1. Loa Neumann KH 80 DSP và KH 120 II
Năm vừa rồi mình chuyển sang sử dụng loa active monitors nhiều hơn hẳn so với loa hi-fi truyền thống. Không có lý do cụ thể nào cho việc này, đơn giản là thích. KH 80 DSP và KH 120 II nhỏ gọn, công suất lại cao, có XLR input để mình có thể dùng Chord Hugo TT, HiFiMan Serenade, Ferrum Wandla làm DAC/pre.
KH 80 DSP và KH 120 II đều làm mình hài lòng khi dùng chúng như loa vi tính, chơi game, nghe nhạc rất hay, sống động. Mà không cần mua amplifier, không bị thuốc dây loa, dây nguồn. Bạn chỉ cần một cặp dây XLR có chất lượng tốt, như mình đang dùng thì là dây của Sommer, Analysis Plus Silver, Enklein ION là đánh mát trời ông địa.
Một trong những tính năng nổi bật của 2 loa này là khả năng điều chỉnh DSP thông qua phần mềm Control Tools. Người dùng có thể tùy chỉnh các thông số âm thanh như độ tương phản, độ chính xác, độ tách bạch và thậm chí điều chỉnh vị trí nghe thông qua cài đặt DSP.
Bài chi tiết:
Khui quà chơi lễ: loa Neumann KH 120 II và audio interface MT 48
Trên tay loa kiểm âm nhập môn: Neumann KH 80 DSP
2. DAC Ferrum Wandla
Khi mà đã có được cho mình con KH 120 II rồi nhất nhất phải sắm cho được em DAC hợp cạ.
Ferrum Wandla là thiết bị mình đã mong muốn mua từ lâu: nó vừa là một DAC cao cấp với âm thanh cân bằng, sáng rõ, tuyến tính mà không bị chói gắt hay mỏng tiếng.
Quảng cáo
Wandla có analog input mạch analog preamplifier tách biệt hoàn toàn với mạch DAC nên có thể dùng nó như một preamp để nối mâm đĩa, đầu CD vào và nghe với KH 120 II hay bất kỳ loa active nào khác.
Bài chi tiết:
Ferrum Wandla - DAC và Preamplifier tuyệt vời cho người chơi loa active
3. FiiO SP3
Loa vi tính trong tầm giá 10tr mà mình cho là đáng mua nhất hiện nay: thân hình nhỏ gọn, âm thanh rộng mở, khỏe khoắn, thùng loa bằng…bằng cái gì thì mình không rõ, FiiO ghi là “Liquid Metal”, vậy chắc nó là kim loại. Loa có kích thước 163mm x 120mm x 132mm, được trang bị 1 loa bass carbon fibre và 1 silk tweeter với thiết kế 2 đường tiếng, tổng công suất cho cả 2 loa là 80W.
Quảng cáo
Chất lượng gia công của FiiO là không có đối thủ trong tầm giá, điển hình là toàn bộ phần thân của SP3 hầu như không có khe hở hay lỗi gia công, chứng tỏ loa được làm và kiểm định rất kỹ lưỡng.
Bài chi tiết:
FiiO SP3: loa vi tính 2-way nhỏ gọn, thùng loa bằng kim loại, âm thanh rực rỡ, 8.000.000
4. iFi Go Pod
Go Pod là một bộ true wireless bluetooth receiver, được phát triển để giúp anh em biến mấy con tai nghe in-ear cao cấp của Sennheiser, Campfire, Noble, Empire Ears… thành tai nghe không dây mà chất lượng đảm bảo là ngon hơn mấy em true wireless phổ biến. Em này có mạch giải mã và khuếch đại balanced được tách rời khỏi SoC QCC5144, sử dụng chip DAC của CirrusLogic nên có thể mang lại âm thanh sắc nét, mạch amplifier có công suất maximum được 120mW @ 32 ohms nên rất khỏe, có thể khai thác tốt nhiều cấu hình tai nghe in-ear. Go Pod tự động nhận biết trở kháng của tai nghe và tùy chỉnh cường độ dòng điện cho phù hợp, bao gồm 4 chế độ 16Ω, 32Ω, 64Ω và 300Ω.
Về âm thanh thì Go Pod có tổng thể tiếng ấm, tối, tiếng dải trầm mạnh khỏe, dày dặn và có tốc độ tốt, tiếng upper căng và khỏe cùng treble giàu năng lượng, rất rõ ràng khi phối ghép với các tai nghe như Campfire Andromeda Emerald Sea, Noble Stage 3, Sennheiser IE 900.
GO Pod dùng SoC QCC5144 hỗ trợ công nghệ Bluetooth 5.2 theo chuẩn QHS (Qualcomm High Speed), tương thích codec aptX HD và aptX Adaptive (48kHz - 96kHz/24-bit), LDAC và LHDC/HWA (96kHz/32-bit), ngoài ra cũng hỗ trợ các codec thông dụng như aptX, AAC, SBC và aptX Low Latency.
