So sánh Kindle Oasis 3, Kobo Libra 2, Boox Leaf 2: Ngôi vương Oasis 3 có lung lay?

Harland Nguyen
11/12/2022 10:33Phản hồi: 7
So sánh Kindle Oasis 3, Kobo Libra 2, Boox Leaf 2: Ngôi vương Oasis 3 có lung lay?
Phân khúc máy đọc sách 7 inch vốn từ lâu đã chứng kiến ngôi vương của Kindle với Oasis thế hệ 10, ra mắt năm 2019 (anh em còn gọi là Oasis 3) và Kobo Libra 2 ra mắt năm 2021. Có thể nói, thiết kế kiểu báng cầm ergonomic của Oasis thế hệ đầu tiên đã đặt một nền móng cho các dòng máy đọc sách có phím bấm chuyển trang mà anh em dùng thì chắc chắn sẽ nghiện. Những tháng cuối năm, Boox đã ra mắt Leaf 2 với nhiều điểm thú vị và được nhiều anh em đánh giá cao. Và hãy cùng mình đến với một bài so sánh ba thiết bị nêu trên, liệu Oasis 3 có thật sự “lâm nguy” trước Leaf 2 hay Libra 2 hay không?

Trước khi bắt đầu ….


Đây là một bài so sánh dựa trên 13 tiêu chí với góc nhìn toàn diện nhất. Anh em hoàn toàn có thể lược bỏ tiêu chí mà anh em cảm thấy không cần thiết hoặc thêm vào tiêu chí mình muốn để xây dựng bảng điểm của riêng mình. Ngoài ra, cách chấm điểm của mình trong bài như sau:
  • 1 điểm là mức điểm cao nhất trong một tiêu chí, dành cho thiết bị có ưu điểm vượt trội so với phần còn lại.
  • 0.5 điểm sẽ dành cho thiết bị về nhì hoặc có những điểm độc đáo riêng.
  • 0 điểm sẽ là mức điểm cho thiết bị thua thiệt hoàn toàn.

Tiêu chí 1: Thiết kế


Về thiết kế, tất nhiên chín người thì mười ý. Rất khó để định nghĩa đâu là vẻ đẹp hoàn hảo cho thiết kế của máy đọc sách trong phân khúc này, bởi mỗi máy đều có ưu điểm riêng. Oasis 3 có một phần thiết kế mặt lưng gồ lên trứ danh, tái tạo lại gáy của cuốn sách, Libra 2 có phần báng cầm cong nhẹ ở mặt trên còn Leaf 2 lại vô cùng ấn tượng với độ mỏng 6mm.

hero-image.v1623385989.jpg


Nhưng để chọn ra một chiếc máy có thiết kế tổng thể đẹp nhất, mình xin dành điểm tuyệt đối: 1 điểm cho chiếc Kindle Oasis 3, thiết bị tiên phong thiết kế phím bấm chuyển trang vật lí và phần tay cầm công thái học của máy đọc sách. Libra 2 và Leaf 2 cùng sở hũu 0.5 điểm với những điểm độc đáo riêng của mình.

Tiêu chí 2: Chất liệu


Nói tới chất liệu thì chắc chắn Oasis 3 với thiết kế vỏ kim loại nguyên khối sẽ làm cho tất cả chúng ta đều say mê. Vẻ sang trọng từ vật liệu cùng một phần khung và thân máy chắc nịch sẽ thuyết phục kể cả những người khó tính nhất, xứng đáng với 1 điểm tối đa.
kindle003 (1).jpg

Nhưng ở chiều ngược lại, phần vỏ nhựa của Libra 2 và Leaf 2 cũng không khiến hai thiết bị này thiếu đi sự chỉn chu cần có. Vì vậy, Libra 2 và Leaf 2 tiếp tục nhận được 0.5 điểm nói về phần chất liệu hoàn thiện.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 2: Oasis 3 2 điểm, Libra 2 1 điểm, Leaf 2 1 điểm.

