Nhìn lại những trò chơi hay nhất từ đầu năm 2020 đến giờ: Doom, FF7, TLOU, Animal Crossing...

P.W
31/7/2020 10:48Phản hồi: 39
Nhìn lại những trò chơi hay nhất từ đầu năm 2020 đến giờ: Doom, FF7, TLOU, Animal Crossing...
Cover_Game.jpg

Cứ tưởng là, đến năm cuối cùng vòng đời một cỗ máy console, làng game sẽ tương đối ảm đạm vì các hãng game lớn chờ đợi Xbox và PlayStation mới ra mắt. Nhưng kỳ thực mọi chuyện rất khác. Quãng năm 2013 khi PS3 chuẩn bị nghỉ hưu chờ PS4 ra mắt, anh em được thưởng thức không ít những tác phẩm đến giờ vẫn được coi là xuất sắc: GTA V, BioShock Infinite, Tomb Raider phiên bản reboot, Battlefield 4, Metro: Last Light hay The Last of Us. Năm 2020 cũng không phải ngoại lệ, từ đầu năm đến giờ anh em được trải nghiệm từ Doom Eternal, Final Fantasy VII Remake cho đến gần đây nhất là Ghost of Tsushima.

Cứ tưởng anh em chơi game trên PS4 và Xbox One năm nay sẽ phải ngồi chờ các hãng game rục rịch cuối năm ra mắt tác phẩm mới trên PS5 hay Xbox Series X, nhưng không, bất chấp đại dịch, lần lượt những game mới ở tầm cỡ xuất sắc vẫn được ra mắt.

Cũng có một cách giải thích là, năm nay vẫn ra game PS4 để chờ đến khi PS5 ra mắt, các studio sẽ rục rịch ra mắt bản patch để game chạy trên PS5 vào cuối năm nay hoặc muộn nhất là đến năm sau sẽ đồng loạt tung ra bản remastered nâng cấp cả chất lượng đồ họa lẫn tốc độ khung hình. Ấy nên mới thấy từ hồi giới thiệu PS5 đến giờ, hễ lúc nào có game mới ra mắt, lên Twitter và Reddit lúc nào cũng thấy có người hỏi là “có nên mua PS4 không hay chờ trò này lên PS5 một thể?”

Và dưới đây là những tác phẩm có thể gọi là hay nhất kể từ đầu năm 2020 đến giờ.


Doom Eternal


Nếu có một danh sách những tựa game với lối chơi điên cuồng nhất, thì có lẽ Doom Eternal phải đứng ở đâu đó ở đầu bảng xếp hạng. Cái trò chơi được mệnh danh là “game kinh dị đối với quái vật” vẫn giữ nguyên phong độ, đóng vai chiến binh bất tử đi chiến đấu với tầng tầng lớp lớp những sinh vật kỳ quái từ dưới lòng địa ngục, không phải những thể loại răng lởm chởm tay dài móng sắc thì biết bay khè lửa, cá biệt còn có vài thành phần lắp cả súng lên tay và đuôi để chiến nhau với Doomguy nữa. Đành rằng anh em là trùm trong mỗi màn chơi với dàn vũ khí chẳng thiếu món nào, nhưng cũng không phải vì thế mà được quyền tự phụ coi nhẹ những con quái vật ấy, nhất là ở những độ khó cao hơn.



Ngày xưa một trong những nhà phát triển phiên bản Doom, John Carmack lừng danh nói một câu khét tiếng như thế này, không rõ anh em đã quên chưa: “Cốt truyện trong game giống như cốt truyện phim người lớn. Cũng cần đấy nhưng chả quan trọng.” Đến tận ngày hôm nay, Carmack vẫn giữ nguyên quan điểm của ông, rằng trò chơi điện tử có thể là một công cụ truyền tải câu chuyện đầy cuốn hút theo cách mà không bộ phim hay TV series nào làm được, vì người chơi chìm đắm vào thế giới ảo trực tiếp qua con mắt của nhân vật chính. Nhưng mà cốt truyện hay để làm gì khi lối chơi không đủ để giữ chân anh em? Đó chính là ý nghĩa câu nói của Carmack.

