Tháng 11/2021, một chiếc Omega Speedmaster gốc đời 1957, Ref. 2915-1 đã được nhà bán đấu giá Phillips cho lên sàn, thu về 3.4 triệu USD, con số kỷ lục của một chiếc Speedmaster. Con số này cao hơn gấp 25 lần so với con số ước tính trước khi phiên đấu giá diễn ra, tức là các chuyên gia chỉ nghĩ rằng chiếc đồng hồ này sẽ thu về đâu đó khoảng hơn 130 nghìn USD.
Chủ mới của chiếc đồng hồ không ai khác chính là Omega, họ bỏ hơn 3 triệu USD mua về để trưng bày hiện vật đầy giá trị lịch sử này ở bảo tàng Omega Museum.
Có một vấn đề nhỏ. Bloomberg vừa có bài viết, khẳng định rằng chiếc Ref. 2915-1 này thật ra là hàng “Frankenstein”. Thậm chí, theo Bloomberg, để tạo ra chiếc Speedmaster khiến bao nhiêu người lầm tưởng là nguyên bản này, có sự tiếp tay của cả một cựu nhân viên bảo tàng Omega ở Thụy Sỹ, cùng vài nhân viên cũ của hãng. Điều này được chính Omega tố cáo chứ không phải ai khác.
Chủ mới của chiếc đồng hồ không ai khác chính là Omega, họ bỏ hơn 3 triệu USD mua về để trưng bày hiện vật đầy giá trị lịch sử này ở bảo tàng Omega Museum.

Có một vấn đề nhỏ. Bloomberg vừa có bài viết, khẳng định rằng chiếc Ref. 2915-1 này thật ra là hàng “Frankenstein”. Thậm chí, theo Bloomberg, để tạo ra chiếc Speedmaster khiến bao nhiêu người lầm tưởng là nguyên bản này, có sự tiếp tay của cả một cựu nhân viên bảo tàng Omega ở Thụy Sỹ, cùng vài nhân viên cũ của hãng. Điều này được chính Omega tố cáo chứ không phải ai khác.
Vì sao gọi là “frankenstein” chứ không phải “hàng giả”?
Các dân chơi đồng hồ cổ thật ra không chỉ sợ hàng giả, mà còn sợ cả những chiếc đồng hồ đã bị “phẫu thuật”. Đối với họ, tính nguyên bản của chiếc đồng hồ là thứ quan trọng nhất. Chỉ cần mở máy ra bảo dưỡng hay thay kim, đổi linh kiện đã bị bào mòn trong suốt mấy chục năm sử dụng, hay đơn giản là không còn hộp sổ và hóa đơn gốc thời điểm mua chiếc đồng hồ, điều đó cũng khiến giá trị lịch sử của chiếc đồng hồ giảm đi đáng kể.
Và trên thị trường đồng hồ cổ, luôn có những người làm nghề phẫu thuật. Công việc của họ là tạo ra những cỗ máy thời gian hoàn chỉnh nhờ linh kiện của nhiều chiếc đồng hồ khác nhau ráp lại. Nếu anh em chưa biết thì có cả một thị trường frankenwatch sôi động, chứ chẳng riêng gì thị trường đồng hồ replica do các xưởng ở Trung Quốc tạo ra, với độ chính xác về mặt chi tiết khiến nhiều người không thể phân biệt bằng mắt thường.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như người chơi tự bỏ số tiền ít hơn nhiều so với giá mua một chiếc Rolex hay Omega cổ, và biết họ đang đeo đồ franken. Nhưng câu chuyện ở đây là không bao giờ thiếu những kẻ trục lợi, sẵn sàng bán những chiếc frankenwatch với cái giá cắt cổ. Mọi thứ sẽ nghiêm trọng hơn, khi một chiếc đồng hồ “giả cổ” nhưng mà “giả cầy” được đưa lên sàn đấu giá. Các dân chơi mê đồng hồ cổ luôn chịu chi để được sở hữu một cỗ máy thời gian
Đó chính là những gì đã xảy ra với chiếc Speedmaster đời 1957, một trong những chiếc Speedy đầu tiên được Omega tạo ra.
Ai là người phát hiện ra sự thật?
Nói là phát hiện thì cũng không chính xác lắm. Cụ thể hơn, ngày 9/4/2023, Jose Perez đã có một bài viết trên trang blog cá nhân, đặt ra giả thuyết và những nghi vấn về tính xác thực của chiếc Speedmaster đời 1957, số serial 15500066 này.
Nhìn vào những tấm hình, dễ nhận ra càng lug của "chiếc đồng hồ 66 tuổi" bị đánh bóng chứ không hề nguyên bản. Rồi lume dạ quang trên cọc số và hai kim Broad Arrow nhìn rất sạn, có biểu hiện đã bị đổ lại lume.
![[IMG]](https://photo2.tinhte.vn/data/attachment-files/2023/06/6459725_Tinhte-Omega1.jpg)
Quảng cáo
Sau khi phiên đấu giá diễn ra, một tấm hình khác được cho là của chiếc đồng hồ tạo ra mức giá kỷ lục trên sàn đấu giá. Dễ thấy cọc số lume ánh xanh nhìn rất khác với lume trên ba kim đồng hồ. Rồi thì những yếu tố khác cũng bị phát hiện, từ máy đến vỏ case.
Bộ máy có thể từ một chiếc Speedmaster ra mắt sau năm 1957, với số serial 25005330. Vì thời điểm năm 1957, Omega chưa đánh số case thép đồng hồ, nên cũng không thể xác định chính xác niên đại của lớp vỏ.

