Từ Apple Sillicon đến Schumpeterian

MNDung
21/10/2021 20:6Phản hồi: 0
Từ Apple Sillicon đến Schumpeterian
Câu chuyện Apple ra mắt dòng chip M1 Silicon cho đến một vài suy nghĩ về trường phái kinh tế học Schumpeterian. Xin lỗi mọi người nhưng do chiều chạy bộ thì nảy ra ý tưởng, đến tối xong việc thì viết vài dòng (cũng không quá nghiêm túc, chỉ là note một số suy nghĩ) nên mình sẽ không cite đầy đủ hay theo đúng citation style gì, mọi người thông cảm nhé.

1. Câu chuyện về Apple Silicon

Sáng 18/10/2021, Apple đã cho ra mắt 2 con chip: Apple M1 Pro và Apple M1 Max, được trang bị trên Macbook Pro 14 inch và 16 inch. Đây là hai con chip có hiệu năng vượt trội với rất nhiều cải tiến, và được Apple tích hợp vào dòng Macbook cao cấp nhất của mình. Nói sơ qua về M1 Pro và M1 Max, thì 2 chipset này lần lượt được trang bị 10 nhân CPU (với hai nhân tiết kiệm điện và 8 nhân hiệu năng cao), riêng M1 Pro thì có 16 nhân đồ họa trong khi M1 Max được trang bị đến 32 nhân đồ họa. Hãng cũng đã cho phép các cấu hình RAM cao hơn, từ 16 đến 64GB.

Apple đã so sánh với chính con chip “nhà trồng” trước đó (Apple M1) và các bản Macbook chạy chip Intel, hãng khẳng định sức mạnh CPU của hai con chip mới mạnh hơn 70% so với chip Apple M1, gấp 3.7 lần so với Macbook Pro 13 inch chạy core i7, đồng thời với GPU có thể so sánh tương đồng với Nvidia GT1060i (gấp 4 lần Macbook Pro 16 inch dùng card Radeon Pro 5600M), khả năng xử lý ML ở hàng tỉ phép tính trên giây, hứa hẹn đây sẽ là những chipset mạnh nhất mà bạn có thể tìm kiếm được trên một mẫu laptop.

Nhưng lịch sử không phải bắt đầu từ vài ngày trước, bởi từ năm 2020, Apple đã trang bị M1 trên Macbook Pro, Macbook Air, Mac Mini và gần đây là iMac và iPad pro. Ra mắt lần đầu từ 2020, M1 là thế hệ SoC hợp nhất đầu tiên trên máy Mac. Khác với việc phải tích hợp các thành phần khác nhau trên một mainboard (RAM, GPU, CPU hay SSD), M1 đã hợp nhất tất cả các linh kiện trên. Đó là một kiến trúc tích hợp (unified memory architecture - UMA) cho phép sự trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các linh kiện với nhau. Apple đã thiết kế Neural Engine lên thẳng M1, cho phép đẩy nhanh các tác vụ học máy (machine learning – ML) lên gấp 15 lần so với bản Intel. Bên cạnh một hiệu năng xuất sắc (hiệu suất CPU nhanh hơn 3.5 lần, hiệu suất GPU nhanh hơn 6 lần), Apple M1 cũng mang đến thời lượng pin xuất sắc, gần như gấp đôi so với các máy chạy Intel.


Để chống lại điều này, các đối thủ của Apple như Qualcomm, Intel và AMD đã nhảy vào cuộc đua. Intel ra mắt hế hệ chip thứ 11 với hiệu năng bằng hoặc hơn con chip Apple M1 trong MacBook Pro, cả khi chạy app native lẫn không phải app native, cũng như mạnh hơn M1 khi chạy tác vụ AI. Điều này, dù có vẻ là một vấn đề gây tranh cãi, nhưng có một sự thật là, chipset mới của Intel đã tốt hơn nhiều so với thế hệ trước đó, và được nhiều trang đánh giá, so sánh là có một số trường hợp cho kết quả mạnh tương đương (hoặc hơn Apple M1). Qualcomm, một trong những hãng sản xuất chip dựa trên kiến trúc ARM, khẳng định họ có thể sản xuất ra những con chip đánh bại M1 nhờ những kỹ sư cũ từng làm việc cho Apple. AMD cũng tuyên bố “không ngán” Apple M1, trong khi CEO Intel thì cho rằng, họ sẽ nỗ lực hết sức để giành lại những mảng kinh doanh chipset từ tay Tim Cook.