Bài chi tiết:
iFi Go Pod: biến tai nghe hi-end IEM (in-ear monitors) thành true wireless cao cấp
5. Sennheiser Profile Mic
Chiếc mic condenser nhỏ gọn, dễ sử dụng, cắm điện thoại hay laptop đều hoạt động trơn tru. Mình thường dùng nó cho nhu cầu livestream tại nhà, chơi game và cho con em mượn để làm lồng tiếng cho cái vlog dạy trang điểm. Bài viết về em này thì không ít, bạn có thể xem qua podcast này để đánh giá được chất lượng thu âm của Profile Mic nhé.
6. Primaluna Dialogue Premium Integrated Amplifier
Đây là cái tube amplifier mình sử dụng cho cặp loa Neat SX3, cả 2 vốn đã hơn 8 năm tuổi rồi nhưng cất kho lâu quá, sẵn năm nay được tặng cái kệ bằng gỗ thịt vừa chắc vừa nặng nên mình set up một bộ loa bookshelf và amplifier nho nhỏ nghe với mâm Rega RP6. Phối ghép qua lại từ Simaudio Moon 250i, rồi Synthesis Soprano, Music Hall A30.3 rồi tới cuối cùng là Primaluna Dialogue Premium thì mình dừng vì âm thanh ra rất là vừa ý: trong vắt, ngọt ngào, giàu nhạc tính, và trông chúng đi chung với nhau rất là dễ thương.
Primaluna Dialogue Premium là amplifier dùng 6 bóng 12au7 cho tầng pre và tầng lái, 4 bóng KT88/KT120/EL34 cho phần công suất, đây là mẫu cao cấp của hãng hồi 8 9 năm trước nên phần linh kiện được đầu tư tốt.
Mình có kiểm tra qua thì tụ nối các tầng đèn và các cụm tụ lọc, thoát cathode, biến trở đều ở tình trạng tốt nên chỉ thay toàn bộ 6 bóng 12au7 thành bóng RCA (New old stock) với 2 em 12au7 cleap top cho tầng pre, phần bóng công suất thì dùng Genalex Gold Lion mới, âm thanh đánh rock rất là sướng tai, bóng zin của Primaluna đi kèm thường nghe không được hay lắm đâu nên anh em cứ thay JJ hoặc cao cấp hơn thì kiếm Genalex mới là con amp như lột xác vậy.
Em tube amp này có 2 chế độ chạy là Ultralinear (nối lưới G2 của đèn với tap UL trên cuộn thứ cấp của OPT) cho công suất tới ~ 60W @ 8 ohms (KT88) và chế độ 3 cực (triode mode) cho công suất đâu đó ~ 30W. Mình nghe solo piano và violin thì nghe triode còn nghe các thể loại khác thì hợp tai với Ultralinear hơn.
7. HiFiMan Ananda Nano
Ananda Nano dùng driver planarmagnetic màng loa cùng công nghệ với 2 tai nghe đầu bảng là Susvara và HE1000, và vẫn sử dụng hệ thống nam châm Stealth Magnet, nghe là đã thấy uy tín. Ananda Nano có trở kháng 14 ohms, độ nhạy chỉ 94dB nên cũng cần amplifier để khai thác cho tốt.
Ananda Nano sử dụng màng loa rất mỏng, cho phép nó dao động chính xác hơn với các âm siêu cao và siêu trầm, cùng với lợi điểm của màng loa planarmagnetic lớn, nó dễ làm ta “wow” lên vì độ chi tiết của nhạc cụ, mật độ của hài âm, tốc độ nhạc ấn tượng, tiếng bass nhanh, căng, sống động, dứt khoát, đánh tiếng trầm tới cả khung đầu còn nghe rần rần chứ nói gì là màng nhĩ. Tiếng bass của Ananda nhiều, nhanh, gọn, sâu đến kỳ lạ.
Tuy là nghe hay, nhưng ngoại hình của Ananda Nano thì vẫn không được cải thiện là mấy so với các sản phẩm tiền nhiệm.
8. Noble Stage 3
2023 mình nghe khá nhiều in-ear, nhưng nổi bật nhất trong số chúng là Noble Stage 3: ngoại hình giản dị, đeo thoải mái, âm thanh sống động, dễ nghe, dễ phối ghép và không quá đắt.
Stage 3 có thiết kế hybrid gồm 1 driver dynamic và 2 driver balanced armature, vỏ được in 3D bằng resin cao cấp, ống dẫn âm bằng thép không gỉ và dây đi kèm có thể thay đổi được kết nối 3.5/2.5/4.4mm.
