Nói về game thế giới mở: GTA vô địch về chiều rộng, nhưng Yakuza thì ăn chắc về chiều sâu

P.W
7/5/2021 10:18Phản hồi: 33
Nói về game thế giới mở: GTA vô địch về chiều rộng, nhưng Yakuza thì ăn chắc về chiều sâu
Nếu anh em vẫn coi Grand Theft Auto là tiêu chuẩn của game thế giới mở xét về nội dung và sự đa dạng, thì mình phải mạnh dạn giới thiệu tới anh em một series game lâu đời chẳng kém, đó là Yakuza, tên tiếng Nhật là Ryo Ga Gotoku của Sega. Phiên bản đầu tiên của game ra mắt trên hệ máy PS2 vào năm 2005, nghĩa là 4 năm sau khi GTA III ra mắt, lấy chủ đề cuộc phiêu lưu của một tên xã hội đen Nhật Bản. Nhưng trái ngược hoàn toàn với giấc mơ Mỹ mà mỗi phiên bản GTA khắc họa, với mỗi phần là một nhân vật có nguồn gốc khác nhau, thì Yakuza là một series drama giống hệt như phim truyền hình, mỗi phần là một câu chuyện rối rắm, nhiều tình tiết đan cài vào với nhau.

Nhưng ở trái tim của mỗi bản Yakuza là những nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà làm game tại Sega, để tạo ra một tác phẩm khắc họa rõ nét nhất, theo cách phóng đại thậm xưng nhất những lát cắt xã hội Nhật Bản, từ con người, kinh tế, văn hóa, và có lẽ quan trọng nhất là ẩm thực, thứ gần như vắng bóng trong GTA.

GTA có cả thành phố, còn Yakuza chỉ có vài khu phố


Có lẽ, ở một chừng mực nào đó, yếu điểm lớn nhất của Yakuza lại chính là cơ hội để Sega triển khai những thứ có chiều sâu hơn rất nhiều. Nếu không phải vậy thì làm cách nào một thế giới ảo chỉ có vỏn vẹn vài con phố, lấy cảm hứng từ khu phố đèn đỏ Kabuki-cho ở quận Shinjuku, Tokyo, mỗi phần Yakuza vẫn nhồi nhét được ngót nghét năm chục nhiệm vụ phụ, đơn giản có, phức tạp cũng có. Còn với GTA V, thế giới mở rộng đến như thế, mà mỗi nhân vật cũng chỉ có lượng nhiệm vụ phụ đếm trên đầu ngón tay.

Tinhte_Yakuza1.jpg

Nhưng ở một khía cạnh khác, vẫn nói về thế giới của mỗi phần Yakuza, nhờ vào không gian hẹp hơn GTA rất nhiều, nên cảm giác nhà cửa và cửa tiệm san sát cũng tạo ra được cái cảm giác quan trọng nhất, đó là cảm giác được đứng trong một khu phố sầm uất đông đúc, cửa hàng bán buôn đắt đỏ. Từ những cửa hàng tiện lợi hệt như Circle K để anh em mua đồ ăn nhanh và nước tăng lực, cho đến những quán bar để trải nghiệm cái cảm giác “chill”, ngồi nghe nhạc trong cái không gian vô lo vô nghĩ nhất. Nhưng điểm sáng nhất của những chi tiết trong thế giới mở mà Sega tạo ra trong Yakuza, chính là những nơi làm nhiệm vụ tương tác.

Tinhte_Yakuza2.jpg

Chúng có thể là những tiệm Club Sega để thưởng thức những trò điện tử xèng huyền thoại một thời do chính Sega tạo ra, cho đến những sòng bạc chui đánh poker, mạt chược, và cả cờ shogi của Nhật nữa. Thế giới ảo chật hẹp (so với tiêu chuẩn của những game thế giới mở đương đại), nhưng điều đó cho phép Sega tạo ra những chi tiết riêng biệt, mỗi tòa nhà một biển hiệu, kết hợp với đèn đóm và những hiệu ứng rất riêng, thay vì phải nhai đi nhai lại một lượng mô hình vật thể nhất định.

Tinhte_Yakuza3.jpg

Trong Yakuza, có 3 thứ Sega tập trung kỹ càng nhất về mặt đồ họa.