Gần đây nhất, Google đã cho ra mắt Google Tensor, cũng là một dạng UMA trên điện thoại Pixel. Khác với việc chạy đua về sức mạnh xử lý và điện năng tiêu thụ như M1, Tensor được trang bị những công nghệ nhằm tăng cường ML (với Tensor Processing Unit TPU – một nhân xử lý AI riêng), chip Titan M2 (chứa dữ liệu xác thực, các dữ liệu sinh trắc học và nhiều thành phần khác dùng cho các tính năng bảo mật) và bộ xử lý hình hình ảnh (ISP) hứa hẹn sẽ giúp Pixel có thể như hổ mọc thêm cánh.

2. Cho đến những lý thuyết của Schumpeter

Trước giờ, các máy tính trên thế giới đều dựa vào Intel và Intel chiếm gần như một vị trí thống lĩnh thị trường, từ những khách hàng nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp, với nhiều người, khi lựa chọn một con chip, họ sẽ thắc mắc đó là chip Intel nào, chứ không phải là chip hãng nào. AMD cũng dần nổi lên với nhiều con chip mới, cho hiệu năng/giá tốt hơn Intel. Nhưng cả hai đều dùng thiết kế x86. Nhìn sang Qualcomm, họ cũng đã sản xuất những con chip thiết kế ARM để chạy trên máy tính, nhưng kết quả thì còn khá èo uột (mỗi đời ra mắt đều yểu mệnh, câu chuyện của những chiếc máy Windows chạy ARM. Hay như Samsung, Huawei, Mediatek, họ cũng là những nhà sản xuất chip ARM sừng sỏ nhưng đa phần đều thiết kế chip cho thiết bị di động, và nhiều mẫu chip (dù không phải tất cả) thì dùng thiết kế của ARM (thay vì tự thiết kế). Và rồi, Apple ra mắt Apple M1. Dòng chip Apple Silicon (với M1, M1 pro và M1 max) đã thay đổi ngành công nghiệp sản xuất vi xử lý. Nói không ngoa, M1 như một sự nhắc nhở rằng Intel không nên ngủ quên trên chiến thắng, và các hãng khác đừng coi thường Apple.

Trên một thị trường chip máy tính (với Intel thống lĩnh và AMD mới nổi), M1 xuất hiện và thay đổi cuộc chơi. Điều này gợi ra cho chúng ta một vài suy nghĩ về lý thuyết của Schumpeter hàng thế kỷ trước. Ông là cha đẻ của thuật ngữ “hủy diệt sáng tạo”, cũng như có nhiều quan sát về quá trình cạnh tranh năng động. Ông còn là một thành viên của trường phái kinh tế học Áo (Austrian School). Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến Schumpeter và những người theo đuổi quan điểm của ông (Schumpeterian).

Trong tác phẩm The Theory of Economic Development (1928), Schumpeter cho rằng, những phẩm chất cạnh tranh được thúc đẩy bởi các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ (tạm gọi là Schumpeter I). Các thị trường hoặc ngành của Schumpeter I được đặc trưng bởi môi trường hỗn loạn với các rào cản gia nhập tương đối thấp, nơi (hầu hết) các đổi mới được tạo ra và phát triển bởi các công ty “kinh doanh” mới. Ngược lại, trong Capitalism, Socialism, and Democracy (1942) ông lại đề xuất rằng các công ty lớn có quyền lực độc quyền là cần thiết để hỗ trợ đổi mới (Schumpeter II). Các thị trường hoặc ngành của Schumpeter II được đặc trưng bởi môi trường ổn định với các rào cản gia nhập tương đối cao, trong đó các đổi mới được tạo ra và phát triển bởi các công ty lớn có uy tín. Theo David Teece thì ngày nay Schumpeter I có lẽ hấp dẫn hơn Schumpeter II, dựa trên sự phát triển của các công ty ở Thung lũng Silicon. Thật vậy, cuộc tranh luận về việc có nên ủng hộ cạnh tranh hơn là độc quyền (vì cấu trúc thị trường có nhiều khả năng thúc đẩy sự đổi mới) đã thắng từ lâu để ủng hộ một số hình thức cạnh tranh.

Quay lại câu chuyện của Apple Silicon, có vẻ rằng, mô hình Schumpeter II là không phù hợp. Một cấu trúc thị trường chỉ gồm Intel cho thấy sự trì trệ trong phát triển đổi mới sáng tạo. Rõ ràng rằng, Intel trong suốt nhiều năm duy trì định luât Moore (lượng bóng bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm, trong khi mức năng lượng tiêu thụ giảm đi một nửa) nhưng sự phát triển này không dẫn đến một thị trường có nhiều lựa chọn, và các con chip tuy có tiến bộ nhưng không cho thấy quá nhiều đột phá. Chỉ đến khi Apple mang đến M1 và thay đổi cuộc chơi.

