Những chiếc xe đến từ thương hiệu Dat Bike nói chung luôn là chủ đề gây tranh cãi. Tuy nhiên mình không quan tâm nhiều. Dựa trên những trải nghiệm thực tế của mình đối với chiếc Weaver++ này nói riêng và những các thế hệ Weaver khác nói chung, cũng như may mắn được chạy thử khá nhiều loại xe khác nhau, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ những đánh giá cụ thể và chi tiết nhất về Weaver ++, ở nhiều góc độ khác nhau.
Khung sườn là yếu tố thay đổi nhiều nhất đối với Dat Bike Weaver++. Trước hết mình sẽ nói về những thứ dễ dàng nhìn thấy trước. Đầu tiên là ghi đông điều chỉnh theo phong cách scrambler, giúp cho tay ở tư thế cao hơn, không phải cúi thấp, góc đánh lái lớn, điều khiển linh hoạt. Lần đầu tiên khi nhìn chiếc xe thì mọi thứ đã được làm đậm đà hơn, dày dặn hơn rất nhiều. Phần gắp sau kích thước lớn, nổi bật tạo độ tin cậy nhiều hơn, so với cảm giác lõng lẻo trước đây.
Khung sườn và cảm giác cầm lái
Những thay đổi
Khung sườn là yếu tố thay đổi nhiều nhất đối với Dat Bike Weaver++. Trước hết mình sẽ nói về những thứ dễ dàng nhìn thấy trước. Đầu tiên là ghi đông điều chỉnh theo phong cách scrambler, giúp cho tay ở tư thế cao hơn, không phải cúi thấp, góc đánh lái lớn, điều khiển linh hoạt. Lần đầu tiên khi nhìn chiếc xe thì mọi thứ đã được làm đậm đà hơn, dày dặn hơn rất nhiều. Phần gắp sau kích thước lớn, nổi bật tạo độ tin cậy nhiều hơn, so với cảm giác lõng lẻo trước đây.
Phuộc sau là dạng monoshock. Monoshock là phuộc thường được trang bị cho các dòng xe côn tay thể thao, xe phân khối lớn, và rõ ràng là nó mang lại cảm giác thể thao nhiều hơn khi được lắp trên Weaver++. So với phuộc lò xo trụ đôi, monoshock có ưu điểm là giúp cho thân xe ổn định hơn khi vào cua và giúp xe cân bằng hơn khi chạy ở tốc độ cao. Một trong những lý do để có được lợi ích này là phuộc monoshock có thể giảm lực vặn xoắn cho gắp sau của xe.
Mức độ hiệu quả
Những thay đổi về khung sườn và hệ thống treo nói trên rõ ràng mang lại những cải tiến nhất định trong vận hành. Rất may là mình có cơ hội trải nghiệm được cả 3 phiên bản, nhờ vậy mình có thể cảm nhận được khá rõ những cải tiến qua từng thế hệ xe. Đối với bản đầu tiên, khung sườn yếu và không tạo sự tin cậy khi cầm lái, không chỉ là khung sườn mà vị trí thiết lập của đồ gác chân cũng không ổn.
Weaver++ là 1 chiếc xe mạnh và có tốc độ tối đa cao, bởi vậy nó cần 1 khung sườn đủ chắc chắn. Thực tế cho thấy về tổng thể, sự tự tin khi cầm lái đối với khung sườn mới đạt khoảng 7,5/10 theo đánh giá của mình. Khi đạt vận tốc khoảng hơn 60 km/h, độ bám với mặt đường vẫn tốt, mình vẫn còn cảm nhận được chiếc xe đang đi đúng với mong muốn và ở tốc độ cao hơn thì tay lái vẫn vững.
Quảng cáo
Tuy nhiên, khi vận hành có 1 điểm nhỏ đó là độ rung từ hệ truyền động sẽ làm cho chân bị rần rần và do gác chân không có cần số hay cần thắng giống như xe truyền thống, thế nên để lâu sẽ có cảm giác mỏi.
Khung sườn: 7,5/10
Về hệ thống treo, tổng thể thì sẽ có xu hướng cứng và có lẽ đây là điều mà Dat Bike họ hướng tới ngay từ đầu đối với chiếc Weaver++ này. Có thể hiểu nôm na trong thế giới xe xăng thì có xe số và xe côn tay, thì Weaver++. là mẫu xe mà hãng họ muốn hướng tới là 1 chiếc xe máy điện thể thao nhiều hơn, cá tính hơn. Bởi vậy, phuộc cứng, thể thao là thứ đã được trang bị cho xe. 1 hệ thống treo có xu hướng cứng sẽ giúp cho xe ổn định hơn khi vào cua ở vận tốc cao, nhưng ở điều kiện sử dụng đi phố nhẹ nhàng như mình, cảm giác hài lòng của mình không thật sự lớn.
