Patek Philippe Ref. 2499 "John Lennon", và câu chuyện ly kỳ về chiếc đồng hồ bị đánh cắp

P.W
10/10/2023 13:28Phản hồi: 19
Patek Philippe Ref. 2499 "John Lennon", và câu chuyện ly kỳ về chiếc đồng hồ bị đánh cắp
Ngày 8/9/2023, các trang tin đồ xa xỉ và đồng hồ trên thế giới như Hodinkee và Robb Report đồng loạt đăng tải thông tin nói rằng chiếc Patek Philippe Ref. 2499 Perpetual Calendar Chronograph, thuộc sở hữu của cố nhạc sĩ John Lennon đã được tìm thấy sau rất nhiều năm mất tích.

Nếu có tìm hiểu về đồng hồ, dù chỉ một chút ít, có lẽ, các anh chị em cũng từng nhìn thấy bức hình này. Nó nổi tiếng bởi lẽ, nhân vật chính là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại, với một trong những chiếc đồng hồ đeo tay đáng chú ý nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây. Điều không nhiều người biết, đó là chỉ hai tháng sau khi bức hình này được chụp, Lennon bị Mark David Chapman, một fan quá khích bị bệnh tâm thần, ghen tị và căm ghét lối sống của Lennon hạ sát ngay trước cửa nhà vào ngày 8/12/1980.

tinhte-dongho5.jpg

Từng có thời điểm, chiếc Patek Philippe Ref. 2499 trên cổ tay Lennon trong bức hình trên được coi là bị mất tích, giống như chiếc Daytona tông màu panda mặt số đen trắng của nam tài tử Paul Newman tặng cho bạn trai của con gái rượu, hay chiếc đồng hồ quả quýt Breguet của nữ hoàng Marie Antoinette, bị đánh cắp vào năm 1983.

Nhưng giống hệt như chiếc Rolex của Paul Newman và chiếc đồng hồ của nữ hoàng, Ref. 2499 của John Lennon cũng được tìm thấy, và đi kèm với nó là một câu chuyện ly kỳ liên quan tới việc tống tiền, ăn trộm, và chuyến hành trình của chiếc đồng hồ từ New York đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ Đức đến Geneva, Thụy Sỹ…


Patek Philippe Ref. 2499 ‘John Lennon’


Có lẽ, Ref. 2499 là một trong những chiếc đồng hồ với lịch vạn niên và tính năng bấm giờ chronograph quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của thương hiệu Patek Philippe. Ở cái kích thước đường kính case kim loại quý 37.6mm, Ref. 2499 kết hợp hoàn hảo cả những giá trị cổ điển hơn trăm năm của Patek Philippe, với kích thước của thời hiện đại, dễ đeo. Bản thân chiếc 2499, với chỉ 349 mẫu được sản xuất trong vòng 35 năm, cũng là mẫu lịch vạn niên chronograph được đem ra mổ xẻ phân tích và đánh giá nhiều nhất trong giới chơi đồng hồ.

Còn xét riêng tới chiếc 2499 của John Lennon, có nhiều câu chuyện trước kia chỉ là truyền thuyết vì không có bằng chứng xác thực. Hóa ra những câu chuyện truyền tai nhau ấy lại là chính xác, nhờ vào tài liệu ở tòa án. Chiếc đồng hồ được Yoko Ono mua tặng John Lennon vào ngày sinh nhật thứ 40 của anh, ở cửa hàng Tiffany & Co. ở thành phố New York. Vì thế, ở khung lịch ngày và tuần trăng, có thương hiệu Tiffany & Co. khá rõ ràng.

tinhte-dongho1.jpg

Ngày mua chiếc đồng hồ này của Yoko Ono đồng nghĩa với việc, Ref. 2499 của John Lennon là chiếc thuộc series 4, sản xuất từ năm 1978 đến 1985. Khác biệt lớn nhất của Ref. 2499 Series 4 chính là kính sapphire trên chiếc đồng hồ. Chiếc này được đặt khắc 1 từ duy nhất ở mặt sau case để kỷ niệm bản nhạc đầu tiên Ono và Lennon sáng tác sau một thời gian ly thân. Vì tòa án yêu cầu bảo mật, nên từ đó là gì, không một ai ngoại trừ hai bên nguyên đơn và bị đơn biết.

