Samsung Display đang có kế hoạch giảm phụ thuộc vào tấm nền OLED cho smartphone, tìm cách mở rộng kinh doanh sang các phân khúc mới như màn hình laptop, màn hình xe hơi, màn hình hiển vi (microdisplay). Hiện tại, công ty đã từ bỏ LCD và chịu thua trước Trung Quốc, “mặc kệ” đồng hương LGD vẫn tiếp tục bám trụ ở đây. Định hướng tương lai của SDC là dồn lực vào OLED như 1 canh bạc cuối ở thị trường màn hình nói chung. Sự phổ biến của OLED có ý nghĩa rất lớn với họ.
Tại sự kiện IMID 2022 diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc, CEO của SDC là ông Joosun Choi đã công bố chiến lược kinh doanh mới.
Đầu tiên, Samsung tuyên bố đầu tư vào dây chuyền màn hình Gen 8 lần đầu tiên, dự kiến vận hành vào năm 2024. Khoản đầu tư không được tiết lộ cụ thể nhưng có thể áng chừng từ 2 đến 3 tỷ USD. Samsung dự đoán thị trường màn hình phát quang sẽ đạt quy mô 100 tỷ USD vào năm 2030, do vậy họ đầu tư vào dây chuyền OLED Gen 8 với hy vọng tăng gấp đôi doanh thu hàng năm so với hiện tại, đón đầu tương lai. Mục tiêu là vận hành từ năm 2024, bắt đầu từ 15,000 chất nền mỗi tháng.
Tại sự kiện IMID 2022 diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc, CEO của SDC là ông Joosun Choi đã công bố chiến lược kinh doanh mới.
Dây chuyền Gen 8
Đầu tiên, Samsung tuyên bố đầu tư vào dây chuyền màn hình Gen 8 lần đầu tiên, dự kiến vận hành vào năm 2024. Khoản đầu tư không được tiết lộ cụ thể nhưng có thể áng chừng từ 2 đến 3 tỷ USD. Samsung dự đoán thị trường màn hình phát quang sẽ đạt quy mô 100 tỷ USD vào năm 2030, do vậy họ đầu tư vào dây chuyền OLED Gen 8 với hy vọng tăng gấp đôi doanh thu hàng năm so với hiện tại, đón đầu tương lai. Mục tiêu là vận hành từ năm 2024, bắt đầu từ 15,000 chất nền mỗi tháng.
Samsung đầu tư vào dây chuyền Gen 8 để mở rộng sản xuất màn hình cho laptop, tablet
Sự đầu tư ồ ạt này được cho là để giành được đơn hàng cung cấp tấm nền OLED cho Apple, vốn có kế hoạch chuyển đổi từ LCD miniLED hiện nay sang công nghệ OLED vào năm 2024 cho iPad và MacBook. Tuyên bố vừa rồi hoàn toàn trùng khớp với những tin đồn trong ngành công nghiệp trước đó. Trong 1 bài viết khác trên TT, mình đã chia sẻ thông tin rằng SDC hợp tác với ULVAC của Nhật Bản để phát triển các máy lắng đọng chân không chiều dọc, hướng tới ứng dụng trên PC và tablet.
Hiện tại, các dây chuyền OLED Gen 6 chỉ xử lý được đế nền kích thước 1,500 x 1,850 mm, sản xuất màn hình di động cho smartphone là chính. Nếu muốn có đủ công suất phục vụ đơn hàng của Apple nhắc đến ở trên, Samsung cần phải chuyển sang Gen 8 có thể xử lý đế 2,200 x 2,500 mm. Thiết bị của ULVAC là loại chiều dọc đầu tiên trong ngành công nghiệp, hiện nay chủ yếu các hãng màn hình sử dụng máy CVD chiều ngang từ Canon Tokki (Nhật Bản) hoặc đôi khi là Sunic (Hàn Quốc).
Apple có kế hoạch đổi màn hình iPad và MacBook sang OLED từ năm 2024
*Xem thêm: Samsung mua thiết bị Nhật Bản để sản xuất màn hình cho iPad.
Ngoài ra, Samsung nhấn mạnh vào loại OLED gập được để đáp ứng nhu cầu sản xuất laptop màn hình gập. Hiện tại, 1 số công ty như Asus hay Lenovo đã bắt đầu đưa ra sản phẩm mang tính khai phá ý tưởng này nhưng chủ yếu dùng panel AMOLED của BOE (Trung Quốc). Có lẽ Samsung muốn áp dụng kinh nghiệm đã đặt được với tấm nền di động để mở rộng sang phân khúc dành cho laptop. Theo anh em, liệu laptop màn hình gập có được đón nhận như điện thoại gập đã từng không?
