Hãy đi thẳng vào vấn đề. Nếu anh em vừa lỡ tay đầu tư một chiếc 3070 Ti hoặc 3080 cũ vì giá tốt, thì hãy yên tâm vì chí ít nó sẽ phục vụ tốt cho nhu cầu chơi game của anh em trong vòng 4 đến 5 năm nữa.
Giờ này hai năm trước, thế hệ card đồ họa RTX 3080 được giới thiệu với mức giá khuyến nghị 699 USD. Giờ này, để sở hữu RTX 4080, anh em phải chuẩn bị ít nhất 899 USD cho bản trang bị GPU AD-104 và 12GB VRAM. Con số này còn chưa tính đến thuế nhập khẩu đồ điện tử và VAT ở Việt Nam đâu. RTX 4090 giá nghìn sáu Đô, về Việt Nam kiểu gì cũng ngót nghét 50 triệu Đồng.
Điều này đồng nghĩa với ba khả năng. Một là Nvidia hoặc đang rất tự tin với khả năng xử lý đồ họa của card Ada Lovelace. Hai là chi phí sản xuất card đồ họa đã tăng và Nvidia buộc phải để anh em chịu một phần chi phí. Khả năng thứ ba, Nvidia đang đi theo hướng của Sony và Apple, tạo ra những sản phẩm ở tầm phân khúc cao cấp để kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Ở một khía cạnh nào đó nếu chúng ta lắp ghép những dữ kiện kinh doanh của Nvidia trong hai quý gần đây, thì bỗng nhiên khả năng thứ 3 sẽ trở nên vô cùng logic. Chưa rõ những nỗ lực giảm giá và khuyến mãi để dọn kho của Nvidia có đang giúp họ xử lý xong những đơn hàng card đồ họa RTX 30 series hay không.
Giờ này hai năm trước, thế hệ card đồ họa RTX 3080 được giới thiệu với mức giá khuyến nghị 699 USD. Giờ này, để sở hữu RTX 4080, anh em phải chuẩn bị ít nhất 899 USD cho bản trang bị GPU AD-104 và 12GB VRAM. Con số này còn chưa tính đến thuế nhập khẩu đồ điện tử và VAT ở Việt Nam đâu. RTX 4090 giá nghìn sáu Đô, về Việt Nam kiểu gì cũng ngót nghét 50 triệu Đồng.
Điều này đồng nghĩa với ba khả năng. Một là Nvidia hoặc đang rất tự tin với khả năng xử lý đồ họa của card Ada Lovelace. Hai là chi phí sản xuất card đồ họa đã tăng và Nvidia buộc phải để anh em chịu một phần chi phí. Khả năng thứ ba, Nvidia đang đi theo hướng của Sony và Apple, tạo ra những sản phẩm ở tầm phân khúc cao cấp để kiếm tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
RTX 4080 12GB, hay RTX 4070 bị đổi tên?
Ở một khía cạnh nào đó nếu chúng ta lắp ghép những dữ kiện kinh doanh của Nvidia trong hai quý gần đây, thì bỗng nhiên khả năng thứ 3 sẽ trở nên vô cùng logic. Chưa rõ những nỗ lực giảm giá và khuyến mãi để dọn kho của Nvidia có đang giúp họ xử lý xong những đơn hàng card đồ họa RTX 30 series hay không.
Nhưng có một điều là rõ ràng. Anh em hãy lên Facebook, tham gia những nhóm mua bán trao đổi linh kiện PC để thấy giá card đồ họa đời RTX 30 giờ càng lúc càng giảm. Có người nói vui rằng, “card cũ bây giờ mỗi ngày giá giảm 200 nghìn”, chính xác hay không thì mình không đủ dữ liệu chứng minh, nhưng tốc độ giảm giá những mẫu card đã qua sử dụng là có thật.
