Zenbook Pro 14 OLED gây ấn tượng với mình bởi nó có màn hình rất đẹp, hiệu năng ổn trong một thân hình mỏng nhẹ, sở hữu cả Core i9-13900H và RTX 4060. Nhìn bên ngoài anh em sẽ gần như không biết được đây là một chiếc laptop sáng tạo nội dung, bởi vì nó trông không khác gì một chiếc ultrabook văn phòng mà thậm chí dòng Zenbook S OLED của ASUS còn có ngoại hình bắt mắt hơn.
Chiếc laptop này đang có mức giá xấp xỉ 52 triệu đồng cho hàng chinh hãng bảo hành 2 năm. Cũng y chang cấu hình này với RAM 32GB và SSD 1TB, mức giá này không hề rẻ mà nhìn chung laptop dành cho creator thì ít có mẫu máy nào rẻ lắm anh em.
Chiếc laptop này đang có mức giá xấp xỉ 52 triệu đồng cho hàng chinh hãng bảo hành 2 năm. Cũng y chang cấu hình này với RAM 32GB và SSD 1TB, mức giá này không hề rẻ mà nhìn chung laptop dành cho creator thì ít có mẫu máy nào rẻ lắm anh em.
Thiết kế đơn giản nhưng đã đến lúc cần thay đổi
Nếu nói về thiết kế bên ngoài của Zenbook Pro 14 OLED thì nó không có nhiều sự hấp dẫn, ngoại hình bên ngoài của chiếc máy này không có sự lấp lánh, hấp dẫn từ những giây phút đầu tiên mà thực tế chúng ta phải sử dụng nó thì mới hiểu mà thích nó được.
Cái đẹp sẽ tuỳ vào mỗi người, với cá nhân mình thì một chiếc laptop có sự chỉn chu, hoàn thiện tốt là được, nếu có thêm những chi tiết điểm xuyến vào thì tốt, còn không có cũng không sao, có lẽ mình là người dễ chịu.
Zenbook Pro 14 OLED cũng không mỏng bằng dòng Zenbook S được, mỏng quá thì không thể có được hiệu năng cao và tản nhiệt ngon. Máy cũng không quá nặng, 1.6kg vẫn ổn, mang đi làm hàng ngày vẫn thoải mái, chưa kể nó còn đạt tiêu chuẩn độ bền quân đội Mỹ nên có thể yên tâm trong quá trình sử dụng, nhưng máy có bền bỉ và đẹp theo thời gian hay không thì do cách sử dụng của mỗi người chúng ta nữa, giữ gìn nó tốt thì máy sẽ đẹp và bền lâu.
Năm nay mình chú ý đến cách gia công của ASUS với dòng Zenbook Pro này, dù gì đây cũng là dòng máy flagship, cao cấp của họ. Zenbook Pro 14 OLED cách riêng này hoàn thiện full nhôm ở cả 3 mặt A,C,D nhưng điều đáng khen là ASUS họ dùng nhôm khá dày bản, tạo cảm giác cứng cáp, gõ phím hoàn toàn không có cảm giác ọp ẹp, cầm lên cũng không có cảm giác đó, tuy nhiên mặt A nếu nhấn mạnh vào thì vẫn sẽ phát ra những tiếng kêu, đây là điều không nên có ở một chiếc laptop cao cấp.
Tiếp đến là khung viền nhựa bao xung quanh màn hình và phần kính phủ màn hình, mình không rõ có phải là kính không nhưng cách phản chiếu hình ảnh qua màn hình của Zenbook không giống như kính. Mình cảm giác nó là phủ nhựa hoặc một lớp kính đặc biệt nào đó mà mình không rõ. Về khung nhựa bao quanh màn hình thì mình cũng không thích chi tiết này trên nhiều mẫu laptop chứ không phải riêng thì ASUS. Mình thấy với những chiếc laptop phủ kính bóng (glossy) và có tấm nền OLED thì hãng nên làm phần kính tràn ra đến các phần cạnh viền của máy, nó sẽ giúp cho máy có cảm giác cao cấp và xịn hơn.