Chính hình ảnh hải mã khắc ở đáy case cũng là một yếu tố gây nghi ngờ. Hình ảnh hải sư ở đáy case những chiếc đồng hồ Omega chỉ xuất hiện ở đời serial đầu 16 triệu trở về sau, chứ đầu serial 15 triệu như chiếc này không thể có.

Rồi mặt số “chocolate” nhuốm màu thời gian, rỉ sét đổi màu cũng quá mịn, chứ không lổn nhổn vết rỉ sét patina như tự nhiên.
Quảng cáo

Chiếc bên phải dùng để so sánh, là một chiếc 2915-2 được Omega sản xuất cho không quân Peru năm 1959. Chiếc đó cũng được đem bán đấu giá, thu về gần 200 nghìn Euro năm 2019, giờ là một phần của bộ sưu tập của WatchGuru.
Thậm chí Perez còn tìm được chính chiếc đồng hồ được cho là bản gốc để tạo ra chiếc frankenstein đạt giá trị kỷ lục trên sàn đấu giá. Những chi tiết rất nhỏ trên mặt số nhìn không khác gì nhau:



Rồi đến viền bezel cũng bị phát hiện là được lấy từ một chiếc Speedmaster khác, serial 16648304, được Phillips Geneva đấu giá tháng 11/2018:


Không có 2 chiếc đồng hồ nào có chung 1 vết xước, hay nhiều vết như thế cả. Vì thế dám chắc chắn rằng, chiếc đồng hồ “serial 15500066 bán ngày 2/11/1957” đã được chế tác lại từ hai chiếc Speedmaster kể trên.
Giờ chuyện gì sẽ xảy ra?
Vậy người phát ngôn của Omega đã nói gì? Họ cáo buộc ba nhân viên cũ đã thực hiện âm mưu “chế cháo” ra đúng chiếc Ref. 2915-1 nhờ vào linh kiện của nhiều chiếc đồng hồ khác nhau để tạo ra một món đồ tưởng chừng là nguyên bản. Rồi sau đó, nhờ trung gian, cũng như những lời thuyết phục đội ngũ lãnh đạo Omega, những kẻ này đã tìm cách tự mua lại chiếc đồng hồ này về trưng bày ở bảo tàng Omega. Một trong những người này nói với các giám đốc của Omega rằng “đó là một phiên bản hiếm có và đặc biệt, thứ phải có trong bộ sưu tập ở bảo tàng của Omega.”
Nhưng hóa ra, Ref. 2915-1 được tạo ra từ linh kiện của nhiều chiếc đồng hồ khác nhau, những bộ phận nào không tìm được thì tự chế tác cho giống thật.

Thậm chí, nhà đấu giá Phillips còn nhờ tới sự xác nhận của Omega về ngày gia công cỗ máy cơ caliber 321 bên trong, số serial, và đối chiếu cả thông tin máy với thông tin của chiếc đồng hồ trước khi bán. Những chuyên gia, học giả và nhà sưu tầm cũng đã quy tụ ở London, Singapore, Hong Kong và New York để kiểm định chiếc này. Rồi sau khi bán, đại diện Omega cũng đã đến Phillips để tận tay xem xét chiếc Speedmaster này trước khi trả tiền, đem nó về trưng bày ở bảo tàng Omega.
Ấy vậy mà đến tận bây giờ, một năm rưỡi sau phiên đấu giá, sự thật mới được hé lộ. Điều này nhấn mạnh mức độ tỉ mỉ và kỳ công của những người “phẫu thuật” đồng hồ cổ, với tác phẩm qua mắt được rất nhiều người, kể cả chính chủ thương hiệu tạo ra nó.
Về cơ bản, dù chưa có bằng chứng chính xác, nhưng Omega đang cáo buộc những cựu nhân viên đề xuất ý tưởng mua lại chiếc đồng hồ “phẫu thuật” này có liên quan tới “âm mưu phạm pháp”, cụ thể hơn là quá trình “tạo ra món hàng giả mạo, không hề nguyên bản.” Họ cũng chưa rõ ai là người đem chiếc Speedmaster đời đầu này đến nhà đấu giá Phillips.

Vì thỏa thuận bí mật thông tin, nhà đấu giá Phillips không thể cung cấp thông tin cá nhân của chủ cũ chiếc đồng hồ kể trên. Nhưng nếu vụ việc này trở thành án hình sự, được cảnh sát Thụy Sỹ điều tra, thì thông tin đó buộc phải được giao cho nhà chức trách hoặc tòa án.
Về phần nhà đấu giá danh tiếng, họ khẳng định chỉ cho một sản phẩm lên sàn đấu giá trong trường hợp đảm bảo về nguồn gốc và chuẩn mực của món hàng. Thêm nữa, họ cũng khẳng định “không liên quan và không biết đến âm mưu tội phạm đang bị cáo buộc và điều tra.”
Có một điều chắc chắn. Chiếc Speedmaster với mức giá kỷ lục vẫn là một chiếc đồng hồ thực thụ, nhưng mọi khía cạnh khác của nó, bao gồm cả giá trị lịch sử, giờ là con số 0.
Tổng hợp theo Robb Report, Bloomberg, Perezcope