Microsoft liệu có đang biến Surface thành một Nokia thứ 2?

bk9sw
2/5/2017 16:21Phản hồi: 131
Microsoft liệu có đang biến Surface thành một Nokia thứ 2?
Như chúng ta đã thấy trong báo cáo tài chính quý thứ 3 của Microsoft: lợi nhuận mảng đám mây tăng trưởng tốt, Windows vẫn thống trị thị trường máy tính PC, Office 365 cán mốc 100 triệu người dùng doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó là những con số rất tệ hại của mảng điện thoại với lợi nhuận xuống gần 0, lợi nhuận của mảng Surface cũng giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện thoại thì đã bỏ, với Surface thì Microsoft giải thích rằng sự sụt giảm này tương ứng với sự xoay vòng của chu kỳ sản phẩm nhưng chung quy lại, Microsoft đã không bán được nhiều máy tính Surface trong thời gian qua. Và điều chúng ta quan tâm là liệu Microsoft có đang tập cho người dùng một thói quen "bỏ lơ" các phần cứng mới của mình, giống như một Nokia thứ 2?
Mảng di động thì không có gì ngạc nhiên bởi Microsoft dường như đã từ bỏ thị trường này, Lumia 950/950 XL cũng không còn kinh doanh nhưng với Surface, một mảng vốn từng đem lại lợi nhuận khá tốt cho Microsoft trong những quý tài chính trước lần này lại suy giảm.

Surface_Book.jpg
Surface Book có nâng cấp nhẹ với phiên bản Performance.
Surface hiện có 2 dòng sản phẩm chính là Surface Pro 4 - máy tính bảng 2 trong 1 và Surface Book - máy tính detachable với màn hình có thể tháo rời. Cả 2 đều được hãng giới thiệu đồng thời vào tháng 11 năm 2015, Surface Pro 4 tính đến nay đã 18 tháng tuổi và chưa có thay đổi gì trong khi Surface Book thì có thêm một phiên bản nâng cấp nhẹ, được Microsoft gọi là Performance Edition với GPU mạnh hơn, pin lớn hơn, ra mắt tháng 11 năm 2016 nhưng những nâng cấp này nhìn chung vẫn quá ít.

Surface_Studio.jpg
Surface Studio không dành cho người dùng phổ thông.

Bên cạnh 2 dòng máy chủ lực thì cuối năm ngoái Microsoft đã tung ra Surface Studio - máy tính desktop AiO cao cấp dành cho người dùng chuyên nghiệp. Surface Studio không phải là chiếc máy tính dành cho mọi người bởi mức giá bán của nó khá chát, từ $3000 và đối tượng người dùng cũng xoay quanh các nhà thiết kế, kiến trúc và cấu hình của nó cũng khiến người dùng phải suy nghĩ bởi nó vẫn dùng CPU thế hệ Skylake và GPU Nvidia GeForce GTX 980M thay vì GTX 10 series đời mới.

Surface_Pro_4.jpg
Surface Pro 4 đã 18 tháng tuổi.
18 tháng là khoảng thời gian khá dài để chờ đợi các phiên bản mới của một sản phẩm như Surface. Surface Pro 4 và Surface Book từng là những chiếc máy tính đầu tiên dùng vi xử lý thế hệ Skylake của Intel nhưng Skylake hiện tại đã trở thành đồ cũ, Kaby Lake đã bắt đầu được phát hành từ mùa thu năm ngoái. Mặc dù không chênh lệch nhiều về hiệu năng so với Skylake nhưng Kaby Lake có lợi thế hơn về điện năng tiêu thụ, từ đó cải thiện thời lượng pin đáng kể cho những hệ thống di động, hỗ trợ giải mã và mã hóa video 4K tốt hơn. Riêng đối với dòng chip Y siêu tiết kiệm điện (tiết kiệm hơn cả U) thì hiệu năng còn được tăng cường đáng kể nhờ vi kiến trúc được tối ưu. Phiên bản Surface Pro 4 rẻ nhất dùng Core m3-6Y30, nếu dùng Kaby Lake (Core m3-7Y30) thì hiệu năng tăng rất nhiều bởi xung nhịp tối đa đến 2,6 GHz thay vì 2,2 GHz nhưng Microsoft cũng không có động thái nâng cấp tính đến hiện tại. Surface Laptop mới ra mắt dùng Core i5 và Core i7 Kaby Lake, ít ra Microsoft cũng đã nâng cấp cấu hình nhưng ...