Thứ nhất là kiến trúc, với những tòa nhà chỉ vài tầng xây dựng đúng theo tiêu chuẩn chống động đất ở Nhật Bản, nhưng bên ngoài vô cùng lộng lẫy. Ở những phiên bản ra mắt sau này trên PS4 và PS5, màn đêm của khu phố đèn đỏ, nơi những cơn mưa đêm rơi xuống, khiến mặt đường bóng loáng phản chiếu những bóng đèn sáng lòa quảng bá đầy đủ những góc tối của ngành giải trí.

Tinhte_Yakuza4.jpg

Thứ hai là khuôn mặt nhân vật. Mọi nhân vật chính trong mỗi bản Yakuza đều lấy gương mặt và thu âm giọng nói của những diễn viên tên tuổi ở Nhật. Hệ quả là dù cử động môi có mấp máy phi lý và không chính xác, đôi khi đơ như tượng gỗ, nhưng trong những đoạn cắt cảnh, gương mặt ảo của nhân vật luôn là điểm sáng của tựa game.

Quảng cáo


Tinhte_Yakuza5.jpg

Và thứ ba, thứ được render tỷ mẩn không kém chính là những món ăn xuất hiện trong game, trong những hàng quán nơi anh em có thể mua đồ ăn để hồi máu. Từ những tiệm burger, đến bánh ngọt trong quán cafe, hay cơm bò xào, tất cả đều được chăm chút tỉ mẩn:

Tinhte_Yakuza6.jpg

Chất lượng đồ họa trong mỗi bản Yakuza hoàn toàn không tương đồng ở mọi khía cạnh, nhưng Sega biết tập trung vào những thứ bắt mắt, nơi ánh nhìn của anh em sẽ đập vào trước tiên, ví dụ như con cua khổng lồ của một tiệm hải sản Kani Doraku có thật và vô cùng nổi tiếng ở Dotonbori, Osaka chẳng hạn:

Tinhte_Yakuza7.png

Toàn bộ cốt truyện cuốn hút của từng phiên bản Yakuza, thiết nghĩ, nếu không có những tấm biển hiệu đầy sắc màu, những con người đi lại trong những con phố đi bộ mặt đường nhựa ướt sũng sau cơn mưa đêm, cùng những âm thanh trò chuyện ồn ã có lẽ không thể biến chúng trở thành một trong số những series có cá tính riêng cuốn hút nhất làng game thời điểm hiện tại. Nó mô tả một phần Nhật Bản qua lối sống, ẩm thực và chính những nhân vật bên trong.

Quảng cáo


Người chơi chỉ là người theo dõi câu chuyện


Nhờ vào cái cá tính rất riêng về mặt nội dung và đồ họa, Yakuza có một lượng fan trung thành vô cùng nồng nhiệt, dù rằng lượng fan đó không thể nào đông đảo như so với GTA V. Cứ mỗi phần, anh em lại được các nhà biên kịch, mà trong số đó nổi danh nhất chính là Toshihiro Nagoshi, thêu dệt. Nó khởi đầu bằng một câu chuyện cực kỳ tầm thường, nhưng rồi những nút thắt bắt đầu được đưa ra, tạo nên một câu chuyện rối rắm, đôi lúc phi lý nhưng được triển khai một cách vô cùng mỹ mãn. Và ở trung tâm là những nhân vật chính, những người bị cuốn vào câu chuyện từ lúc bé đến xé ra to.

Tinhte_Yakuza10.jpg

Anh em không tin à? Hãy bắt đầu với phiên bản mà mình nghĩ là hoàn hảo để anh em tiếp cận với series này, đấy là Yakuza 0, bối cảnh năm 1988. Nó bắt đầu với việc Kiryu Kazuma chân ướt chân ráo làm một tên xã hội đen đi đòi nợ thuê ở Tokyo, và một anh chột bị giam lỏng bằng việc làm chủ một quán rượu cabaret lớn ở Osaka. Run rủi thế nào, cả hai, cùng một cô gái mù vô tình bị lôi kéo vào một âm mưu chiếm đoạt mảnh đất cuối cùng, thứ quan trọng nhất để xây nên tòa tháp chọc trời Millennium Tower, một phần của dự án hồi sinh khu phố đèn đỏ Kamurocho. Xung quanh dự án đó là những âm mưu của những gia đình yakuza đối lập, đòi giành quyền sở hữu lô đất để làm giàu.