Và Doom Eternal, giống như một bức thư tình gửi về quá khứ, thời kỳ những game bắn súng góc nhìn thứ nhất đầu tiên được ra mắt. Cốt truyện của phiên bản Eternal vẫn tồn tại, và nếu để ý kỹ thì nó cũng rất cuốn hút. Nhưng nó không phải thứ quá quan trọng bắt anh em phải ngồi xem từng đoạn cắt cảnh dài cả chục phút đồng hồ như nhiều trò chơi khác, mà thay vào đó chỉ điểm xuyết cho vui, thư giãn xem qua cho biết sau những giây phút diệt quái căng thẳng nghẹt thở trong game.

Tinhte_Game1.jpg

Sau thành công của Doom năm 2016, id Software đáng lẽ không cần tốn nhiều chất xám để tạo ra hậu bản Doom Eternal. Bản thân lối chơi của Doom khi ấy đã quá hoàn hảo rồi, không cần phải cố gắng hoàn thiện thêm nữa. Nhưng id Software chọn cách khó. Kết quả là chúng ta có phiên bản Eternal mở rộng cả về quy mô, lẫn lối chơi. Nói nó thừa thãi đến quá mức, đôi khi cũng không phải thậm xưng. Nói nó đủ cơ chế gameplay cũng đúng, mà thừa thì cũng chẳng sai, vì thích chơi theo kiểu nào, tận dụng hết kho vũ khí và trang bị, hoặc chỉ cần lăm lăm khẩu shotgun hai nòng, Doom Eternal cũng chiều được anh em.

Tinhte_Game2.jpg

Quảng cáo


Bản thân việc thiết kế màn chơi cũng phải thay đổi để phù hợp với lượng vũ khí đồ sộ mà anh em có thể mang vào mỗi màn. id Software phải nói là rất thông minh ở khía cạnh này. Muốn sống sót giữa cả chục con quái vật, anh em sẽ phải để ý đến môi trường xung quanh, để nhảy nhót tránh đạn và tránh những con zombie cào cấu. Cảm giác chơi Doom giờ lại giống những màn Quake Champions, khi anh em vừa bay nhảy vừa tặng cho con quái vật dưới chân mình đôi ba viên shotgun. Những màn chơi đều được thiết kế tỉ mỉ, đòi hỏi phải khéo mới vượt qua được mà không mất một HP nào.

Half-Life: Alyx


Valve có một bộ kính thực tế ảo được coi là sản phẩm cao cấp nhất dành cho nhu cầu giải trí, tên là Index. Câu hỏi được đặt ra là bán hàng thế nào khi những trò chơi thực tế ảo hấp dẫn và nhiều người chơi nhất lại chỉ là Beat Saber? Câu trả lời của Valve là một phiên bản Half-Life mới, được nhào nặn tỉ mỉ, đẳng cấp tới mức đủ sức trở thành ứng cử viên danh hiệu game xuất sắc nhất năm. Cũng nhờ Half-Life: Alyx, à mà cũng có thể cộng thêm tác động của đại dịch COVID-19 nữa, nên Valve Index cháy hàng, dù giá của nó chẳng rẻ chút nào, ngót nghét cả nghìn Đô một bộ hoàn chỉnh với kính, tay cầm và cảm biến theo dõi chuyển động.

Tinhte_Game3.jpg

Nhưng nếu tạm bỏ qua câu chuyện cặp kính nghìn Đô sang một bên, chúng ta sẽ thấy Half-Life: Alyx giống như tương lai của Valve vậy. Tất cả những bài học các nhà làm game tại nhà phát triển có trụ sở tại Bellevue, Washington này đúc kết được qua việc phát triển game, cùng những kinh nghiệm từ việc “thử - sai” khi nghĩ ra ý tưởng game mới đều được trau chuốt đến mức không chê vào đâu được, trong một trò chơi chỉ thưởng thức được qua lăng kính thực tế ảo. Từ tác vụ cầm nắm, nhặt đồ, sử dụng vũ khí, ẩn nấp, di chuyển, tất cả đều thông qua cặp controller cảm biến chuyển động, Valve gần như tái định nghĩa hoàn toàn cách một trò chơi VR nên được làm ra sao.