Microsoft giận USB-C và Thunderbolt 3 đến thế sao, tụi em đã làm gì sai?


USB-C_laptop.jpg
Rất nhiều laptop đã sử dụng USB-C và Thunderbolt 3.
Suốt 18 tháng qua, USB-C và Thunderbolt 3 - cổng và chuẩn truyền tải dữ liệu mới đã được rất nhiều đối tác phần cứng của Microsoft và thậm chí là đối thủ truyền kiếp Apple đón nhận và trang bị khá phổ biến trên sản phẩm của mình nhưng Microsoft vẫn đứng ngoài cuộc. USB-C có kích thước nhỏ hơn nhiều so với USB-A hay USB-B, ưu điểm không chỉ dừng lại ở việc người dùng có thể cắm thiết bị ngoại vi vào cổng USB-C mà không phải bận tâm cắm theo chiều nào mà còn là việc USB-C cũng là cổng kết nối có thể kiêm sạc, trình xuất hình ảnh và hỗ trợ chuẩn Thunderbolt 3.

Surface_Studio_không_USB-C.jpg
Surface Studio không có cổng USB-C.
Thunderbolt 3 mở ra hàng tá tính năng nhờ khai thác băng thông đến 40 Gbps (5 GB/s), cao hơn gấp 4 lần so với USB 3.1 Gen2 (10 Gbps hay 1,25 GB/s). Nhờ đó chỉ với cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 3, tiềm năng của Surface sẽ được mở khóa, chẳng hạn như bạn có thể dùng với các thiết bị lưu trữ tốc độ truyền tải dữ liệu cao, trình xuất ra màn hình hay khai thác các loại dock gắn GPU ngoài (eGPU), dock mở rộng cổng kết nối (dock station) và kiêm luôn tính năng sạc như chúng ta đã thấy trên MacBook 12", MacBook Pro 2016 và nhiều mẫu máy như Google Pixel, Dell XPS 13 2016, Acer Swift 7, HP Spectre, ASUS ZenBook 3, Razer Blade Stealth, Lenovo Yoga 910 v.v… .

Quảng cáo


Surface_Laptop_không_USB-C.jpg
Surface Laptop mới ra mắt cũng chỉ có 1 cổng USB-A và mini DisplayPort, không USB-C.
Surface đời 2015 không có đã đành, máy bàn AiO như Surface Studio cũng không có và ngay cả chiếc Surface Laptop vừa được Microsoft ra mắt hôm qua cũng không có cổng USB-C. Microsoft không rõ có thù hằn gì với cổng USB-C hay không? Nhưng điều kỳ lạ là trên 2 chiếc điện thoại chạy Windows 10 Mobile là Lumia 950 và 950XL thì Microsoft lại là một trong những nhà sản xuất đi tiên phong khi trang bị cổng USB-C vào thời điểm ra mắt.
Nếu sử dụng USB-C để sạc, kết nối dữ liệu, trình xuất lẫn khai thác phần cứng mở rộng bên ngoài thì thế hệ Surface mới chắc chắn sẽ mỏng hơn, mang lại một trải nghiệm đơn giản và xuyên suốt hơn cho người dùng.
18 tháng trước, Surface Pro 4 và Surface Book là những chiếc máy tính chạy Windows tuyệt vời nhất thì đến nay, chúng đều đã lỗi thời. Chưa kể là quyết định sử dụng GPU thế hệ Maxwell 2 (900 series) trên Surface Studio khi chiếc máy này được công bố cách đây nửa năm. Microsoft chỉ cung cấp 2 tùy chọn là GTX 965M và GTX 980M (chỉ đi kèm với Core i7 và 32 GB RAM) nhưng trong thời gian đó, Nvidia đã công bố rầm rộ thế hệ GPU Pascal (10 series) và những chiếc máy tính đời mới dùng GTX 10 series cũng đã ra mắt đồng loạt. Nếu so về hiệu năng thì thật sự GTX 900 series quá thua kém so với GTX 10 series.