Vì người chủ nhân yểu mệnh, bản thân chiếc Ref. 2499 của Lennon cũng ở trong tình trạng gần như nguyên bản. Khi nó xuất hiện ở nhà đấu giá Christie's năm 2014, trông nó cứ như mới, dây da cũng là nguyên gốc như lúc mới mua.

Cuộc hành trình của chiếc đồng hồ


Những thông tin pháp lý từ Geneva hé lộ, chiếc Ref. 2499 của John Lennon đến bây giờ vẫn đang là trung tâm của những tranh tụng ngoài tòa án. Một bên là bà góa 90 tuổi Yoko Ono. Và bên còn lại là đơn vị nắm trong tay chiếc đồng hồ bằng những cách tương đối mờ ám, nhưng luôn khẳng định quyền sở hữu của họ đối với chiếc đồng hồ. Rất nhiều chi tiết trong vụ kiện, vì đang diễn ra, nên đang bị tạm che trong các văn bản chính thức, trong đó bao gồm danh sách những cá nhân đã chuyền tay và trao đổi chiếc đồng hồ này kể từ thời điểm nó bị đánh cắp khỏi tư gia của bà Ono. Thông tin duy nhất được hé lộ, đó là bên bị đơn là một cá nhân quốc tịch Italy hiện đang sống ở Hong Kong.

Giờ là lúc chúng ta chèn những dữ kiện quan trọng trong suốt quá trình lưu lạc của chiếc Patek Ref. 2499.

Quảng cáo



Sau khi Lennon qua đời năm 1980, tài sản cá nhân của anh được thu thập và liệt kê, sau đó trở thành tài sản của bà Yoko Ono nắm giữ, trong đó có cả chiếc Ref. 2499.

tinhte-dongho8.jpg
Koral Karsan

Tua nhanh tới năm 2006, người từng là tài xế riêng của bà Ono, Koral Karsan bị bắt giữ vì đã cố tống tiền bà Ono 2 triệu USD. Người này tống tiền bà Ono và đe dọa hé lộ những tấm hình và băng ghi âm với nội dung nhạy cảm, thậm chí còn đe dọa giết hai mẹ con bà Ono. Karsan thậm chí còn khẳng định đã từng có quan hệ tình cảm với bà Ono. Cuối cùng, người này nhận tội và ngay lập tức bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ.

Rồi đến năm 2017, những bằng chứng cho thấy Karsan đã ăn trộm tài sản của Lennon từ tư gia của bà Ono xuất hiện. Đó là thời điểm nhà đấu giá Auctionata, trụ sở tại Berlin vừa phá sản. Và khi thanh lý những tài sản còn lại của nhà đấu giá, các luật sư và cảnh sát phát hiện ra 86 món đồ trong số những tài sản cá nhân từng thuộc về John Lennon trong kho của Auctionata, bao gồm những cặp kính mắt và những trang nhật ký.

Theo Auctionata, khi cảnh sát tra hỏi, nhà đấu giá này cho biết một người tự xưng tên là Erhan G. đã bán những kỷ vật nói trên cho Auctionata, và nguồn mua chính là từ Koral Karsan. Ấy vậy nhưng, trong số những món đồ từng thuộc về John Lennon, không có chiếc đồng hồ Patek Philippe.

