PDF: những tính năng bạn có thể chưa biết và vì sao lên máy nào cũng không bể định dạng

Duy Luân
14/7/2017 22:1Phản hồi: 161
PDF: những tính năng bạn có thể chưa biết và vì sao lên máy nào cũng không bể định dạng
Tuần này bạn có mở file PDF nào không, nhiều khả năng là có vì đây đang làm một trong những định dạng tài liệu số được sử dụng phổ biến nhất, và cũng là kiểu file có thể xem đồng nhất trên bất kì thiết bị nào mà không sợ bể định dạng như Word hay PowerPoint. Gần như mọi hệ điều hành hiện đại cũng hỗ trợ sẵn khả năng đọc và xuất file PDF, từ iOS, Android cho đến macOS hay Windows. Vì sao PDF lại được người ta ưa chuộng như vậy?

Lịch sử hình thành


Portable Document Format (PDF) là một định dạng file được tạo ra bởi Adobe nhằm mục đích chia sẻ tài liệu một cách đáng tin cậy, không trói buộc vào phần mềm, phần cứng hay một hệ điều hành nhất định nào cả.

Người sáng tạo ra chuẩn file này là Tiến sĩ John Warnock, một trong những nhà đồng sáng lập Adobe. Ý tưởng ban đầu của ông mang tên The Camelot Project, ông muốn tạo mọi người đều có thể tạo được tài liệu bằng bất kì app nào, gửi file đó đi bất kì đâu, đồng thời có thể xem hay in từ bất kì máy in nào. Năm 1992, dự án Camelot đổi tên thành PDF.

Và mặc dù Adobe là người tạo ra PDF nhưng ngày nay nó đang được bảo trì và phát triển bởi Hiệp hội Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO). Để được chọn, PDF đã phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác như DjVu, Envoy, Common Ground Digital Paper, Farallon Replica, thậm chí cả với chuẩn PostScript của chính Adobe. Năm 1993, Adobe quyết định mở bản quyền PDF ra cho mọi người sử dụng mà không phải tốn đồng phí nào, và tới năm 2008 thì cấu hình PDF chính thức được chuyển giao cho ISO. Adobe cũng miễn phí tất cả mọi bản quyền cần thiết cho việc tạo ra, sử dụng, bán và chia sẻ file PDF.


PDF_inventor.jpg

PDF được gắn chuẩn ISO 32000, điều đó cho thấy PDF không phải là một thứ độc quyền mà chỉ có Adobe mới được can thiệp vào, thay vào đó nó là một thứ nhận được sự đóng góp và ủng hộ từ cả thế giới để trở thành một định dạng chuẩn khi bạn cần chia sẻ dữ liệu với người khác. Nhưng thực ra bên trong nó vẫn còn một số công nghệ chỉ do Adobe nắm giữ, ví dụ như kiến trúc Adobe XML Forms Architecture (XFA) và chức năng chạy JavaScript cho phần mềm Acrobat. Những tính năng này thường không được hỗ trợ bởi các app bên thứ ba. Ngoài ra còn có một số chuẩn PDF khác được tùy biến riêng cho những mục đích: PDF/A cho lưu trữ (loại bỏ mã hóa, link font...), PDF/E cho bảng vẽ kĩ thuật, PDF/X cho in ấn...

Vì sao PDF mở ở đâu cũng không bị bể định dạng?


Quay trở lại lý do ra đời của chuẩn PDF, nó xuất hiện vì lý do rất đơn giản: có thể mở được trên bất kì thiết bị nào, bất kì phần mềm nào mà không lo chuyện bể bố cục hay mất font hay gặp các vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến việc xem tài liệu. Để làm được điều này, file PDF đóng gói tất cả những gì cần thiết vào trong 1 file duy nhất, bao gồm các dòng chữ của bạn nhập vào, định nghĩa về bố cục và dàn trang, font, hình ảnh và mọi thông tin khác.

PDF_logo.jpg
Logo của PDF

Nói cách khác, chỉ 1 file PDF là có đủ "hàng" để hiển thị hoàn chỉnh tài liệu, không như Word nếu máy tính của bạn chưa cài font thì bạn sẽ không thấy chữ, hoặc sử dụng bản Word cũ sẽ không thấy được các chức năng dành riêng cho Word mới hơn. Một số file cũng chỉ nhúng hình ảnh từ web và chỉ hiển thị khi có kết nối Internet, trong khi file PDF nhúng cả tấm ảnh vào để sẵn sàng hiện ra khi bạn cần. Cũng vì lý do này mà đôi khi file PDF nặng hơn file Word.