Tinhte_Game4.jpg

Đứng trước cái bóng quá lớn của Half-Life và Half-Life 2, phiên bản Alyx phải làm rất nhiều điều để không trở thành một tác phẩm kệch cỡm ăn theo series game kinh điển. Điều này đồng nghĩa với việc, từ giải đố, khám phá, chiến đấu, lẫn cả khung cảnh của từng màn giao tranh với lũ lính ngoài hành tinh Combine đều được triển khai theo cái cách để khiến anh em thực sự hóa thân thành Alyx Vance, từ đó biến Half-Life: Alyx trở thành một tác phẩm phải thưởng thức đối với fan của Half-Life.

Quảng cáo



Tinhte_Game5.jpg

Mà cũng chưa dừng lại ở đó, Valve, thông qua bàn tay và khối óc của những nhà làm game, cũng tạo ra được một trải nghiệm PHẢI THƯỞNG THỨC trên kính thực tế ảo. Mình dám chắc rằng, khi có bản mod cho anh em chơi Half-Life: Alyx mà không cần kính VR, trải nghiệm sẽ không thể cuốn hút được như khi đeo Valve Index hay chí ít là Oculus Rift để theo bước Alyx Vance trên chuyến hành trình đi cứu cha mình. Và cái cảm giác nghẹt thở né những con Headcrab trong những căn phòng tối tăm chật hẹp sẽ không thể căng thẳng như khi đeo kính VR.

Final Fantasy VII Remake


Những fan trung thành của Cloud Strife có lẽ chờ hơi lâu, chờ qua những 3 đời máy PlayStation mới được trải nghiệm lại tựa game đi cùng tuổi thơ của họ, trên nền đồ họa 3D cao cấp của năm 2020. Nhưng tất cả khoảng thời gian chờ đợi đều là xứng đáng, vì Final Fantasy VII Remake dưới bàn tay của Tetsuya Nomura được lột xác đầy quyến rũ trên cỗ máy PS4.



Câu chuyện một anh lính đánh thuê “cool ngầu lạnh lùng” đi theo một nhóm khủng bố bảo vệ môi trường, trớ trêu thay, gần với đời thực hơn nhiều so với khi game ra mắt lần đầu năm 97. Giữa lúc mọi người hô hào chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu và than đá sang nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thì thứ nhiên liệu giả tưởng “mako” mà tập đoàn Shinra khai thác từ chính “nhựa sống” của trái đất trở nên vô cùng thời sự.

FF7 Remake bất ngờ, không chỉ vì chơi đã tay và hình đã mắt, mà đạo diễn Nomura còn gây tranh cãi trong cộng đồng hâm mộ khi cái kết của FF7 Remake được viết lại. Phải thừa nhận cái kết thúc game rất kịch tính và tham vọng, hệt như cái cách Square Enix phát triển Kingdom Hearts series vậy. Nhưng cũng chính thứ tham vọng muốn tạo ra một bản Final Fantasy VII đúng nghĩa, có chiều sâu và vượt xa những kỳ vọng của anh em gamer, cả fan trung thành từ lâu lẫn những người mới đến với dòng game này đã khiến tranh cãi nổ ra. Đối với mình, cũng hơi buồn một chút khi FF7 Remake không hề giống với bản game gốc, nhưng đi kèm với cảm giác đó là háo hức, rất háo hức khi muốn xem Square Enix sẽ triển khai dòng cốt truyện mới này như thế nào.

Tinhte_Game6.jpg

Điểm cộng lớn nhất của Final Fantasy VII Remake có lẽ chính là lối chơi và đồ họa, còn điểm trừ chính là nội dung của game. Không, không phải nội dung cốt truyện, mà bởi lẽ Square Enix đã dày công tạo ra một thế giới ảo rộng lớn với những khu ổ chuột và khu “phố trên” kết nối với nhau, đáng lẽ họ có thể tạo ra thêm nhiều nhiệm vụ phụ hơn để kéo dài thời gian chơi, cho phép anh em “cày cuốc” thêm vũ khí, trang bị và Materia như trong bản gốc. Trái lại, giống hệt như game gốc, câu chuyện khá tuyến tính, và những nhiệm vụ phụ trở nên khá lạc lõng giữa lúc căng thẳng gay cấn, ví dụ như… đi tìm 3 chú mèo con cho cô bé Betty, bạn của bé Marlene chẳng hạn.

