Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà di truyền học Paracchini và các đồng nghiệp tại Đại học St. Andrews vừa phát hiện ra một cơ chế di truyền có thể có liên quan tới việc con người thuận tay trái bẩm sinh. Theo đó, việc con người thuận tay nào và chứng đảo ngược nội tạng có thể đã được quy định bởi cùng một cơ chế di truyền. Phát hiện lần này là một bước tiến quan trọng để giúp chúng ta có hiểu được bản chất tại sao có người thuận tay trái?
Theo thống kê chỉ có 10% dân số là thuận tay trái, phần còn lại của thế giới đều sử dụng tay phải cho hầu hết các công việc hàng ngày của họ. Tại sao vậy? Lúc tiếp cận được với con số 10% này mình cũng rất ngạc nhiên, mình tự hỏi rằng nó chỉ là số liệu thống kê của 1 quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó thôi? Nhưng xin thưa là không! Thật sự là chỉ có 10% trên tổng dân số thế giới là thuận tay trái. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng có thể một cơ chế di truyền nào đó đã âm thầm điều tiết và hình thành nên hành vi thuận tay phải của đa số người. Vậy đó là gì? Silvia Paracchini, nhà di truyền học tại Đại học St. Andrew cho rằng có thể vấn đề không chỉ đơn giản như là phân biệt giữa trắng và đen.
Khi các nhà nghiên cứu muốn theo dõi 1 cơ sở di truyền của một đặc điểm nào đó, họ thường tiến hành quan sát trên các cặp song sinh. Trên nguyên tắc, các cặp song sinh thường sống trong cùng một gia đình, một đặc điểm rất quan trọng để phân lập ảnh hưởng của các yếu tố di truyền giống nhau và môi trường sống tới đặc điểm cần quan sát. Và sau quá trình nghiên cứu, Paracchini cho biết rằng yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng ở mức độ 25% đối với việc thuận tay trái hay phải.
Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và kết quả đều tương đồng nhau. Tuy nhiên, bước tiến lớn nhất trong nghiên cứu của Paracchini so với các công trình trước đây là ông có điều kiện tiếp cận với số lượng cơ sở dữ liệu lớn hơn. Dựa trên hơn 100.000 bộ gen của con người đã được lập bản đồ, Paracchini đã phát hiện ra được thủ phạm duy nhất trực tiếp ảnh hưởng tới việc thuận tay trái ở con người và phát hiện này hoàn toàn bất ngờ.
Trong lúc đang quan sát bộ gen cơ bản của những người mắc chứng đọc khó, Paracchini và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng khuynh hướng chỉ dùng 1 tay và cơ chế quy định trục trái/phải của cơ thể được quy định bởi cùng 1 thành phần trong gen. Cũng chính loại gen này dẫn tới chứng đảo ngược nội tạng (Situs Inversus) nghĩa là nội tạng người mắc sẽ hoàn toàn trái ngược với người bình thường. Thí dụ như tim sẽ nằm bên phải thay vì bên trái so với người bình thường. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, rất có khả năng việc quy định tính đối xứng của cơ thể và điều khiển hành vi đối xứng được quyết định bởi cùng 1 cơ chế.
Kết quả là những người mắc chứng bất đối xứng (dẫn tới thuận tay trái) sẽ có thể chai trên não lớn hơn. Đây là vùng não giúp liên kết 2 não trái và phải và đối với người thuận tay trái, nó có kích thước lớn hơn 11 % (tương đương 25 triệu dây thần kinh) giúp cho giao tiếp giữa 2 bán cầu não nhanh hơn. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức và vẫn phải tiến hành thêm các nghiên cứu nhằm xác định chính xác mối liên hệ này. Và cuối cùng, Paracchini cũng chỉ ra rằng dù mối liên hệ này có được xác nhận thì đó vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong bí ẩn di truyền đằng sau việc con người thuận tay nào. Nghiên cứu lần này đã được nhóm báo cáo tại Hiệp hội khoa học Hoàng gia diễn ra tại London vừa qua.