Không thiếu những lần, một tựa game indie được một studio quy mô nhỏ phát triển dựa trên kinh phí có giới hạn lại được người hâm mộ đón nhận và khen ngợi hết lời vì sự sáng tạo và độc đáo hiếm khi thấy một tác phẩm nào sánh được. Từ thời kỳ những game indie đầu tiên được công chúng đón nhận, như Braid hay Limbo, cứ mỗi năm, người chơi lại được trải nghiệm vài tác phẩm từ các nhà phát triển game độc lập, không bị trói buộc bởi doanh số và doanh thu như những game bom tấn.
Năm 2020 này có thể kể đến vài tác phẩm indie xuất sắc được công chúng yêu mến: Fall Guys, Risk of Rain 2, Root, Moving Out. À còn cả Among Us nữa, nhưng game phát hành được vài năm rồi.
Và trong số những game indie xuất sắc nhất năm 2020 tính đến thời điểm hiện tại, Hades là một trong số đó. Bình thường mình hay quên những game indie lắm vì chúng ra mắt tương đối âm thầm, thậm chí có thời kỳ hơn 1 năm mới biết đến để chơi. Nhưng may quá lần này với Hades, mình chỉ chơi muộn có… một tháng thôi. Anh em đã chơi trước và đã yêu mến Hades thông cảm với mình nhé.
Không như tên gọi của trò chơi này, anh em sẽ không vào vai chúa tể địa ngục theo thần thoại Hy Lạp, mà thay vào đó sẽ vào vai Zagreus, “hoàng tử bóng tối”, con trai Hades. “Ơ này từ từ Hades làm gì có con?” Đồng ý là như vậy, nhưng cũng theo thần thoại Hy Lạp, Zagreus có lúc được cho là con trai của thần Zeus và Persephone, nhưng cũng có “thuyết âm mưu” nói rằng Zegreus chính là con trai của Hades. Mà thôi, quay lại với cốt truyện game. Vì một lý do nào đó, Zagreus muốn rời khỏi địa ngục, và lẽ dĩ nhiên là Hades không muốn như thế. Chàng hoàng tử sẽ phải chiến đấu qua tầng tầng lớp lớp những căn phòng mê cùng của thế giới bên kia, với một mục đích duy nhất là tìm đường đến với những ông chú ông bác họ hàng của mình trên đỉnh Olympus.
Chết là chơi lại từ đầu
Bước ngoặt của Hades rất đơn giản, nhưng nghe qua rất bực mình: Hết máu, Zagreus hy sinh, mọi thứ sẽ reset về con số 0. Zagreus sẽ quay trở về xuất phát điểm, nghe ông bố Hades chê bai, để rồi sau đó lại khởi hành trốn khỏi địa ngục.
Những game đi dungeon nhiều tầng, kèm thêm cả chế độ permadeath, chết một cái là reset hoặc mất nhân vật như Hades gọi chung là roguelike, và thể loại này đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bản thân Supergiant Games cũng từng có một tác phẩm game nhập vai hành động nổi tiếng vô cùng, hẳn anh em cũng đã từng nghe qua một lần: Bastion.
Thế nhưng trái ngược với Bastion, Hades có độ khó tương đối. Anh em sẽ bắt đầu với 50HP, và cứ đi hết một dungeon, anh em sẽ được nhận phần thưởng tương xứng, dĩ nhiên là ngẫu nhiên, hệt như cách mỗi màn chơi của Hades, với môi trường và đối thủ được sắp đặt. Hết máu, anh em sẽ quay trở về nơi xuất phát, tất cả những nâng cấp hay tiền trước đó nhặt được trên màn chơi đều sẽ biến mất hoàn toàn.
Quảng cáo
Nghe được lời khẩn cầu của Zagreus, lần lượt những vị thần trên đỉnh Olympus đều để dành cho “đứa cháu” hay “người anh em họ” những nâng cấp riêng. Lấy ví dụ thần biển cả Poseidon cho phép những đòn đánh của Zagreus bật tung đối phương về phía sau. Thần rượu vang Dionysus đem đến kỹ năng tạo ra hiệu ứng độc, khiến đối phương mất máu trong một khoảng thời gian. Còn thần Zeus thậm chí còn cho phép Zagreus phóng sét trong mỗi đòn đánh. Chơi càng lâu, sinh tồn càng giỏi, thì nhân vật anh em điều khiển càng mạnh, vì những nâng cấp như thế này có thể chồng lên nhau để tăng sát thương gây ra cho những quái vật dưới địa ngục. Nhưng nếu lỡ tay thì… đen thôi đỏ quên đi.
