Tết 2024 này, ngoài cái điện thoại là vật bất ly thân, thì mình mang về hai món đồ công nghệ để làm việc và giải trí trong khoảng thời gian rảnh rang. Một là chiếc laptop cấu hình cùi vừa đủ gõ văn bản và sửa Photoshop, và hai là Steam Deck. Cơ bản thì mình không thích dùng laptop gaming vì giới hạn kích thước màn hình và sức mạnh phần cứng, vậy là cả thùng máy PC lẫn PS5, hai món đồ hay dùng nhất để chơi game và review game cho anh em xem trên Tinhte đều bỏ lại Sài Gòn.
Cái Steam Deck đời cũ mình mượn của anh Nam Air, với mục đích ban đầu là để tải Like A Dragon: Infinite Wealth. Cứ nghĩ là về nhà cả tháng với gia đình, mỗi ngày chơi chừng 2 đến 3 tiếng là đủ ngốn chừng 60 đến 90 giờ đồng hồ cho game, đủ để viết bài đánh giá chi tiết. Nhưng rốt cuộc mình lại đắm chìm vào những tác phẩm game chơi nhanh, chơi vui và không tốn quá nhiều thời gian cày cuốc: Tetris Effect, art of rally, Need For Speed Unbound, và Hades.
Không có trò chơi nào trong số đó trước đây mình chưa chơi qua, nhưng ưu điểm của chúng, cũng là lý do mình luôn có xu hướng chọn những cái tên kể trên, là lúc nào muốn vào cũng chơi được, không phải ghi nhớ lại cốt truyện hay cách điều khiển. Cá biệt với Tetris Effect và art of rally, khả năng cân bằng cả trải nghiệm lẫn hình ảnh của Steam Deck đều được đảm bảo.
Và đây là vài lý do mình nghĩ Steam Deck giờ vẫn là chiếc PC handheld hoàn hảo với những anh em đã có gia đình, thời gian chơi game không còn dồi dào như hồi trai trẻ.
Cái Steam Deck đời cũ mình mượn của anh Nam Air, với mục đích ban đầu là để tải Like A Dragon: Infinite Wealth. Cứ nghĩ là về nhà cả tháng với gia đình, mỗi ngày chơi chừng 2 đến 3 tiếng là đủ ngốn chừng 60 đến 90 giờ đồng hồ cho game, đủ để viết bài đánh giá chi tiết. Nhưng rốt cuộc mình lại đắm chìm vào những tác phẩm game chơi nhanh, chơi vui và không tốn quá nhiều thời gian cày cuốc: Tetris Effect, art of rally, Need For Speed Unbound, và Hades.
Không có trò chơi nào trong số đó trước đây mình chưa chơi qua, nhưng ưu điểm của chúng, cũng là lý do mình luôn có xu hướng chọn những cái tên kể trên, là lúc nào muốn vào cũng chơi được, không phải ghi nhớ lại cốt truyện hay cách điều khiển. Cá biệt với Tetris Effect và art of rally, khả năng cân bằng cả trải nghiệm lẫn hình ảnh của Steam Deck đều được đảm bảo.
Và đây là vài lý do mình nghĩ Steam Deck giờ vẫn là chiếc PC handheld hoàn hảo với những anh em đã có gia đình, thời gian chơi game không còn dồi dào như hồi trai trẻ.
Thời lượng pin chỉ 3 tiếng, nhưng là quá đủ
Cứ mỗi lần vào chơi Like A Dragon: Infinite Wealth, mình lại tùy chỉnh profile riêng cho trò chơi này từ menu của máy Steam Deck, để từ đó tối ưu cả thời gian chơi lẫn tốc độ khung hình. Cái này mình sẽ đề cập nhiều hơn ở phần tối ưu của lớp dịch mã API đồ họa Proton. Nhưng nói một cách ngắn gọn, thay vì để con chip của AMD bên trong Steam Deck chạy ở TDP tối đa 15W, rồi cứ 1 tiếng là lại hết pin, thì mình chỉnh TDP xuống còn 7W chơi cho được lâu, ấy vậy mà vẫn khóa được tốc độ khung hình 40 FPS ở hầu hết mọi cảnh game.
Cơ bản thì một trò chơi lấy phong cách nhập vai theo lượt như Infinite Wealth cũng không quá phụ thuộc vào tốc độ khung hình, và 40 FPS giờ có lẽ là tiêu chuẩn mới cho những game trên console hay PC handheld, với độ mượt mà hơn hẳn so với 30 FPS truyền thống, khi những công nghệ như màn hình VRR lên ngôi và trở thành chuẩn mực trong ngành.
Nhưng cũng phải nói luôn với anh em, ngay cả khi chỉnh như vậy, thì thời lượng pin khi chơi tác phẩm mới của Sega cũng chỉ loanh quanh 3 tiếng đồng hồ. Nếu chơi những game indie đồ họa đơn giản và nhẹ nhàng thì thời lượng pin sẽ cao hơn một chút. Với nhiều người thì thời lượng pin 2 đến 3 tiếng chắc chắn sẽ là nhược điểm.
