Những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, có cả sân bay mang tên CR7 ở Madeira

bk9sw
29/3/2019 12:29Phản hồi: 39
Những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, có cả sân bay mang tên CR7 ở Madeira
Nhiều vụ tai nạn máy bay xảy ra trong quá trình cất và hạ cánh, có thể do hỏng hóc máy bay, có thể do lỗi phi công, có thể do thời tiết và cũng có thể do sân bay có đường băng ngắn hay nằm ở những địa thế quá khó để thực hiện cú cất/hạ cánh an toàn. Dưới đây là những sân bay dân sự vẫn đang hoạt động, được xếp hạng "khó nhằn" nhất đối với giới phi công, đòi hỏi phi công phải có kỹ năng tốt, giàu kinh nghiệm.

Sân bay Lukla, Nepal:


Lukla Airport.jpg
Lukla hay Tenzing-Hillary (mã IATA: LUA, ICAO: VNLK) là một sân bay nằm trên núi thuộc thị trấn Lukla, quận Solukhumbu, Nepal, ở độ cao 2845 m so với mặt nước biển. Đây là nơi đón những ai muốn thăm quan hay chinh phục đỉnh Everest bởi từ đây các nhà leo núi hay khách tham quan mới có thể leo lên các khu tập kết và dựng trại tại 2 sườn của đỉnh Everest nằm ở độ cao trên 5100 m. Điều khiến nó trở thành nỗi ám ảnh đổi với mọi phi công là việc nó có đường băng rất ngắn, không có trang thiết bị hỗ trợ cất hạ cánh và nằm kẹp giữa những rặng núi cao với thời tiết có thể thay đổi bất chợt.

Mỗi ngày đều có các chuyến bay từ Kathmandu, thủ đô Nepal đến Lukla và toàn bộ đều bay ban ngày, điều kiện thời tiết tốt. Mặc dù không mất nhiều thời gian để bay tới đây nhưng chỉ cần trời có gió mạnh, nhiều mây, tầm nhìn hạn chế là Lukla sẽ bị đóng cửa và các chuyến bay bị hoãn.


Thử thách không chỉ dừng lại ở thời tiết, Lukla chỉ có 1 đường băng dốc và dài chỉ 527 m (thử so với sân bay nhỏ như Côn Đảo ở nước ta vẫn có đường băng dài 1830 m). Vì vậy, những chiếc máy bay được phép hạ cánh cũng hạn chế như trực thăng, máy bay cánh bằng cỡ nhỏ và những loại máy báy có thể cất/hạ cánh trên đường băng ngắn như De Havilland Canada DHC-6 Twin Otter, Dornier Do 228, L-410 Turbolet, Pilatus PC-60 Turbo Porter.

Nhà ga đón khách cũng rất nhỏ, không có đèn và cũng chỉ vài chỗ có điện do đó việc hạ cạnh trong các điều kiện thời tiết xấu rất rủi ro. Ngoài ra tại Lukla cũng không có trạm kiểm soát không lưu tại chỗ do đó phi công phải vận dụng kỹ năng để tự hạ cánh máy bay.

Lukla Airport 1.jpg
Do những khó khăn về cất/hạ cánh, Ủy ban hàng không dân dụng Nepal chỉ cho phép phi công giàu kinh nghiệm, hoàn tất ít nhất là 100 bài test cất hạ cánh trên đường băng ngắn, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm bay như vậy tại Nepal cũng như hoàn thành 10 chuyến bay đến Lukla với một phi công chỉ dẫn có chứng chỉ, làm việc trên các chuyến bay đến Lukla.

Tenzing Hillary.jpg
Lukla còn được gọi là sân bay Tenzing-Hillary nhằm vinh danh Tenzing Norgay và Edmund Hillary (trái) - 2 người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest cũng như những đóng góp của họ trong việc xây dựng sân bay này. Hillary là một nhà leo núi người New Zealand, ông đã mua lại miếng đất của những người Sherpas - tộc người thiểu số sống lâu đời tại vùng núi của Nepal và thuê luôn họ làm nhân công. Nền đất tại đây không chặt, Hillary đã mua một loại rượu địa phương cho những người Sherpas uống và yêu cầu họ nhảy điều nhảy truyền thống để làm phẳng, lèn đất, từ đó đường băng hình thành. Đến năm 2001, nó mới được tráng nhựa. 20 năm liền, Lukla được xếp hạng sân bay nguy hiểm nhất thế giới.