Nvidia GPU.png
So sánh hiệu năng giữa các phiên bản GPU Nvidia trên desktop.
Đó là chưa kể 3 phiên bản GTX 900 series được Microsoft trang bị trên Surface Studio đều là dòng M, tức Mobile, dùng trên laptop thay vì desktop. So sánh tương quan, GTX 965M có hiệu năng ngang ngửa với GTX 1050 - phiên bản GPU giá rẻ trên laptop trong khi GTX 980M thì không có cửa để so về hiệu năng với GTX 1060 tầm trung trên laptop chứ chưa nói đến GTX 1080 cao cấp vốn được xem là phiên bản thay thế. Và cũng cần lưu ý là Surface Studio dùng màn hình 4,5K công nghệ PixelSense 4500 x 3000 px và GTX 980M không thể gánh nổi tác vụ đồ họa nặng ở độ phân giải này.
Với sự chậm trễ này, doanh số bán của Surface giảm sút là điều hiển nhiên. Microsoft đã vừa ra mắt Surface Laptop với mức giá khoảng $1000, chạy Windows 10 S, thiết kế rất đẹp nhưng liệu chiếc máy này có khiến người dùng chú ý đến Microsoft trở lại hay không thì chúng ta cần phải đợi xem. Còn trước mắt, với những fan của Surface Pro và Surface Book thì họ vẫn đang mong ngóng một sự thay đổi lớn hơn.

ArsTechnica: "Nếu Microsoft muốn làm phần cứng, phải làm nghiêm túc hoặc đừng kỳ vọng!"

Quảng cáo



HP Spectre X2.jpg
HP Spectre X2.
Thật vậy nếu Microsoft muốn kinh doanh phần cứng thì công ty cần phải làm một cách chỉnh chu, nghiêm túc và cam kết với người dùng giống như những gì các hãng OEM đang làm. Hầu như mọi đối tác OEM của Microsoft đều làm mới các mẫu máy của mình với thế hệ CPU thứ 7 của Intel cũng như thế hệ GPU Pascal của Nvidia. Hầu hết các OEM đều tiếp nhận và ít nhất là trang bị cổng USB-C cùng Thunderbolt 3 trên các mẫu máy cao cấp, cùng phân khúc với Surface. Surface Pro từng là lá cờ đầu của dạng máy tính 2 trong 1 nhưng đến hiện tại, nó không còn giữ vị thế độc tôn. HP, Dell, Lenovo, ASUS, Acer và thậm chí là Samsung cũng đã có những chiếc máy 2 trong 1 với thiết kế tương tự, phần cứng mới hơn. Có thể nói Surface dù vẫn là chiếc máy 2 trong 1 có thiết kế chuẩn nhất nhưng đang dần tỏ ra yếu thế so với các đối thủ ngay trong sân nhà của mình.

Sự chậm trễ của Microsoft đối với Surface khiến chúng ta một lần nữa nghi ngờ về chiến lược của hãng, nghi ngờ rằng Microsoft đang mất phương hướng. Nếu Microsoft nuôi tham vọng nghiêm túc về phần cứng, hãng từng nhấn mạnh về ý định tạo ra những hệ thống hàng đầu thị trường và Surface từng được xem là chiếc máy tham chiếu cho mọi nhà sản xuất OEM thì Microsoft cần phải đầu tư cho đúng, điều này cũng có nghĩa hãng phải làm mới dòng Surface để các OEM chạy theo hay ít ra là chạy theo OEM.

Đừng theo gót Apple!


MacBook_Pro_2016.jpg
MacBook Pro 15 2016 và Dell Precision M5510.
Thật vậy nếu nói về một công ty chậm làm mới - về khía cạnh thiết kế và cấu hình thì đây đích thị là Apple. Trong những năm gần đây, dòng máy tính Mac gồm cả MacBook, Mac và iMac được nâng cấp khá chậm. Mặc dù Apple đã sớm đưa USB-C và Thunderbolt lên MacBook nhưng nhiều lỗi không đáng có trên dòng MacBook mới đã khiến nhiều fan Táo nghi ngờ về chất lượng phần cứng. Tuy nhiên, doanh số máy tính Mac của Apple vẫn rất ổn định bởi điều quan trong là Apple không giống như Microsoft hay các OEM khác: bạn muốn dùng Mac OS một cách hợp lệ và tốt nhất thì bạn không có giải pháp nào khác là mua máy tính của Apple.

