Điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam khác cách các nước đã làm trước đây như thế nào?

canlevinh
18/4/2022 7:39Phản hồi: 2
Tiếp theo bài: “Điện sóng biển gắn trên khung đỡ hơn hẳn điện gió ở những chỗ nào?” đã đưa lên Diễn đàn ngày 04/04/2022, xin phép đưa thêm bài này như sau:
1. Điện sóng biển theo cách các nước đã làm:
“Mỗi mét vuông của tấm pin mặt trời nhận được từ 0,2 đến 0,3 KW năng lượng mặt trời, mỗi mét vuông của tháp điện gió sẽ hấp thụ từ 2 đến 3 KW. Trong khi đó, mỗi mét vuông của bờ biển nhận được tới 30 KW năng lượng sóng biển”. Đó là câu đầu tiên trong bài: “Năng lượng sóng biển có thể cho hiệu năng gấp 100 lần năng lượng mặt trời” của Thiện Tâm đăng ngày 11/01/2018 trên trang web TRITHUCVN. Nhưng rất tiếc rằng giá thành phát điện của điện sóng biển do các nước đã thử nghiệm rất cao, không thể cạnh tranh được với các loại điện khác nên bây giờ người ta thường chỉ nói đến điện gió và điện mặt trời do:
  • Nhiều công trình phải xây dựng từ dưới đáy biển lên, vốn đầu tư rất lớn.
  • Nước biển có độ ăn mòn rất cao nhưng thiết bị điện sóng biển của nhiều nước nằm trong nước biển.
  • Sử dụng những công nghệ rất hiện đại, phức tạp, khó sản xuất ở Việt Nam.
2. Cách làm điện sóng biển mới theo cách hoàn toàn Việt Nam dựa vào:
  • Có thể biến chuyển động nâng lên hạ xuống của phao thành chuyển động quay tròn theo một chiều nhất định để chạy máy phát điện rất đơn giản. Cách làm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1396 về Cơ cấu biến đổi chuyển động với 3 phương án theo Quyết định số 36352/QĐ-SHTT ngày 20/06/2016.
  • Lợi dụng các vùng có đáy biển khá bằng phẳng do phù sa của các sông lắng xuống từ bao đời nay, khó có khả năng còn đá ngầm và không thuận lợi cho các loại san hô phát triển để làm điện chạy bằng năng lượng sóng biển theo cách hoàn toàn Việt Nam. Nhờ vậy không cần phải xây dựng từ dưới đáy biển lên, chỉ cần gắn ngay trên bờ các thanh thép dài 12 m vào các ống thép của cột chống thành từng cụm 3 hoặc 4 cột chống bao gồm cả bộ phận chống lún và phao để cắm dần từng cụm xuống biển, đoạn đường đi lại và đứng làm việc của công nhân trong cụm cũng được gắn ngay trên bờ, rồi gắn tiếp những thanh thép dài 12 m để nối các cụm đó lại với nhau thành khung đỡ dài với nhiều hàng phao. Trong mỗi khung đỡ có 2 tầng liên kết, trong mỗi tầng thì các thanh liên kết tạo thành những tam giác đều nên khung đỡ rất vững chắc. Mỗi khung đỡ gần bờ có 2.267 bộ tạo nguồn điện, mỗi khung đỡ xa bờ có 420 hoặc 553 bộ tạo nguồn điện nên có sản lượng điện rất lớn. Giá thành phát điện rẻ chính là nhờ việc làm này.
  • Khung đỡ gần bờ của điện sóng biển như bức tường thành chắn sóng do có 3 hàng phao đặt so le nhau, trong 11,8 m khung đỡ bình quân có tới 3 phao hình trụ tròn đường kính 6 m. Sau khi qua hàng phao thứ nhất sóng dồn vào các phao của hàng phao thứ hai, qua 2 hàng phao đầu năng lượng sóng không còn bao nhiêu lại dồn vào các phao của hàng phao thứ ba. Do có thể hấp thụ được phần lớn năng lượng sóng như vậy nên sẽ tạo ra được nguồn điện năng rất lớn.