Tinhte_Game7.jpg

Không cần tìm hiểu quá kỹ trước khi bắt đầu đến với FF7 Remake, mà bản thân kết cấu hệ thống vật phẩm và cơ chế chiến đấu của game cũng không quá phức tạp, chỉ cần 30 phút 1 tiếng làm quen là có thể chiến đấu nhuần nhuyễn, thay đổi những thành viên party theo thời gian thực để cùng kết hợp tung chiêu hạ gục những con trùm khó nhằn nhất. Đây là điểm mình thích nhất ở FF7 Remake. Nó không phức tạp hóa, cũng không đơn giản hóa cơ chế chiến đấu, mà trái lại, Square Enix chắt lọc những thứ tinh túy nhất từ những bản Final Fantaxy gần đây (đáng kể nhất là FF XV) và kết hợp chúng với những gì khiến FF VII được yêu mến. Kết quả, chúng ta có những màn chiến đấu vừa đã tay vừa đã mắt.

The Last of Us Part II


Anh em cũng nên đồng ý với nhau một điều rằng, cho dù có phản đối cái cốt truyện nhồi nhét quá nhiều góc nhìn cánh tả, với những nhân vật LGBT hay những lỗ hổng khiến trải nghiệm game không như ý muốn, thì The Last of Us Part II vẫn là một kiệt tác cả về đồ họa lẫn lối chơi. Mình ngồi tham khảo tất cả những ý kiến trái chiều, và tất cả họ đều tranh cãi xoay quanh cốt truyện chứ chẳng mấy khi thấy có người chê bai đồ họa và gameplay.



Từng khung hình, từng cảnh game, không chỉ ở khu trại của những người sống sót tại Jackson, Wyoming mà cả thành phố Seattle đổ nát hậu thảm họa đều gây choáng ngợp, cả về không gian lẫn mức độ chi tiết. Có ai đó từng nói vui, PS4 kêu càng to, game càng đẹp. Có lẽ điều này đúng với TLOU II. Chiếc máy PS4 Pro hoạt động hết công suất, quạt tản nhiệt chạy như động cơ phản lực chỉ để render nên thế giới ảo đầy chiều sâu của game.

Tinhte_Game8.jpg

Bù lại, từ những cánh đồng bất tận xứ Wyoming, những tòa nhà đổ nát khi thiên nhiên giành lại những gì con người xây dựng nên ở Seattle, từng hạt mưa, từng bụi cây ngọn cỏ đều khiến mình băn khoăn một câu hỏi đơn giản, một con chip xử lý cỡ như AMD Jaguar trên PS4 đã như thế này, thì đến cuối năm nay AMD Zen 2 trên PS5 sẽ còn khủng khiếp đến cỡ nào, nhất là về mật độ và mức độ chi tiết vật thể trong game? Cũng không thể bỏ qua thực tế rằng, Naughty Dog là lão làng trong việc thiết kế một tác phẩm choáng ngợp về mặt hình ảnh trên những cỗ máy console của Sony, khi hiếm có đối thủ nào trên thị trường (hay đồng nghiệp ở các studio khác) sánh được với họ.

Trong thế giới ảo của mỗi màn chơi, sẽ có rất nhiều những khu vực anh em không nhất thiết phải vào để qua màn, nhưng chúng là nơi có rất nhiều tài nguyên quý giá còn sót lại, từ cồn, giẻ lau để làm băng gạc hồi máu, cho đến chai lọ và chất nổ để làm bom lửa hoặc giảm thanh tự chế. Có thể thấy Naughty Dog “không sửa cái gì không hỏng”, khi cơ chế craft đồ không khác biệt quá nhiều so với phần 1, chỉ được tối ưu để phù hợp hơn với nhân vật mà thôi.