Điều đó không có nghĩa là mô hình cạnh tranh hoàn hảo là tương thích với quá trình đổi mới (dù lập luận của ông cho rằng các công ty nhỏ thiếu nguồn vốn là không phù hợp với tình hình hiện nay dưới sự phát triển của đầu tư mạo hiểm và thị trường chứng khoán). Tức là, một mặt, mô hình cạnh tranh hoàn hảo không phù hợp, nhưng mặt khác, độc quyền cũng không nốt. Dù FTC cho rằng “cạnh tranh có thể kích thích đổi mới”, nhưng họ đã không xác định được một cấu trúc thị trường nào phù hợp cho quá trình đổi mới đó (cũng nên nhắc lại một chút rằng, đa số thị trường tồn tại giữa hai thái cực: độc quyền và cạnh tranh hoàn hảo). Các nhà kinh tế dường như không tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy sự tập trung thị trường có tác động đáng kể đối với sự đổi mới. Nói khác đi, theo Teece thì chỉ riêng sự tập trung của thị trường không phải là yếu tố quyết định chính về mặt lý thuyết hay thực nghiệm cho quá trình đổi mới. Teece cũng khẳng định, không có mối quan hệ giữa cấu trúc thị trường và sự đổi mới (bởi sự khác biệt giữa công ty một sản phẩm và công ty đa sản phẩm và các yếu tố về tài chính doanh nghiệp). Như vậy, phải chăng, hoặc là (i) một duopoly (không tính Cournot, Bertrand hay Stackelberg) liệu có phù hợp, hay là (ii) chúng ta nên xem xét thị trường dưới một góc độ nào đó đúng đắn hơn?

Quảng cáo



Câu chuyện với Apple Silicon và sự “xâm chiếm” của ARM vào thế giới PC cũng đã gợi nhớ về lý thuyết hủy diệt sáng tạo của Schumpeter. Theo đó, cạnh tranh công nghệ giữa các công ty trong các thị trường hay ngành của Schumpeter I giả định hình thức “phá hủy sáng tạo” với những người tham gia đổi mới thành công thay thế những người đương nhiệm. Ông mô tả đây là quá trình “quá trình biến đổi của nền công nghiệp một cách không ngừng nhằm cách mạng hóa cấu trúc kinh tế từ bên trong, không ngừng phá hủy cái cũ và không ngừng tạo cái mới”. Lý thuyết hủy diệt sáng tạo coi kinh tế học như một quá trình hữu cơ và năng động. Điều này hoàn toàn trái ngược với các mô hình toán học tĩnh của kinh tế học truyền thống (như trường phái Chicago). Cân bằng không còn là mục tiêu cuối cùng của các quá trình thị trường. Thay vào đó, nhiều động lực biến động liên tục được định hình lại hoặc thay thế bằng sự đổi mới và cạnh tranh.

Từ khái niệm này, Schumpeter đã phát triển thành mô hình cạnh tranh năng động: “kiểu cạnh tranh này hiệu quả hơn nhiều so với kiểu [tĩnh], và nó đòn bẩy mạnh mẽ về lâu dài giúp mở rộng sản lượng và hạ giá xuống trong mọi trường hợp được tạo ra từ những thứ khác”. Theo Teece (2009) thì cạnh tranh năng động là một dạng cạnh tranh dựa trên sự đổi mới để tạo ra các sản phẩm và quy trình mới và đồng thời giảm giá ở mức độ đáng kể. Sự cạnh tranh như vậy cải thiện năng suất, sự sẵn có của hàng hóa và dịch vụ mới, và phúc lợi của người tiêu dùng trong dài hạn. Tuy vậy, thúc đẩy cạnh tranh năng động có thể có nghĩa là thừa nhận rằng hành vi cạnh tranh có thể liên quan đến việc giữ cạnh tranh về giá (holding short-run price competition) trong ngắn hạn. Lúc này, tổn thất vô ích (deadweight-loss) chỉ là cạnh tranh thứ yếu. Nguyên nhân là, tuy cả mô hình tĩnh và động đều hướng nhiều đến người tiêu dùng, nhưng mô hình động sẽ hướng tới tương lai và sẽ thừa nhận rằng một số phương thức kinh doanh nhất định có thể dẫn đến việc tạo ra thị trường (hoặc ít nhất là đồng sáng tạo) kèm theo đó tạo ra các đường cầu mới với mức tăng lớn trong thặng dư tiêu dùng (consumer surplus, vì nhu cầu đối với các sản phẩm mới có thể được đáp ứng).