Phần bản lề của máy khá chắc chắn và có thể mở bằng một tay, tự tin và dễ dàng. Mình cũng thích camera của máy với cảm biến hồng ngoại mở khoá bằng khuôn mặt rất nhanh, thực sự là rất nhanh luôn.
Mình cũng thích bàn phím của Zenbook Pro 14 OLED, gõ đã và hành trình sâu, cảm giác phím nảy và phản hồi tốt, layout thì hợp lý hơn nhiều rồi vì không còn hàng phím chức năng bên phải nữa. Với nhiều laptop bây giờ mình thấy rằng họ có tích hợp khả năng tự động kích hoạt đèn nền mỗi khi ánh sáng môi trường không đủ sáng, nó hoạt động khá tốt và làm mình không cần phải bật đèn nền thủ công nữa, một chi tiết nhỏ nhưng mà hay.
Phía dưới bàn phím là touchpad với diện tích khá lớn, tích hợp Dial cho các tác vụ đồ hoạ, Dial này anh em không lạ trên những chiếc laptop Zenbook của ASUS nữa, nhưng mình lại không thích cách ASUS tích hợp vào trong touchpad như vậy, có lẽ là để tối ưu diện tích linh phụ kiện bên dưới.
Cổng kết nối của máy khá đầy đủ và đặc biệt mình thich khe thẻ SD, chỉnh hình bây giờ là cực nhanh khi không cần phải đi tìm cái hub hoặc cắm hub vào nữa, đơn giản đi 1 thao tác là cũng đủ làm mình vui rồi, mình thích laptop có khe thẻ SD vì mình làm việc với hình ảnh khá nhiều. Ngoài khe thẻ SD thì chúng ta sẽ có HDMI 2.1, USB-C Thunderbolt 4, USB-C 3.2 (hỗ trợ DisplayPort), USB-A 3.2 và một jack 3.5mm.
Quảng cáo
Thiết kế của Zenbook Pro 14 OLED dù là một chiếc laptop cao cấp nhưng cá nhân mình thấy nó vẫn chưa thoát ra hẳn được những dòng Zenbook trong quá khứ, chưa thực sự toát lên hẳn vẻ cao cấp và sáng tạo, nếu so với những dòng Zenbook phổ thông khác. ASUS theo mình biết thì họ là một trong những hãng laptop rất chịu khó sáng tạo, kể cả với dòng Zenbook cũng vậy và mình hi vọng rằng thế hệ năm sau sẽ có sự đột phá từ ASUS về thiết kế cho dòng Zenbook Pro.
Màn hình OLED rất đẹp, trong và sáng
Mình cực thích màn hình của chiếc laptop này vì nó rất đẹp, tấm nền OLED với độ chính xác màu sắc cao, được chứng nhận Pantone Validated và đạt 100% ở dải màu DCI-P3, dải màu phổ biến cho điện ảnh, tốc độ làm tươi lại còn lên đến 120Hz. Với một chiếc màn hình OLED nói chung, thời gian phản hồi của nó đã thấp hơn so với màn hình IPS LCD, nhưng đây lại là màn hình có tốc độ làm tươi cao nữa thì trải nghiệm cuộn trên tấm nền này cực đã.
Mình cũng đo thử các dải màu sắc khác của Zenbook Pro 14 OLED và thấy rằng các dải màu phổ biến như sRGB, AdobeRGB và DCI-P3 đều gần đạt 100%, độ sáng của máy cũng đạt mức hơn 400 nits, theo công bố của ASUS thì nếu kích hoạt HDR sẽ đạt peak là 600 nits. Delta E của Zenbook Pro 14 OLED cũng rất ổn để làm các công việc đồ hoạ, dưới 2 được xem là một mức chấp nhận được để làm việc liên quan màu sắc.
Điểm mình chưa hài lòng về phần màn hình của chiếc laptop này đã chia sẻ ở trên, thực ra chúng ta không chạm hay đụng gì vào khu vực này đâu, nhưng ở một mức giá hơn 50 triệu đồng thì mình có thể đòi hỏi cao hơn ở ASUS trong việc hoàn thiện máy. Bù lại thì viền màn hình của máy mỏng và đạt tỉ lệ 90% nếu so với thân máy.