Tinhte_Yakuza16.jpeg

Còn phiên bản cuối cùng có sự hiện diện của Kiryu Kazuma làm nhân vật chính, đó là Yakuza 6. Câu chuyện đang từ đứa con rơi của cô con gái nuôi, tự nhiên Kazuma trở thành ông ngoại, bỗng leo thang chóng mặt trong bước đường đi tìm người cha của chú nhóc, để rồi những bí mật động trời về một con tàu chiến từng được sản xuất một cách bí mật cuối thế chiến thứ II, và rồi được hãng đóng tàu dùng làm quân cờ để tống tiền chính phủ, qua đó giành được những hợp đồng béo bở, dần dần được hé lộ.

Tinhte_Yakuza9.jpg

Phần nào của Yakuza cũng vậy. Nó khởi đầu chậm rãi, nhưng mọi thứ có thể thay đổi chóng mặt hệt như một series phim truyền hình dài tập, mỗi chương lại có nút thắt nút mở riêng, nhịp độ cốt truyện được điều chỉnh vô cùng linh hoạt, và thậm chí còn có cả thời gian chết để anh em đi khám phá những nhiệm vụ phụ và đi ăn hết hàng này quán nọ nữa.

Nếu cốt truyện là một điểm sáng của series Yakuza, thì bản chất cách đưa người chơi trở thành một vị khán giả nhiều quyền lực, được phép điều khiển nhân vật chiến đấu cũng là một thứ khiến nhiều người mê đắm cái series kỳ quặc của người Nhật Bản. Mọi đòn đánh, mọi cử động của nhân vật đều sặc mùi testosterone, có thể coi là một dạng tư duy nam tính độc hại (toxic mascuinity) nếu xét tới tiêu chuẩn của cộng đồng hiện giờ, khi người đàn ông phải “ra dáng”, đòn nào ra đòn nấy hệt như phim chưởng, khí độ ngạo thiên phát ra tứ phía. Nhưng ở một khía cạnh khác, Yakuza cũng không thiếu những phút trầm, nơi từng nhân vật phải giằng xé giữa những lựa chọn.

Tinhte_Yakuza11.jpg

Đem so sánh với những “giấc mơ Mỹ” trong từng phiên bản GTA, quy mô về mặt cốt truyện và diễn biến nội tâm nhân vật của Yakuza không thể sánh bằng, nhưng xét về độ drama của mỗi bản game, thì khá chắc Sega có những nhà biên kịch tài năng chẳng kém.

Judgment và Yakuza: Like A Dragon


Sau 7 phần game chính, kèm thêm vài bản mở rộng thời PS3, cuối cùng Sega cũng cho Kiryu Kazuma nghỉ hưu sau màn giả chết ở cuối phần 6 để bảo vệ cô con gái nuôi khỏi bị xã hội đen nhòm ngó. Những phiên bản kế tiếp là những phép thử mới hoàn toàn của Ryu Ga Gotoku Studio, giờ được tách ra thành một nhà phát triển độc lập dưới mái nhà Sega. Hai phiên bản ấy là Judgment và Yakuza 7, hay tên chính thức là Yakuza: Like A Dragon.

Mình vừa chơi xong Judgment mấy hôm trước, còn Yakuza 7 vừa sale hôm đầu tuần, chơi chưa xong, game dài quá.

Tinhte_Yakuza12.jpg

Nếu những phiên bản Yakuza trước đây là đóng vai một kẻ xã hội đen, dù rời gia đình tội phạm nhưng vẫn bị cuốn vào những mưu mô của thế giới ngầm, thì Judgment cho anh em vào vai một luật gia thất thế sau một vụ án, vừa cãi cho thân chủ thoát tội trả tự do thì thân chủ lại bị bắt vì giết người phóng hỏa. Thế là Takayuki Yagami, nhân vật chính, trở thành một thám tử tư, để rồi lại bị kéo vào một âm mưu to chẳng kém, liên quan tới một đơn vị phát triển thuốc của Nhật Bản, liên quan tới vài tên yakuza bị sát hại giữa đường, và cả âm mưu chiếm lấy mảnh đất của trung tâm thuốc nọ của một tập đoàn chống lưng cho yakuza Nhật. Nó rối rắm đúng không? Phần game nào cũng vậy hết, phải tự trải nghiệm mới hiểu hết được.