Khi xe chạy ở tốc độ cao đi qua 1 ổ gà hoặc 1 vật cản nào đó trên đường, điều mình cảm nhận trong khoảnh khắc đó là sự liên kết giữa khung sườn phía sau và cổ lái không thật sự chắc chắn và khiến cho thân xe hơi thiếu ổn định. Nếu nói dễ hình dung hơn thì anh em thường sẽ gọi cảm giác đó là hệ thống phuộc yếu. Ở phần treo của xe thì mình sẽ cho khoảng 6,5 trên thang điểm 10 đối với chiếc Dat Bike Weaver++ này.
Quảng cáo
Hệ thống treo: 6,5/10
Hệ truyền động
Dat Bike Weaver++ được trang bị động cơ 3000W và có thể đạt đỉnh 7000W, mạnh hơn 1000W nếu so với Dat Bike Weaver 200. Dat Bike cho biết những thay đổi này giúp cho xe có gia tốc nhỉnh hơn 33% so với trước đây. Điều đáng nói ở đây là động cơ inhub đã chuyển sang dùng mid motor. Động cơ dặt giữa truyền động ra bánh sau thông qua hệ thống nhông sên đĩa, giống như Theon của VinFast.
Hãng cho biết chuyển động này giúp gia tăng khả năng phân bổ trọng lượng cho xe, giúp xe ổn định hơn khi vận hành và có thể điều đó đúng. Ngoài ra, việc sử dụng truyền động như thế này sẽ tạo ra âm thanh tương đối lớn trong quá trình xe chạy. Ban đầu thì có thể chưa quen và cảm thấy hơi khó chịu, nhưng âm thanh này kết hợp với tiếng động cơ sẽ là thứ tạo nên sự kích thích khi chúng ta sử dụng xe. Âm thanh ro ro này cũng sẽ là tiếng để giúp người khác có thể nhận biết sự hiện diện của chúng ta trên đường để né, an toàn hơn.
Về sức mạnh, động cơ mới trên Weaver++ cung cấp đủ sức mạnh để làm hài lòng những ai có đòi hỏi chạy xe thể thao, phấn khích. Với đặc tính của xe điện, Weaver++ có thể dễ dàng đạt tới tốc độ hơn 50 km/h trong thời gian rất nhanh và bỏ xa tất cả những xe khác khi đèn đỏ chuyển sang xanh. Ngoài ra, khi đạt được vận tốc ổn định, khi cần, bạn chỉ cần vặn thêm 1 tí ga là xe có thể tiếp tục tăng tốc để lao về phía trước, vượt 1 xe nào đó trên đường chẳng hạn.
Dù vậy, động cơ truyền động thông qua xích chắc chắn tạo ra nhiều hao phí công suất hơn. Leo dốc là khả năng được quan tâm nhiều đối với các dòng xe điện nói chung và riêng với Weaver++ thì cũng vậy. Mình đã thử chở theo 1 người bạn nặng 50, mình 60kg, cả 2 đi leo thử các con dốc hầm giữ xe khác nhau. Kết quả cho thấy đối với các dốc hầm thông thường, dốc cầu, xe có thể lên rất dễ dàng nếu có đà. Khi mình thử dừng lại giữa dốc, mặc dù vặn ga sẵn ngay khi buông thắng như xe vẫn tụt về sau khoảng vài chục cm rồi mới lên lại được nhưng vẫn có thể khởi hành lại ngang dốc khá tốt.
Thử thách khó nhất mà mình thực hiện là chạy lên con dốc hầm ở Vincom. Như đã nói, chỉ cần tạo cho xe 1 đà lên khoảng chừng 1 mét thì xe có thể chạy lên rất dễ. Nhưng khi dừng giữa dốc, xe gặp khó để lên và lúc này người bạn ngồi sau phải bước xuống, và lúc đó đã giảm tải đi nhưng xe vẫn khá vất vả mới hoàn thành xong con dốc. Mình nghĩ đây là vấn đề phần mềm và có thể xử lý được trong tương lai bởi động cơ với khả năng peak lên 7000W hoàn toàn có khả năng để kéo chiếc xe lên dốc trở lại mà không cần đà.