Nhân tiện hãy nhìn lại dàn sản phẩm mà Nvidia giới thiệu một cách vắn tắt ngắn gọn trong livestream thuộc sự kiện GTC 2022 vừa rồi. RTX 4090 thì không phải bàn rồi, vì đó là sản phẩm tốt nhất Nvidia đem tới cho thị trường tiêu dùng. Nhưng tại sao lại có liền một lúc hai chiếc RTX 4080, với cả lượng nhân CUDA lẫn VRAM khác nhau?
Một thuyết âm mưu đang được nhiều người cảm thấy có lý, đó là RTX 4080 12GB chính là sản phẩm đáng lẽ ra được gọi là RTX 4070. RTX 4080 16GB trang bị GPU AD-103, còn bản 12GB được trang bị AD-104. Anh em còn nhớ RTX 3070 trang bị GPU gì không? GA-104. Với cái giá 899 USD mà gọi tên sản phẩm là RTX 4070, chắc chắn cộng đồng sẽ có những phản ứng gay gắt.
Vậy là chúng ta có RTX 4080 phiên bản "giá rẻ". Ấy nhưng mà “rẻ” ở đây thì vẫn là con số cao hơn cả giá khuyến nghị hồi RTX 3080 và 3070 ra mắt. Mức giá 699 và 499 USD giờ chỉ còn trong ước mơ của biết bao anh em.
Thuyết âm mưu này thậm chí còn logic hơn, khi chúng ta nhìn vào hiệu năng của RTX 4080 12GB, tiệm cận RTX 3090, sản phẩm cao cấp nhất thời điểm kiến trúc Ampere được giới thiệu. Trước đó theo truyền thống, mọi chiếc card đuôi số 70 đều có hiệu năng ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn một chút so với sản phẩm mạnh nhất của thế hệ cũ: 2070 ngang cơ 1080 Ti, 3070 ngang ngửa 2080 Ti, v.v…
Có lẽ, Nvidia đã tính trước luôn được cái việc, dù có đặt giá như thế nào thì doanh số của RTX 40 series cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng triệu card thế hệ cũ đang tràn vào thị trường phần cứng PC. Chi bằng tạo ra một sản phẩm đắt hẳn và hiệu năng ngon hẳn, ai có điều kiện thì vẫn sẽ mua thôi, còn chúng ta thì…
Quảng cáo
Card RTX 30 xài vẫn ổn, anh em đừng lo
Phải nói là Nvidia lần này đã khôn ngoan hơn so với thời điểm năm 2018, khi họ giới thiệu kiến trúc Turing, với những card đồ họa đầu tiên hỗ trợ ray tracing thời gian thực. Lúc đó cơn sốt tiền ảo quãng 2017 vẫn còn ám ảnh họ khi đi đến đâu cũng thấy GTX 1060, của người chơi điện tử có, và của dân cày cũng có nốt. Ơ mà hình như đấy chính là lý do GTX 1060 giờ vẫn là ông vua của ngành gaming PC, tháng nào cũng chễm chệ ngôi vương mỗi lần Steam Hardware Survey công bố kết quả khảo sát?
Nvidia khôn ngoan ở chỗ, tạo ra sản phẩm ở tầm cao hơn hẳn so với RTX 30 series, không có sản phẩm nào thực sự chồng lấn lên phân khúc của những sản phẩm đời cũ. Đấy là chưa kể đến việc, RTX 4080 phải đến tháng 11 mới bán ra thị trường cơ. Khi đó, theo tính toán của Nvidia, ai muốn mua card cũ thì cũng đã chi tiền xong rồi, nhường lại sức nóng thị trường cho những sản phẩm thế hệ mới.
Nhưng sản phẩm thế hệ mới khỏe đến đâu? Câu trả lời ngắn gọn là nếu anh em không chơi game ở độ phân giải 4K, thì RTX 3060, 3070 hay 3080 vẫn sẽ phục vụ tốt nhu cầu. Thậm chí nếu muốn chơi game 4K, thì với giá 3090 Ti cũ hiện giờ, nó vẫn là một lựa chọn quá ổn với mức giá dao động ở ngưỡng trên dưới 30 triệu Đồng.
