Điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam khác hẳn với cách các nước trước đây đã làm, vì vậy ta phải tính toàn bộ những lực tác động đến phao, bộ phận giữ phao và khung đỡ của điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam để xem giới hạn trên của những lực đó vào những chỗ xung yếu nhất là bao nhiêu?
Vì thế tôi đã viết bài: “Những cái quyết định sự thành bại của điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam” và bài này đã được đăng trên Tạp chí Vật lý ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam số 2 năm 2020 (tháng 6 năm 2020). Cuối năm 2020 có ý kiến hỏi về sóng có chu kỳ vậy lực tác động lớn nhất là bao nhiêu, khi đó chu kỳ của sóng là bao nhiêu? Vì vậy tôi phải nghiên cứu thêm vấn đề này và ngày 09/12/2020 tôi đã đưa bài “Các lực tác động đến phao, bộ phận giữ phao và khung đỡ của điện sóng biển” lên cả 2 Diễn đàn webdien.com và Kỹ sư Công trình biển. Trong đó mục 3.2 của bài này mô tả về sóng có chu kỳ nên lực tác động lớn nhất là bao nhiêu, khi đó chu kỳ của sóng là bao nhiêu.
Đây là vấn đề rất quan trọng đối với điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam và qua thời gian tôi cũng đã có bổ sung sửa đổi thêm, vì vậy tôi cũng xin phép đưa bài này lên Diễn đàn để giới thiệu với mọi người.
1. Momen lực do mặt sóng nghiêng tác động như thế nào đến phao và bộ phận giữ phao?
Trong mục 2.2 của bài đã nói đến việc phao luôn luôn chịu 2 lực tác động ngược chiều nhau đều nằm thấp hơn mặt nước biển là lực hút của trái đất và lực đẩy lên của nước. Nhưng do mặt sóng thường nghiêng nên nó có thể tác động lớn đến phao, trụ đứng giữa phao và bộ phận giữ phao. Vì thế ta cần tính cụ thể lực đó mạnh nhất là bao nhiêu khi phao hình trụ tròn đường kính 6 m cao 2,6 m nửa nổi nửa chìm? Đây là việc làm rất cần thiết vì sóng biển có sức tàn phá rất lớn như có thể làm chìm đắm những tàu thuyền lớn, có thể làm xói lở bờ biển, có thể làm cho những tảng đá lớn ngay cạnh bờ biển dốc đứng rơi xuống biển,... nên nhiều người còn nghi ngại bộ phận giữ phao có chịu đựng nổi lực tác động rất lớn của sóng biển hay không? Việc tính toán này khá phức tạp, tôi đã 81 tuổi rồi nhưng cũng xin cố sức tính toán, rất mong các bạn trẻ giỏi tính toán giúp đỡ và chỉ ra những sai sót để tôi sửa lại cho tốt hơn.
Muốn tính thử xem lực đó mạnh bao nhiêu ta cần phải tính được thể tích ngập nước của từng nửa phao là bao nhiêu và có thể dùng tích phân để tính các thể tích đó. Rất tiếc là khi đưa lên các diễn đàn để lấy ý kiến của mọi người thì các dấu tích phân, căn và số mũ không thể hiện được nên tôi đành phải viết trên file EXCEL rồi chụp ảnh lại. Còn dấu nhân phải thể hiện bằng dấu chấm (.) cho đỡ lẫn với biến số x.
Mặt sóng nghiêng nhưng không phải hoàn toàn bằng phẳng, có khi hơi lồi lên, có khi hơi lõm xuống. Để cho đơn giản, xin phép tạm tính mặt sóng nghiêng đó là phẳng, khi đó phần ngập nước của phao sẽ là hình trụ tròn đường kính 6 m bị cắt vát ở phía trên. Gọi p là chiều cao của phao bị ngập nông nhất và p+q là chiều cao của phao bị ngập sâu nhất ta có thể biểu hiện dưới dạng toán học như sau:
Tỷ trọng nước biển lớn hơn 1 một chút, để đơn giản ta tạm coi tỷ trọng đó là 1, ta sẽ có lực đẩy lên của nước biển lên nửa trước phao lớn hơn nửa sau phao là 6q tấn, trong đó q là chênh lệch mức ngập nước biển giữa ngập nhiều nhất và ngập ít nhất của phao. Thí dụ như khoảng chênh lệch mực nước biển đó là 1 m chẳng hạn thì lực tác động lên nửa trước phao mạnh hơn nửa sau phao sẽ là 6 tấn, chênh lệch mực nước biển 1,5 m thì lực tác động lên nửa trước phao mạnh hơn nửa sau phao sẽ là: 6.1,5 = 9 tấn,...
