Vì sao Revolver là album đỉnh nhất của Beatles?

toilaquangsi
14/3/2021 14:40Phản hồi: 39
Vì sao Revolver là album đỉnh nhất của Beatles?
“Lý do quan trọng nhất cho sự lan tỏa của Chiến tranh Lạnh chính là... The Beatles” - Mikhail Gorbachev, cựu Tổng thống Liên Xô

Ngoài những ca khúc bất hủ đã đi vào lòng bao thế hệ hâm mộ như “Yesterdays”, “Hey Jude”,... âm nhạc của The Beatles còn là những di sản văn hóa vô cùng đặc sắc, góp phần định hình đời sống tinh thần thế kỷ 20.

Tuy nhiên khi xét về một công trình kết tinh đầy đủ tài năng của Tứ quái thì phải nhắc tới album “Revolver” - cây đại thụ trong khu rừng âm nhạc kỳ vĩ, muôn màu của Beatles.

tinhte-beatles revolver-album cover.jpg
Bìa album “Revolver” trên một ấn bản đĩa than (phát hành bởi Apple Records - hãng thu do Beatles lập nên). Bản artwork do Klaus Voormann vẽ và dán từ những bức ảnh chụp thành viên Beatles (Voorman là một nghệ sĩ người Đức đồng thời là bạn của Beatles từ thời cả nhóm còn chưa nổi, đi diễn với thù lao ít ỏi tại những quán bar ở Hamburg, Đức).

Hôm nay, mình xin chia sẻ lý do tại sao “Revolver” lại đỉnh như vậy, và nếu như lúc trước anh em chỉ nhớ tới Beatles qua vài hit thật nổi, thì bây giờ là lúc mở album này lên và thưởng thức trọn vẹn từ track đầu đến cuối!

https://open.spotify.com/album/3PRoXYsngSwjEQWR5PsHWR?si=B4qtLcDFStGLCFSHeJJIqw


“Revolver” đỉnh vì được xem là album hay nhất của Beatles!


Okay okay, có thể một số anh em sẽ nhảy lên: “Ơ, nhạc hay dở tùy chủ quan mỗi người chứ!”. Ý kiến này khá quen thuộc vì… hồi trước mình cũng nghĩ vậy với “Revolver” khi thấy nhiều người dường như “tôn thờ” album này!

Tuy nhiên mọi người có thể thử cân nhắc các yếu tố dưới đây và nghe lại “Revolver” lần nữa và có thể mọi người sẽ đổi ý? (không phải tự nhiên mà The Rolling Stones xếp “Revolver” thứ 3 trong danh sách 500 Album Vĩ Đại Nhất Mọi Thời).

“Hay” trong từng sáng tác:
Vượt qua giai đoạn viết về cảm xúc thường ngày hay tình yêu đôi lứa, Beatles giờ đây hát những bài ca ám ảnh về nỗi cơ đơn hiện sinh, sự chia ly trong tình yêu, các vấn đề chính trị - xã hội hay thậm chí, trải nghiệm tâm linh và đặc biệt nhất là bài hát về chiếc tàu ngầm màu vàng! (“Yellow Submarine”).

Bản nhạc đầu tiên của “Revolver”, “Taxman” vang lên với tiếng guitar điện chát chúa và ca từ mỉa mai nhân vật người thu thuế (George Harrison lấy cảm hứng từ luật thuế vô lý do Công đảng ở Anh ban hành vào thời 1960s):
“Let me tell you how it will be
There’s one for you, nineteen for me”
(“Để tôi nói anh nghe như này

Quảng cáo


Anh lấy một phần, tôi được mười chín”)


Hay một bài rất hay khác mình muốn nhắc tới là “For No One”, bản tình ca (nhiều người cho rằng) vĩ đại nhất Paul McCartney, viết cho tình yêu trắc trở của mình với Jane Asher, bản tình ca dài chưa tới 2 phút về về sự đổi thay trong tình yêu nghe thật khắc khoải:
“She wakes up, she makes up
She takes her time and doesn’t feel she has to hurry
She no longer needs you


And in her eyes you see nothing
No sign of love behind the tears, cried for no one


A love that should have lasted year”

Quảng cáo


(“Cô dậy và trang điểm, thong thả, không vội vã
Cô không còn cần anh


Trong ánh mắt cô, anh chẳng còn thấy gì
Không còn tình yêu sau những giọt nước mắt, khóc chẳng vì ai


Một tình yêu lẽ ra đã dài năm tháng”)

tinhte-beatles revolver-paul mccartney jane asher.jpg
Paul McCartney và nàng thơ Jane Asher - người ở bên Paul 5 năm từ 1963 (lúc ấy Jane mới 17 tuổi) đến 1968.