Và nhờ việc được công nhận cũng như hỗ trợ rộng rãi, bạn có thể yên tâm rằng bạn gửi một file PDF cho ai đó thì họ chắc chắn sẽ đọc được. Android, iOS, Windows Phone, Windows PC, BlackBerry... tất cả đều có tính năng xem file PDF được tích hợp theo một cách nào đó và bạn không cần cài thêm bất kì thứ gì, trừ khi bạn muốn các tính năng nâng cao như đánh dấu, kẹp trang, tìm kiếm... Nếu OS nào không hỗ trợ sẵn việc xem file PDF là do lỗi của OS không hỗ trợ các chuẩn chung, và bạn có quyền chê hệ điều hành đó.

Tất nhiên, cũng có một số vấn đề ở đây bởi đời không bao giờ là màu hồng. Một số ứng dụng đọc file PDF không đính kèm đủ các font cơ bản, bao gồm Times (v3) (in regular, italic, bold, and bold italic), Courier (in regular, oblique, bold and bold oblique), Helvetica (v3) (in regular, oblique, bold and bold oblique), Symbol, Zapf Dingbats nên khi mở file có thể không đọc được. Một số trình đọc file khác thì không hỗ trợ chức năng chèn chữ kí một cách dễ dàng... Chủ yếu vấn đề xoay quanh việc tương thích với app chứ không phải nằm ở bản chất của định dạng.

Quảng cáo


Cấu hình PDF hiện tại đang dừng ở con số 1.7.

Những tính năng chính của PDF

Tính bảo mật cao, hạn chế việc chỉnh sửa


Trước hết, bạn cần biết là file PDF rất khó để chỉnh sửa, trừ khi bạn bỏ tiền ra mua các phần mềm như Adobe Acrobat hay Foxit PhantomPDF. Hãy thử xem, hầu hết các trình xem file PDF trên smartphone, tablet và PC đâu có cho bạn thêm bớt chữ nghĩa nào đâu, nó chỉ cho phép bạn đánh dấu hoặc cùng lắm là điền form, kí tên thôi.

Adobe cho hay: "Khi làm việc với các tài liệu số, điều quan trọng là phải bảo mật nó thường xuyên. Bạn có thể gắn password để bảo vệ file PDF, tránh người khác copy, chỉnh sửa. Bạn cũng có thể che bớt một số thông tin nhạy cảm (ví dụ: tên bị can trong vụ xử án), thậm chí là ẩn tìm và xóa đi những dữ liệu ẩn".

Có khả năng điền biểu mẫu, chèn chữ kí

Quảng cáo


Khi bạn gửi cho người khác một biểu mẫu và yêu cầu họ điền thông tin, nếu bạn gửi file Word thì bạn thường sẽ phải cho phép người ta edit nguyên file, mà như vậy họ có thể làm sai lệch thông tin gốc của bạn (do nhầm lẫn hoặc cố tình phá hoại. Word cũng có chức năng làm form như không nhiều người biết). Trong khi đó, với file PDF, bạn có thể chỉ định cho phép người ta điền đúng một số trường mà bạn yêu cầu, còn lại không thể can thiệp hay chỉnh sửa gì trên tài liệu cả.

PDF_form.png

Chuyện tương tự cũng diễn ra khi bạn cần kí hợp đồng số hoặc các lệnh chuyển tiền số. Lúc gửi bản hợp đồng cho đối tác, bạn chỉ cần chừa trống chỗ để họ chèn chữ kí vào là xong (có nhiều app làm được điều này, trên macOS có sẵn trình Preview cho chèn luôn chữ kí). Bạn không lo đối tác sửa lại các điều khoản và làm sai lệch những gì hai bên đã thỏa thuận. Mình cũng thường xuyên xài tính năng này, rất tiện và không cần phải in hợp đồng ra nữa.

Phù hợp cho tài liệu scan từ giấy


Khi scan tài liệu từ giấy vào, mặc định nó sẽ là một file hình. Lúc này các công cụ OCR (Optical character recognition) sẽ chạy lên và nhận biết các kí tự trong ảnh và chuyển thể nó thành một văn bản mà bạn có thể chỉnh sửa hay cắt dán y như bình thường. OCR trước chỉ hỗ trợ tiếng Anh nhưng giờ đây đã có nhiều phần mềm, giải pháp OCR hỗ trợ tiếng Việt rồi. Bản thân Adobe cũng có một số tính năng OCR mạnh trong bộ phần mềm của họ và nó hỗ trợ tốt nhất cho file PDF.

Có thể vẽ hình mà phóng to vẫn không vỡ


Trong thế giới số, hình ảnh có 2 loại: bitmap / raster image và vector image. Bitmap là những hình ảnh được cấu tạo từ các pixel và số pixel của ảnh sẽ cố định 1 con số duy nhất. Khi bạn phóng to hình ra, các pixel cũng được phóng to theo dẫn tới tình trạng mờ nhòe, vỡ hạt. Còn hình vector là hình ảnh được cấu thành từ các tọa độ, điểm, đường thẳng, đường cong. Khi bạn phóng to nó lên, hệ trục cũng được phóng to theo và phần mềm cứ dựa theo các tọa độ mà vẽ lại hình ảnh nên không bao giờ vỡ hình cả.