Nhưng mà với anh em đã có con cái, thì 3 tiếng đôi khi là quá đủ, thậm chí dư thừa để giải trí sau một ngày làm việc. Bỗng nhiên lúc này nhược điểm của chiếc máy lại trở thành thứ không đáng nhắc tới, hay thậm chí có khi còn là lợi thế. Chẳng hạn như thế này. 9 giờ tối mình cho con đi ngủ. Thay vì lết dậy qua phòng bên cạnh mở máy tính để chơi game như ngày xưa, thì mình vẫn ngồi cạnh con, chơi game với Steam Deck đến khoảng 11h tối rồi cũng đi ngủ. Tắt máy đi trong tình trạng vẫn còn pin, thì có gì để phàn nàn cơ chứ?
Rồi trong những tình huống khác chẳng hạn như lúc rảnh rỗi trốn ra được quán cafe 30 45 phút, vẫn cứ là kịp làm hai ba vòng đua trong art of rally, hay vài lượt Tetris. Điều đó đưa chúng ta đến với cảm nhận thứ hai của mình với Steam Deck trong cả tháng vừa rồi.
Quảng cáo
Đáp ứng nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi
Ban ngày ngồi quán cafe? Đơn giản, chỉ cần tăng độ sáng màn hình lên một chút để nhìn rõ hình ảnh, mà cũng chẳng mấy khi mình phải đẩy độ sáng màn hình của Steam Deck lên quá 75% trong suốt khoảng thời gian trải nghiệm. Thời lượng pin đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trước cả khi máy kịp hết pin thì đã phải đứng dậy để về làm vài việc nhà hay trông con sau giấc ngủ trưa rồi.
Trước Tết về quê vừa dọn dẹp mộ phần các cụ, vừa cúng ông Công ông Táo? Hôm đó chạy xe tuyến cao tốc Hà Nội Hải Phòng chừng hai tiếng là về đến nơi, cũng là một khoảng thời gian hoàn hảo để giải trí thay vì lôi điện thoại ra xem YouTube hay TikTok. Đấy là trong điều kiện anh em không phải chạy xe.
Có một vấn đề mà mình đồng ý, là Steam Deck cũng hơi cồng kềnh, kèm thêm cái vỏ case bảo vệ những nút bấm, màn hình và hai cần analog của máy. Nhưng hiện giờ cũng hiếm có chiếc máy PC handheld nào nhỏ gọn hơn Steam Deck, tạo ra trải nghiệm cân bằng như cái máy của Valve phát triển và sản xuất. Và vì thời gian chơi game bị xé lẻ và phân mảnh thành những khoảnh khắc vừa ngắn vừa rải rác trong ngày, nên mình cũng chẳng để tâm nhiều đến thời gian sạc pin.
Cấu hình không mạnh? Chẳng sao với những game giải trí nhanh
Các kỹ sư và nhà phát triển của Valve đã rất nhiều lần nhấn mạnh rằng chạy đua cấu hình và sức mạnh phần cứng bên trong chiếc máy PC handheld không phải mục tiêu hàng đầu của họ. Trái lại, họ muốn tối ưu cả trải nghiệm sử dụng máy hàng ngày, nhiệt độ thiết bị, thời lượng pin và tối ưu game thông qua Proton.
Quảng cáo
So với Ryzen Z1, Ryzen Z1 Extreme, hay vài con chip Core Ultra thế hệ Meteor Lake mà Intel vừa cho ra mắt thị trường, đương nhiên nếu chỉ xét về sức mạnh xử lý thô, APU mà AMD thiết kế cho Steam Deck thực sự có thể được mô tả bằng cụm từ “yếu”. TDP tối đa 15W của con chip, cùng với việc chỉ sở hữu vỏn vẹn 8 compute unit kiến trúc cũ RDNA 2 khiến cho việc xử lý đồ họa game của Steam Deck không được như kỳ vọng của mọi người.
Đó là thứ mình luôn muốn khẳng định. Steam Deck không hoàn hảo ở mọi khía cạnh, nên không thể khen nó một cách vô lý. Nhưng công bằng là trên thị trường PC handheld hiện giờ, nó là chiếc máy cân bằng nhất.
Chạy đua cấu hình và sức mạnh chip xử lý âu cũng là điều dễ hiểu với các hãng, khi đó là lợi điểm bán hàng để thuyết phục người dùng. Nhưng nếu cho mình chọn giữa Steam OS với con chip “yếu” hơn, hay Z1 Extreme với Windows 11 trên một thiết bị màn hình chỉ vài inch, thì hiện giờ mình chắc chắn chọn Steam Deck.
Trong tương lai nếu như Microsoft tạo ra được một giao diện Windows 11 hay 12 tối ưu tốt cho những thiết bị PC cầm tay với màn hình cảm ứng, thay thế cho cái giao diện chỉ hợp với chuột bàn phím hiện giờ, có thể quan điểm của mình sẽ khác. À còn nữa, Windows 11 cần phải giải quyết vài tác vụ thừa thãi không có tác dụng gì trong việc giải trí, thứ khiến hiệu năng chơi game và thời lượng pin của mấy chiếc máy như ROG Ally hay Legion Go bị ảnh hưởng nữa.