Tinhte_Game9.jpg

“Liều thì ăn nhiều”, việc chịu khó bỏ thời gian đi tìm những khu vực tưởng chừng không quan trọng như thế sẽ giúp chuyến hành trình của anh em trở nên dễ dàng hơn, khi đạn dược trang bị đầy đủ, thậm chí tìm được cả phụ kiện nâng cấp súng hay những cuốn tạp chí hé mở những kỹ năng bị khóa. Vài câu đố khác liên quan tới những chiếc két sẽ thưởng cho anh em rất nhiều đồ đạc nếu chịu khó đi tìm mật mã. Để khắc họa một thành phố Seattle rộng lớn, những màn chơi được thiết kế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, những tòa nhà chọc trời, những khu phố từng sầm uất, hay những khu chung cư còn lảng vảng bóng dáng vài con zombie điên dại.

Animal Crossing: New Horizons


Nintendo tính toán quá, ra mắt đúng một game mang tính xã hội hóa, cho anh chị em thích những tựa game nhẹ nhàng quản lý cả một hòn đảo giữa mùa đại dịch, mọi người phải cách ly xã hội. Hệ quả là, Animal Crossing: New Horizons trở thành một trong những trò chơi hot nhất nửa đầu năm 2020.

Tinhte_Game10.jpeg

Những anh em thích chơi game kiểu “quản lý nông trại” chắc chắn sẽ hiểu phần nào lối chơi của Animal Crossing: New Horizons, nhẹ nhàng mà rất dễ nghiện. Anh chị em vào vai một nhân vật dễ thương, cai quản cả một hòn đảo. Muốn có đồ sẽ phải kiếm tiền, mà kiếm không đủ tiền thì đi… vay lãi của “trùm bát họ” Tom Nook, rồi nai lưng ra cày cuốc trồng cây lấy quả, trồng hoa câu cá đem bán trả nợ.

Tinhte_Game11.jpg

Nhưng cái hay của Animal Crossing: New Horizons là anh em có thể đi thăm hòn đảo của bạn bè cùng chơi, ấy mới chính là thứ tạo ra sức hút của trò chơi do chính Nintendo tạo ra. Không chỉ chăm chút sao cho hòn đảo và căn nhà của bản thân đẹp nhất, dùng những công thức DIY tạo ra món đồ nội ngoại thất ưng ý, việc sang thăm thú bạn bè cũng là thứ tốn không ít thời gian khiến nhiều chị em cả đêm ôm khư khư chiếc máy Switch. Nói trò chơi này giống như gà ảo thì cũng chẳng sai, vì nó tạo ra một cuộc sống ảo đúng chất mạng xã hội rất nhẹ nhàng mà không hề mệt mỏi.

Ghost of Tsushima


Nói Ghost of Tsushima là một tác phẩm game thế giới mở đầy đột phá thì sai hoàn toàn. Nhưng hà cớ gì chơi hay đến mức không thể dừng lại được như vậy? Câu trả lời cũng đơn giản, Ghost of Tsushima hoàn thiện và ấn tượng hơn nhiều so với Days Gone, hay thậm chí là cả đôi ba bản Assassin’s Creed gần đây nhất, từ đó đem lại cho anh em tác phẩm game độc quyền cuối cùng khép lại thế hệ máy PS4 lừng lẫy 7 năm qua.



Thế giới ảo của hòn đảo Tsushima, thuộc tỉnh Nagasaki của Nhật Bản được tái hiện lại theo cách ấn tượng nhất có thể. Dựa vào những kinh nghiệm sẵn có với những phiên bản Infamous, Sucker Punch tạo ra bối cảnh thế kỷ XII đẹp tới mức mỗi điểm dừng chân, anh em lại muốn ghi lại hình ảnh, cho dù đó là cánh rừng trúc, bãi cỏ lau hay vách núi nhìn ra mặt trời đang lặn.

Từng góc quay, từng khung hình của Ghost of Tsushima tuân thủ một quy tắc duy nhất: Tính điện ảnh. Tất cả những đoạn mã lập trình của game được tạo ra để đem lại cho người chơi cảm giác như đang hòa mình vào một bộ phim hành động, nơi nhân vật chính chống lại hàng nghìn quân Mông Cổ để bảo vệ đất nước. Những màn đấu kiếm với mini boss được thể hiện góc quay đầy kịch tính, mà lúc di chuyển trên hòn đảo rộng lớn trên lưng ngựa cũng đẹp chẳng kém.

