Tại hội nghị Ignite 2015, Ralf Groene - lãnh đạo bộ phận thiết kế và tương tác công nghiệp đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị về quá trình hình thành và phát triển các thế hệ máy tính bảng Surface Pro. Lấy ý tưởng từ một mẫu xe hơi, Groene đã thành lập một nhóm 12 người để phát triển các nguyên mẫu, thử nghiệm vật liệu, quy trình sản xuất để cho ra đời Surface Pro.
Ý tưởng bắt nguồn từ mẫu xe VW Golf 1974:
Tại phiên hội nghị về Surface, hình ảnh đầu tiên được Groene giới thiệu là một chiếc xe, cụ thể là mẫu Volkswagen Golf đời 1974. Ông nói rằng về danh mục xe hơi, thiết kế của VW Golf có thể nói là một bước đột phá và nó đã tạo tiền đề cho một khái niệm mới được gọi là Hatchback - một mẫu xe compact có thể thay đổi bố cục không gian bên trong theo ý bạn, chẳng hạn như bạn có thể gập hoàn toàn hàng ghế sau để mở rộng không gian chứa hành lý. Theo ông một sản phẩm thành công không chỉ dừng lại ở thiết kế bóng bẩy bên ngoài mà còn là chiều sâu bên trong, VW Golf là một ví dụ khi nó thay đổi cách người dùng tương tác với chiếc xe, cho phép họ điều chỉnh, thay đổi tùy ý và đây là nguồn cảm hứng cho Groene để phát triển Surface.
Groene cũng tiết lộ ông bắt đầu làm việc cho Microsoft từ 8 năm về trước trong bộ phận thiết kế phần cứng và một trong những sản phẩm do chính tay ông tạo ra là con chuột Arc Mouse, sau này là Arc Touch. Ông muốn tạo ra một thứ có thể "biến hình", một con chuột có thể ôm lấy lòng bàn tay nhưng vẫn có thể gập lại để người dùng dễ cất vào túi. Đây cũng là ý tưởng cho chiếc chân chống (kickstand) đặc trưng của dòng máy tính bảng Surface.
12 người bắt đầu dự án:
Nhóm phát triển Surface bắt đầu với 12 kỹ sư phần cứng và nhà thiết kế. Họ đã tạo nên một văn hóa gọi là "văn hóa phát triển sản phẩm" và mục tiêu của nhóm là tạo ra các sản phẩm phản ánh chính người tạo ra chúng. Mỗi ngày nhóm đều họp và chỉ tập trung vào sản phẩm.
Mỗi thành viên đều rất say mê về thiết kế công nghiệp và họ cùng nhau đưa ra, xem xét các ý tưởng về Surface. Nguyên mẫu đầu tiên sau đó được chế tạo bằng nhựa và nó khá giống với sản phẩm cuối cùng. Đây là sản phẩm của Steven Sinofsky - cựu lãnh đạo mảng Windows và ông cũng là người tài trợ chính cho nhóm phát triển Surface.
Phần cứng là sân khấu cho phần mềm:
Groene mô tả bằng tấm hình trên, trong đó phần sân khấu là phần cứng, ca sĩ, dàn nhạc là phần mềm. Surface chính là sân khấu còn Windows và ứng dụng là show diễn. Chiếc máy phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng với xu hướng làm việc di động, họ có thể dễ dàng mang theo khi đi ra ngoài hay làm việc tại chỗ trong văn phòng.
Dựa trên cơ sở này, nhóm bắt đầu tiến đến giai đoạn phát triển nguyên mẫu nhanh. Rất nhiều nguyên mẫu Surface đã được tạo ra bằng công nghệ in 3D. Hầu như cứ có ý tưởng mới là các kỹ sư đều đem in ra. Có đến gần 2000 ý tưởng thất bại và xưởng thiết kế như một bãi chiến trường với rất nhiều nguyên mẫu.
Quảng cáo
Surface được phát triển trong hoàn cảnh phải 6 tháng nữa Windows 8 mới được ra mắt và nhóm thiết kế chưa hình dung được trải nghiệm phần mềm trên Surface sẽ như thế nào. Hình trên là một nguyên mẫu được nhóm in 3D và dán lên một tấm hình chụp giao diện Start trên Windows 8. May mắn là nhóm phát triển Windows cho biết trải nghiệm sẽ tốt hơn với tỉ lệ màn hình 16:9. Vậy là nhóm thiết kế Surface đã có thể mường tượng được cách hoạt động của giao diện Start và tìm cách mang lại thao tác tốt nhất cho người dùng trên Surface.
Chọn vật liệu:
Sau một cuộc họp, trưởng nhóm vật liệu đã quyết định chọn magnesium (ma-giê) bởi nó nhẹ hơn nhôm 35% nhưng vẫn đảm bảo độ bền cần thiết khi chế tạo cấu trúc. Groene đã tiết lộ hình ảnh về thiết kế cấu trúc bằng ma-giê đầu tiên của Surface, ông nói rằng: "Tôi nhớ mãi lúc lấy tấm khung này ra từ một chiếc phong bì to, tôi phải thốt lên rằng 'Ôi chúa ơi, nó sẽ phải trải qua một quá trình xử lý dài hơi đây'".