Quảng cáo
Một lưu ý nhỏ cho anh em đó là ASUS cho người dùng một tuỳ chọn với màn hình cảm ứng và hỗ trợ bút Stylus 4096 mức độ lực, phiên bản mình trải nghiệm không được trang bị tấm cảm ứng.
Hiệu năng
Core i9-13900H và RTX 4060, RAM 32GB DDR5 và SSD PCIe 4.0 1TB là cấu hình gần như max option của Zenbook Pro 14, nếu lựa chọn RTX 4070 thì đụng nóc luôn nhưng RTX 4060 theo mình đem lại sự cân bằng nhất cho chiếc máy này, kể cả cho hiệu năng và hệ thống tản nhiệt.
Trước tiên phải kể đến bộ nguồn của Zenbook Pro 14 OLED có công suất 200W, Core i9-13900H có thể ăn tối đa 135W điện, RTX 4060 cũng xấp xỉ 140W (115W base + 25W Dynamic Boost) nên có thể thấy ngay từ đầu sức mạnh của bộ đôi này sẽ bị kìm hãm phần nào trên chiếc laptop này.
Thực tế kìm hãm bao nhiêu phần trăm thì anh em có thể xem các điểm số benchmark mình thể hiện ở trên đây, cả về CPU lẫn GPU, công suất tiêu thụ điện của CPU có thể đẩy lên tối đa 115W và ổn định ở…60W. Lí do là vì khi đẩy điện năng lên quá cao thì nhiệt độ CPU nhanh chóng chạm ngưỡng 97 độ C và buộc phải cắt điện để tránh làm máy quá nóng và bị throttling. Nếu anh em cần các công việc render bằng CPU trong thời gian ngắn, khoảng dưới 2 phút cho một project thì máy vẫn cho khả năng bung lụa CPU ở mức tối đa.
Core i9-13900H có 8 nhân P xung 5.4GHz và 8 nhân E xung 4.1GHz hoàn toàn không phải CPU yếu nhưng đặt vào Zenbook Pro 14 OLED thì nó không thể hiện hết được sức mạnh, cũng đúng thôi vì chiếc máy này mỏng và không đủ sức để gánh Core i9-13900H, theo mình anh em có thể chọn option Core i7-13700H cho tiết kiệm chi phí, hiệu năng không chênh lệch quá nhiều. Nhưng việc đạt được mức xung 5GHz cho một chiếc máy mỏng và nhẹ thế này thì cũng là một điều đáng khen.
Về phần GPU NVIDIA RTX 4060, TGP của nó cũng xấp xỉ 140W nhưng với Zenbook Pro 14 OLED thì nó bị giới hạn ở mức 80W. Với bài test Furmark của mình thì mức trần nhiệt cho bài stress test GPU trong 15 phút là khoảng 76 độ C, mức này có thể gọi là ổn tức hệ thống tản nhiệt của máy vẫn có thể chịu được. Xung nhịp RTX 4060 trên Zenbook Pro 14 OLED có thể lên đến 2100MHz, tối đa là 2500MHz, mức xung khá cao.
RTX 4060 sở hữu 80 nhân Tensor thế hệ 4 và 20 nhân Ray tracing thế hệ 3, hiệu năng của 4060 so với 3060 là hơn từ 13% cho đến 65% tuỳ từng tác vụ, dù ăn ít điện hơn, ít nhất là trên lý thuyết. RTX 4060 sử dụng GPU AD107 với 3072 nhân CUDA, 8GB VRAM GDDR6 (RTX 3060 là 6GB), độ rộng 128-bit và băng thông 256GB/s.
Thử nghiệm của mình với các tác vụ render bằng GPU thì RTX 4060 thể hiện sự vượt trội về AI khi cho thời gian render nhanh, chơi game cũng ổn nhờ tận dụng DLSS 3.
Zenbook Pro 14 OLED cũng được cài đặt sẵn driver RTX Studio được test kĩ và tối ưu cho các phần mềm đồ hoạ nên hiệu suất sẽ ổn định và ít gặp lỗi hơn với driver Game Ready. Driver Studio cũng đem lại khả năng chơi game ổn, FPS so với Game Ready Driver không chênh lệch quá nhiều. Thực tế thì Zenbook Pro 14 OLED hoàn toàn có thể chiến được các tựa game hot nhất hiện nay, nhưng bản thân chiếc máy này sinh ra không hẳn để phục vụ cho mục đích chơi game mà gaming chỉ là một phần phụ, bên cạnh công việc chính là sáng tạo nội dung.