Khi sóng đi qua nửa trước phao ngập ít hơn nửa sau phao, phao hạ xuống do trọng lực. Giả thử cũng có chỗ ngập nông nhất là p và chỗ ngập sâu nhất là p+q thì ta cũng sẽ có lực đẩy lên ở nửa sau phao mạnh hơn nửa trước phao cũng là 6q tấn. Nhưng do trọng lượng phao lớn hơn nên lực hạ xuống của nửa trước phao mạnh hơn nửa sau phao cũng sẽ là 6q tấn.
Phao cao 2,6 m nên chênh lệch đó lớn nhất khi p = 0 m và q = 2,6 m, khi đó chênh lệch sẽ là: 6.2,6 = 15,6 tấn. Lưu ý đây chỉ là lực đẩy lên do phao ngâm trong nước biển, còn trọng lượng của phao là 36,76 tấn chia đều cho 2 nửa phao luôn luôn kéo phao xuống và hợp lực của nó ở trọng tâm của phao.
Tính được như vậy vẫn chưa đủ, ta cần phải tính xem momen lực lớn nhất là bao nhiêu và xảy ra khi nào? Khi đó lực tác động ngang vào các bánh lăn trong bộ phận giữ phao là bao nhiêu tấn? Ta có thể dễ dàng nhận thấy lực nâng lên của phao khi sóng đã đi qua nhỏ hơn trọng lực của phao nên momen lực chỉ rất lớn khi sóng đến và phao được nâng lên. Tôi đã dùng tích phân để tính thử trong nhiều trường hợp và thấy momen lực lớn khi lực đẩy lên lớn và lực đó ở xa tâm phao, còn khi phao bị ngập gần hết thì lực nâng lên rất lớn nhưng lại ở ngay gần tâm phao nên momen lực không lớn. Vì vậy xin phép giới thiệu kết quả tính toán momen lực lớn nhất trong trường hợp rất đặc biệt là nửa trước phao bị ngập hoàn toàn còn nửa sau phao chỉ bị ngập một phần. Để dễ hình dung, xin giới thiệu mặt cắt thẳng đứng nhìn ngang của mặt sóng và phao như trong hình vẽ sau:
Nhìn vào hình vẽ ta thấy có thể áp dụng tích phân trong trường hợp p = 0 và q = GE. 2 tam giác vuông ABC và EFG đồng dạng nên ta có: GE/CA = EF/AB. CA = 2,6 m do là chiều cao của phao, EF = ID = 6 m do là đường kính của phao. Vì thế q = GE = 6.2,6/AB và ta có thể tính được thể tích nửa trước bị ngập nước và nửa sau bị ngập nước bằng tích phân. Nửa trước bị ngập nước trong hình vẽ tuy có thể rất lớn nhưng trong đó nửa trước phao bị ngập nước chỉ là 36,76 m3. Nửa sau bị ngập nước trong hình vẽ gồm 3 phần: nửa sau phao bị ngập nước và 2 phần thừa, chiều cao của 2 phần thừa là h = (q/2)-2,6. Vì thế có thể tính phần phao ngập nước và tâm của nó khi sóng ngập nửa mặt trên và phần lớn mặt dưới phao như trong biểu sau:
Do biểu tính khá phức tạp nên cần giới thiệu cụ thể thêm một số chi tiết như sau:
Đầu biểu có cột 3sinu chỉ điểm ngập của mặt dưới phao dùng cho hàng đầu tiên của nhóm để ghi điểm ngập đó nằm ở nửa sau phao và cách tâm của đáy phao bao nhiêu mét. Cuối biểu cũng có cột 3sinu tính tâm ngập dùng cho hàng cuối cùng của nhóm để ghi kết quả tính toán điểm đó cách tâm phao bao nhiêu mét về phía trước phao.