Điều đáng nói ở đây là về phần nhạc, mỗi track của album đều hay, cuốn hút và bắt tai theo cách của riêng nó, và về ý nghĩa, mỗi track đều hàm chứa một câu chuyện đằng sau.

Ta có thể nghe “Revolver” từ đầu đến cuối hay ở bất kỳ track nào mà vẫn phấn khích, hào hứng như thường (nói thật là một ngày mình phải nghe tầm 3 lần album này mới không “vã”).

Bên cạnh các sáng tác từ bộ đôi Lennon/McCartney, “Revolver” cũng chính thức cho thấy tài năng viết nhạc và hát không hề kém cạnh của George Harrison, đặc biệt là ở độ sâu của những cảm xúc và chiêm nghiệm.

tinhte-beatles revolver-george harrison sitar.jpg
Hình ảnh George Harrison và chiếc đàn sitar (năm 1965). George được mệnh danh là phiên bản cân bằng giữa sự tài năng của Paul McCartney và cái độc đáo phong cách của John Lennon.

Một cái “đỉnh” của George Harrison trong “Revolver” là các sáng tác của ông thường có tiếng đàn sitar - một loại đàn dây truyền thống của Ấn Độ, ca từ thì mơ hồ, xa xăm, giàu triết lý. Tất cả tạo nên một không khí huyền ảo như một vùng đất phương Đông xa xôi, ví dụ như bài “Love You To”:
“A lifetime is so short
A new one can't be bought”
("Kiếp người hữu hạn
Một cuộc đời mới dường như vô giá")


“Hay” trong từng khâu sản xuất, thể hiện:
“Revolver” được mệnh danh là album mang tính thử nghiệm cao độ của Beatles. Không cần phân tích học thuật, hàn lâm, sau đây là những nét mới mẻ dễ nhận thấy trong “Revolver”:

Về hòa âm, phối khí, nổi bật nhất là track nồng nàn âm hưởng phương Đông từ tiếng đàn sitar của George Harrison như “Love You To”. Đặc sắc không kém là 2 track “Eleanor Rigby”, “Got To Get You Into My Life” với phần đệm sử dụng dàn hòa tấu lần lượt là đàn dây và kèn. Cuối cùng, không thể bỏ qua “Yellow Submarine”, bản nhạc hồn nhiên, vô tư lự như viết thiếu nhi, với sự hòa giọng của dàn đồng ca thành lập tại chỗ gồm những kỹ sư sản xuất trong buổi thu âm và những người bạn của Beatles.

tinhte-revolver beatles-yellow submarine.png
Phần spectrum của bài “Yellow Submarine" có đoạn điệp khúc có âm phổ tạo hình giống chiếc tàu ngầm.

Phần nhạc cụ sống động, cuốn hút và giàu sáng tạo trong các track nêu trên là minh chứng nhạc Beatles không hề một màu, dễ đoán và Beatles cũng không hề đàn “gà” như chúng ta thường nghĩ.

Không thể nhắc tới “Revolver” mà bỏ qua yếu tố kỹ thuật thu âm. Đặc sắc nhất, và vĩ đại nhất, phải kể đến bản “Tomorrow Never Knows” (sẽ phân tích kỹ hơn ở phần dưới) và lại một lần nữa, “Yellow Submarine” với một sự thật kinh khủng là, dải spectrum của bài này vào điệp khúc, đúng từ “yellow submarine”, sẽ vẽ lại hình chiếc tàu ngầm (!!), hết như chiếc tàu ngầm trong phim.

“Revolver” đỉnh vì những câu chuyện đặc biệt bậc nhất đằng sau nó!


“Revolver” là cột mốc thay đổi lớn trong phong cách âm nhạc của Beatles, vậy thì đâu là khởi đầu cho những điều trên? Câu trả lời: chất thức thần LSD.