Ghost of Tsushima_20200725152600.jpg

Ghost of Tsushima không khó như Sekiro: Shadows Die Twice, nhưng nếu không cẩn thận và chu đáo trong việc thăm dò chiến trường, anh em sẽ bị quân Mông Cổ chiếm đóng ở những đồn trú áp đảo rồi hạ gục dễ dàng. Thay vì chiến đấu đúng chất “quân tử Tàu” như một samurai đích thực, “nhìn vào mắt đối phương khi hạ gục chúng”, Jin Sakai buộc phải áp dụng những chiến thuật mà những samurai khác gọi là “đê hèn”, như đâm lén sau lưng, dùng kunai hay bom khói để ẩn nấp như một nhẫn giả thực thụ. Bản thân lối chơi cũng hòa quyện rất chặt chẽ với cốt truyện của trò chơi, mô tả những dằn vặt của vị “lãnh chúa” phải dùng đến những cách không hề mong muốn để giành được chiến thắng trước những kẻ đã thuộc nằm lòng cách chiến đấu của samurai Nhật Bản để lợi dụng chúng giành lợi thế.

Ghost of Tsushima_20200724021610.jpg

Thứ quan trọng nhất của Ghost of Tsushima là, nó kích thích anh em PHẢI đi khám phá thế giới để mở khóa những hồ onsen tăng máu, những nhiệm vụ phụ với phần thưởng hậu hĩnh để nâng cấp giáp và vũ khí, chứ không chỉ chăm chăm đi làm nhiệm vụ chính tuyến. Cũng thông qua những phần thưởng ấy, game bắt đầu mượn những nhiệm vụ và địa điểm phụ trên bản đồ để mô tả vẻ đẹp hiếm có của game, cùng lúc mô tả luôn được cả hậu quả của chiến tranh tàn khốc đối với người dân, chứ chẳng riêng gì những chiến binh Samurai quả cảm.

Ori and the Will of the Wisps


Kết hợp cả hình ảnh 2.5D cộng với âm nhạc ở mức tuyệt vời, trong phần 2, cuộc phiêu lưu của linh hồn bảo vệ rừng xanh Ori giống hệt như một câu chuyện cổ tích với đầy những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chẳng mấy khi câu chuyện ranh giới và sự cân bằng giữa sự sống và cái chết được mô tả đầy huyền diệu như thế. Nhà phát triển Moon Studios tìm mọi cách để chơi đùa với cảm xúc người chơi bất kể lúc nào họ có cơ hội, thông qua cả cốt truyện Ori chạy đua với thời gian để cứu người bạn của mình, lẫn cả cách chơi đòi hỏi sự tập trung và chính xác cao độ của một game platform giải đố.

Tinhte_Game12.jpg

Mức độ khó nhằn của phần 2 không thua nhiều so với phần 1. Anh em sẽ phải học cách nhảy, nhảy đôi, lộn nhào, lượn, bám vào những bề mặt an toàn, thậm chí phải làm nhiều động tác cùng lúc để qua màn. Anh em có thể sẽ phải chơi lại không ít lần, nhưng dù sao đi chăng nữa, với hệ thống checkpoint mới, Ori and the Will of the Wisps cảm giác vẫn dễ thở hơn nhiều so với phần đầu.