Biết mặt dưới phao ngập cách tâm phao bao nhiêu mét ta có thể tính được q là khoảng bị cắt vát của hình trụ tròn đường kính 6 m.
Khi tính được q và với giả thiết p = 0, ta có thể dùng tích phân để tính được thể tích nửa trước, nửa sau và toàn bộ hình trụ tròn đường kính 6 m bị cắt vát.
Nửa trước của hình trụ tròn bị cắt vát có thể rất lớn nhưng thể tích nửa trước phao hoàn toàn bị ngập chỉ là 36,76 m3 và phần này được ghi vào dòng cuối của nhóm.
Phần thừa 1 của nửa sau phao có thể tính được bằng tích phân từ u đến ∏/2 và phần này được ghi trong dòng đầu tiên của nhóm. Phần thừa 2 của nửa sau phao là một phần nửa hình trụ tròn đường kính 6 m cao h mét và nó có thể được tính bằng tích phân từ 0 đến u với p = h, q = 0 và phần này được ghi trong dòng thứ 2 của nhóm. Từ đó tính được thể tích nửa sau phao bị ngập và được ghi vào dòng cuối của nhóm.
Thể tích phao bị ngập cũng được tính trong dòng cuối. Do nửa trước phao hoàn toàn bị ngập và nửa sau phao chỉ bị ngập một phần nên tâm ngập phải nằm trong nửa trước phao. Nửa trước phao là nửa hình trụ tròn đường kính 6 m cao 2,6 m nên ta có thể dùng tích phân từ -∏/2 đến u với p = 2,6 và q = 0 để xác định mặt phẳng thẳng góc với hướng của sóng chứa điểm u chia thể tích phao bị ngập thành 2 phần bằng nhau và việc tính toán này cũng nằm trong phần cuối của nhóm. Trong bảng tính EXCEL việc này không khó gì vì chỉ cần điều chỉnh điểm u cho tích phân có giá trị bằng nửa thể tích phao bị ngập là xong. Như vậy lực đẩy lên nằm trong giao tuyến của 2 mặt phẳng thẳng đứng là mặt phẳng song song với hướng của sóng chia đôi vùng ngập trong phao thành 2 phần bằng nhau và mặt phẳng thẳng góc với hướng của sóng cũng chia đôi vùng ngập trong phao thành 2 phần bằng nhau.
Do có trụ đứng giữa phao, nên phải tính trụ đứng đó cách tâm phao là bao nhiêu cho có lợi? Nếu trụ đứng nằm giữa trọng tâm của phao và tâm ngập thì 2 cánh tay đòn của momen lực ở 2 phía khác nhau nên khi tính tổng momen lực phải cộng cả 2 phần với nhau, nếu trụ đứng nằm ở một bên thì 2 cánh tay đòn của momen lực ở cùng một phía nên khi tính tổng momen lực phải trừ 2 phần với nhau. Lực tác dụng dễ hiểu nhất là được tính bằng tấn, nhưng trong các tài liệu lại tính lực tác dụng bằng Newton và momen lực được tính bằng N.m. Vì vậy tôi cũng đành phải tính theo cách này và gia tốc trọng trường là 9,8 nhưng tạm tính bằng 10 cho đơn giản. Biết được thể tích ngập, tâm ngập và phao nặng nên có thể tính được momen lực trong từng trường hợp trụ đứng giữa phao đặt lệch so với tâm phao. Từ đó có thể tính được lực tác dụng tại từng địa điểm cụ thể của trụ đứng giữa phao. Các biểu đó khá dài nên trong phụ lục này tôi chỉ lấy kết quả tính toán để đưa vào biểu phía dưới. Trọng tâm của phao và tâm ngập của phao đều nằm dưới mặt nước biển nên tâm momen lực cũng nằm dưới mặt nước biển. Lực tác động lớn nhất vào các điểm cách tâm momen lực 2 m, 3 m, 9,5 m, 10,3 m, 14,5 m và 15,3 m như trong biểu sau:
Cần lưu ý một số vấn đề trong biểu này như sau:
Để tính toán những khả năng xấu nhất có thể xảy ra ta còn phải tính thêm chênh lệch lớn nhất của mặt nước biển do thủy triều trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có thể từ 3 m đến 4 m và ta phải lấy số cao nhất là 4 m. Momen lực do mặt sóng nghiêng có tâm ở phía dưới mặt nước biển, càng gần tâm của nó càng mạnh hơn nên ta phải tính khi thủy triều lên đến mức cao nhất tức khoảng cách phải trừ đi 2 m. Vì thế những nơi cách tâm momen lực trong 4 dòng cuối đều được tính khi thủy triều lên đến mức cao nhất.