Sân bay Courchevel, Pháp:


Courchevel Airport.jpg
Sân bay Courchevel (mã IATA: CVF, ICAO: LFLJ) cũng là một sân bay nằm trên núi, nó đóng vai trò đón đưa hành khách lên khu trượt tuyết Courchevel thuộc dải Alps. Sân bay này tương tự Lukla về độ nguy hiểm khi mà đường băng của nó chỉ dài 537 m, chỉ hơn 10 m so với Lukla và độ nghiêng đến 18.6% khiến việc cất cánh rất nguy hiểm. Phi công không có cơ hội mắc sai lầm bởi cất cánh lỗi sẽ đối mặt với vực sâu phía trước trong khi đó hạ cánh lỗi sẽ không thể quay đầu (go-around - lấy lại độ cao và thực hiện hạ cánh lại) bởi xung quanh toàn núi và đường băng ngắn. Thêm vào đó, sân bay thiếu các trang thiết bị hỗ trợ cất/hạ cánh như không có hệ thống đèn báo thành ra việc hạ cánh trong điều kiện trời mù sương, nhiều mây dường như không thể.


Sân bay này chủ yếu tiếp nhận những chiếc máy bay cánh bằng cỡ nhỏ như Cessna, de Havilland Cananda DHC-7 (Dash 7), DHC-6 Twin Otter chở được vài chục người. Hiện tại Alpine Airlines là hãng hàng không duy nhất cung cấp các chuyến bay chở khách thương mại đến sân bay này.

Sân bay quốc tế Toncontin, Honduras:

Quảng cáo



Toncontin AIrport.jpg
Sân bay quốc tế Toncontin (mã IATA: TGU, ICAO: MHTG) còn gọi là sân bay Teniente Coronel Hernan Acosta Mejia là một sân bay dân dụng kiêm quân sự nằm cách trung tâm thủ đô Tegucigalpha của Honduras 6 km. Đây là một trong những sân bay thách thức khả năng hạ cánh của phi công, nhất là khi thời tiết xấu.


Nó không nằm trên độ cao lớn như 2 sân bay nói trên nhưng nó lại nằm lọt thỏm giữa một vùng địa hình đồi núi cao thấp đủ kiểu. Đặc điểm địa hình này khiến máy bay không thể tiếp cận thẳng trên đường băng số 02 khi muốn hạ cánh - đây cũng là đường băng thường được dùng do hướng gió thuận, mà thay vào đó các phi công phải tiếp cận theo kiểu đánh vòng, bẻ lái 45 độ để tiếp cận đường băng. Khi tiếp cận, máy bay còn phải bay rất sát trên một ngọn đồi với góc tiếp cận thấp để có thể tận dụng độ dài đường băng. Đường băng 02 dài khoảng 2100 m và đa phần các máy bay phản lực thương mại hạ cánh chỉ cánh ngưỡng di dời (displaced threshold) ở cuối đường băng một đoạn ngắn. Nếu hạ cánh lỗi, phi công rất khó quay đầu và thủ tục này rất nguy hiểm bởi xung quanh toàn núi.

Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại sân bay Toncontin, đa phần là do đáp lố đường băng hay tiếp cận lỗi. Trong đó vụ tai nạn đáng chú ý nhất là chiếc Boeing 727-200 của hãng Tan-Sahsa, Honduras tiếp cận lỗi và đâm vào ngọn đồi gần đường băng làm 127/146 người thiệt mạng năm 1989. Đến vụ tai nạn của TACA 390 với Airbus A320 làm 3 người trên khoang và 2 người chết do đáp lố đường băng năm 2008 thì sân bay này bị chính phủ Honduras tạm ngưng tiếp nhận các máy bay lớn, chuyển sang sân bay Soto Cano. Đến năm 2009 thì các chuyến bay quốc tế được phép trở lại Toncontin.