Cái khác biệt so với Yakuza của Judgment là những minigame nơi anh em vào vai thám tử khá cuốn hút, từ việc bám theo nghi phạm, tìm kiếm bằng chứng, tang vật, xâu chuỗi những thứ đã có trong tay để tranh tụng trước tòa. Điểm sáng nhất của Judgment chính là những khía cạnh giải đố và phá án, thậm chí cảnh cuối còn trực tiếp tranh tụng trước tòa, thẩm vấn lấy lời khai của nhân chứng để đưa những kẻ tưởng là vô tội vào tròng, thừa nhận những tội lỗi chúng gây ra, bất chấp địa vị xã hội của họ có cao đến đâu đi chăng nữa. Nhiều trang web đã gọi Judgment là tựa game thám tử xuất sắc nhất, và lời khen này có lẽ không ngoa.

Tinhte_Yakuza14.jpg

Còn trong khi đó, Yakuza: Like A Dragon thì là một bước chuyển hoàn toàn khác biệt. Vẫn còn đó những chi tiết làm mê mẩn những người yêu mến series game hành động Nhật Bản, từ thế giới mở đầy chi tiết đến cả những nhiệm vụ phụ đúng chất hài hước, nhưng mọi thứ của phần 7 đều được đẩy lên giới hạn để phù hợp với xu thế và sức mạnh của thế hệ máy console mới. Khu phố Isezakicho thuộc thành phố Yokohama giả tưởng trong game rộng hơn rất nhiều so với những gì Sega từng làm với khu phố đèn đỏ ở Tokyo hay khu phố du lịch Dotonbori bên bờ sông Umezu. Dù rằng quy mô thế giới ảo của game vẫn chưa thể nào sánh được với GTA V, nhưng sự đa dạng của nó là một bước tiến quá xa của những nhà làm game Nhật Bản. Nó có những khu sầm uất, cũng có những quán rượu yên tĩnh ngồi rất chill, cùng những khu cao ốc văn phòng hoành tráng cạnh bờ biển như tấm screenshot trên đây.

Thậm chí, lối chơi của game cũng được thay đổi hoàn toàn, từ nhập vai hành động trở thành nhập vai theo lượt, giống hệt những game JRPG cổ điển. Đến lúc này, trang bị, kỹ năng và level của nhân vật trở nên quan trọng hơn rất nhiều, khi anh em không còn khả năng né đòn và chiến đấu theo kỹ năng của chính bản thân mình nữa. Ở khía cạnh nhân vật, chơi game kiểu theo lượt giúp nhấn mạnh sự non nớt của nhân vật chính, thay vì như lúc vào vai “Bạch Long nhà Dojima” vô địch thiên hạ như trước kia.

Tinhte_Yakuza15.jpg

Nhưng quan trọng nhất, Yakuza vẫn giữ nguyên bản sắc của nó. Dù cốt truyện có căng thẳng giật gân đến đâu, thì toàn bộ trò chơi, phần nào cũng vậy, luôn từ chối nâng cao quan điểm, cố gắng khắc họa một bức tranh tuyệt đối nghiêm túc. Thay vào đó những phút giải lao, anh em có thể đi uống rượu, có thể đi hát karaoke, thậm chí đi đánh cờ, hay… đi học để tăng kiến thức. Cá biệt, nhiều minigame khác trong Yakuza còn khiến anh em bỏ nhiều thời gian hơn cả cốt truyện chính, ví dụ như trong phần 7 là được làm giám đốc một công ty bánh gạo, với nhiệm vụ đưa công ty này trở thành tập đoàn có giá trị vốn hóa cao nhất thành phố. Bỗng nhiên, Yakuza 7 trở thành một game quản lý nhân sự vô cùng chững chạc, cho anh em nghiên cứu mọi khía cạnh từ nhân sự, địa điểm kinh doanh, lời lỗ, và thậm chí là cả đi họp cổ đông thường kỳ.