Các lực lớn nhất đều tính bằng 1.000 N nên muốn dễ hình dung xem nó khoảng bao nhiêu tấn chỉ việc lấy số đó chia cho 10, thí dụ như lực lớn nhất của momen lực tác động vào nơi cách tâm momen lực 9,5 m (bánh răng đỡ răng và bánh lăn đỡ phía sau thanh thép có răng ở phía dưới của bộ phận giữ phao trong khung đỡ thấp) khi trụ đứng giữa phao đặt lệch về phía trước 0,2 mét là: 46,9/10 = 4,69 tấn. Những nơi cách tâm momen lực 10,3 m, 14,5 m và 15,3 m thì lực lớn nhất của momen lực tác động vào nó sẽ là 4,33 tấn, 3,07 tấn và 2,91 tấn.
Tâm momen lực nằm ở phía dưới mặt nước biển nên các lực lớn nhất tác động vào các bánh lăn của bộ phận giữ phao đều nhỏ hơn các số liệu tính toán được trong biểu.
Phao chỉ ngập hoàn toàn nửa trước và hoàn toàn nửa sau không ngập là điều không thể xảy ra nên các số liệu tính toán được về momen lực trong dòng cuối là những giới hạn lớn nhất không thể vượt qua.
Nhìn vào phần tính momen lực của biểu ta thấy trừ dòng cuối cùng, ở các dòng trên các số liệu đều tăng dần, vì thế trụ đứng giữa phao nên đặt lệch về phía trước. Nhưng cũng không nên đặt xa quá nhiều vì đây là trường hợp rất đặc biệt, tâm ngập trong các trường hợp khác ở gần giữa phao hơn rất nhiều.
Nơi cách tâm momen lực 2 m, lực tác động vào vỏ phao và trụ đứng giữa phao rất lớn nhưng bề mặt của vỏ phao rất rộng nên bình quân tác dụng vào 1 cm2 vỏ phao không lớn, nhưng cần lưu ý là mặt trên của phao cần dày để gắn trụ đứng giữa phao cho thật chắc chắn.
Nơi cách tâm momen lực 3 m là phần thấp nhất của thanh thép có răng tiết diện hình chữ T trong trường hợp dùng khung đỡ thấp vì vậy cần lưu ý tính toán để phần này chịu đựng được lực tác động lớn nhất gần 15 tấn.
Khi thủy triều lên đến mức cao nhất, bánh lăn phía dưới đỡ 2 bên thanh thép có răng của bộ phận giữ phao nằm cách mặt biển 10,3 m hoặc 15,3 m, bánh răng đỡ răng và bánh lăn đỡ phía sau thanh thép có răng của bộ phận giữ phao nằm cách mặt biển 9,5 m hoặc 14,5 m, tâm momen lực ở dưới mặt nước biển nhưng ta vẫn tạm lấy theo số này để tính momen lực tác động nên lực tác động của momen lực vào những chỗ này sẽ nhỏ hơn.