Vào năm 1965, John và George cùng vợ/bạn gái đã trải nghiệm LSD tại một buổi tiệc vào trong vòng 12 tiếng đồng hồ đó, những gì họ đã trải qua và nhận thức trong cơn phê LSD đã thay đổi vĩnh viễn cuộc đời họ, cách họ nhận thức về bản thân và thế giới xung quanh.


Video ngắn của tạp chí The Rolling Stone dựng dựa trên nội dung phỏng vấn John Lennon về sự kiện trải nghiệm qua LSD ở trên (bạn nên mở subtitle để dễ theo dõi)

Bỏ qua những pha “đi cảnh” rất tấu hài (cặp vợ chồng John và George kể lại họ đã gào rú thống thiết trong thang máy vì tưởng ánh đèn màu đỏ là ngọn lửa đang cháy, hay lúc họ ngồi xuống chiếc bàn ăn và thấy như nó dài ra cả ngàn dặm), thì giờ đây, LSD làm cho John và George không thể hiểu hay giao tiếp như bình thường với 2 nửa còn lại của Beatles và họ nhất quyết rằng: Ringo và Paul cũng phải thử LSD.

Ringo đồng ý, nhưng Paul thì nhất quyết không.

Xoay quanh LSD phải kể về câu chuyện có một-không-hai như sau: trong một lần “đi cảnh” với LSD, George bị ảo giác, tưởng mình sắp chết nên người “bay cùng” John và George đêm đó là diễn viên Peter Fonda đã trấn an: (lược dịch) “Đừng lo, tôi biết cảm giác sắp chết là như nào”, sau đó Fonda kể câu chuyện chơi ngu lúc nhỏ vì nghịch súng nên vô tình tự bắn thủng bao tử. Tim Fonda đã ngừng đập 3 nhịp trên bàn mổ vì mất quá nhiều máu đêm đó, tưởng rằng mình đã “đi đầu thai” nhưng may không sao.


Một cuộc phỏng vấn trong đó George Harrison kể lại sự kiện liên quan đến chất thức thần LSD ở trên.

Trở lại đêm phê LSD, John Lennon khi nghe Fonda kể câu chuyện thì bỗng dưng nổi đóa vô cớ, đòi đuổi Fonda ra khỏi buổi tiệc (ơ?). Tuy nhiên, câu nói “...tôi biết cảm giác sắp chết ra sao...” đã ở lại trong tâm trí John, giúp ông viết lên bản hit “She Said She Said” huyền thoại, đậm mùi psychedelics rock trong “Revolver”: “She said… I know what it’s like to be dead…”

Về phần Paul McCartney thì sao?

Trong khoảng thời gian khước từ LSD (về sau Paul có chơi, nhưng lúc này Beatles đã tan rã), Paul bắt đầu tiếp xúc với luồng tư tưởng mới, cả về âm nhạc và cuộc sống.

Chính trong khoảng thời gian này Paul đã tiếp xúc với tư tưởng phản chiến về cuộc chiến tranh Việt Nam. Paul sau đó truyền bá lại cho John Lennon để John trở thành một nhà hoạt động chính trị hàng đầu trong phong trào phản chiến ở Mỹ (chống lại cuộc chiến tranh).

Đặc biệt nhất phải kể đến sự tiếp xúc của Paul với các nhà soạn nhạc cổ điển và nghệ thuật cách tân như Karlheinz Stockhausen, Luciano Berio and Edgard Varèse. Chính những người này đã truyền cảm hứng để Paul dẫn đầu Beatles trong việc sáng tạo các phối liệu âm nhạc mới, độc đáo và cách tân trong Revolver.

tinhte-beatles revolver-karlheinz stockhausen.jpg
Karlheinz Stockhausen - nhà soạn nhạc lừng danh người Đức của trào lưu avant-garde thời bấy giờ (dòng nhạc thiên về sự thử nghiệm các kỹ thuật/ý tưởng thu âm/âm nhạc mới như thu âm ngược, overdubbing, sử dụng các âm thanh từ tự nhiên, làm méo tin hiệu trong thu âm,…), người có ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách sáng tạo trong kỹ thuật thu âm của Beatles. (mời xem thêm tại video này).