Lấn sân micro OLED
Trong ngành công nghiệp màn hình, có 3 phân khúc lớn dựa theo kích thước tấm nền là di động, cỡ vừa và cỡ lớn. Tuy nhiên vẫn còn 1 thị trường ngách khá nhỏ khác, microdisplay hay màn hình hiển vi đề cập tới kích thước dưới 1 inch, chủ yếu ứng dụng lên thiết bị đeo đầu như kính VR/AR. Có 2 công nghệ phát quang được biết đến là OLED on Silicon (OLEDoS) tức dùng wafer silicon làm đế cho lớp diode hữu cơ, thay vì dùng kính (rigid OLED) hoặc nhựa Pi (flexbile OLED) thông thường; hoặc LEDoS (LED on Silicon) là loại đặt diode vô cơ (LED) lên đế silicon. Có thể họ sẽ đầu tư vào cả 2 loại.
*Lưu ý: Cả Organic LED và Inorganic LED (microLED) đều có thể chế tạo với kích thước cực nhỏ thành loại microdisplay. Đừng nhầm lẫn chỉ có micro OLED mới làm được còn microLED thì không.
Quảng cáo
Công ty sắp tham gia thị trường micro OLED mà Sony đang dẫn đầu
Hiện nay, loại micro OLED tức màn hình OLED hiển vi đang bị thống trị bởi Sony. Công ty Nhật Bản sản xuất các màn hình OLED tí hon này thông qua bộ phận bán dẫn vốn nổi tiếng với cảm biến hình ảnh CMOS. Màn hình micro OLED Sony được dùng phổ biến trên camera để làm viewfinder, ngoài ra gần đây có 1 số hãng đã mua về để phát triển kính thông minh, ví dụ Xiaomi. Theo nhiều tin đồn, thế hệ kính AR/VR đầu tiên của Apple khi ra mắt cũng sẽ sử dụng màn hình hiển vi từ hãng. Như vậy, Samsung khi tấn công vào đây sẽ phải cạnh tranh với Sony y như bên thị trường cảm biến.
Ông Choi nhấn mạnh rằng, sự thay đổi của ngành công nghiệp ở phân khúc này sẽ cực kì đáng chú ý. Đầu tiên là họ chuyển từ đế kính truyền thống sang đế silicon. Thứ 2 là phải phát triển công nghệ ống dẫn sóng để truyền tín hiệu hình ảnh từ kính về mắt người dùng, đây được xác định là 1 công nghệ thuộc lĩnh vực quang học. Từ đó, hình thành 1 chuỗi cung ứng hoàn toàn mới để cung cấp cho các hãng sản xuất kính VR/AR. Nhìn chung, với việc ngày càng nhiều công ty để ý và tung ra sản phẩm thăm dò, VR/AR sẽ rất bùng nổ trong tương lai. Dù Google Glass thất bại nhưng các hãng vẫn không từ bỏ!
Thật trùng hợp, mấy tháng trước Sony cũng chia sẻ về kế hoạch tấn công mạnh vào thị trường VR/AR đầy tiềm năng của bộ phận bán dẫn. Tuy nhiên khác với SDC, Sony dường như sẽ phát triển nhiều loại cảm biến và công nghệ quang học chứ không chỉ mỗi microdisplay
Bành trướng lên xe hơi
Cuối cùng, Samsung gợi ý sẽ phát triển màn hình OLED dành cho xe hơi, 1 phân khúc hoàn toàn mới với hãng giống như micro OLED ở trên. Công ty đề xuất hàng loạt ưu điểm hấp dẫn khiến OLED là lựa chọn lý tưởng cho các hãng xe như màu đen sâu hoàn hảo, phản hồi nhanh, viền mỏng,… Đáng chú ý, slide thuyết trình cho thấy Samsung cũng sẽ áp dụng cấu trúc xếp chồng 2 lớp (tandem) để tăng hiệu quả phát sáng của lớp diode hữu cơ. Cho đến nay, SDC vẫn chỉ sản xuất loại 1 lớp (single). Việc tấn công thị trường xe hơi góp phần dẫn đến quyết định nâng cấp kỹ thuật lên loại 2 lớp.
Ở thị trường này, LGD đang là công ty dẫn đầu về việc cung cấp màn hình OLED cho ô tô, đã trúng nhiều hợp đồng với các hãng xe lớn. Bí thuật của công ty cũng là đặt cược vào OLED tandem. Trong tương lai, Samsung sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh quyết liệt với LG. Được biết, công nghệ xếp chồng 2 lớp này cũng là thứ mà Apple “khao khát” khi lên kế hoạch chuyển đổi iPad và MacBook sang OLED.