Có một điểm ít anh em để ý, đó là Nvidia làm giới thiệu sản phẩm mới giờ y chang Apple. Họ không công bố chính xác tốc độ khung hình, thước đo hoàn hảo nhất để nhận định hiệu năng của một GPU nữa. Mọi biểu đồ, mọi thông tin so sánh đều chỉ lấy thế hệ card đồ họa đời cũ làm mốc quy chiếu, rồi đo hiệu năng RTX 4090 và 4080 để ra con số hiệu năng cao gấp mấy lần, 2x hay 3x chẳng hạn:
Quảng cáo
Điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi quan trọng hơn. Nếu ở lại với RTX 30 series thì anh em được và mất những gì?
RTX 3080 chơi Metro Exodus vẫn được 64 FPS ở độ phân giải 4K, và nếu hạ xuống độ phân giải 2K thì con số này là 90 FPS. Horizon Zero Dawn cũng không khác biệt: 4K Ultra được 70 FPS, 2K Ultra được 116 FPS. Đến cả một game nặng như Red Dead Redemption 2, 4K cũng được 60 FPS. Nói cách khác là hoàn toàn ổn về mặt trải nghiệm.
Tương tự như vậy là với RTX 3070 ở độ phân giải 2K, và RTX 3060 ở độ phân giải Full HD. RTX 3070 chơi Metro Exodus độ phân giải 2K có ray tracing vẫn còn được 70 FPS. Thực tế thì giờ nếu muốn mua, anh em hãy chọn RTX 3070 Ti thay vì 3070, mình thấy có anh em đang bán hàng cũ đâu đó khoảng từ 9 đến 10 triệu Đồng.
Còn ở độ phân giải Full HD trong những hệ thống PC tầm trung và bình dân, RTX 3060 vẫn đủ sức kéo lên 60 FPS trong Assassin's Creed Valhalla, chất lượng đồ họa Ultra. Borderlands 3 thì là 78 FPS. Horizon Zero Dawn cũng được 96 FPS, không tồi. Lượn một vòng mấy chợ card cũ, có chỗ bán RTX 3060 12GB giá chưa đầy 6 triệu Đồng. RTX 3060 Ti thì nhỉnh hơn chút xíu. Nói không ngoa thì, đến chính bản thân mình cũng thấy choáng váng vì tốc độ tụt giá của đời GPU Ampere.
Chí ít thì đến trước ngày 12/10 tới, RTX 3090 Ti vẫn cứ là card đồ họa tiêu dùng khỏe nhất hành tinh. Và sau ngày 12/10, khi RTX 4090 ra mắt, khá chắc sẽ có nhiều đại gia xả card cũ để mua hàng mới, đơn giản vì họ muốn, và có điều kiện. Đến khi đó, RTX 3090 Ti tự nhiên sẽ thành một món đồ chơi có p/p không chê vào đâu được. Đằng nào thì cũng ăn 450W điện, nhưng cả 3090 Ti lẫn 4090 đều chơi được game ở độ phân giải 4K. Nếu không quá quan trọng chênh lệch tốc độ khung hình, thì mức giá mua cũ của 3090 Ti biến nó thành một sản phẩm rất đáng sở hữu, trái ngược hoàn toàn với cái thời điểm Nvidia giới thiệu và báo giá 1.999 USD.
DLSS 3 thì sao? Phải có card đầu 4 mới dùng được chứ?
Phải thừa nhận nhiều người chờ đợi RTX 40 series đơn giản vì sức mạnh của cụm chip xử lý tensor trong GPU Ada Lovelace. Lúc ngồi xem sự kiện livestream, mình bị ngợp bởi khả năng mà Nvidia giới thiệu, dùng GPU để tự vẽ ra khung hình mới, không cần ép CPU phải làm việc hết công suất. Đó là thứ chưa từng xảy ra trước đây, thế mà Nvidia làm được.