Tiêu chí 3: Khả năng cầm nắm


Chất liệu tốt không đồng nghĩa với khả năng cầm nắm tốt. Điều đó không may xảy ra với Oasis 3, khi phần thân máy làm bằng kim loại dù vô cùng đẹp nhưng lại có yếu điểm: khi các bạn sử dụng máy không kèm bao da thì máy sẽ rất trơn. Thêm vào đó, phần cạnh tiếp giáp giữa khung máy và màn hình được làm vuông chứ không phải bo cong, kết hợp với trọng lượng 188 gram sẽ gây ra một chút khó chịu khi sử dụng.
Amazon-Kindle-Oasis-showing-microUSB-port.jpg
Libra 2 với phần lưng được làm với hoạ tiết sần sẽ khắc phục được vấn đề bám dấu vân tay trên nhựa bóng, phần báng cầm cũng được làm cong, tuy nhiên lại có trọng lượng lên tới 215 gram, nặng nhất phân khúc. Leaf 2 không quá xuất sắc về mặt cầm nắm, tuy nhiên lại có ưu thế vượt trội về mặt cân nặng khi phiên bản màu trắng chỉ có trọng lượng 170 gram, phần viền màn hình của Leaf 2 cũng được bo cong tương đối mềm mại và dễ chịu khi cầm trên tay.
rakuten-kobo-libra-2-review-2021-04.jpg

Quảng cáo



Ở phần này, do không có thiết bị nào có lợi thế tuyệt đối, mình xin dành 0.5 điểm cho Libra 2 và Leaf 2, còn rất tiếc Oasis 3 chưa nhận được điểm ở tiêu chí này.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 3: Oasis 3 2 điểm, Libra 2 1.5 điểm, Leaf 2 1.5 điểm.

Tiêu chí 4: Màn hình và đèn nền



Một trong những tiêu chí mà anh em rất quan tâm đó là khả năng hiển thị của máy. Về độ sắc nét và tương phản, có thể nói rằng Libra 2 là thiết bị có màn hình đẹp nhất với độ nổi khối của chữ, chiều sâu của sắc đen khi hiển thị văn bản. Leaf 2 cũng không kém cạnh với một phần nền trắng có chút sáng hơn, hiển thị được 9 điểm so với Libra 2 và đặc biệt có hai phiên bản màn hình phẳng và màn hình chìm đều cho độ tương phản và sắc nét rất tốt. Oasis 3 do vẫn sử dụng công nghệ E-Ink Carta thế hệ cũ nên khó có thể so sánh với hai thiết bị kể trên trong cuộc đua này.

BIN00807.JPG

Sang tới đèn nền, đây là phần Oasis 3 làm cực kì tốt. Màu vàng của Oasis 3 có thể nói là màu vàng đẹp và đều màu nhất trong làng máy đọc sách hiện tại. So sánh với Libra 2 và Leaf 2 thì Oasis 3 tỏ ra vượt trội hơn hẳn.

Quảng cáo



images-1.jpg

Tổng kết lại, Leaf 2 và Libra 2 chia nhau ngôi vương với 1 điểm cộng thêm, Oasis 3 được 0.5 điểm trong tiêu chí này.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 4: Oasis 3 2.5 điểm, Libra 2 2.5 điểm, Leaf 2 2.5 điểm.

Tiêu chí 5: Phím bấm chuyển trang vật lí


Nhắc tới phím chuyển trang vật lí, không thể không nhắc tới Oasis 3 với một phần phím bấm phản hồi tốt và cực kì êm, hai phím bấm được làm tách biệt tương đối xa và không có chung nhau phần đế. So sánh với Libra 2 và Leaf 2, phần phím bấm của hai thiết bị này được đặt tương đối gần nhau và trên cùng một dải đế nhựa, vì vậy có thể cảm giác bấm chưa đã bằng Oasis 3. Cộng 1 điểm cho Oasis 3, rất tiếc Libra 2 và Leaf 2 chưa thể ghi điểm ở tiêu chí này.

images-4.fill.size_2000x1333.v1611701848.jpg

Tổng kết điểm sau tiêu chí 5: Oasis 3 3.5 điểm, Libra 2 2.5 điểm, Leaf 2 2.5 điểm.

Tiêu chí 6: Giao diện hệ thống


Giao diện hệ thống của các thiết bị phần nào đại diện cho định hướng của mỗi nhà sản xuất. Trên Oasis 3 và Libra 2, phần trang Home tương đối rối rắm với phần quảng cáo sách và trang cửa hàng xen kẽ, nhiều khi bấm nhầm sẽ gây ra sự phiền toái nhất định. Leaf 2 có phần giao diện có ngôn ngữ tiếng Việt phần nào đó gọn gàng hơn, hướng tới các chức năng trực quan hơn và đối với mình, nó dễ nhìn và dễ sử dụng.