Do phải chạy máy phát điện nên chuyển động nâng lên hạ xuống của phao sẽ bị cản lại rất lớn, vì thế phao sẽ phải ngập sâu hơn khi sóng đang lên, dẫn đến hiện tượng mặt dưới phao không bị ngập hết khi sóng đang lên rất khó xảy ra và tâm ngập sẽ vào gần tâm phao hơn, momen lực do mặt sóng nghiêng sẽ giảm đi rất nhiều. Mặc dù hiện tượng cực đoan đó gần như không thể xảy ra, nhưng ta cũng nên xem các bánh lăn trong bộ phận giữ phao có chịu đựng nổi lực 4,69 tấn, 4,33 tấn, 3,07 tấn và 2,91 tấn tác động vào nó hay không? Đây là một lực lớn, bánh xe của các xe vận tải bình thường cũng không phải chịu một lực lớn như vậy. Nhưng bài: “Belaz 75131 - siêu xe tải lớn nhất Việt Nam” đăng trên vnexpress.net ngày 04/04/2019 cho biết: “Xe siêu tải Belaz 75131 lần đầu đặt chân đến Việt Nam, đây là dòng xe tải trọng lớn có khả năng vận chuyển từ 130 đến 136 tấn và thường sử dụng trong khai thác mỏ.” và “Belaz 75131 có trọng lượng không tải 107,1 tấn”. Như vậy tổng trọng lượng lớn nhất khi xe vận chuyển đầy hàng là: 136+107,1 = 237,1 tấn. Nhìn vào hình trong bài vừa nêu ta thấy xe có 6 bánh, nên mỗi bánh xe phải chịu sức nặng tối đa là: 237,1/6 = 39,5 tấn, tức là gấp 8,42 lần số 4,69 tấn, gấp 9,13 lần số 4,33 tấn, gấp 12,86 lần số 3,07 tấn và gấp 13,57 lần số 2,91 tấn, khi xe chạy lực nén trên mỗi lốp còn lớn hơn nhiều. Như vậy các bánh lăn trong bộ phận giữ phao có thể chịu đựng được tốt tác động của sóng vào phao do mặt sóng nghiêng nhưng cần phải làm cho thật chắc chắn.
Ở ngoài biển xa, sóng đi cùng chiều với hướng gió, lực đó chủ yếu tác động vào những bánh răng đỡ răng và bánh lăn đỡ phía sau thanh thép có răng. Khi gặp vùng biển nông sóng ma sát với đáy biển nên mới dần dần đổi hướng rồi lao thẳng vào bờ nên khoảng lệch của trụ đứng giữa phao cũng cần giảm dần và khi đã ra ngoài biển xa thì trụ đứng giữa phao cần để đúng giữa phao.
Đường đẳng sâu 20 m trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau ở rất xa bờ, khi vào đến vùng gần bờ sóng đã bị tiêu hao năng lượng nhiều do ma sát với đáy biển nông nên hiện tượng cực đoan không còn có khả năng xảy ra. Ở gần bờ, sóng gần thẳng góc với khung đỡ nên lực tác động do mặt sóng nghiêng chủ yếu tác động vào các bánh lăn ép vào 2 bên thanh thép có răng. Có 3 trường hợp xảy ra: Nếu chỉ ép vào bánh lăn phía dưới thì lực tác động dồn vào bánh lăn này, nếu chỉ ép vào bánh lăn phía trên thì lực tác động cũng dồn vào bánh lăn này nhưng đã bị giảm bớt vì bánh lăn phía trên xa tâm của momen lực hơn bánh lăn phía dưới, nếu ép vào cả bánh lăn phía trên và bánh lăn phía dưới thì lực tác động sẽ bị phân chia nhỏ ra.
2. Giới hạn trên của các lực tác động do gió và dòng chảy biển đến bộ phận giữ phao và khung đỡ:
2.1. Công thức tính toán:
Trong bài: “Cách để Tính tải trọng gió” trên trang web wikiHow.vn, tải trọng gió tác động vào vật cản được tính theo công thức: F = APC, trong đó F là lực gió hay tải trọng gió tính bằng N (Newton), A là diện tích hình chiếu của vật cản tính bằng m2, P là áp lực gió tính bằng N/m2, và C là hệ số cản bị chi phối bởi hình dạng, độ gồ ghề bề mặt và nhiều yếu tố khác, thí dụ như hệ số cản của ống trụ dài là 1,2, ống trụ ngắn là 0,8, tấm phẳng dài như mặt tòa nhà là 2,0 hay đối với tấm phẳng ngắn là 1,4,...
Áp lực gió được tính theo công thức: P = 0,613v2, trong đó v là tốc độ gió tính bằng m/giây. Hệ số 0,613 là kết quả của một phép tính dựa trên các giá trị điển hình của mật độ không khí và gia tốc trọng trường.
Chất lưu bao gồm cả chất lỏng và chất khí, nên nước biển và không khí cũng đều thuộc chất lưu.
Định luật Bernoulli cho cơ học chất lưu như sau:
p+ρv2/2+ρgh = Hằng số.