Quảng cáo


tinhte-dongho3.jpg

Theo tài liệu ở tòa án Geneve, Karsan đã đưa chiếc đồng hồ của Lennon cho Erhan vào năm 2010, cùng 86 món đồ đã ăn trộm từ tư gia của bà Ono trong khoảng thời gian trước đó vài năm. Đến năm 2013, Erhan liên hệ với Auctionata, và ký thỏa thuận trao quyền cho nhà đấu giá này bán chiếc đồng hồ. Nhưng trong một bức thư khác, Erhan thừa nhận không đảm bảo nguồn gốc chủ sở hữu chiếc đồng hồ, cũng như không dám chắc bà Ono sẽ đệ đơn khiếu nại lên tòa án để đòi lại quyền sở hữu.

Tháng 1/2014, Auctionata đồng ý bán “kín” chiếc đồng hồ này cho một thương nhân người Ý sống tại Hong Kong với giá 600 nghìn Euro, thay vì bán đấu giá công khai. Trong mắt những người trong ngành, vị thương nhân này tương đối khả nghi. Có nguồn tin không chính thức nói rằng vị thương nhân này còn ở trong nhóm tư vấn cho nhà đấu giá Auctionata ở thời điểm ấy, và có thể người này đã lợi dụng vị trí để trục lợi cá nhân. Bên cạnh khoản tiền mặt kể trên, người này còn hứa bán hơn 40 chiếc đồng hồ cổ cho Auctionata để đổi lấy chiếc Ref. 2499.

Vài tháng sau đó, thương nhân người Ý này đem chiếc đồng hồ tới cơ sở Geneve của nhà đấu giá Christie's để lấy thông tin, với mục đích muốn bán chiếc này. Sau khi nhận được chiếc đồng hồ vào tháng 6, đến tháng 9/2014, Christie's liên hệ với luật sư của Yoko Ono để xin thông tin. Nói là bà Ono khi ấy tá hỏa chắc cũng không sai, vì tới tận thời điểm này bà vẫn tin rằng chiếc đồng hồ của chồng vẫn đang nằm trong tủ khóa, ở trong nhà của bà. Chỉ tới khi nhà đấu giá liên hệ, bà Ono mới phát hiện ra chiếc đồng hồ mua tặng chồng 35 năm về trước không còn ở đó.

Theo bà Ono, Karsan là một trong số vài người được tiếp cận căn phòng đó.

tinhte-dongho6.jpg
Chiếc này cũng là Patek Philippe Ref. 2499, nhưng là chiếc vỏ platinum của Eric Clapton

Khi những nỗ lực lấy lại chiếc đồng hồ đang bị tạm giữ ở Geneve của bà Ono khi đang ở Mỹ bất thành, bà quyết định sang thẳng Thụy Sỹ, đệ đơn khiếu kiện tháng 10/2015, khiếu nại để đòi lại quyền sở hữu chiếc đồng hồ từ tay của thương nhân người Ý nọ, khẳng định rằng nó đã bị lấy cắp chứ bà không bán nó cho ai hết.

Ngay sau đó, cả hai bên đồng thuận ký vào thỏa thuận với luật sư và nhà đấu giá, và chiếc Ref. 2499 được ủy thác tạm giữ cho tới khi tòa án đưa ra kết luận cuối cùng. Đó là tình trạng của chiếc Patek Philippe từng thuộc về John Lennon từ năm 2015 tới nay.

Về phần Karsan và Erhan, cảnh sát Đức nhanh chóng truy tố hai cá nhân này. Ở tòa án Đức, Yoko Ono khai trước tòa rằng chưa bao giờ tặng Karsan chiếc đồng hồ như người này khẳng định. Rồi các nhà điều tra Đức đi đến kết luận rằng Erhan phạm tội nhận và tiêu thụ đồ ăn cắp, dù biết nguồn gốc của những món đồ, nhưng vẫn cố bán chúng trước khi tìm đến nhà đấu giá Auctionata.

tinhte-dongho2.jpg

Tháng 8/2017, Ono đưa chiếc Patek Philippe mua tặng chồng vào danh sách những món tài sản bị đánh cắp. Erhan bị kết án 1 năm tù, còn Karsan thì đang lẩn trốn, cả Berlin lẫn Europol đều có lệnh truy nã.