Đánh giá: 7,5/10
Độ an toàn: thật sự cần ABS
Ngoài những chi tiết rất quan trọng ảnh hưởng đến độ an toàn của xe như khung sườn, phuộc, thì còn lại chắc chắn phải là hệ thống phanh và lốp xe. Weaver++ sử dụng lốp trước và sau có kích thước 100/80 và 120/80, đều là lốp không săm hay không ruột. Thế nên không cần phải lo lắng trong tình huống bị cán đinh, vẫn có thể chạy tiếp để đến các tiệm sửa xe để khắc phục vấn đề. Lốp bản to cho độ bám đường khá tốt, vô cua cũng tự tin. Weaver++ trang bị phanh trước là dạng đĩa thủy lực. Nhìn chung, phanh hoạt động tốt, nếu di chuyển ở tốc độ vừa phải thì các cú phanh hầu như đều khá ăn và chắc chắn. Mặc dù vậy, thiếu vắng ABS khiến cho cảm giác tự tin khi điều khiển xe chạy ở tốc độ cao bị giảm xuống đối với mình.
Là 1 chiếc xe điện mạnh và thể thao, Weaver++ dễ dàng đạt được 1 tốc độ cao, và trong quãng đó, nếu cần phanh gấp, bạn chắc chắn bị trượt do bó bánh. Bản thân mình trong quá trình sử dụng xe đã 2 lần bị bó bánh do thói quen chạy cũng có phần hơi gắt. Thực ra mà nói, nếu phân bổ lực phanh đồng đều hơn cho cả bánh trước và sau cũng như có 1 tay lái cứng để sẵn sàng lấy lại cân bằng cho những cú slide bánh sau thì đây cũng không phải vấn đề gì. Nhưng riêng với quan điểm của mình, không phải ai cũng có kỹ năng chạy xe tốt như vậy và Weaver++ cần có ABS để đảm bảo an toàn hơn trong tất cả các điều kiện vận hành.
Nói đi cũng phải nói lại, nếu có là 1 người có thói quen chạy xe không quá gắt, thì hệ thống phanh trang bị sẵn trên xe cũng đáp ứng được khả năng hãm xe lại tốt.
Phanh động cơ có hãm nhẹ thân xe nhưng mình nghĩ nó chủ yếu phục vụ cho quá trình hồi năng lượng lại cho xe chứ về phần giảm tốc thì không hỗ trợ nhiều. Điều đáng khen là tính năng này được làm để can thiệp nhẹ nhàng hơn khi giảm tốc, không còn bị cảm giác ghì lại khó chịu.
Đánh giá: 7/10
Pin, sạc và phạm vi hoạt động
Phạm vi hoạt động 200 km sau mỗi lần sạc khi xe chạy ở vận tốc 35 km/h không còn là lợi thế của Dat Bike khi trên thị trường giờ đây đã có những đối thủ có tầm hoạt động tương tự. Tuy nhiên, lợi thế của Dat Bike Weaver++ nằm ở 1 khía cạnh có liên quan khác, đó là tốc độ sạc. Bộ sạc đi kèm với công suất lớn cho khả năng sạc ở nhà 1 tiếng đi được 100 km và 3 tiếng thì đầy pin. Thử nghiệm thực tế khi sạc từ 20% của mình cho thấy sau 1 tiếng thì pin của xe lên được 50% và thời gian để sạc đầy là 3 tiếng. Mình cũng khuyên anh em nên sạc xe từ lúc 20% chứ đừng để xuống thấp hơn nữa vì lúc này công suất của xe sẽ bị giảm. Thời gian sạc ở trạm cũng khá ấn tượng, mình có thể sạc từ 20 lên tới 57 chỉ trong vòng hơn 20 phút.
Về phạm vi hoạt động, mình sạc đầy xe và sử dụng như 1 chiếc xe máy thông thường, không quan tâm nhiều về tải trọng, chở ai. Khi cần thiết, mình vẫn chở theo bạn bè của mình đến những địa điểm khác nhau. Tất nhiên nhu cầu đi 1 mình cũng nhiều hơn và mình thường xuyên duy trì vận tốc xe ở mức hơn 50 km/h. Với cách sử dụng này thì mình có thể chạy được quãng đường 120 km. Nếu chạy nhẹ nhàng, dịu dàng hơn thì có thể phạm vi sẽ kéo dài hơn. Điều quan trọng là mình chỉ cần sạc xe 1 lần là đã có thể chạy được gần cả tuần mới cắm sạc lại, nếu với nhu cầu chỉ đi làm và đi về, thỉnh thoảng đi chơi vào cuối tuần như mình.