Bỗng nhiên, DLSS 3 trở thành selling point quan trọng hơn cả chênh lệch hiệu năng giữa Ampere và Ada Lovelace. Công nghệ mới này cho phép thuật toán AI và cụm xử lý Optical Flow Accelerator “dự đoán” và “vẽ” ra cả một khung hình mới hoàn toàn dựa trên dữ liệu có sẵn trước đó, không cần tới CPU dựng đa giác từng khung hình như truyền thống. Theo phía Nvidia, khả năng này sẽ triệt tiêu hoàn toàn tình trạng nghẽn cổ chai giữa CPU và GPU, khi GPU quá mạnh còn CPU thì trầy trật xử lý cùng lúc nhiều việc.
Ở đây có hai vấn đề phải nói tới. Thứ nhất là chúng ta chưa được trải nghiệm tận tay DLSS 3 để so sánh với DLSS 2 cũng như so sánh với hiệu năng xử lý game của thế hệ card đồ họa cũ. Và thứ hai, chính bản thân kỹ sư của Nvidia cũng đã nói rằng, trên lý thuyết DLSS 3 có thể vận hành được trên nền phần cứng GPU cũ, những con chip dù có cụm xử lý Optical Flow Accelerator nhưng hiệu năng không đủ để tự vẽ ra cả khung hình mới:
“OFA tồn tại từ thế hệ GPU kiến trúc Turing. Tuy nhiên trên Ada, OFA có hiệu năng mạnh hơn nhiều, đủ để ứng dụng công nghệ Optical Multi Frame Generation trên DLSS 3. Nếu cố sử dụng DLSS 3 trên RTX 20 và 30 series, người dùng có thể sẽ cảm thấy hình ảnh trên màn hình bị lag, chất lượng hình ảnh thấp, và quan trọng nhất là không tăng tốc độ khung hình, mục tiêu quan trọng nhất của DLSS.”
Đó là những tuyên bố của phó chủ tịch mảng nghiên cứu deep learning ứng dụng của Nvidia, Bryan Catanzaro. Trên lý thuyết, OFA của RTX 3080 hay 3090 Ti có thể dùng phục vụ công nghệ Optical Flow Accelerator trên DLSS 3, nhưng theo Nvidia, công nghệ này sẽ cần các kỹ sư nghiên cứu và phát triển kỹ lưỡng hơn thì mới ứng dụng được. Điều đó mở ra một khả năng, dù rất là nhỏ nhoi, cho anh em chơi game với card Ampere chơi game với tốc độ khung hình ngon hơn, trong khi áp lực dồn lên phần cứng được giảm thiểu, nhường tài nguyên máy để xử lý hiệu ứng ray tracing.
Tạm kết
Phải thừa nhận, với mức giá được Nvidia công bố, mình chưa có nhiều kỳ vọng đối với RTX 40 series. Chắc chắn chúng vẫn sẽ rất khỏe về mặt hiệu năng xử lý đồ họa, cái đó không ai dám phủ nhận. Nhưng ở khía cạnh kinh doanh, cái giá khởi điểm 900 USD cho một chiếc card kiến trúc Ada Lovelace khiến nó trở thành một sản phẩm đánh thẳng vào thị trường ngách, không phải ai cũng đủ khả năng sở hữu.
Điều này đảm bảo sẽ tạo ra tác động tới doanh số cũng như doanh thu và lợi nhuận của Nvidia trong những quý kinh doanh tới. Có thể họ sẽ bán được ít hàng hơn nhưng lợi nhuận cao hơn. Nhưng giữa thời điểm thị trường đang ngập tràn card RTX 30 series, lợi nhuận cao hơn thì chưa chắc, còn doanh số bán hàng mới bị giảm vì ai cũng chọn card đời cũ thì là điều chắc chắn.
Và hệ quả trên đây cũng đến từ chính thực tế là RTX 30 series càng lúc càng dễ mua, càng có mức giá rẻ đến kinh ngạc. Ấy là còn chưa kể đến những GPU sắp ra mắt của AMD, dự kiến ngày 3/11, kiến trúc RDNA 3. Không phải game nào cũng ứng dụng ray tracing, và hiệu năng xử lý đồ họa cũng như mức giá card AMD chắc chắn sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đua song mã diễn ra trong thời gian tới.