống thùng chứa nhiên liệu chống va chạm.

mot-buong-lai-h125-tieu-chuan.jpg
Buồng lái tiêu chuẩn của H125.

Cabin có sàn phẳng thông thoáng, vì vậy rất thuận lợi khi lắp đặt thêm bảng điều khiển, camera hồng ngoại và bảng điều khiển chiến thuật tùy theo loại nhiệm vụ. Ngoài ra, trực thăng còn được trang bị kính nhìn ban đêm để thực hiện các chuyến bay đêm.

cabin-thong-thoang-cua-h125.jpg
Cabin của H125.

Quảng cáo



Động cơ và hiệu suất


Trực thăng được trang bị động cơ tua-bin trục Arriel 2D do Safran Helicopter Engines sản xuất. Động cơ này có hệ thống điều khiển kỹ thuật số toàn quyền hai kênh (FADEC); cùng với một kênh dự phòng tự động thứ 3, hoạt động độc lập.

Vai trò của kênh này là nếu kênh kép gặp trục trặc, thì nó có thể tiếp tục hoạt động độc lập, tự động đảm nhiệm mà không cần can thiệp thủ công. Động cơ cũng được trang bị một bộ ghi dữ liệu có thể theo dõi mọi hư hỏng của động cơ để bảo trì dự đoán.

dong-co-safran-arriel-2d.jpg
Động cơ Arriel 2D.

H125 còn có tính năng khởi động tự động. Khi phi công khởi động, hệ thống FADEC sẽ đảm bảo luôn lưu lượng nhiên liệu thích hợp, đánh lửa động cơ và các thao tác cần thiết khác. Sự tự động hóa này giúp giảm tải cho phi công trong các thời khắc quan trọng, chẳng hạn như khi cất cánh hoặc tình huống khẩn cấp.

thong-so-co-ban-cua-airbus-h125.jpg

Quảng cáo



H125 có bình xăng đạt sức chứa 425 kg. Phạm vi bay tối đa với bình nhiên liệu tiêu chuẩn là 630 km với thời gian bay tối đa 4 giờ 27 phút. Nó có thể bay với tốc độ tối đa 287 km/giờ và tốc độ hành trình 252 km/giờ. Đặc biệt có thể đạt tới độ cao 7.010 mét.

Nhưng đây chưa phải là giới hạn cuối cùng. Năm 2005, một chiếc H125 (mã số AS350 B3) đã thực hiện cú hạ và cất cánh trên đỉnh Everest cao 8.848 mét. Vào tháng 5/2013, H125 đã thực hiện hoạt động giải cứu đường dài cao nhất thế giới trên Lhotse, ngọn núi cao thứ tư thế giới, nằm trên dãy Himalaya ở độ cao 7.800 mét.

chiec-h125-tren-dinh-everest-nam-2005.jpg
Chiếc H125 trên đỉnh Everest.

Các nước sử dụng


H125 có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ từ chữa cháy, khảo sát trên không, phun thuốc trừ sâu, săn tin tức, vận chuyển hành khách, sơ tán y tế khẩn cấp cho đến trực thăng tư nhân. Trước đây trực thăng có tên AS350 B3e và mới đổi thành H125 năm 2015. Tính đến năm 2022, nó đã đạt hơn 37 triệu giờ bay và hiện nay có hơn 5.350 chiếc H125 đang được khai thác bởi nhiều nước trên thế giới.

Tháng 11/2017, Airbus đã được trao hợp đồng cung cấp 2 chiếc H125 cho Không quân Ecuador và chiếc đầu tiên được giao vào tháng 1/2018. Tháng 3/2018, Airbus đã nhận được hợp đồng cung cấp 28 trực thăng quân sự NH90 và 16 chiếc H125 cho Qatar dưới dạng phi cơ huấn luyện.

truc-thang-h125-cua-brazil-dang-giam-sat-mot-san-van-dong.jpg
H125 làm nhiệm vụ giám sát một trận bóng đá ở Brazil.

Brazil cũng là một khách hàng lớn của H125. Tháng 9/2022, Airbus công bố hợp đồng cung cấp 27 chiếc H125 cho quân đội nước này. Chúng được sản xuất ngay tại Brazil và sẽ thay thế cho trực thăng AS350 của Không quân và Bell 206 của Hải quân Brazil. Nó còn được dùng để đào tạo các phi công tương lai của lực lượng vũ trang Brazil.

Độ tin cậy, tính linh hoạt và hiệu suất cao đã giúp H125 có được vị trí nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ thực thi pháp luật cho đến du lịch. Với thành tích ấn tượng và sự đa dụng của mình, H125 sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường trực thăng một động cơ trong nhiều năm nữa.

Theo [1], [2].
15 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Inbox xin giá lăn bánh.
@Tào Thừa Tướng Theo một số trang thương mại thì giá một chiếc dao động từ khoảng 2tr2 - 3 triệu USD đó bạn.
@Frozen Cat Giá này chỉ ngang với Rolls Royle nhỉ. Thế mà mấy đại gia mua máy bay lại hay chọn phản lực đắt hơn nhiều lần.
Wangdang76
ĐẠI BÀNG
7 ngày
@Tào Thừa Tướng đi trực thăng ồn với sao đi xa đc bạn, tải trọng thấp nữa
nói về khoang sau UH-1 của Bell rộng hơn ,sàn bề ngang lớn hơn nằm được 2 cáng tải thương và y tá
@anhcom67 Uh bạn, chiếc này khi dùng cho y tế thì phải dẹp bớt ghế phía sau, một ghế trước mới đặt vừa 1 cáng theo chiều dọc.
@Frozen Cat mình bị thương trong war may mắn có con UH -1 chở khi đó hỗn loạn người nằm kẻ ngồi đầy sàn trực thăng ,mà công nhận con UH khoẻ
mandiesel
TÍCH CỰC
7 ngày
Ngựa thồ là phải CH47. Nhưng con này là hạng nhẹ đa năng thôi. Chứ tải trọng bé tý thế kia mà ngựa gì. Trực thăng thì đa năng nhưng độ ổn định phụ thuộc nhiều thời tiết. Các khu vực thời tiết hay thay đổi nhanh chóng thì khá nguy hiểm.
@mandiesel Uh bạn gọi là ngựa thồ cũng hơi quá. 😁
@mandiesel airbus an toàn hơn nhiều bác nhỉ
Nhớ ngày bé xem phim trực thăng cứu hộ, có tập một ông trong đội cứu hộ phải bay bằng máy bay trực thăng khác loại với cái của đội cứu hộ. Đại loại là máy bay của đội cứu hộ cánh quạy quay từ phải sang trái còn cái kia thì lại quay từ trái sang phải, nghĩa là mọi thứ làm ngược nhau. Không biết có phải không 😁
@tunglinh10a2 Phim đó tên gì nhỉ? Một thời tuổi thơ, với mấy phim khác như Rex chú chó thám tử.
@spetsnaz GRU Medicopter 117.
medicopter 117.jpg
Chỉ một rocket vác vai, thành phế liệu.
hiepmomcho
ĐẠI BÀNG
3 ngày
Cứ có càng là hiep thích

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019