  • Dùng phao nửa nổi nửa chìm nên lực nâng lên lớn nhất, lực hạ xuống mạnh nhất của phao chỉ bằng trọng lượng của phao, trụ đứng giữa phao và thanh thép có răng gắn vào trụ đứng. Nhưng cái quan trọng nhất là đã giảm được công suất do phao sinh ra khi có sóng lớn theo công thức ((h-a)x(h-a))/(hxh) trong đó h là khoảng nâng lên hạ xuống của phao và a là nửa chiều cao của phao. Cách chứng minh công thức này như thế nào, xin xem trong phần 2 Phụ lục 1 của bài: “ Tiềm năng 3 loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo cùng gắn trên 1 khung đỡ” đã đưa lên các Diễn đàn webdien.com và Kỹ sư Công trình biển ngày 06/06/2019. Khoảng nâng lên hạ xuống h của phao phụ thuộc vào độ cao sóng biển và tỉ lệ giữa đường kính phao với bước sóng, sóng càng lớn h càng gần với độ cao sóng biển, cách tính h như thế nào đã có trong phần 1 của Phụ lục này. Nhờ vậy khi có sóng rất mạnh thì điện sóng biển cũng không tăng mạnh lên như điện gió, cụ thể là khi dùng phao hình trụ tròn đường kính 6 m cao 2,6 m, nếu sóng cao gấp 2, gấp 3, gấp 4 hoặc gấp 5 mức bình thường là 2 m chẳng hạn thì công suất của phao chỉ cao gấp 2,27 lần, gấp 3,29 lần, gấp 4,34 lần hoặc gấp 5,26 lần, không tăng mạnh đến mức gấp 8 lần, gấp 27 lần, gấp 64 lần hoặc gấp 125 lần như điện gió nếu tốc độ gió tăng lên gấp 2, gấp 3, gấp 4 hoặc gấp 5.
  • Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau hội tụ được những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho điện sóng biển và điện gió.
3. Cách làm đó có thể khắc phục được các nhược điểm của điện gió lớn, điện mặt trời tập trung và điện sóng biển theo cách các nước đã làm trước đây, cụ thể là:
  • Không phải xây dựng từ dưới đáy biển lên mà chỉ cần cắm dần từng cụm 3 hoặc 4 cột chống đã lắp ghép sẵn trên bờ xuống đáy biển, sau đó kết nối chúng lại với nhau thành khung đỡ dài có 3 hoặc nhiều hàng phao và công nhân hoàn toàn làm việc ở trên cao.
  • Trong khung đỡ gần bờ có đường ô tô bằng thép tấm cho xe con, xe nhỏ vận chuyển vật liệu điện, xe máy của công nhân đi làm việc,... chạy ra đến nơi xa nhất của khung đỡ.
  • Phần ngâm trong nước biển chỉ có chân các cột chống bằng ống bê tông dự ứng lực phía dưới gắn bộ phận chống lún bằng bê tông cốt thép và các phao. Chỉ cần diện tích của bộ phận chống lún bằng bê tông cốt thép của mỗi cột chống rộng khoảng 16 m2 thì áp lực xuống đáy biển của nó và các vật đè lên nó còn nhỏ hơn nhiều so với áp lực của nước biển xuống đáy biển ở độ sâu 5 m nên không sợ bị lún. Các bộ phận tạo nguồn lực để chạy máy phát điện và máy phát điện đều ở cao trên 11,5 m hoặc 16,5 m so với mực nước biển.
  • Không tốn đất để xây dựng như điện mặt trời tập trung.
  • Sử dụng những công nghệ rất bình thường nhiều nơi trong nước có thể làm được. Các máy phát điện một chiều chỉ là những máy có công suất dưới 200 KW.
  • Thủy điện là loại điện có giá thành phát điện thấp nhất nước ta hiện nay nhưng mặc dù đã giảm sản lượng điện 20% để dự phòng rủi ro mà giá thành phát điện của điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau đã tính toán đến từng chi tiết cụ thể cho thấy có khả năng rẻ hơn so với thủy điện.
  • Tầng liên kết trên của khung đỡ có thể gắn thêm điện gió nhỏ và giá thành phát điện của chúng sẽ rẻ hơn điện gió thông thường. Do chúng nằm rải trên một phạm vi rộng nên cũng ít bị biến động hơn loại tập trung ở một chỗ.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thông tin rất hữu ích ạ
@matongthiennhienso1 Cám ơn bạn.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019