Theo các nhà nghiên cứu của Intel, định luật Moore sẽ còn đúng trong vài năm nữa, cụ thể là đến khi công nghệ sản xuất chip 7nm ra đời (kỳ vọng vào khoảng năm 2018). Sau đó, các nhà sản xuất chip sẽ phải sử dụng những kĩ thuật mới hơn (và đắt tiền hơn, ví dụ như laser cực tím) để có thể tiếp tục thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn trên mỗi con chip. Nghiên cứu này sẽ được hãng công bố tại Hội nghị về mạch điện thể rắn quốc tế (ISCC) chuẩn bị diễn ra ở San Francisco, một trong những hội nghị học thuật lớn nhất thế giới liên quan đến ngành thiết kế bán dẫn.
Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của định luật Moore vốn được phát biểu bởi Gordon Moore, một trong những người sáng lập ra Intel. Moore quan sát và nghiên cứu để nhận thấy rằng "số lượng bóng bán dẫn (transitor) trên một con chip sẽ tăng khoảng gấp đôi sau mỗi 24 tháng", cũng có nghĩa là mỗi bóng bán dẫn sẽ ngày càng thu nhỏ lại. Lợi ích mà người dùng có được là những con chip nhỏ hơn, mạnh hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn. Trong các năm qua Intel đã liên tục thu nhỏ quy trình sản xuất của mình từ mức vài trăm nm đến nay chỉ còn 14nm, sắp tới hãng sẽ tiếp tục với 10nm và 7nm. Các công ty khác trong ngành bán dẫn cũng đi theo xu hướng này.
Trong các công đoạn sản xuất chip, có một công đoạn mà các nhà sản xuất phải dùng ánh sáng để khắc ra các cổng điện tử trên một tấm silicon. Để làm được điều đó các kĩ sư phải tính toán, nghiên cứu rất nhiều để tìm ra bước sóng chính xác của ánh sáng dùng để khắc, và đây không phải là chuyện dễ dàng. Bạn có thể đọc thêm về quy trình tạo ra CPU để hiểu rõ hơn.
Intel chia sẻ thêm rằng họ đã học được nhiều được từ những khó khăn kĩ thuật khiến dòng CPU Broadwell 14nm bị trễ hẹn, và hãng sẽ tránh không để điều đó tái diễn với dòng chip 10nm sắp tới. Được biết tiến độ nghiên cứu và phát triển CPU 10nm hiện đang nhanh hơn khoảng 50% so với hồi 14nm tính trên mỗi ngày.
Nguồn: PC World