Assassin's Creed, Call of Duty, và những áp lực của những trò chơi gánh doanh thu cho cả tập đoàn

P.W
29/11/2023 12:6Phản hồi: 10
Assassin's Creed, Call of Duty, và những áp lực của những trò chơi gánh doanh thu cho cả tập đoàn
Để Assassin's Creed và Call of Duty vào chung một tiêu đề có lẽ hơi khập khiễng. Xét trên quan điểm của các nhà phê bình, Assassin's Creed Mirage năm nay là một bước chuyển đưa series game dã sử của Ubisoft về đúng hướng về cả cốt truyện lẫn quy mô. Còn Call of Duty Modern Warfare III năm nay, biết nói thế nào cho đúng, là một màn tái chế trắng trợn những nội dung của những phiên bản Call of Duty được anh em yêu mến, từ bản đồ đến nhân vật, rồi cả những chế độ chơi nữa.

Nhưng điểm chung của cả hai trò chơi ra mắt vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, chính là những áp lực khi là thương hiệu, là series chủ lực của hai tập đoàn Ubisoft và Activision Blizzard. Nhưng cách mà Ubisoft và Activision xử lý phiên bản mới của thương hiệu được hàng chục triệu người yêu mến thì rất khác nhau.

[​IMG]

Hãy nói về Mirage trước đi. Vẫn là câu chuyện về tổ chức sát thủ, vẫn là những uẩn khúc xoay quanh những “vị thần” Isu, tộc người cổ xưa mà loài người coi là thần thánh, nhưng cả quy mô lẫn trải nghiệm của Mirage đều sát hơn với những phiên bản cũ, gần nhất là Syndicate. Toàn bộ thời gian để anh em trải nghiệm xong cốt truyện chính của Mirage chỉ chừng gần 20 giờ đồng hồ. So sánh trực tiếp với ba phiên bản gần nhất của Assassin's Creed, là Origins, Odyssey và Valhalla, trải nghiệm bản thể của Loki trong Mirage thực sự dễ tiếp cận hơn rất nhiều.

Vì sao Odyssey hay Valhalla vừa dài, vừa có thế giới mở rộng lớn, lại vừa mệt mỏi và đòi hỏi 60 70 giờ đồng hồ như vậy? Cơ bản phải nhắc ngay tới chiến lược khai thác game của Ubisoft. Anh em để ý có một thời gian, mọi tác phẩm của Ubisoft đều lấy phong cách thế giới mở, thiết kế xong thế giới ảo là đến việc thiết kế màn chơi và nhiệm vụ trong thế giới rộng lớn ấy.


Chiến lược “thế giới mở” hóa mọi thương hiệu mà Ubisoft sở hữu được áp dụng cho Far Cry, cho The Division, cho Watch Dogs, và thậm chí game đua xe The Crew cũng vậy nữa.

Đánh giá Far Cry 6: "Ngài Gus Fring" khét tiếng liệu có cứu rỗi được cả trò chơi?

Trong suốt toàn bộ hơn 20 giờ đồng hồ đã bỏ ra với Far Cry 6, có lẽ thứ duy nhất níu chân mình lại với trò chơi, không nản mà tắt game đi chính là cốt truyện và sự hiện diện của lão làng Giancarlo Esposito, hay thân thuộc hơn với anh em…
tinhte.vn


Nếu đã từng chơi Assassin's Creed Valhalla và Far Cry 6, anh em sẽ nhận ra ý mình muốn đề cập khi nhắc đến chiến lược khai thác game thế giới mở của Ubisoft. Thế giới cũng phải công nhận là rộng, và đẹp, nhưng những gì anh em có thể làm được trong cái thế giới ấy được phát triển theo kiểu nhai đi nhai lại, với những căn cứ đặt rải rác trên bản đồ. Nhiệm vụ chính tuyến thì được tạo ra để phục vụ một mục đích nữa, đấy là bắt người chơi phải di chuyển và dạo chơi trong thế giới mở, từ điểm này qua điểm khác khoảng cách rất xa, đơn giản chỉ để bắt anh em phải ngắm cảnh.