20221203_110637.png

Phần màn hình khoá của Leaf 2 chúng ta có thể đặt được hình ảnh tuỳ thích, nhưng chừng đó có thể là chưa đủ với tính năng hiện bìa sách của Libra 2 hoặc Oasis 3, lưu ý là Oasis 3 các bạn phải gỡ bỏ quảng cáo trước mới có thể sử dụng tính năng này.
oborah4f6ft61.jpg

Tổng kết phần này, thực sự rất khó cho điểm. Có lẽ đối với mình, phần giao diện tiếng Việt của Leaf 2 mang tới sự trải nghiệm trực quan, điều đó quan trọng hơn phần bìa sách màn hình khoá, vì vậy mình dành tặng Leaf 2 1 điểm, Oasis 3 và Libra 2 cùng sở hữu 0.5 điểm

Tổng kết điểm sau tiêu chí 6: Oasis 3 4 điểm, Libra 2 3 điểm, Leaf 2 3.5 điểm.

Tiêu chí 7: Khả năng đọc sách chữ


Khả năng đọc file ebook định dạng Mobi, Epub là tính năng cơ bản nhất của những chiếc máy đọc sách, và ở khía cạnh này thì Leaf 2 và Oasis 3 đều làm tốt. Tuy nhiên, Libra 2 với nhược điểm cố hữu chưa hỗ trợ sách ngôn ngữ tiếng Việt sẽ tiêu tốn của các bạn một khoảng thời gian để cài đặt hệ thống font chữ sau khi mở hộp. Điều này tương đối đáng tiếc cho Libra 2.

Về hỗ trợ định dạng, đúng là không một thiết bị nào có thể vượt qua được độ đa dụng của Leaf 2. Leaf 2 hỗ trợ tất cả định dạng Ebook sẽ giúp các bạn không phải đắn đo khi sử dụng cuốn sách. Ở phía ngược lại, Oasis 3 chỉ hỗ trợ Ebook định dạng của Amzon ít nhiều gây ra chút khó khăn. Ngoài ra, Leaf 2 còn hay ho khi có những tinh chỉnh rất nhỏ để chúng ta hiển thị trang sách theo ý mình: Độ rộng lề trên, lề dưới, giãn dòng, kích thước font chữ và độ tương phản đều có thể tuỳ chỉnh ở từng mức độ rất nhỏ hay cả khả năng chuyển văn bản thành giọng nói TTS cho trải nghiệm rất khác biệt.
BIN00782.JPG

Với những sự nổi trội như vậy, Leaf 2 xứng đáng được cộng 1 điểm, Oasis 3 0.5 điểm còn Libra 2 níu lại chút ít với khả năng render chữ có phần sắc nét hơn sẽ nhận 0.5 điểm.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 7: Oasis 3 4.5 điểm, Libra 2 3.5 điểm, Leaf 2 4.5 điểm.

Tiêu chí 8: Khả năng đọc PDF và online


PDF chưa bao giờ là thế mạnh của các máy đọc sách truyền thống kiểu Kindle hay Kobo nếu chỉ sử dụng trình đọc mặc định của máy. Và đó chính là lí do các thiết bị Android như Leaf 2 có chỗ đứng của riêng mình trong thế giới máy đọc sách khi khả năng xử lí PDF được tích hợp trên thiết bị của Boox nói chung phải nói là cực kì tuyệt vời. Các tính năng như reflow, kiểu xem theo cột, v.v. sẽ mang lại khả năng đọc PDF tốt hơn hẳn, có thể nói là phương pháp đặc hiệu cho những file PDF định dạng A4. Ngoài ra, Libra 2 với một hệ điều hành mở dễ dàng cài đặt thêm trình đọc KoReader cũng sẽ là một giải pháp chống cháy nếu các bạn có nhu cầu đọc PDF, còn nếu sử dụng Kindle, chúng ta vẫn cứ phải đặt việc đọc sách PDF qua một bên.
20221203_111233.jpg

Đọc sách online một lần nữa là điểm cộng của Leaf 2. Sử dụng hệ điều hành Android, Leaf 2 quả là không ngán bất cứ một nền tảng đọc sách nào. Cài đặt app Kindle, Wattpad hay đọc truyện Online sẽ là câu chuyện cực kì đơn giản với người dùng Leaf 2. Đối với Kobo, chúng ta cũng có thể sử dụng tính năng Pocket để lưu trang web sang máy, còn quay lại Kindle, một lần nữa chúng ta phải luôn ghi nhớ: Kindle sinh ra để mua sách và đọc sách của Amazon, vì vậy không nên đòi hỏi ở thiết bị này quá nhiều.
4eb464e6e9772f297666.jpg

Ở tiêu chí này, rõ ràng Leaf 2 làm tốt hơn cả, xứng đáng với 1 điểm. Libra 2 được 0.5 điểm, còn Oasis 3 chưa ghi được điểm.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 8: Oasis 3 4.5 điểm, Libra 2 4 điểm, Leaf 2 5.5 điểm.