Dell_XPS_13.jpg
Dell XPS 13 vẫn được đánh giá là một trong những chiếc laptop chạy Windows tốt nhất.
Ngược lại, không nhất thiết phải mua phần cứng từ Microsoft để có dùng Windows hay có được trải nghiệm Windows tốt nhất. Microsoft tạo ra Windows và Windows có thể chạy trên rất nhiều phần cứng đến từ các OEM của hãng và nếu phần cứng của Microsoft không mang lại những tính năng hay hiệu năng mà một người dùng cần, những phần cứng đến từ HP, Dell, Lenovo … sẽ có thể đáp ứng. Microsoft đã học theo Apple đó là phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất phần cứng và phần mềm để mang lại trải nghiệm Windows tốt hơn đến với người dùng nhưng Microsoft không nên học theo Apple về chính sách cải tiến, làm mới sản phẩm một cách không thể đoán trước và không nhất quán. Thị trường máy tính PC vốn thay đổi rất nhanh không cho phép điều này xảy ra.

Khi Microsoft bắt đầu làm phần cứng, có một sự không chắc chắn lan tỏa trong thế giới công nghệ về kỳ vọng của Microsoft. Quan điểm chung là Microsoft hướng đến vai trò là người mở đường, chế tạo các dạng phần cứng mới, thực tế đồng thời thúc đẩy thị trường PC đi theo hướng mà hãng mong muốn.

Tuy nhiên phương pháp tiếp cận của Microsoft đối với hướng đi này đang có dấu hiệu "lạc trôi". Khi không có bất cứ sự đảm bảo dài hạn về việc phát triển phần cứng, rất nhiều người dùng tiềm năng của hãng sẽ làm ngơ. Chưa kể người dùng cuối, khách hàng doan nghiệp - đối tượng khách hàng mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho Microsoft sẽ cực kỳ quan tâm đến 2 yếu tố cốt lõi: vòng đời hỗ trợ sản phẩm và khả năng mở rộng hệ thống trước khi quyết định đầu tư hàng loạt phần cứng từ Microsoft. Microsoft đã nhận ra vấn đề này và cũng đã hành động để khắc phục. Surface được cung cấp thông qua các kênh doanh nghiệp thông thường cũng như thông qua hình thức cho thuê thiết bị "Surface Membership Plan" và "Surface as a Service" bán cùng với Office 365 và Windows 10. Thêm vào đó, Microsoft cũng đã giữ đúng lời hứa khi phụ kiện của Surface Pro 3 có thể sử dụng lại trên Surface Pro 4.

Như vậy câu trả lời đã rõ: Microsoft không hề hời hợt với mảng phần cứng mà hãng đang đầu tư rất nghiêm túc vào thương hiệu phần cứng Surface. Sau một vài bước đi sai lầm từ giai đoạn đầu, phần cứng của Microsoft đã ổn định hơn, được người dùng đón nhận nhiều hơn kéo theo lợi nhuận tăng và Surface đã dần trở thành một phần của hệ sinh thái Microsoft.

Tuy nhiên, hiện tại vị thế của Surface trong hệ sinh thái này đang lung lay bởi sự sụp đổ này từng có tiền lệ!

Bài học từ Nokia và cái chết của Windows Phone:


Sau bước khởi đầu khó khăn, Windows Phone cuối cùng đã đi vào quỹ đạo, đặc biệt là tại châu Âu khi tại một số quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Anh, từng có thời điểm Windows Phone đạt mức tăng trưởng thị phần ở mức 2 con số. Tuy nhiên, sự nhàm chán về phần cứng, bao gồm cả nổ lực tạo ra một mẫu điện thoại đầu bảng, có thể cạnh tranh được chạy Windows Phone vào năm 2014 thất bại cùng với một thông điệp không rõ ràng đã khiến nền tảng di động của Microsoft dần đánh mất những gì ít ỏi đang có, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Kết quả cuối cùng là Windows Phone hay Windows 10 Mobile đã chết. Ngay trong báo cáo tài chính quý 3, Microsoft đã âm thầm xác nhận cái chết của nền tảng này, lợi nhuận của mảng di động cũng đã rơi xuống gần 0 mặc dù hoạt động phát triển Windows 10 Mobile vẫn được duy trì.

Surface_2.jpg
Surface RT và Surface 2, à há 2 đứa con bị lãng quên, là nổ lực của Microsoft trong thị trường thiết bị chạy chip ARM là một minh chứng rõ ràng về sự cam kết của Microsoft đối với phần cứng. Microsoft đã khai tử Windows RT từ đầu năm 2015, Surface RT và Surface 2 cùng chung số phận, không được cập nhật gì thêm, chết cứng ở Windows RT và 2 chiếc máy này trở thành trẻ mồ côi.