Quay trở lại với vụ khiếu nại ở tòa án Thụy Sỹ. Ono và thương nhân người Ý đưa ra những quan điểm riêng để nhận quyền sở hữu chiếc đồng hồ. Thương nhân người Ý thì một mực cho rằng bà Ono đã tặng Karsan chiếc đồng hồ, và bà Ono chưa bao giờ thông báo cho cảnh sát rằng nó bị đánh cắp. Nhưng kỳ thực, theo lời của bà Ono, bà tặng Karsan một chiếc đồng hồ rẻ tiền vì Lennon sưu tầm quá nhiều, chứ không bao giờ tặng món đồ có giá trị kỷ vật quá lớn như chiếc Ref. 2499. Còn về lý do vì sao bà Ono không liên hệ cảnh sát, bà nói không biết nó bị đánh cắp cho tới khi Christie's liên hệ với bà vào năm 2014, ngay sau đó, bà đã làm mọi cách để lấy lại chiếc đồng hồ.

tinhte-dongho4.jpg

Kết quả phiên xử sơ thẩm, tòa án đưa ra phán quyết rằng Yoko Ono là chủ nhân hợp pháp của chiếc Patek Philippe Ref. 2499, Karsan là người đã đánh cắp nó. Tòa không tìm ra bằng chứng cho thấy Ono chủ động đưa chiếc đồng hồ này cho Karsan, như lời khai của bên bị đơn. Tòa án Thụy Sỹ cũng dẫn lại cuộc điều tra hình sự của cảnh sát Đức, với kết luận 86 món đồ cá nhân của John Lennon đã bị đánh cắp.

Cực chẳng đã, thương nhân Ý dùng đến bài cùn, rằng ai nhặt được thì là chủ nhân của món đồ, nhưng nhanh chóng bị tòa phủ nhận.

Tương lai chiếc đồng hồ sẽ thế nào?


Khiếu nại pháp lý ở Thụy Sỹ còn một lần xử phúc thẩm nữa. Cơ hội của thương nhân Ý nọ không có nhiều. Và có thể bà Ono sẽ lại được đoàn tụ với chiếc đồng hồ bà mua cho chồng.

Giờ Yoko Ono đã 90 tuổi. Đầu năm 2023, bà rời khỏi căn hộ nổi tiếng ở tòa nhà Dakota, Upper West Side, New York, nơi bà và chồng tới ở từ năm 1973. Bà chuyển về sống ở căn nhà mà bà cùng chồng đã xây dựng ở Catskills, bước tiếp theo trong nỗ lực rời xa tầm mắt dư luận kể từ lúc sức khỏe bắt đầu suy giảm. Giờ bà phải ngồi xe lăn, và có người nói là phải có y tá trợ giúp cả ngày. Ở vị thế như thế, có lẽ cũng là hợp lý khi nói rằng không một số tiền nào có thể quyến rũ bà rời bỏ một trong những kỷ vật có giá trị lớn nhất đối với bản thân như chiếc Patek. Chính bản thân những nỗ lực giành lại chiếc Ref. 2499 trong cả thập kỷ vừa rồi của bà Ono đã chứng minh cho luận điểm ấy.

Còn trong khi đó, người con của vợ chồng Ono và Lennon, Sean Lennon cũng có sự nghiệp âm nhạc thành công, không có lý do gì anh từ bỏ món kỷ vật vô giá ấy lấy tiền cả.