File PDF hỗ trợ cả hai loại hình ảnh này, trong đó hình ảnh vector thường dùng để vẽ đồ thị, hình minh họa, nói chung là các loại hình ảnh đồ họa mà không phải chụp từ máy ảnh.

raster_vs_vector_image.jpg

File PDF còn hỗ trợ đặt nhiều tầng hình ảnh và chữ, lớp ở trên sẽ hiển thị hiệu ứng blend vào lớp bên dưới (nếu có thiết lập mức độ trong suốt), còn không thì nó đè lên luôn. Chức năng này ở các bản đầu tiên của PDF không có.

Tài liệu soạn trong Word cũng có thể xuất ra thành file PDF. Bản vẽ kĩ thuật cũng có thể ra file PDF. Hình ảnh sau khi edit xong bằng Photoshop cũng có thể lưu thành file PDF. Thậm chí một số trình duyệt giờ còn cho phép "in" trang web ra thành một file PDF để đọc khi không có mạng nữa kìa. Chính độ linh hoạt cao như vậy, cộng với việc được hỗ trợ rộng rãi, đã khiến PDF trở thành một định dạng lý tưởng để chia sẻ tài liệu giữa bạn bè với nhau, trong công ty, trường học hay công bố rộng rãi trên Internet. Xin cảm ơn Adobe đã tạo ra PDF để chúng ta bớt cực hơn.

Tham khảo: Adobe, MakeUseOf, Wikipedia
161 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