Địa ngục có 4 tầng, Tartarus, Asphodel, Elysium và Temple of Styx, mỗi tầng sẽ có rất nhiều phòng mê cung khác nhau, với không chỉ những con quái vật nguy hiểm, mà ngay cả môi trường mỗi tầng đôi khi cũng là cái bẫy để đánh úp những anh em không kịp trở tay. Những bàn chông, bẫy lửa hay bom rải rác trong mỗi màn luôn là thứ anh em phải để tâm, cùng lúc phải để ý cả vị trí của bản thân lẫn của đối phương. Chỉ cần đứng im một lúc là anh em sẽ thành bia tập đánh của lũ quái vật, và chúng đánh rất đau, 50 hay 100 máu có khi hết chỉ trong một màn đấu trùm nếu không cẩn thận.
Nhưng bù lại, Zagreus đánh cũng đau chẳng kém. Những nâng cấp được các vị thần Olympus ban cho, hay những nâng cấp mua bằng “Darkness” thu được ở 4 tầng địa ngục, thông qua “Mirror of Night” ở phòng riêng sau khi sơ sảy để nhân vật nằm xuống, tất cả đều giúp ích cho lần thử tiếp theo, khi anh em song hành cùng Zagreus thoát khỏi địa ngục.
Quảng cáo
Tuyệt nhât trong số những kỹ năng của Zagreus có lẽ chính là khả năng ‘dash’. Nó có thể được tối ưu để tấn công, để phòng thủ, để né đòn, để gây sát thương, thậm chí để đâm lén đối thủ từ phía sau lưng.
Biến thứ gây khó chịu thành lợi thế mạnh nhất của game
Chơi game, không một ai muốn hiện dòng chữ “game over” cả. Vậy nên trước khi bắt đầu với Hades, mình lo cho cách game triển khai cốt truyện. Cứ chết đi sống lại bao nhiêu lần như thế (có lần mình chơi đến lượt thứ 20 rồi mà chưa qua được tầng 3 của địa ngục), cốt truyện game chắc chắn sẽ bị dồn ứ lại, chí ít là cho đến khi anh em vượt qua những màn chơi chưa thể khuất phục.
Nhưng không, Hades biết thừa nó sẽ khiến người chơi chết đi sống lại cả chục lần, và dựa vào chính bản chất của gameplay để điều hướng cốt truyện của game. Mỗi lần chơi lại, quay trở về “nhà”, House of Hades, những người xung quanh Zagreus, từ chiến binh bị quên lãng Achilles, “người yêu cũ” Megaera, chú cún Cerberus hay chính bản thân Hades đều có những câu thoại mới, hé lộ ra những bí ẩn chưa được giải thích trước đó về mối quan hệ giữa những vị thần Hy Lạp, hay về lý do Zagerus nhất quyết… đi dạt.
Bản chất game cũng khuyến khích người chơi không cố gắng kết thúc cả 4 tầng địa ngục chỉ trong 1 lần chơi, vì giá trị của game không chỉ nằm ở những cuộc sống mái đã tay điên cuồng trong những tầng mê cung, mà còn nằm ở những nhân vật phụ nữa. Anh em sẽ có thể tặng Nectar hay Ambrosia cho tất cả những người khác, trong đó có cả Hades để nhận được những trang bị rất mạnh. Một danh sách những nhiệm vụ phụ, tên là “Fated List of Minor Prophecies” cũng đem lại những phần thưởng rất giá trị.
Chưa dừng lại ở đó, tìm được những cục Gemstone trong mỗi màn chơi cũng cho phép anh em “nâng cấp” địa ngục, qua đó giúp những lần chinh phục thế giới bên kia của Zagreus trở nên phần nào dễ dàng hơn.
Chơi càng nhiều, chết càng nhiều, chơi lại càng nhiều, cốt truyện của Hades lại càng hé mở rõ ràng và cuốn hút hơn, chứ không phải như kiểu những game khác, chết là cứ phải cố gắng đi lại màn chơi đến khi nào xong thì cốt truyện mới tiếp diễn. Game khó, nhưng không hề gây nản chí, mà trái lại đôi khi mình còn cảm thấy có lúc nên chết để quay về điểm khởi đầu, giải quyết những nhiệm vụ phụ rồi đi tiếp, rất sáng tạo.
Quá trình chinh phục Hades không chỉ là thua và chơi lại, mà cái cảm giác đủ chìa khóa mở những món vũ khí mới, chọn những nâng cấp phù hợp với món vũ khí đang dùng, để diệt quái nhanh nhất và hiệu quả nhất, cùng lúc trò chuyện với cả chục nhân vật phụ dõi theo bước chân của Zagreus là thứ hiếm khi thấy một tựa game nào làm được. Ấy vậy mà Hades lại làm được, một cách xuất sắc. Tất cả những điều đó, cảm giác chơi game khó mà vẫn sướng tay đã mắt, chính là sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa lối chơi đi dungeon diệt quái, hệ thống nâng cấp đơn giản mà có chiều sâu, cùng dàn diễn viên lồng tiếng hài hước, cuốn hút.