Origins chí ít còn được khen ngợi vì việc mở rộng màn chơi, cho anh em khám phá Ai Cập cổ đại. Nhưng tới khi Valhalla ra mắt, cốt truyện không có gì để bàn, nhưng sự mệt mỏi của người chơi đã bắt đầu được thể hiện vô cùng rõ ràng.

tinhte-game3.webp

Đấy là còn chưa kể lối chơi tập trung vào hành động nhập vai, với những món vật phẩm tăng chỉ số để anh em đối mặt với những đối thủ level cao hơn, máu trâu hơn và đánh đau hơn. Thế là mấy năm gần đây, cái chất hành động bí mật của những sát thủ trong Assassin's Creed biến mất, thế chỗ là những màn chiến đấu phải thừa nhận là đã tay, nhưng cũng không thể phủ nhận việc series này đã và đang dần mất chất.

tinhte-game1.webp

Mirage là nỗ lực của Ubisoft để thay đổi điều đó. Thay vì khám phá xứ Anglo-Saxon, sau này là nước Anh, thì Mirage đưa chúng ta đến với thủ đô văn hóa thế giới thế kỷ thứ IX, Baghdad, dưới sự trị vì của triều đại Abbasid. Chơi trò này thực sự khiến mình nhớ đến Syndicate, cũng lấy bối cảnh nước Anh nhưng là ở thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra. Quy mô của mọi thứ nhỏ hơn, mật độ của cả nhà cửa lẫn nhân vật NPC đều dày đặc hơn, và nhờ thành phố Baghdad phiên bản ảo hẹp hơn, nên cảm giác những nhiệm vụ trong game cũng dễ tiếp cận hơn, thay vì cứ phải chạy lòng vòng khắp bản đồ rộng lớn như ba phần trước đó.

Quảng cáo



Nói vậy không đồng nghĩa với việc Assassin's Creed Mirage là bước trở lại hoàn hảo của series game lâu năm, phiên bản đầu tiên phát hành năm 2007. Những thay đổi về cách chơi và quy mô của Mirage đôi khi tạo ra cảm giác nhàm chán.

Công bằng mà nói thì không thể đổ lỗi cho các nhà làm game được. Mirage đã bị hoãn phát hành cả một năm để các nhà phát triển có cơ hội trau chuốt cho tác phẩm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với một series đã có tuổi đời như Assassin's Creed, các fan không chỉ muốn phong cách hành động bí mật quay trở lại, mà còn đòi hỏi Ubisoft phải làm được thứ gì đó mới mẻ, như cái cách nhiều game thế giới mở xuất sắc ra mắt trong vòng 3 năm trở lại đây làm được, từ Elden Ring đến Tears of the Kingdom. Tại sao lại lấy mốc thời gian 3 năm? Đơn giản thôi, đó chính là khoảng thời gian chúng ta phải chờ đợi từ khi Valhalla ra mắt cho tới khi Mirage được phát hành.

tinhte-game4.webp

Khả năng của Ubisoft là có hạn. Thành ra chúng ta liên tục thấy những dòng đánh giá theo kiểu “sự thay đổi đáng giá” chứ không phải “một trò chơi xuất sắc.” Quan trọng hơn, với những fan trung thành của Assassin's Creed, Mirage là một phiên bản mô tả được những khía cạnh gameplay đầy tiềm năng nếu như Ubisoft có thêm thời gian để phát triển một phiên bản mới, đúng với tầm nhìn ban đầu của toàn bộ series: Kết hợp những chi tiết “chế cháo” lại lịch sử với gameplay yêu cầu người chơi phải tư duy, thay vì lao vào đâm chém theo kiểu tắt não như nhiều năm nay.

Nói cách khác, Mirage là một ví dụ chứng minh, Assassin's Creed còn “cứu được”.

Call of Duty thì sao? Sau khi Modern Warfare III phát hành, mình không còn dám chắc lòng tin của cộng đồng gamer đối với Activision còn được đảm bảo nữa.