kimcy929
TÍCH CỰC
7 năm
Định dạng yêu thích nhất của mình :3 trên máy tính. Dù có đang là gì mình cũng cố gắng đưa về PDF.
@habu@
TÍCH CỰC
7 năm
@kimcy929 Chi vậy?
😁 vẫn rất thích dùng PDF và thích cái cách mà nó tồn tại
ngày xưa cứ nghĩ pdf là file văn bản và hiểu đơn giản là nếu ko muốn ai chỉnh sửa gì trên file văn bản đó thì dùng pdf. sau này mới biết là ảnh cũng có thể dùng định dạng pdf.
leanduy
ĐẠI BÀNG
7 năm
Có những file pdf mấy chục mấy trăm mb mở lên treo cả máy luôn. Ức chế không chịu được 😁
Thường mình soạn báo giá camera, nas qua Word, sau đó export ra PDF và attach vào email gửi khách, tránh trường hợp khách sửa số lượng, giá tiền là mệt.
@quasimodo85 Mình chẳng nói ra điều này đâu vì bí mật kiếm cơm của mình. Nhưng thấy nhiều bạn vẫn ngây thơ quá nên hé lộ ra 1 tí. Với file scan, file ảnh tương đối rõ thì đã có soft can thiệp vào sửa rồi đó. Nó can thiệp theo kiểu gì:
- Vẫn dùng chiêu thức OCR nó phân rã text ra và cho mình chèn chuột vào để can thiệp từng vị trí 1
- Cái thông minh của nó là nó hiểu được font text gốc nên tại vị trí nào thì font gốc là font gì, màu sắc gì nó sẽ gọi font đó ra, chọn màu phù hợp cho mình chỉnh sửa sao cho y như sì và thao tác rất nhanh. Việc cắt dán bằng PS chỉ là trò nhãi với nó
- Cái thông minh tiếp theo đáng nể của nó là nó hiểu ngữ cảnh của đoạn văn bản mình đang sửa. Vì rằng file scan thường có những vết nhòe, nhem nhuốc thì phần từ text mình chèn vào nó cũng tự méo mó, nhòe, nhem nhuốc rất hợp với đám text gốc xung quanh nó.
Pó tay luôn nhé, thánh soi cũng kg soi ra được việc can thiệp này. Vậy nên quay lại phương án thủ công lưu mail là chắc cú nhất
k3love
ĐẠI BÀNG
7 năm
@TACOMPUTER vẫn chỉnh sửa được như thường bạn ạ, nếu biết cách 😁
quasimodo85
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Giàng A Chuối Tôi chỉ bảo là nó khó khăn hơn thôi mà. Phòng người ngay chứ ai chống được kẻ gian. Bất kỳ cái gì chuyển qua chuyển lại cũng cần có double check, và cuối cùng vẫn nằm ở con người.
Biết thêm vài thứ, thanks
haidang8989
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mình làm thiết kế, chế bản, in ấn. Và thực sự bộ sậu psd, ai, id, acrobat, quite làm việc với nhau quá hoàn hảo.
Mình hay đọc sách download về dạng pdf và epub
trutan
TÍCH CỰC
7 năm
Tôi luôn cố gắng chuyển file word sang PDF nếu có thể.
Mình hay dùng tool PDF Compressor của Smallpdf.com để nén trước khi gửi đi. Có thể giảm tới 85% mà chất lượng vẫn đảm bảo.
KevinBui1111
ĐẠI BÀNG
7 năm
windows 10 ko hỗ trợ đọc file PDF.
@KevinBui1111
con lạy bố
_WIN_
ĐẠI BÀNG
7 năm
@KevinBui1111 Còn mình dùng win 10 để đỡ phải cài nhiều app ví dụ như adobe reader. Vì trình duyệt mặc định của win 10 đọc pdf load còn nhanh hơn adobe reader.
@habu@
TÍCH CỰC
7 năm
@KevinBui1111 Window thì hiện tại ko tích hợp sẵn đâu bạn.
Nhưng nó vẫn đọc được bằng:
Edge, IE có sẵn trên máy.
Hoặc office 2013...
@KevinBui1111 Win nào mà không hỗ trợ. Bạn đọc trong trình duyệt được mà
ngnvuan
ĐẠI BÀNG
7 năm
Thích đọc bài của mod @duyluan, cập nhật được nhiều thông tin bổ ích. Cơ mà pdf mình ko hiểu sao có một lỗi khá khó chịu là đôi lúc mình xuất file thiết kế có những đường line hoặc font chữ quá mỏng khi preview sẽ ko chính xác. Những nội dung này thường sẽ dày hơn hẳn so với thiết kế.
minhtuantg
TÍCH CỰC
7 năm
@nospecial Haha, tại vì tớ bị dính rồi chớ cao thủ gì bác. Thực ra tiến trình xuất các file sang file pdf giống như tiến trình in ấn, phần mềm xuất thực ra ra dạng như một máy in ảo. Do đó phải kiểm tra lại các layouts, cài đặt trang, properties máy in ảo pdf đó, các pages. Các file autocad đôi khi nhiều người, nhiều công ty vẫn sử dụng font TCVN3 mà bây giờ đa số chuyển hết sang Unicode, nên gửi file gốc autocad sẽ bị lỗi font. Còn chuyển sang pdf không kiểm tra kỹ cài đặt dễ mất lớp, mất nét vẽ, mất chữ...
@Vuanus Có thể là bác chưa bật chế độ Line Weights lên đó, nếu không bật lên thì những đường line nhỏ sẽ hiển thị ở 1px. Bác thử kiểm tra lại xem sao.
Capture1.PNG
Toan98
ĐẠI BÀNG
7 năm
mình thì xuất bản vẽ ra PDF là bắt buộc!
Mình có mấy file pdf down trên internet về sao mở trong word nó bị lỗi font chữ tùm lum phải coverse thì mới xài đc
Mình dùng mac
@fanclubcongnghe mình cũng gặp một số, hình như là do đấy không phải là font Unicode nên mới bị lỗi
@fanclubcongnghe Là do word 😃 đâu phải do file đâu bạn. Bạn xài adobe acrobat pro edit thử đi, khác hẳn
thỉnh thoảng phải luôn kèm theo FileMinimizer để giảm dung lượng file PDF khi gửi cho customer, nhưng vẫn là định dạng tuyệt vời nhất để gửi tài liệu đảm bảo 😁
PDF là một dạng tài liệu di động Portable Document Format do Adobe phát triển cho nên không vỡ font là bình thường. Nó không dùng font của hệ thống máy đầu cuối mà bản thân nó đã được tích hợp.
Thanhscub
TÍCH CỰC
7 năm
@minhcuongpro1234 Bản thân nó gần giống 1 tấm ảnh có nội dung nên nó không bị bó buộc khi thiếu font. Chỉ khi mở bằng phần mềm thiết kế như Ai thì nó sai font. 😆) chứ mở bằng trình chỉ xem thì không bị.
Vmemory
CAO CẤP
7 năm
@minhcuongpro1234 Word cũng tích hợp font theo file được, Google. Cách này được giới thiệu nhiều năm trước. Về cơ bản có thể làm file Word tương tự như PDF (tích hợp font, read-only, cấm copy, select,...) khi mở lên
Apache
TÍCH CỰC
7 năm
Bài viết hay nhưng sao không nói tới tính năng cho phép nhúng trực tiếp audio, video vào file PDF nhỉ?
Chức năng này sử dụng như thế nào nhỉ
@ngokimphuc Bạn phải có file, và có phần mềm hỗ trợ điền. Ví dụ Preview Trên Mac cho phép điền form nè, không càn cài gì thêm

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019