Ngoài ra, phải kể đến sự tiếp xúc của Paul với cửa hiệu Indica tại London, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật giới thiệu các luồng văn hóa mới.

tinhte-beatles revolver-indica.jpg
Cửa hiệu Indica (hoạt động 1965-1967) tại 6 Mason's Yard, St James's (London), nơi trưng bày và bán các tác phẩm nghệ thuật từ phong trào phản văn hóa. Theo Wiki, John Lennon và Yoko Ono đã gặp nhau lần đầu vào tháng 11/1966 tại đây trong một buổi trưng bày các tác phẩm của Yoko.

Chính tại đây, John Lennon đã được Paul giới thiệu cuốn sách “The Psychedelic Experience: A Manual Based on the Tibetan Book of the Dead” của Timoty Leary - cuốn sách về kinh nghiệm sử dụng LSD như một phương cách để khám phá và tái tạo bản ngã con người bên trong.

tinhte-beatles revolver-timothy leary.jpg
Timothy Leary - nhà tâm lý học bị đuổi khỏi Harvard vì ủng hộ sử dụng chất LSD với công dụng thức thần, từng bị Tổng thống Mỹ Richard Nixon gọi là “người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ”. Ông này đóng vai trò quan trọng trong phong trào Hippy trong thập niên 1960s.

John Lennon đã đọc ngấu nghiến toàn bộ cuốn sách tại cửa tiệm. Và những câu từ miêu tả hành trình thần kỳ do LSD mở ra bám lấy tâm trí John:
“Whenever in doubt, turn off your mind, relax, float downstream.”
(“Khi tự vấn, hãy buông bỏ lý trí, thả lỏng và trôi theo dòng.”)


Chính những câu từ này sẽ là tiền đề để tạo nên một trong những bản nhạc vĩ đại nhất Beatles, và âm nhạc hiện đại: “Tomorrow Never Knows”.

“Tomorrow Never Knows” - bản nhạc vĩ đại về trò chơi kiếp người!


Cần phải hiểu, cảm hứng để John Lennon viết “Tomorrow Never Knows” bám rễ trong những trải nghiệm tâm linh nhuốm màu triết lý Phật giáo, nói về cái chết của cái tôi và sự vô ngã. Như đã nói, cảm hứng kia được khơi nguồn từ trải nghiệm với chất thức thần LSD và những tư tưởng về sự khai mở trí tuệ sau khi hiểu thấu căn nguyên con người thông qua LSD từ cuốn The Psychedelic Experience của Timothy Leary.

https://open.spotify.com/track/00oZhqZIQfL9P5CjOP6JsO?si=72df8880889f42e7


Vượt lên trên những tư tưởng và tình cảm thường thấy, Beatles giờ đây muốn dùng nghệ thuật của mình để đối diện với câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời mỗi người: chúng ta là ai? Theo mạch bài hát, Beatles hé mở câu trả lời cho câu hỏi của mình: kiếp người hữu hạn với cái tôi vô minh thật nhỏ bé trước cái Hư vô (the void), buông bỏ cái tôi để tìm được chân ngã (con người thật), và nhận ra rằng với tình yêu chúng ta là một và chỉ với tình yêu, con người mới có thể sống trọn vẹn và ý nghĩa trò chơi kiếp người - là thứ mà điểm khởi đầu và kết thúc trùng là một, theo triết lý từ bánh xe luân hồi samsara.

tinhte-beatles revolver-tomorrow never knows lyrics.jpg
Bản viết tay lyrics từ “Tomorrow Never Knows” của John Lennon

Dĩ nhiên, chiều sâu của nội dung đòi hỏi một hình thức phù hợp. Để “Tomorrow Never Knows” trở thành một kiệt tác vô tiền khoáng hậu, phần hòa âm phối khí cũng phải làm cho tròn nhiệm vụ lừng lẫy của nó.