Quảng cáo



vlcsnap-2023-11-03-13h05m10s879.jpg

Xét riêng tới chế độ chơi đơn, màn chơi đầu tiên, cũng là thứ được đem ra phô diễn hồi giữa năm ở vài sự kiện game, có lẽ là thứ ấn tượng nhất. Phi vụ giải cứu tù nhân số 627 được định nghĩa lại theo cách không một ai tin nổi, cho tới khi trái bom phá vỡ cánh cửa sắt của phòng biệt giam được kích nổ.
Nhưng ngay sau nhiệm vụ đấy, là một sự chắp vá lười nhác đến khó tin của những màn chơi cốt truyện sau đó. Có cảm giác Activision khinh thường người chơi khi bán Modern Warfare với giá 70 USD, để rồi nhận lại được mục chơi đơn thực sự nhảm nhí về mặt nội dung. Anh em chơi Modern Warfare II rồi, hẳn còn nhớ những màn chơi có kết cấu mở, cho phép anh em tự do di chuyển, chọn giữa việc chiến đấu hay ẩn nấp. Phần mới cũng có những màn chơi mở như vậy.
Vấn đề nảy sinh, ở phần trước những màn như vậy ở phần trước là điểm nhấn, là thứ thử thách sự sáng tạo của anh em, cũng như giúp game không bị quá tuyến tính. Còn ở phần này, nó lại là thứ mô tả sự vội vàng và lười biếng của hãng game. Anh em hỏi lý do ư? Rất nhiều những màn chơi dạng “Weapons Free” trong Modern Warfare III đều lấy nguyên xi những góc hay những địa điểm đã quá quen thuộc trong bản đồ Verdansk của Warzone.

Đánh giá mục chơi đơn Call of Duty Modern Warfare III: Bán 70 USD cho cái này, Activision tài thật!

Cá nhân mình luôn nghĩ, không có ai lại cố tình tạo ra một trò chơi dở tệ cả. Cơ bản sẽ có hai lý do. Thứ nhất đơn giản là kinh nghiệm và khả năng của các nhà phát triển game không đủ tạo ra một tác phẩm hay.
tinhte.vn


Từ sân vận động, bến cảng cho tới đập nước khổng lồ, mỗi nhiệm vụ như vậy chỉ có dăm ba nhiệm vụ nhỏ phải hoàn thành, tập trung vào sự tự do và phản xạ của anh em để hoàn thành những nhiệm vụ ấy. Cái khó chịu là anh em sẽ phải bỏ thời gian đi nhặt vũ khí rải rác trong màn chơi, rồi đi kiếm giáp để sống lâu hơn.

Sự lười nhác và vội vàng của Activision thậm chí còn được mô tả ở chính cơ chế nâng cấp vũ khí trong chế độ chơi mạng. Mọi thứ anh em có được sau khi chơi Modern Warfare II phát hành năm ngoái, từ những vũ khí được mở khóa, cho tới cả những phụ kiện của từng vũ khí đều được mang qua phần III ra mắt năm nay. Có cảm giác đó là một chiến lược để “nịnh nọt” người chơi, để giữ chân hàng chục triệu người ở lại với Modern Warfare III, cả ở chế độ chơi mạng lẫn Warzone miễn phí.

vlcsnap-2023-11-03-13h12m59s988.jpg

Trên mạng xã hội, nhất là Twitter và Reddit, cộng đồng rất phẫn nộ. Tương tự như vậy, các nhà phê bình game trên các trang web lớn cũng có những đánh giá tương đồng với những gì cộng đồng gamer đề cập, chỉ khác là từ ngữ nghe có vẻ báo chí và bớt gay gắt hơn mà thôi.

Oái oăm ở chỗ, hiếm thấy ai tuyên bố sẽ phản đối trò chơi “nhai lại” mọi thứ từ phần trước bằng cách không chơi, bất chấp việc ai cũng chê mục chơi đơn thì chắp vá còn mục chơi mạng thì bưng nguyên xi những gì anh em được trải nghiệm năm ngoái, thêm vài bản đồ mới. Mà "mới" ở đây là những map multiplayer đã trở thành bất tử từ trilogy Modern Warfare cũ, làm lại trên nền đồ họa hiện đại hơn.

vlcsnap-2023-11-03-13h03m56s362.jpg

Có hai chiều hướng tư duy khi nhìn vào trường hợp của Modern Warfare III. Hoặc Activision, giờ nằm trong tay Microsoft, sẽ tự tin tới mức làm ra một trò chơi chắp vá nhưng vẫn có hàng triệu người chơi. Điều này chứng tỏ cứ là Call of Duty, thì cộng đồng vẫn sẽ cắm đầu vào chơi. Điều này có thể đúng ở tầm ngắn hạn. Nhưng ở tầm dài hạn, có cảm giác Call of Duty giờ ra mắt những phiên bản mới chỉ để củng cố cho sức hút của Warzone, chế độ chơi battle royale miễn phí. Chiến lược này khi Warzone ra mắt năm 2020 trái ngược hoàn toàn, đó là lấy Warzone để kích cầu doanh số những phiên bản Call of Duty mới.