Giờ đây, việc Microsoft án binh bất động đối với dòng sản phẩm đầu bảng của mình lại khiến cho thế giới PC bối rối. Câu hỏi liệu chăng Microsoft có quan tâm nghiêm túc đến mảng phần cứng hay không một lần nữa được đặt ra. Và trước khi Microsoft đưa ra bằng chứng cho thấy "chúng tôi quan tâm nghiêm túc" thì người dùng đang bắt đầu làm ngơ và Surface đang rơi vào một tình huống khá giống với Nokia trước đây. Sự làm ngơ của người dùng kéo theo sự làm ngơ của giới phát triển phần mềm và phần cứng, từ đó hủy hoại mảng kinh doanh di động của Nokia và kết liễu số phận của Windows Phone. Windows trên máy tính hiển nhiên vẫn là nền tảng phổ biến nhất, tăng trưởng đều đặn nhưng nó không đồng nghĩa với việc sẽ khiến cho Surface sống khỏe thở đều. Surface cần được làm mới, Microsoft cần trở lại cuộc chơi với các OEM ở chính sân nhà của mình.

Microsoft đã lấy được tình cảm của nhiều fan Surface và hãng hãy tiếp tục làm điều đó. Không chỉ người dùng cuối, những doanh nghiệp đã mua và trang bị Surface cho nhân viên cũng chờ đợi. Thế nhưng trong khi Surface Pro, Surface Book mới chưa thấy đâu thì Microsoft lại ra mắt Surface Laptop chạy một phiên bản giông giống như Windows RT đó là Windows 10 S. Về cơ bản Windows 10 S mặc định chỉ hỗ trợ các ứng dụng UWP tải về từ Windows Store nhưng rút kinh nghiệm từ Windows RT, Windows 10 S vẫn hỗ trợ cài đặt phần mềm x86 nhưng người dùng phải chuyển đổi từ Windows 10 S sang Windows 10 Pro bằng cách cài đặt thêm một gói chuyển đổi từ Store. Microsoft định hướng Surface Laptop là một sản phẩm hướng đến giáo dục, việc chỉ mặc định hỗ trợ các ứng dụng từ Window Store là nhằm hạn chế tối đa rủi ro bảo mật từ các ứng dụng x86 truyền thống cũng như mang lại hiệu năng tốt hơn, thời lượng pin dài hơn.

Surface_Laptop_2.jpg
Surface Laptop cùng Windows 10 S là con bài để Microsoft đối đầu với Chromebook chạy Chrome OS của Google. Surface Laptop có giá từ $1000 và nó cũng như các phiên bản Surface khác, đóng vai trò tham chiếu để các nhà sản xuất OEM khác tạo ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn. Nhưng bản thân Surface Laptop có giá bán đắt như vậy sẽ không thể cạnh tranh với những chiếc Chromebook vốn có giá chỉ $200 đến $300. Microsoft cho rằng Surface Laptop hướng đến đối tượng học sinh chuyển bị bước vào đại học, đây cũng là phân khúc Chromebook phát triển mạnh nhưng …

Cá nhân mình cho rằng: Về giá $1000 đồng ý những bạn học sinh sắp vào đại học có thể đầu tư được nhưng vấn đề nằm ở chỗ nó chạy Windows 10 S, mặc định giới hạn ứng dụng, khi cần dùng ứng dụng x86 thì chuyển sang Windows 10 Pro vậy liệu chăng Windows 10 S sẽ trở thành một thứ gì đó rắc rối, dư thừa và rồi rơi vào cùng hoàn cảnh với Windows RT như trước? Thêm nữa, Microsoft cho rằng những nhà sản xuất OEM có thể làm máy tính chạy Windows 10 S với mức giá rất rẻ, theo tính toán từ $190 - cạnh tranh được với Chromebook. Cho là vậy đi nhưng Windows 10 S có thể chuyển đổi sang Windows 10 Pro vậy tính năng này Surface Laptop cũng có, máy tính OEM giá rẻ cũng có vậy Surface Laptop chẳng phải mất đi lợi thế cạnh tranh sao? Có chăng Surface Laptop cho phép người dùng chuyển từ Windows 10 S sang 10 Pro miễn phí trong năm đầu, các máy khác muốn chuyển phải mua $50. Và một khi đã chạy Windows 10 Pro thì Surface Laptop trở thành một chiếc laptop chạy Windows truyền thống đúng nghĩa, Windows 10 S liệu sẽ chìm vào quên lãng? Surface Laptop hiển nhiên có thiết kế rất đẹp, bạn có thể đầu tư $1000 để đổi lấy thiết kế nhưng về tính năng, người dùng sẽ có nhiều lựa chọn rẻ hơn nhiều. Đó là chưa kể Windows 10 S chưa hẳn có thể cạnh tranh với Chromebook khi mà kho ứng dụng Windows Store vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng Windows 10 truyền thống, số lượng ứng dụng x86 được chuyển đổi và phát hành qua Store cũng rất ít ỏi.
Đó là chưa kể cuối năm nay Microsoft sẽ ra mắt Windows chạy trên các phần cứng dùng chip ARM, điển hình là Snapdragon 835 với một chiếc máy của Lenovo theo thông tin chúng ta có và điều thú vị là nó sẽ có thể chạy ứng dụng x86. Vậy nhiều khả năng Surface Laptop sẽ phải cạnh tranh với một loạt laptop giá rẻ hơn chạy chip ARM. Ngay từ giờ, nếu có ai đó mua Surface Laptop thì mình nghĩ điều đầu tiên họ làm sẽ là chuyển Windows 10 S sang Windows 10 Pro dùng cho sướng 😁.