Stage 3 hướng tới ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, đeo rất thoải mái, vừa vặn. Âm thanh của con này phiêu lắm anh em, nó không phải kiểu tiếng cân bằng, chính xác mà khá là nịnh tai, fun, giàu động lực, đánh bass tưng bừng, nẩy nở mà không kéo đuôi, high mid ngọt ngào, trau chuốt. Highly recommend!
9. Con cá lóc Channa Aurantimaculata đã trưởng thành
Nuôi cá là quá trình trải nghiệm giàu cảm xúc, chứng kiến và dõi theo con cá thay đổi và phát triển từ ngày đầu tiên về hồ tới lúc trổ mã là một sự hạnh phúc. Mình nuôi cũng nhiều cá lóc, đâu đó 13-14 con nhưng đây là con đầu tiên mình nuôi và cũng là con thích nhất.
Mình mua lúc nó 16-17cm, lúc đó trông nó không khác con cá lóc đồng là mấy vì màu sắc chưa phát triển, nhưng qua 2 năm tu luyện trong hồ, bả bây giờ đã 53cm, rất lanh lợi và chịu đùa giỡn với mọi người.
Cá lóc khi đã quen hồ và nhận chủ thì chúng rất là láo nháo, tăng động, lúc nào cũng nhoi nhoi lên trông vui mắt. Bản tính của tụi này là hung dữ, nhưng chúng chỉ quyết chiến một mất một còn với đồng loại mà thôi.
Nên nuôi chung với những con cá khác mà không phải cá lóc, và quan trọng là … to hơn cái miệng của nó là được, ví dụ mình đang giữ nó chung với một con bống tượng 30cm, 1 con bichir (cửu sừng, 35cm) và một em rô phi to đùng, nó có thể ăn hiếp nhưng không ăn được con nào cả.
10. Cá nóc Fahaka trưởng thành, và một cá nóc Mbu 18cm (rất độc, ăn là chết)
Mình nuôi em này đã được một năm, lúc mang về là 7cm và đã trải qua 3 cái hồ từ bé tới lớn. Giờ đã 40cm
Fahaka là loài cá nóc nước ngọt to thứ nhì thế giới, thuộc lưu vực sông Nile, chúng rất dữ.
Đây là nó khi mới về.
Con này có 4 răng (tetraodon) trông như răng người, dùng để cắn và nghiền vỏ của các loài giáp xác, mình nuôi lớn nó bằng tôm, sò huyết và ngêu đông lạnh.
Và đây là nó bây giờ, nó to quá nên phải dọn bớt lũa gỗ và đá trong hồ đi cho bả có chỗ bơi. Anh em có nuôi thì nên nuôi riêng, hoặc nuôi chung với các dòng cá nhỏ có tốc độ cao, tránh nuôi chung với các con cá tầng đáy như pleco hay cá chuột vì Fahaka hay đi mò đáy tìm đồ ăn, nó táp trung cặp mắt con pleco là hết cứu.
Nuôi lâu rồi thì mình và gia đình đã có được một con pet trông buồn cười cực, ăn gì nó cũng bơi lên xin, rửa chén nó cũng đi hóng chuyện.
Ngoài Fahaka thì mình cũng đang nuôi một em cá nóc Mbu Puffer fish, con này là cá nóc nước ngọt đặc hữu của Congo, kích thước cực đại có thể lên đến 70-80cm, em Mbu của mình thì mới 16-17cm mà thôi.
Mbu thì hiền hơn Fahaka rất nhiều nên có thể nuôi cộng đồng chung với rất nhiều cá nhỏ khác, bạn còn có thể ôm và nựng nó như con chó con vậy đó 😁.
Xem thêm video về 2 con này tại đây:
11. Bài hát mình thích nhất năm nay: Như Giấc Chiêm Bao, Ngọc Lan hát
12. Đĩa nhạc mình thích nhất năm nay
Symphony No.5 của Prokofiev là một kiệt tác xuất chúng khi nói về nhạc cổ điển hiện đại (1944). Album này được Everest thu âm trên analog tape 35mm, chứa được thông tin rất nhiều so với băng tape 1/2 inch thông thường, mang đến độ động, sự hài hoà âm sắc và nền âm cực tĩnh.
Bản thu này do Sir Malcolm Sargent cùng dàn nhạc giao hưởng London Symphony Orchestra trình diễn năm 1960 chỉ có ở trên đĩa vinyl, mình ko tìm thấy link stream cho anh em, nghe đỡ bản youtube này nhé.
13. Trải nghiệm vui nhất 2023: Ultra trail Đà Lạt 2023
Đây là lần đầu tiên mình chạy trail và bà vợ chọn cho cự ly 25km, về đích đâu đó lúc 2h30 chiều, cảm giác đi thong dong lững thững giữa đồi thông mà không để ý tới thời gian, lỗ tai đeo Airpods Pro, nhạc thì mở Mộng Chiều Xuân do Thanh Long Bass hát, là trải nghiệm tuyệt vời, hơn cả việc hoàn thành đường chạy.