Các nhà điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay A320 của hãng hàng không Germanwings. Dù chưa có kết luận chính thức nhưng dường như dư luận đang đổ trách nhiệm về phía cơ phó, người được cho là đã cố tình lái máy bay đâm vào núi tự sát. Đây vẫn còn là một nguyên nhân gây tranh cãi. Dưới góc độ y học, các chuyên gia tâm lý học cho rằng chỉ riêng vấn đề tâm lý thì không thể giải thích được hành vi của vị cơ phó mà còn có sự đóng nhiều yếu tố khác. Vậy đó là gì? Mời tham khảo nhé.
Theo giáo sư tâm thần học pháp y Seena Fazel tại Đại học Oxford, nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hầu hết những người gặp rối loạn sức khỏe tâm thần đều không làm hại người khác. Chính các yếu tố khác như cảm giác bị cô lập, tức giận, làm dụng ma túy hoặc rượu,… mới chính là thủ phạm dẫn tới các hành động gây nguy hiểm, thí dụ như cố ý gây tai nạn cho máy bay. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh tâm thần, bao gồm cả trầm cảm và tâm thần phân liệt, thường có tỷ lệ phạm tội về bạo lực cao hơn bình thường. Tuy nhiên, giáo sư Fazel cho rằng dù cho cơ phó có mắc vấn đề về tâm lý đi chăng nữa thì nó cũng chưa đủ để giải thích lý do vì sao anh lại lái máy bay đâm vào núi.
Bệnh tâm thần và Tội phạm
Trong một nghiên cứu do giáo sư Fazel tiến hành dựa trên khảo sát hơn 47.000 người tại Thụy Điển cho thấy rằng những người bị trầm cảm có khả năng phạm tội cao hơn gấp 3 lần so với người không bị. Tuy nhiên, số lượng người mắc trầm cảm thực hiện hành vi phạm tội có tỷ lệ rất thấp: chỉ có 3,7% nam và 0,5% nữ bệnh nhân trầm cảm đã thực hiện hành vi phạm tội. So với tổng dân số, tỷ lệ này là 1,2% nam và 0,5% nữ. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet Psychiatry.
Giáo sư Fazel cho biết: "Bạn có thể nói rằng một người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ bạo lực cao hơn từ 3 đến 4 lần. Nhưng nếu chỉ có số lượng 1 hoặc 2% trong vòng 10 năm thì đây vẫn là mối đe dọa rất nhỏ." Ngoài ra, giáo sư Fazel cho rằng trong các nghiên cứu tương tự, người ta rất khó phân định ảnh hưởng của riêng vấn đề tâm lý và các yếu tố kích thích khác dẫn tới hành vi bạo lực. Điển hình như trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí PLOS Medicine hồi năm 2009 đã tìm thấy mối liên hệ giữa tâm thần phân liệt và tăng nguy cơ bạo lực, đặc biệt là giết người. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết những hành vi bạo lực đều bắt nguồn từ việc sử dụng ma túy hoặc rượu.
Xem lại hồ sơ những vụ giết người hàng loạt
Giáo sư Fazel các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng những tên sát nhân giết người hàng loạt, điển hình như vụ xả súng tại trường Columbine hoặc Bách khoa Virginia, thường có đặc điểm là nam, dưới 40 tuổi, bị cô lập xã hội, thất nghiệp, bị bắt nạt bởi những đứa trẻ khác và thích thú với vũ khí, đặc biệt là súng. Nhưng theo ông thì danh sách các đặc điểm trên vẫn không rõ ràng và nhà chức trách không thể sử dụng đó để xác định nguy cơ phạm tội. "Nếu dựa vào đó, sẽ có một số lượng lớn người dân thường bị cho là tội phạm".
Hơn nữa, mặc dù những kẻ sát nhân hàng loạt đều có tiền sử mắc bệnh tâm thần, nhưng các báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều trường hợp không hề có dấu hiệu phát bệnh trong lúc thực hiện hành vi phạm tội. Giáo sư cho biết: "Điều đó không phụ thuộc quá nhiều vào bệnh tâm thần. Đó chỉ là một người đàn ông trẻ tuổi cảm thấy bị xã hội chối bỏ, tức giận và cảm thấy bị phản bội." Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ông không thể khẳng định rằng điều này đúng đối với trường hợp của cơ phó trên chuyến bay.
Cho tới hiện tại, dù các nghi vấn đều hướng về khả năng tự tự - giết người của cơ phó nhưng người ta vẫn phải tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, giáo sư cho biết loại phạm tội tương tự là rất hiếm, một nghiên cứu hồi năm 2009 cho thấy trong số 110.000 trường hợp giết người, chỉ có 8% là giết người tự sát.