Còn với Steam Deck, hãy đồng ý với nhau là trải nghiệm và thời lượng pin sẽ ổn nếu bỏ ra vài phút điều chỉnh TDP chip xử lý, hay độ sáng màn hình và cả những tùy chọn đồ họa trong game. Nhưng đổi lại, không bao giờ có chuyện anh em có thể trải nghiệm một trò chơi ở chất lượng đồ họa tối đa, nếu là một tác phẩm AAA bom tấn hiện giờ.
Nhưng việc chấp nhận hy sinh chất lượng đồ họa để đổi lấy tốc độ khung hình lại là một sự hy sinh xứng đáng đối với quan điểm cá nhân của mình. Đó chỉ xét đến những game đồ họa đẹp và chân thực. Chứ còn lúc đua xe với art of rally, hay đánh nhau với quái vật địa ngục trong Hades, thì 60 FPS là thứ không thể nào làm khó được Steam Deck. Điều này biến chiếc máy của Valve trở thành món đồ công nghệ hoàn hảo để chơi những tác phẩm game indie hay, không tốn thời gian nhưng lúc nào cũng có tính giải trí cao.
Đôi khi PC có mạnh đến đâu cũng chẳng còn sức ngồi vào bàn máy tính
Hãy đồng ý với nhau rằng, cứ 10 người sở hữu Steam Deck, thì cả 10 đều có một hệ thống máy tính khác, không phải máy bàn chạy Windows thì là MacBook Pro hay những chiếc máy của Apple. Với một sản phẩm mua chỉ để thuần túy phục vụ nhu cầu giải trí, không có cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống như Steam Deck, thì việc anh em người dùng đang có sẵn một cấu hình PC thừa sức chơi game ở độ phân giải 2K hay 4K là điều rất dễ thấy.
Vấn đề nằm ở tâm lý. Đi chơi Tết, hay sau đó là đi làm cả ngày, về nhà ăn cơm rửa chén và làm nguyên một dàn những động tác để cho các bạn bé ở nhà đi ngủ xong, thì không phải ai cũng còn sức lực ngồi vào bàn máy tính, mở máy lên và thưởng thức game.
Vui một chút, đó chính là lý do càng lúc mình càng mất nhiều người bạn ngày xưa “vào sinh ra tử” từ DOTA 2 đến CS:GO, vì cho con đi ngủ xong thì đuối quá, mở điện thoại làm mấy trận Liên Quân là quá đủ cho nhu cầu giải trí cuối ngày.
Còn như đã nói, với tính cơ động rất cao, thì cho dù có cồng kềnh hơn điện thoại di động và Nintendo Switch, Steam Deck vẫn cứ là một lựa chọn hoàn hảo để giữ chân người lớn ở lại với game PC. Đương nhiên vẫn sẽ có những lúc cần tới sức mạnh xử lý của những phần cứng mạnh nhất nhì thị trường máy tính để bàn và máy laptop Windows, nhưng trong những lúc ngồi thư giãn trước khi đi ngủ, có chiếc Steam Deck vừa giải quyết được nhu cầu thèm game của anh em, vừa không hề tạo ra cảm giác “lười ngồi vào bàn máy” như nhiều người đang gặp phải bây giờ, cứ bật nút nguồn lên, vào library chọn game, thì thích ngồi hay nằm đâu cũng chơi được hết.
Proton tối ưu quá ổn, với sự hậu thuẫn của Valve
Proton là cứu cánh hoàn hảo để SteamOS nền Linux còn có cơ hội tồn tại trên thị trường gaming PC. Thứ đáng kinh ngạc, đó là trong nhiều thử nghiệm độc lập, cùng cấu hình Steam Deck, thì SteamOS với lớp chuyển mã Proton chơi game chẳng kém gì Windows 11, thậm chí có lúc còn ổn hơn vì phần cứng không phải gồng gánh những tác vụ của Windows 11.
Proton là thứ chỉ có những người sử dụng Steam Deck hàng ngày mới thấy giá trị, và hiếm khi được nhắc đến trong những bài viết về PC handheld chơi game. Rồi bên cạnh đó, là khả năng tự động ứng dụng những tùy chọn đồ họa phù hợp để chơi mượt game, đã được các kỹ sư nghiên cứu sẵn khi tối ưu hệ điều hành SteamOS, trong quá trình “verify” một trò chơi để nó có tick xanh trên SteamOS. Còn với tất cả những chiếc máy khác, anh em sẽ phải ngồi chỉnh từng tùy chọn đồ họa một cách thủ công.
Và với cái giao diện cực kỳ dễ chịu và nhẹ nhàng, nhờ vào việc là một chiếc PC cầm tay đến từ tập đoàn đang vận hành nền tảng phân phối game lớn nhất hành tinh, Steam, thì việc tải, cài đặt và khởi động game với Steam Deck thực sự là trải nghiệm ưng ý hơn nhiều so với tất cả những chiếc PC handheld khác đang có trên thị trường hiện giờ.