Những khiếu nại giữa bà Ono và thương nhân Ý ở Geneve đầu tiên được đưa tin bởi blog pháp lý mang ten Gotham City, rồi được một nhân viên của nhà đấu giá Phillips, Arthur Touchot công bố rộng rãi hơn. Điều kỳ lạ ở đây là vì sao một nhân viên của một trong những nhà đấu giá nổi tiếng nhất hành tinh công bố thông tin này. Ấy là chưa kể, Phillips hoàn toàn không có quyền lợi pháp lý gì liên quan tới chiếc Ref. 2499 của John Lennon cả.

tinhte-dongho7.jpg

Có lẽ đấy là ý đồ riêng của Phillips, đơn vị đã từng bán những chiếc đồng hồ đeo tay đắt giá nhất hành tinh, từ chiếc Patek 1518 thép, rồi tới chiếc Rolex của cựu hoàng Bảo Đại, và gần đây hơn là chiếc Rolex Cosmograph của Paul Newman. Tạm dự đoán, kỳ vọng của Phillips là tòa án sẽ đưa ra phán quyết yêu cầu bán chiếc Ref. 2499, một trong những chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị nhất hành tinh về mặt lịch sử và giá trị.

Nếu vị thương nhân Ý kia, nhờ một cách nào đó, thắng kiện, thì Christie's sẽ sở hữu quyền bán đấu giá chiếc đồng hồ, một điều khoản trong thỏa thuận ủy thác phục vụ công tác xét xử của tòa án. Nhưng từ năm 2015 đến giờ, cũng có vài nhân viên của Christie's, khi ấy có liên quan tới thương vụ người Ý kia bán lại chiếc Patek cho nhà đấu giá, đã nghỉ việc, thậm chí còn sang Phillips làm việc. Điều này có thể khiến việc giải quyết khiếu nại sẽ lại tốn thêm thời gian.

Nhưng, tỷ lệ cao nhất vẫn là, chiếc đồng hồ sau chuyến phiêu lưu đầy kịch tính và ly kỳ, sẽ lại trở về với Yoko Ono và con trai của John Lennon.

Tổng hợp
19 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hãng này nhìn không đẹp và đẳng cấp như hublot nhỉ? Cuộc đời tại hạ chỉ đeo 1 là Apple watch, 2 là hublot, những hãng khác chỉ như phù du
Yakum0.86
ĐẠI BÀNG
9 tháng
@Doãn_Chí_Bình Doãn huynh húp tới cái gì rồi chứ Hublot đã là gì
@hovaqu Nghiêm túc nha bẹn. Hublot nha
@Doãn_Chí_Bình HUblot gọi Pentak bằng cụ cố chắc còn chưa được 😁
vhhai_c3
TÍCH CỰC
9 tháng
@P.W Ông ơi chờ ông lên bài về AMD Fluid Motion tăng gấp đôi FPS mà lâu quá zậy 😄
Khét thật Fluid Motion Frames nó nghiền nát DLSS luôn mà nó lại còn được tích hợp ở cấp độ Driver để card nào cũng dùng được 😥
hieppt88
ĐẠI BÀNG
10 tháng
Đồng hồ đã ngon bá cháy bọ chét, lại trên tay John, xong lại một một đống chuyện vào thế thì bảo sao chẳng đắt. Ko ngạc nhiên nếu sau này nó trở thành chiếc đắt giá nhất thế giới trên các sàn đấu giá.
phuan
TÍCH CỰC
10 tháng
Bài hay quá.
charon666
ĐẠI BÀNG
10 tháng
Chắc là chiếc PP này sẽ quay về với gia đình thôi.
Câu chuyện ly kỳ quá
Quá là li kỳ luôn! Mong nó quay về với gia đình là phải đạo nhất!
Thiết kể PP đơn giản mà đẹp vkl
Thua casio giá 120k vnđ hết.
maicasio
TÍCH CỰC
9 tháng
@ptp49 Casio chính hãng không còn giá 120k đâu. Chỉ có fake Tàu thôi.
Món đồ quá nổi tiếng nên muốn tiêu thụ hàng không rõ lai lịch cũng khó. Bán trao tay chợ đen dễ hơn.

Xu hướng

Bài mới










  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019