Sự hiện diện của Call of Duty Mobile hay sắp tới đây là Warzone Mobile chứng tỏ hoàn hảo quan điểm đó. Mọi game doanh thu cao nhất từ trước tới nay đều là những game miễn phí, và Activision đang chuyển dịch để hợp thời hơn. Call of Duty vẫn sẽ là thương hiệu nổi tiếng nhất và là thứ nuôi sống cho toàn bộ Activision. Nhưng nếu 5 năm nữa Call of Duty không có những thay đổi đáng kể, thì mình cũng không chắc series này sẽ giữ được vị thế như ngày hôm nay.

Một chi tiết mang hy vọng được đưa ra là, ban lãnh đạo cũ của Activision sẽ từ nhiệm sau khi hết năm nay, bao gồm cả bị CEO đầy tai tiếng Bobby Kotick. Cùng với đó là những hy vọng đối với Call of Duty.

Modern Warfare III: Làm vội làm vàng, lỗi của các nhà phát triển hay của tập đoàn game?

Có những thông tin nói rằng, phiên bản mới nhất của series game nổi tiếng Call of Duty được phát triển chỉ trong vòng một nửa thời gian nếu so sánh với những phiên bản trước đó. Nếu điều này là sự thật…
tinhte.vn


Lấy hai ví dụ Assassin's Creed Mirage và Call of Duty Modern Warfare III ra để chứng minh một sự thật: Thay đổi rất khó, và thay đổi như thế nào trước áp lực của các cổ đông lẫn khách hàng, ở đây là cộng đồng gamer tạo ra những lựa chọn khác nhau từ ban lãnh đạo mỗi tập đoàn.

Cũng cần nhắc lại, cả Ubisoft và Activision đều có một mục tiêu duy nhất, đó là kiếm tiền. Là hai tập đoàn kinh doanh công khai trên thị trường chứng khoán, họ không chỉ có áp lực làm ra những trò chơi xuất sắc, được yêu mến, mà còn phải kiếm được hàng tỷ USD từ những “món hàng” ấy. Nếu như Ubisoft chọn cách thay đổi, thậm chí trì hoãn phát hành game, rồi thậm chí tái cơ cấu cả tập đoàn, thì Activision, vì áp lực phải phát hành Call of Duty đều đặn hàng năm, đã biến Sledgehammer Games trở thành quân tốt thí với một phiên bản MW III dở tệ.
10 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

trong các bản Assassin thì mình mê nhất bản Italy vs Mỹ bị Anh đô hộ
Ubi h chuyên nấu mì ăn liền thôi.
Thời giờ kiếm $$$ đều như vắt chanh phải nói đến Mihoyo, tỷ suất lợi nhuận quá khủng làm nhiều ông lớn trong ngành game nhìn mà ước.
Cod 1 và 2 giờ làm lại với đồ hoạ hiện đại khéo lại ngon. Vẫn mê 2 bản này. Cảm giác được tham gia cuộc đại chiến phê…..vãi
Togari
TÍCH CỰC
5 tháng
@xikiuwant trc có con WW II với Vanguard còn gì, chơi chán vch
khi game thành dịch vụ thì ko mong gì .... quang trong gamer vẫn cắm đầu vào bỏ tiền thì mãi vậy thôi
các bản Assassin chỉ mê bản lái tàu và nâng cấp tàu
pjnkgo
ĐẠI BÀNG
5 tháng
chỉ mải phát triển phần hình ảnh còn cốt truyện, cơ chế gameplay càng bản sau càng như lol =))
LLight
ĐẠI BÀNG
5 tháng
Vahala chặt chém sướng tay mà, có hiệu ứng đứt lìa mà chưa bản AC nào có, dân tình cứ chê nhưng game vẫn bán đắt như tôm tươi
lazy0338
ĐẠI BÀNG
5 tháng
Kinh vãi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019