Surface Pro và Surface Book cần nâng cấp sớm để trở lại nhịp đấu, nếu Microsoft cứ theo đà đa dạng hóa sản phẩm như vậy thì lịch sử có thể lặp lại như với Windows RT. Lần này nếu có khai tử thì may mắn hơn chỉ khai tử Windows 10 S, Surface Laptop vẫn sống nhờ dùng phần cứng Intel thông thường. Nhưng nó cũng khiến người dùng vướn phải tâm lý phải đánh cược vào phần cứng của Microsoft. Giờ là Surface Laptop với Windows 10 S, và cuối năm nay có thể là một chiếc Surface gì đó chạy chip ARM!

Theo: ArsTechnica và những nhận định cá nhân
131 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

songquangay
ĐẠI BÀNG
7 năm
Sao nghi surface không sống được lâu quá. Nghĩ tới microsoft chỉ nghĩ tới win.
apolo kenini
ĐẠI BÀNG
7 năm
hay quá
SF có bao nhiêu ý tưởng quất bằng hết. Ồn ào mà hiệu quả thấp 😁
Thấy có bóng dáng Nokia thật 🆒
fu09fjtnhj
TÍCH CỰC
7 năm
Có ai đọc hết bài ko 😃
nsditn2
ĐẠI BÀNG
7 năm
@fu09fjtnhj
M$ có nói hoa mỹ hay ẩn dấu kế hoạch sâu sắc đến đâu thì mình vẫn chỉ thấy Surface laptop là 1 cái laptop chạy Windows đẹp + đắt. Rất nghi ngờ về việc Surface Book 2 sẽ hiện nguyên hình là 1 cái Laptop đúng nghĩa.
@thanh_nhan Ko giải quyết đc vấn đề ứng dụng tối ưu riêng cho thao tác cảm ứng thì rõ cm n ràng nó vẫn là 1 cái laptop đúng nghĩa chứ còn gì. Vì dù có chuyển sang dạng cảm ứng nó cũng chỉ làm người dùng bực mình thêm chứ có làm đc quái gì ra hồn đâu. Nghe mấy ông cứ lôi cái màn cảm ứng ra nói để dùng quẹt quẹt khi thuyết trình mà đến hài
Kazakstan
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Carvalho1986 Thì cái tên nó là Surface Laptop mà, ko là laptop chứ ko lẽ là tablet. :rolleyes:
@Kazakstan Con SF pro 4 đc MS định vị là tablet mà.
Kazakstan
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Carvalho1986 Mình tưởng bạn đang nói về con Surface Laptop?
hoatongoc
TÍCH CỰC
7 năm
Microsoft không muốn tập trung vào kinh doanh phần cứng, Mic chỉ làm ra những sản phẩm này gọi là "mẫu" để các nhà sản xuất khác tham khảo và đưa ra các model cạnh tranh riêng của mình. Cái hái ra tiền là bán Office với Windows kìa.
@Wolfrain Mời xem thêm các dòng mới ra năm 2017 của các hãng "ko tên tuổi" chả thèm nhái theo :eek:

http://teradatariver.com/741/best-detachable-laptop/
@Wolfrain Còn thích bảng thống kê chi tiết cầu hình xin mời vào đây

https://www.microsoftstore.com/store/msusa/en_US/list/2-in-1/categoryID.69405100?sortby=ranking ascending&filters=