Tiêu chí 9: Khả năng đọc truyện tranh


Nhắc tới khả năng đọc truyện tranh ta phải nhắc tới hai yếu tố: Bộ nhớ và khả năng tuỳ chỉnh trang truyện. Và với hai khía cạnh này, Leaf 2 xứng đáng nhận 1 điểm tuyệt đối khi có khả năng mở rộng bộ nhớ bằng thẻ microSD lên tới 512GB và USB OTG cùng khả năng tuỳ chỉnh độ tương phản của trang truyện khiến nội dung hiển thị vô cùng nịnh mắt, kèm theo khả năng đọc mọi định dạng truyện tranh cũng khiến Leaf 2 trở nên quá vượt trội. Libra 2 dù vẫn tồn tại yếu điểm về bộ nhớ nhưng trình đọc KOReader sẽ phần nào thoả mãn được nhu cầu đọc truyện ở mọi định dạng file, còn Kindle lại vô cùng lợi thế bởi một kho truyện tranh khổng lồ do cộng đồng xây dựng.
Leaf2.jpg

Mình sẽ vẫn chấm Oasis 3 và Libra 2 0.5 điểm với nhu cầu đọc truyện tranh bởi vẫn có giải pháp để đọc truyện tranh trên hai chiếc máy này, đồng thời cả hai đều sở hữu bộ nhớ 32GB.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 9: Oasis 3 5 điểm, Libra 2 4.5 điểm, Leaf 2 6.5 điểm.

Tiêu chí 10: Khả năng kết nối và tải sách


Phải dành lời khen cho Leaf 2 và Libra 2 khi đã cập nhật kết nối USB-C để tải sách và sạc thiết bị. Trong bối cảnh khi gần như tất cả các thiết bị đều chuyển qua kết nối USB-C, việc Oasis 3 vẫn mang kết nối cũ là một điểm mà chúng ta phải đợi tới Oasis 4 mới có thể cải thiện.
86033d16633d9ce49179661ac98250fe.jpg

Ngoài ra, Leaf 2 còn cho một khả năng tải sách vô cùng tiện lợi thông qua Boox Drop để tải file không giới hạn dung lượng với tốc độ nhanh chóng, Kobo cho khả năng đồng bộ qua Dropbox còn tính năng Send to Kindle lại mang quá nhiều rào cản bởi dung lượng và định dạng, vì vậy kết nối USB vẫn là cách tiện nhất để copy sách tới Oasis 3.

[​IMG]

Ở tiêu chí này, dành tặng 1 điểm cho Leaf 2, 0.5 điểm cho Libra 2, đối với Oasis 3 thì dù sao tính năng Send To Kindle cũng khá hay ho nếu biết tận dụng đúng cách, vì vậy cũng dành 0.5 điểm cho Oasis 3.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 10: Oasis 3 5.5 điểm, Libra 2 5 điểm, Leaf 2 7.5 điểm.

Tiêu chí 11: Khả năng đồng bộ tiến trình đọc


9tGeRG2mFUwom9po3Vwide.jpg

Đổi lại, Kindle có hệ sinh thái ứng dụng quá tốt khi tiến trình đọc có thể sync giữa các thiết bị mobile và máy đọc sách đối với những file trên cloud, Leaf 2 thì mới phát triển khả năng đồng bộ giữa các thiết bị Boox còn Libra 2 chỉ đồng bộ sách mua từ store. Rõ ràng Oasis 3 có 1 điểm tuyệt đối, Libra 2 và Leaf 2 cùng chia nhau 0.5 điểm ở vị trí thứ hai.

Tổng kết điểm sau tiêu chí 11: Oasis 3 6.5 điểm, Libra 2 5.5 điểm, Leaf 2 8 điểm.

Tiêu chí 12: Khả năng kháng nước


Không ngần ngại tặng Oasis 3 và Libra 2 1 điểm tuyệt đối do cả hai đều có khả năng kháng nước IPX8, cho phép chống nước ở độ sâu 2m trong 30 phút. Tính năng kháng nước ít nhiều sẽ mang tới sự bảo vệ khi không may các bạn làm nước văng vào máy hay đi trời mưa ở những tình huống cực kỳ hy hữu. Leaf 2 không có điểm trong phần này do chưa có tiêu chuẩn kháng nước.
19-amazon-kindle-oasis-2019.jpg

Tổng kết điểm sau tiêu chí 12: Oasis 3 7.5 điểm, Libra 2 6.5 điểm, Leaf 2 8 điểm.