Trong đó: p là áp suất tĩnh của khối chất lưu, ρv2/2 là áp suất động của khối chất lưu và ρgh là áp suất thủy lực của khối chất lưu.
Trở lại công thức áp lực gió P = 0,613v2, ta thấy tỉ trọng không khí ρ ở mực nước biển khoảng 1,225 do 1 m3 không khí nặng khoảng 1,225 kg, ta tính thử: 1,225/2 = 0,613. Như vậy ta đã tính áp lực gió theo công thức P = ρv2/2 chính là tính áp suất động của gió.
1 m3 nước biển nặng từ 1.020 kg đến 1.030 kg, nước ta là nước nhiệt đới nên xin tạm tính là 1.030 kg và ta có áp suất động của dòng chảy biển là: P = 1.030v2/2 = 515v2.
2.2. Chuẩn bị cho việc tính toán:
Trong Bách khoa toàn thư mở đã ghi rõ sự khác nhau giữa áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới như sau: “Theo định nghĩa quốc tế, bão nhiệt đới phải có gió mạnh > 64 km/h (hay 35 nút), tức là hơn cấp 8. Nếu gió yếu hơn 63 km/h, gọi là áp thấp nhiệt đới.” Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau ít khi có bão, nếu có bão thì khi vào đến vùng ven bờ, bão đã trở thành áp thấp nhiệt đới nên tốc độ gió chỉ còn dưới 63 km/giờ tức là dưới: 63.000/3.600 = 17,5 m/giây, không những thế ở sát mặt biển gió ma sát với mặt nước biển gồ ghề sẽ yếu bớt đi nhiều. Ngoài biển xa, tốc độ gió ở vùng gần tâm bão có thể tới 100 km/giờ tức là 27,8 m/giây. Đối với các vùng biển từ Ninh Thuận trở ra cần tính với sức gió mạnh hơn, đặc biệt là vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia hàng ngày cũng có các bản tin về dòng chảy biển, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/06/2018 tôi cũng sưu tập số liệu về dòng chảy biển, sau thấy không dùng gì đến nó nên tôi không thu thập thêm nữa. Trong các số liệu đã thu thập được thì số liệu lớn nhất trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau là 0,6 - 0,8 m/giây vào ngày 26/06/2018. Đây là số liệu phục vụ cho các hoạt động ở ngoài biển xa, còn điện sóng biển làm ở ngay gần bờ nên tốc độ của dòng chảy biển thấp hơn rất nhiều do bị ma sát với đáy biển nông trên quãng đường rất dài. Nhưng ta cứ lấy hẳn số cao nhất là 0,8 m/giây để tính thử xem khung đỡ của điện sóng biển để ngoài biển xa có chịu được lực đẩy vào phao của dòng chảy biển hay không? Ở gần bờ dòng chảy biển rất chậm nên ta tạm tính là 0,1 m/giây.
Gió đông bắc và gió tây nam đều song song với khung đỡ nên nó rất vững chắc khi 2 loại gió này thổi, nhưng gió của áp thấp nhiệt đới hoặc bão cũng có lúc đánh vào đúng điểm yếu nhất của khung đỡ là khi gió thẳng góc với nó. Ta cần xét trường hợp khung đỡ bị đánh đúng vào điểm yếu nhất này xem sao? Khung đỡ gồm nhiều đoạn dài 11,8 m nên ta xét cụ thể trường hợp gió thẳng góc với khung đỡ nâng cao cho mỗi đoạn 11,8 m.
Khoảng chênh lệch thủy triều trên vùng ven bờ trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau hầu hết là dưới 4 m, tức là khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất đều thấp hơn mức trung bình dưới 2 m. Theo nguyên tắc đòn bẩy, cánh tay đòn càng dài lực bẩy càng lớn nên ta phải tính lực tác động vào bộ phận giữ phao khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất. Hình chiếu của khung đỡ càng lớn khi thủy triều xuống càng thấp. Vì vậy khi tính lực tác động lớn nhất do gió và dòng chảy biển vào bộ phận giữ phao và khung đỡ phải tính thủy triều thấp hơn mức trung bình 2 m.