Đánh giá: 9/10
Thiết kế, tính tiện nghi và độ hoàn thiện
Ngoại hình của xe là yếu tố được bàn tán rất nhiều, có người khen, có người chê, và với mình thì từ những ngày đầu, mình cũng có quan điểm riêng về vấn đề này. Weaver++ không phải là 1 chiếc xe quá trau chuốt về mặt ngoại hình, nhưng có thể ví von nó như 1 chiếc “Honda 67 chạy điện”. Weaver++ có thiết kế cổ điển kết hợp với hiện đại, và nó có gì đó khác biệt, có tính nhận diện cao. Mặc dù chưa xây dựng được các gọi là ngôn ngữ thiết kế 1 cách rõ ràng, nhưng Weaver hay những chiếc xe của Dat Bike nói chung về cơ bản là có tính nhận diện cao và thu hút ánh nhìn khi mình chạy trên đường.
Chi tiết thay đổi lớn về mặt ngoại hình là bảng đồng hồ tốc độ LCD màu hiển thị khá đẹp mắt và hiện đại, có 2 chế độ hiển thị và đặc biệt là hiển thị phần trăm pin của xe, điều mà mình đã rất muốn có kể từ những thế hệ xe đầu tiên. Dù vậy, nhược điểm của mặt đồng hồ là khu vực hiển thị xi nhan hơi nhỏ và thiếu đi sự gây chú ý, dễ quên tắt xinhan. Ngoài ra, tốc độ hiển thị trên đồng hồ theo như mình quan sát là hơi trễ so với tốc độ thực của xe.
Điểm mới nữa về mặt ngoại hình đó là yên xe được làm lại, thay yên bánh mì màu nâu thành yên phẳng hơn. Chi tiết này giúp xe trông thể thao hơn, mình ngồi lâu thì cũng không bị quá đau mông nhưng do khu vực 2 bên dùi không ôm xuống sâu thế nên sẽ hơi cấn một chút. Về hệ thống chiếu sáng thì đèn xe hình tròn với công nghệ LED cho ánh sáng trắng hiện đại, cường độ chiếu sáng đủ ổn cho nhu cầu đi lại hàng ngày.
Tính tiện nghi thì có hộc đồ với khóa số - một chi tiết bổ sung so với hộc đồ ở Weaver 200 và móc trên đồ làm sẵn bên trái.
Độ hoàn thiện của xe có cải tiến nhưng vẫn ở mức ổn chứ tính hoàn thiện chưa cao. Các chi tiết như cùm nút thỉnh thoảng vẫn hay kẹt, bọc cao su gác chân người lái bị xoay ra và hệ thống đĩa phanh bị lỗi tạo ra tiếng kêu khi xe chạy chậm hoặc dắt xe. Ngoài ra thì còn 1 vấn đề mình nghĩ liên quan đến mặt phần mềm là khi đã khởi động điện thì không thể lùi xe dễ dàng, nghĩa là luôn có lực hãm mình lùi hoặc dắt xe ngay khi đã bấm ngắt động cơ tạm thời. Mình nghĩ đây là lỗi phần mềm và fix được. Vì được lắp ráp thủ công nên chắc chắn tỷ lệ lỗi là có và sẽ khác nhau ở từng xe, nghĩa là không phải những gì mình gặp đối với chiếc xe này thì tất cả đều bị.
Đánh giá: 7/10
Kết
Dat Bike Weaver++ phù hợp cho những ai thích 1 chiếc xe máy điện khác biệt, mạnh mẽ và cho phạm vi hoạt động tốt cùng với khả năng sạc rất nhanh. Mong là Dat Bike sẽ lắng nghe và tiếp tục có những cải tiến, nâng cấp về cả phần mềm lẫn phần cứng để Weaver++ hoàn thiện hơn trong tương lai để trở thành lựa chọn hàng đầu khi người ta nghĩ về 1 chiếc xe máy điện tại Việt Nam. Không ai hiểu người Việt hơn chính người Việt, và 1 starup Việt Nam hoàn toàn có lợi thế đó để giúp cho sản phẩm tốt hơn, phù hợp với khách hàng hơn.
Anh em quan tâm sản phẩm có thể xem thêm https://bit.ly/3GkvLzf.
Xe Máy Điện | Dat Bike
Dat Bike - nhà sản xuất xe máy điện của Việt Nam
dat.bike