Nhờ khung máy dày, trang bị 2 quạt tản nhiệt và 4 hốc tản nhiệt khá lớn nên bề mặt C của máy không quá nóng, vẫn thoải mái để làm việc, nhiệt độ bề mặt khoảng 40 độ C mà thôi.
Nói chung hiệu năng của Zenbook Pro 14 OLED là ổn, với các dự án không quá nặng nề hoặc dùng để preview thì vẫn được. Khả năng nâng cấp của Zenbook Pro 14 OLED sẽ bao gồm 1 thanh RAM với tổng dung lượng tối đa là 48GB (16GB sẽ hàn chết trên mainboard) cũng như SSD tối đa 2TB. Thực tế thì tốc độ đọc ghi của SSD PCIe 4.0 trên chiếc máy này là rất nhanh, hơn 6000MB/s cho đọc tuần tự và hơn 4000MB/s cho ghi tuần tự là một tốc độ quá nhanh và gần như chúng ta sẽ không phân biệt được và cảm giác được nó nhanh ra sao.
Pin dùng tốt, một phần nhờ MUX Switch
Điều đặc biệt trên các dòng laptop creator của ASUS năm nay đó là MUX Switch, một “công tắc” giúp bật/tắt GPU rời một cách chủ động hoặc tự động để gia tăng thời lượng sử dụng pin. Khi cần hoạt động với các tác vụ nặng, render hoặc chơi game, anh em có thể chuyển sang chế độ chỉ dùng GPU rời, khi cần tiết kiệm và yên tĩnh, chuyển về chế độ Hybrid, máy sẽ tự tính toán dựa vào nhu cầu sử dụng, nhưng so với laptop gaming thì vẫn còn thiếu một chế độ tắt hẳn GPU rời và chỉ dùng iGPU. Zenbook Pro 14 OLED là một chiếc máy “khá ngoan”, muốn mạnh mẽ sẽ có mạnh mẽ mà muốn tiết kiệm thì vẫn rất tiết kiệm pin.
Thực tế thì Zenbook Pro 14 OLED có viên pin dung lượng 76Wh, mình hoàn toàn có thể dùng chiếc máy này khoảng 6,5 tiếng cho các tác vụ thông thường, bật MUX Switch, chế độ Balanced và độ sáng 75%. MUX Switch không chỉ giúp cho việc cải thiện thời lượng pin mà còn giúp cho FPS khi chơi game tốt hơn, nhờ vào việc tín hiệu xuất từ GPU không đi qua iGPU mà đi thẳng lên màn hình, cải thiện độ trễ, giảm thiểu tình trạng nghẽn cổ chai.
Zenbook Pro 14 OLED cũng dùng chip Intel AX211 Wi-Fi 6E Dual-band mới nhất cũng như Bluetooth 5.3, các tiêu chuẩn mới nhất giúp chiếc máy này tương thích tốt hơn với những sự nâng cấp về hạ tầng cũng như phụ kiện sau này, lại càng đúng hơn khi ASUS là một trong những hãng có hệ sinh thái các phụ kiện trong thế giới máy tính Windows là rất rộng lớn.
Tổng kết lại với chiếc máy này trong khoảng hơn 1 tuần mình sử dụng, ASUS đã tạo ra một chiếc laptop dành cho các nhà sáng tạo nội dung đủ tốt, nó không thực sự xuất sắc ở một khía cạnh nào, nhưng vừa đủ. ASUS có lẽ họ đang quá an toàn với chiếc máy này, trải nghiệm làm việc đem lại là tốt nhưng ngoại hình của máy khó mà thu hút được các “content creator”. ASUS cần một sự đột phá thực sự cho dòng laptop sáng tạo của họ để thu hút thêm người dùng. À, thêm một điều mong mỏi của nhiều anh em đó là không biết ASUS có thể hạn chế dán tem lên máy để trông chiếc máy đẹp hơn một chút được không 😁.