Sân bay quốc tế Princess Juliana, Sint Maarten/Saint-Martin:



Saint-Martin là một hòn đảo nhỏ bé nằm ở Caribbean và là đồng lãnh thổ ngoại quốc của 2 quốc gia là Hà Lan (phía nam gọi là Sint Maarten) và Pháp (phía bắc gọi là Saint-Martin). Sân bay quốc tế Princess Juliana (mã IATA: SXM, ICAO: TNCM) thuộc phía nam hòn đảo và sát bên bờ biển.

Quảng cáo



Sân bay này có đường băng dài 2300 m, khá ngắn đối với những chiếc máy bay phản lực được phép cất/hạ cánh tại đây, thường đòi hỏi ít nhất 2500 m để đảm bảo hạ cánh an toàn Sân bay Princess Juliana ban đầu được xây dựng để đón máy bay nhỏ nhưng với lượng du khách đổ về đây ngày một đông, những chiếc Boeing 747 hay Airbus A340 cũng cất/hạ cánh tại đây.

Princess Juliana AIrport.jpg
Ở giai đoạn tiếp cận cuối cùng với đường băng số 10, phi công sẽ phải bay thấp theo góc xuôi 3 độ, ngay trên bãi biển Maho và ngay trên đầu các du khách đang tắm nắng cũng như "hóng" máy bay. Đây cũng là một trong những địa điểm được nhiều nhiếp ảnh gia hàng không ưa thích mặc dù việc đứng ngay dưới máy bay khi đang hạ cánh rất nguy hiểm. Thậm chí đã từng có người chết và nhiều người bị thương vì sở thích này. Vào năm 2017, một nữ du khách người New Zealand đã chết khi đứng hóng máy bay cất cánh, luồng phản lực từ 2 động cơ đã thổi bay cô gây chấn thương nặng.

Sân bay Paro, Bhutan:


Paro Airport.jpg
Lại một sân bay nữa nằm trên núi và rất nguy hiểm, sân bay Paro (mã IATA: PBH, ICAO: VQPR) là một trong 4 sân bay quốc tế của vương quốc Bhutan. Nó nằm lọt thỏm trong một thung lũng bên rìa sông Paro Chhu cách mặt nước biển 2235 m và xung quanh là những rặng núi cao đến 5500 m. Chỉ có 8 phi công được cấp phép hạ cánh tại đây.

Sân bay Paro hiện có đường băng đã được mở rộng, dài 1964 m, có thể đáp ứng các loại máy bay nặng hơn và lớn hơn. Do đặc tính địa hình, phi công phải cực kỳ có kinh nghiệm để có thể giảm độ cao rất nhanh khi tiếp cận. Vì vậy Paro là một trong những sân bay thách thức nhất trên thế giới. Hiện tại chỉ có một số hãng hàng không được phép khai thác các chuyến bay đến Paro như Bhutan Airlines, Buddha Air và Druk Air với các loại máy bay như BAE 146-100 hay Airbus A319-100.

Sân bay quốc tế Gibraltar:


Gibraltar Airport.jpg
Ở Việt Nam dừng đèn đỏ trước hàng rào chờ tàu, người ta thì chờ máy bay 😁.
Nếu anh em từng thấy một sân bay có đường băng bị cắt ngang bởi đường phố thì đây chắc chắn là sân bay quốc tế Gibraltar (mã IATA: GIB, ICAO: LXGB). Đây là sân bay chính của Gibraltar thuộc Anh, đường băng do Bộ quốc phòng Anh sở hữu và sử dụng cho Không quân hoàng gia Anh nhưng các chuyến bay thương mại vẫn được phép hạ cánh, hành khách sử dụng nhà ga riêng.


Sân bay này có một đặt điểm không đâu có là nó bị cắt ngang bởi đại lộ Winston Churchill - đây là con đường chính dẫn đến biên giới Tây Ban Nha bởi Gibraltar là vùng lãnh thổ ngoại quốc của Anh nằm trên bán đảo Iberia của TBN. Vì vậy, con đường này thường xuyên bị chặn đóng mỗi khi có máy bay cất/hạ cánh. Ngoài ra, do đường băng nằm ven vịnh Algeciras thành ra nó còn phải chịu gió cắt rất mạnh. Phi công sẽ còn bị thách thức ở level cao hơn nữa nếu hạ cánh vào mùa đông.