Hình trên là hệ thống đổ khuôn ma-giê tại một nhà máy ở Trung Quốc và Groene cho biết đổ khuôn loại vật liệu này cực kỳ khó. Ma-gie có bề mặt thô ráp và nhanh chóng phản ứng với oxy, nhóm lại tiếp tục họp để mổ xẻ các vấn đề này. Sau đó, thế hệ Surface đầu tiên ra đời.
Quảng cáo
Qua thời gian, nhóm phát triển Surface lớn dần lên, học hỏi và lắng nghe từ người dùng để tiếp tục cải tiến Surface, chẳng hạn như thay đổi thiết kế chân chống để tạo góc nghiêng màn hình lớn hơn trên thế hệ Surface Pro 2.
Trở lại hiện tại với Surface Pro 3:
Groene đã giới thiệu về tòa nhà nơi toàn bộ các kỹ sư, nhân viên thuộc dự án Surface làm việc trong video trên. Tại đây, họ tiếp tục cho ra đời Surface Pro thế hệ 3, sử dụng cùng một công thức nhưng đẩy mạnh nhiều sáng kiến.
Groene cho rằng với thế hệ Surface Pro đầu tiên, cảm nhận của người dùng là một chiếc máy cứng cáp, mạnh mẽ, kiểu dáng công nghiệp nhưng dày và nặng nề. Điều này đã được thay đổi với Surface Pro 3, nhóm có thể làm máy mỏng hơn từ 13,5 mm xuống còn 9,1 mm, trọng lượng chỉ còn 0,79 kg nhờ tăng kích thước màn hình từ 10,6" lên 12". Đây là thay đổi lớn nhất về trải nghiệm sử dụng giữa 2 thế hệ Surface Pro.
Kích thước 12" vẫn không quá lớn, người dùng có thể bỏ vừa trong cặp tài liệu. Thêm vào đó, kích thước màn hình lớn cũng cho phép nhóm tích hợp pin lớn hơn.
Một thay đổi nữa là quy trình chế tạo vỏ cấu trúc của Surface đã chuyển từ đổ khuôn ma-giê sang dùng máy CMC để tạo hình từ một khối ma-giê duy nhất. Công nghệ chế tác này cũng đem lại độ chính xác cho các chi tiết cao hơn, chẳng hạn như các khe tản nhiệt, vị trí các con ốc, ngàm giữ đều được hoàn thiện tốt hơn.
Không chỉ bên ngoài, bên trong của Surface Pro 3 cũng sở hữu thiết kế công nghiệp rất đẹp. Các khoảng trống được tạo hình kỹ càng giúp giữ cố định linh kiện và tiết kiệm tối đa không gian.
Thêm vào đó, do sử dụng vi xử lý Core i mạnh hơn nên nhóm cũng thiết kế lại hệ thống tản nhiệt để đảm bảo hiệu năng xử lý và hiệu quả tản nhiệt của chiếc máy khi đã mỏng hơn trước nhiều.
Thiết kế chân chống trên Surface là một sáng kiến rất hay bởi nó giúp người dùng sử dụng máy ở nhiều tư thế. Thế hệ Surface Pro 1, chân chống chỉ mở 1 góc cố định, thế hệ Surface Pro 2, chân chống mở 2 góc và trên Surface Pro 3 dựa trên ý kiến của người dùng, nhóm phát triển phải nghĩ cách khiến chiếc chiếc chân chống này mở không giới hạn, tức là người dùng có thể cho máy nghiêng tùy ý. Đây là một thử thách lớn và nhưng cuối cùng họ đã nghĩ ra một giải pháp rất tài tình. Trong hình động trên đây, bạn có thể thấy cơ chế bản lề của chân chống trên Surface Pro 3. Nhóm đã bổ sung một thành phần tạo ma sát với trục bản lề và được giữ lại bởi một cái que có cơ chế kéo dãn.
Thiết kế linh hoạt này cho phép bạn mở chân chống dễ hơn và tự nhiên hơn, góc tối đa mà chân chống có thể mở là 150 độ. Ở góc tối đa, Surface Pro 3 nghiêng nhẹ so với mặt bàn, cho phép bạn thao tác chính xác, chẳng hạn như vẽ hay ghi chú.
Surface Pen:
Khi phác thảo ý tưởng trên giấy, Groene cũng nghĩ đến việc trang bị cho Surface Pro 3 một chiếc bút cảm ứng có thể mang lại trải nghiệm nhập liệu tương tự như bút thường nhưng thông minh hơn khi cho phép mở ngay cuốn sổ tay điện tử (ở đây là OneNote) và ghi chú, vẽ vời với ý tưởng đang có. Surface Pen với công nghệ N-trig ra đời và nó đã chứng minh hiệu năng vượt trội so với những chiếc bút đi kèm với Surface Pro thế hệ trước.
Sau phần chia sẻ khá chi tiết về quá trình phát triển Surface, Groene đã giải đáp một số câu hỏi từ người tham dự hội nghị. Ông từ chối trả lời các câu hỏi về tương lai của Surface nhưng hứa hẹn các phụ kiện cũ như cục sạc, bàn phím Type Cover vẫn dùng được trên Surface Pro 4, thậm chí là chiếc dock hiện tại cũng hỗ trợ cho thế hệ Surface mới nhất.
Toàn bộ buổi nói chuyện của Ralf Groene về Surface Pro.
Theo: Channel 9