“Nghiêm túc quá thì hóa hề”, có lẽ các nhà làm game Nhật Bản nghĩ vậy khi phát triển Yakuza. Vậy là họ tạo ra một tác phẩm với đầy những chi tiết và nhiệm vụ phụ mà người chơi tay mơ không thể tin nổi, không biết đây là drama hay game hài, ví dụ như một gia đình yakuza chỉ muốn làm em bé vô lo vô nghĩ, lớn tồng ngồng vẫn đóng bỉm bú bình sữa. Nhưng đôi khi những nhiệm vụ phụ lại rất nhân văn. Cái chất hài hước vô cùng gần gũi và nhân bản của mỗi nhiệm vụ phụ trong các bản Yakuza lại khiến nó có cái chất duyên dáng rất riêng, không một trò chơi nào khác trên thị trường so sánh được.
33 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Đồ hoạ nhìn mê thiệt
Yêu quá
kothich
ĐẠI BÀNG
3 năm
Dame da ne
@kothich b r e a k i n g z a w o r l d ~~
dai1192
ĐẠI BÀNG
3 năm
Từng chơi Yakuza và công nhận họ phát triển nội dung hay thật, tỉ mỉ đến từng câu chuyện 😂
Mình rất thích thể loại game này.
htux
CAO CẤP
3 năm
Hình món ăn minh hoạ bạn lấy lộn qua của game Final Fantasy XV rồi
Game mà đồ hoạ chân thật hơn cả đời thật
ok luôn
quất....
IMG_20200502_101159.jpg
HHHIEP
TÍCH CỰC
3 năm
Games bây giờ có chân thật hay xịn xò tới đâu cũng méo bằng Games xếp hình nhé. Em chơi mấy chục năm nay không chán, đúng là Games chất lượng và huyền thoại. Nếu mọi người trên 20 tuổi chắc ai cũng từng chơi rồi. Hoạc ít ra cũng được nghe, nói, xem hoạc kể lại ạ. Thôi em đi chơi xếp hình tiếp đây.
htux
CAO CẤP
3 năm
Có 1 cái lỗ bạn xếp mấy chục năm ko chán hả 😁 hôm nào thử đổi lỗ khác cho mới lạ xem
concuuduc
TÍCH CỰC
3 năm
Mình thích chiều sâu hơn, vì chiều sâu mang tính thử thách. Chiều rộng mau chán.
Đã từng cài thử game GTA V và chơi thử 1 ngày. Và gỡ vì không hợp khẩu vị. Do chơi nhiều game Hardcore FPS nên thấy bắn súng trong GTA V không thật, thậm chí quá dễ. Những ai từng chơi Far Cry 3,4,5 sẽ thấy dòng game GTA quá dễ giống như ăn mặn quen ăn lạt không được.
Còn Zakuza chưa thử nhưng xem video youtube thấy cốt truyện hay như phim....
@Masterbee GTA đâu phải game bắn súng FPS. Bắn súng chỉ là 1 phần, chứ bạn so thế thì bắn súng ko bằng CoD, đua xe cũng ko bằng Dirt, Grid , chia nhỏ ra thì sao bằng được các game độc lập. GTA nó ăn tiền nhờ thế giới mở , tương tác và hệ thống nhiệm vụ cực rộng và cả GTA online nữa. Chỉ riêng cái GTA online chắc phải chiếm tới 6 70% người chơi hiện tại rồi. Farcry thì chỉ có đồ hoạ nâng cấp còn tương tác, nội dung càng ngày càng chán, bon Ubisuck nó chỉ cố ăn theo đống giống như con AC vậy, từ 1 game sát thủ thì bh thành 1 game đâm chém hack n slack đơn thuần, Thay vì phát triển 1 game chăt chém mới tinh thì sẽ quá khó bán hàng nên nó sẽ tận dụng luôn cái thương hiệu AC rồi biến thành 1 con game chặt chém.
Mỗi game Far Cry là một thế giới vùng đất khác nhau, còn dòng GTA chỉ xoay quanh thế giới tội phạm ở Mỹ. Bởi vì nó được hâm mộ vì mỗi người Mĩ đều thấy họ trong đó. Nhưng nói về lối chơi thì GTA không có cửa với Far Cry. Tôi cũng đã xem hết game trên Youtube và thấy rằng các nhiệm vụ đều khá dễ và chủ yếu là chạy ngoài đường. Vậy tại sao bạn không chơi game đua xe HardCore hơn ? Đánh nhau thì lại thua xa các game Yakuza, Assacreed. Nói chung là không hay về lối chơi dù cốt truyện có chiều sâu.