Một đại lộ đóng cửa mỗi khi có máy bay cất/hạ cánh? May mắn cho người dân ở đây là mỗi tuần chỉ có vài chuyến bay tới đây, mỗi lần đóng cửa thì 2 đầu đường được rào chắn lại, các tài xế phải đợi khoảng 10 phút. Tuy nhiên, điều không may là mặc dù chính quyền sở tại đã có kế hoạch xây dựng đường hầm chui bên dưới đường băng từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đường hầm này có 4 làn xe và dự định ban đầu chỉ mất 1 năm để xây dựng.

Sân bay quốc tế Cristiano Ronaldo, Bồ Đào Nha:


CR7 không chỉ là tiền vệ, tiền đạo nguy hiểm nhất thế giới mà sân bay mang tên anh cũng là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Sân bay này trước đây gọi là Madeira hay sân bay Funchal (mã IATA: FNC, ICAO: LPMA) giờ được đổi tên để vinh danh Cristiano Ronaldo - người con của xứ Madeira.

Madeira Airport.jpg
Sân bay này nguy hiểm bởi vị thế đặc biệt của nó khi nằm dọc theo bờ biển của quận Santa Cruz thuộc đảo Madeira. Thiết kế sân bay rất đặc biệt với đường băng dài 2781 m có một phần nằm trên một cấu trúc 180 cột, mỗi cột cao 70 m chạy dọc ven biển. Cấu trúc này đã nhận được giải thưởng Outstanding Structure Award năm 2004 bởi Hiệp hội kỹ thuật cấu trúc và cầu đường quốc tế và cũng là một trong những cấu trúc khó xây dựng nhất thế giới do địa hình. Thực tế ban đầu, 2 đường băng chỉ dài 1600 m nhưng với hiệu ứng CR7, lượng khách du lịch đổ về Madeira tăng cao khiến đường băng được nới ra thành 2781 m để đáp ứng nhiều loại máy bay phản lực cỡ lớn như Boeing 747-200 hay Airbus A330-200.


Ví như Kai Tak (sân bay khó đáp nổi tiếng của Hong Kong khi xưa) của châu Âu, sân bay này còn bị ảnh hưởng bởi những cơn gió cắt mạnh từ biển, phi công chỉ có thể tiếp cận đường băng ở một đầu và phải tận dụng tối đa độ dài đường băng bởi đầu kia là đại dương. Nếu anh em muốn thăm nhà CR7 thì đi máy bay phải đáp xuống sân bay này :D.

Trên đây chỉ là một vài trong số những sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Đa phần chúng đều có đường băng ngắn, nằm trên những địa hình khắc nghiệt như băng tuyết, giữa nhiều ngọn núi hay bị tác động bởi các yếu tố thời tiết như lốc, gió cắt thậm chí là thủy triều lên xuống làm ngập nước. Anh em còn biết thêm những sân bay nguy hiểm nào khác thì comment bên dưới nhé.
39 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