;););)Sống trong cái giếng Apple thì đừng nên to còi chém gió;);) Người ta nhắc thì dựa cột mà nghe, cãi cùn chỉ tổ bị thiên hạ chửi là Sheeple thôi

xin mới xem báo chí thế giới ném gạch Tim cook khi khoe iPad Pro có thể thay thế Laptop

http://www.businessinsider.com/ipad-pro-cant-replace-your-laptop-2015-11
http://www.nbcnews.com/tech/gadgets/can-ipad-pro-kill-laptop-n460831
http://wccftech.com/tim-cook-buys-pc-ipad-pro-replace-notebooks-people/
@Moon_Chevalier Thanh niên chưa tốt nghiệp cấp 3 phải không? Về tra từ điển convertible với replaceable khác nhau thế nào nhé. Sao có mỗi cái khái niệm đó mà nói đến tận 3 comment vẫn chưa vỡ ra được thế nhỉ? Có vấn đề về đọc hiểu à?
@Wolfrain 2 cái này có liên quan gì đến nhau? Ngay từ đâu tôi có bảo nó liên quan đâu:p Chỉ chọc Sheeple về câu chém gió hơi quá của Tim cook về viêc iPad Pro sẽ thay thế Laptop.

Xin lỗi chứ làm việc+di động --> người ta sẽ chọn convertible laptop hay detachable laptop chứ chả ai điên chọn iPad như thánh nào chém đâu. Cứ tưởng tượng cầm con iPad đi present cho đối tác. Ôi mẹ😔 Quá chuyên nghiệp😁
Surface laptop là thứ vớ vẫn nhất MS làm gần đây. Đã là sản phẩm mắc tiền, xếp cao hơn Surface pro 4, mà lại cài Win 10 S, mặc dù nó ra mắt trong ngày Education OS nhưng nó là 1 thất bại hoàn toàn, do ko có lý do gì ai mua mắc tiền lại phải ngồi ganh tị với SP pro 4.

Anh MS muốn tăng tốc Win store app nhưng ép như thế là ko ổn, chắc có lẽ họ chỉ ra mắt trong event này, 1 thời gian sau có lẽ cho upgrade vĩnh viễn free cho người dùng lên bản pro.

Khó hiểu nhất là Win 10 S là chủ yếu cho thiết bị cho giáo dục, bán gói thầu lớn, chứ ko dành cho cá nhân, mà anh MS lại đi giới thiệu con này quá cao cấp để chạy Win S thay vì giới thiệu các máy HP, Acer....:rolleyes:
Tiếndark
TÍCH CỰC
7 năm
@congthanhgiong ôi chưa có doanh số mà phán thất bại, thế thì chắc giờ apple phá cmn sản rồi
winxp2007
TÍCH CỰC
7 năm
@TranHung.greenhouse Bài này thấy đúng hơn nè. Ms ko muốn tập trung sang phần cứng nhiều nữa, ko lấy đó là nguồn thu chính mà phần mềm, đám mây, nền tảng...mới là thứ Ms hướng tới. Do vậy chả có gì lạ nếu mảng này lại sụt giảm doanh số. 😃
tèo em rồi
Kiểu như XH mình
Bịa ra công trình quá giá trị thực , rồi đẩy giá chót vót mà ..ăn
Em có 1 ý kiến, các mod trên tinhte nên ra phiên bản rút gọn tinhteS. Bài dài quá.
Nếu nó làm tốt thì ai sẽ mua máy của mấy hãng đối tác... Mic ẩn ý gì trong vấn đề này hay ko thì thời gian sẽ có câu trả loi, còn bây giờ có tiền thì lựa cái nào hợp ý thì mua thôi... chỉ là cái máy thôi mà ...
Sao thấy mấy e đợt trước ca tụng sf lắm mà, kêu ngon hơn mb gấp 69 lần sẽ đập chết apple cơ mà... sao các e ko mua thật nhiều vào cho ms có doanh số nhỉ?
Bần nông mới sài Surface, chủng tộc thượng đẳng phải dùng macbook hoặc dell xps
Surface laptop theo em nghĩ chỉ là bảm demo giá rẻ của surface book 2 thôi.
ruacon208
TÍCH CỰC
7 năm
MS có cái dở là làm cái gì ko đến nơi đến chốn. Cuối cùng chả có gì ra hôn rồi đem con bỏ chợ. Sau đó lại mua cái khác về.
Dev như mình phải xoay chong chóng, làm Mobile App mà bưa từ thời dev WP7, xong qua WP8, 8.1 rồi 10 Mobile, mà làm loằng ngoằng lộn xộn cả lên, rồi còn disable admob, bla bla.
Nghỉ mà bực mình éo hiểu tại sao lại bu bám với nó nữa.
leopark121
TÍCH CỰC
7 năm
Em thấy không giống nokia, nokia chết vì không theo kịp OS mới là android
M$ đi đường này tự tay bóp trứng...đường mà Google đã né.
Đã sở hữu OS ngon còn muốn ăn luôn mảng phần cứng thì ai chơi chung nữa? Chia sẻ thành công mới có được thành công lớn hơn.
Google thông minh nên đã bỏ qua và bán luôn Motorola.
Em chỉ nghĩ thế.
@leopark121 Vậy ra pixel để làm gì?
@leopark121 Apple kìa bạn, kaka nếu mà MS độc quyền như apple thì tương lai windows giống như Mac OS 😁:D
... Thật là ác mộng khi không được xài free nữa 😕😕😕
Người dùng surface đều đang bận sáng tạo nội dung để kiếm tiền đặng còn đi quẩy, hơi đâu lên đây tranh cãi với mấy thằng nerd trẩu tre 😁