Quảng cáo
Không chỉ màn hình hiển vi, Samsung cũng muốn tấn công vào màn hình xe hơi vốn đang bị kiểm soát bởi LG Display
Tăng công suất QD-OLED
Cuối cùng, liên quan tới công nghệ OLED cỡ lớn dành cho TV, SDC tuyên bố sẽ mở rộng công suất thêm 30% vào cuối năm nay. Hiện tại, dây chuyền Gen 8.5 Q1 có thể xử lý 30,000 chất nền mỗi tháng. Sau khi đạt được mức công suất lớn hơn, họ sẽ bổ sung 2 kích thước mới là 77 inch và 49 inch để cạnh tranh lại tấm nền White OLED 77 inch của LGD. Trong khi đó, cỡ 49 inch dường như để thêm kích thước cho phân khúc màn hình gaming, hiện đang chỉ có cỡ 34 inch trên Dell Alienware.
Có thể tấm nền QD-OLED 77 và 49 inch sẽ xuất hiện từ năm sau. Những lô hàng màn hình đầu tiên của công ty đã được giao tới Sony, Samsung Electronics và Dell. Cỡ 55 và 65 inch để làm màn hình TV còn 34 inch thì thành màn hình gaming. Theo 1 báo cáo từ công ty tư vấn Mizuho, Sony đã mua 100,000 tấm nền QD-OLED từ SDC, còn Samsung Electronics là 400,000. Trong cuộc thi TV Shootout hàng năm vừa diễn ra, công nghệ QD-OLED đã chứng tỏ sự vượt trội so với White OLED, thể hiện qua cách biệt về điểm số giữa chiếc Bravia XR MASTER A95K của Sony với phần còn lại.
*Xem thêm: Sony Bravia XR MASTER A95K giành danh hiệu “King of TV 4K” năm 2022, đánh bại TV OLED từ Samsung lẫn LG.
Thống kê số lô hàng tấm nền OLED giao cho các hãng TV của hãng tư vấn Mizuho
Bên cạnh tăng công suất và bổ sung kích thước, SDC cũng có ý định cải tiến kỹ thuật tấm nền khi đặt mục tiêu giảm độ mỏng. Họ muốn giảm bớt chi phí sản xuất và mở đường cho hình thái cuộn đối với tấm nền QD-OLED.
SDC sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc (ETRI) để tìm cách sản xuất tấm nền OLED mỏng hơn, bằng cách bỏ bớt đế kính trong cấu trúc xếp lớp hiện tại. Các tấm nền QD-OLED bây giờ đang có 2 đế kính, 1 để đặt lớp TFT có trách nhiệm điều khiển hoạt động của điểm ảnh phát sáng, đế còn lại dùng để đặt bộ đổi màu chấm lượng tử (QDCC). Loại mới sẽ bỏ đi đế kính đặt lớp chấm lượng tử để có thể mỏng hơn.
Samsung muốn loại bỏ lớp đế kính phía trên (sealing substrate) để giảm độ dày và bớt chi phí
Để đạt được điều đó, bộ đổi màu chấm lượng tử sẽ phải được in trực tiếp lên trên lớp Blue OLED vốn đang xếp chồng lên lớp TFT. Dự kiến, nếu thành công thì cũng phải sau năm 2024 công ty mới có thể sản xuất thương mại loại tấm nền mới mà họ gọi là “stacked QD-OLED.”
“Dứt tình” với LCD
Như đã nói ngay từ đầu, giờ SDC chả còn thiết tha gì với công nghệ LCD nữa. Vậy nên mới đây, công ty quyết định chuyển giao nhiều bằng sáng chế (patent) liên quan công nghệ này sang cho hãng khác.
Khoảng 577 patent ở Mỹ đã được nhượng lại cho hãng màn hình Trung Quốc CSOT, trực thuộc tập đoàn TCL. Đây chính là 1 đối tác lâu năm của Samsung ở lĩnh vực màn hình, từng chung vốn xây nhà máy LCD tại Tô Châu, cùng thành lập liên minh QLED cách đây mấy năm để đối chọi lại LG OLED, bản thân CSOT cũng là 1 đơn vị cung ứng panel LCD cho sản phẩm điện tử Samsung. Năm 2020, khi SDC rục rịch đóng cửa kinh doanh LCD, CSOT đã đứng ra mua nốt cổ phần của hãng ở nhà máy Tô Châu.
Tổng cộng khoảng 2,000 patent LCD đã đổi chủ sang CSOT, “dứt tình” với LCD, đường ai nấy đi. Từ giờ, công việc kinh doanh của SDC sẽ tập trung tối đa vào OLED, không còn dây dưa gì với LCD nữa.
Đối với CSOT, họ rất cần số patent mà SDC nắm giữ bởi công ty rất dễ bị tấn công pháp lý tại Mỹ, do thiếu hụt các patent liên quan tới công nghệ LCD. Nhờ vụ sang nhượng này, CSOT sẽ được bảo vệ trước những vụ kiện tiềm năng trong tương lai. Thậm chí, CSOT cũng có thể “vũ khí hóa” kho patent của mình để chống lại các đối thủ cạnh tranh, ví dụ đồng hương BOE đang là hãng màn hình LCD lớn nhất thế giới.
*Cover của bài là SmartEyeGlass của Sony.