BaliSummer
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ronaldo không thích điều này
lee0803
TÍCH CỰC
5 năm
@Dương Nhẹ dù gì cũng đủ tự hào vì là 1 trong những kiến trúc độc đáo và khó xây nhất trên thế giới 🆒🆒🆒
Còn hơn dừng xe chờ đèn đỏ tại Việt Nam! ... 😁
phanthi05
ĐẠI BÀNG
5 năm
@daigiahungyen Thiên đường Nepal là đây.
ngthequynh
TÍCH CỰC
5 năm
Sân bay Courchevel (mã IATA: CVF, ICAO: LFLJ) cũng là một sân bay nằm trên núi, nó đóng vai trò đón đưa hành khách lên khu trượt tuyết Courchevel thuộc dải Alps. Sân bay này tương tự Lukla về độ nguy hiểm khi mà đường băng của nó chỉ dài hơn 10 m, tức 537 m với độ nghiêng 18.6% khiến việc cất cánh rất nguy hiểm.
Chả hiểu viết gì
@ngthequynh ý bạn ấy là dài hơn cái sân bay đầu tiên lukla 10m đó bạn
elgaucho
TÍCH CỰC
5 năm
@ngthequynh Chẳng hiểu gì thì quay lại đọc từ đầu 1 lần nữa.
qloved
CAO CẤP
5 năm
@ngthequynh có gì mà không hiểu hả bạn. Ở câu này người ta đề cập đến sân bay đầu tiên và nói dài hơn 10m nghĩa là dài hơn cái sân bay kia 10m + kèm thêm con số cụ thể. Bạn đọc theo kiểu bới lông timf sâu nên k chú ý vào bài viết mà chỉ để ý câu chữ thì tất nhiên không hiểu (hoặc tiếng Việt có vấn đề)
@qloved mình cũng đã sửa lại một chút để dễ hiểu hơn, chiều lòng các anh em lười đọc bài 😁
@ngthequynh dài hơn đường băng của sân bay Lukla 10m, viết thế đúng mà.
mt9011
TÍCH CỰC
5 năm
Không bằng đáp đường băng ngập 0,5m của TSN
Dù không phải là ... Thuỷ phi cơ ! ☠️
@mt9011 Bạn mình bay từ sân bay Pleiku về TSN đúng hôm bị ngập thiếu chỗ đáp được khuyến mãi bay lòng vòng ngắm thành phố 2 tiếng 😁
@thephong280597 Bay từ Pleiku tới TSN chắc cỡ 45p, mà lòng vòng mất 2 tiếng chắc chuyến đó lỗ tiền xăng rồi =)))
@thephong280597 haha vui vậy,may mà lúc đi đổ đầy bình =))
12minhduc.
TÍCH CỰC
5 năm
Đường băng quê ta chất lừ. Rớt bánh còn tìm được chứ mấy ông trên nếu bung bánh là tìm mệt nghĩ...
akb48
TÍCH CỰC
5 năm
Vẫn thua đường băng trong phim American made của bọn cartel
Ko quan tâm lắm. Nội Bài, Tân Sơn Nhất ngon là đc rồi... 😁
@Khẩu trang xanh Hai anh ấy vào danh sách “sân bay mất đồ nhiều nhất” rồi.
Sân bay cr7
Máy bay bay ngang đầu luôn
Xem cái sân bay CR7 hạ cánh thấy kinh vãi, khí biển thổi máy bay lắc điên đảo, nhiều máy bay hạ cánh mấy lần mới đc.
mà cấu trúc xây dựng đường bay quá khủng
@nguyenlinh712 Nhìn gió biển nó thổi ghê quá, lắm chiếc đáp k nổi lại phải bay lên. Vậy mà cũng có mấy chiếc đáp được.
hungbya
TÍCH CỰC
5 năm
@nguyenlinh712 Có một lần mình đi máy bay United Airline cỡ nhỏ trong thời tiết không được đẹp lắm, lúc hạ cánh có một đoạn cứ như rơi tự do tưởng sắp gặp tổ tiên luôn rồi. Mình mà ở trong cái máy bay trong clip đó chắc đau tim chết trước khi thật sự có chuyện gì luôn.
Những kiểu san bay thách thức phi công nhìn thôi đủ ớn rồi, nhất là cái phải bay vòng 45 độ sát đất để tiếp =))
Thua xa đường băng trong Fast Furious 6 hết, dm đường băng gì mà dài hơn 50km... phi công chạy hoài không lên được mỏi quá chết
@Nam Air 😆
Muốn có cái chết quanh liệt, đơn giản chỉ cần vượt đèn đỏ 😃
Lên Youtube xem Crosswind Landings là rõ
davang89
ĐẠI BÀNG
5 năm
Sân bay Điện Biên mã ICAO: VVDB bác tìm hiểu nhé 😆
Sân tên anh 7 có vẻ gió to thật con nào gần đáp cũng chòng chành nhìn ớn vl chỉ sợ nó lật :eek:

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019