2.2.1. Khi tính lực tác động của gió vào phao, rồi từ đó vào bộ phận giữ phao:
Phao hình trụ tròn đường kính 6 m, cao 2,6 m, nửa nổi nửa chìm có hình chiếu nửa trên là: 6x1,3 = 7,8 m2, có lúc phao nổi cao hơn, có lúc phao nổi thấp hơn, nhưng ta cứ tính hẳn trường hợp rất đặc biệt gần như không thể xảy ra là phao ở hoàn toàn trên mặt nước là: 7,8x2 = 15,6 m2.
Phao là ống trụ ngắn nên tạm tính có hệ số cản là 0,8.
Ở khung đỡ thấp, bánh lăn phía dưới giữ hai bên thanh thép có răng cách mặt biển bình quân 12,3 m nên khi tính lực lớn nhất có thể xảy ra ta phải tính với khoảng cách là: 12,3+2-1,3 = 13 m, bánh lăn phía trên giữ hai bên thanh thép có răng cao hơn 4,5 m. Ở khung đỡ nâng cao, bánh lăn phía dưới giữ hai bên thanh thép có răng cách mặt biển 17,3 m nên khi tính lực lớn nhất có thể xảy ra ta phải tính với khoảng cách là: 17,3+2-1,3 = 18 m, bánh lăn phía trên giữ hai bên thanh thép có răng cao hơn 4,5 m.
2.2.2. Khi tính lực tác động của dòng chảy biển vào phao, rồi từ đó vào bộ phận giữ phao:
Cũng phải tính với trường hợp rất đặc biệt là phao chìm hoàn toàn trong nước biển, tức hình chiếu của phao là 15,6 m2 và hệ số cản là 0,8.
Dòng chảy biển song song với hướng của đường bờ biển nên phải tính với các bánh răng và bánh lăn tiếp xúc với thanh thép có răng và đỡ phía sau thanh thép có răng. Ở khung đỡ thấp, bánh răng và bánh lăn phía dưới cách mặt biển bình quân 11,5 m nên khi tính lực lớn nhất có thể xảy ra ta phải tính với khoảng cách là: 11,5+2+1,3 = 14,8 m, bánh răng và bánh lăn phía trên cao hơn 4,5 m. Ở khung đỡ nâng cao, bánh răng và bánh lăn phía dưới cách mặt biển 16,5 m nên khi tính lực lớn nhất có thể xảy ra ta phải tính với khoảng cách là: 16,5+2+1,3 = 19,8 m, bánh răng và bánh lăn phía trên cao hơn 5 m đối với khung đỡ nâng cao.
2.2.3. Khi tính lực tác động của gió thổi thẳng góc vào mỗi đoạn khung đỡ dài 11,8 m:
Đối với khung đỡ thấp gần bờ, nhìn hình vẽ đầu tiên trong mục 2.2 của bài ta thấy mỗi đoạn như vậy có 6 cột chống trong đó có 4 cột chống chung với 2 đoạn bên cạnh nên xét về hình chiếu nếu nhìn thật thẳng góc thì chỉ còn 2 cột, nhưng nhìn hơi nghiêng một chút sẽ là 4 cột, ta nên tính 4 cột cho an toàn. Cũng xét về hình chiếu của đoạn này, nhìn lên hình vẽ ta thấy có 3 thanh thép U400x100x10.5x12, 4 thanh thép U300x90x9x12, 2 đoạn dài thép U300x90x9x12 dài 6 m, 2 bộ tạo nguồn điện và 1 thanh thép có răng hình chữ T phía dưới có trụ đứng giữa phao. Ống bê tông dự ứng lực đường kính 0,35 m nhô lên khỏi mặt biển 7 m khi thủy triều ở mức trung bình và ống thép đường kính 219,1 mm tính tròn là 0,22 m nhô lên thêm lên 11 m nên mỗi cột chống có hình chiếu là: 0,35x7+0,22x11 = 4,87 m2. Bộ tạo nguồn điện gồm nhiều bánh răng, líp và máy phát điện tạm tính là 6 m2. Thanh thép có răng hình chữ T và trụ đứng giữa phao cao 20 m rộng 0,3 m có diện tích là: 20x0,3 = 6 m2. Tổng diện tích hình chiếu của các vật trên trong mỗi đoạn dài 11,8 m này là:
4,87x4+0,4x11,8x3+0,3x11,8x5+6x2+6 = 69,34 m2.