Tiêu chí 13: Thời lượng pin và thời gian sạc


Sử dụng để đọc sách thông thường, mức đèn nền khoảng 50%, Libra 2 khiến mình thật sự ấn tượng với thời lượng pin lên tới hơn 40 giờ. Leaf 2 ở vị trí thứ hai với thời lượng pin 26 giờ và Oasis 3 về chót với chỉ khoảng 18 giờ đọc. Thêm vào đó, thời gian sạc của Oasis 3 cũng là lâu nhất với khoảng 2 giờ 10 phút, Leaf 2 nhanh nhất với 1 giờ 15 phút còn Libra 2 về nhì ở khoảng 1 giờ 45 phút.
Ở phần này, mình xin tặng Libra 2 1 điểm, Leaf 2 0.5 điểm, Oasis 3 chưa có điểm.

Tổng kết


Sau 13 tiêu chí đánh giá, Oasis 3 đạt 7.5 điểm, Libra 2 7.5 điểm, Leaf 2 8.5 điểm, có thể thấy Leaf 2, Oasis 3 và Libra 2 đều bám đuổi nhau rất sát sao. Cách biệt một điểm theo mình nhận định sẽ không có thiết bị nào có một ưu thế tuyệt đối so với phần còn lại. Tuy vậy, sẽ có một số điểm các bạn sẽ cần lưu ý để chọn cho mình một thiết bị phù hợp nhất:
  • Nếu các bạn đã quen với hệ sinh thái của Kindle và đặc biệt say mê Oasis 3 bởi thiết kế của nó, hãy tin mình đi, những nhược điểm của Oasis 3 như thời lượng pin, màn hình công nghệ cũ và một số hạn chế khi tải và đọc file sẽ là một chuyện bạn dễ dàng chấp nhận. Sử dụng Oasis 3 cho nhu cầu đọc Ebook hàng ngày vẫn là một lựa chọn không tồi với đại đa số người dùng máy đọc sách hiện nay.
  • Nếu bạn yêu thiết kế điệu đà và màn hình của Libra 2, mong muốn có một khả năng đọc PDF ở mức độ chống cháy, lại có thêm một chút kiến thức về kỹ thuật để có thể vọc vạch trong quá trình sử dụng, bạn hoàn toàn có thể rước Libra 2 về nhà. Đối với các bạn ít có kiến thức về IT, lời khuyên của mình là không nên lựa chọn Libra 2 để tránh những sự cố không đáng có trong quá trình sử dụng.
  • Không phải là thiết bị quá nổi bật về chất liệu, khả năng cầm nắm nhưng Leaf 2 tổng hoà lại là một thiết bị dung hoà nhiều yếu tố. Bạn vẫn có một phần màn hình hiển thị sắc nét, khả năng đọc trên mọi định dạng kể cà PDF cũng như ứng dụng online cùng một vài tính năng hay ho khác. Có lẽ quan điểm xây dựng Leaf 2 trở thành thiết bị đọc sách phục vụ mọi nhu cầu của Boox là quá rõ ràng và đây là một chiếc máy đọc sách đáng mua ở thời điểm hiện tại.
Vậy còn anh em thì sao, đâu là điểm anh em ưng nhất khi sử dụng một trong những chiếc máy đọc sách này?
7 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Rất chi tiết 👍
Có vẻ ưu ái cho Oasis cái khúc nút bấm.
Không chung đế ko có nghĩa là tốt hơn chung đế phím ở khả năng và cảm giác bấm.
Ý kiến riêng là oasis cái gì củng ok trừ pin và khả năng cầm trơn trượt, 2 thứ ảnh hưởng cực nhiều đến việc đọc sách. Leaf 2 ko có tiêu chuẩn chống nước tức là ko có chống nước thì máy sẽ ko "thọ" bằng 2 con kia.
Về phần mềm thì android tiện nhưng căn bản máy đọc sách ko cần thiết phải đến như vậy.
Ý kiến riêng/
Bài hay và công phu
Đi tìm chiếc máy đọc sách hoàn hảo.
Mình cũng đang tham khảo 1 chiếc máy đọc sách phù hợp. Và có vẻ như mình sẽ chọn em boox leaf 2 😁
Bài viết rất hay.và mình cũng đang tham khảo nên mua boox leaf2 hay boox page
3d8x
ĐẠI BÀNG
4 tháng
Đã order libra 2 vif màn đẹp nhất và có chống nước.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019