3. To think beyond…

Mô hình cạnh tranh năng động cho thấy những ưu điểm to lớn của nó. Như Schumpeter đã nói, cạnh tranh được thúc đẩy bởi việc giới thiệu các sản phẩm và quy trình mới là hình thức cạnh tranh mạnh mẽ hơn: “cạnh tranh từ hàng hóa mới, công nghệ mới, nguồn cung cấp mới, kiểu tổ chức mới - cạnh tranh mang tính quyết định lợi thế về chi phí hoặc chất lượng và lợi thế không phải ở biên lợi nhuận và sản lượng của các doanh nghiệp hiện tại, mà là ở nền tảng và chính cuộc sống của họ”. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa mô hình cạnh tranh động và sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Nếu mô hình cạnh tranh tĩnh dễ dàng có thể được tính toán (dự trên giá, thị phần… từ đó tìm được trạng thái cân bằng) dựa trên một sản phẩm đồng nhất thì với mô hình cạnh tranh năng động, yếu tố này rất khó để tính toán (và cơ quan cạnh tranh tập trung nhiều vào mô hình tĩnh).

Lấy ví dụ từ câu chuyện chipset Apple và sự phát triển không ngừng của công nghệ, có vẻ như mô hình cạnh tranh tĩnh và các chính sách cạnh tranh dựa trên mô hình này không còn phù hợp. Nên chăng chúng ta nên hiểu công ty theo nghĩa khác? Nên chăng chúng ta đánh giá công ty dựa trên khả năng sáng tạo? Nên chăng chúng ta cần phải thay đổi chính sách cạnh tranh? Liệu rằng có một “focal point” cho mỗi thị trường để có thể đạt hiệu quả sáng tạo ở mức cao nhất.

Sự phát triển không ngừng của chipset mà tiêu biểu là Apple M1 cho thấy sự sáng tạo là không ngừng, và những sản phẩm sau đã thật sự trở thành những ví dụ sinh động cho quá trình phá hủy sáng tạo.

Quảng cáo



Thay lời kết, xin phép trích dẫn lại lời của Heyek: “Competition is by its nature a dynamic process whose essential characteristics are abstracted away under the assumptions underlying equilibrium analysis” và Schumpeter: “n dealing with capitalism we are dealing with an evolutionary process”.

Tham khảo từ:
1. Clark, J. M. (1949). [Review of Individualism and Economic Order., by F. A. Hayek]. Political Science Quarterly, 64(1), 108–110.
2. Schumpeter, Joseph A., 1883-1950. (1962). Capitalism, socialism, and democracy. New York :Harper & Row.
3. Kopp, Carol M. (2021). Creative Destruction. Investopedia.
https://www.investopedia.com/terms/c/creativedestruction.asp
4. Nicholas, Tom. "Why Schumpeter Was Right: Innovation, Market Power and Creative Destruction in 1920s America." Journal of Economic History 63, no. 4 (December 2003).
5. J. Gregory Sidak, David J. Teece, DYNAMIC COMPETITION IN ANTITRUST LAW, Journal of Competition Law & Economics, Volume 5, Issue 4, December 2009, Pages 581–631.
6. Fontana, R., Nuvolari, A., Shimizu, H. et al. Schumpeterian patterns of innovation and the sources of breakthrough inventions: evidence from a data-set of R&D awards. J Evol Econ 22, 785–810 (2012).

7. https://9to5mac.com/2021/07/02/qualcomm-can-beat-apple-m1/
8. https://www.axios.com/intel-ceo-gelsinger-apple-chips-8916f898-3b09-46f8-9bb9-1c94885aaa26.html
9. https://www.techradar.com/news/amd-claims-its-not-scared-of-the-apple-m1-chip-but-should-it-be
10. https://tinhte.vn/thread/anh-huong-cua-apple-m1-den-nganh-pc-la-rat-lon-va-no-co-loi-du-ban-khong-dung-do-apple.3259309/
11. https://tinhte.vn/thread/diem-benchmark-m1-max-nhanh-hon-core-i7-10700k-20-ngang-ngua-xeon-tren-mac-pro.3420560/#post-61193281
12. https://tinhte.vn/thread/chi-tiet-ve-chip-apple-m1-pro-va-m1-max-hieu-nang-gi-ma-kinh-the.3420417/
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019