Chỉ trong một track nhạc, người ta chứng kiến sự tổng hòa những gì tinh túy nhất của xu hướng cách tân và thử nghiệm trong âm nhạc/âm thanh và kỹ thuật thu âm: kỹ thuật artificial double tracking (ADT); thu ngược tiếng cymbal (dàn trống) và guitar; tạo vòng lặp (loop) của dàn trống; giọng hát được tái tạo thông qua điều chỉnh tốc độ và tần số âm; tiếng đàn sitar và bộ gõ tambura (nhạc cụ dân tộc Ấn Độ) được “treo” qua nhiều phân khúc;...

tinhte-beatles revolver-album cover mat sau.jpg
Ảnh chụp Beatles trong studio thu album “Revolver”

Phần nhạc “Tomorrow Never Knows” còn “vô đối” bởi sự thật thú vị: cả bài gần như chỉ dựa trên đúng một hợp âm Đô trưởng trên nền nhịp là điệu trống vô cùng cách tân, phi truyền thống của Ringo Starr - ấn tượng và mới lạ như một từ một bài nhạc điện tử từ 2021 chứ không phải 1966.

Sự cách tân về hình thức kia làm hài hòa hình thức với nội dung, tạo nên tác phẩm thiên tài với triết lý nhuốm màu tư tưởng tự giải thoát của Phật giáo, với lời hát được như được thể hiện bởi “tiếng tụng kinh của một ngàn tu sĩ Tây Tạng”. Tất cả khiến “Tomorrow Never Knows” luôn sống, luôn tồn tại dù bao lâu sau đi nữa.

Tạm kết:


“Revolver”, sau cùng là tiếng cười hả hê của Beatles khi đã sống được với tầm nhìn của chính mình, vượt qua hình tượng những chàng trai dễ thương để thực sự trở thành người nghệ sĩ thực thụ.

Với “Revolver”, họ sáng tạo thứ âm nhạc rất “đời” mà cũng độc đáo vô song về nghệ thuật. Trên hết, Beatles khẳng định tài năng xóa nhòa ranh giới và định nghĩa về các thể loại và phong cách, cũng như tầm ảnh hưởng vượt thời gian - không gian của mình.

(Tham khảo: "Beatles’ Acid Test: How LSD Opened the Door to ‘Revolver’ “- tạp chí Rolling Stone, "The Beatles đã thay đổi thế giới thế nào?" - Tule)
39 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Mình cũng thích Beatles, thank bro về bài viết công phu, đang nghe Revolver luôn rồi.
@chim_se_toc_xu Tuyệt vời bro, mình nghĩ con này ko nghe thì phí lắm
Bước chuyển sang psychedelic rock khi nào cũng tạo ra những tác phẩm mang tính hiện sinh. Khó nghe, nhưng nghe được thì thấm.
@P.W Ôi bạn này có gu nghe nhạc quá. Đồng ý 2 tay 3 chân luôn.
tvnh.lsd
ĐẠI BÀNG
3 năm
Ae ai muốn trải nghiệm LSD có thể liên hệ mình hehe. Sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn của ae về thế giới này cuộc sống này, ae sẽ yêu đời hơn, phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống và đặt biệt tràng đầy năng lượng sống quan tâm chia sẽ với những người bên cạnh mình.
Ae nào bị trầm cảm nên dùng LSD 1 lần ae sẽ thấy bản thân mình tốt lên từng ngày ntn.
Mày vui tính vãi
Hoàn toàn ko thích nghe nhạc của Beatles, vì đài FM hồi đó phát triền miên nên buộc phải nghe & quá quen với giai điệu của bài "Yesterday". Còn về sự nghiệp solo thì thích nghe bản "Woman" do John Lennon biểu diễn 👍
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
Avatar
ĐẠI BÀNG
3 năm
@crazysexycool1981 Thời còn hát karaoke bằng băng VHS, mềnh rất hay chọn bài Woman của John Lennon để hát ^^
@Avatar Bài đó nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng... khác với hầu hết các bài khác của Beatles 👍
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
ESKA_84
ĐẠI BÀNG
3 năm
Vẫn còn nhớ phim Hàn Quốc Yesterday gắn liền với tên bài hát, mỗi lần nghe lại thấy buồn
abc261181
ĐẠI BÀNG
3 năm
bác nào biết ở HN, SG có bán đĩa than Revolver chỉ giúp nhé
@abc261181 Vinyl Sài Gòn, Saigon Vinyl Records hoặc Hãng Đĩa Thời Đại nhé
Nghe thử 😆
Band nhạc yêu thích mọi thời đại của em <3
Abbey Road về tổng thể vẫn là hay nhất mọi thời đại của Beatles chứ không phải Revolver. Nhưng bài viết này khá hay và khá chi tiết. Cảm ơn chủ thớt đã cung cấp nhiều thông tin thú vị!
@Lam Minh Phuong Tuyệt vời! Rubber Soul, Revolver, Sgt. Pepper's và Abbey Road theo mình nghĩ là tứ trụ album của Beatles! Rất vui vì bạn enjoy.
Quá hay bro ơi! Sẽ ngấu nghiến lại album này đêm nay! 😃
@Enzo Le Enjoy!
mrqd
TÍCH CỰC
3 năm
Mình mê nhất White Album. Nó gây nghiện. Dĩ nhiên nói về nó thì cả ngàn năm sau không hết. Album này đa phong cách, mỗi phong cách của từng thành viên có lẽ được đưa lên cao nhất, định hướng cho họ sau khi rời nhóm solo. Xưa, thời nghe nó nhiều nhất có lúc mê man, vã bồ hôi hột, cảm giác như vừa "bắn" xong, lai láng, ảo tưởng, cả khoái lạc nữa song cũng vô cùng mệt mỏi, đôi lúc lờm lợm... ai nghiện Beatles thế nào cũng gặp cái này. Cái khoái nhất thế đấy!
@mrqd Phải công nhận Beatles làm người nghe trải qua mọi cung bậc mà cung bậc nào cũng sâu sắc. Nghe bản "I'm Only Sleeping" là thấy mệt mỏi buồn ngủ, nghe "Yesterdays" là thấy hoài niệm, nghe "Come Together" là thấy sung sức nhiều năng lượng.