Tinhte_Game13.jpg

Nhờ vào những thay đổi, phần 2 của Ori xuất sắc hơn hẳn phần 1, trong khi những giá trị tuyệt vời của đồ họa và âm thanh lẫn lối chơi đều được giữ nguyên, tạo ra trải nghiệm của một trong những game indie xuất sắc nhất nửa đầu năm 2020.
39 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Lại là Doom 😃
Half-Life.Vẫn là một đẳng cấp.
@thuyhu1996_1996 Vẫn ko = dò mìn
Đang hóng ps5 ra để mua ps4 cho rẻ
TLOU 2 như hạch mà cũng nói hay.
@angle_squall như hạch là như nào ?
@ZungMG thể loại Anti dog hùa đó mà .
mr hung90
ĐẠI BÀNG
4 năm
Già rồi lâu lắm k chơi game
Yahooligan
ĐẠI BÀNG
4 năm
Không có Desperados 3 nhỉ 😃
[Zeus]
CAO CẤP
4 năm
Đợi FF X remake trên PS5. Lâu rồi chưa gặp nàng Yuna.
Amazing TT
ĐẠI BÀNG
4 năm
game nào cũng đẹp phết
vẫn thích doom và halo, lúc trước còn chơi duke nukem nhưng sau này hình như k có ra bản mới
Chờ Cyberpunk 2077 thôi chứ TLOF2 và Ghost of Tsushima ko như kì vọng.
Đang cần 1 game có đồ hoạ như Ghost of Tsushima nhưng combat và độ khó như Sekiro và cốt truyện như The Witcher 3.
@Scorpius DLord Đồ hoạ sekiro mình thấy có 1 khuyển điểm là hiệu ứng ánh sáng thật sự tệ khi làm chói mắt và độ chói nó lan hết cả màn hình.
@Huy †rần sekiro đồ hoạ cũng bình thường, nhưng combat của nó thật sự xuất sắc nên lấn áp hết, cốt truyện cũng ổn
ultratrung
TÍCH CỰC
4 năm
@Scorpius DLord Sekiro chơi nữa tháng chưa gặp được chị bướm, đánh mấy con mini boss mà chết mấy trăm mạng rồi, nhưng mà công nhận chơi sướng tay, combat đã.
phamviet94
TÍCH CỰC
4 năm
Đang chơi Ghost of Tsushima, phải nói là xứng đáng đồng tiền bát gạo.
lehongxuan
TÍCH CỰC
4 năm
Call of duty MW ra từ năm ngoái mà năm nay phải nói là vẫn cực hot 😆
@lehongxuan Hot do nó mở phần chơi mạng free Warzone thôi
Trò Ori phần 1 có độ khó 1 cách vô lý bên trong vỏ bọc đồ hoạ hoạt hình. Cứ ngỡ game cho trẻ em.
Chơi thử để giải trí mà nó khiến mình đau đầu như đi làm tăng ca vậy. Khó chịu.
9864300F-DA4E-4B78-BC48-598C645DCB34.jpeg
longhons
TÍCH CỰC
4 năm
@megatroll Ori mình chơi thấy nó dễ ẹt, có khó gì đâu.
Chơi thử Hollow Knight để cảm thấy thế nào là khó thật sự đi bạn = ))
@longhons tớ chỉ kiếm game giải trí sau giờ làm căng thẳng thôi bạn, ko thích mấy loại hard core lắm, nên ko vui mấy với loại game nhìn tưởng cho thiếu nhi chơi mà người lớn còn toát mồ hôi hột như thế :v . Chắc cũng die cỡ 50 lần nên thấy nó ko hợp để thư giãn lắm :v .
Còn hollow knight thì nhìn thằng bạn tối nào cũng cắm mặt vào cái nintendo switch rồi nó kêu quá khó nhưng gây nghiện, là đủ biết mình ko có thời gian + đủ kiên nhẫn chơi nó rồi 😔 .
convoi9999
TÍCH CỰC
4 năm
Có ai còn chơi vltk mobile như mình ko
Có con bạn làm chung, nó chi hơn 2 ngàn đô để mua đồ trong animal crossing, mà nó xây cái đảo xấu quắc
akb48
TÍCH CỰC
4 năm
Năm nay mua được 3 game :FFVII, TLOU2, RE3.Game nào cũng quá hay, đồ hoạ đẹp nhứt là The Last, Movie chân thực nhứt là FFVII, RE3 hay và kịch tính nhưng hơi ngắn bù lại có hứng chơi lại liên tục để cày platinum.
voe
TÍCH CỰC
4 năm
vẫn chơi csgo nhưng chưa 1 game nào trong này mình chơi vì thấy bt
1Hai Lua1
ĐẠI BÀNG
4 năm
Ori and the Will of the Wisps "when my name was Ori" chết khoảng 700 lần mới thấy được câu đó
The Last of Us Part II gây war dử quá (cá nhân thấy hay)
DOOM phần này chặt chém đã tay hơn nhưng nhìn tạo hình quỷ có vẻ hiền hơn phần trước

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019