Btw, chủng tộc thượng đẳng 2017 là phải dùng Asus GL553VE nhé. Con này ăn tươi nuốt sống hết các thể loại từ macbook pro cho đến dell xps, hp spectre luôn ấy chứ... :D
Sonyfan1234
ĐẠI BÀNG
7 năm
@DarthTyr so sánh ngôn lù, một bên là Ultrabook mỏng nhẹ, phục vụ công việc, một bên con máy gaming hầm hố nặng gần 3kg, nếu thế thì Alienware nó đập sml con đó lâu rồi ạ :D chưa kể con Asus của ô có 1050 ti, Razer Blade card 1060 lại mỏng nhẹ, chưa kể có cổng TB3 cắm thêm GPU ngoài chiến tiếp còn con GL553 chỉ biết ngồi nhìn rỏ dãi (tất Macbook 2016, XPS đều có cổng TB3). Người ta mua máy ổn định, phục vụ công việc tốt và thuận tiện nhất để kiếm ra tiền chứ có phải coi con lap là cả thế giới như ô đâu mà hở ra là card rời vs i7 HQ mà lại là dòng gaming tầm trung nữa, thượng đẳng vs ai đây, chắc chắt chiu mãi ms mua đc con lap gaming thay cho con máy cùi nên sướng quá đây mà:D
cbr150r
TÍCH CỰC
7 năm
Không dùng phần cứng mới nhất là đặc trưng của M$, trái ngược với Táo. Ngày xưa cũng ủng hộ M$: zune, lumia, SF pro, nhưng bị đối xử tệ quá, quay qua iPod, iPhone, MAC, thấy khác hẳn. Chả phải fan của ai nhưng cách M$ đang làm thì chỉ còn software thôi
ngockiennq
ĐẠI BÀNG
7 năm
@cbr150r Kg dùng phần cứng mới là đặc trưng của táo mà ta.
cbr150r
TÍCH CỰC
7 năm
@ngockiennq Thực tế Táo rất quan tâm phần cứng. Tất cả flagship đều dùng chip mới nhất cho tới thời điểm ra mắt
ngockiennq
ĐẠI BÀNG
7 năm
@cbr150r Chỉ có chip thôi, còn màn hình và thiết kế, pin, 4g các thứ thì đi sau 2 năm so với thế giới
mình chỉ mong chờ 1 con Surface chạy ARM giá cỡ 400 cho màn hình 12 inch 😁. Bình thường để chạy chơi, còn làm việc remote vào PC ở nhà cho tác vụ mạnh, chả cần tốn pin.

Đổ núi tiền vào laptop mạnh để lam gì ko biết khi vừa làm tác vụ mạnh vừa yếu, pin kém, lại chậm rì rì.

Eh mà chú GOOGLE cũng có con Chromebook Pixel $1500 đấy thôi, làm chủ yếu là yếu tố PR marketing cho thương hiệu Chrome cũng như Win 10 S, có nhiều người chửi => hiệu quả viral tốt:D

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019