Quá đồng tình với bạn.
@mrqd Ghê vậy :v
daivigold
TÍCH CỰC
3 năm
Không phải Beatles chính xác phải là The Beatles mod ơi
rassen
TÍCH CỰC
3 năm
Revolver đứng thứ 11 nhé, ko phải đứng thứ 3 trong list của Rolling Stone.
Album cao nhất của The Beatles trong list này là Abbey Road. Đứng thứ 5 https://www.rollingstone.com/music/music-lists/best-albums-of-all-time-1062063/the-beatles-abbey-road-2-1063228/


Ông đưa thông tin thì vui lòng dẫn nguồn và ghi cho chính xác.
Hình như đây là bảng xếp hạng mới hơn và đã có điều chỉnh so với lần xếp hạng trước. Có cả Taylor Swift các thứ. Nhưng nó thể hiện việc đánh giá về âm nhạc là rất cá nhân, tùy thời điểm đánh giá và ai đánh giá. Mình không thích album này nhất trong số các album của the Beatles, và mình yêu thích nhiều ban nhạc khác hơn the Beatles. Nhưng mình đánh giá cao đam mê của chủ thớt. Nghe một album nhạc mà mình hiểu các câu chuyện đằng sau thì nó hay hơn gấp nhiều lần.
rassen
TÍCH CỰC
3 năm
Mình cũng đánh giá cao tinh thần viết bài.

Cũng thể loại mọt nhạc, cũng thích The Beatles nên biết album nào được đánh giá cao nhất.
Nên đọc phát là kiểm tra liền, tác giả lúc viết bài nên re-check, tránh đưa thông tin sai lệch vì sẽ cho người đọc ấn tượng sai về thông tin, củng cố thiên kiến (bias) của người viết bài về album nào là đỉnh nhất của The Beatles.

Thời đại đầy fake news này, viết bài tốt nhất nên ghi nguồn. https://www.rollingstone.com/music/music-news/beatles-abbey-road-rs-200-charts-895699/ Bài này trên Rollingstone từ 7-10-2019, đã ghi Abbey Road đứng thứ 3.
Như vậy thông tin chủ thớt viết bài sai hoàn toàn hoặc outdated từ khá lâu.
Nghe nhạc The Beatles từ khi học cấp 3 (tầm 1998 bắt đầu nghe) và vẫn nghe cho đến bây giờ 😁
kenzitrung
ĐẠI BÀNG
3 năm
Thanks bác vì bài viết hay, chi tiết và giàu cảm xúc 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019