Tuy nhiên nó lại phừ hợp với đa số game thủ đại chúng, chỉ có thể chơi nhữn game khó vừa phải và relax vui vẻ là chính.
Về Far Cry có những màn giết trùm được xem là kinh điển mà mãi 7 năm sau bẫn còn bàn luận như giết chim lửa bất tử Far Cry 4. Nếu bạn từng chơi game Warzone và Far Cry 5 sẽ biết gần như 99% lối chơi tương tác hành động trong game Warzone bê gần như nguyên xy cơ chế hành động Far Cry 5 vào. Hiện tại Warzone là game bắn súng có nhiều người chơi nhất nhì so kè với CS GO.
@Masterbee thì so về lượng người chơi hay fan đi
game thế giới mở,: GTA series hay GTA online chơi đông hơn farcry
game bắn súng FPS: như bạn nói, COD hay CS GO đông hơn farcry,
lên twitch coi là biết, tìm game farcry có chết liền...
nói về mấy cái hardcore hơn ở nhiệm vụ thì tùy sở thích mỗi người nữa. muốn đua xe,lái xe thì F1, NFS, bắn súng thì COD, battlefield... mỗi thứ một ít là GTA, bạn mới cài và chơi GTA 1 ngày thì chưa là gì hết đâu, thiệt
với mình farcry tuổi gì so với GTA? và 499 anh em tinhte cũng thấy vậy luôn hihi
Chuyện tại sao GTA đông thì lý do là nó ra mắt rất lâu trước khi game Far Cry 1 ra đời và có một lượng fan đông đảo. Nhưng không có nghĩa là tương lai sẽ giữ được số lượng Fan đông đảo như vậy.
Có biết tại sao GTA chưa ra phần mới sau hơn 6 năm chưa ? Vì NSX đã cạn kiệt ý tưởng. Bên nhà phát hành có một nỗi sợ hãi khi ra bản sau sẽ là quả bom xịt. Trong khi Far Cry vẫn ra đều 3 năm một bản như gà đẻ trứng. Vì thế giới Far Cry vãn còn rất nhiều mỏ vàng khai thác như chiến trường du kích Nam Mỹ, Tam Giác Vàng ĐNA, Thế giới tội phạm Hồng kong, Yakuza, trở về 1945, 1911 v.v... Hoặc thậm chí trở về thời miền Tây hoang dã nước Mĩ..
Việc GTA hay chỗ nào dở chỗ nào thì nhiều Review game họ nói khá nhiều rồi.
ricky0090
TÍCH CỰC
3 năm
chơi GTA xong thì thấy game khá vui, nhiệm vu đa dạng và khá sâu. Mỗi tội chiến đấu có phần chán quá, phải chi phải bắn như gears of war thì mới vui. Cơ mà nói về game thế giới mở phải nhắc tới The witcher 3 chứ nhỉ.
@ricky0090 nếu witcher có độ ngựa hay mod nhiều thì hay, mà 2 thứ này GTA mới có 😃
Khoa81
CAO CẤP
3 năm
Không bằng 1 góc GTA, chơi nửa tiếng xoá ngay. Đồ hoạ cũng chẳng đẹp gì mấy với cốt truyện về Nhật chơi cũng ko hứng thú lắm
llyllr
TÍCH CỰC
3 năm
Tỉ mỉ thì đều là mong muốn của mọi studio rồi chỉ có điều tạo được cú hích về nguồn lực tài chính để chau chuốt thì ít nơi làm đc
duy2271995
ĐẠI BÀNG
3 năm
Nghe đồn cũng chính Yakuza lập nên công ty game Sega. Mà sao tui thấy cách biểu hiện cảm xúc của tụi Nhật nó sao sao, Nhật anime thì ok 😁
Yakuza 7 hay lắm
@HANA_NGUYEN Game lừa, đang tầm level 35 36 thì gặp anh chột, anh í đánh tốc cả váy cả party =))

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019